Bùi Giáng là một hiện tượng kỳ lạ nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, nên viết về ông, dù ca ngợi hay công kích, đối với tôi, gần như là điều bất khả. Tập tiểu luận này − tạm gọi thế − chỉ gồm những bài tôi viết về ông, được đăng rải rác, thường là vào các dịp kỷ niệm ngày ông mất, theo yêu cầu của một vài tờ báo mà tôi cộng tác. Viết theo lối lai rai, ngẫu nhĩ tình cờ. Và chỉ có thể viết được như thế thôi. Hình như chưa một ai, trong số những người viết về Bùi Giáng mà tôi được đọc, có thể lường hết được sự hoằng viễn của ông, trong thi ca và tư tưởng, để có thể thấy ông trác việt đến độ nào mà có một tác phẩm tương xứng về ông. Tập tiểu luận này, do đó, chỉ là những cảm nhận mang rất nhiều tính cách riêng tư để sẻ chia với những người có cùng cảm nhận như tôi, khi đọc Bùi Giáng. Và xin bạn đọc hãy nguyên lượng có cái sự vụ rất riêng tư đó.
Khi đọc một tác phẩm biên khảo về triết học hay văn học, tôi thường không bận tâm nhiều chi đến những thứ ngôn ngữ “đao to búa lớn” với các thuật ngữ rối rắm trong đó, mà muốn tìm đâu là cái riêng biệt của tác giả. Chỉ cái riêng đó đối với tôi mới thực sự có giá trị. Bởi vậy, tôi rất dững dưng đối với những loại sách biên khảo theo thể lệ giáo khoa của các giáo sư, học giả, vì hầu như cuốn nào cũng được viết theo một khuôn sáo na ná như nhau, và cũng đều vô vị, nhàn nhạt như nhau, cho dù lý luận có thể rất thuyết phục, lời lẽ có thể rất hùng hồn. Bởi chúng chỉ thuần là sản phẩm của lý tính, nên đều vô hồn và thiếu sức sống như nhau. Một người có đôi chút thông minh chỉ cần thông thạo vài ngoại ngữ, và chịu khó đọc sách triết theo kiểu sinh viên trả bài trong các kỳ thi là có thể cho ra đời được một tác phẩm loại đó rồi. Các học giả xưa nay hầu như đều chỉ viết về triết học, mà ít ai sống cùng triết học. Mà đọc sách triết học là để sống cùng triết học, và dùng nó để tìm một căn cơ an thân lập mệnh, chứ đâu phải để biến nó thành một thứ trang sức tinh thần. Trừ một vài nhân vật thông tuệ, phần lớn học giả đều viết sách triết học hoặc văn học giống như người đang tập lái xe hoặc lái xe chưa vững, hai tay lúc nào cũng phải giữ chặt vô−lăng, và đôi mắt phải đăm đăm nhìn theo lộ trình quy định. Ngồi lên những cỗ xe đó, có nhắm mắt ta cũng có thể hình dung họ sẽ đưa ta đến nơi nào. Cho nên đến khi tình cờ được đọc Bùi Giáng, tôi thấy choáng ngợp như được ngồi trên cỗ xe của một tay đua loại “chịu chơi” siêu hạng đang chạy trên những xa lộ thênh thang không biết đâu là lộ giới. Choáng ngợp nhưng kỳ diệu. Và cuốn hút. Đúng là : “Đùng đùng gió dục mây vần, Cỗ xe triết học tuyệt trần như bay.” (xin cụ Tố Như lượng thứ cho!)
Đọc sách của ông, từ những cuốn tiểu luận ban đầu mang tính giáo khoa như : Một Vài Nhận Xét Về Truyện Kiều, Bà Huyện Thanh Quan, v.v… cho đến những tác phẩm triết học của ông về sau như : Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại, Con Đường Ngã Ba, Lễ Hội Tháng Ba, v.v… tôi như kẻ đang chèo ghe trong sông, rạch, đột nhiên bị lạc ra biển lớn. Những loại tư tưởng mà tôi được đọc, lâu nay vốn nằm chết khô trong mạng lưới lý luận vô hồn của các cuốn sách biên khảo, giờ đây được diễn đạt theo phong cách phiêu bồng thù thắng của một kẻ đang “kỵ kình du Hãn Mạn” trên đại dương ngôn ngữ thượng thừa vô biên vô tế. Đọc ông, tôi có cảm giác được giải thoát, như một người bị nhốt lâu ngày trong nhà tù, nay được tự do hô hấp những làn hơi thật thâm trường, giữa biển trời lộng gió. Cảm giác đó giống như khi tôi đọc tác phẩm của đại sư Vivekanada. Từ đó, những con châu chấu, chuồn chuồn của ông đã âm thầm nhiếp dẫn tôi từng với đi theo dòng ẩn lưu chảy ngầm qua tất cả những tác phẩm của ông, và nối kết cả với những cuốn kinh, cuốn sách mà tôi đọc tản mạn đó đây.
Suốt đời, tôi vẫn luôn xem Bùi Giáng là một trong người thầy vĩ đại đã dẫn dắt mình vào cõi thi ca, tư tưởng bằng phong cách hoằng viễn của một Vivekananda hoặc một Khổng Tử. Ông đã khai mở những phương trời tư tưởng lồng lộng của Shakespeare, Khổng Tử, Heidegger, Nerval, Camus, đặc biệt là Nguyễn Du, v.v…, những phương trời mà nếu không có ông thì những người thuộc thế hệ của tôi khó lòng cảm nhận được. Rất nhiều điều tôi viết lai rai lâu nay đều khởi nguồn cảm hứng từ vài trang kinh Phật hoặc vài trang sách của ông.
Tôi có một cảm nhận hơi cực đoan, là những triết gia nào hoặc những người biên khảo về triết học nào mà không đồng thời là nhà thơ, hoặc không có một cảm nhận thâm thúy về thi ca, thì sách vở của họ luôn khô khan và cũng chẳng giúp được gì nhiều cho ta. Lý trí và lý luận dẫu có xây dựng nên được những cung điện duy lý nguy nga đồ sộ, thì những cung điện đó cũng sẽ đổ nhào qua một câu nói đơn sơ :
Nếu ta không thực hiện nổi cỗi nguồn trường mộng ở nội tâm, thì không bao giờ triết học tiếp xúc được với căn cơ chân chính của nó, dù ta có líu lo trong học hiệu phù hoa với bao nhiêu giọng điệu. (Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại, tập 1, tr.147)
Nếu triết học mà “không tiếp xúc được với căn cơ chân chính của nó” thì có đọc sách mòn hai con mắt, ta vẫn cứ “mang nhiên vô sở đắc”. Phong thái hoằng viễn cùng tư tưởng phóng dật thênh thang và dụng ngữ phi thường của Bùi Giáng là phương pháp giúp ta nuôi dưỡng “cỗi nguồn trường mộng ở nội tâm” để không bối rối trước muôn ngàn giọng điệu líu lo của học hiệu phù hoa vốn dẫy đầy trong môi trường học thuật cổ kim. Những giọng điệu “líu lo trong học hiệu phù hoa” đó giống như những chiêu thức của Đan Thanh tiên sinh hay Ngốc Bút Ông của Mai Hoa Sơn Trang, tung hoành hoa mỹ, làm khiếp đảm những kẻ sơ cơ, nhưng chỉ cần một chiêu kiếm nhẹ nhàng của Lệnh Hồ Xung là tất cả đều biến thành phế vật. Giống như mọi sở tri uyên bác của Hương Nghiêm đều rụng rơi lả tả trước một câu hỏi đơn giản của tổ Quy Sơn, để rồi về sau mới có cơ hội đốn ngộ khi nghe tiếng sỏi chạm vào thân trúc. Những trang sách của Bùi Giáng là chiêu kiếm của Lệnh Hồ Xung, là câu hỏi của Quy Sơn.
Tập tiểu luận này, ra đời vào thời điểm hiện nay, hẳn có đôi chút lạc lõng, khi mà người ta thường nói đến Bùi Giáng, không phải để bàn về thi ca, tư tưởng − là cái ông cần chia sẻ − mà để tán nhảm về cái gọi là “giai thoại Bùi Giáng” − vốn là những thứ mà ông đã gọi một cách khinh bỉ là những “mẩu giẻ rách”.[1] Những cái gọi là “giai thoại” đó đã xúc phạm ông quá nhiều, nhưng ít ai chịu nghĩ đến. Khi ông còn sống, đã có những người viết một số bài nhảm nhí rồi ký tên Bùi Giáng[2]. Khi ông mất, còn có một số người đọc một vài bài thơ ông, hay một vài trang sách của ông, rồi bắt chước “lập ngôn kiểu Bùi Giáng” bằng những thứ ngôn ngữ đại cà sa được cóp nhặt bừa bãi từ các tác phẩm của ông. Thật chẳng khác gì cái tình trạng mà ngày xưa, trong lời tựa cho Kinh Lăng Già, Tô Tử Chiêm đã gọi là “Dư ba mạt lưu, vô sở bất chí.” Lại thêm một vài ông giáo sư giảng dạy triết học đem những thứ kiến thức hàn lâm trường trại ra để chê bai Bùi Giáng. Có lẽ vì họ xem những gì ông viết đều không đúng với cái khuôn khổ của triết học nhà trường theo mẫu mực mà họ được đạo tạo. Mà xét ra, ông có bị chê cũng phải, vì “bất tiếu bất túc dĩ vi đạo”. Những chiêu thức vô chiêu của môn Độc Cô Cửu Kiếm còn khiến đại tông sư võ học như Nhâm Ngã Hành phải ngỡ ngàng, nói chi đến những cao thủ cỡ Dư Thương Hải hay Phong Bất Bình? Đọc sách của các học giả, ta có cảm tưởng giống như Lệnh Hồ Xung học kiếm với Nhạc Bất Quần, phải rập khuôn theo từng chiêu thức mẫu, chẳng khác những con robot đã được lập trình. Đọc Bùi Giáng, ta lại có cảm tưởng giống như Lệnh Hồ Xung học kiếm với Phong Thanh Dương. Kiếm chiêu tùy thuận mà ứng, cứ mặc tình thu phát toàn tùy tâm niệm. Kiếm trong tay Nhạc Bất Quần chỉ là kiếm, kiếm trong tay Phong Thanh Dương là con thần long biến hóa. Triết học trong tác phẩm của các giáo sư, học giả chỉ là cái xác chết khô được ướp bằng đủ loại ngôn ngữ hoa mỹ của tinh thần duy lý, triết học trong tác phẩm Bùi Giáng là con thần long đã điểm nhãn. Đọc những lời chê bai công kích của họ, chắc ở cõi bên kia ông cũng đang bượch cười, như cụ Tản Đà. Ta hãy gác qua sự vụ đó mà hãy tập xách dép theo ông đi bắt châu chấu, chuồn chuồn giữa thảo nguyên bao la của tư tưởng, để cùng Tăng Điểm “dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi quy. 浴 乎 沂,風 乎 舞 雩,詠 而 歸 。” Đọc Bùi Giáng, bỗng dưng ta muốn xa lánh cõi học thuật trường trại sáo mòn mà chỉ thích rủ nhau “tắm sông Nghi, hóng gió nền Vũ Vu, rồi ca hát mà về.” là vậy. Chỉ những tay tài tử tuyệt thế như Bùi Giáng, Lý Bạch, Omar Khayyam, Tô Đông Pha v.v… mới đem lại cho ta cảm giác mênh mang phiêu dật đó mà thôi.
Ta thử nghe Bùi Giáng nói về Heidegger :
.. nói về bọn thiên tài tư tưởng trong cõi nôm na triết học, thì cổ kim chỉ có ông Heidegger mà thôi. Nhưng nếu căn cứ vào những thứ gì lâu nay ta đọc và hiểu về sách vở ông ấy viết ra, thì không sao hiểu rõ ông cụ già ấy trác việt đến trình độ nào….. Heidegger khoác nhẹ một nửa bàn tay đủ lật nhào hai ngàn năm rưỡi tư tưởng triết học Tây phương, và dựng lên một cõi gì chưa có danh hiệu chỉ định. (Con Đường Ngã Ba, tr.47).
Bùi Giáng cũng vậy. Ông đã khoác nhẹ một nửa bàn tay đủ đẩy toàn bộ những công trình biên khảo sách triết học theo thể lệ giáo khoa vào trong bóng tối, và đem Truyện Kiều dựng thành một tòa Tân Thanh lặng lẽ giữa cõi tư tưởng hiện đại để mở rộng tâm thức nhân gian. Tôi linh cảm rằng ông chính là hóa thân của Tố Như đi về giữa trận đồ tư tưởng hiện đại để dùng Truyện Kiều dìu dắt phương Đông đi vào cuộc đối thoại với phương Tây qua Heidegger. Cho nên “nếu căn cứ vào những thứ gì lâu nay ta đọc và hiểu về sách vở Bùi Trung Niên Thi Sỹ viết ra, thì không sao hiểu rõ ông cụ già ấy trác việt đến trình độ nào.”
Khởi đầu với Mưa Nguồn, thơ Bùi Giáng đã tự thành một cõi riêng biệt phiêu bồng. Nhưng ông làm thơ là để phụng bồi cho ngôn ngữ[3], và viết sách về triết học chỉ là để quãng diễn tư tưởng cho những kẻ đăng đường. Cũng như Heidegger, sau một thời gian viết những pho sách đồ sộ để lận đận lý luận với các triết gia phương Tây, lại âm thầm quay về chú giải thơ Hoelderlin. Và điều vô cùng may mắn là Bùi Giáng đã tặng cho chúng ta một bản dịch giải vô tiền khoáng hậu những lời chú giải đó qua Lời Cố Quận và Lễ Hội Tháng Ba , bằng ngôn ngữ du hý thượng thừa. Đó là tặng vật kỳ diệu trong cuộc hôn phối giữa Thi Ca và Tư Tưởng. Khi nghe những bản symphony của Beethoven, piano sonata của Mozart hay violin concerto của Paganini, nocturne của Chopin, đôi khi ta có cảm giác như chúng không phải là âm nhạc của thế gian này, mà như đến từ một cõi khác. Đọc Lời Cố Quận và Lễ Hội Tháng Ba, ta cũng có cảm giác đó. Âm nhạc đó, ngôn ngữ đó hoàn toàn không có dấu tích của sự dụng tâm, mà dường như chúng vọng đến từ một cõi khác. Cõi khác đó có thể là cõi ngoài của một “Giác Duyên vâng dặn ân cần, Tạ từ thoắt đã rời chân cõi ngoài”. Các tay tài tử tài hoa tuyệt tục đó như những con thần long phiêu hốt, ngẫu nhiên ghé về trần gian, đem thơ nhạc làm tặng vật cho cõi người ta rồi phiêu nhiên nhi khứ, như Phong Thanh Dương xuất hiện bất ngờ để truyền Độc Cô Cửu Kiếm cho Lệnh Hồ Xung, rồi tiếp tục cuộc chơi ở cõi ngoài.[4] Cõi ngoài đó là nơi chốn để Khổng Tử “dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi quy.” cùng Tăng Điểm, để Trang Tử rong chơi cùng cánh bướm với “Trang Sinh hiểu mộng vi hồ điệp”, để Tô Đông Pha “Nghi thượng dĩ thành Tăng Điểm phục” với cõi thơ hãn hữu cổ kim, để Bùi Giáng du hý phiêu bồng với “Anh điên mà dzui dzẻ thập thành, Còn chúng tôi tỉnh mà đành buồn thiu” trong cõi Thái Bình Điên Quốc, nên mọi lời công kích hay ngợi ca họ cũng đều như những nhát kiếm chém vào hư không, và mọi thứ lý luận bác học nhì nhằng cũng chẳng khác nào giấc mơ tiêu lộc.
Gần đây, Thư viện Huệ Quang đã làm một công việc đáng trân trọng là cho in lại hầu hết những tác phẩm quan trọng của ông, những tác phẩm gần như đã “tuyệt tích giang hồ” mà nhiều người mong đợi từ lâu. Đó là dấu hiệu đáng mừng của Tư Tưởng đang phục sinh, trong một thời buổi mà Heidegger gọi là : “Điều đáng suy tư nhất trong thời đại đòi hỏi phải suy tư của chúng ta, đó là chúng ta chưa hề biết suy tư! ”
Ta thử nghe ông nói về Heidegger:
Nếu bây giờ chúng ta thử bỏ ra khoảng chín mươi chín năm đọc lại Heidegger, ắt là chúng ta sẽ dần dà nhận thấy rằng: cái hạt giống mong manh mà Heidegger đã gieo vào mảnh đất Siêu Hình Học Âu Châu, cái hạt giống bé bỏng đó quả thật đã manh nha mọi thứ cây cối đồ sộ, mà về sau thiên hạ sẽ thi đua nhau về leo trèo hái ngắt mọi thứ hoa quả và có thể tưởng lầm rằng hoa quả ấy là của riêng mình trồng trọt ra, chứ chẳng phải của ông Heidegger hoặc Martin gì ráo! (Thi Ca Tư Tưởng, tr.42−43).
Ta có thể dùng những lời đó để nói về chính Bùi Giáng :
Nếu bây giờ chúng ta thử bỏ ra khoảng chín mươi chín năm đọc lại Bùi Giáng, ắt là chúng ta sẽ dần dà nhận thấy rằng: cái hạt giống mong manh mà Bùi Giáng đã gieo vào mảnh đất thi ca tư tưởng Việt Nam, cái hạt giống bé bỏng đó quả thật đã manh nha mọi thứ cây cối đồ sộ, mà về sau thiên hạ sẽ thi đua nhau về leo trèo hái ngắt mọi thứ hoa quả, và có thể tưởng lầm rằng hoa quả ấy là của riêng mình trồng trọt ra, chứ chẳng phải của ông Giáng, hoặc ông Bùi gì ráo!
Bùi Giáng đã khai mở một thông đạo dị thường cho tư tưởng để giúp ta đón nhận được nhiều dư hưởng mênh mông khác từ bốn phương vọng lại, nếu ta thực hiện được “cỗi nguồn trường mộng ở nội tâm” bằng những suy niệm chân thành. Đọc ông, ta thấy tất cả những tư tưởng kim cổ Đông Tây, vốn tưởng chừng như “rạc rời vó ngựa quá quan” trong các cuốn sách biên khảo, đều được quy về một mối, qua những lời bàn lúc thì trầm ổn, lúc thì phiêu hốt, lúc thì bỡn cợt bông đùa, lúc thì bàng bạc chất thơ; giống như kiếm pháp vô chiêu của Ðộc Cô Cầu Bại, tưởng chừng như không có khuôn khổ nhất định nhưng lại thâu hóa được tất cả kiếm pháp trong thiên hạ vào một mối để biến thành những chiêu thức của chính nó. Bùi Giáng đã thổi hồn vào những trang sách bằng trí tuệ phi thường, nên đọc ông, nhiều lúc ta có cảm giác như đang tận hưởng buổi đại yến của âm nhạc trong những bản symphony của Beethoven, dưới bàn tay điều khiển của nhạc trưởng Karajan. Trong giàn nhạc vĩ đại đó, mỗi nhạc cụ đều chơi theo giai điệu riêng, nhưng tất cả đều được kết hợp hòa hài trong bản Giao Hưởng Tư Tưởng Vĩ Đại. Những viên sỏi, hòn đá tầm thường trong tay ông cũng dễ dàng biến thành châu ngọc. Thế nhưng :
Định mệnh của những tư tưởng hoằng viễn xưa nay, vẫn mãi mãi là như thế. Những kẻ gieo giống chả bao giờ thấy cây mọc, chẳng bao giờ thấy đâm hoa kết quả, chẳng bao giờ thu hoạch mùa màng. Họ chỉ phụng bồi cho cuộc gieo hạt, và hơn nữa, phụng bồi cho cuộc soạn sửa gieo hạt mà thôi. (ibid.)
Bùi Giáng “chỉ phụng bồi cho cuộc gieo hạt, và hơn nữa, phụng bồi cho cuộc soạn sửa gieo hạt”, đó cũng là thể điệu hoằng viễn “thuật nhi bất tác” của Khổng Tử, hay “chung thân ngôn vị thường ngôn” của Trang Tử. Và tập tiểu luận này cũng liều lĩnh thử gieo thử một vài hạt mầm xuống những luống đất màu mỡ mà ông đã khai phá cho cuộc gieo hạt, như một niềm thâm tạ. Và mong chờ nhiều hạt mầm khác phong phú hơn nữa sẽ gieo xuống, trong mai hậu.
Đầu xuân 2018
[1] Cf. “Nói một đường, bạn bè nghe ra một lối. Rồi giận, rồi cười, rồi chế giễu, rồi ngợi khen. Rồi sau rốt chạy ra bốn ngõ kể lại cho nhau nghe những cái mẩu giẻ rách ta gọi là mẩu “giai thoại” về họ, lúc để chế giễu, lúc để ngợi ca.” (Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại, tập 1, tr.339). Xin xem thêm bài “Bùi Giáng và nỗi đau hội thoại” trong tập tiểu luận này.
[2] Xem Lễ Hội Tháng Ba, tr. 91.
[3] Cf. “Khi lịch hành đến cuối đường, tư tưởng sẽ biến thành thơ nhạc mênh mông, còn ngôn ngữ đứng trước hiểm hoạ lập ngôn sẽ tự thân biến thành chi ngôn trong những nếp gấp riêng biệt thượng thừa của nó để tựu thành cái vô ngôn, cái l’impensé trong tư tưởng.” (Huỳnh Ngọc Chiến, Trúc Thanh Tập, tr.84, nxb Thời Đại, Sài Gòn, 2011)
[4] Xin xem truyện ngắn Người Tử Sinh, ở cuối tập tiểu luận này.
Thảo luận