Như đoạn trước đã đề cập, tôi vì cố gắng đọc cho thông cuốn Sein und Zeit của Heidegger nên mới bắt đầu theo học triết học. Nhiều năm qua, tôi nhiều lần đọc đi đọc lại tác phẩm đó cùng những tác phẩm khác của ông, càng đọc càng tin chắc rằng Heidegger là tư tưởng vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Nhưng đồng thời, ông cũng là một tác gia luôn đem lại phiền toái, và gây nhiều nỗi khó khăn cho người đọc.
Đánh giá tư tưởng triết học của Heidegger, bất luận là ai cũng quan tâm đến vấn đề chủ nghĩa phát-xít. Năm 1933, sau khi chính quyền phát-xít thành lập không lâu, Heidegger đảm nhận chức hiệu trưởng đại học Freiburg, đồng thời gia nhập tổ chức phát-xít, được gọi là “hiệu trưởng chiến đấu”, tích cực tham gia vào các hoạt động bao vệ tổ chức phát-xít này. Đây là sự thực không thể tranh cãi. “Vấn đề Heidegger” đã được nhiều người bàn luận, tạo thành một khuyết điểm lớn trong cuộc đời của triết gia này. Ông không những là một đảng viên phát-xít, mà còn là người tích cực ủng hộ chủ nghĩa phát-xít. Đây là sự thực quá rõ ràng, không cần phải tranh luận nữa. Nghiên cứu tư tưởng Heidegger thì không thể tách rời chủ nghĩa phát-xít, nhưng cần phải phân biệt điều đó có phải là tư tưởng bản chất của ông, hay là do ông nhất thời hồ đồ?
Đồng thời cũng phải thừa nhận rằng Heidegger tuyệt nhiên không phải là người ủng hộ chính sách kỳ thị người Do Thái. Chung quanh Heidegger hầu hết đều là người Do Thái, nếu như mang tư tưởng kỳ thị thì cuộc sống của ông đã hoàn toàn mất tự do rồi.
Đầu tiên là thầy của ông, triết gia Husserl (1859 − 1938), rồi đến các sinh viên như Karl Löwith (1897 − 1973), Herbert Marcuse (1898 − 1979), Hans Jonas, Hannah Arendt. Cùng thời với ông còn có tư tưởng gia Georg Lukacs (1885 − 1971), Ernst Cassirer (1874 − 1945), Ludwig Wittgenstein (1889 − 1951), v.v… đều là người Do Thái. Sinh viên xuất sắc của ông mà không phải là người Do Thái có lẽ là hai người Hans-Georg Gadamer và Oscar Becker. Về điểm này, chủ trương của Heidegger hoàn toàn khác biệt với tư tưởng của A Nhĩ Phất Lôi Đức. La Lâm Bảo 阿 爾 弗 雷 德. 羅 林 堡[1] về tính ưu việt của dân tộc Đức.
Đương nhiên, chuyện không kỳ thị người Do Thái hoàn toàn không làm giảm bớt tội của Heidegger trong việc bảo vệ chủ nghĩa phát-xít. Với tư cách là người ủng hộ Hitler và chính đảng phát-xít, muốn thực hiện cuộc cách mạng thế giới, những sự kiện chính trị không thể nhầm lẫn như thế không sao xóa bỏ được. Nhưng trên thực tế, vì Lực lượng Bão Táp do Ernst Röhm[2] lãnh đạo bị thất thế, nên rốt cuộc vẫn không thấy Heidegger thực hiện lý tưởng chính trị gì. Có thể thấy trên lĩnh vực chính trị, Heidegger vẫn chỉ là người ngoại cuộc.
Nhưng tụ tập đông đảo người Do Thái bên cạnh mình cũng không có nghĩa là Heidegger xem trọng và đặc biệt chiếu cố đến họ. Vào lúc bấy giờ, sau Chiến Tranh Thế Giới I, địa vị người Do Thái trong xã hội trở nên quan trọng, những người Do Thái quanh Heidegger là những “người Do Thái bị đồng hóa”, tức là những người Do Thái đã bị xã hội Đức đồng hóa hoàn toàn. Ở châu Âu, sau cuộc đại cách mạng nước Pháp, người Do Thái cũng có được quyền công dân bình đẳng. Tại các nước sử dụng tiếng Đức, số người Do Thái bỏ đạo Do Thái để cải đạo sang Cơ Đốc giáo cũng khá đông.
Đầu thế kỷ 19, những người Do Thái bị đồng hóa, thuộc thế hệ thứ nhất xuất thân từ những khu dân cư Do Thái, đã tham gia vào ngành tài chính rất sớm, và tích lũy được rất nhiều của cải. Thế hệ thứ hai, vì không thể nào tham gia được vào các lĩnh vực chính trị và quân sự để gầy dựng sự nghiệp nên phần đông họ tham gia vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Môn đồ của Heidegger phần lớn là những phần tử trí thức tôn sùng chủ nghĩa thế giới trong cộng đồng những “người Do Thái bị đồng hóa” thuộc thế hệ thứ hai đó. Trước Chiến Tranh Thế Giới I, “người Do Thái bị đồng hóa” muốn tìm một chân giảng dạy tại đại học cũng khá khó khăn, bởi vì đa số bọn họ đều xuất thân từ những gia đình giàu có, tiếp thu được một nền giáo dục tốt, cho nên khi gặp nạn tại các các nước Đông Âu mà chạy sang nước Đức thì đa số đều còn giữ truyền thống “người Do Thái phương Đông”, khác biệt với văn hóa châu Âu.
Sau Chiến Tranh Thế Giới I, những người Do Thái bị đồng hóa đó đã tạo thành một cộng động lớn mạnh tại các nước Âu Mỹ. Họ quốc tế hóa mạng lưới giao dịch tài chánh, khiến cho tư bản nội địa nước Đức phải chịu lép vế do phải vật lộn khó khăn trong tình cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế với hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ,. Vì vốn của gia tộc James Warburg và Rothschild phân bố trùm khắp các quốc gia Mỹ, Anh, Pháp, Ý, cho nên vốn của nước Đức không thể nào là đối trọng được. Thêm vào đó, những người Do Thái tỵ nạn không ngừng đổ vào nước Đức, khiến tâm lý oán hận người Do Thái của dân tộc Đức ngày càng dâng cao, có thể thấy chủ nghĩa bài Do Thái của nước Đức không phải là không có nguyên nhân.
Lực lượng Bão Táp đã tấn công, đốt cháy một số cửa hàng của người Do Thái, và được một bộ phận dân chúng ủng hộ. Điều này diễn ra không chỉ vì những người đó tin vào thuyết “dân tộc Đức thượng đẳng”, mà còn một ly do nữa, đó là người Do Thái chiếm lĩnh hầu hết thị trường, thâu tóm vốn liếng, khiến người Đức đâm ra bất mãn, nên quay sang ủng hộ chủ nghĩa phát-xít. Vấn đề này hầu như vẫn là chuyện cấm kỵ, sau Chiến Tranh Thế Giới I, rất ít người bàn tới, mong rằng sau này sẽ có người phân tích sâu vấn đề này từ góc độ kinh tế.
Có một thời gian rất dài Heidegger im hơi lặng tiếng, không những ít cho ra đời những tác phẩm mới, mà rất hiếm khi xuất hiện trước báo chí hoặc giới học thuật. Năm 1927, đột nhiên ông cho xuất bản tác phẩm Sein und Zeit, khẳng định ngay được vị trí rất cao của bản thân trong giới triết học. Tác phẩm đó gây nên một tác động mạnh mẽ, được gọi là “đã làm thay đổi tình hình triết học nước Đức.”
Do đó, Sein und Zeit tập I được xem là trước tác chủ yếu của ông, trong đó tư tưởng trung tâm là phân tích vấn đề tồn tại của con người (tức Dasein[3]), bản thân ông được gọi là triết gia tồn tại chủ nghĩa.
Trong lần đầu tiên xuất bản, Heidegger đã nhấn mạnh mục tiêu cơ bản của tác phẩm đó là “vấn đề cơ bản của tồn tại luận”, tức “nghiên cứu ý nghĩa của tồn tại nói chung”. Đối với việc phân tích cấu trúc Dasein thì đây chỉ là bước chuẩn bị mà thôi[4]. Cái gọi là “ý nghĩa của tồn tại nói chung” tức “từ ‘tồn tại nói chung’ có nghĩa là gì” chứ không chỉ giới hạn trong vấn đề tồn tại của con người.
Chủ đề của Sein und Zeit là phân tích Dasein, nhưng đó lại là tác phẩm chủ yếu của Heidegger, cho nên xem ông là triết gia tồn tại chủ nghĩa là điều sai lầm. Nhưng cho đến nay, hơn một nửa những nhà nghiên cứu Heidegger đều bảo vệ quan điểm đó, thậm chí hiện nay vẫn còn rất nhiều người cho điều đó đúng.
Vì sao đến tận hôm nay vẫn còn quan điểm sai lầm đó? Bởi vì Sein und Zeit là tác phẩm còn dở dang, phần luận giải then chốt nằm ở phần sau vẫn chưa được xuất bản, nên người đọc mới đưa ra kết luận như trên.
Nhưng nếu đọc kỹ những tác phẩm luận giải của ông trong thập niên 20 của thế kỷ 20, ta sẽ thấy đó là quan điểm sai lầm. Nếu ta kết hợp với quá trình hình thành tư tưởng của Heidegger để khảo cứu thì sự thất được phơi bày rất rõ ràng.
Heidegger chào đời ở vùng quê Meßkirch, thuộc thành phố Baden-Württemberg, nước Đức. Nơi đây là khu dân cư của thiểu số tín đồ Thiên Chúa giáo, cha ông phụ trách công việc của giáo hội. Sau khi tốt nghiệp cấp hai, ông được giáo hội cấp học bổng để học tiếp cấp ba, dự định là sau khi tốt nghiệp, ông sẽ là một tu sĩ. Nhưng do thể chất yếu đuối hay bệnh nên nguyện vọng đó không thực hiện được, cuối cùng ông phải theo học thần học tại đại học Freiburg. Một năm sau, ông chủ yếu sang học triết học, bất chấp gia đình phản đối. Theo lời đồn thì khi còn học cấp ba, ông nhân đọc được luận án tiến sỹ Von der mannigfachen Bedeutung des Seienden nach Aristoteles (Bàn về ý nghĩa đa dạng của tồn tại theo Aristotle) của Franz Brentano (1838 − 1917) mà nảy sinh hứng thú với triết học. Công trình đầu tay của Heidegger là nghiên cứu về Aristotle.
Năm 1913, cậu sinh viên Heidegger 24 tuổi hoàn thành luận văn tốt nghiệp “Die Lehre vom Urteil im Psychologismus. Ein kritisch-theoretischer Beitrag zur Logik” (Học thuyết phán đoán trong tâm lý học: Một đóng góp quan trọng về mặt lý thuyết cho logic). Theo hồi ức của chính Heidegger thì trong thời kỳ sinh viên, ông đã đọc các tác phẩm của Hölderlin, Nietzsche, Kierkegaard, Dostoievsky, Rilke (1875 − 1926), Georg Trakl (1887 − 1914), Wilhelm Dilthey (1833 − 1911), v.v… và cảm động sâu sắc. Tại nước Đức lúc bấy giờ, Dostoievsky toàn tập bằng tiếng Đức được xuất bản năm 1905, Kierkegaard toàn tập bằng tiếng Đức được xuất bản năm 1909; tiếp theo đó, đến năm 1910 thì các tác phẩm của Rilke và toàn tập tác phẩm Der Wille zur Macht của Nietzsche ra đời. Di cảo của Nietzsche đã gây một ảnh hưởng cực kỳ to lớn đối với Heidegger.
Vào thời điểm đó, trong khoa triết học của đại học Freiburg có Heinrich John Rickert (1963 − 1936) là đại biểu chủ chốt của chủ nghĩa Kant mới. Còn Schneider, giáo sư trực tiếp của Heidegger, là một giáo sư không tên tuổi. Năm 1915, ở vào tuổi 26, Heidegger đệ trình luận văn Die Kategorien- und Bedeutungslehre des Duns Scotus (Các phạm trù và ý nghĩa luận của Duns Scotus) để có đủ tư cách làm giảng viên, và bắt đầu công tác giảng dạy. Vào giai đoạn đó, những ai đọc tác phẩm Aristotle thường phải thông qua lời chú giải của triết học kinh viện, với Thomas Arquinas là người đứng đầu. Luận văn của Heidegger là một mắc xích trong chuỗi khảo cứu Aristotle theo nghĩa đó.
Năm 1916, Heinrich John Rickert rời đại học Freiburg để đến giảng dạy tại đại học Heidelberg, người đến đại học Freiburg nhậm chức tiếp theo là Husserl của đại học Göttingen. Husserl là người khởi xướng hiện tượng học. Lúc đó, Heidegger đã từng đọc qua tác phẩm của Husserl, kiến thức được mở mang rất nhiều, nên khi Husserl đến nhậm chức tại đại học Freiburg thì đó là điều ông mơ mà không được. Về sau, ông theo vị giáo sư này để học hiện tượng học.
Thoạt tiên, Husserl đối với Heidegger không mấy nhiệt tình, nhưng sau khi Heidegger giải ngũ, quay về lại đại học Freiburg thì Husserl bắt đầu thay đổi thái độ, đối với Heidegger vô cùng quý mến, xem như là truyền nhân của mình về hiện tượng học.
Nhưng bản thân Heidegger lại không hề có ý đó. Theo ông, Husserl chuyển từ toán học sang triết học thì công phu triết học của bản thân ông ta không được thâm hậu. Heidegger chỉ muốn theo Husserl để học hỏi về hiện tượng học, cho nên tôn vinh vị trí của ông ta trong lịch sử triết học. Vào khoảng năm 1920, ông cùng Karl Theodor Jaspers giao du rất thân thiết.
Trong giai đoạn này, giữa Husserl và Heidegger có cách lý giải hiện tượng học khác nhau. Xem trong bộ Bách khoa toàn thư Britannica sẽ thấy nhiều điểm thú vị.
Năm 1915, sau khi Heidegger cho ra đời tác phẩm Die Kategorien- und Bedeutungslehre des Duns Scotus thì chung quanh ông phát sinh nhiều chuyện lớn. Năm thứ hai, bộ môn triết học Thiên Chúa giáo trong khoa Thần học của đại học Freiburg khuyết một chân giáo sư, Heidegger rất kỳ vọng mình sẽ được chọn vào vị trí đó, bởi vì xét về xuất thân thì ông là người có nhiều ưu thế hơn cả. Nhưng kết quả lại không như mong đợi.
Từ năm 1907 về sau, tổ chức Thiên Chúa giáo chia thành hai phe chung quanh vấn đề chủ nghĩa hiện đại. Hai bên đấu tranh kịch liệt, làn sóng ảnh hưởng lan đến đại học Freiburg. Hiển nhiên Heidegger đứng về phe chủ nghĩa hiện đại chống đức Giáo Hoàng, cho nên không thể chọn ông vào chức vụ giáo sư để giảng dạy thần học Thiên Chúa giáo được. Có thể còn một lý do khác nữa, đó là ngay từ lúc đầu, Heidegger đã dần tách lìa khỏi mối quan hệ với phe Thiên Chúa giáo của đại học Freiburg.
Mặt khác, bắt đầu từ khoảng đầu năm 1917, đại học Marburg và đại học Göttingen − vốn là các trường có khoa thần học Tin Lành sớm nhất ở nước Đức − sau nhiều lần tìm Husserl, đã mời Heidegger đảm nhận giảng dạy bộ môn triết học Trung Cổ và hiện tượng học. Đương nhiên, cứ mỗi lần mời là họ đều thẩm tra mối quan hệ của Heidegger với giáo hội Thiên Chúa giáo. Cũng có thể là như vầy do hoàn toàn tuyệt vọng trước chân giáo sư thần học tại đại học Freiburg, Heidegger thấy thuận lợi khi nhậm chức tại đại học của giáo đoàn mới, nên ông tự động cắt đứt mối quan hệ với các nhân vật trong giáo hội Thiên Chúa giáo.
Cũng đồng thời từ thời kỳ này, Heidegger không ngừng khảo cứu Aristotle, và bắt đầu duyệt lại tư tưởng của Paul, Augustine, Martin Luther cùng Kierkegaard, v.v… Vào năm 1919, một nhân vật đại biểu của tân chính thống thần học, xuất thân là mục sư, tên Karl Barth (1886 − 1968), cho xuất bản cuốn Der Römerbrief (Thư gởi người La-Mã), tác phẩm này gây một ảnh hưởng cực kỳ quan trọng với Heidegger. Tiếp cận thần học của Tin Lành một cách có ý thức, có mục đích, chỉ một điểm đó thôi cũng đủ khiến cho người đời chán ghét Heidegger rồi.
Trong thời kỳ đó, Heidegger chuyển mối quan tâm từ Thiên Chúa giáo sang Tin Lành, phần lớn là tập trung vào thần học. Năm 1921, ông viết thư cho Karl Löwith, nội dung có đoạn sau :
Không cần phải đem tiêu chuẩn của một triết gia sáng tạo ra để đánh giá tôi, tôi chỉ là một nhà thần học Cơ Đốc giáo.
Mãi đến năm 1922, Heidegger mới được mời giảng dạy tại các trường đại học Göttingen, Königsberg và Marburg. Trong các trường đại học đó, đại học Marburg từ năm 1919 đã bốn lần mời Heidegger giảng dạy chính về triết học Trung Cổ. Lần nhậm chức này, Heidegger là người thay thế Paul Natorp, một triết gia thuộc trường phái tân-Kant của học phái Marburg, có nghĩa là ông đã được chọn để làm giáo sư về môn hiện tượng học.
Nhưng kể từ năm 1915, khi Heidegger đệ tình luận văn Die Kategorien-und Bedeutungslehre des Duns Scotus về sau, ông lại không có tác phẩm nào. Khi được hỏi “trước mắt liệu có chuẩn bị được tác phẩm nào không”, ông bèn đem những bài giảng vào học kỳ mùa đông trong các năm 1921-1922 chỉnh lý thành một bài báo cáo, nhan đề Phänomenologische Interpretationen zu Aristoteles (Giải thích Aristotle bằng hiện tượng học), rồi chia làm hai phần để gửi cho Paul Natorp ở đại học Marburg và Georg Misch ở đại học Göttingen. Tài liệu này thường được gọi là Báo cáo Natorp. Suốt một thời gian khá dài sau đó, hai phần bản thảo đó không biết lưu lạc về đâu. Về sau, phần bản thảo gởi cho Georg Misch được phát hiện, và được in trong Niên giám Dilthey cuốn 6.
Theo truyền thuyết thì lúc bấy giờ, mặc dầu Georg Misch tuy rất thích phần báo cáo của Heidegger, nhưng văn phong thể hiện cá tính quá mạnh mẽ khiến ông này phải dè chừng, nên cuối cùng phải chọn một ứng viên khác. Paul Natorp của đại học Marburg đánh giá bản báo cáo rất cao, nên qua năm sau, tức 1923, ông bổ nhiệm Heidegger làm trợ giảng. Từ đó, Heidegger chuyển lĩnh vực học thuật của mình sang đại học Marburg.
Khi về già, Heidegger gọi Báo cáo Natorp là bản thảo đầu tiên của Sein und Zeit. Nhưng nhìn vào toàn bộ bản báo cáo, làm thế nào mà một bản báo cáo về Aristotle lại có thể biến thành bảo thảo cuốn Sein und Zeit, điều đó không khói khiến ta nảy sinh nghi vấn.
Bản báo cáo đó chủ yếu là phân tích và giải thích cặn kẽ các tác phẩm Tự nhiên học, Siêu hình học cùng Những bài giảng đạo đức cho Nicomachus của Aristotle, chứ chẳng hề có liên quan gì với tác phẩm Sein und Zeit mà ta được đọc ngày nay.
Tuy nhiên, từ “hiện tượng học” trong nhan đề “Giải thích Aristotle bằng hiện tượng học” thật khiến người ta khó hiểu. Trước thời điểm đó, hễ ai nghiên cứu Aristotle đều phải dựa trên lời chú giải của triết học kinh viện, với Thomas Aquinas là người đứng đầu. Heidegger muốn thoát khỏi truyền thống Thiên Chúa giáo để đọc trực tiếp Aristotle. Chẳng có gì khó để thấy rằng Heidegger đã mang ý định thoát ly Thiên Chúa giáo.
Nhưng nếu xem Báo cáo Natorp là bản thảo của Sein und Zeit thì ta phải thay đổi hoàn toàn cách đọc Sein und Zeit.
Mùa thu năm 1923, Heidegger đến nhận công tác tại đại học Marburg. Nhưng trong thời kỳ còn ở đại học Freiburg, Heidegger tựa hồ như không có một luận văn nào, mà toàn là những bài giảng sinh động thông qua đối thoại giữa thầy trò, khiến rất nhiều người trên cả nước do hâm mộ tìm đến nghe. Trong nhóm bốn, năm người do Karl Löwith dẫn đầu cùng đến đại học Marburg thì về sau, Hans-Georg Gadamer trở thành học trò của Heidegger. Ngoài ra, vào lúc Heidegger mới đến nhận chức còn có Miki Kiyoshi là một sinh viên người Nhật do hâm mộ danh tiếng ông mà tìm đến nghe giảng. Năm 1924, cô sinh viên xinh đẹp người Do Thái mới 18 tuổi là Hannah Arendt theo học tại đại học Marburg. Dù lúc đó đã có vợ con, nhưng vị giáo sư 35 tuổi này lại mở đầu cho một thiên tình sử thầy trò.
Lúc bấy giờ, đại học Marburg đang lấy nhà thần học Tin Lành Rudolf Karl Bultmann − vốn là người ủng hộ thần học tư biện của Karl Barth và Wolfgang Köhler (1887 − 1967) (?)[5] − làm trung tâm để tổ chức thành hiệp hội thần học đại học Marburg. Heidegger giao lưu tích cực với hiệp hội này, ông đọc lại “Phúc âm của Thánh John” và đề ra một phương pháp mới để giải thích Kinh Thánh, gây được ảnh hưởng to lớn trong hiệp hội. Rudolf Bultmann nhân đó đề xướng quan điểm “loại bỏ thần thoại hóa = giải thích thực tại”.
Có một thời gian Heidegger cơ hồ biến đổi toàn bộ triết học kinh viện thành một loại thần học Tin Lành mới, nhưng về sau ông dần dần tách xa mối quan hệ với trường phái Bultmann.
Cũng vì vào năm 1928, khi Husserl về hưu lại có ý muốn tiến cử Heidegger thay thế vị trí của mình. Bản thân đã nhiễm dấu ấn Tin Lành mà muốn quay về lại với đại học Marburg của Thiên Chúa giáo thì đó chẳng phải là ý tưởng hay ho gì. Bởi vậy, Heidegger bắt đầu phản đối nhóm thần học của đại học Marburg, và phê phán nhóm này trên giảng đường. Đó cũng là điểm toan tính không được quang minh lỗi lạc của một triết gia danh tiếng như Heidegger.
Tuy nhiên, từ Tin Lành mà đột ngột quay về lại với Thiên Chúa giáo cũng không phải là chuyện ổn thỏa. Để giải quyết vấn đề này, ông dương cao lá cờ “từ thần học đến siêu hình học”. Chẳng hạn như trong khoa giảng mùa hè năm 1928, ông từng nói “Đại học Marburg bây giờ toàn là những kẻ sùng đạo giả dối.”, hoặc có lần ông nói “thà bị quở trách là kẻ vô thần dung tục còn hơn.”, hay “so với các tín đồ, nhân viên và ‘các nhà thần học’ ở đây thì những nhà siêu hình học chân chính còn có lòng sùng tín hơn.”
Dưới chủ trương đó, tác phẩm Sein und Zeit được ra đời. Đúng như Heidegger dự đoán, tác phẩm đó được mọi người hân hoan chào đón, bản thân ông vào năm 1918 được kế nhiệm Husserl để trở thành giáo sư chủ nhiệm khoa triết đại học Marburg, ca khúc khải hoàn.
Toan tính đó của Heidegger không khỏi khiến người ta chán ghét. Nhưng còn có điều này khiến những người hôm nay phải kinh hãi, đó là ông hai lần chuyển biến, chỉ vì lợi ích cá nhân; chuyển từ thần học Thiên Chúa giáo sang thần học Tin Lành, rồi chuyển từ thần học sang siêu hình học. Hai lần chuyển đổi đó không chỉ làm thay đổi số mệnh của ông, mà còn thay đổi cả số mệnh thế giới, tạo thành một trào lưu lớn của thời đại. Người hôm nay không khỏi bội phục năng lực của một tư tưởng gia vĩ đại như ông.
Vì sao lại bảo nếu xem Báo cáo Natorp là bản thảo đầu tiên của Sein und Zeit thì cần phải thay đổ lại toàn bộ cách đọc Sein und Zeit?
Bởi vì xét từ ý tưởng của Sein und Zeit, phần giải thích tác phẩm của Aristotle − tương đương với bản Báo cáo Natorp này − lẽ ra sẽ được đưa vào trong phần hai của tập sau còn dang dở, với nhan đề “Nguyên lý phá hủy lịch sử tồn tại luận từ góc độ hiện tượng học theo hướng dẫn của vấn đề thời tính”[6]. Trong đó truy đến tận ngọn ngành, từ Kant đến Descartes, sau đó lại đến triết học kinh viện, Aristotle, rồi từ đó triển khai thăm dò khái niệm tồn tại trong tồn tại luận truyền thống. Nói một cách khác, phần hai của Sein und Zeit có thể coi là tác phẩm mở rộng ý nghĩa phong phú của Báo cáo Natorp.
Như thế, cách chương 1 và 2 trong tập 1 của Sein und Zeit là lời tựa của Báo cáo Natorp − nội dung sau khi đã bổ sung của Anzeige der hermeneutischen Situation (Hiển thị thông diễn học tình huống) (tức Phänomenologische Interpretationen zu Aristoteles − Giải thích Aristotle bằng hiện tượng học), nhưng hoàn toàn không phải là cuốn luận này về tác phẩm Sein und Zeit.
Báo cáo Natorp, thông qua việc đọc giải Aristotle, cuối cùng đưa ra kết luận thế này theo Aristotle thì “tồn tại” là cái “được sáng tạo”, nói gọn lại thì “tồn tại = tồn tại được sáng tạo”.
Bốn năm sau, Heidegger xuất bản tác phẩm Sein und Zeit. Trong nội dung của tiết thứ 6 trong lời tựa, có đoạn nói ông vẫn chưa cầm bút viết tập 2 của Sein und Zeit để thăm dò khái niệm tồn tại trong tồn tại luận truyền thống. Descartes thời cận đại kế thừa truyền thống của tồn tại luận thời Trung Cổ, tức “cái tồn tại” chính là “cái tồn tại được sáng tạo”.
Trong phần 2, Heidegger dự định đem kết luận của Báo cáo Natorp − khái niệm tồn tại của Aristotle “tồn tại = tồn tại được sáng tạo” bổ sung cho thêm phong phú, để chỉ ra khái niệm tồn tại đó đã bị sửa đổi và được kế thừa từ tồn tại luận trong triết học thời Trung Cổ. Nói tóm lại, từ Aristotle về sau, tồn tại luận trong truyền thống phương Tây đã nhất quán duy trì quan điểm “tồn tại = tồn tại được sáng tạo”.
Nhưng trong lòng Heidegger lại có một khái niệm tồn tại hoàn toàn khác hẳn. Khái niệm đó có thể là từ tư tưởng “tồn tại tự nhiên xuất hiện, tự nhiên sinh thành” của Nietzsche, tiếng Hy Lạp là phainesthai, tiếng Đức là walden[7], nói cho gọn thì đó là khái niệm tồn tại “tồn tại = biến dịch”.
Thông qua sự đối chiếu với khái niệm tồn tại của “các nhà tư tưởng trước Socrates”, Heidegger đã biến đổi khái niệm tồn tại trong triết học phương Tây kể từ Plato và Aristotle về sau trẻo nên tương đối, do đó ông phê phán và vượt qua nền văn hóa phương Tây, một nền văn hóa vốn hình thành nhờ bám rễ vào khái niệm tồn tại kiểu này.
Vậy thì vì cớ gì mà Heidegger lại không hoàn thành bộ Sein und Zeit? Ta hãy thử xem qua kế hoạch được vạch ra trong Sein und Zeit.
Quyển thượng
Lời tựa
Phần 1 Giải thích Dasein trên nền tảng thời tính, và giải minh thời gian như là chân trời siêu việt cho câu hỏi về tồn tại. [Die Interpretation des Daseins auf die Zeitlichkeit und die Explikation der Zeit als des transzendentalen Horizontes der Frage nach dem Sein]
Chương 1 Phân tích căn bản mang tính chuẩn bị về Dasein. [Die vorbereitende Fundamentalanalyse des Daseins]
Chương 2 Dasein và thời tính. [Dasein und Zeitlichkeit]
Quyển hạ
Chương 3 Thời gian và tồn tại. [Zeit und Sein]
Phần 2 Đề cương cho việc phá hủy lịch sử tồn tại luận từ góc độ hiện tượng học theo hướng dẫn của vấn đề thời tính [Grundzüge einer phänomenologischen Destruktion der Geschichte der Ontologie am Leitfaden der Problematik der Temporalität]
Chương 1 Kant.
Chương 2 Từ Descartes đến tồn tại luận thời Trung cổ.
Chương 3 Aristotle và tồn tại luận thời cổ đại.[8]
Tập 1 được xuất bản vào năm 1927, tức hai chương 1 và 2 của phần 1, chủ yếu là phân tích Dasein đối với tồn tại.
Phần 2 là khảo sát theo trình tự thời gian. Theo cách đó, mục đích thực sự xoay quanh tác phẩm này là như vầy tìm hiểu sự phát triển của tồn tại theo nghĩa chung sẽ là nội dung của chương 3 phần 1.
Thế nhưng, làm thế nào công việc “dùng cấu trúc của thời tính để phân tích tồn tại lại có thể trở thành sự chuẩn bị cho “tìm hiểu tồn tại theo nghĩa chung”? Rốt cuộc thì nên giải thích tồn tại là tồn tại “được sáng tạo” hay “tự nhiên sinh thành”? Cái mà Heidegger gọi là “giải minh tồn tại” cùng với chuyện phân tích Dasein rốt cuộc có mối quan hệ gì?
Heidegger cho rằng đối với việc lý giải “tồn tại” − tức “giải minh tồn tại”− không phải là việc làm tùy tiện, Dasein làm thế nào để phối hợp hài hòa cấu trúc thời gian của sự tồn tại tự thân, tương lai và quá khứ có mối quan hệ tương hỗ ra sao, là trôi dạt ngẫu nhiên hay có phần chủ động, những mối quan hệ mật thiết này kết hợp khắn khít với “thời gian với tồn tại”.
Nhưng hai chương 1 và 2 của tập 1, công việc phân tích Dasein do mang quá nhiều sắc thái của chủ nghĩa tồn tại sau Chiến Tranh Thế giới I, cách mô tả đậm nét đã tạo ra sức ảnh hưởng tuyệt đối, khiến cho chương 3 của Sein und Zeit không gặp thuận lợi để ra đời. Đó là nguyên nhân vì sao Sein und Zeit không hoàn thành.
Thử so sánh với Báo cáo Natorp − được xem là “bản thảo đầu tiên” của Sein und Zeit − ta thấy mục đích của Heidegger trong Sein und Zeit là muốn đạt đến điều này làm rõ khái niệm tồn tại của Aristotle là “tồn tại = tồn tại được sáng tạo”; xóa sạch những khái niệm mà Descartes và Kant đã kế thừa từ triết học kinh viện, đem khái niệm tồn tại kết nối với khái niệm tồn tại “tồn tại=sinh thành” của những “các nhà tư tưởng trước Socrates”, biến chúng thành tương đối.
Do vậy, theo nghĩa là lập trường khảo sát sử tính, ắt cần phải xác nhận mối quan hệ mật thiết giữa “thời gian và tồn tại”. Nhưng công việc chuẩn bị cho việc triển khai này là nhắm vào cấu trúc thời tính của Dasein để tiến hành phân tích sự tồn tại của Dasein. Điều đáng tiếc là công trình cuối cùng lại bị dở dang.
Vào tháng tư năm 1927, khi Sein und Zeit vừa được phát hành, Heidegger đã từng nhận thức đến điểm này. Vào tháng tư năm đó, ông bắt đầu bài giảng Die Grundprobleme der Phänomenologie (Vấn đề căn bản của hiện tượng học) cho khóa học mùa hè. Bài giảng này vô cùng quan trọng, được xuất bản trong Heidegger toàn tập năm 1975, có thể được xem là bản tu đính hoàn chỉnh cho Sein und Zeit.
Trong bài giảng lần này, Heidegger đảo lộn thứ tự cấu trúc từ Sein und Zeit thành Zeit und Sein (Thời gian và Tồn tại), trước hết là khảo sát sử tính, tiếp theo là phân tích tác phẩm này (tương đương với chương 3 Zeit und Sein trong tập 1 của Sein und Zeit), sau cùng là phân tích sự tồn tại của Dasein.
Heidegger cho rằng Sein und Zeit sở dĩ thất bại là do kết cấu tác phẩm và trình tự tư tưởng tương phản nhau, do đó lần này ông quyết định dựa theo trình tự tư tưởng để sắp xếp nội dung. Nhưng bài giảng này cuối cùng rồi cũng bỏ dở nửa chừng. Về sau, Heidegger nhận thức ra nguyên nhân thất bại không phải hoàn toàn do trình tự, mà còn có những vấn đề cơ bản sâu xa.
Trong phần 1 của bài giảng Die Grundprobleme der Phänomenologie, đối với việc khảo sát về sử tính được triển khai ban đầu trong tập 2 Sein und Zeit, ông đã điều chỉnh lại khái niệm tồn tại trong tồn tại luận truyền thống.
Trong phần 2 của Sein und Zeit bản gốc lẽ ra nên triển khai khảo cứu về khái niệm tồn tại của Aristotle và Kant, nhưng Heidegger lại né tránh. Cũng có thể do Heidegger cảm thấy chùn bước trước kế hoạch đồ sộ do chính mình vạch ra, nên cuối cùng đành phải rút lui.
Thông qua Báo cáo Natorp, phần hai chưa xuất bản của Sein und Zeit cùng nội dung phần 1 cuốn Die Grundprobleme der Phänomenologie, ta có thể thấy được ý định nhất quán từ đầu đến cuối của Heidegger. Trở lại với bài giảng vào mùa hè năm 1935, và tác phẩm Einführung in die Metaphysik (Siêu hình nhập môn), không khó để thấy vấn đề mà ông truy cứu là thăm dò khái niệm tồn tại trong tồn tại luận truyền thống, ông thấu triệt khái niệm tồn tại “tồn tại= tồn tại được sáng tạo” đem kết hợp khái niệm đó so sánh với khái niệm tồn tại “tồn tại = sinh thành” trong triết học uyên nguyên để biến chúng thành tương đối, rồi trên cơ sở đó mà thực hiện một cuộc vượt qua trọng yếu.
Xin nói thêm, từ thời kỳ đầu của những năm 1936 − 1937 liên tục đến tác phẩm Nietzsche trong những năm cuối của thập niên 30 thế kỷ 20, có thể thấy được kế hoạch kế thừa tư tưởng Nietzsche của Heidegger.
Theo đó, việc phân tích Dasein trong phần Sein und Zeit đã xuất bản là công tác chuẩn bị để giúp người ta thực hiện được ý đồ trong tác phẩm này, nhưng công tác chuẩn bị đó rốt cuộc đã bị thất bại. Có thể xem đó là khúc rẽ trong lộ trình phát triển tư tưởng của Heidegger. Do đó, nếu xem nội dung biểu hiện trong Sein und Zeit là tư tưởng cơ bản của Heidegger rồi đem phần Sein und Zeit đã xuất bản làm trứ tác chủ yếu của ông thì quả thực chất là lệch lạc.
Có thể nhận ra Heidegger còn có một mục đích sâu xa khác, đó là thông qua những quan điểm trong tư tưởng nói trên để thử triển khai một cuộc cách mạng văn hóa mới.
Như đã trình bày ở phần trước, Heidegger là người đầu tiên chỉ ra rằng tồn tại luận trong truyền thống phương Tây từ Plato và Aristotle đã nhất quán bảo vệ tư tưởng “tồn tại= tồn tại được sáng tạo”.
Tự nhiên, với toàn bộ “sự vật tồn tại” trong đó, đều là “sự vật được sáng tạo”, hoặc là sự vật có thể được sáng tạo”, tóm lại tất cả đều là chất liệu vô cơ dùng để sáng tạo. Điều đó có nghĩa là xem tự nhiên như là “tự nhiên quan vật chất” về vật chất không có sự sống (tức những vật thể làm chất liệu). Sự hình thành môi trường văn hóa phương Tây được xây dựng trên cơ sở khái niệm tồn tại và tự nhiên quan đó.
Nền văn minh kỹ thuật hiện đại có thể được xem là kết quả tự nhiên của sự hình thành môi trường văn hóa đó. Cũng giống như Nietzsche, Heidegger có thái độ tuyệt vọng đối với nền văn minh kỹ thuật trong tương lai, ông muốn thông qua việc chuyển hoán khái niệm tồn tại để tạo nên một sự chuyển hóa vĩ đại trong phương hướng hình thành môi trường văn hóa. Chắc chắn, cái xuất hiện trong lòng ông lúc này chính là cái khái niệm tồn tại “tồn tại=sinh thành” trong triết học Hy Lạp cổ đại mà Nietzsche đã nói đến. Tức, xem toàn thể tồn tại là những sự vật tự nhiên sinh thành. Sau đó thông qua việc khôi phục lại khái niệm tồn tại đó để cải biến phương hướng phát triển của nền văn hóa.
Nhưng mà, như phần trước đã trình bày, thay đổi khái niệm tồn tại, có người nói đó là thay đổi cách hiểu nền tảng về tồn tại. Nó không chỉ đơn giản là một thao tác trong não bộ mà có mối quan hệ hỗ tương với sự thay đổi cấu trúc thời tính trong sự tồn tại của Dasein. Có nghĩa là cần phải thay đổi ngay từ căn bản cách thức tương quan giữa chúng ta với tương lai và quá khứ.
Tuy nói thế, nhưng đem sự thay đổi trong sinh hoạt đời thường của một đôi người để làm trục xoay chuyển đổi khái niệm tồn tại, thì điều đó hầu như không thể được. Nhưng nếu như một dân tộc có tầm vóc lãnh đạo lịch sử thế giới lại thay đổi phương thức sinh hoạt, thì vấn đề lại hoàn toàn không còn như vậy nữa.
Heidegger cũng từng đã có một thời kỳ gởi lý tưởng của mình vào “cuộc cách mạng văn hóa” của chủ nghĩa phát-xít. Ông tham gia vào các hoạt động của chủ nghĩa phát-xít rất có thể có liên quan đến việc muốn thực hiện hoài bão đó[9]. Ông dự định hiến kế sách cho Hitler với tư cách là một “giáo sư của dân tộc ý chí Đức”, định hướng cho phong trào phát-xít dựa vào lý tưởng của mình mà phát triển. Sau chiến tranh, Heidegger luôn giữ thái độ im lặng, chưa bao giờ biểu thị ý phản tỉnh. Đó là vì theo ông, nếu Hitler biết nghe theo lời kiến nghị của ông thì cuối cùng chủ nghĩa phát-xít đâu phải đi đến chỗ lập trại tập trung Auschwitz man rợ.
Đương nhiên, tất cả những điều đó chắc chắn đều do Heidegger ngộ nhận, do ông cam tâm tình nguyện. Nhưng dẫu có nói gì đi nữa thì có một điều rất rõ ràng, đó là trong tác phẩm Sein und Zeit, Heidegger đã ký thác lý tưởng vĩ đại muốn thay đổi sự hình thành môi trường văn hóa phương Tây.
Năm 1933, chính quyền phát-xít được thành lập tại Đức, Heidegger nhận chức hiệu trưởng đại học Freiburg, đồng thời gia nhập đảng phát-xít. Trong bài diễn văn nhậm chức “Quyền tự trị của đại học Đức”, ông trích dẫn câu nói của Plato : “vĩ nhân trưởng thành giữa phong ba bão tố”, khiến người ta nhao nhao chỉ trích. Trong thời gian Heidegger tích cực viết những tác phẩm và những bài giảng thuyết ủng hộ chủ nghĩa phát-xít thì đồng thời ông cũng được gọi là “hiệu trưởng chiến đấu”, bản thân ông cũng lấy làm đắc ý.
Husserl − thầy của Heidegger − chỉ vì là người Do Thái nên bị tước bỏ danh hiệu giáo sư, không được quyền sử dụng thư viện đại học cùng những phương tiện khác, khi về già phải sống trong cảnh cô độc, khốn cùng. Năm 1938, Husserl qua đời, Heidegger cũng không đến dự lễ tang. Vào thời kỳ đó, Heidegger còn bí mật tố cáo với liên minh giáo sư của tổ chức phát-xít về một người bạn thân từng giao du cực kỳ thân thiết với mình là Edward Baumgarten[10]. Điều đó thật khiến người ta đâm ra chán ghét. Gia nhập chính đảng phát-xít là một quyết đoán chính trị, bản thân cần phải suy nghĩ cân nhắc chín chắn, nhưng cách hành xử đê hèn như vậy thì khó lòng tha thứ được. Tác phẩm cùng những bài giảng thuyết của Heidegger rất đáng để ta thán phục, nhưng nhân phẩm của ông thật khó để ta tôn trọng[11].
Cũng giống như những nhà tư tưởng Gottfried Benn (1886—1956), Ernst Jünger (1895 -1998), Carl Schmitt (1888 − 1985), v.v… Sự ủng hộ của Heidegger đối với chủ nghĩa phát-xít chủ yếu được biểu hiện qua ảnh hưởng của hệ tư tưởng của Lực lượng Bão Táp do Ernst Röhm lãnh đạo. Lực lượng Bão Táp này dùng nhiều thủ đoạn bạo lực để giúp Hitler nắm chính quyền, nhưng sau khi giành được quyền lực, Hitler lại muốn tìm sự ủng hộ về kinh tế từ các nhà tài chánh và tư bản quốc tế, do đó mà phát sinh mâu thuẫn với Ernst Röhm, Lực lượng Bão Táp trở thành tảng đá ngáng chân Hitler trong quá trình phát triển quyền lực không ngừng.
Sau khi củng cố chính quyền, Hitler chuyển sang ủng hộ Joseph Goebbels và người đứng đầu đội Vệ binh Đảng là Heinrich Himmler, hai nhân vật này chủ trương cuộc cách mạng phát-xít đã đến hồi kết thúc. Lực lượng ủng hộ họ bắt đầu thanh trừng Lực lượng Bão Táp. Cuối cùng, trong cuộc chính biến được gọi là “Đêm của lưỡi dao dài” [Nacht der langen Messer] diễn ra vào ngày 30 tháng 6 năm 1934, đội Vệ binh Đảng đã tắm máu Lực lượng Bão Táp, toàn bộ các viên chỉ huy cao cấp đều bị xử tử. Bắt đầu từ cuối năm 1933, mọi bộ phận chỉ huy của tổ chức sinh viên đại học tại các địa phương đều bị thay thế bởi hệ thống Vệ binh Đảng.
Heidegger lúc đó vừa mới nhậm chức, nhờ có hẫu thuẫn của lãnh đạo trong Lực lượng Bão Táp nên mọi công việc đều trôi chảy, thuận lợi. Nhưng không bao lâu lại nảy sinh một vấn đề, chỉ một năm sau, vào tháng 4 ngăm 1934, ông bị buộc thôi chức hiệu trưởng. Rốt cuộc, do tranh chấp quyền lực nội bộ trong nội Đảng phát-xít, Heidegger đành chịu thua cuộc trước những người theo phe chủng tộc chủ nghĩa như Alfred Rosenberg, Himmler, v.v…
Tuy nhiên, nếu không kể đến chức vụ hiệu trưởng thì Heidegger vẫn chưa ra khỏi đảng, ông vẫn cùng Rosenberg giảng dạy tại một chỗ để bồi dưỡng cho cán bộ đảng phát-xít. Cuối mùa hè năm 1935, ông cho xuất bản tác phẩm Einführung in die Metaphysik. Ông nói :
Như hôm nay, đâu đâu cũng giảng dạy triết học của chủ nghĩa phát-xít, nhưng những thứ đó chẳng hề có liên quan gì với chân lý nội tại hoặc tầm vĩ đại của phong trào này.
Sau chiến tranh, sách được tái bản, nhưng vẫn không biên tập để loại bỏ phần đó. Đó là những phần tư tưởng được đề xuất cho phe Rosenberg, chứ hoàn toàn không phải để phủ định chủ nghĩa phát-xít.
Nhưng điều ta có thể khẳng định, đó là từ khi từ bỏ chức hiệu trưởng, ông bèn công khai rút lui khỏi vũ đài chính trị, tập trung tinh thần vào công việc giảng thuyết. Đây là giai đoạn ông bắt đầu lấy Hölderlin và Nietzsche làm chủ đề giảng thuyết, nội dung cực kỳ phong phú.
Sau Chiến tranh Thế giới II, nước Đức bại trận, Heidegger bị buộc thôi việc, không được giảng thuyết tại các trường đại học.
Người yêu ngày trước của Heidegger là Hannah Arendt, năm 1933 lưu lạc sang Pháp, đến năm 1941 bà sang Mỹ, và nổi tiếng với các công trình về triết học chính trị. Đến năm 1950, bà được Ủy Ban Tái Thiết Văn Hóa Do Thái ủy phải về lại Đức, hai người lại có dịp trùng phùng. Hannah Arendt liên kết với Jaspers để cùng ra sức biện hộ cho Heidegger, để xin chính quyền bãi bỏ lệnh trục xuất Heidegger. Năm 1951, lệnh cấm được bãi bỏ thì đồng thời Heidegger cũng xin về hưu. Từ đó về sau, thỉnh thoảng ông cũng thuyết giảng, tổ chức hội thảo, v.v… Mãi đến năm 1976 thì ông qua đời, sống đời vãn niên tương đối dài. Trong thời gian đó, thỉnh thoảng cũng có người muốn truy cứu lại trách nhiệm của ông trong thời gian tham gia chủ nghĩa phát-xít, nhưng nói chung thì cuộc sống vãn niên của ông tương đối bình yên.
Bắt đầu từ năm 1925, giữa Heidegger và Hannah Arendt là quan hệ thầy trò, mà cũng là quan hệ yêu đương. Đến năm 1975, Hannah Arendt tạ thế, mối tình giữa hai người kéo dài gần nửa thế kỷ. Trong thời gian đó cũng có nhiều lời chỉ trích, rốt cuộc đến hôm nay mọi chuyện rồi cũng kết thúc.
Năm 1955, Heidegger thuyết giảng, tại một thị trấn nhỏ ở nước Pháp là Normandie, với chủ đề Was ist das – die Philossophie? (Triết học là gì?) Trong bài thuyết giảng đó, ông định nghĩa triết học như sau :
Danh từ “triết học” chỉ có thể xuất phát từ tiếng Hy Lạp. Do đó, “triết học” mới là tiêu chuẩn quy định trạng thái tinh thần lý tưởng của Hy Lạp. Không những thế, “triết học” còn quy định ảnh hưởng kế thừa của tiếng Hy Lạp cũng như phương thức tồn tại của tri thức đặc thù của “xu hướng vận động cơ bản ở phần thâm sâu nhất của lịch sử phương Tây−châu Âu chúng ta.”[12]
Ngoài ra, Heidegger còn chỉ thêm ra rằng : lịch trình lịch sử châu Âu mang tính “triết học”, sự thực đó được chứng minh bằng sự phát triển của nền khoa học. Có nghĩa là sự thành lập của nền khoa học châu Âu cận đại và tri thức khoa học kỹ thuật đã vận dụng kết quả tất nhiên này từ triết học : nguyên lý hình thành tri thức của sự phát triển văn hóa phương Tây−châu Âu.
Nhưng Heidegger lại cho rằng điều đó hoàn toàn không biểu thị sự phôi dựng tri thức đặc thù của “triết học” : “Hy Lạp = phương Tây = ưu thế của khoa học châu Âu”, song văn hóa châu Âu lại ở vào thế kém.
Sở dĩ nói thế là vì Heidegger đã từng xác định kỷ nguyên “triết học” đã quy định “xu hướng vận động cơ bản ở phần thâm sâu nhất của lịch sử phương Tây−châu Âu.”
Ông cho rằng những nhân vật đại biểu cho “các nhà tư tưởng trước Socrates” như Anaximander, Heraclitus cùng Parmenides đều là những bậc “trí giả khát khao trí tuệ” chứ không phải là “triết gia”, cho nên tư tưởng của họ là “lòng khao khát tìm cầu trí tuệ”, chứ không phải là “triết học”. Gọi họ là “triết gia” không bằng gọi họ là “những tư tưởng gia vĩ đại”, họ chiêm một vị trí ở trên cả “lập trường suy tư khác”.
Theo Heidegger thì :
Bước hướng đến “triết học”, vốn được chuẩn bị thông qua các ngụy biện gia, lần đầu tiên được Socrates và Plato hoàn thành. Tiếp theo đó, sau Heraclitus gần 2 thế kỷ, Aristotle mới thực hiện bước thứ hai với nội dung được diễn dịch thành như vầy : “và thực tế cho thấy, bất luận là trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, một lần từ bây giờ và cho mãi đến mai sau, triết học luôn tiến về phía trước, nhưng thủy chung vẫn không tìm ra con đường dẫn tới mục tiêu. Mục tiêu đó, hoặc vấn đề đó, là “tồn tại là gì?”[13]
Lấy Socrates, Plato, Aristotle làm đại biểu ban đầu cho “triết học”, thì trong khoảng hai ngàn năm đã phát sinh nhiều biến đổi, tuy nhiên :
Trên nền tảng những biến đổi đó, và thông qua những biến đổi đó, triết học từ Aristotle cho đến Nietzsche vẫn giống như nhau về bản chất.[14]
Ông nhận định về Heraclitus và Parmenides :
Heraclitus và Parmenides vẫn chưa phải là những “triết gia”. Vì sao chưa? Bởi vì họ đã là những nhà tư tưởng vĩ đại hơn. “Vĩ đại hơn” ở đây không có nghĩa là tính toán về năng lực hay thành tích, mà là chỉ đến một tầm cỡ tư tưởng khác.[15]
Vậy thì làm thế nào để Heidegger xác định “tư duy thuộc một tầm cỡ tư tưởng khác” với Heraclitus và Parmenides là đại biểu và công thức của Aristotle lại có thể quyết định số phận của triết học phương Tây−châu Âu về sau? Đối với vấn đề này, ông bảo :
Chúng ta không được cứ bám chặt vào định nghĩa của Aristotle…. Chúng ta phải hồi tưởng lại những định nghĩa về triết học trước đó và sau đó.[16]
Suy tư của Heraclitus và Parmenides được gọi là “khát khao trí tuệ”, trong đó “trí tuệ” chính là Hen panta. Panta chỉ “vạn vật”, tức “tất cả những sự vật tồn tại”; Hen chỉ “một”. Cấu đó có nghĩa là “đem tất cả sự vật hóa thành một”. Câu Hen panta đó của Heraclitus thường được dịch là “vạn vật quy nhất”, nhưng Heidegger lại cho câu đó có nghĩa là “cái quy nhất (tức tồn tại) khiến cho tất cả sự vật tồn tại được tồn tại ”, tức trước hết phải xác định một quan điểm về “tồn tại”, tất cả sự vật được tập trung dồn tụ trong quan điểm này đều được gọi là “cái tồn tại” (nghĩa là xem nó như mọi sự vật tồn tại). Cái gọi là “tồn tại” là “tác dụng dồn tụ lại một chỗ (legein)”, theo nghĩa đó thì “tồn tại” tức “ý niệm”, “tồn tại” tức “quy luật vũ trụ chi phối thế giới (logos)”. (Logos là danh từ phái sinh từ động từ legein.)
Ngoài ra, từ “khao khát yêu thương” trong thành ngữ “khao khát yêu thương trí tuệ” lại kết nối với quan điểm của Heidegger, tức cái mà Heraclitus gọi là homologein (?) đồng nghĩa với ý nghĩa “dồn tụ, tập trung” trong logos, tức cả hai cùng hỗ tương dung hợp trong quá trình điều hòa với nhau.
Heidegger cho rằng
Cái tồn tại tập trung trong quá trình tồn tại, tại thời khắc rực rỡ nhất, cái tồn tại xuất hiện, và điều đó đã khiến người Hy Lạp phải kinh ngạc.[17]
Điều đó đồng thời đã khiến người Hy Lạp tiến thêm một bước trong suy tư. Sự biểu hiện đầu tiên của suy tư đó là bản thân họ cảm thấy kinh ngạc trước sự kiện này, nên họ tìm cách điều hòa. Suy tư đó được gọi là “sự khởi đầu vĩ đại”.
Tuy nhiên, sau khi giành được chiến thắng trong trận chiến với Ba Tư, người Hy Lạp đã dùng Athens làm trung tâm để tiến vào giai đoạn cực thịnh, được gọi là “Thời kỳ Cổ điển”. Các nhà hùng biện trong thời kỳ cổ điển này không có chuyện gì là không thuyết minh tường tận, đó là vì muốn để sự kiện “tồn tại”, vốn làm cho người Hy Lạp phải kinh ngạc, trở nên phổ thông, bình thường. Để tiếp tục duy trì tính thần bí của những hiện tượng khiến người ta kinh ngạc đó, Socrates và Plato đã xuất hiện. Thoạt đầu, họ có ý thức đi tìm “trí tuệ”, ý định là muốn cho ra “cái gì” đã thống được nhất được tất cả sự vật tồn tại lại.
Tuy nhiên, theo Heidegger, tồn tại hỗ tương điều hóa, hỗ tương dung hợp là một chuyện, còn đặt câu hỏi sự tồn tại “là cái gì?” lại là chuyện khác, vì hai chuyện đó lại hoàn toàn không giống nhau. Bởi vì, khi bạn vừa đặt câu hỏi theo cách đó thì sự hỗ tương điều hóa, hỗ tương dung hợp dạng đó đã bị phá hủy, người đặt câu hỏi cũng không có cách nào dung nhập được vào sự thống nhất ban đầu.
Như thế, “khát khao” và “yêu thương” lại phối hợp với “trí tuệ” thành “khát khao trí tuệ”, để rồi biến thành “khát khao trí tuệ= triết học”. Cuộc truy tầm tri thức do Plato đặt nền tảng và được Aristotle công thức hóa thành “(chỉ với tư cách là cái tồn tại) cái tồn tại là gì?”, tức vấn đề “tồn tại là gì?”, Heidegger nhân đó mà xem “triết học” của Plato và Aristotle là “sự kết thúc của một cuộc khởi đầu vĩ đại” của phương thức suy tư Hy Lạp.
Vậy thì vì sao lại nói rằng trong lúc đặt câu hỏi “cái đó là gì?” thì sự hỗ tương điều hóa, hỗ tương dung hợp của tồn tại gốc bị phá hủy? “Triết học là gì?” (Was ist das − die Philossophie?), Heidegger đã rất dày công khi diễn giảng về đề tài này. Đề tài thoạt nhìn thì có vẻ rất bình thường, nhưng trong câu hỏi “Triết học là gì?” lại ẩn tàng nhiều ý nghĩa thâm sâu. Điều mà Heidegger muốn biểu đạt là như vầy : phương thức vốn có về cách đặt câu hỏi triết học “cái đó là gì” cùng với lúc đặt câu hỏi đã quyết định một thái độ nhất định nào đó đối với người đặt câu hỏi. Điều mà câu hỏi muốn hướng tới là tồn tại bản chất của người hỏi. Điều đó có nghĩa là vầy : ngay tại thời điểm ta đặt câu hỏi “cái đó là gì” thì tồn tại đã bị giới hạn thành “tồn tại bản chất” rồi. Cho nên nói sự hỗ tương điều hóa, hỗ tương dung hợp ban đầu đã bị phá hủy.
Kết hợp với các quan điểm trong những tác phẩm khác của Heidegger, có thể tổng kết nội dung như thế này : tất cả những sự vật tồn tại đều là sinh ra tự nhiên, hình thành tự nhiên. Hai điều sau đây là hai lập trường hoàn toàn bất đồng :
1. cho rằng bản thân ta là một thành phần trong những sự vật tồn tại và sống hòa hài với nó;
2. đối mặt với sự vật tồn tại để nêu câu hỏi “cái đó là gì?”.
Ngay khi ta nêu câu chất vấn, dễ dàng thấy rằng ta bị đặt vào một vị trí đặc quyền vượt lên trên đối tượng bị chất vấn.
Vậy thì xem toàn bộ sự vật tồn tại là sinh ra tự nhiên, hình thành tự nhiên, hay là xem chúng chỉ là đối tượng của nhận thức và chất liệu của chế tác không có sự sống? Heidegger chỉ ra rằng những suy tư ở một tầm cỡ khác của những “tư tưởng gia có suy tư vĩ đại hơn triết học” đã chuyển hóa thành “triết học” của câu chất vấn “cái đó là gì?”, đồng thời đưa đến một cách nhìn khác về tồn tại, như đã trình bày ở phần trước.
Đối với tương lai của văn hóa phương Tây dựa trên nền triết học đó, Heidegger cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng, ông cực lực chủ trương phải “phá hủy”. Trong báo cáo tại hội nghị Normandie, ông tuyên bố :
Phá hủy không phải là tiêu diệt mà là tháo dỡ ra và chỉnh lý lại…. Phá hủy có nghĩa là : mở mở tai của chúng ta, làm cho chúng ta được tự do đón nhận những thứ mà truyền thống đã nói với chúng ta như là tồn tại của cái tồn tại.[18]
Trong những trường hợp khác, ông cũng quen gọi tư tưởng của mình là “hồi tưởng về tồn tại” (Andenken an Sein). Chứ không phải là “triết học”. Người thực sự xem tư tưởng đó là chuẩn tắc của “phản triết học” là triết gia Pháp Merleau-Ponty. Về sau ông chịu ảnh hưởng sâu đậm của Heidegger, nhưng rồi đột ngột qua đời, không kịp thực hiện ước nguyện là đến đại học Freiburg để thăm Heidegger. Còn một triết gia khác cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm của Heidegger là Jacques Derrida, ông này đề xướng thuyết giải cấu trúc, chủ trương thoát ly triết học truyền thống, đó cũng là một loại phản triết học.
Như đã nói, tôi cũng gọi quan điểm của những triết gia mà tôi ngưỡng mộ là “phản triết học”, để phân biệt chúng với “triết học” trước Nietzsche, rồi mới dần dần lý giải được tư tưởng của họ, để xác lập tại vùng đất được xem là không thích hợp với triết học như đất nước Nhật Bản một phương thức tư duy tương ứng.
Thực ra, trong những bài giảng trước năm 1955, vào năm 1947, Heidegger đã từng đề xướng chống lại chủ nghĩa nhân bản. Sự tình có thể lược thuật như sau :
Sau khi Chiến Tranh Thế giới II kết thúc vào năm 1945, tư tưởng nước Pháp là Jean Paul Sartre (1905 − 1980) đã thuyết giảng tại Paris với chủ đề “Chủ nghĩa tồn tại là chủ nghĩa nhân bản” (L’existentialisme est un Humanisme), giương cao lá cờ của chủ nghĩa tồn tại nước Pháp. Với tư cách là một trong những nhà tiên phong của chủ nghĩa tồn tại, đại danh của Heidegger cũng được Sartre nêu trong bài giảng đó. Nhưng Heidegger đã phản ứng bằng cách viết một tác phẩm liên quan đến chủ nghĩa tồn tại dưới thể loại thư tín. Trong tác phẩm đó, Heidegger chỉ thẳng ra rằng tư tưởng của ông không thuộc chủ nghĩa tồn tại mà cũng chẳng thuộc chủ nghĩa nhân bản. Tiêu đề Uber den Humansimus (Bàn về nhân bản chủ nghĩa) của luận văn đó có thể hiểu là “liên quan với chủ nghĩa nhân bản”, mà cũng có thể hiểu là “vượt qua chủ nghĩa nhân bản”, không chừng Heidegger đã cố tình chọn tiêu đề theo cách hiểu lơ lững nước đôi đó.
Heidegger chủ trương tồn tại và ngôn ngữ chuyển tải tồn tại xuất hiện trước những sự vật tồn tại. Điều đó thật khó hiểu, mọi người có thể nhớ lại phần “giải minh tồn tại” trong Sein und Zeit (làm thế nào để hiểu từ tồn tại? Đó là “được sáng tạo” hay “hình thành tự nhiên”?). Sau đó, Heidegger lại gọi nó là “sự sinh khởi của tồn tại”[19], mặc dù “cái tồn tại” tìm trăm phương ngàn cách để hiểu và định nghĩa “tồn tại”, nhưng “tồn tại” lại hoàn toàn không phải là thứ mà “cái tồn tại” có thể khống chế được. Bản thân “tồn tại”, trong một hình thức nào đó, xuất hiện trong “cái tồn tại”, “cái tồn tại” chỉ có thể tiếp nhận nó mà thôi. Theo Heidegger, “sự sinh khởi của tồn tại” được sinh từ trong lòng “ngôn ngữ”, do đó, “ngôn ngữ” xuất hiện sớm hơn “cái tồn tại”.
Từ khái niệm “sự sinh khởi của tồn tại”đã phát sinh “lịch sử sinh khởi của tồn tại”, tức suy tư về “lịch sử của tồn tại”. Điều đó liên quan đến phương thức suy tư độc đáo đặc thù về lịch sử, do đó, lịch sử của cái tồn tại (nhân loại), tức phương thức tồn tại tại những thời điểm khác nhau đều bị nó không chế. Do nội dung phức tạp, nên cuốn sách tạm thời không bàn sâu.
Mọi người đều biết, chủ trương “cấu trúc có trước con người” của Heidegger có tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với những triết gia theo chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc của nước Pháp ở nửa sau thế kỷ 20 như Derrida, Jacques Lacan, Foucault, v.v…
Trong tư tưởng Heidegger, triết học vượt qua mô thức suy tư siêu nhiên (siêu hình học) − phản triết học, có mối quan hệ hỗ tương với tư tưởng “phản chủ nghĩa nhân bản” như đã trình bày ở phần trước. Quan điểm đó cũng được tư tưởng hành đầu của Pháp như Merleau-Ponty, Derrida, Foucault, v.v… kế thừa.
Với nội dung trình bày đơn giản như vậy, thật lấy
làm đáng tiếc, nhưng vì sách có giới hạn, nên người viết hẹn có dịp khác sẽ
trình bày chi tiết hơn.
[1] Người dịch không tra cứu được là ai.
[2] Ernst Röhm (1887 − 1934) là một sĩ quan quân đội Đức và là thành viên ban đầu của Đảng Quốc xã, đồng thời là bạn thân và đồng minh ban đầu của Adolf Hitler. Ông là người sáng lập ra một lực lượng xung kích gọi là tổ chức Sturmabteilung (Đội quân Bão Táp hay Lực lượng Bão Táp, gọi tắt là SA), và chỉ huy nó. Heidegger có tham gia tổ chức này. Đây là một tổ chức bán quân sự của Đảng phát-xít Đức, đóng vai trò quan trọng trong việc ủng hộ Hitler tiến lên nắm chính quyền. Đến năm 1934, quân đội Đức do lo sợ ảnh hưởng của SA, và bản thân Hitler xem Röhm như một đối thủ tiềm năng, nên lực lượng SA bị thay thế bởi lực lượng SS (Schutzstaffel) sau cuộc thanh trừng được gọi là “Đêm của lưỡi dao dài” (Nacht der langen Messer), bản thân Röhm bị xử tử. Lịch sử còn gọi đây là “Cuộc thanh trừng Röhm” (Röhm Purge) diễn ra từ 30-6 đến 2-7 năm 1934.
[3] Bản tiếng Trung dịch Dasein là “thử tại 此在” (Tồn-Tại-Ở-Đó). Dasein là một thuật ngữ cực kỳ quan trọng trong triết học Heidegger, nên người dịch để nguyên không dịch. Các bản tiếng Anh thường dịch là “Being-There“, bản tiếng Pháp thường dịch là “Être-Le-Là”, “Être-Là”, v.v….Ở Việt Nam, nhà thơ Bùi Giáng dịch là “Tại Thể”, tác gia Phạm Công Thiện dịch là “Hiện tính thể”, v.v…
[4] Nguyên văn trong bản tiếng Đức “Die vorbereitende fundamentalanalyse des Daseins” (Phân tích cơ bản mang tính chuẩn bị về Dasein).
[5] Bản tiếng Trung phiên âm là Phất Lý Đức Lý Hy Qua Cách Tất 弗里德里希. 戈格膝 (1887− 1967), người dịch không tra cứu được là ai. Căn cứ theo năm sinh thì trong số các trong số các triết gia Đức hiện đại chỉ có Wolfgang Köhler!
[6] Nguyên văn : “Grundzüge einer phänomenologischen Destruktion der Geschichte der Ontologie am Leitfaden der Problematik der Temporalität”
[7] Tiếng Đức cũng không có từ walden, có lẽ là walten (chiếm ưu thế, vượt trội) in nhầm?
[8] Phần ghi chú tiếng Đức trong dấu […] là của người dịch.
[9] Đây là một chi tiết rất cảm động, đầy cảm thông với triết gia Heidegger.
[10] Heidegger đã tố cáo người bạn thân từng giao du mật thiết với ông là Eduard Baumgarten trong một lá thư gửi cho người đứng đầu tổ chức của các giáo sư đảng phát-xít tại đại học Göttingen, nơi Baumgarten đang giảng dạy. Trong bức thư, Heidegger đã phê phán Baumgarten là “có thể gọi Baumgarten bằng bất cứ danh xưng nào, ngoại trừ là một đảng viên phát-xít.”
[11] Câu này khiến những ai thích đọc Heidegger không khỏi chạnh lòng.
[12] Bản tiếng Trung dịch thoát từ đoạn sau đây trong nguyên tác, nhưng phần cuối lại dùng ký hiệu “=” thay vì “−” khiến câu văn không chuẩn xác, dễ gây hiểu nhầm : “我 們 西 方 = 歐 洲 曆 史 最 深 處 的 根 本 動 向 。”
Nguyên văn : “Das Wort φιλοσοφία sagt uns, daß die Philosophie etwas ist, was erstmals die Existenz des Griechentums bestimmt. Nicht nur das — die φιλοσοφία bestimmt auch den innersten Grundzug unserer abendländisch-europäischen Geschichte.” (Từ philosophia cho chúng ta biết rằng triết học là thứ quy định trước tiên sự tồn tại của bản chất tinh thần Hy Lạp. Không chỉ vậy, từ philosophia cũng quy định xu hướng phát triển cơ bản cho lịch sử phương Tây−châu Âu của chúng ta ở phần thâm sâu nhất.)]
(Martin Heidegger, Gesamtausgabe, Band 11, Identität Und Differenz, Vittorio Klostermann, s.9)
[13] Nguyên văn : Der Schritt zur »Philosophie«, vorbereitet durch die Sophistik, wurde zuerst von Sokrates und Platon vollzogen. Aristoteles hat dann fast zwei Jahrhunderte nach Heraklit diesen Schritt durch folgenden Satz gekennzeichnet: και δή και τό πάλαι τε και νυν και άει ζητούμενον και άει απορούμε νον, τί τό öν; (Met. Ζ 1,1028 b 2 sqq). In der Ubersetzung sagt dies: »Und so ist denn einstmals schon und auch jetzt und immerfort dasjenige, wohin (die Philosophie) sich auf den Weg begibt und wohin sie immer wieder den Zugang nicht findet (das Gefragte dieses): Was ist das Seiende? (τί τό öv).«] (sđd, s.15)
[14] Nguyên văn : “die Philosophie von Aristoteles bis Nietzsche gerade auf dem Grunde dieser Wandlungen und durch sie hindurch dieselbe bleibt.” (sđd, tr.17).
[15] Nguyên văn : “Heraklit und Parmenides waren noch keine »Philosophen«. Warum nicht? Weil sie die größeren Denker waren. »Größer« meint hier nicht das Verrechnen einer Leistung, sondern zeigt in eine andere Dimension des Denkens.” (sđd, tr.15)
[16] Nguyên văn : “Wir dürfen uns nicht nur an die Definition des Aristoteles halten …: Wir müssen die früheren und die späteren Definitionen der Philosophie uns vergegenwärtigen.” (sđd. s.18)
[17] Câu này hơi khác so với nguyên văn: “daß das Seiende im Sein versammelt bleibt, daß im Scheinen von Sein das Seiende erscheint, dies setzte die Griechen, und sie zuerst und sie allein, in das Erstaunen.” (sđd, tr.14). Xin tạm dịch theo thuật ngữ của bản tiếng Trung : “Sự kiện cái tồn tại tập trung trong tồn tại, cái tồn tại xuất hiện trong sự xuất hiện của tồn tại, điều đó lần đầu tiên đã khiến người Hy Lạp, và chỉ có họ thôi, phải kinh ngạc.”
[18] Nguyên văn : “Destruktion bedeutet nicht Zerstören, sondern Abbauen, Abtragen….. Destruktion heißt: unser Ohr öffnen, freimachen für das, was sich uns in der Überlieferung als Sein des Seienden zuspricht.” (sđd., tr.20)
[19] Người dịch không đoán được trong tiếng Đức là gì.
Thảo luận