Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

CHƯƠNG 5 “PHẢN TRIẾT HỌC” RA ĐỜI

TRIẾT HỌC TRƯỚC VÀ SAU NIETZSCHE

 Ở phần trước, ta đã khảo cứu “triết học” từ một góc nhìn. Trước kết là nêu “nguyên lý siêu nhiên” (truyền thống gọi là “siêu hình học”), hoàn toàn dùng nó để khai sáng tự nhiên, chỉ ra rằng phương thức suy tư có liên quan với tự nhiên (siêu hình học) mới được gọi là bản chất của tri thức “triết học”. Điểm gốc đó của triết học − tức nguyên lý siêu nhiên − là đều hoàn toàn không thể hiểu được đối với người Nhật, vì họ là những người triệt để dùng tự nhiên làm gốc để tư duy. Theo ý nghĩa đó, “triết học” tựa hồ không có duyên đối với người Nhật.[1]

Nhưng kể từ khi Nietzsche xuất hiện thì triết học phương Tây bắt đầu thay đổi. Bản thân người viết cho rằng đồng nhất triết học phương Tây trước Nietzsche với triết học phương Tây sau Nietzsche là điều không hợp lý. Mục tiêu của Nietzsche là phê phán và vượt lên trên cái mà trong giai đoạn trước ông được gọi là “triết học”. Do đó, nếu đem tư tưởng Nietzsche gói chung trong danh từ “triết học” thì khái niệm đó không được rõ ràng.

Quan điểm của Karl Marx và Nietzsche có chỗ tương đồng. Marx từng nói “Công việc của tôi không phải là khảo cứu kinh tế học mà là phê phán nó.” Cái mà kinh tế học muốn sớm phát sinh là “sản xuất và trao đổi theo mô thức của giai cấp tư sản”, tức cấu trúc kinh tế tư bản chủ nghĩa. Do vậy, thông qua việc tiến hành phê phán kinh tế học, có thể dung hòa cấu trúc kinh tế đã tạo ra mô thức kinh tế này, từ đó đạt đến một quan điểm vượt ngoài mô thức đó. Engels cho rằng quan điểm của Marx thuộc về kinh tế học cổ điển nước Anh.

 Kế hoạch của Nietzsche đồng đẳng với chủ trương của Marx, hiểu theo nghĩa là “phê phán triết học”. Thông qua việc tiến hành phê phán triết học, có thể dung hòa văn hóa phương Tây với triết học thành một thể thống nhất. Tuy nhiên, Nietzsche vẫn chưa dùng từ “phê phán triết học”. Cái mà chúng ta thường gọi là “triết học” thì Nietzsche gọi đó là chủ nghĩa Plato. Điều ông muốn làm là sau khi phê phán toàn bộ triết học Plato rồi thì không kế thừa nền triết học trước đó nữa.

Nếu dùng một câu để khái quát hết chủ trương của Nietzsche, thì đó là “sự đảo ngược chủ nghĩa Plato”. Cái gọi là triết học, đạo đức, tôn giáo của phương Tây từ Plato về sau đều là chủ nghĩa Plato. Chủ đề của Nietzsche là vượt qua điều đó, tức đảo ngược chủ nghĩa Plato hay phản chủ nghĩa Plato. Nếu như “chủ nghĩa Plato = triết học” thì sản sinh ra thêm khái niệm “phản chủ nghĩa Plato = phản triết học”.

Do đó, đem triết học trước Nietzsche và triết học sau Nietzsche đặt trên cùng một mức độ để khảo cứu như là những khái niệm quán thông nhau thì rõ ràng đó là điều mơ hồ, lẫn lộn. Bất luận là hy vọng điều đó có xảy ra hay không thì trong triết học của thế kỷ 20 kể từ Nietzsche về sau, quan điểm “phản triết học” vẫn là điều không thể xem thường.

ERNST MERNST MACH VÀ NIETZSCHE

Đương nhiên, không chỉ có Nietzsche là người đứng trên lập trường chống lại văn hóa phương Tây, đặc biệt là chống lại nền văn hóa châu Âu. Đồng thời với Nietzsche còn có Ernst Mach (1838 − 1916), trong lĩnh vực vật lý, phê phán và muốn vượt lên trên cơ học cổ điển kể từ thời Newton về sau. Đến giữa thế kỷ 19, bàn tay của Hermann von Helmholtz (1821 − 1894) đã trở thành phong cách giảng dạy phổ biến cho mọi người. Quan điểm của Mach và Nietzsche cực kỳ giống nhau.

Rốt cuộc chúng giống nhau ở điểm nào? Chỉ xét về bề ngoài không thôi thì có vẻ như cả hai đều chịu ảnh hưởng cực kỳ sâu đậm của chủ nghĩa Darwin. Nhất là Mach. Ông cùng bạn thân là Ernst Haeckel (1834 − 1919) − người đã giới thiệu học thuyết Darwin trong phạm vi Đức ngữ − đã sớm tiếp thu thuyết tiến hóa để lấy nó làm cơ sở cho giả thuyết trong học thuyết của mình.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Darwin, nhưng ủng hộ thuyết đào thải tự nhiên và thuyết hoàn cảnh quyết định trong tiến hóa luận của Darwin hoàn toàn không phải là trọng điểm thảo luận của Mach và Nietzsche. Nhất là Nietzsche, đối với hai thuyết nói trên thì ông phản đối lập trường của Darwin. Nếu sự tiến hóa trong cuộc sống chỉ là do thích ứng với hoàn cảnh thì tri thức của loài người cũng chỉ là một loại chức năng thích ứng với hoàn cảnh theo kiểu sinh vật mà thôi. Nếu đúng là vậy thì mọi tri thức của loài người đều tương đối cả, còn chân lý tuyệt đối và tri thức cùng nhận thức thu hoạch được từ đó đều không thể tồn tại. Vật lý học Newton với thời gian tuyệt đối và không gian tuyệt đối là tiền đề tất yếu, cùng quan điểm về sự vận động của các vật thể bên trong sẽ không thể nào thiết lập được.

 Những năm 80 của thế kỷ 19, chủ nghĩa Darwin do Haeckel giới thiệu đã bị hiểu lệch lạc tại rất nhiều nơi. Chẳng hạn như, “sự phát sinh cá thể là sự lặp lại của sự phát sinh chủng loài” là giả thuyết của Haeckel − còn gọi là “phục diễn thuyết”, cho rằng trong quá trình phát triển, tất cả các giống loài đều lặp đi lặp lại, nó phủ định quan điểm cho rằng tiến hóa là kết quả thích ứng với hoàn cảnh. Trong tác phẩm Die Naturanschauung von Darwin, Goethe und Lamarck (Tự nhiên quan của Darwin, Goethe và Lamarck), có thể thấy chủ nghĩa Darwin do Haeckel giới thiệu đã chịu ảnh hưởng cực kỳ to lớn của triết học tự nhiên của Goethe, cùng thuyết tiến hóa do Lamarck đề xuất.

 Tuy nhiên, thuyết tiến hóa mà Haeckel giới thiệu tại nước Đức lại thích hợp để đẩy lùi lý luận “nguyên lý siêu nhiên” (triết học) cùng “thời gian tuyệt đối và không gian tuyệt đối” (vật lý học). Các nhà thơ nước Áo như Hofmannsthal[2] và Robert Musil[3] đều xem quan điểm của Mach và Nietzsche là đại biểu cho tư tưởng tiến bộ nhất đương thời. Một người là nhà vật lý học, một người là nhà tu từ học cổ điển, họ nghiên cứu trong những lĩnh vực hoàn toàn xa lạ, nhưng trong mắt các nhà thơ cùng thời thì phương thức khảo cứu của cả hai về chủ nghĩa tương đối lại giống nhau. Bây giờ nhìn lại mới thấy phán đoán của hai nhà thơ trên quả nhiên chính xác.

 CÁC GIAI ĐOẠN CỦA CHÂU ÂU CUỐI THẾ KỶ

Cơ học Newton được phổ biến thành chân lý mà ai ai cũng đều công nhận, đó là tình hình vào giữa thế kỷ 19. Trước đó, tạm không nói đến tầng lớp trí thức, người bình dân hoàn toàn không có cơ hội tìm hiểu hay đi học, trong cái thế giới này ngoài ý chí Thượng Đế ra còn có một mối quan hệ nhân quả khác.

Cho đến giữa thế kỷ 19, lấy cơ học Newton làm trung tâm cho tự nhiên quan và thế giới quan khoa học là điều phổ biến, không gian là tập hợp của những điểm đẳng chất, vũ trụ bị chi phối bởi một thời gian thống nhất và đẳng chất, đó là thế giới quan được hầu hết mọi người công nhận.

Năm 1851, tại London tổ chức Hội chợ Triển lãm Thế giới lần thứ nhất. Trên khán đài là thủy tinh cung làm bằng pha lê, những thành quả tinh túy của cuộc cách mạng sản xuất được trưng bày cả ra, khiến người xem không ngớt trầm trồ tán thưởng. Hiển nhiên đó là những thành tựu tất nhiên của một thế giới quan khoa học.

Những người như văn hào Nga Dostoyevsky (1821 − 1881), v.v… nghe tin về thủy tinh cung ở hội chợ, đã mơ hồ cảm nhận được nguy cơ về một xã hội máy móc trong tương lai. Trong tác phẩm Notes From Underground (Hồi Ký Viết Dưới Hầm) có một đoạn nói lên tâm trạng của ông :

Cái gọi là bất khả, đó là một bức tường đá. Bức tường đá? À, phải rồi, dĩ nhiên điều đó chỉ đến quy luật tự nhiên, kết luận của khoa học tự nhiên hay một cái gì đó thuộc toán học. Trên thực tế, con người vốn không có đủ ý chí hoặc tính cảm nào, hiện tại không có tiền lệ, mà trong quá khứ cũng không có nốt. Cho nên loài người rốt cuộc cũng chẳng khác chi một phím đàn dương cầm hay một nút bấm trên cây kèn.[4]

Như người ta thường nói nghệ thuật phải được ủ kín trong lòng đất tối tăm, trải qua một quá trình lên men lâu dài rồi sau đó mới có thể nở thành những đóa hoa rực rỡ, cho nên khi thế giới đương thời nhờ được khoa học soi chiếu đã trở nên trong suốt, không còn những góc tối bị che khuất thì nó cũng mất đi không gian để sinh ra những tác phẩm nghệ thuật mới. Dự cảm đó là nhận thức chung về cái gọi là “nghệ thuật cuối thế kỷ” mà Baudelaire đã nói trong tác phẩm Le Fleurs Du Mal (Những đóa hoa tội ác) của ông. Trong xã hội kỹ thuật, ánh dương khoa học soi chiếu khiến mọi vật trở nên trong suốt, tuy đó là cảnh tượng ngàn hoa nở rộ của nền văn minh kỹ thuật, nhưng với nghệ thuật mà nói thì đó là đại nguy cơ. Không hồ nghi gì nữa, Nietzsche là người cảm nhận được mối nguy cơ này.

Lúc bấy giờ, tuy bóng đèn điện chưa phổ biến nhưng đèn dầu hỏa đã hầu như đã lan đến mọi gia đình, sinh hoạt ngày thường không còn phải chịu cảnh tăm tối nữa. Khái niệm thời gian của vật lý học bị bài xích, các tác gia khởi xướng những cuộc trải nghiệm khác thường về thời gian. Phe Helmholtz chủ trương lập trường vạn năng của cơ học là “lấy sinh mệnh làm chủ, mọi hiện tượng trong thế giới tự nhiên đều có được lý giải bằng vật lý và hóa học.”

Đối với thế giới quan khoa học, cả Nietzsche lẫn Mach hầu như đều cảm nhận được nguy cơ mà hình thành nên tư tưởng của riêng mình. Điều đó có những điểm tương đồng với cách biểu hiện sự cảm nhận được nguy cơ của những nghệ thuật gia cuối thế kỷ 19.

NIETZSCHE KHÔNG PHẢI LÀ
“TRIẾT GIA THEO CHỦ NGHĨA TỒN TẠI”

Trong sách giáo khoa học bậc trung học đều xếp Nietzsche vào nhóm triết gia theo chủ nghĩa tồn tại, cùng nhóm với Kierkegaard. Những triết gia có tư tưởng khác biệt với Kant, Hegel, v.v… không hề câu nệ vào truyền thống, họ thường tự đối thoại với bản thân để tư duy về sự vật. Điều này có vẻ như là định nghĩa sơ lược về chủ nghĩa tồn tại. Heidegger cùng Jaspers, v.v… đều được xếp với nhóm các triết gia tồn tại chủ nghĩa.

 Đó là thực là điều cực kỳ sai lầm. Nietzsche mở đầu sự nghiệp của mình với tư cách là học giả về nền văn hiến cổ điển. Khi tốt nghiệp đại học, tuy mới 24 tuổi, nhưng ông đã được đại học Basel phá lệ mời làm phó giáo sư. Môn văn hiến cổ điển chủ yếu là dạy về nền văn hóa cổ điển Hy Lạp và La Mã từ góc độ ngôn ngữ. Nếu như đọc hiểu được những tác phẩm cổ điển Hy Lạp và La Mã trong nguyên tác là sự trau dồi cơ bản về triết học thì những gì Nietzsche tiếp thu được mới thực sự là nền giáo dục tối chính thống để tiếp xúc với triết học truyền thống của phương Tây.

Do văn thể trong Also sprach Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế) trình bày theo thể loại cách ngôn, nên nó luôn bị xem là tác phẩm văn học, và Nietzsche luôn bị xem là “triết gia − thi nhân” vì ông phản đối lối tư duy trừu tượng theo hệ thống. Nhưng thực ra đó là điều ngộ nhận. Trên cơ sở hiểu thấu đáo triết học truyền thống phương Tây từ thời Hy Lạp cổ đại, Nietzsche đánh một trận quyết định, nhưng ông vẫn hoàn toàn không phản đối “tư duy trừu tượng”. Ông còn nói rằng lúc đang ở trạng thái khỏe mạnh tốt đẹp thì tư duy trừu tượng là một dạng hân hoan, say đắm. Ông từng tự gọi mình là “triết gia − thi nhân”, nhưng lại hoàn toàn không theo cách hiểu thông thường của người đời.

“SỰ RA ĐỜI CỦA BI KỊCH” VỚI SCHOPENHAUER

Đề tài mà Nietzsche khởi đầu nghiên cứu là lịch sử thành lập bi kịch Hy Lạp. Khi còn giảng dạy tại đại học Basel, ông đã cho ra đời tác phẩm Die Geburt der Tragödie (1862). Trong tác phẩm này, Nietzsche đưa ra hai nguyên lý là “thể điệu Dionysos” và “thể điệu Apollo”, ông chỉ ra rằng khi cả hai kết hợp thành công thì sinh ra hình thức nghệ thuật “bi kịch”.

Hai khái niệm này thực ra là chịu ảnh hưởng tác phẩm Die Welt als Wille und Vorstellung (Thế giới như là Ý Chí và Biểu Tượng) của Schopenhauer. “Thể điệu Dionysos” là cái mà Schopenhauer gọi là “thế giới ý chí”, còn “thể điệu Apollo” là “thế giới biểu tượng”.

 Nhưng tác phẩm đó của Schopenhauer thực ra là một nỗ lực giải thích triết học Kant từ góc độ khác biệt với các triết gia duy tâm Đức. “Thế giới ý chí” là “thế giới của vật tự thể” của Kant, còn “thế giới biểu tượng” thì chẳng khác gì với “hiện tượng giới” của Kant cả.

Nhưng hai năng lực lý tính là “ý chí” mà Kant có được từ đó (tức cái thế giới không bị trói buộc trong quan hệ nhân quả của hiện tượng giới, tự do sinh tồn nơi vật tự thể) và “biểu tượng” hình thành nên hiện tượng giới, hai thứ đó được kế thừa từ hai đặc tính cơ bản của khái niệm “monad” (đơn tử) mà Leibniz mô tả − đó là “ý chí” và “biểu tượng”.

NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TƯ TƯỞNG SIÊU HÌNH HỌC NƯỚC ĐỨC

Nguồn gốc và sự phát triển của tư tưởng siêu hình học được hình thành theo lộ trình Leibnitz − Kant − Schopenhauer − Nietzsche, nói chung họ cho rằng so với năng lực của “biểu tượng, nhận thức” thì “ý chí, ý dục” mới là cơ bản. Heidegger gọi đó là phổ hệ của “siêu hình học nước Đức”. Các triết gia duy tâm Đức như Hegel, Schelling, v.v… mặc dù có vẻ như không liên quan gì đến phổ hệ, nhưng lý luận của họ xét về mặt ý nghĩa đều xem trọng ý chí cho nên có thể xem như cũng gia nhập vào hệ thống này. Chẳng hạn như Schelling, trong tác phẩm Nghiên cứu bản chất của tự do nhân loại[5](1809), nói “tại tòa án tối cao, trừ ý dục ra thì chẳng có gì tồn tại, ý dục mới chính là sự tồn tại có căn nguyên sâu xa nhất.” Hegel trong Phänomenologie des Geistes chỉ ra bản chất của tồn tại là “hiểu biết”, và nền tảng của “hiểu biết” là ý dục.

Khi nói đến “ý dục” thì mọi người đều liên tưởng đến dạng năng lực cao cấp dùng để giải quyết một sự việc gì đó, nhưng thực ra “ý dục”, “ý chí” trong tiếng Đức lại gần với ý nghĩa “sinh mệnh xung động[6], có nghĩa là trong thế giới cá lớn nuốt cá bé này, vì muốn sinh tồn mà phải bộc phát cái “sinh mệnh xung động” vô phương hướng đó. Tư tưởng truyền thống nước Đức quan niệm rằng sinh mệnh xung động đó có căn nguyên sâu xa hơn năng lực nhận thức hoặc năng lực biểu tượng của trí tuệ. Rõ ràng là Nietzsche thiên về tư tưởng truyền thống đó.

KHỞI NGUYÊN CỦA BI KỊCH

Tại châu Âu lúc bấy giờ, văn hóa cổ đại Hy Lạp được xem là nhẹ nhàng, sáng sủa. Bất luận là 24 vị thần trên đỉnh Olympus được đại biểu bởi thần ánh sáng Apollo, hay cung điện màu trắng cùng những bức phù điêu dưới bầu trời, tất cả những thứ đó cơ hồ như đều dùng để tượng trưng cho nền văn hóa rực rỡ huy hoàng của Hy Lạp. Nhưng Nietzsche lại cho rằng điều đó đã đem tinh thần của thể điệu Apollo tươi sáng che lấp mất thể điệu Dionysos sầu thảm.

Tại Hy Lạp thời cổ, ngoài các giáo phái mang nam tính cúng tế công khai chư thần Olympus, còn có các nghi thức cúng tế thần Dionysos (người La Mã gọi là thần Bacchus) diễn ra một cách bí mật trong các rừng sâu. Các phụ nữ xỏa tóc rũ rượi, thân thể trần truồng, ăn tươi nuốt sống động vật, cùng nhau uống rượu, phóng túng cuồng hoan. Tại các nghi thức cúng tế này, dàn hợp xướng khoác áo da dê lên người rồi cùng nhau hát những bài ca bi quan yếm thế về loài dê[7], hoặc những bài ca xưng tụng tửu thần, v.v…. Theo truyền thuyết, đây là khởi nguyên của “bi kịch[8]. Người Hy Lạp trong tâm trạng bi quan yếm thế thảm đạm đó mà vẫn có thể sinh tồn, sáng tạo nên thể điệu Apollo đại biểu cho chư thần Olympus, và sử dụng các kỹ thuật diễn xuất và lời thoại để biểu diễn “bi kịch”.

Nietzsche chỉ ra rằng nghi thức bí mật và “thể điệu Dionysos” được tượng trưng bằng âm chạc, cùng với chư thần Olympus và “thể điệu Apollo” được tượng trưng bằng nghệ thuật tạo hình, cả hai kết hợp với nhau một cách xảo diệu, hỗ tương điều hòa để đạt đến đỉnh cao tót vời của bi kịch và văn hóa Hy Lạp cổ đại.

Điều cần nói ở đây, quan điểm đó về văn hóa Hy Lạp hoàn toàn không phải là quan điểm của riêng cá nhân Nietzsche, mà nhà sử học Hy Lạp cổ đại là Jacob Burckhardt cùng nhà pháp học sáng lập nên lý luận về chế độ mẫu quyền là Johann Jakob Bachofen, v.v… đều có quan điểm tương tự. Nietzsche chịu ảnh hưởng sâu đậm của họ, bị giới sử học và văn hiến học đương thời ở châu Âu xem như xa lạ. Nửa năm sau, nhân vật lãnh tụ mới của giới văn hiến học là Moellendorff thay mặt cho giới sử học châu Âu phê phán kịch liệt lý luận của những người như Nietzsche. Bị giới học thuật bỏ rơi, năm 1879 Nietzsche bị buộc phải từ bỏ công tác giảng dạy đại học Basel. Từ đó về sau, ông sống với thân phận một triết gia trong dân chúng, phải tự bỏ tiền ra để in những tác phẩm của mình.

KHÁI NIỆM TỰ NHIÊN VỀ CUỘC SỐNG

 Trong thời gian giảng dạy tại đại học Basel, khi Nietzsche viết tác phẩm Die Geburt der Tragödie thì song song với việc nghiên cứu bi kịch, ông cũng nghiên cứu luôn các triết gia trước Socrates. Kết quả của công trình khảo cứu đó chủ yếu được lưu lại trong bản thảo còn dang dở là Die Philosophie Im Tragischen Zeitalter Der Griechen (Triết học Hy Lạp thời bi kịch cổ đại).

Như phần trước đã nói nhiều lần, tác phẩm trong thời đại các triết gia như Anaximander, Heraclitus, Parmenides, v.v… ít nhiều đều có liên quan đến tự nhiên. Có thể thấy chủ đề suy tư của bọn họ lúc bấy giờ là “tự nhiên”.

Đối với thời đại của người Hy Lạp thời đó mà nói, “tự nhiên” hoàn toàn chẳng phải là “tự nhiên” trong các khái niệm “tự nhiên và văn hóa”, “tự nhiên và xã hội”, v.v…, theo nghĩa là một lĩnh vực đặc biệt trong toàn thể những sự vật tồn tại, mà “tự nhiên” dùng để chỉ toàn bộ sự vật tồn tại, nó đồng nghĩa với “vạn hữu”, “vạn vật”, nó là “bản tính” và “phương thức tồn tại chân chính” của muôn vật. Các nhà tư tưởng Hy Lạp đương thời vì muốn thuyết minhphương thức tồn tại chân chính của vạn vật mà đã cho ra đời nhiều tác phẩm “bàn về tự nhiên”.

Họ đã làm thế nào để nhìn ra phương thức tồn tại chân chính của vạn vật − “tự nhiên” chăng? Từ bản thân của từ “tự nhiên” mà có thể suy đoán ra. “Tự nhiên” là danh từ phái sinh từ động từ “nẩy mầm, đơm bông, kết trái”. Theo các nhà tư tưởng đó, sự tồn tại của muôn vật mang ý nghĩa của sinh tồn và trưởng thành.

 Nietzsche muốn đem khái niệm “tự nhiên” kết hợp với khái niệm “thể điệu Dionysos” để khảo cứu. “Thể điệu Dionysos” dùng để chỉ cái sinh mệnh xung động vô hướng và phi lý tính, nó không hoàn toàn hòa hợp với cái mà các nhà tư tưởng trước Socrates cho là “tự nhiên”. Đề tài của Nietzsche làm thế nào để kết hợp cả hai lại một cách xảo diệu.

KHÁI NIỆM MỚI VỀ SỰ SỐNG

Muuốn hiểu được khái niệm mới về “sự sống” mới trong “thể điệu Dionysos” cần phải có thời gian. Như phần trước đã nói, sau những năm 80 của thế kỷ 19, do bị kích thích (chứ không phải chịu ảnh hưởng) bởi chủ nghĩa Darwin, Nietzsche bắt đầu khảo cứu khái niệm “sự sống”. Ông ý thức được rằng khái niệm đó không phải là cái đối lập với sinh mệnh xung động vô phương hướng, bản thân nó cũng bao hàm đặc trưng của “thể điệu Apollo”, hơn nữa nếu tính toán chu đáo, xác định mục tiêu rõ ràng thì “sự sống” có nghĩa là “trở nên lớn mạnh hơn so với giai đoạn hiện tại”.

Khái niệm “sự sống” mới có đủ “thể điệu Apollo” và “thể điệu Dionysos”, nó hoàn toàn không mâu thuẫn với quan niệm “tự nhiên” của người Hy Lạp cổ đại. Nietzsche dùng một từ bao quát hết, đó là “Der Wille zur Macht” (Ý chí quyền lực)[9], và nó trở thành tư tưởng đại biểu của ông trong giai đoạn vãn niên.

Nietzsche cho rằng quyền lực và ý chí đều là những thái độ biểu hiện của sự sống. Chính vì quyền lực không ngừng muốn trở nên lớn mạnh nên nó mới là quyền lực, đó là sự khởi đầu của nền chính trị mất phương hướng. Ý chí đã vậy rồi, mà ngày lại càng thêm lớn mạnh thì không có hy vọng gì khiến nó trở nên yếu đuối và nhỏ bé. Chỉ có cách hiểu phân đôi thành “quyền lực ngày càng phát triển lớn mạnh” với “ý chí ngày càng phát triển cao xa” thì mới có thể thực sự nắm bắt được bản chất của sinh cơ bồng bột đó. Bởi vậy, Nietzsche dùng khái niệm “Ý chí quyền lực” ít nhiều kỳ diệu đó để lý giải cấu tạo bản chất của sự sống.

TƯ TƯỞNG TRONG TÁC PHẨM CHÍNH

Nietzsche chịu ảnh hưởng sâu đậm của Schopenhauer, rất lâu về sau, ông mới thoát được ảnh hưởng đó. Mãi đến thập niên 80 của thế kỷ 19, Nietzsche mới thực sự thức tỉnh để trở thành “một tư tưởng gia độc lập”. Từ 1883 đến 1885, ông tốn mất hai năm mới hoàn thành kiệt tác Also sprach Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế). Đó là một bộ trường thi vĩ đại gồm bốn phần. Kiệt tác này về cơ bản là xây dựng nên “cánh cửa lớn” tiêu biểu cho triết học của riêng ông, rồi từ năm 1885 cánh cửa đó mới dẫn vào phần “nội thất chính” được kiến tạo bên trong.

Ngày 7 tháng 4 năm 1884, trong lá thư gởi cho người bạn thân là Franz Camille Overbeck, Nietzsche đã viết :

Với cuốn Zarathustra, tôi sẽ mở ra cánh cửa lớn dẫn vào “triết học” của riêng mình, trước khi hoàn thành công việc này, tôi quyết tâm chịu mất 5 năm.

Về sau, tên sách và kế hoạch bị thay đổi. Đến tháng 9 năm 1886, trong lá thư gởi cho mẹ và chị gái, ông viết :

Hôm nay, sau 4 năm trời, con đã hoàn thành tác phẩm tiêu biểu của mình gồm bốn phần. Chỉ tiêu đề không thôi cũng đủ làm chấn động lòng người (đó là Ý chí quyền lực − Thử đánh giá lại mọi giá trị.)

Tháng 3 năm 1887, Nietzsche đã vạch ra một kế hoạch khá hoàn hảo, rồi dựa theo kế hoạch đó về viết một số lượng tác phẩm khác lớn. Nhưng đến năm 1888, không hiểu vì cớ gì ông đột ngột ngừng viết, và bắt đầu soạn một vài tác phẩm nhỏ. Đến ngày 1 tháng 3 năm 1889, lúc bấy giờ Nietzsche đang ở tại thành phố Turin nước Ý, đột nhiên ông rơi vào trạng thái rối loạn tinh thần, cuối cùng là dẫn đến tình trạng mất trí. Theo suy đoán, đó có thể là hậu quả tai hại của bệnh bại liệt tiến triển do nhiễm bệnh giang mai trong thời kỳ sinh viên.

Người bạn Overbeck vội vã đến Turin để đưa ông quay về đại học Basel. Sau đó, Nietzsche chuyển đến Jena, được mẹ đưa vào bệnh viện trực thuộc đại học Jena. Không bao lâu, ông được mẹ đưa về nhà chăm sóc. Đến năm 1897, mẹ ông qua đời, Nietzsche lại được người em gái là Elizabeth đưa đến Weima chăm nom, mãi đến năm 1990 thì ông mất.

Sau khi Nietzsche mất, người em gái Elizabeth bắt đầu đứng ra chủ trì việc chỉnh lý lại những di cảo cuối đời của Nietzsche, biên tập thành tác phẩm Der Wille zur Macht rồi xuất bản. Nhưng do Elizabeth bị ảnh hưởng bởi tư tưởng bài Do Thái của chồng, nên những tác phẩm do bà biên tập vẫn còn nhiều nghi vấn. Cho đến hôm nay thì tác phẩm đó ngày càng mất đi giá trị. Trong công trình biên tập đó, có thể khôi phục lại tư tưởng thời vãn niên của Nietzsche, nhưng cần phải nỗ lực. Trong những năm cuối của thập niên 30 của thế kỷ 20, Heidegger đã xuất bản công trình nghiên cứu về Nietzsche, gồm hai cuốn đồ sộ nhan đề Nietzsche, đã cố gắng khôi phục lại tư tưởng Nietzsche.

 Trong Der Wille zur Macht, Nietzsche đã tiến hành phê phán ảnh hưởng của truyền thống triết học Plato đối với sự hình thành nền văn hóa phương Tây, tức phê phán chủ nghĩa Plato, mở đầu cho công việc “phê phán triết học” hay “phản triết học”, mà chương này đã đề cập đến từ ban đầu.

TRIẾT HỌC CỦA Ý CHÍ QUYỀN LỰC

Cấu tứ trong tác phẩm Der Wille zur Macht từ năm 1884 đã bắt đầu có vài dị bản, tiêu đề cũng bị thay đổi. Đến mùa thu năm 1886 mới hình thành tiêu đề chính thức là Der Wille zur Macht, rồi đến ngày 17 tháng 33 năm 1887 mới hình thành lộ trình tư tưởng chín muồi về cơ bản, như sau :

Ý chí quyền lực − Thử xét lại mọi giá trị (Versuch einer Umwerthung aller Werthe)

Quyển thứ nhất : Chủ nghĩa hư vô châu Âu (Der europäische Nihilismus)

Quyển thứ hai Phê phán những giá trị tối cao từ trước đến nay (Kritik der bisherigen höchsten Werthe)

Quyển thứ ba :    Nguyên lý xác lập giá trị mới (Prinzip einer neuen Werthsetzung)

Quyển thứ tư :     Giáo dục và bồi dưỡng (Zucht und Züchtung)[10].

Với ý định như thế, rốt cuộc Nietzsche đã triển khai tư tưởng như thế nào?

Điều mà Nietzsche vô cùng quan tâm, đó là làm thế nào để vượt qua trạng thái trống rỗng tinh thần của châu Âu vào nửa sau thế kỷ 19, tức thời kỳ ông đang sống. Beaudelaire và Dostoievsky thì ở trong tâm trạng tuyệt vọng trước tình huống của thời đại, Nietzsche chẩn đoán căn bệnh đó là “chủ nghĩa hư vô”, tức “trạng thái trống rỗng tinh thần”. Theo cách hiểu hiện nay, đó là trạng thái tâm lý trống rỗng, xem mọi sự vật sở hữu đều vô giá trị và không có ý nghĩa.

Nietzsche cho rằng muốn khắc được trạng thái tinh thần đó, trước hết phải tìm ra căn nguyên của chứng bệnh. Nhưng căn nguyên đó lại chính là cái dẫn đến việc hình thành nên nền văn hóa châu Âu, và đem lại cho toàn thế giới một quan niệm tối cao về giá trị − nhiều giá trị mà Nietzsche gọi đó là “siêu cảm”, còn chúng ta thì gọi là “siêu nhiên” (hay siêu hình học), đã đánh mất đi sức mạnh lẽ ra phải có.

Nietzsche gọi sự tình đó là “Thượng Đế đã chết”. Thời bấy giờ, Thượng Đế hiển nhiên chỉ được dùng để chỉ Thượng Đế của Cơ Đốc giáo, nhưng đồng thời Thượng Đế còn mang ý nghĩa tượng trưng về các giá trị siêu cảm tối cao như Chân-Thiện-Mỹ. Thế giới và sự tồn tại cảm tính đối với muôn vật tồn tại trong thế giới luôn thông qua giá trị tối cao đó để nhận được ý nghĩa của giá trị và ý nghĩa của sự vật. Lúc này, giá trị tối cao đó đã mất đi sức mạnh, khiến thế giới và vạn vật tồn tại trong thế giới đó không còn giá trị và ý nghĩa gì nữa, tất cả đều rơi vào “trạng thái trống rỗng tinh thần”.

CHỦ NGHĨA HƯ VÔ CHÂU ÂU

Thượng Đế đã chết” có nghĩa là gì? Giá trị tối cao siêu cảm vì cớ gì lại mất đi sức mạnh, cái sức mạnh mang lại và giá trị cho thế giới siêu cảm? Nietzsche giải thích như vầy :

Tất cả những giá trị mà từ trước đến giờ chúng ta đã cố gắng dùng để có thể ước lượng thế giới, rồi chúng lại chứng tỏ là không thể áp dụng, và do đó phá hủy giá trị của thế giới − tất cả những giá trị đó, xét từ góc độ tâm lý học, đều được sinh ra từ những viễn tượng về lợi ích vốn được thiết kết nhằm duy trì và phát dương cơ chế thống trị của con người và chỉ bị bị phóng chiếu một cách sai lầm vào bản chất của sự vật.[11]

Có nghĩa là cái “thế giới ý niệm”, mà Plato chỉ ra, từ trước đến nay vẫn luôn được xem là giá trị tối cao, nó hoàn toàn không phải là sự vật siêu cảm, siêu nhiên và tồn tại thực sự ở đâu đó, mà là một tiêu chuẩn do con người đặt ra để đảm bảo và mở rộng sự thống trị của con người (sự sống), giúp nó phát huy tác dụng tối đa. Tiêu chuẩn đó được phóng chiếu vào trong sự vật, rồi bị nhận lầm là một tồn tại siêu cảm. Nói một cách khác, đối với một sự vật vốn không tồn tại lại xem là một giá trị siêu cảm, rồi đè nén cảm xúc, lấy giá trị của một sự vật hoàn toàn không tồn tại làm tiêu chuẩn để ra sức hình thành nền văn hóa, nỗ lực đạt đến mục tiêu. Khi nhận ra được tất cả những nỗ lực đó đều luống công vô ích, liền rơi vào trạng thái trống rỗng tinh thần.

 Do đó, chủ nghĩa hư vô đã sớm hình thành tại thời điểm ta đem giá trị siêu cảm không tồn tại phóng chiếu thành giá trị được xem là tồn tại chân thực. Nietzsche cho rằng chính Plato là kẻ thủ ác trong việc xây dựng nên cái thế giới siêu cảm này. Dùng cách nói của Nietzsche, kể từ Plato về sau, toàn bộ đạo đức, tôn giáo, triết học của châu Âu đều ra sức giữ gìn cái giá trị siêu cảm không tồn tại đó, tất cả đều là chủ nghĩa Plato.

Cơ Đốc giáo là chủ nghĩa Plato của “quần chúng”. (Lời tựa tác phẩm Jenseits von Gut und Böse (Bên kia Thiện Ác)).[12]

Như thế, chủ nghĩa hư vô đã sớm hình thành từ sau chủ nghĩa Plato. Chủ nghĩa hư vô hoàn toàn không chỉ là trạng thái trống rỗng tinh thần, mà nó còn là danh xưng quy định cho sự vận động của lịch sử trong quá trình hình thành nền văn hóa châu Âu.

Tuy nhiên, sự vận động đó không chỉ quy định lịch sử quá khứ và lịch sử hiện tại của châu Âu mà thôi đâu. Nietzsche cho rằng muốn vượt qua được trạng thái trống rỗng tinh thần của chủ nghĩa hư vô thì phải hiểu thấu triệt được chủ nghĩa hư vô, ngoài ra không có cách nào khác. Điều đó có nghĩa là không nên tiêu cực, ngồi bi quan than thở chuyện các giá trị siêu cảm mất đi sức mạnh. Thế giới trở nên vô giá trị, vô ý nghĩa, vậy thì càng nên tích cực nhìn nhận rằng trong thế giới này vốn không có tồn tại một giá trị siêu cảm nào cả, trừ việc ta tích cực phủ định cái được gọi là giá trị tối cao, thấu hiểu toàn triệt chủ nghĩa hư vô, ngoài cách đó ra thì hoàn toàn không có cách nào khác. Theo cách này, vận động lịch sử của chủ nghĩa hư vô đồng thời đã biến thành vận động hoạch định tương lai của môi trường văn hóa châu Âu

 Tiêu đề quyển một của Der Wille zur Macht là “Chủ nghĩa hư vô châu Âu” tức không cần thiết phải phân biệt với chủ nghĩa hư vô Ấn Độ hay Trung Quốc, cũng không đơn giản dùng để chỉ là bầu không khí trống rỗng thao túng châu Âu vào nửa sau thế kỷ 19, mà tiêu đề đó dùng để chỉ toàn bộ môi trường văn hóa châu Âu, xuyên suốt sự vận động căn nguyên của lịch sử châu Âu từ quá khứ đến tương lai. Quyển một của Nietzsche chẩn đoán bệnh đó, xác định được căn nguyên, quyển hai mới bắt đầu dùng biện pháp điều trị.

VƯỢT QUA CHỦ NGHĨA HƯ VÔ =
PHÊ PHÁN GIÁ TRỊ TỐI CAO

Như trên đã nói, Nietzsche cho rằng muốn vượt qua trạng thái trống rỗng tinh thần của chủ nghĩa hư vô thì không nên bi quan than thở rằng Thượng Đế đã chết hay những giá trị tối cao đã sụp đổ, mà cần phải hiểu rằng những giá trị tối cao đó vốn không tồn tại, đông thời tích cực phê phán và phủ định chúng. Quyển hai, “phê phán những giá trị tối cao” là bước đầu triển khai luận điểm này. Thực ra, Nietzsche hoàn toàn không chỉ phê phán những giá trị tối cao này, mà tìm phương thức xác lập những giá trị tối cao đã được công nhận đó. Nói một cách cụ thể, Nietzsche phê phán toàn bộ nền triết học dùng cái học siêu nhiên làm tông chỉ cơ bản, lấy Cơ Đốc giáo làm đại biểu tôn giáo, lấy lối sống khắc khổ của chủ nghĩa khắc kỷ (Stoicism) làm tiêu chuẩn đạo đức. Kế hoạch của ông là “đảo ngược chủ nghĩa Plato”, là “vượt qua siêu hình học”.

Như thế, cái thế giới với những giá trị tối cao siêu cảm từ trước đến giờ, một khi bản chất của nó một khi bị lộ ra, bị phủ định thì những gì còn lại là một thế giới hoàn toàn mất ý nghĩa và vô giá trị. Nhưng Nietzsche cho rằng muốn một thế giới như thế tiếp tục tồn tại thì phải sáng tạo nên những giá trị mới thay cho hệ thống giá trị truyền thống. Hệ thống giá trị mới không chỉ đơn giản là lật đổ mọi giá trị cổ truyền, gán giá trị cho những sự vật trước đó bị xem là vô giá trị, và xem những sự vật có giá trị trước kia là vô giá trị. Sự việc không hề đơn giản như thế, mà cần phải định nghĩa lại khái niệm “giá trị”, rồi dựa vào khái niệm đó để tìm ra phương thức đánh giá những giá trị mới. Điều cần làm ngay là tìm hiểu khái niệm giá trị mới, rồi xác lập “nguyên lý” dựa vào khái niệm giá trị mới này. Đó là chủ đề của quyển thứ ba.

NGUYÊN LÝ XÁC LẬP GIÁ TRỊ MỚI

Vậy thì tìm đâu ra nguyên lý đó? Bởi vì điều duy nhất còn lại là một thế giới cảm tính, tức cũng là thế giới tự nhiên, nên đương nhiên phải từ thế giới tự nhiên mà tìm ra nguyên lý. Nguyên lý này dĩ nhiên chỉ có thể là vật chất − có nghĩa là khi thiết lập nguyên lý siêu nhiên, nó được xem là chất liệu quán tính góp phần vào việc tạo thành hình thức.

 Tuy nhiên, ngày nay nguyên lý siêu nhiên đã bị phủ định hoàn toàn, tự nhiên đã lấy lại được sức mạnh trưởng thành cho bản thân mình, để phát triển mạnh mẽ và tràn đầy sức sống. Nietzsche cho rằng ta chỉ có thể tìm được nguyên lý xác lập giá trị từ trong tính cách cơ bản của thế giới cảm tính − tức sự sống.

Phần trước đã đề cập, sau khi tiếp xúc với chủ nghĩa Darwin, Nietzsche thoát khỏi khái niệm sự sống của Schopenhauer − một quan niệm phi lý tính theo thể điệu Dionysos về sinh mệnh xung động vô phương hướng − để đạt được một khái niệm mới về sự sống, đó là Ý chí quyền lực. Rõ ràng là ở đây cũng có dấu tích của một chàng trai bỏ công nghiên cứu khái niệm “tự nhiên” của “các nhà tư tưởng trước Socrates” trong nền văn hiến Hy Lạp cổ đại.

Nietzsche muốn khôi phục lại tự nhiên quan của Hy Lạp thời kỳ đầu. Theo cách nhìn này, tự nhiên quan vật chất kể từ Plato về sau cùng sự hình thành của chủ nghĩa hư vô châu Âu dựa trên đó đều bị xem là chủ nghĩa hư vô, cần phải phê phán và vượt qua.

NIETZSCHE ĐẢO NGƯỢC GIÁ TRỊ NHƯ THẾ NÀO

Nietzsche làm thế nào chiếm được một chỗ đứng rộng lớn để có thể nhìn bao quát trọn vẹn nền văn hóa châu Âu? Từ trước đến giờ, tôi suy nghĩ nát óc vẫn không sao hiểu được điểm này. Lấy thời Trung Cổ làm góc nhìn để phê phán văn hóa châu Âu cận đại, hoặc lấy văn hóa Hy Lạp thời cổ đại làm góc nhìn để phê phán văn hóa Cơ Đốc giáo từ thời La Mã về sau, điều đó đều có thể tưởng tượng được, nhưng dùng bi kịch Hy Lạp thời cổ đại làm chỗ đứng để tiến hành phê phán sự hình thành của nền văn hóa phương Tây từ thời Hy Lạp cổ đại về sau, rồi muốn vượt qua nó nữa, điều đó thật không tiền tuyệt hậu, trước này chưa từng có tiền lệ, khiến ta không khỏi trố mắt sững sờ. Sau thời kỳ xâm lươc của chủ nghĩa thực dân, chủ đề Đông phương học cũng chẳng còn xa lạ nữa, điều đó không cần phải nói, nhưng ở vào cuối thế kỷ 19 vẫn chưa thể có được ý tưởng đó, nếu không có động cơ tâm lý tương ứng thì không sao tưởng tượng nỗi. Điều đó không thể như trò ảo thuật, thình lình kéo ra một con chim bồ câu từ lồng ngực.

Rốt cuộc, thần kinh của Nietzsche đã xúc động như thế nào để có thể tưởng tượng ra những điều thần diệu đó? Chúng ta sẽ cùng nhau xét kỹ ở phần tiếp theo.

MỘT CUỐN NGỤY TÁC “EM GÁI VÀ TÔI”

 Xét về động cơ của Nietzsche, điều truyền cảm hứng cho tôi là một cuốn sách giả.

Đó là một bản thảo mà người ta ngụy tạo, khi Nietzsche đã rơi vào trạng thái hỗn loạn tinh thần. Cuốn sách này được dịch sang tiếng Anh, với nhan đề My Sister and I (Em gái và tôi), xuất bản năm 1951 tại New York. Cuốn đó hoàn toàn không đáng tin. (Năm 1956, lại xuất hiện một bản dịch ở Nhật của Thập Lăng Lân 十菱麟, với tiêu đề Bay tới mặt trời − Em gái và tôi.)

Cuốn sách đó gồm những lời tự thuật và những câu cách ngôn dài ngắn khác nhau. Nội dung còn mô tả chuyện ông cùng em gái Elisabeth đã có những hành vi loạn luân ngay từ thuở nhỏ, hoặc cảnh ông cùng Lou Andreas-Salomé và Cosima Wagner[13] sống trần truồng với nhau, tạo thành một tác phẩm cực kỳ hấp dẫn người đọc. Dù chỉ là bản dịch tiếng Anh, ta vẫn có thể cảm nhận được bút lực trong nguyên tác là phi thường. Toàn bộ cuốn sách đến hơn 260 trang, không thể xem là cuốn sách nhỏ được.

 Bản thảo gốc chuyền qua tay nhiều người, cuối cùng đến tay một học giả chuyên nghiên cứu về Nietzsche tại nước Anh là Oscar Levy. Ông này dịch bản thảo sang tiếng Anh, lại được nhà xuất bản nổi tiếng ở New York là Boar’s Head Books in và do Seven Sirens Press phân phối, khiến người ta không thể xem thường. Ông này từng đem Ulysse − là tác phẩm của James Joyce bị cấm ở Anh − đăng trên tạp chí của mình, rồi xuất bản mà không có sự đồng ý của tác giả.

Cuốn My Sister and I về sau bị Hiệp hội phòng chống tội phạm New York tịch thu, bản thảo gốc của Nietzsche bị đốt, chỉ còn lại bản dịch Anh ngữ. Điều đó khiến người ta không thể không hoài nghi về tính xác thực của cuốn này.

ĐẠI KỴ LOẠN LUÂN

Nhưng đúng như tiêu đề My Sister and I, cuốn này chỉ thuật lại những chuyện loạn luân giữa Nietzsche và em gái. Tôi cho rằng tác giả của ngụy tác đó rất mạnh về điểm này. Nếu như suy tư về nhân tố loạn luân, thì ẩn ngữ của ý tưởng “phê phán và phủ định toàn bộ sự hình thành nền văn hóa châu Âu” của Nietzsche có thể giải đáp dễ dàng.

Tôi hoàn toàn không chủ trương rằng giữa anh em họ nhất định có mối quan hệ đó. Nhưng bất luận thư từ nào qua lại giữa hai người, hay là truyện ký giữa anh với em gái, hoặc là em gái luôn có biểu hiện sự ghen tuông dữ dội đối với tình nhân của anh, thì tất cả điều đó cũng đều cho thấy giữa anh em họ có tình thân mật khác thường. Không biết trong lòng Nietzsche bắt đầu nảy sinh ra tình cảm đó tự khi nào.

Nếu quả là vậy, Nietzsche có thể bắt đầu nảy sinh nghi vấn. Loạn luân có gì là không tốt? Cho rằng loạn luân là chuyện tối kỵ thì đáng nực cười. Tại Ai Cập và Ba Tư cổ đại, thiếu gì người xem chuyện loạn luân không phải là văn hóa đại kỵ, v.v… Một khi đã phê phán và phủ định toàn bộ nền văn hóa xem loạn luân là chuyện đại kỵ thì ý tưởng loạn luân sẽ nảy sinh.

Trong chương thứ 9 của cuốn Die Geburt der Tragödie, Nietzsche có đề cập đến vấn đề loạn luân :

Vào thời thái cổ, đặc biệt là trong tín ngưỡng dân gian Ba Tư, người ta tin rằng những ma thuật sư tài giỏi chỉ có thể được sinh ra do sự loạn luân.[14]

Tôi cho rằng có thể tư tưởng phản kháng đó đã hình thành nên động cơ tâm lý, giúp Nietzsche có một góc nhìn rộng lớn để có một tầm nhìn bao quát mà tiến hành phê phán toàn bộ nền văn hóa phương Tây.

CÁI CÓ THỂ GỌI LÀ GIÁ TRỊ

Trong quyển 3 của tác phẩm Der Wille zur Macht, nhan đề Nguyên lý xác lập giá trị mới, mà Nietzsche dự định muốn hoàn thành như một kiệt tác triết học, Ý Chí Quyền Lực được xem là nguyên lý xác lập nên giá trị mới cho khái niệm mới về sự sống. Căn cứ vào đó ta có thể thấy Nietzsche muốn xây dựng lại một hệ thống giá trị mới hoàn toàn. Tuy nhiên, như nội dung tiêu đề đã nêu, Nietzsche muốn lật đổ hệ thống giá trị hiện tại, ông xem những thứ giá trị hiện nay là vô giá trị, còn những thứ vô giá trị hiện nay là giá trị. Nietzsche muốn dùng nguyên lý mới đó làm cơ sở để định nghĩa lại khái niệm “giá trị”, và xây dựng phương pháp xác lập lại giá trị mới.

Như vậy, nếu dùng ý chí quyền lực làm nguyên lý để tiến hành khảo cứu thì rốt cuộc “giá trị” là gì? Nietzsche định nghĩa như vầy :

Tiêu chuẩn “giá trị” là những điều kiện để duy trì và phát triển đối với những cấu trúc phức tạp duy trì được sự sống tương đối lâu, ngay giữa lòng biến dịch.[15]

Từ “tiêu chuẩn” ở đây dùng để dịch từ Gesichtspunkt trong tiếng Đức. Thông thường Gesichtspunkt được dịch là “quan điểm”, phần lớn các bản dịch tiếng Nhật cũng đều dịch là “quan điểm”, nhưng cách dịch đó lại có điểm không thông. Từ này cũng còn có nghĩa là “mục tiêu chung”, “điểm chuẩn”. Trong câu trích dẫn ở trên, rõ ràng Gesichtspunkt được dùng theo nghĩa thứ hai, tức là tiêu chuẩn để đánh giá sự vật, đảm bảo rằng sự sống không bị trượt khỏi giai đoạn đã đạt đến hiện tại, và duy trì đà phát triển liên tục, đồng thời đảm bảo được tiêu chuẩn để ước tính điều này.

Măc dù vậy, đoạn “duy trì và phát triển đối với những hình thức phức tạp duy trì được sự sống tương đối lâu, ngay giữa lòng biến dịch” vẫn khó hiểu.

Như trên đã nói, sự sống luôn ở trong trạng thái biến dịch lớn mạnh hơn trạng thái hiện tại, nhưng trạng thái đó không thể hoàn thành trong chớp mắt, mà là “duy trì tương đối lâu”, khi đạt đến trạng thái hiện tại thì tạm lưu lại một thời gian khá lâu, rồi sau đó tiếp tục phát triển lên cao hơn. Câu “duy trì và phát triển đối với những hình thức phức tạp duy trì được sự sống tương đối lâu, ngay giữa lòng biến dịch” có nghĩa như vậy, sự sống có “cấu trúc phức tạp” vì sự tương giao giữa biến dịch và duy trì. Do đó, sự sống cần phải xác lập tiêu chuẩn song trùng, có thể gọi là giá trị song trùng, tức tiêu chuẩn duy trì trạng thái đã đạt đến thời điểm hiện tại và tiêu chuẩn tiếp tục phát triển từ trạng thái hiện tại lên trạng thái cao hơn. Công việc xác định tiêu chuẩn và xây dựng giá trị giữ vai trò quy định giá trị, sự sống có đầy đủ vai trò quy định giá trị song trùng.

Nietzsche chủ trương như thế này giá trị hoàn toàn không phải là cái mà chúng ta cho là một loại tiêu chuẩn “thỏa đáng” nào đó, mà suy cho cùng đó là chức năng của sự sống.

NHẬN THỨC VÀ CHÂN LÝ

Nietzsche cho rằng đảm bảo được tiêu chuẩn được quy định đã đạt đến trong giai đoạn hiện tại, và dùng nó để xác lập giá trị, đó là “chân lý”, công việc xác lập chân lý được gọi là “nhận thức”. “Nhận thức” là nắm bắt được tính chân thực của sự vật. “Chân lý” tương phản với cảm giác kinh nghiệm không ngừng biến đổi của con người, nó là sự vật hằng cửu bất biến và tồn tại độc lập. Nietzsche cho rằng loại chân lý đó chỉ là tiêu chuẩn đảm bảo được trạng thái hiện tại, tạm thời ổn định được bản thân mà thôi.

Chúng ta đã phóng chiếu những điều kiện bảo tồn của chúng ta như là những vị ngữ của tồn tại. Do phải giữ niềm tin vững chải để phát triển, chúng ta đã tạo thế giới “chân thực” này thành một thế giới không phải của đổi thay và biến dịch, mà là một thế giới tồn tại, hiện hữu.[16]

 “Chân thực”, “hiện hữu”, tất cả những điều đó đều do chúng ta tạo ra để đảm bảo rằng mình đã đạt đến giai đoạn hiện tại, và vẫn gìn giữ ổn định để tiếp tục phát triển. Đó là những vị ngữ của thế giới mà chúng ta áp đặt lên sự phát triển và biến dịch, nhiều lắm thì nó cũng chỉ là một tiêu chuẩn. Và quá trình quy đinh tiêu chuẩn đó được gọi là “nhận thức”. Trên thực tế thì :

Không phải là “nhận thức”, mà là sơ đồ hóa − áp đặt các quy tắc và hình thức lên trên trạng thái hỗn loạn nhằm thỏa mãn nhu cầu thực tế của chúng ta.[17]

Từ “hỗn loạn” (Chaos) trong đoạn văn trên dùng để chỉ một thế giới chuyển hóa liên tục, biến dịch không ngừng. Bởi vì chúng ta khó lòng ổn định trong cõi hỗn loạn, vì khó mà giữ nguyên được trạng thái trong giai đoạn hiện tại, nên cần phải áp đặtmột quy tắc ở mức độ nào đấy lên cái thế giới hỗn loạn này, nhằm thỏa mãn những nhu cầu trong cuộc sống của chúng ta, tức là “sơ đồ hóa” thế giới, làm cho tất cả có vẻ như tĩnh chỉ, bất biến, và đó là cái mà ta gọi là “nhận thức”. Nhưng Nietzsche cho rằng đó hoàn toàn không phải là quá trình nắm bắt “một cái gì đó thực sự tồn tại − “chân lý” − đằng sau những hiện tượng biến hóa.

Chân lý là một dạng sai lầm mà không có nó thì không một sinh vật nào có thể sống được.[18]

Thực tiễn” vốn là sự thực hành của sự sống, “nhu cầu thực tiễn” chỉ là nhu cầu tồn tại và sinh đẻ. Theo Nietzsche, cần xác định rõ ràng rằng “nhận thức” và “chân lý” đều thuộc vào chức năng bản chất của sự sống, nhận thức được điểm đó mới là điều kiện tất yếu để vượt qua chủ nghĩa hư vô. Tuy nhiên, chỉ một điểm đó thôi vẫn chưa đủ.

NGHỆ THUẬT VÀ CÁI ĐẸP

Vì nói về sự sống theo nghĩa bản chất của “Ý chí quyền lực”, đảm bảo được trạng thái đã được trong hiện tại cố nhiên là quan trọng, nhưng chuyển hóa để phát triển khiến sự sống ngày càng lớn mạnh thì điều đó còn quan trọng hơn nữa. Như thế, so với việc duy trì chức năng quy định giá trị của hiện trạng − tức “nhận thức”, thì chức năng quy định giá trị của khả năng phát triển sự sống thêm lớn mạnh còn quan trọng hơn. Nietzsche cho rằng chức năng quy định giá trị đó là “nghệ thuật”, giá trị được xác định bằng nghệ thuật là “Cái Đẹp”.

Nghệ thuật có giá trị cao hơn chân lý.[19]

Và :

Chúng ta có nghệ thuật để khỏi đắm chìm trước chân lý.[20]

Nhưng nếu chỉ để thỏa mãn nhu cầu duy trì hiện trạng thì sống không còn là sống nữa, vì đối với sự sống thì điều tối trọng yếu là phải phát triển không ngừng. Nhưng xưa nay triết học phương Tây vẫn luôn có thái độ xem thường nghệ thuật, trọng chân mà khinh mỹ, cho nên đã làm cho sức mạnh của sự sống suy giảm đi, dẫn đến trạng thái trống rỗng tinh thần của chủ nghĩa hư vô. Để thay đổi trạng thái đó, không những cần đưa kiến thức và chân lý quay về với cuộc sống, mà đồng thời còn phải đảo ngược quan niệm về nhận thức và nghệ thuật cùng mối quan hệ hơn kém giữa chân lý và cái đẹp. Chỉ có chức năng quy định giá trị của nghệ thuật, và từ đó xác định giá trị của cái đẹp, mới có thể kích thích sự sống phát triển.

Nghệ thuật và không có gì ngoài nghệ thuật! Nó là phương tiện tuyệt vời để biến cuộc sống thành khả thể, là sự quyến rũ tuyệt vời cho cuộc sống, là chất kích thích tuyệt vời của cuộc sống.[21]

 Trong chương này, Nietzsche nhiều lần nhắc đến “chất kích thích”, điều đó cho thấy ông cực lực phản bác lại lý luận của Schopenhauer mà ông đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Schopenhauer từng xem nghệ thuật là “liều thuốc an thần” dành cho sinh mệnh xung động vô phương hướng. Do đó ta có thể thấy, ở giai đoạn này Nietzsche đã hoàn toàn thoát ly hỏi ảnh hưởng của Schopenhauer. Thực ra, ngày từ tác phẩm đầu tiên Die Geburt der Tragödie, Nietzsche đã chỉ ra rằng nghệ thuật biểu hiện thành hai hiện tượng sinh lý là “giấc mơ” và “trạng thái say đắm”, hai trạng thái đó tiềm tàng trong sự thúc đẩy nghệ thuật của chính cuộc sống. Lúc nào cũng vậy, nghệ thuật và cái đẹp luôn được xem là những chức năng của cuộc sống. Nghệ thuật soi sáng con đường trước mặt của cuộc sống, giúp cho cuộc sống phát triển ngày càng lớn mạnh. Bản thân nghệ thuật thuộc về chức năng bản chất của cuộc sống, do đó đối với cuộc sống thì nghệ thuật còn quan trọng hơn cả nhận thức (tức chức năng gìn giữ trạng thái hiện tại).

PHỤC HỒI THỂ XÁC

Vào thời kỳ đó, Nietzsche nhiều lần chủ trương thể xác phải có vai trò lớn hơn tinh thần.

Mở mang tinh thần thông qua thể xác, đó là điều mang bản chất tối yếu; tin tưởng vào thể xác so ra vẫn đáng tin cậy hơn là tin tưởng vào tinh thần.

Hiện tượng thể xác là hiện tượng rất phong phú, rất rõ ràng và vô cùng dễ hiểu. Do đó, ta cần phải dành cho thể xác một phương pháp ưu tiên.[22]

Phương pháp này rõ ràng là đối lập với kiến giải “tinh thần dễ được nhận biết hơn nhiều so với thể xác” của Descartes, trong phần IV của Discour de la méthode. Trong đoạn văn trên, Nietzsche đề cập đến “mở mang” và “phương pháp”, chắc chắn đó là cách giải thích “mở mang” và “phương pháp” dành cho thế giới. Nietzsche phản đối quan niệm của Plato lẫn Descartes là đã dùng phần tinh thần đã được tịnh hóa trong thể xác làm phương hướng để giải thích thế giới siêu nhiên (tức thế giới của siêu hình học), và xem đó là phương pháp điển hình. Ông chủ trương dùng thể xác làm phương hướng để giải thích thế giới theo cách hoàn toàn.

Sở dĩ có điều đó là vì suy cho cùng thì nghệ thuật cũng chỉ là những thứ do thể xác làm ra, sáng tạo ra. Nietzsche chủ trương :

Nghệ thuật là thể xác phát triển mạnh mẽ hướng đến một thế giới đầy hình tượng và ước vọng.

Ý đồ của Nietzsche là từ lĩnh vực nghệ thuật nhìn thấy rõ một thế giới phát triển từ thể xác. Nietzsche xem nghệ thuật là biểu hiện của chức năng thể xác và chức năng sống ở mức độ cao, giải thoát khỏi sự áp chế của tinh thần, ông cho rằng phải phục hồi lại ưu thế của thể xác mới có thể vượt qua được vòng kiềm tỏa của chủ nghĩa hư vô.

Tôn giáo, đạo đức và triết học của chúng ta đều là những hình thức suy đồi của nhân loại.

Chuyển động đối nghịch lại, đó là nghệ thuật.[23]

Nghệ thuật − hiểu theo nghĩa là sức mạnh đối kháng tối ưu duy nhất chống lại mọi ý định khước từ cuộc sống − là cái gì đó đối nghịch với Cơ Đốc giáo, đối nghịch với Phật giáo lẫn chủ nghĩa hư vô thuộc loại tuyệt hảo.[24]

Đối với triết học Nietzsche hậu kỳ, cách dịch từ “Ý chí quyền lực” (Der Wille zur Macht) mà ta thường dùng khiến người ta rất dễ ngộ nhận, thậm chí có người còn cho đó là từ có nguồn gốc từ tư tưởng chính trị. Nhưng nếu đọc lời tựa thì cũng không khó nhận thấy mục đích của “Ý chí quyền lực” là dùng cái đẹp để trợ giúp, dùng nghệ thuật để vượt qua chủ nghĩa hư vô. Chỉ nghệ thuật mới có thể giúp ta biểu hiện được hoàn toàn “Ý chí quyền lực” của bản thân. Lấy điều này làm nguyên lý để tiến hành “thiết lập lại giá trị mới” và vượt qua chủ nghĩa hư vô, đó là vấn đề mà quyển ba của tác phẩm Der Wille zur Macht muốn nêu ra và giải quyết. Quyển thứ tư có tiêu đề hơi lạ là “Giáo dục và Bồi dưỡng”, nội dung chủ yếu của nó là bàn luận về cách thức làm thế nào để đem hệ thống giá trị mới phổ cập cho toàn thể dân chúng.

TƯ TƯỞNG VỀ GIÁ TRỊ

Tiện thể xin nói thêm, từ “giá trị” mà Nietzsche nêu ra thời bấy giờ là hoàn toàn mới lạ. Vào cuối thế kỷ 18, nhà kinh tế học người Anh là Adam Smith (1723 − 1790) đã sử dụng từ “giá trị” này; đến nửa sau thế kỷ 19, trong học thuyết kinh tế của Karl Marx, từ “giá trị” mới phát huy tác dụng quan trọng.

Nietzsche đã sớm đưa từ “giá trị” vào trong lĩnh vực triết học. Chịu ảnh hưởng của Nietzsche, từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, khái niệm giá trị mở rộng lần đến giá trị văn hóa, được các nhân vật như Wilhelm Windelband (1848 − 1915), Heinrich John Rickert (1863 1936), cùng người đề xướng giá trị hiện tượng học là Max Scheler (1874 − 1928), v.v…, sử dụng rộng rãi. Nietzsche ở vào thời kỳ trọng yếu, dùng từ “giá trị” chưa được bao lâu thì nó đã được lưu hành phổ biến.

TƯ TƯỞNG VỀ QUY HỒI VĨNH VIỄN

 Tiếp theo đây xin trình bày một chủ đề khác trong tư tưởng Nietzsche hậu kỳ “sự quy hồi vĩnh viễn của đồng thể[25].

Hiện nay, quan điểm chung đều cho rằng tư tưởng quy hồi vĩnh viễn là chủ đề của tư tưởng Nietzsche tiền kỳ, trong tác phẩm Also sprach Zarathustra vào thập niên 80 của thế kỷ 19. Nietzsche. Đến giữa thập niên 80 của thế kỷ 19, ông chuyển hướng sang ý chí quyền lực. Nhưng cần chỉ cho rõ điểm này vào nửa cuối của thập niên 80 của thế kỷ 19, Nietzsche cũng hoàn toàn chưa từ bỏ tư tưởng quy hồi vĩnh viễn. Nội dung của kế hoạch được vạch ra trong Der Wille zur Macht cho ta thấy rõ điều đó.

Tác phẩm dự định viết vào năm 1885 có tiêu đề là Triết học về Quy Hồi Vĩnh Viễn, tiêu đề phụ là “Thử đánh giá lại mọi giá trị”, đến năm 1886 thì đổi thành “Ý chí quyền lực”.

Tuy nhiên, “thuyết quy hồi vĩnh viễn” đã bao hàm trong kết hoạch sáng tác rồi, trong kế hoạch giữa mùa hè năm 1887, tiêu đề quyển hai có tên “Thuyết quy hồi vĩnh viễn − hồi kết cho cuộc khủng hoảng và chủ nghĩa hư vô.”. Đến cuối năm 1887, tiêu đề dự định cho quyển bốn là “Quy hồi vĩnh viễn”, điều đó cho thấy tư tưởng “quy hồi vĩnh viễn” và triết học ý chí quyền lực hoàn toàn không phải là mối quan hệ giữa hai chọn một.

“QUY HỒI VĨNH VIỄN” VÀ “Ý CHÍ QUYỀN LỰC”

Sự thực thì cho đến hôm nay, bản thân tôi cũng không hiểu rõ lắm mối quan hệ giữa hai điều đó trong tư tưởng hậu kỳ của Nietzsche. Tôi tin những lời giảng luận của Heidegger về mối quan hệ đó, trong tác phẩm Nietzsche gồm hai tập của ông. Tôi xin mượn những lời từ nội dung đó :

Tên gọi “Ý chí quyền lực” cho ta thấy tồn tại [sự vật hiện hữu/ vật thể] là gì xét về mặt “bản chất” (cấu trúc) của chúng. Còn tên gọi “quy hồi vĩnh viễn của đồng thể” cho ta thấy toàn thể tồn tại [vạn hữu] mang bản chất như thế phải tồn tại theo phương thức nào, xét như là toàn thể.[26]

 Heidegger chỉ ra rằng nếu dựa vào lời của Nietzsche “thế giới là ý chí quyền lực, chứ chẳng là gì khác.”[27], tức toàn thể tồn tại đều lấy “ý chí quyền lực” làm “tồn tại bản chất”. Nhưng toàn thể tồn tại đó không ngừng biến dịch để lớn mạnh thêm, vậy thì xu thế đó tất phải sinh ra nghi vấn “vậy thì rốt cuộc toàn thể tồn tại phát triển đến mức độ nào mới ngừng?” Bởi vì giá trị siêu việt tối cao trong triết học Plato đã bị phủ định, cho nên toàn thể tồn tại, sau quá trình phát triển biến hóa, cuối cùng sẽ quay về lại với tự thân. Cái gọi là “quy hồi vĩnh viễn của đồng thể” dùng để chỉ phương thức tồn tại lấy “ý chí quyền lực” làm “tồn tại bản chất” cho toàn thể tồn tại, tức “tồn tại thực sự”.

GIỚI HẠN CỦA NIETZSCHE

Heidegger cho rằng đem tồn tại vốn đơn thuần chia ra thành tồn tại bản chấttồn tại thực sự, điều đó cho thấy rõ giới hạn của Nietzsche. Xét theo nghĩa đó thì Nietzsche là người hoàn tất siêu hình học, chứ không phải là người vượt qua siêu hình học.

Mối quan hệ giữa hai tác phẩm hậu kỳ của Nietzsche là “Ý chí quyền lực” và “Quy hồi vĩnh viễn” được mô tả mơ hồ trong đoạn văn sau :

Tóm lại :

Ghi dấu ấn của Tồn Tại lên dòng Biến Dịch, đó là Ý Chí Quyền Lực tối thượng.

…..

Toàn thể sự vật đều qui hồi, đó là sự tiếp cận đến cùng cực của thế giới biến dịch với thế giới tồn tại đỉnh điểm của tư duy.[28]

Nhưng Heidegger lại trích dẫn đoạn văn trên để chỉ ra điểm hạn chế trong tư tưởng Nietzsche :

Thông qua thuyết quy hồi vĩnh viễn của mình, Nietzsche theo cách riêng, chỉ suy tư đến một tư tưởng dầu bị che lấp, nhưng lại thực sự điều khiển, đã chi phối toàn bộ tư tưởng phương Tây. Nietzsche suy tư về tư tưởng đó theo một thể cách để ông, bằng siêu hình học của mình, quay về lại điểm khởi đầu của tư tưởng phương Tây − nói cho rõ hơn, là quay về với điểm khởi đầu, như triết học phương Tây đã quen nhìn điểm đó trong dòng lịch sử của mình, quay về với tập quán mà Nietzsche tham dự, bất chấp sự hiểu biết ban đầu của ông về triết học tiền Socrates.[29]

Ở đây, Heidegger làm rõ điểm này : đối với các nhà tư tưởng trước Socrates, Nietzsche có kiến giải cực kỳ thâm thúy, nhưng khi xác định khái niệm tồn tại thì quan điểm của Nietzsche hoàn toàn không còn là khởi nguyên chân chính của triết học phương Tây nữa. Các nhà tư tưởng trước Socrates quan niệm “tồn tại = biến dịch”, nhưng cuối cùng Nietzsche chỉ truy nguyên đến khởi nguyên theo truyền thống và tập quán, với khái niệm “tồn tại = nhãn tiền tính[30] của Socrates và Aristotle. Tư tưởng quy hồi “sự tiếp cận đến cùng cực của thế giới biến dịch với thế giới tồn tại” đã thể hiện rõ điểm này.

Xin nói thêm Heidegger cho rằng Nietzsche muốn khôi phục lại khái niệm “tồn tại = biến dịch” cùng tự nhiên quan của các nhà tư tưởng trước Socrates, rồi dùng chúng làm cơ sở để phê phán sự hình thành của nền văn hóa phương Tây sau Plato. Nhưng rốt cuộc Nietzsche cũng không thể thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Plato và Aristotle với khái niệm về tồn tại “tồn tại = nhãn tiền tính”.

TRIẾT HỌC PHẢN TRIẾT HỌC HIỆN ĐẠI

Dù không tiếp thu hoàn toàn tư tưởng Nietzsche, nhưng những tư tưởng gia thuộc nửa đầu thế kỷ 20, với Heidegger là người đứng đầu, phần lớn đều khởi đầu triết học của họ dưới ảnh hưởng của tư tưởng “phê phán triết học” và “phản triết học” của Nietzsche. Nếu đem triết học hiện đại và triết học cũ vốn có để cùng khảo cứu, và xem chúng đều là phản triết học thì vectơ tư tưởng sẽ hoàn toàn tương phản nhau, dẫn đến tình trạng hỗn loạn.

Trên thực tế, Heidegger nói tư tưởng của ông là tư tưởng về “vấn đề tồn tại”, chứ không phải là “triết học”, ý của ông muốn hướng đến tồn tại tối sơ vốn đã bị che khuất từ rất lâu rồi. Merleau-Ponty khi về già cũng trực tiếp nêu quan điểm “phản triết học”. Jacques Derrida cũng đưa ra lý luận về “triết học giải cấu trúc”. Nửa sau thế kỷ 20, do chịu ảnh hưởng của trào lưu phản triết học, những người khởi xướng lý luận chống chủ nghĩa thực dân bắt đầu phản đối và giải thể phong trào vận động xem châu Âu là trung tâm. Để bắt đầu, tôi xin giới thiệu quá trình hình thành tư tưởng của Heidegger.


[1]   Trong khi có không ít các học giả Đông Á, do suy tư nông cạn và hời hợt, lại cố du nhập và truyền bá cho bằng được triết học phương Tây!

[2]   Hugo von Hofmannsthal, (1874 -1929), nhà thơ, nhà viết kịch, và nhà tiểu luận người Áo. Ông đã nổi tiếng với thơ và kịch, nhưng tnổi tiếng được trên toàn thế giới nhờ hợp tác với nhà soạn nhạc người Đức Richard Strauss.

[3]   Robert Musil (1880 − 1942) là văn sĩ người Áo.

[4]   Trong tác phẩm Notes From Underground không có đoạn văn này, mà có lẽ nó được lắp ghép từ một số câu ở những đoạn khác nhau.

[5]   Nhan đề nguyên tác tiếng Đức khá dài “Philosophische Untersuchungen über das Wesen der menschlichen Freiheit und die damit zusammenhängenden Gegenstände” (Các nghiên cứu triết học về bản chất của tự do nhân loại và các đối tượng liên quan).

[6]   Tức cái “élan vital” (đà sống) của Bergson, hơi giống như bản năng sinh tồn.

[7]   Dê là biểu tượng của thần Dionysos.

[8]   Theo các nhà nghiên cứu thì từ nguyên của từ tradedy (bi kịch) là tragos (con dê) + ode (bài hát), nên tragedy có nghĩa là “bài hát về loài dê” chứ hoàn toàn không có nghĩa “vở kịch bi thảm, bi đát” theo cách hiểu hiện nay.

[9]   “Der Wille zur Macht” thường được dịch là “Ý chí hùng tráng”. Ở đây, tác giả giải thích theo nghĩa “quyền lực”. Ý chí quyền lực là một khái niệm nổi bật trong triết học của Friedrich Nietzsche; tuy nhiên, khái niệm này chưa bao giờ được định nghĩa một cách có hệ thống trong tác phẩm của Nietzsche, khiến cho việc giải thích nội dung thực sự của nó vẫn còn bỏ ngỏ cho tranh luận.

[10] Phần ghi chú tiếng Đức là của người dịch.

[11] Nguyên tác : “Alle Werthe, mit denen wir bis jetzt die Welt zuerst uns schätzbar zu machen gesucht haben und endlich ebendamit entwerthet haben, als sie sich als unanlegbar erwiesen alle diese Werthe sind, psychologisch nachgerechnet, Resultate bestimmter Perspektiven der Nützlichkeit zur Aufrechterhaltung und Steigerung menschlicher Herrschafts-Gebilde: und nur fälschlich projicirt in das Wesen der Dinge.” (http://gutenberg.spiegel.de/buch/der-wille-zur-macht-i-6029/5)

    Tham khảo thêm bản dịch tiếng Anh của Walter Kaufmann and R.J.Hollingdale “All the values by means of which we have tried so far to render the world estimable for ourselves and which then proved inapplicable and therefore devaluated the world all these values are, psychologically considered, the results of certain perspectives of utility, designed to maintain and increase human constructs of domination − and they have been falsely projected into the essence of things.” (The Will To Power, p.14, a new translation by Walter Kaufmann and R.J.Hollingdale, Vintage Books, New York, 1968)

[12] Nguyên tác : “Christentum ist Platonismus fürs »Volk«.”

[13] Vào năm 1881 Nietzsche gặp Lou Salomé qua Paul Rée là người yêu của Salomé. Nietzsche và Salomé cùng trải qua mùa hè ở Tautenburg trong vùng Thuringia, thường với em gái ông là Elisabeth đi kèm theo. Ông đem lòng yêu và theo đuổi Salomé. Khi ông hỏi cưới cô, Salomé từ chối. Quan hệ của Nietzsche với Rée và Salomé tan vỡ vào mùa đông 1882/1883, một phần do những mưu đồ của Elisabeth.

    Còn Cosima là vợ của nhạc sĩ Wagner, một người mà Nietzsche rất ngưỡng mộ.

[14] Nguyên tác : “Es giebt einen uralten, besonders persischen Volksglauben, dass ein weiser Magier nur aus Incest geboren werden koenne.” (https://www.sapili.org/livros/al/gu007206.pdf)

[15] Câu này được dịch theo bản tiếng Trung, vì tác giả muốn giải thích ý nghĩa của từ Gesichtspunkt. Nguyên tác : “Der Gesichtspunkt des »Werths« ist der Gesichtspunkt von Erhaltungs-, Steigerungs-Bedingungen in Hinsicht auf complexe Gebilde von relativer Dauer des Lebens innerhalb des Werdens.” (http://gutenberg.spiegel.de/buch/der-wille-zur-macht-i-6029/27c-i-6029/27).

    Tham khảo thêm bản tiếng Anh: “The standpoint of “value” is the standpoint of conditions of preservation and enhancement for complex forms of relative life-duration within the flux of becoming.” (The Will To Power, sđd, p.380).

[16] Nguyên văn : “Wir haben unsere Erhaltungs-Bedingungen projicirt als Prädikate des Seins überhaupt. Daß wir in unserm Glauben stabil sein müssen, um zu gedeihen, daraus haben wir gemacht, daß die »wahre« Welt keine wandelbare und werdende, sondern eine seiende ist.” (http://gutenberg.spiegel.de/buch/der-wille-zur-macht-i-6029/24)

    Tham khảo thêm bản tiếng Anh: “We have projected the conditions of our preservation as predicates of being in general. Because we have to be stable in our beliefs if we are to prosper, we have made the “real” world a world not of change and becoming, but one of being.” (The Will To Power, p.276)

[17] Nguyên văn : “Nicht »erkennen«, sondern schematisiren, dem Chaos so viel Regularität und Formen auferlegen, als es unserm praktischen Bedürfniß genugthut.” (đoạn 515).

    (http://gutenberg.spiegel.de/buch/der-wille-zur-macht-i-6029/24)

    Tham khảo thêm bản dịch tiếng Anh “Not “to know” but to schematize − to impose upon chaos as much regularity and form as our practical needs require.” (The Will To Power, p.278).

[18] Nguyên văn : “Wahrheit ist die Art von Irrthum, ohne welche eine bestimmte Art von lebendigen Wesen nicht leben könnte.” (đoạn 493))

    (http://gutenberg.spiegel.de/buch/der-wille-zur-macht-i-6029/24)

    Tham khảo thêm bản tiếng Anh: “Truth is the kind of error without which a certain species of life could not live.” (The Will To Power, p.272)

[19] Nguyên văn : “die Kunst mehr werth ist, als die Wahrheit.” (đoạn 853, IV).         Bản tiếng Anh “Art is worth more than truth.” (sđd,p.453).

[20] Nguyên văn : “Wir haben die Kunst, damit wir nicht an der Wahrheit zu Grunde gehn.” (đoạn 822). Bản tiếng Anh “We possess art lest we perish of the truth.” (sđd, p.435)

[21] Nguyên văn : “Die Kunst und nichts als die Kunst! Sie ist die große Ermöglicherin des Lebens, die große Verführerin zum Leben, das große Stimulans des Lebens.” (đoạn 853, II).

http://gutenberg.spiegel.de/buch/der-wille-zur-macht-ii-6182/5″

[22] Đoạn này, người dịch không tra cứu được nguyên văn.

[23] Nguyên văn : “Unsre Religion, Moral und Philosophie sind décadence-Formen des Menschen.

    – Die Gegenbewegung: die Kunst.” (đoạn 794)]

    (http://gutenberg.spiegel.de/buch/der-wille-zur-macht-ii-6182/5)

[24] Nguyên văn : “Die Kunst als einzig überlegene Gegenkraft gegen allen Willen zur Verneinung des Lebens, als das Antichristliche, Antibuddhistische, Antinihilistische par excellence.” (đoạn 853, II)

    (http://gutenberg.spiegel.de/buch/der-wille-zur-macht-ii-6182/5)

[25] Tiếng Đức : “die ewige Wiederkunft des Gleichen”

[26] Nguyên văn : “Der Name »Wille zur Macht« sagt, was das Seiende seinem »Wesen« (Verfassung) nach ist. Der Name »ewige Wiederkehr des Gleichen« sagt, wie das Seiende solchen Wesens im Ganzen sein muß.” (Heidegger, Nietzsche, Vol. II, s.38, Verlag Günther Neske Pfullingen, 1961). Câu trong bản tiếng Trung như vầy “拳 力 意 志” 這 一 名 稱 告 訴 我 們 從 “本 質” 上 看 存 在 者 為 何 物. “相 同 事 物 的 永 劫 回 歸” 這 一 名 稱 則 告 訴 我 們 擁 有 這 種 本 質 的 全 体 存 在 者 必 須 以 何 種 方 式 存 在.” Người dịch thấy cách dịch Sein/Seiende là “tồn tại/tồn tại giả”, và Wesen là “bản chất” của dịch giả Lộ Tú Lệ không thỏa đáng lắm, nhưng đây là cách dịch phổ biến của những nhà nghiên cứu Trung Quốc khi dịch sách triết học phương Tây. Người dịch phải dựa theo cách dịch đó để giữ tính thống nhất về thuật ngữ trong toàn tác phẩm. Xin tham khảo bản tiếng Anh The phrase “will to power” tells what beings are in their “essence” (in their constitution). The phrase “eternal recurrence of the same” tells how beings of such an essence must as a whole be.” (The Will To Power, tr. 314).

[27] Nguyên văn : “Die Welt ist der Wille zur Macht und nichts anders.”

[28] Nguyên văn : [Recapitulation:

    Dem Werden den Charakter des Seins aufzuprägen das ist der höchste Wille zur Macht.

    …….

    Daß Alles wiederkehrt, ist die extremste Annäherung einer Welt des Werdens an die des Seins: Gipfel der Betrachtung. (đoạn 617)]

    (http://gutenberg.spiegel.de/buch/der-wille-zur-macht-i-6029/24)

[29] Nguyên văn : “Nietzsche denkt mit seiner Lehre von der ewigen Wiederkunft in seiner Weise nur den Gedanken, der verhüllt, aber als der eigentlich treibende, die ganze abendländische Philosophie durchherrscht. Nietzsche denkt den Gedanken so, daß er mit seiner Metaphysik an den Anfang der abendländischen Philosophie zurückkommt − deutlicher gesprochen: an den Anfang, wie ihn die abendländische Philosophie im Verlaufe ihrer Geschichte zu sehen sich gewöhnte, welche Gewöhnung auch Nietzsehe mitmacht, trotz seiner sonst ursprünglichen Erfassung der vorsokratischen Philosophie.”
(Heidegger, Nietzsche, Vol. I, ss.27-28, Verlag Günther Neske Pfullingen, 1961)

[30] Trong bản tiếng Trung là “存在=眼前性”.Chưa rõ “nhãn tiền tính” là gì trong nguyên văn tiếng Đức.

Thảo luận