Xét về mặt tôn trọng lý tính thì hiển nhiên có thể gọi triết học Descartes là “triết học duy lý”. Từ “triết học duy lý” trong tiếng Anh là rationalism, có thể dịch thành “chủ nghĩa duy lý”. Từ ratio trong tiếng La-tinh có liên quan đến lý tính, tuy có thể được dịch là “lý tính”, nhưng từ ratio không những nói đến năng lực nhận thức của con người, mà còn chỉ đến kết cấu ratio của cái thế giới do Thượng Đế sáng tạo, đồng thời cũng chỉ ra ý muốn của Thượng Đế khi tuân thủ theo kết cấu ratio đó, tức ratio theo nghĩa là quy luật của lý tính. Lấy ratio lý tính Thượng Đế làm trung tâm, một mặt thì xuyên suốt được ratio quy luật của lý tính, một mặt thì vì lý tính Thượng Đế là do Thượng Đế sáng tạo nên nó bao quát được ratio lý tính con người, ba dạng lý tính đó kết hợp lại tạo ra một trật tự mới. Trước tiền bán thế kỷ 17, chủ nghĩa duy lý lấy trật tự đó là chủ, cũng được gọi là “chủ nghĩa duy lý cổ điển”. “Thần học” của lý tính Thượng Đế, “khoa học” của quy luật hợp lý trong thế giới, cùng với “triết học” của lý tính con người được hòa hợp với nhau và thống nhất với nhau, do đó cũng được gọi là thời đại hòa hợp. Nhưng sự hòa hợp và thống nhất đó cũng phải lấy lý tính Thượng Đế làm hậu thuẫn thì mới có thể thành lập được.
Từ thế kỷ 18 về sau, tình hình triết học biến hóa vô cùng phức tạp, đây là giai đoạn được gọi là “thời đại Duy Lý”, “thế kỷ Khai Sáng”. “Khai Sáng” được dịch từ enlightenment trong tiếng Anh hoặc Aufklärung trong tiếng Đức, có nghĩa là “tỏa sáng”, tức “ánh sáng của lý tính tỏa sáng khắp nơi”. Nhưng lý tính được đề cập ở phần này hoàn toàn không phải là lý tính cổ điển của thế kỷ 17, mà là lý tính thông tuệ sáng suốt đã thoát ra khỏi lý tính Thượng Đế, đó là lý tính phê phán. Đại biểu của tư tưởng khai sáng này là triết gia Kant (1724 − 1804), ông định nghĩa “khai sáng” như sau :
Khai sáng là sự trổi dậy của con người để thoát khỏi trạng thái ấu trĩ mà họ tự áp đặt cho bản thân. Trạng thái ấu trĩ dùng để chỉ sự bất lực vô năng, không thể sử dụng chính xác lý tính của bản thân mình nếu không có sự hướng dẫn từ người khác.[1]
Điều đó có nghĩa là loại bỏ sự hậu thuẫn của lý tính Thượng Đế, lý tính của người tự lập luôn luôn xem tôn giáo cùng siêu hình học của bản thân mình là điều mê muội trong cõi mịt mờ, từ đó phá vỡ sự ngu dốt vô tri trước mắt để hình thành nên lý tính phê phán.
Người ta xem Bacon (1561 − 1626), Newton (1642 − 1727) và John Locke (1632 − 1704) của nước Anh cùng một số phần tử trí thức là những nhân vật phát động phong trào khai sáng, cho đến giai đoạn của tư tưởng vô thần và duy vật của Voltaire (1694 − 1778) và Diderot (1713 − 1784) của nước Pháp thì sự chuyến biến thành “lý tính phê phán” đã diễn ra trọn vẹn. Nhưng loại phê phán đó không những chỉ đến quyền uy bên ngoài, mà còn chỉ đến bản thân của lý tính nữa.
Sở dĩ như thế là vì nếu lý tính con người muốn thoát khỏi sự hậu thuẫn của lý tính Thượng Đế thì lại nảy sinh một vấn đề lớn. Bởi lẽ xưa nay nhờ được lý tính Thượng Đế hậu thuẫn, nên lý tính con người mới có thể nhìn thấu đáo được tính thỏa đáng khách quan của khái niệm sinh thành, nó hoàn toàn tin rằng khái niệm đó thực sự tồn tại, hoàn toàn dùng khái niệm đó để nhận thức chuẩn xác về sự cấu tạo và tồn tại của thế giới. Nếu như mất đi vai trò môi giới của lý tính Thượng Đế thì không thể nào duy trì được sự nhất trí giữa nhận thức của lý tính con người với tính hợp lý của sự cấu thành và tồn tại của thế giới được.
Bất kể là môi giới nào, là trung gian nào, chỉ cần nằm vững những khái niệm phát sinh từ lý tính là chúng ta có thể thấu hiểu được sự cấu thành và tồn tại của thế giới. Chủ trương này tựa hồ như cho rằng thế giới được sáng tạo theo lý tính của ta, điều đó quả là quá ư độc đoán. Trên thực tế, cái gọi là triết học của chủ nghĩa duy lý ở thế kỷ 17 dần dần phủ lên mình một lớp sắc màu độc đoán dày trùng trục. Lấy John Locke làm thủ lãnh, các nhân vật như George Berkeley (1685 − 1753), David Hume (1711 − 1776) tiến hành phản tỉnh trên cơ sở kế thừa tư tưởng khai sáng của nước Anh. Đối với “khái niệm thiên bẩm” dùng để nhận thức chính xác của chúng ta, và dựa vào đó để đạt đến nhận thức lý tính thì bọn họ lại phủ định, và chủ trương những nhận thức mà con người có được đều dựa trên những trải nghiệm thực tế của giác quan. Thậm chí họ còn phủ định cả tính xác thực của toán học và vật lý. Bởi vậy, triết học đó được gọi là triết học kinh nghiệm chủ nghĩa nước Anh
Trên cơ sở phản tỉnh này, triết học đó thừa nhận tính hiệu quả của nhận thức lý tính của con người trong một phạm vi nhất định, tức là cho rằng có lý tính Thượng Đế làm trung gian môi giới, trong phạm vi đó, nhận thức lý tính của chúng ta thống nhất với sự cấu tạo và tồn tại hợp lý của thế giới. Người đề xuất quan điểm đó chính là Kant. Ông muốn thông qua sự phê phán tự ngã của bản thân lý tính để xác minh được phạm vi hữu hiệu của lý tính thuần túy của con người. Khi đã thành công, ông cho ra đời tác phẩm Kritik der reinen Vernunft vào năm 1871. Ý của tiêu đề tác phẩm là dùng phương pháp phê phán để phát huy tác dụng của lý tính thuần túy trong phạm vi hữu hiệu và phạm vi không hữu hiệu.
Immanuel Kant sinh năm 1724 tại Königsberg, nước Đức, và mất năm 1804 cũng tại nơi đó, hưởng thọ 80 tuổi. Ông theo học triết học tại địa phương, từng làm gia sư. Năm 46 tuổi, giảng dạy đại học. Năm 57 tuổi (1781) xuất bản Kritik der reinen Vernunft, năm 1788, xuất bản Kritik der praktischen Vernunft (Phê phán Lý tính Thực tiễn), năm 11790, xuất bản Kritik der Urteilskraft (Phê phán năng lực phán đoán). Ba tác phẩm “Phê phán” này tạo thành hệ thống tư tưởng của ông. Thế chất của Kant vốn yếu ớt, ông không lập gia đình mà sống độc thân với một lão bộc trung thành tên Martin Lampe.
Nhà thơ Heinrich Heine (1797 − 1856) giới thiệu tôn giáo và triết học của Kant với người Pháp, viết một cuốn sách cực kỳ thống thiết có nhan đề Zur Geschichte der Religion und Philosophie in Deutschland (Về lịch sử tôn giáo và triết học nước Đức). Trong sách có đoạn mô tả Kant như vị giáo sư đại học có cuộc sống bề ngoài có vẽ lặng lẽ bình yên, nhưng lại cưu mang những tư tưởng cuồn cuộn như sóng biển có thể xô ngã và hủy diệt cả thế giới. Bằng chứng là chỉ một sự kiện Robespierre chặt đầu vua Louis 16 cũng đủ khiến người Pháp kiêu ngạo với thiên hạ rồi, trong khi Kant dám chặt cả đầu Thượng Đế. Bởi vì trong tác phẩm Kritik der reinen Vernunft, Kant phủ định sự tồn tại của Thượng Đế bằng cách chỉ ra rằng khi khảo cứu về vấn đề nhận thức lý tính mà dùng đến Thượng Đế và lý tính Thượng Đế thì đúng là chuyện buồn cười. Đoạn trước đã nói đến vấn đề này, Kant đã thành công khi chứng minh rằng có loại bỏ vai trung gian của lý tính Thượng Đế đi nữa thì vẫn có thể thành lập được sự thống nhất giữa nhận thức lý tính chính xác của con người với sự cấu tạo và tồn tại của thế giới. Tuy nhiên, Kant phải mất đến ba mươi năm mới giải quyết được vấn đề này.
Thời bấy giờ, có hai lập trường đối lập nhau về nhận thức của con người, đó là chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm. Chủ nghĩa duy lý cho rằng trong lý tính của chúng ta có đã đầy đủ các khái niệm rồi (khái niệm là một sự sản phẩm tất yếu của lý tính đã tồn tại ngay từ đầu). Nếu như khó hiểu được từ “khái niệm” thì cũng có thể lý giải đó là một chức năng. Người đương thời cho rằng khi Thượng Đế ban cấp lý tính cho con người thì đồng thời cũng cấy luôn khái niệm hoặc chức năng vào con người, xem như là sản phẩm phụ thuộc. Những khái niệm mà chúng ta có được phần lớn là thông qua các cảm giác sờ mó, v.v… rồi mới biến thành khái niệm kinh nghiệm. Tuy nhiên vẫn có những khái niệm không phải do cảm giác mà thu hoạch được, nhưng mọi người ai ai cũng có, thường sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, chẳng hạn như khái niệm về các con số hoặc những khái niệm về hình học, v.v… Những thứ đó được người đương thời gọi là “khái niệm thiên bẩm”, “khái niệm lý tính”, “khái niệm tiên thiên”, v.v…
Nhận thức có được do kinh nghiệm được gọi là “nhận thức kinh nghiệm”, tức nhận thức thông qua khái niệm lý tính; chẳng hạn như “2+3=5”, “tổng số đo của ba góc trong một tam giác là 180 độ”, v.v… được gọi là “nhận thức lý tính”, “nhận thức tiên thiên”. Bởi vì hễ ai có lý tính thì đều có được nhận thức lý tính, dựa trên nhận thức khái niệm phổ biến, cho nên những khái niệm đó đều không cần đến tính phổ biến của không gian, chủ thể lẫn thời gian.
Tuy nhiên, người ta thường cho rằng “nhận thức lý tính” không những có “tính phổ biến” mà có có đầy đủ “tính thỏa đáng khách quan”. Bởi vì nếu khái niệm thiên bẩm là do Thượng Đế cấy vào khái niệm của lý tính con người, vậy thì nó thành ra bản sao chép của khái niệm mà Thượng Đế đã có trong bản thiết kế khi sáng tạo nên thế giới, lẽ ra thì nó phải thích hợp với cấu trúc thế giới và có đầy đủ tính thỏa đáng khách quan. Chính vì thế mà lúc bấy giờ, người ta cho rằng cũng không nên dựa vào kinh nghiệm cảm giác, mà nên vận dụng khái niệm thiên bẩm để đạt được nhận thức lý tính (chẳng hạn như kiến thức toán học, biết 2+3=5), cũng như có thể đối ứng được với cấu trúc tồn tại của thế giới (chẳng hạn như biết 2 cục đá +3 cục đá =5 cục đá).
Tuy nhiên, ngoại trừ những khái niệm toán học thì những khái niệm mà nhân loại có được lẽ ra không thể thông qua cảm giác kinh nghiệm mà có được, như khái niệm về “Thượng Đế”, khái niệm về một “thế giới” theo nghĩa là toàn thể những sự vật tồn tại, khái niệm về “thực thể” (tức tập hợp những tính chất nằm phía sau cảm giác), v.v… tức là những khái niệm siêu nhiên thuộc lĩnh vực “siêu hình học” hay “hình nhi thượng học”. Những khái niệm đó cũng thuộc khái niệm lý tính, nếu thông qua chúng để nhận thức thì những nhận thức đó cũng là nhận thức lý tính, vậy thì chúng cùng một dạng với nhận thức toán học, và cũng có được tính phổ biến cùng tính thỏa đáng khách quan. Dựa trên quan điểm này, lý luận độc đoán về cấu trúc tồn tại của thế giới đã không ngừng lan rộng từ thế kỷ 17 cho đến thế kỷ 18, cái gọi là hệ thống “siêu hình học của chủ nghĩa duy lý” nối tiếp nhau xuất hiện. Trong học thuyết Kant mới, trừ những triết gia thuộc các quốc gia như Anh, Pháp, Hà Lan, Đức, v.v… của đại lục châu Âu, chẳng hạn như Descartes, Nicolas Malebranche (1638 − 1715) của nước Pháp, Spinoza (1632 − 1716) của Hà Lan, Leibniz (1646 − 1716) của nước Đức, v.v… thì tư tưởng triết học đều thuộc vào hệ thống này. Tuy nhiên, triết học của Leibniz và Spinoza không thể đơn giản dùng chủ nghĩa duy lý để khái quát được, mà có thể nói rằng, nếu đem so với nhận thức dựa trên kinh nghiệm của một cá nhân thì các nhà tư tưởng nói trên đều xem trọng nhận thức lý tính có đầy đủ tính phổ biến và tính thỏa đáng khách quan.
Những người phê phán chủ nghĩa duy lý này và xem nó khác biệt với chủ nghĩa kinh nghiệm là các triết gia người Anh như John Locke, Berkeley, Hume, v.v…
Họ cho rằng chủ nghĩa duy lý thừa nhận các khái niệm như “khái niệm thiên bẩm”, “khái niệm tiên thiên” cùng “khái niệm lý tính” (cả ba cùng chỉ chung một sự vật) rồi xây dựng nên một hệ thống triết học độc đoán tùy tiện. Họ phủ định triệt để những quan điểm này, chủ trương những khái niệm mà con người có được đều khái niệm kinh nghiệm, những nhận thức mà con người có được đều nhận thức kinh nghiệm.
Khái niệm kinh nghiệm là những khái niệm mà ta có được thông qua sự trải nghiệm bằng cảm giác như quan sát, sờ mó, v.v…; vận dụng khái niệm đó để nhận thức thì nhận thức đó là “nhận thức kinh nghiệm”. Loại khái niệm kinh nghiệm này chỉ người nào đã từng trải nghiệm nó mới có được, còn nhận thức kinh nghiệm thì chỉ những người nào từng có trải nghiệm giống nhau mới có thể thừa nhận tính chân thực của nó. Tức là, tính đúng đắn tối đa của nhận thức kinh nghiệm cũng chỉ là khả năng trải nghiệm. Loại nhận thức kinh nghiệm này chỉ nằm ở mức độ nhận thức của phần lớn những người đã từng có trải nghiệm giống nhau, và được họ công nhận dựa trên cơ sở trải nghiệm của bản thân; chứ nó không có đầy đủ tính phổ biến tuyệt đối như kiến thức toán học 2+3=5, cũng như không có tính thỏa đáng về cấu trúc tồn tại thâm sâu của thế giới, mà bất kể là người nào ở tại bất kỳ thời gian và không gian nào cũng đều có thể nhận thức như nhau. Các triết học gia nước Anh cho rằng loài người vốn hữu hạn nên không thể nào đạt đến chân lý tuyệt đối như Thượng Đế, cho nên những nhận thức kinh nghiệm của họ chỉ có thể giới hạn trong lĩnh vực tương đối.
Theo quan điểm của chủ nghĩa kinh nghiệm, nhận thức toán học 2+3=5 được xem là chân lý hiển nhiên trong vật lý học Newton. Kant rất đồng cảm với tư tưởng của những triết gia nước Anh theo chủ nghĩa kinh nghiệm đó. Ông chỉ một điểm nghi ngờ duy nhất. Nếu đúng như lời những triết gia nước Anh đó nói thì nhận thức lý tính không nhất thiết phải thừa nhận chủ trương độc đoán của thần học và siêu hình học, cũng không nhất thiết vì đó là nhận thức lý tính mà phải phủ định tính phổ biến cùng tính thỏa đáng khách quan của các bộ môn toán học và vật lý lý thuyết. Nhận thức lý tính có những tình huống phát huy chức năng hiệu quả, và cũng có những tình huống bế tắc, không sao phát huy chức năng được. Nói một cách khác, chối bỏ vai trò trung gian của lý tính Thượng Đế mà đi tìm tính thống nhất giữa lý tính con người với cấu trúc tồn tại của thế giới để xây dựng nên một cơ sở lý luận mới, đó là điều vô cùng tất yếu. Có nghĩa là cần phải tiến hành tự phê phán lý tính con người.
Theo truyền thuyết thì Kant tốn một khoảng thời gian gần mười hai năm mới thành công trong việc đó. Giải pháp tối hậu được ông thể hiện vào năm 1781 với tác phẩm Kritik der reinen Vernunft. Ý nghĩa của tiêu đề tác phẩm nằm ở chỗ : nhận thức lý tính thuần túy không dựa vào kinh nghiệm sẽ có đầy đủ những tình huống phát huy tác dụng hiệu quả, cũng như những tình huống bế tắc không phát huy tác dụng, rơi vào tình huống độc đoán, thì làm thế nào thông qua tự phê phán lý tính mà phân biệt được. Vậy thì, Kant đã giải quyết vấn đề đó như thế nào?
Nếu như cái mà chúng ta nhận thức là cái thế giới tồn tại độc lập chẳng liên quan gì với chúng ta (tức thế giới của vật thể độc lập), vậy thì những khái niệm lý tính cùng những nhận thức lý tính nhận được từ lý tính của những con người vốn chẳng có dây mơ rễ má gì với cái thế giới đó cũng chẳng thể nào nhất trí với cấu trúc tồn tại của thế giới được. Nhưng nếu cái thế giới đó là thế giới do lý tính con người sáng tạo nên thì có thể đạt đến một sự nhất trí sâu xa bất khả tư nghì. Tuy nói thế, lý tính con người lại hoàn toàn không thể hoạt động giống như cách Thượng Đế sáng tạo nên thế giới. Cái thế giới trong lý tính hữu hạn của loài người chúng ta hoàn toàn chẳng giống với cách thức nó hiển thị trong lý tính Thượng Đế, là đấng sáng tạo nên thế giới. Nó mang đủ loại dáng vẻ hạn chế, những thứ hạn chế đó là do sự sáng tạo nhỏ bé của con người. Nói như thế có nghĩa là thế giới trong nhận thức của chúng ta là cái thế giới hiện tượng xuất hiện trước mắt, những chất liệu trong đó đều tùy theo sự gia công sáng tạo của lý tính con người. Những cấu trúc hình thức này có phải cái nào cũng đều được trải nghiệm và thông qua sự kiểm tra bằng năng lực của lý tính con người cả đâu, mà chúng ta cứ tự nhiên nhi nhiên nắm bắt lấy chẳng một chút hoài nghi (tính phổ biến cùng tính thỏa đáng khách quan), điều đó cũng chẳng có gì là không thể hiểu nỗi.
Quan niệm cố hữu “nhận thức của con người tồn tại dựa vào đối tượng” đã bị Kant xoay chuyển 180 độ thành ra “đối tượng tồn tại dựa vào nhận thức của con người”. Trong cái “thế giới của bản thân vật thể nhận thức của con người rõ ràng là không có năng lực, nếu như chỉ giới hạn ở chỗ bàn về “thế giới hiện tượng” không thôi thì ít ra, đối với các cấu tạo hình thức đó, ta không cần phải trải nghiệm tất cả mọi thứ cũng vẫn có thể có được nhận thức lý tính về tính phổ biến và tính thỏa đáng khách quan như thường. Thực ra, cái gọi là “thế giới hiện tượng” chỉ là giới tự nhiên, bởi vì lý tính con người có khả năng trở thành kẻ sáng tạo nên cấu trúc hình thức của giới tự nhiên − Kant gọi đó là “người lập pháp cho giới tự nhiên”. Do đó, trong học thuyết Kant, lý tính con người dù bị giới hạn trong một phạm vi hạn chế, nhưng một khi bỏ qua hậu thuẫn của lý tính Thượng Đế đi rồi thì nó tự quyết định được trong giới tự nhiên cái gì có thể tồn tại, cái gì không thể tồn tại, bản thân nó tự chuyển biến không còn phụ thuộc vào nguyên lý siêu nhiên về giới tự nhiên nữa.
Lý tính con người khi phát huy được chức năng nguyên lý siêu nhiên theo kiểu của Kant thì gọi là “chủ thể tính siêu việt”. Hình dung từ được gọi tên là “siêu việt” đó do Kant tự tạo ra, dùng để chỉ cấu tạo hình thức ở trình độ cao, vượt trên cấu trúc thông thường, vượt trên phạm trù tồn tại tự nhiên (tức cấu tạo hình thức), lấy nguyên mẫu của “tồn tại siêu việt” trong tác phẩm Nước Cộng Hòa của Plato, rồi vận dụng học thuyết tân Plato để sáng tạo nên một thuật ngữ kỳ diệu là toepekeina, về sau thuật ngữ này được các triết gia kinh viện dịch thành “khái niệm siêu việt”. “Chủ thể tính siêu việt” có nghĩa là vượt lên trên cấu tạo hình thức thông thường nói chung để hình thành nên tác dụng chủ thể của cấu tạo hình thức ở mức độ cao. Bắt đầu từ thời kỳ này, các triết gia nước Đức ngày càng lấy giáo dục đại học làm vai trò chủ đạo, dụng ngữ ngày càng thêm tối tăm khó hiểu.
Kant cho rằng thế giới mà con người nhận thức được không phải là “thế giới của bản thân vật thể”, mà là “hiện tượng giới”, đó là cái thế giới hiển lộ ra bằng sự vượt qua những hạn chế đặc hữu trong năng lực nhận thức của con người. Nói một cách cụ thể thì thế này, con người thông qua một loại hình thức nào đó (hình thức trực quan) để tiếp nhận chất liệu của bản thân sự vật (tức là những cảm giác do bản thân sự vật kích thích nơi các giác quan của con người), rồi đem chỉnh lý và kết hợp theo một hình thức nhất định (tức cấu trúc tư duy), từ đó mới hình thành nên cái thế giới phù hợp với tỷ lệ con người (tức hiện tượng giới).
Kant cho rằng năng lực nhận thức của con người bao quát năng lực tiếp nhận (chủ thể) cùng năng lực kết hợp quy định (tư duy), hai năng lực này chi phối lẫn nhau và lợi dụng chất liệu đó để hình thành nên “hiện tượng giới”. Bất kỳ loại chất liệu nào (cảm giác) xuất hiện trong hiện tượng giới, nếu không trải nghiệm thì không có cách nào biết được, nhưng bất luận là chất liệu nào cũng đều dựa trên hình thức trực quan nhất định, tuân theo khuôn khổ, quy luật và sự kết hợp nhất định, quá trình đó nếu không trải nghiệm tất cả thì vẫn có thể nhận thức được bằng lý tính một cách tiên thiên. Mặc dù nội dung hiện tượng giới cần phải dựa vào kinh nghiệm mới có được, nhưng đối với cấu tạo hình thức của nó thì ta vẫn có thể nhận thức được bằng nhận thức tiên thiên và nhận thức lý tính.
Trong tác phẩm Kritik der reinen Vernunft, Kant chỉ ra rằng năng lực nhận thức trực quan của con người chia ra thành “không gian” và “thời gian”; còn năng lực tư duy thì chia thành bốn loại là “lượng(Quantität), chất (Qualität), quan hệ (Relation), dạng thức (Modalität)”; mỗi loại lại do ba hạng mục tổ hợp lại mà thành, cộng chung lại có đến mười hai hạng mục hay mười hai phạm trù, tạo thành “cái khung cho tư duy”. Trong “quan hệ” đã bao hàm mục “nhân và quả” rồi.
Trong học thuyết của Kant, thời gian và không gian đều không phải là trường sở cố định cho bản thân vật thể. Vì khi chúng ta tiếp thu chất liệu của ngoại giới (tức cảm giác) thì cần phải dùng đến hình thức chủ quan. Do đó, chất liệu được tiếp thu cần phải tồn lập tại một không gian và thời gian nào đó, cấu trúc tư duy cũng như thế. Chất liệu được tiếp nạp tại một không gian và thời gian nào đó sẽ chịu sự quy định ràng buộc nhất định của chất và lượng, dùng mối quan hệ nhất định để kết hợp với nhau, rồi tiến thêm một bước là tiếp nhận một dạng thức quy định. “Nguyên nhân và kết quả” hay “quan hệ nhân quả” cũng không phải là mối quan hệ tồn tại của bản thân sự vật, mà là hình thức chủ quan được sử dụng để cấu thành nên hiện tượng giới, do đó, tất cả vật thể xuất hiện trong hiện tượng giới đều bị ràng buộc trong tấm lưới của mối quan hệ nhân quả. Hễ đã tồn tại trong hiện tượng giới thì con người và hành động của họ tất nhiên đều phải xuất phát từ một nguyên nhân nào đó.
Bảng giản lược 12 phạm trù của Kant
Lượng (Quantität) | Chất (Qualität) | Quan hệ (Relation) | Dạng thức (Modalität) |
Đơn thể (Einheit) | Thực tại, hay nội dung của hiện tượng (Realität) | Thực thể và Thuộc tính (Inhärenz und Subsistenz) |
Khả
tính (Möglichkeit) |
Phức thể (Vielheit) |
Phủ
định (Negation) |
Nhân
quả (Ursache und Wirkung) |
Hiện
thể (Dasein) |
Toàn thể (Allheit) | Giới hạn (Limitation) | Tác dụng hỗ tương (Wechselwirkung) |
Tất
yếu (Nothwendigkeit) |
Trong triết học Kant, các môn hình học và lý thuyết số[2] chắc chắn là thuộc vào hệ thống nhận thức lý tính mang tính trực giác về không gian và thời gian (tiên thiên). Vật lý lý thuyết của Newton (bộ môn khoa học tự nhiên thuần túy) thuộc vào hệ thống nhận thức lý tính (tiên thiên) về cấu trúc hình thức của hiện tượng giới, tức thế giới hiện tượng được tạo ra bởi sự kết hợp của hình thức trực giác và cấu trúc tư duy. Do đó, hình học, lý thuyết số và vật lý lý thuyết không những là nhận thức lý tính có được thông qua khái niệm lý tính, mà còn thích hợp được với hiện tượng giới trong nhận thức của chúng ta, chúng có hệ thống nhận thức mang đầy đủ tính phổ biến và tính thỏa đáng khách quan xác thực.
Tuy nhiên, dù đều là nhận thức lý tính không dựa vào kinh nghiệm, nhưng nhận thức thần học và siêu hình học vẫn không có đầy đủ tính xác thực. Có người cho rằng, ngoài trừ các môn hình học, lý thuyết số và vật lý lý thuyết đã nói ở trên, không thể nào tồn tại một hệ thống nhận thức mang đầy đủ tính phổ biến và tính thỏa đáng khách quan. Do đó, cho dù có khó khăn đến mấy đi nữa thì chỉ có cách tích lũy kinh nghiệm thực tế, rồi từ đó ta mới thu hoạch được nhận thức có xác suất tương đối cao hơn.
Kant, thông qua việc tự phê phán lý tính, để làm rõ vấn đề là trong nhận thức lý tính thuần túy (hoàn toàn không lệ thuộc vào kinh nghiệm) chia ra tình huống xác lập hữu hiệu − chẳng hạn như hình học, lý thuyết số và vật lý lý thuyết, cùng tình huống không cách nào xác lập hữu hiệu − như quan điểm của thần học và siêu hình học. Tiêu đề tác phẩm Kritik der reinen Vernunft (Phê phán lý tính thuần túy) tự nó cũng đã biểu minh cho lập trường này rồi.
Dựa theo quan điểm này, nếu đem Thượng Đế làm đối tượng cho nhận thức lý luận để tiến hành khảo cứu các kiểu thì điều đó hoàn toàn vô nghĩa. Lời của Heine nói rằng vị giáo sư đại học dáng vẻ bình thản đã “chặt đầu Thượng Đế” chính là theo nghĩa đó.
Đương nhiên, triết học Kant hoàn toàn chưa dừng bước ở giai đoạn “phê phán lý tính thuần túy”. Những điểm được nêu ra trong tác phẩm đó chỉ giới hạn ở khía cạnh nhận thức. Con người khi làm chủ thể của nhận thức thì môi trường hoạt động của họ bị giới hạn trong hiện tượng giới, mọi hành động của họ đều nằm trong tấm lưới rộng lớn của quan hệ nhân quả, nhưng đồng thời, khi làm chủ thể của những hành vi đạo đức thì họ không thể bị trói buộc trong mối quan hệ nhân quả của hiện tượng giới. Nếu như bị trói buộc thì bất kỳ kết quả nào cũng đều phải có nguyên nhân, sẽ không thể có chuyện truy cứu trách nhiệm của hành vi đạo đức nữa mà chỉ là hành động theo ý chí tự do. Do đó, “cái Tôi” làm chủ thể cho những hành vi đạo đức tuyệt nhiên không thể xuất hiện như một thành viên trong hiện tượng giới, mà phải là một nhân cách tồn tại như là tự thân sự vật. Làm “cái Tôi” (nhân cách) tồn tại như là tự thân sự vật và làm tha nhân (nhân cách) tồn tại như là tự thân sự vật, hai điều đó dựa trên mối quan hệ tương hỗ, quan hệ phát sinh của ý chí tự do nơi một cá nhân. Tác phẩm thứ hai của Kant, Kritik der praktischen Vernunft liên quan đến triết học thực tiễn. Liên quan đến vấn đề Thượng Đế, tác phẩm Kritik der reinen Vernunft tựa hồ như không phủ định sự tồn tại của Thượng Đế, nhưng thực ra thì không phải thế, nó chỉ nêu ra vấn đề đem Thượng Đế làm đối tượng cho nhận thức lý luận là điều bất hợp lý. Nói theo Kant thì đó là “để nhường cho tôn giáo một chỗ ngồi thì cần phải phủ định trí thức”. Có thể hiểu như vầy : muốn cho tôn giáo thuần túy phát huy được tác dụng thì cần phải hạn chế tri thức trong một phạm vi nhất định.
Tiến thêm một bước nữa, trong tác phẩm thứ ba Kritik der Urteilskraft, Kant đã thử thoát ly khỏi tự nhiên quan cơ giới kể từ thời Descartes, ông nêu ra vấn đề giữa giới tự nhiên hữu cơ với hành vi đạo đức phải có sự khác biệt, để nó có thể cùng sống chung một cách hòa hài với toán học và khoa học tự nhiên toán học mà không mâu thuẫn lẫn nhau.
Ý đồ của Kant là lấy tác phẩm Kritik der praktischen Vernunft làm trung tâm để xây dựng nên hệ thống triết học của mình, các tác phẩm tiếp theo sau đó phần lớn là kế thừa tư tưởng đó. Theo quan điểm hiện nay, triết học Kant vẫn giữ một vai trò quyết định trong quá trình cận đại hóa triết học châu Âu từ Descartes đến Hegel, với tác phẩm trọng tâm vẫn là Kritik der reinen Vernunft.
Văn thể trong triết học cận đại kể từ Kant đã có sự chuyển biến to lớn, nguyên nhân là do đâu? Đó là do nghề nghiệp của những nhà khảo cứu triết học cận đại có sự thay đổi. Những nhà khảo cứu triết học cận đại trước Kant hầu như chẳng có ai giảng dạy đại học cả. Descartes, Nicolas Malebranche (1638 − 1715)[3], Spinoza, Leibniz, v.v… ở đại lục châu Âu trong thế kỷ 17 cũng vậy, mà cả Rousseau, Voltaire, v.v… ở nước Pháp trong thế kỷ 18, hoặc các triết gia nước Anh như John Locke, Hume, v.v… cũng vậy, họ là những phần tử trí thức trong dân gian, hoặc là nhà chính trị, nhà ngoại giao, còn phần đông là tu sĩ. Họ soạn sách chỉ để cho tầng lớp trí thức đọc mà thôi, văn chương đa phần ngắn gọn và đơn giản, hoàn toàn chưa dùng đến các thuật ngữ chuyên môn đặc biệt. Ngôn ngữ không chỉ giới hạn trong tiếng La-tinh, có một vài người bắt đầu dần dần dùng tiếng mẹ đẻ để soạn sách.
Những người mà thời bấy giờ gọi là “triết gia trên bục giảng” đều là những triết gia thuộc phái triết học kinh viện kể từ thời Trung Cổ về sau. Nhưng phê phán, phủ định những người này thì dĩ nhiên các triết gia khai mở nền triết học hiện đại cũng đâu có cách nào giữ được một chân trên bục giảng ở các trường đại học.
Nhưng trong giai đoạn trước và sau Kant, những triết gia tiên phong của triết học hiện đại dần dần đều giữ một chân giảng dạy trong các trường đại học. Những người kế thừa triết học Kant như Fichte (1762- 1814), Schelling (1775 − 1854) cho đến Hegel, v.v… đều là những giáo sư đại học. Đối tượng gặp gỡ hằng ngày của họ là những sinh viên có trình độ tri thức chuyên môn cao, nên khi soạn sách cũng là để cho những sinh viên đó đọc. Văn chương, do đó, trở nên khó hiểu, dùng toàn những thuật ngữ mà chỉ có những người trong chuyên ngành mới hiểu được mà thôi. Từ đó, văn thể trong các tác phẩm triết học trở nên ngắn gọn.
Triết học Kant do Fichte, Schelling, Hegel, v.v… kế thừa và phát huy được gọi là “triết học duy tâm Đức”[4] có thể sánh ngang với thời đại hoàng kim của triết học cổ điển Hy Lạp do Socrates, Plato, Aristotle làm chủ. Tác phẩm Kritik der reinen Vernunft của Kant ra đời năm 1781, Hegel mất năm 1831, trong khoảng thời gian gần nửa thế kỷ ở giữa đó, triết học duy tâm Đức rốt cuộc được giao cho sứ mệnh gì? Có thể nói đó là “lý tính con người” của Kant, nó vất bỏ sự hậu thuẫn của lý tính Thượng Đế, đạt đến nguyên lý siêu hình học; nói theo Kant thì đó là sự tự thức tỉnh của “chủ thể tính siêu việt”, thông qua việc nghiêm túc phê phán khả năng nhận thức cùng tính hạn chế của tự ngã, đồng thời phá vỡ luôn giới hạn đó để đưa nó lên đến tầm cao của một dạng “tinh thần tuyệt đối” vô điều kiện.
Trong lý luận của Kant, tính hạn chế đó của lý tính con người chủ yếu thể hiện thành mặt nhị nguyên đối lập giữa hiện tượng giới với thế giới của vật tự thể[5], giữa lý tính lý luận với lý tính thực tiễn. Nhị nguyên luận khiến con người có cảm giác bất ổn, cho nên mục tiêu của triết học duy tâm Đức, trong quá trình phát triển của nó, là làm thế nào để nhất nguyên hóa. Trước hết, chúng ta hãy xem lịch trình tư tưởng của Hegel.
Hegel sinh năm 1770 tại Stuttgart, nước Đức. Năm 1780, ông theo học triết học và thần học tại đại học Tübinger ở Berlin. Ông và nhà thơ Hölderlin (1770 − 1843) cùng một sinh viên nhập học sau hai năm là Schelling kết thành ba người bạn thân. Vào năm 1789, cuộc đại cách mạng ở Pháp bùng nổ, tin tức đưa về dồn dập, có thể nói là các nhân sĩ tiến bộ nước Đức đều nửa mừng, nửa lo. Năm 1793, Hegel và hai người bạn trồng “cây tự do” ở vùng ngoại ô đại học Tübinger, rồi cùng nhau nhảy múa suốt đêm.
Nhưng đến “tháng chính biến” năm 1794 thì nền thống trị của phe Jacobin bị lật đổ ở Pháp, giai cấp tư sản giành lấy chính quyền cách mạng. Nhiệt tình cách mạng của nhóm Hegel từ đó cũng nguội lạnh dần. Mặc dù phản ứng của mỗi người trong nhóm khác nhau, nhưng đều là cảm xúc đau thương trước phong trào cách mạng khi dập tắt. Nói tóm lại, triết học duy tâm Đức cũng diễn biến phức tạp theo phong trào cách mạng nước Pháp.
Sau khi tốt nghiệp đại học, cả ba đều theo tập quán đương thời là làm gia sư cho các gia đình quý tộc hoặc giàu có, đồng thời vẫn tiếp tục công việc khảo cứu của riêng mình. Trong nhóm ba người thì Schelling trẻ nhất, nhưng tài năng phát triển sớm, rất được thi hào Goethe (1749 − 1832) tán thưởng; đến năm 1798 thì Schelling làm trợ giảng ở đại học Jena, giao du nhiều với các văn nghệ sĩ thuộc trường phái lãng mạn nước Đức, đạt đến đỉnh cao trong hoạt động sáng tạo triết học.
Trong giai đoạn này thì Hölderlin đang trải một một thời kỳ bi thương thống khổ, những trăn trở nội tâm giúp ông trở thành một nhà thơ vĩ đại. Năm 1800, ông mắc chứng rối loạn tâm thần, đến năm 1806 thì bệnh tình càng thêm trầm trọng, tinh thần thất thường, từ đó ông sống ở Tübinger trong tình trạng bệnh tật cho đến cuối đời.
Năm 1801, Hegel được Schelling tiến cử chức giáo sư ngoài biên chế ở đại học Jena, ông bèn cùng Schelling chung sức xuất bản tạp chí triết học. Đối với Schelling thì Hegel luôn giữ thái độ khách sáo, mãi đến năm 1803, khi Schelling rời khỏi Jena thì Hegel mới được tự do thoải mái, nên năm 1807, ông cho ra đời kiệt tác Phänomenologie des Geistes..
Trước khi tác phẩm đó xuất hiện một năm, Napoleon (1769 − 1821) hô hào giải phóng nước Đức, đem quân tấn công thành Jena. Trong thư Hegel gởi cho bạn có đoạn sau “Tôi đã thấy Hoàng Đế − linh hồn thế giới này − cưỡi ngựa ra khỏi thành phố để trinh sát.”[6]
Trong phần “Lời tựa”, rõ ràng là được viết về sau, Hegel đã phê phán triết học Schelling thậm tệ khiến hai người tuyệt giao, từ đó về sau không qua lại với nhau nữa.
Khi quân đội nước Pháp kéo vào xâm chiếm và phong tỏa đại học Jena, Hegel bị ép buộc phải bỏ trường. Ông làm công tác biên tập báo chí và hiệu trưởng trương trung học được một thời gian. Năm 1816, ông đến đại học Heidelberg, năm 1818 dạy tại đại học Berlin, giảng thuyết rất nhiều, tư tưởng và tầm ảnh hưởng của ông chiếm lĩnh cả giới triết học nước Đức. Năm 1830, ông làm hiệu trưởng đại học Berlin, đến tháng 11 năm sau thì bị bệnh qua đời.
Về phương diện khác, Hölderlin tuy mắc bệnh điên nhưng vẫn sống mãi đến năm 1843. Còn Schelling sau khi đoạn giao với Hegel, tên tuổi ông bị chôn vùi dưới danh tiếng quá lớn của Hegel; năm 1841, ông quay về lại đại học Berlin, cho đến năm 1845 thì qua đời. Số mệnh con người quả đúng là không biết đâu mà lần.
Hegel đã triển khai và giải thích triết học Kant như thế nào? Kant chủ trương lý tính con người là hữu hạn. Cái mà lý tính con người chi phối là hiện tượng giới, nhưng cũng chỉ giới hạn về mặt hình thức bề ngoài, chứ nó không thể nào đạt đến thế giới của vật tự thể, hơn nữa chất liệu trong hiện tượng giới dĩ nhiên cần phải dựa vào vật tự thể. Nhưng nếu hình thức của hành động chủ quan của một bên− chẳng hạn như cấu trúc của năng lực nhận thức − tăng lên thì chất liệu đến từ vật tự thể lại giảm đi. Ngược lại, nếu như cấu trúc của năng lực nhận thức tăng đến vô hạn thì hoàn toàn chẳng cần phải thừa nhận sự tồn tại của vật tự thể.
Theo Kant, cấu trúc của năng lực nhận thức − tức hình thức suy tư của chúng ta − đến từ biểu phán đoán của luận lý học hình thức, từ đầu đến cuối đều nằm trong mười hai phạm trù cố định nói trên. Quan điểm đó không phải được mọi người cùng tán đồng. Bởi vì hoạt động tinh thần của con người cần phải linh hoạt trong tư duy. Chẳng hạn, tinh thần có thể dựa vào cấu trúc cần đổi mới, nhưng bản thân cấu trúc đó cũng có thể tự tăng trưởng, v.v… Theo cách đó, những thứ khác đối lập với tinh thần ngày từ lúc ban đầu cũng có thể dần chuyển hóa thành hình thức tinh thần. Cứ như thế, một khi vật tự thể vượt ra ngoài tinh thần, những sự vật giới hạn tinh thần tự nhiên mất đi, lúc đó tinh thần con người có thể được xem là kẻ sáng tạo tuyệt đối cái thế giới này.
Thật khó mà suy ngẫm quan điểm đó từ mối quan hệ giữa giới tự nhiên với tính chủ quan của một cá thể. Lý tính con người sáng tạo nên toàn bộ giới tự nhiên bao quát mọi chất liệu bên trong, điều đó thực quá đỗi viễn vông.
Nhưng trong quá trình triển khai triết học duy tâm Đức thì trong triết học Kant, cơ cấu nhị nguyên giữa nhận thức với thực tiễn, giữa lý tính với lý tính thực tiễn dần được thống nhất thành hình thức nhất nguyên hóa của lý tính tự do thực tiễn, cấu trúc tư duy cũng không còn bị hạn chế trong hình thức tư duy. Những hoạt động chủ quan, bao hàm hoạt động nhận thức, nói chung được xem như bao hàm nhiều loại hình thức hoạt động khác như tôn giáo, luân lý, chính trị, xã hội, nghệ thuật, v.v…
Ngoài ra, thế giới không còn chỉ đơn thuần là giới tự nhiên nữa, mà là một thế giới sử tính, hay một thế giới sử tính. Do đó ở nước Pháp, bất kỳ tư tưởng khai sáng nào dựa trên cuộc đại cách mạng cũng đều chịu ảnh hưởng từ tư tưởng khai sáng của nước Đức. Triết học Kant là một sản phẩm của tư tưởng đó, nó biểu thị cho một “luồng ánh sáng rực rỡ” mới của lý tính, không còn mang tính chất thời gian hay lịch sử nữa. Người Hy Lạp cũng vậy, người Pháp thế kỷ 18 cũng vậy, hay người Đức cũng vậy, tất cả đều có cùng một lý tính như nhau. Quân đội cách mạng nước Pháp lấy điều này làm tư tưởng chỉ đạo, dựng chiêu bài giải phóng nhân dân Đức khỏi ách thống trị của chế độ phong kiến để xâm lược nước này. Nhưng người Đức từ thời Trung Cổ đã có ý chí dân tộc mạnh mẽ nên vùng dậy phản kháng. Đây là sự mở đầu của thế giới từ góc độ lịch sử. Thế giới quan đó cũng trở thành một trong những động cơ cho phong trào vận động văn nghệ của trường phái lãng mạn ở nước Đức, tư tưởng của Schelling và Hegel cũng được hình thành từ chính phong trào đó.
Thay vì “lý tính” (trong tiếng Đức là Vernunft) được dịch từ tiếng La-tinh, người ta chỉ chọn dùng thuật ngữ “tinh thần” (Geist) thuần túy tiếng Đức, điều này là do bối cảnh xã hội.
Như thế, thế giới đã biến thành thế giới sử tính. Đáp ứng lại điều này, chủ thể cũng không còn là chủ thể nhận thức mang tính cá nhân, mà phải là tinh thần dân tộc trong quá trình hình thành nên thế giới sử tính, thậm chí đó còn là sự lý giải tinh thần nhân loại trong quá trình hình thành nên lịch sử thế giới nữa.
Hegel cho rằng tinh thần hoàn toàn không thể đơn phương áp đặt cấu trúc tư duy của nó lên thế giới. Tinh thần muốn thấm dần vào thế giới một cách thuận lợi thì cũng phải phối hợp và thuận theo thế giới. Tinh thần và thế giới phải có tác dụng qua lại.
Khi Hegel thuyết giảng về tác dụng của mối quan hệ đó giữa tinh thần và thế giới, ông không dùng khái niệm “thực tiễn” của Kant, mà dùng khái niệm “lao động” của nhà kinh tế học người Anh là Adam Smith (1723 − 1790), trong thời kỳ ông tập làm gia sư. Cái gọi là lao động hoàn toàn chẳng phải là chủ thể lao động đơn phương tác động vào đối tượng. Khi đem hình thức tư duy áp đặt được lên đối phương thì đồng thời chủ thể lao động cũng chịu tác dựng ngược từ đối tượng, nhờ đó mà chủ thể mới có thể chuyển biến bản thân để hình thành và thực hiện được mục đích lao động.
Hegel cho rằng lúc ban đầu tinh thần cũng đem cấu trúc tư duy áp đặt lên một thế giới khác đối lập với bản thân, rồi bản thân nó tự chuyển biến, đồng thời tiếp thu tác dụng ngược của thế giới để hình thành nên tinh thần mới. Cần phải đem mối quan hệ tương hỗ giữa tác dụng và tác dụng ngược đó kết hợp hài hòa với khái niệm “lao động”. Theo các nhà kinh tế học cổ điển nước Anh thì tại các quốc gia lạc hậu như nước Đức, lao động của người lao động trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa bao gồm phạm vi của Hegel vẫn chưa xuất hiện, Hegel chỉ có thể lý giải từ khái niệm triết học xã hội.
Tinh thần thông qua lao động mà hình thành biện chứng, tác động vào thế giới đối lập với tự thân nó, rồi chuyển biến thành chính tự thân nó để đạt đến tự do. Hegel lý giải lịch sử thế giới như là quá trình mở rộng tự do của nhân loại.
Như thế, tinh thần thông qua lao động mà tiếp thu lần lượt từng lĩnh vực một của thế giới rồi biến thành chính tự thân nó, đến khi hoàn toàn không còn lực lượng nào khác tạo nên sự đối lập nữa thì tinh thần đạt đến tự do tuyệt đối để trở thành “tinh thần tuyệt đối”. Ý nghĩa của tinh thần đó là sự kết thúc của lịch sử khổ đau.
Hegel thật viễn vông khi cho rằng khi bản thân ông đã chứng kiến được giai đoạn tối hậu đó của lịch sử, còn triết học của ông là nhìn lại lịch sử khổ đau của tinh thần nhân loại, rồi cuối cùng sâu phá kén để hóa thành bướm và biến thành cội nguồn chính xác của tinh thần tuyệt đối.
Sở dĩ Hegel quan niệm vậy cũng có lý do, đó là do cuộc đại cách mạng nước Pháp. Năm 1789, sau khi cuộc đại cách mạng nước Pháp bùng nổ, anh sinh viên của đại học Tübinger là Hegel cùng bạn là Hölderlin vừa mừng vừa lo khi chứng kiến quá trình đó. Lúc bấy giờ, những phần tử trí thức ở nước Đức đều rất kỳ vọng ở cuộc cách mạng này. Đối với họ, ngọn cờ “tự do, bình đẳng, tình bạn” của cách mạng được xem như là dấu chấm hết cho lịch sử khổ đau đầy áp bức của nhân loại, con người được quay về lại với đất nước tự do lý tưởng vang tiếng âu ca của Hy Lạp thời cổ đại.
Nhưng khi xem cách mạng diễn biến, phe Jacobin do Robespierre lãnh đạo đã mở đầu cho một nền chính trị khủng bố, rồi sau cuộc chính biến năm 1794, giai cấp tư sản giành lấy chính quyền cách mạng thì bọn họ chuyển sang thái độ cự tuyệt giá trị của cuộc cách mạng. Hegel cũng không phải ngoại lệ, nhưng bản thân ông vốn đã không nhiệt tình hưởng ứng nền chính trị khủng bố đó, cho nên đối với cuộc chính biến năm 1794 ông không bị thất vọng nhiều như Schelling và Hölderlin, và có nhiều thuận lợi để tiếp thu cuộc cách mạng do Napoleon khởi xướng. Như đoạn trước đã nói, thậm chí ông còn xem Napoleon là “linh hồn thế giới”.
Đối với Hegel, cuộc cách mạng nước Pháp − ý đồ là thông qua tinh thần loài người để tuân theo mệnh lệnh của tinh thần mà tự hình thành nên một xã hội − mang ý nghĩa là tinh thần nhân loại lớn mạnh thành tinh thần tuyệt đối và kết thúc tấn tuồng lịch sử khổ đau của tinh thần nhân loại. Triết học của ông ngẫu nhiên được chứng kiến được thời khắc lịch sử đó, nên biến thành nơi chốn để tinh thần tuyệt đối xuất hiện. Hegel cho rằng bản thân mình mới đúng là người đại diện cho tư tưởng cách mạng nước Pháp. Theo ông, tác phẩm Phänomenologie des Geistes mà ông viết trước khi Napoleon tấn công và chiếm thành Jena chỉ là sự hồi tưởng của tinh thần tuyệt đối của nhân loại, đến lúc đó thì tinh thần tuyệt đối xuất hiện. Kiệt tác đó của Hegel thường được so sánh với tiểu thuyết Wilhelm Meisters Lehrjahre (Những tháng năm học nghề của Wilhelm Meisters) của Goethe. Có thể nói đó là bài thơ tráng lệ vô song về linh hồn, trong lịch sử triết học.
Theo triết học Kant, lý tính con người kết thúc trong nhận thức khoa học về tự nhiên và trong khả năng chi phối của kỹ thuật, nhưng sự xuất hiện của triết học Hegel lại chứng minh khả năng hình thành xã hội hợp lý, và triết học đó khẳng định được vị trí của nó như là chủ thể siêu việt trong thế giới tự nhiên và xã hội. Vả lại, không chỉ hiện tượng giới được Kant nói đến mà lý tính con người, thông qua sự trưởng thành của phương thức biện chứng riêng biệt, cũng khẳng định được vị trí này của nó đối với toàn thể thế giới.
Trong lời tựa của tác phẩm Grundlinien der Philosophie des Rechts (Những nguyên lý của triết học pháp quyền) trong những năm cuối đời, Hegel đưa ra cương lĩnh cơ bản thế này “Những gì hợp lý thì cái đó là hiện thực, và những gì là hiện thực thì cái đó hợp lý.”[7] Có nghĩa là chỉ những sự vật được nhận thức bằng lý tính mới có được quyền lợi trong hiện thực, do đó những sự vật tồn tại trong hiện thực đều có thể được nhận thức bằng lý tính, và hoàn toàn có thể biến đổi cho hợp lý. Lý luận đó làm vang vọng lên khúc hát khải hoàn của chủ nghĩa duy lý trong quá trình hình thành chung cuộc cho nền văn hóa châu Âu cận đại.
Như đã nói trong phần trước, chủ nghĩa duy lý cận đại có thể được xem như là sự cách tân của phương thức suy tư siêu nhiên kể từ triết học Plato về sau, có nghĩa là lý tính của chứng nhân đã chiếm cứ vị trí của nguyên lý siêu nhiên, tiến hành biên tập lại phương thức suy tư của nguyên lý này. Do đó, sự hoàn tất của triết học cận đại của Hegel có nghĩa là sự hoàn tất của loại phương thức suy tư siêu nhiên đó.
Heidegger, tư tưởng gia Đức thế kỷ 20, từng nói rằng phương thức suy tư siêu nhiên đó là do Hegel hoàn thành cơ cấu lý luận, rồi từ đó về sau nó phát huy thành uy lực to lớn trong kỹ thuật. Kết hợp với sự việc dưới đây, điều đó không có gì khó hiểu.
Từ khi Hegel mất đi vào năm 1830, sự nghiệp cách mạng tại nước Anh bắt đầu lan rộng ra các quốc gia khác của châu Âu, tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã làm xuất hiện nền văn minh kỹ thuật. Văn minh kỹ thuật dựa trên khoa học tự nhiên cận đại, còn khoa học tự nhiên cận đại thì chắc chắn là lấy tự nhiên quan duy vật cơ giới làm cơ sở. Đem tự nhiên quan xem tự nhiên là vật chất vô sinh mệnh kết hợp với phương thức suy tư siêu nhiên, điều đó đã được đề cập ở phần trước. Theo đó, quan điểm tuyệt diệu của Heidegger “siêu hình học đã giúp kỹ thuật phát huy uy lực” cũng không còn khó hiểu nữa.
Xem cuộc đại cách mạng nước Pháp là hồi kết thúc của lịch sử thế giới, đó là ngộ nhận của Hegel, nhưng chính tại thời điểm chuyển tiếp vĩ đại đó thì nhận thức về tự ngã trong triết học Hegel hoàn toàn không có gì sai lầm cả.
Về già, Hegel lại càng ngợi ca sự toàn năng của lý tính. Ông cho rằng mục tiêu của lý tính rất có thể được hiện thực hóa, và con người cũng có thể lý giải và biến đổi được hiện thực. Lúc này, đằng sau ông đã bắt đầu diễn sự phản tỉnh về loại lý tính này, xem nó là hình thức hợp lý, và chuyển thành nền văn minh kỹ thuật vĩ đại của văn hóa châu Âu.
Sau khi Hegel qua đời, sự phản tỉnh đó diễn biến thành sự phê phán trực tiếp triết học Hegel. Tình hình thực tế lúc bấy giờ là sau cuộc cách mạng nước Pháp, xã hội chẳng phải là một xã hội lý tưởng không giai cấp và có “tự do”, “bình đẳng”, v.v… gì cả, mà thậm chí hiện tượng bất bình đẳng so với thời trước còn tỏ ra nghiêm trọng hơn. Dưới chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa, con người bị phi nhân hóa, giai cấp tư sản hiển nhiên đã cướp lấy quyền chủ đạo về chính trị. Do đó, con người không thể nào còn lạc quan tin tưởng vào sự phát triển hợp lý của xã hội theo triết học Hegel.
Đặc biệt là sau hội nghị Vienna (1814 − 1815)[8], dưới sự lãnh đạo của Metternich, những chế độ cũ, vương triều cũ đều được phục hoạt, dẫn đến việc một thế hệ thanh niên − như Karl Marx (1818 − 1883), Engels (1820 − 1895) − đã không ngừng vận động phong trào phản đối chế độ và không ngừng bị trấn áp, khiến người ta cảm nhận sâu sắc được tính phi lý trong hiện thực.
Không chỉ triết học Hegel bị phê phán, mà toàn bộ chủ nghĩa duy lý cận đại đều bị đả kích tơi tả. Chẳng hạn như Schelling về già chủ trương “dục vọng mới là căn nguyên của tồn tại”, còn chàng thanh niên Karl Marx, trong tác phẩm Economic & Philosophic Manuscripts of 1844 (Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844) đã gọi lập trường của mình là “chủ nghĩa tự nhiên triệt để tức là chủ nghĩa nhân bản”[9]. Điều khó hiểu là cả hai đều lấy bản chất tồn tại tự nhiên của loài người làm điểm gốc để phê phán chủ nghĩa duy lý.
Dùng khái niệm đó làm điểm gốc để tiến hành phê phán thời cận
đại, rồi tiến thêm một bước phê phán toàn bộ sự hình thành nền văn hóa phương
Tây, đó là Nietzsche. Tuy ông chưa từng trực tiếp phê phán Hegel, nhưng lại chịu
ảnh hưởng sâu đậm của một tư tưởng gia đại kình địch của Hegel là Schopenhauer
(1788 − 1860), do đó, có thể xem như ông gián tiếp phê phán Hegel. Chúng ta
cùng khảo cứu về Nietzsche ở phần tiếp theo.
[1] Đoạn này được dịch theo bản tiếng Anh What is Enlightenment? (Khai Sáng là gì?): Enlightenment is man’s emergence from his self-imposed immaturity. Immaturity is the inability to use one’s understanding without guidance from another. (Imanual Kant: What is Enlightenment?)
http://www2.idehist.uu.se/distans/ilmh/Ren/idehist-enlighten-kant02.htm
[2] Trong bản tiếng Trung dịch là “số luận 數論”.
[3] Nicolas Malebranchel là một nhà triết học duy lý người Pháp. Trong các tác phẩm của mình, ông tìm cách tổng hợp tư tưởng của Thánh Augustine với Descartes, để chứng minh vai trò tích cực của Thiên Chúa.
[4] Phần lớn các tài liệu biên khảo thường gọi là “triết học duy tâm cổ điển Đức”.
[5] Ding an sich hay thing-in-itseft.
[6] I saw the Emperor, this world-soul, riding out of the city on reconnaissance.
https://www.marxists.org/reference/archive/hegel/works/letters/1806-10-13.htm
[7] Nguyên văn tiếng Đức “Was vernünftig ist, das ist Wirklich; und was wirklich ist, das ist vernünftig.”
[8] Hội nghị Vienna diễn ra tại Vienna từ 11/1814 đến 6/1815, với sự tham gia của tất cả đại sứ từ các quốc gia châu Âu, dưới sự chủ trì của chính khách người Áo là Klemens von Metternich, nhằm mục đích giải quyết những vấn đề phát sinh sau thời Cách mạng Pháp và Napoleon để tái lập nền hòa bình lâu dài cho châu Âu.
[9] Người dịch không tìm được câu tiếng Anh nào có nghĩa tương đương trong tác phẩm nói trên của Marx. Chỉ có câu này : ” This communism, as fully developed naturalism, equals humanism, and, as fully developed humanism, equals naturalis” (Chủ nghĩa cộng sản này, hiểu như là chủ nghĩa tự nhiên phát triển trọn vẹn, tức là chủ nghĩa nhân bản; và hiểu như là chủ nghĩa nhân văn phát triển trọn vẹn, tức là chủ nghĩa tự nhiên.)
https://www.marxists.org/archive/marx/works/download/pdf/Economic-Philosophic-Manuscripts-1844.pdf
Thảo luận