Đưa nền văn hóa phương Tây đến chỗ toàn thiện phải kể đến hai nhân vật, đó là Socrates (469 − 399 trước C.N) và Plato (427 − 347 trước C.N). Thậm chí có người nói toàn bộ nền triết học phương Tây chỉ là những lời giải thích cho triết học Plato[1]. Dưới đây, tôi sẽ thuyết minh cụ thể hai nhân vật đó có ảnh hưởng quan trọng như thế nào đối với người Nhật.
Natsume Kinnosuke, trong đêm thứ 6 của tác phẩm Mười Đêm Nằm Mộng, cho rằng nhân vật Vận Khánh nắm được bí quyết để sáng tạo nên một tác phẩm điêu khắc, song thực tế thì trong cục đá chôn nơi gốc cây vốn đã có sẵn hình dạng của lông mày và cái lỗ mũi rồi, chẳng qua chỉ là dùng đục để đào lên, giống như đào được khối đá từ lòng đất[2]. Đó là sự biểu hiện điển hình quan điểm nghệ thuật của người Nhật “tôn trọng tự nhiên, từ chối nhân tạo. ”
Tuy nhiên, ở phần cuối của câu chuyện, nhân vật chính rốt cuộc cũng tỉnh ngộ để nhận ra rằng trong thời đại Minh Trị Thiên Hoàng, không thể đem chôn những hình nhân bằng gỗ theo nhà vua được. Có thể nói điều đó không phải là không trớ trêu.
Dựa vào cảm nhận nhận bén của một nghệ thuật gia, rất có thể Kinnosuke đã ý thức được điều này. Trong quá trình chạy theo quá trình Âu hóa, Nhật Bản đã từng có những tác phẩm nghệ thuật sùng thượng “tự nhiên”, mà những tác phẩm đó đã lâu rồi không còn tồn tại. Là người tiên phong trong lĩnh vực văn hóa, thấu hiểu sự khốn cùng của phương Tây lẫn phương Đông, Kinnosuke chỉ dùng một giấc mơ để phá vỡ bản chất của những sự thay đổi trải qua trong thời đại Minh Trị Thiên Hoàng bằng một câu nói.
Tuy nhiên, điều mà Kinnosuke cảm thụ được cũng đã xuất hiện ở phương Tây tại Hy Lạp thời cổ đại. Người khởi xướng sự chuyển biến cơ bản này chắc chắn là Socrates và Plato, hai vị tỵ tổ của triết học phương Tây.
Socrates sinh ra tại Athens sau khi chiến tranh Ba Tư kết thúc được 10 năm, tức năm 469 trước C.N. rồi ông bị kết án tử hình năm 399 trước C.N, trước khi cuộc chiến Peloponnesus kết thúc không lâu.
Khoảng chừng nửa thế kỷ trước khi Socrates chào đời, Hy Lạp bị cường quốc Ba Tư xâm lăng, các thành bang chỉ có còn cách đoàn kết với nhau để kháng cự ngoại xâm. Trong số đó thì Sparta và Athens − hai thành bang theo chế độ nô lệ − là hùng mạnh nhất, nên tình hình lúc bấy giờ nảy sinh vấn đề trong hai thành bang đó, thành bang nào có năng lực đứng ra đảm nhận chức vị minh chủ.
Sparta theo chủ nghĩa bất can thiệp nên muốn đứng riêng lẻ. Cho nên vị trí minh chủ của liên minh các thành bang nghiễm nhiên thuộc về Athens. Do không biết khi nào Ba Tư sẽ phát động tấn công, nên Athens yêu cầu các thành bang nộp lệ phí đồng minh, tổ chức quân đội đồng minh để chuẩn bị cho chiến tranh. Ban đầu, căn cứ địa đặt tại đảo Delos[3], quân đội đồng minh cùng tiền của đều nằm ở đó. Nhưng dần dần, căn cứ địa chuyển về Athens, lệ phí đồng minh ắt đầu được dùng vào những mục đích khác, và ngôi đền Parthenon được khởi công xây dựng. Athens dần dần biến thành một cường quốc theo chủ nghĩa đế quốc.
Giữa hai cường quốc Athens và Sparta phát sinh những bất đồng rõ rệt. Thành bang, tức tên gọi của những chính thể thiểu số quả đầu[4], do một nhóm thiểu số quý tộc nắm quyền theo hình thức hội nghị. Quốc gia tiêu biểu là Sparta. Athens đả phá chính thể đó, chủ trương thi hành chính thể dân chủ để toàn dân tham chính. Đương nhiên, nữ giới trong thành bang không có quyền tuyển cử, sinh hoạt của thị dân chủ yếu dựa vào lực lượng nô lệ, nên cái gọi là chính thể dân chủ lúc bấy giờ so với các quốc gia dân chủ hiện tại có sự khác biệt về bản chất. Thị dân dùng các tù binh chiến tranh làm nô lệ để sử dụng, những thị dân có quyền tuyển cử sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và trưng binh thì được quyền tranh cử, một khi đã chọn rồi thì họ lập tức có quyền tham chính và nghị chính (trên thực tế, dường như họ chỉ giới hạn trong chức vụ tướng quân).
Năm thứ 5 trước C.N, quân đội đồng minh ở Delos hai lần đánh bại quân Ba Tư, khiến đất nước Ba Tư nội loạn nổi lên không ngớt, nên họ không còn rãnh để tấn công Hy Lạp nữa. Nhưng rồi Athens, dùng sự uy hiếp của Ba Tư làm một cái cớ để tổ chức đồng minh Delos, lại liên tục gây áp lực lên các nước đồng minh, buộc các thành bang phải tiếp thu chính thể dân chủ. Các thành bang Hy Lạp hình thành nên cục diện đối đầu giữa chính thể dân chủ trực tiếp và chính thể thiểu số quả đầu.
Trong số những lực lượng gia nhập thành bang đồng minh của Delos, có những thành bang do bất mãn với chính sách can thiệp chính trị của Athens nên muốn quy đầu Sparta. Do đó, những thành bang Hy Lạp chia thành hai phe, một phe theo Athens, một phe theo Sparta, khơi mào cho cuộc chiến Peloponnesus kéo dài suốt 30 năm, từ năm 431 trước C.N đến năm 404 trước C.N. Socrates lớn lên trong thời kỳ đó, cũng các thị dân tham gia chiến tranh.
Athens lúc bấy giờ là một trong những vùng đất giao thương trọng yếu của Đại Trung Hải.
Sau sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp quy mô nhỏ của các công nhân làm đồ gốm, Athens tập trung phát triển sản xuất đồ gốm và bán sản phẩm cho các nước láng giềng, nên dần dần phát triển thành quốc gia giàu nhất trong các đồng minh.
Những người từ các thuộc địa hải ngoại đã vượt biển để lũ lượt tập trung đến Athens, về phương diện văn hóa có thể nói là đây là thời kỳ muôn màu muôn vẻ. Sự xuất hiện của lãnh đạo kiệt xuất Pericles (khoảng 495 trước C.N − 429 trước C.N) đã đưa Athens đến một thời kỳ hoàng kim, được gọi là “thời đại Pericles”.
Nhưng ở Athens lúc bấy giờ, nền chính trị quần chúng đang thịnh hành. Trong hội nghị, hễ có người phát biểu lời lẽ kích động là chỉ trong nháy mắt sẽ có vô số người hưởng ứng theo, phạm không ít những sai lầm không cách gì cứu vãn nỗi. Cuộc tàn sát ở đảo Delos trong chiến tranh Peloponnesus là một trong điều sai lầm đó. Melos là một hòn đảo nhỏ, nơi đã từng tìm thấy bức tượng của nữ thần Venus. Trong thời kỳ chiến tranh, đảo này theo phe Sparta. Sau khi quân đội Athens chinh phục đảo với ưu thế tuyệt đối, quốc hội Athens đề nghị xử tử tất cả đàn ông trên đảo, còn phụ nữ và trẻ em thì bị bắt làm nô lệ, và đề nghị đó cuối cùng được nhất trí thông qua. Sứ giả lập tức ra lệnh cho thuyền xuất phát. Sau một đêm yên tĩnh, quốc hội mới thấy rằng quyết định đó không ổn, liền gửi tiếp sứ giả để ngăn chặn, nhưng đã quá muộn màng, và cuối cùng họ đã phạm một sai lầm trầm trọng.
Trong số nhiều người kích động chính trị đó có cựu môn sinh của Socrates là Alcibiades (450 trước C.N − 404 trước C.N). Người này xuất thân là danh gia vọng tộc, tướng mạo khôi ngô, anh tuấn, đầu óc linh hoạt, biện thuyết hùng hồn, thời trai trẻ rất được Socrates yêu mến. Đến năm 25 tuổi ông ra tranh cử, và được bầu làm một vị tướng của Athens. Vào thời điểm đó, Athens và Sparta đã ký kết một hiệp ước đình chiến, trong giai đoạn ngừng bắn được gọi là “hòa ước Nicias”[5]. Alcibiades đã phát huy tài hùng biện của mình, kêu gọi quốc hội xé bỏ hiệp ước đình chiến, mở cuộc viễn chinh đến đảo Silicy, vốn là hậu phương cung cấp lương thực và quân nhu của Sparta.
Cuộc viễn chinh đó mang theo toàn bộ chiến thuyền và quân đội, ban đầu đã toàn thắng do mở cuộc tập kích bất ngờ. Nhưng sau khi đổ bộ thì bị quân Sparta cắt đứt đường biển, khiến cả sáu ngàn nhân mã phải tháo chạy lên núi, bị vây khốn trong một mỏ đá bỏ hoang. Cuối cùng, do đói, toàn quân đều bị chết sạch.
Bản thân Alcibiades cũng đã đến đảo Sicily, nhưng đồng thời lại bị bản quốc triệu hồi vì một tội danh mà ông phạm phải trước khi khởi hành cuộc viễn chinh. Alcibiades liền bỏ trốn. Trên đường chạy trốn, ông lại vô tình lạc sang nước địch Sparta. Để toàn mạng, ông đã truyền thụ cho đối phương tất cả bí quyết để đối phó với Athens, không bỏ sót một điều nào.
Cảng Piraeus là vùng phụ cận của Athens, cứ vào mùa hè là Sparta luôn tách cảng khẩu ra khỏi Athens, buộc đối phương phải chiến đấu để cố thủ thành trì. Đến mùa đông thì họ mở vòng vây, mở đường rút quân về nước. Athens lợi dụng thời gian hưu chiến vào mùa đông để vận chuyển các loại hàng hóa, nhằm dự trữ cho cuộc chiến mùa hè. Do đó, nếu vào mùa đông mà triệt đường vận chuyển qua cảng khẩu thì Athens chỉ còn nước đầu hàng. Alcibiades đã bày cho Sparta biện pháp tàn khốc đó. Thị dân Athens bị vây khốn trong thành, người người chết đói đầy đồng, đó là nguyên nhân chính dẫn đến đại bại. Ngoài ra, Alcibiades còn tư thông với hoàng hậu Sparta, hạ sinh một đứa con. Rốt cuộc, không còn đất dung thân ở Sparta, ông tiếp tục chạy trốn đến Ba Tư, rồi lại sống dựa dẫm vào những kẻ quý tộc. Cuối cùng, Alcibiades trà trộn vào căn cứ hải quân của Athens ở đảo Samos; và với tài ăn nói hùng hồn, lung lạc lòng quân, ông trở thành người chỉ huy. Do nắm rõ quân tình của Sparta lẫn Ba Tư, Alcibiades giành được thắng lợi toàn diện, lại trở thành vị tướng quân ca khúc khải hoàn về Athens.
Nhưng trong trận hải chiến tiếp theo, ông bị đánh bại, và một lần nữa lại phải chạy trốn khỏi Ba Tư. Cuối cùng ông bị thích khách đâm chết trong phòng tắm. Cuộc đời của nhân vật này có thể nói là ba chìm bảy nổi, đủ cả vinh nhục thăng trầm. Trong tác phẩm Truyện các danh nhân Hy Lạp và La Mã của sử gia Plutarch (46 − 120), truyện của Alcibiades khá thú vị, nhưng thị dân Athens lại căm hận ông ta đến thấu xương.
Tụ tập chung quanh Socrates là những thanh niên có tham vọng chính trị. Không có gì là quá đáng khi nói rằng những thanh niên đó − những người than vãn về tình trạng chính trị và cho rằng cần phải hành động − hầu hết đều là môn sinh của Socrates.
Vào thời điểm đó, giữa các thành bang đã không ngớt tranh luận về việc họ nên áp dụng chính thể dân chủ trực tiếp của Athens hay chính thể thiểu số quả đầu của Sparta. Trong thực tế, mặc dù Athens cường thịnh, nhưng về mặt chính trị lại được quyết định bởi một một số đông không có chủ kiến, hoàn toàn bị bầu không khí của hiện trường thao túng. Nếu nhà chính trị nào ưa kích động chỉ cần nói ra một câu mê hoặc nhân tâm thì hội nghị lập tức sẽ nghiêng về bên đó, đó thuần túy là một loại chính trị nông cạn, hời hợt. Chế độ dân chủ trực tiếp thường dẫn đến kết quả như vậy đấy.
Ngay cả đến thời hiện đại, tình hình cũng chẳng có thay đổi chi nhiều. Ngay tự ban đầu, cái gọi là chế độ dân chủ biểu quyết theo đa số vốn cũng không phải là một ý tưởng chính trị. Mãi cho đến giai đoạn trước cuộc Chiến Tranh Thế giới II của thế kỷ 20, nói chung thì người ta cũng không xem chủ nghĩa dân chủ là một tư tưởng chính trị.
Số phiếu bầu của những người nghiêm túc suy tư về chính trị và những người chẳng thèm quan tâm đến chính trị là cái quái gì, hai số phiếu bầu đó cũng chẳng khác gì nhau, do quan điểm của các phe cánh tả và cánh hữu là nhất trí. Trong ký ức thời thơ ấu của tôi, nước Nhật trước chiến tranh (cả nước Đức e là cũng vậy) chỉ có hai con đường để lựa chọn, hoặc chọn chủ nghĩa phát xít hoặc chọn chủ nghĩa cộng sản, chứ không một ai có thể nghĩ rằng chủ nghĩa dân chủ cũng có một vị thế tương đồng như hai loại chủ nghĩa kia.
Sự chiến thắng của quân đội Mỹ trong Chiến Tranh Thế giới II đã tạo thành một đỉnh núi ngăn đôi thế giới. Bởi vì những quốc gia bị đánh bại tan tác đều là những quốc gia theo chính thể độc tài, tức chính thể quả đầu, nên kết quả là chủ nghĩa dân chủ được nâng lên thành tư tưởng chính trị.
Trong thời đại mà các quan điểm khác nhau đều có thể cùng tồn tại, ý kiến của dân chúng thường bị bỏ qua thì có thể thấy rằng ít nhất chủ nghĩa dân chủ cũng không phải là hoàn toàn vô điều kiện. Ở Nhật và Hoa Kỳ lúc bấy giờ, hầu như không một ai dám nói ra điều này, cũng giống như trong thời kỳ Socrates, những người chủ trương chính thể thiểu số quả đầu nếu phủ định chế độ đa số biểu quyết tức là phạm điều đại cấm kỵ. Vào thời điểm đó, Socrates được coi là đại biểu của những người ủng hộ chính thể thiểu số quả đầu, nhưng nhờ biết kết hợp với việc cân nhắc mối quan hệ căng thẳng giữa Athens và Sparta, nên tình hình không có gì gọi là nguy hiểm.
Năm 404 trước C.N, cuộc chiến Peloponnesus kết thúc với sự thất bại của Athens. Alcibiades là một trong những tội phạm chiến tranh trọng yếu, nhưng vì bản thân ông ta đã bị ám sát tại Ba Tư trước khi chiến tranh kết thúc, nên không thể nào truy cứu trách nhiệm. Do nỗi căm hận không chỗ phát tiết, mọi người bèn trút hết lên đầu ông thầy của Alcibiades là Socrates.
Sau khi chịu thất bại và chịu chế độ quân quản của lực lượng chiếm đóng Sparta, Athens đã bầu chọn ra 30 vị đại biểu, dẫn đến một chính quyền tương tự như một “ủy ban theo hiến pháp chế định mới” được gọi là “Ba mươi lãnh chúa”. Chính quyền đó lấy phe dân chủ làm trung tâm, bên trong gồm rất nhiều người đã từng ủng hộ chính thể thiểu số quả đầu và trong thời gian chiến tranh đã cùng Alcibiades trốn đến Sparta, hoặc những quốc gia trung lập. Phần lớn bọn họ đều từng là môn đồ của Socrates. Tình trạng này rất giống với nước Nhật sau Chiến Tranh Thế giới II, khi Sanzō Nosaka[6] từ Trung Quốc về lại Nhật Bản, lúc đó nước Nhật tuy đã có bộ Tư Lệnh tối cao của quân đội Mỹ, nhưng đồng thời vẫn có Đảng Cộng Sản.
Tuy nhiên, trong đám đệ tử đào vong rồi quay về cố quốc đó của Socrates, các nhân vật như Critias (khoảng 460 trước C.N − 430 trước C.N) và Charmide (khoảng 460 trước C.N − 430 trước C.N) không được bao lâu đã khơi mào cuộc chiến tấn công vào phe dân chủ. Cả hai nhân vật này khi còn thanh niên đã từng là những nhà văn trẻ làm thơ viết kịch, nhưng trong quá trình đào vong chẳng mấy chốc họ đã biến thành những chính trị gia quá khích. Khi mới quay về nước, họ chưa dám khinh suất làm bừa, nhưng không bao lâu thì họ đã cho bắt bớ những nhân vật thuộc phe dân chủ. Là những người ủng hộ chính thể thiểu số quả đầu lại có được chỗ dựa là sự ủng hộ của lực lượng Sparta đang chiếm đóng, nên họ chẳng hề úy kỵ điều gì, và cũng chẳng màng chi tới những nhân sĩ phe dân chủ. Cuộc nội loạn ngày càng mãnh liệt. Có nhiều người trốn sang nước láng giềng Megara[7] để kháng cự lại sự đàn áp bằng bạo lực của “Ba mươi lãnh chúa”. Do quan điểm bất đồng mà cha con, anh em trở mặt để trở thành cừu địch, tàn sát lẫn nhau, đã vùi lấp tại Athens cái mầm họa vô cùng. Theo thống kê, chỉ một năm thôi mà “Cuộc bạo loạn của Ba mươi Lãnh chúa” đã cướp đi sinh mạng của những thị dân Athens còn nhiều hơn cả số người chết trong cuộc chiến Peloponnesus kéo dài suốt ba mươi năm.
Hai kẻ chủ mưu Critias và Charmide vừa là thân thích, vừa là đệ tử ngày trước của Socrates. Lúc đó, Plato mới khoảng hai mươi ba tuổi, thân tuy tại Athens nhưng hoàn toàn không dinh líu với “Cuộc bạo loạn của Ba mươi Lãnh chúa”. Một thanh niên cùng tuổi và cùng học với Plato là Xenophon (khoảng 430 trước C.N − 354 trước C.N), tác giả cuốn Hoài niệm Socrates, cũng bị áp bức phải trốn sang Sparta. Xét từ lập trường chính trị và tuổi tác, Plato là người trầm ngâm khiến người ta khó hiểu, có thể là do Socrates đã căn dặn ông không được hành động khinh suất. Nhưng thực tế thì chính Socrates đã từ chối Critias và Charmide, vì hai người này đã làm tư lệnh quân đội chỉ huy chuyện bắt giữ các người thuộc phe dân chủ và những nhân vật trung lập, đồng thời cực lực phê phán chính thể “Ba mươi Lãnh chúa” để tỏ thái độ phản đối hành động của những môn sinh cũ.
Cuộc nội loạn chấm dứt năm 403 trước C.N, cả Critias và Charmide đều tử trận. Do lo sợ thế lực của tư lệnh quân đội chiếm đóng là Lysandros[8] ngày càng lớn mạnh, vua Sparta bèn hạ lệnh điều đình. Điều kiện hòa giải là Athens phải trở về với nền chính trị dân chủ, và kể từ thời điểm đó, hai bên sẽ không còn truy cứu mọi trách nhiệm của nhau trong quá khứ nữa. Nhưng liệu thành bang Athens có thực sự thái bình không?
Phần trên đã giới thiệu ngọn ngành đầu đuôi sự tình của Socrates năm 399 trước C.N. để mọi người có thể hiểu rõ được tình cảnh phức tạp của ông. Bản thân Socrates cũng châm biếm chính trị đương thời, điều đó lôi cuốn được nhiều thanh niên có chí hướng tụ tập quanh ông. Kết quả là những thanh niên này trở nên chững chạc, chín chắn nhưng đối với quốc gia lại là tai họa vô cùng. Socrates tướng mạo kỳ lạ, sức khỏe phi thường, là một trang nam tử có sức lôi cuốn mọi người.
Theo truyền thuyết, trong trận chiến với quân đội Sparta giữa vùng biển sâu Aegean, khi quân đội Athens rút lui, Socrates mang trên người bộ giáp nặng trịch của một vị tướng có thân hình khôi vĩ là Alcibiades, ung dung đối mặt với kẻ địch bao quanh. Quân đội Sparta bị khí thế uy dũng của ông làm cho khiếp hãi, phải nhốn nháo mở đường. Kể từ lúc cuộc chiến Peloponnesus thất bại cho đến hồi kết thúc của “Cuộc bạo loạn của Ba mươi Lãnh chúa”, Socrates bị gán cho cái tội làm “bàn tay đen” đứng ở hậu trường để điều động phong trào chống đối thể chế, và chịu trách nhiệm xúi giục thanh thiếu niên thì điều đó cũng không hẳn là hoàn toàn vô lý.
Năm 399 trước C.N, Socrates bị ba thị dân là Anytus, Lycon, và Meletus khởi tố với các tội danh “bất kính thần thánh của thành bang, tự lập thần thánh của riêng mình, gây ảnh hưởng xấu làm hư hỏng thanh niên”, và đưa ra tòa án. Quá trình tuyên án đã được Plato trình bày tường tận trong đối thoại Biện hộ cho Socrates. Đó là tác phẩm thuộc thời kỳ đầu của Plato, được cho là không có hư cấu, ghi chép trung thực ngôn hành của thầy mình. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần dựa vào văn chương không thôi thì cũng khó mà lý giải hoàn toàn tình hình lúc bấy giờ.
Ta đã biết danh tính của ba người khởi tố Socrates. Anytus là một chính trị gia lỗi lạc của phe dân chủ, do tranh giành Alcibiades nên từng có một thời trở thành đối thủ của Socrates, bởi vậy ông ta có nguyên nhân để mà tố cáo, chuyện đó đương nhiên rồi. Còn lại hai người kia thì Meletus là một nhà thơ sáng tác bi kịch, Lycon là người viết đơn khiếu kiện. Xét ra thì đối với Socrates, họ chẳng có thâm cừu đại hận chi để đến mức phải tố cáo ông cả. Họ thực ra chỉ là những con rối, chỉ vì sau cuộc nội loạn, những nhân vật phe dân chủ bất mãn với Socrates là sau cuộc bạo loạn đã không hành động cẩn thận mà đi công khai phê phán nền chính trị Athens, bèn thuê hai người đó tố cáo Socrates. Ở Athens, điều đó từ lâu đã trở thành một bí mật công khai.
Vì hiệp ước hoà giải đã quy định rõ ràng rằng cả hai bên không được quyền truy cứu trách nhiệm chiến tranh của nhau nữa, nên không thể công khai đưa ra lý do là Socrates giáo dục những thanh niên như Alcibiades, Critias và Charmide v.v… chưa được đầy đủ, mà chỉ có thể dùng câu “gây ảnh hưởng xấu làm hư hỏng thanh niên”. Còn hai điều kia “bất kính thần thánh của thành bang, tự lập thần thánh của riêng mình” chỉ là những lời vu khống không đâu, làm sao có khả năng trở thành lý do để buộc tội một nhân vật như Socrates được.
Lúc đầu, những nhà chính trị thuộc phe dân chủ không có ý đưa Socrates vào chỗ chết. Tuy nhiên Socrates không hề mảy may lo sợ. Đối với những lời tố cáo vu vơ, ông trước sau vẫn kiên trì giữ thái độ phủ nhận hoàn toàn; còn đối với những lý do buộc tội là phản dân chủ, ông trả lời như sau : ông ta lên tiếng bảo rằng tôi chí trích chính thể dân chủ, nhưng lại chẳng hề chứng minh được tôi ủng hộ chính thể thiểu số quả đầu; trong khi vào thời kỳ “Ba mươi Lãnh chúa”, việc ông ta chỉ trích chính thể đó lại có bằng chứng rõ ràng. Nếu tình hình đó cứ tiếp tục, rất có thể ông ta đã bị bọn họ giết hại. Tôi không ủng hộ chính thể dân chủ, cũng chẳng ủng hộ chính thể thiểu số quả đầu, mà chỉ phê bình nền chính trị hiện tại.
Hy vọng mọi người hiểu rõ bối cảnh đó khi đọc đối thoại Biện hộ cho Socrates của Plato, thì mới thấy được tài lý luận khúc triết phi thường của Socrates, nhưng chủ trương của ông lại khiến người ta cảm thấy cực kỳ khó hiểu. Ông phê phán chính thể dân chủ và phê phán cả chính thể thiểu số quả đầu, giống như một người theo chủ trương phủ định triệt để. Không chỉ giới hạn trong phiên tòa đó mà đối với môn sinh, Socrates cũng thường làm như vậy. Ông không dạy những điều mang tính tích cực, khẳng định mà mỗi hành động, mỗi lời nói trong sinh hoạt đều có thể biến thành đối tượng để châm biếm, tráo phúng. Tại phiên tòa, ông cũng hoàn toàn không dùng lợi thế của mình là tài hùng biện để cứu mình thoát nạn, mà thay vào đó, ông dường như tự trò chuyện với mình, mở miệng ra là nói những lời khiến người ta khó bề quyết định. Tóm lại, chỗ đặc thù trong chủ trương của Socrates là dù theo bất kỳ lập trường nào cũng đều phải lấy phê phán hiện thực trước mắt làm trách nhiệm bản thân.
Chàng trai trẻ Plato đã mô tả một cách sinh động thái độ phủ định đặc thù đó của Socrates. Trong tác phẩm đối thoại đầu tiên của mình, Plato muốn hậu thế biết sư phụ của mình là nhân vật như thế nào, nên đối với ngôn hành thường ngày của Socrates, ông đều mô tả rất tỉ mỉ. Bản thân Socrates cũng không có ý để những lời nói của mình được lưu truyền hậu thế, nếu không có Plato thì e rằng hậu thế cũng không biết đến Socrates nhiều đến vậy.
Như trên đã nói, Socrates luôn nói với người khác rằng ông không phải là học giả mà chỉ là một người say mê tri thức. Lời nói đó cùng với sự biểu hiện thái độ chính trị cực kỳ khó hiểu của ông tại phiên tòa không phải là không có quan hệ với nhau. Ông muốn biểu hiện cho mọi người thấy điều duy nhất mà ông có là lòng khát khao tìm cầu tri thức, nhưng không phải là loại trí thức để đem ra khoe khoang. Ông không dựa vào bất kỳ loại lý luận đã được thiết lập nào, thủy chung vẫn đứng trên lập trường “không” để phê phán và phủ định mọi loại kiến thức đã tồn tại.
Về ý nghĩa đó mà nói thì giữa Socrates và Plato tuy có mối quan hệ thầy trò, nhưng quan điểm lại hoàn toàn khác biệt. Như phần trước đã đề cập, Plato xác lập nguyên lý siêu nhiên, lấy đó để điểm tham chiếu để khảo sát sự vật, tích cực phát triển để hình thành nên một loại ý niệm đặc thù hoàn toàn mới mẻ. Còn Socrates thì chưa từng thấy ông có hành vi tích cực kiểu đó.
Tóm lại, có thể nói Socrates là người sống trong giai đoạn giao tiếp giữa hai thời đại. Ông sống trong khoảng nửa thế kỷ sau khi cuộc chiến Peloponnesus 30 năm kết thúc, cùng thời với giai đoạn phụ thân của Alexander đệ nhất thống lĩnh quân Macedonia tấn công liên quân của thành bang Hy Lạp, toan biến Hy Lạp thành một thành bang được yêu thích nhất trong đế chế mình. Trong liên minh của thành bang lúc bấy giờ chỉ có ước chừng năm vạn nhân khẩu, Hy Lạp đã lấy cơ hội đó làm vũ đài để phát huy hết nền văn hóa rực rỡ của dân tộc mình. Thời đại thành bang kết thúc, mở đầu cho thời đại văn hóa của đế quốc Hy Lạp thống trị thế giới. Socrates sống trong giai đoạn giao thời đó, không thể không chịu tác động của thời đại cách tân, nghĩa là toàn bộ sinh hoạt đời thường trong khu vực Địa Trung Hải nhỏ bé đều bị thế giới quan của những người sống bao vây bởi đại tự nhiên phủ định triệt để.
Socrates giữ thái độ phê phán học phái quỷ biện. Tuy nhiên, không phải người nào trong phe quỷ biện cũng đều lạc hậu. Đúng là có những kẻ đã truyền thụ thuật quỷ biện cho đám thanh niên, gây nên ảnh hưởng xấu, nhưng cũng có những nhà tư tưởng vĩ đại như Protagoras (485 trước C.N − 410 trước C.N.) và Anaxagoras (500 trước C.N − 428 trước C.N.). Không còn nghi ngờ gì nữa, các triết gia của học phái quỷ biện như Heraclitus, Parmenides, Anaximander, v.v… đều tôn sùng phép suy tư tự nhiên, đó là hậu duệ của “các nhà tư tưởng trước Socrates”. Nhưng không hiểu vì hà cớ gì mà Socrates lại phủ định hoàn toàn phép suy tư đó, nỗ lực dùng lời lẽ đao to búa lớn để chỉnh đốn lại. Vì sao mà ông ta lại làm như thế thì nguyên nhân không được rõ ràng.
Thị dân Athens gọi phương pháp của Socrates là “eironeia”, tiếng Anh và tiếng Đức đều dựa theo từ gốc mà dịch là “irony” và “Ironie”, có nghĩa là “châm biếm”, phúng thích”. Các triết học gia phương Tây đã thử khoác lên từ “irony” những ý nghĩa sâu xa, nhưng tôi cho rằng cứ xem Socrates như một người phúng thích lại thích hợp hơn.
Luận văn của nhà tư tưởng Đan Mạch Kierkegaard Khái niệm về phúng thích có liên quan với những cuộc thảo luận quan trọng của Socrates về phúng thích. Bài viết diễn tả rất đỗi rườm rà, đại khái có thể tạm tóm tắt nội dung như vầy : phúng thích là một phương thức biểu đạt những điều thực sự muốn nói bằng cách dùng các câu nói mang ý nghĩa trái ngược. Nhưng Socrates dù có khả năng ăn nói huyên thuyên, trên thực tế lại hoàn toàn không có nội dung biểu đạt chân chính nào cả. Kierkegaard gọi đó là “phủ định mục đích của phủ định”, tức là lời phúng thích mang đầy đủ tính phủ định vô hạn. Thông thường, phủ định là khẳng định sự vật này bằng cách dùng phương thức biểu đạt quanh co để phủ định một sự vật khác, tức là sự phủ định hữu hạn. Phương pháp phủ định của Socrates là dùng sự vật trước mắt để tiến hành phủ định điều phủ định đến vô hạn.
Socrates tự cho mình là người không biết gì, ông dùng bản thân mình để định nghĩa thế nào là “biết rằng mình không biết”, cứ dựa theo mặt chữ để giải thích rằng ông hoàn toàn chẳng hề có tri thức nào để khoe khoang. Mặc dầu vậy, quan điểm của ông vẫn bị chụp cho cái danh hiệu là chủ nghĩa phúng thích, nguyên nhân bên trong không thể dùng một đôi câu mà giải thích cho rõ được. Kierkegaard suy nghĩ mãi mà vẫn không giải thích được Socrates ở điểm này.
Trước Kierkegaard, vào giai đoạn khởi đầu của chủ nghĩa duy tâm Đức, tức khoảng thời gian 1770 − 1883, xuất hiện trước sau Hegel, có những nhân vật đại biểu cho chủ nghĩa lãng mạn của nước Đức như Friedrich Schlegel[9] và Ferdinand Solger[10] cũng từng khảo cứu quan điểm phúng thích của Socrates. Bọn họ cho rằng phủ định tất cả, thậm chí phủ định luôn cả quan điểm phúng thích của mình, chính là cảnh giới tối cao mà các nghệ thuật gia muốn đạt đến, gọi đó là “quan điểm phúng thích của chủ nghĩa lãng mạn”.
Đối với loại phúng thích này, Hegel có đưa ra những lời bình luận rất cao kỳ. Nhưng ông lại cho rằng suy cho đến tận cùng thì đó cũng chỉ là loại “cực đoan của tính chủ quan”, tức là tuy đạt đến cực hạn của tính chủ quan, nhưng vẫn không đạt đến cảnh giới tối cao của tính tuyệt đối dung hợp cả chủ quan lẫn khách quan. Kierkegaard phản đối quan điểm này, ông viết tác phẩm Khái niệm về phúng thích vì muốn tìm hiểu cho rõ bản chất trong quan niệm phúng thích của Socrates.
Tại Nhật Bản, Shūji Tsushima[11] là nhân vật đại biểu cho những người cực lực tôn sùng quan điểm phúng thích của chủ nghĩa lãng mạn, và ông đã tái hiện hoàn toàn quan điểm đó. Nhưng Shūji Tsushima rốt cuộc lại tự vẫn, còn bản thân Schlegel không bao lâu sau lại quy y Thiên Chúa giáo. Có thể thấy rằng kiên trì đem phủ định tính vô hạn làm bản chất của quan điểm phúng thích, điều đó không phải là chuyện dễ dàng, hoặc giả chỉ có tài năng vĩ đại như Socrates mới thực hiện nỗi.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Socrates là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử tinh thần nhân loại. So với những nhân vật như Khổng Tử, điểm độc đáo của ông là chưa hề nêu ra bất kỳ chủ trương hay lời giáo huấn nào mang tính tích cực. Ông cũng chưa hề thử nêu ra bất kỳ chủ trương mới mẻ nào, mà chỉ làm một điều duy nhất là phủ định triệt để, phủ định toàn bộ. Vậy làm thế nào để lý giải cái gọi là lòng khát khao tri thức?
Đối với Hegel, người khám phá hệ thống kiến thức thực tế, mà nói thì Socrates giống như cái gai đâm trong mắt. Nietzsche, trong tác phẩm Die Geburt der Tragödie (Sự khai sinh bi kịch), chỉ ra rằng người Hy Lạp sau thời Socrates đã mất đi sự mạnh mẽ, ngày càng trở nên bạc nhược, suy đồi, mà kẻ thủ ác chính là Socrates. Nietzsche cho rằng sở dĩ Socrates phát huy được tác dụng “phủ định” là do ông ta luôn mang “tiếng nói của quỷ thần” bên khóe miệng. Đó cũng là một trong những lý do khiến Socrates bị tố cáo hấp dẫn ma quỷ. Đầu đuôi câu chuyện là như vầy :
Nguyên Socrates bị bệnh động kinh, thường khi đang làm việc gì, ông đột nhiên cứng đơ cả người không cử động được, dài thì có khi cả ngày, ngắn thì kéo dài vài giờ. Trong tác phẩm Bữa tiệc, Plato có thuật lại chuyên này. Sau cơn động kinh, nếu có ai hỏi “vừa xảy ra chuyện gì đó?” thì Socrates bảo là “nghe tiếng nói của quỷ thần”
Nếu người ta hỏi tiếp “quỷ thần nói điều gì” thì Socrates không bao giờ trả lời là quỷ thần bảo phải làm điều gì, mà chỉ trả lời là quỷ thần ra lệnh không nên làm điều gì. Trong tác phẩm Die Geburt der Tragödie, Nietzsche cho rằng Socrates tiếp nhận sứ mệnh phủ định tất cả từ quỷ thần
Socrates sống từ thời kỳ liên minh thành bang cho đến thời chuyển biến của văn hóa Hy Lạp, ông có ý đồ phủ định toàn bộ những sự vật mà người Nhật thời cổ đại đã tôn sùng theo phương thức suy tư “tự nhiên”. Kết quả là Socrates đã mở một trận càn quét sạch trên lĩnh vực tư duy, dọn đường cho nguyên lý siêu nhiên của Plato và Aristotle, nhưng bản thân ông lại không hề có ý tưởng đó. Điểm độc đáo của Socrates vẫn nằm ở chỗ phủ định, ông là một nhân vật mơ hồ khó hiểu, vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi.
Plato nhỏ hơn Socrates 43 tuổi. Từ thời thơ ấu, ông đã theo người thân học hỏi với Socrates, lúc đó Socrates đã già rồi. Nói một cách nghiêm túc thì Plato hoàn toàn chưa từng theo học Socrates đúng nghĩa, mà ông chỉ lớn lên trong môi trường của những môn đồ Socrates. Plato xuất thân từ danh gia vọng tộc của Athens, nên ông có mối quan hệ đối với hầu hết những chính trị gia đương thời. Nhờ đó, trong cuộc đấu tranh giữa Athens với Sparta, Plato có điều kiện nắm bắt tin tức một cách chính xác để có thể bình thản ngồi quan sát sự biến động trong xã hội lúc bấy giờ.
Năm 28 tuổi, Plato mục kích cái chết của Socrates, điều đó có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với ông. Để tránh bị liên lụy, Plato chạy trốn sang nước láng giềng là Megara, chờ khi thời cuộc ổn định mới quay về lại Athens. Vì muốn đem những lời giáo huấn của thầy truyền lại cho hậu thế, ban đầu ông đã soạn ra hơn mười tác phẩm Đối thoại. Những tác phẩm đó vẫn chưa thể gọi là tư tưởng Plato.
Về sau, Plato bèn chu du khắp thế giới. Theo truyền thuyết, trước tiên ông đến Ai Cập và một thành bang thuộc địa của Hy Lạp ở mạn bắc châu Phi là Cyrene, rồi trên đường về, ông thuận đường tìm đến giáo đoàn Pythagoras (khoảng 560 − 480 trước C.N) ở nước Ý. Giáo đoàn này lấy Taranto ở miền nam nước Ý để làm trung tâm truyền đạo. Trải qua mấy năm, ông theo giáo chủ giáo đoàn thời bấy giờ là nhà toán học Archytas. Tiếp đó, ông lại vượt biển đến đảo Sicilia, lưu lại nơi ấy rồi quay về Athens. Trong quá trình lữ hành lần này, Plato đã dần dần hình thành nên tư tưởng của mình. Về nước không bao lâu, nhân dịp lễ kỷ niệm của vị anh hùng trong thần thoại Hy Lạp là Cadmus, ông cho xây dựng Học viện Academy (Viện Hàn Lâm) trứ danh ở Athens.
Thực tế thì không có sử liệu chính xác nào chứng minh Plato đã đi đến những địa danh trên. Truyền thuyết về chuyến đi của Plato đến Cyrene là do Jacob Burckhardt − nhà sử học có uy quyền tối cao về Hy Lạp và văn hóa Phục Hưng − đưa ra, và nó có tác dụng quan trọng trong việc nghiên cứu sự hình thành nên nguyên lý siêu nhiên trong tư tưởng Plato.
Một dãy vùng duyên hải ở mạn bắc châu Phi là nơi trung dân cư của người Do Thái, trong chương Xuất Ai Cập ký trong Kinh Cựu Ước cũng có ghi chép. Các quan điểm của ông như “ý niệm” của nguyên lý siêu nhiên trong tư tưởng Plato, tư tưởng về một quốc gia lý tưởng (ý niệm về thiện) cho đến thế giới được sáng tạo, v.v… rất có thể đã chịu ảnh hưởng bởi tín ngưỡng nhất thần giáo và thuyết sáng thế của Do Thái giáo.
Như đoạn trước đã nói, trong tư tưởng Socrates cơ hồ không hề có một chủ trương tích cực nào cả. Là môn sinh, Plato chỉ biết mò mẫm, suy tư phải nên sống như thế nào. Tín ngưỡng nhất thần giáo của người Do Thái cho đến quan điểm Thượng Đế sáng tạo thế giới, v.v… đã gợi cho Plato nhiều cảm hứng sâu sắc, rồi việc thờ phụng khái niệm “số” của giáo đoàn Pythagoras cũng đều thuộc về nguyên lý siêu nhiên. Có thể là từ những điều này mà Plato phát hiện ra những cái thuộc về lý luận trung tâm trong tư tưởng của bản thân ông về sau.
Jacob Burckhardt đã đưa ra chứng cứ về sự tiếp xúc giữa Plato với tín ngưỡng Do Thái giáo. Plato cũng không hề công khai nói rõ mình đã từng học tập như thế nào, cho nên vấn đề càng trở nên phức tạp.
Người Nhật vốn sinh tồn giữa tự nhiên và sùng thượng tự nhiên, e rằng không thể đột nhiên mà đưa ra phép suy tư về nguyên lý siêu nhiên như thế nào. Đó là nguyên nhân chính khiến người Nhật bất kể thế nào cũng khó mà hiểu được chân đế trong các tín ngưỡng đơn thần của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, v.v….
Những tác phẩm Đối thoại của Plato trongthời kỳ đầu khi đề cập đến Socrates thì về cơ bản, nội dung đại loại đều là: “Ngươi không hiểu chăng? Thực ra ta cũng đâu có hiểu chi, sự tình là vậy đó.”, chẳng có điểm nào có thể gọi là kết luận cả. Nhưng 40 năm sau, sau khi mở Viện Hàn Lâm, trong các thiên Đối thoại, ông đã công nhiên đề xuất quan điểm về “ý niệm”, triển khai và trình bày tư tưởng triết học của mình một cách hệ thống. Tác phẩm tiêu biểu cho thời kỳ này là Nước Cộng Hòa[12], tư tưởng ông ngày càng chín chắn, khác hẳn tư tưởng thời kỳ đầu. Bước nhảy vọt trong phương pháp suy tư của Plato có tác dụng quyết định đối với phương hướng phát triển của tư tưởng văn hóa phương Tây, đó là một cuộc đại chuyển biến.
Vì sao lại nói rằng ý niệm của Plato làm phát sinh một cuộc đại chuyển biến trong tư tưởng phương Tây? Từ “ý niệm” phát sinh từ động từ idein, có nghĩa là “nhìn”, Plato đã mở rộng ý nghĩa của nó thành “chân tướng vĩnh hằng bất biến của sự vật, chỉ con mắt tâm linh mới nhìn thấy được.” Chẳng hạn, nếu như có một ý niệm về hình tam giác thì phải vẽ được nó bằng đường thẳng không có độ lớn trên mặt phẳng hai chiều thuần túy. Dù mắt trần không nhìn thấy, nhưng vẫn có thể cảm nhận được bằng “con mắt tâm linh”.
Nói một cách khác, điều đó có nghĩa là “sự vật trước mắt chỉ là mô tượng − tức hình tượng được mô phỏng − của ý niệm, cái thế giới mà nhân loại cảm nhận được không phải là thế giới chân thực, mà chỉ là lớp vỏ bọc của thế giới ý niệm mà thôi.” Học thuyết độc sáng của Plato đã lật nhào hoàn toàn giá trị của vấn đề “bản chất của tồn tại là gì?”
Plato dựa vào ý niệm luận đó để phát triển thành một lĩnh vực tư tưởng mà ở đây chúng ta chưa thể đi sâu vào được. Bởi vì ngày sau, đối với các môn đồ sa đà theo “ý niệm luận” hình thức, Plato cũng giữ thái độ phê phán, điều đó cho thấy ý niệm luận rất phức tạp, không thể dùng một đôi lời mà nói cho rõ được. Đến đây, tôi không thể không muốn bỡn vị triết gia vĩ đại đó một phen, nếu sư phụ của Plato là Socrates còn tại thế, thì ông ta rốt cuộc sẽ phát biểu những cao kiến gì về ý niệm luận của môn đồ?
Nói một cách đơn giản, điều mà Plato muốn thuyết minh là như vầy : nhân loại có “con mắt tâm linh”, chỉ có nỗ lực tìm hiểu sự vật qua đôi tuệ nhãn đó thì mới có thể phát hiện được tồn tại chân thực, cùng phương thức sinh tồn chính xác.
Plato là một triết gia theo chủ nghĩa lý tưởng, ông hiểu sâu nội tình của chính giới ở hậu trường, nên cảm thán trước tình trạng xã hội thối nát, suy đồi. Sau khi tận mắt mục kích phiên tòa xử Socrates thì Plato gặp một sự kiện thứ hai tại đảo Silicy. Chuyện này được kể lại trong tác phẩm Danh nhân Hy Lạp và La Mã của Plutarch và trong Lá thư thứ bảy của Plato. Trên đường hồi hương sau chuyến lữ hành chu du thế giới, sau khi chia tay với giáo đoàn Pythagoras, Plato có lưu lại trong cung điện của Dionysius Đệ Nhất[13] tại thành phố Saracuse của đảo Silicy, kết thành bạn chí thân với người em vợ trẻ tuổi của vị vua này là Dion. Nhưng Plato lại không hưởng thụ được cuộc sống xa hoa chốn cung đình, vì sau một lần can gián Dionysius Đệ Nhất, Plato đã khiến bạo chúa này nổi cơn thịnh nộ và bắt ông đem bán làm nô lệ.
Dion chạy đôn đáo khắp nơi để tìm cách cứu bạn, cuối cùng được Archytas của giáo đoàn Pythagoras giúp đỡ, đem tiền chuộc lại Plato. Sau này, Dion đến Athens, theo học ở Học viện Academy và trở thành một cao đồ của Plato. Được một thời gian, Plato bỏ Học viện Academy và tham gia chính trị ở Athens để thực hiện lý tưởng là cải cách chính trị. Ông muốn nhờ Dion ở Saracuse giúp đỡ để thực trọng trách chính trị của mình, khiến Saracuse rơi vào tình trạng cực kỳ hỗn loạn, xác minh cho lời dạy “triết gia không nên tham gia chính trị”. Không kể thành hay bại, nhưng Plato đã luôn biểu hiện được sự quan tâm vô cùng sâu sắc đến công cuộc cải cách chính trị.
Plato cảm thấy rất tuyệt vọng khi đích thân chứng kiến Socrates bị kết án tử hình phiên tòa, do đó ông cực lực phản đối cái gọi là “nền chính trị hình thành tự nhiên, kiểu sóng đẩy bèo trôi, tới đâu hay đó” vốn đang chi phối Athens, từ đó ông phủ định cả lý luận “tự nhiên hình thành” vốn đang chi phối nền chính trị đương thời. Ông muốn giải thích một ý niệm chính trị hoàn toàn mới mẻ. Trong ý niệm đó, liên minh thành bang phải là một nhà nước lý tưởng, được hình thành từ việc lấy chuyện tìm cầu chính nghĩa làm mục tiêu. Điều này đã được trình bày cụ thể trong tác phẩm Nước Cộng Hòa. Tuy nhiên, muốn nền triết học chính trị đó có đủ sức thuyết phục thì không chỉ liên minh thành bang mà tất cả sự vật đều phải biến thành cái “được sáng tạo” hoặc “nên được sáng tạo”, tức phải thông qua việc xây dựng một loại tồn tại luận để làm cơ sở lý luận vững chải. Ý niệm luận được sinh ra từ đó.
Nguyên lý siêu nhiên của ý niệm luận thể hiện được điểm tương đồng với “khái niệm tồn tại” của Parmenides trong trường phái Elea, và với khái niệm “số” của Pythagoras. Không còn hồ nghi gì nữa, những khái niệm đó đã đem lại cảm hứng cho Plato. Nhưng đối với Plato mà nói, điều trọng yếu nhất lại là việc lật nhào nhận thức theo “lý luận tự nhiên” vốn cho rằng muôn vật đều tự sinh tự diệt, mà thay bằng “lý luận sáng tạo”, cho rằng thế giới này được tạo dựng ra. Vì muốn đem lại cho lý luận sáng tạo một xuất xứ hợp lý, nên cần phải xây dựng một nguyên lý siêu nhiên. Nhưng lý luận sáng tạo đó vẫn chưa từng được Parmenides hay Pythagoras đưa ra.
Theo phương thức suy tư tự nhiên nguyên bản của người Hy Lạp thì muôn vật trong thế giới đều tự nhiên hình thành. Muôn vật đều tự nhiên sinh thành, tự nhiên chuyển hóa và tự nhiên diệt vong. Có nghĩa là “sáng tạo” cũng bị xem là một biến tấu của tự nhiên sinh thành. Chẳng hạn, kỹ thuật điêu khắc của nhà điêu khắc được xem là một biến tấu của “tự nhiên”. Từ khối đá hoa cương biến thành bức tượng nữ thần Venus, đó là một dạng biểu hiện sự vận động của tự nhiên sinh thành. Bức tượng đó vốn đã nằm sẵn trong khối đá rồi, chỉ nhờ kỹ thuật của nhà điêu khắc gột bỏ những phần dư thừa mà bản lại diện mục của bức tượng tự nhiên xuất hiện. Điều này so với quan điểm của Natsume Kinnosuke trong tác phẩm Mười Đêm Nằm Mộng đã nói ở phần trước có thể gọi là không mưu cầu mà tự nhiên khế hợp.
Như đã trình bày, so với Plato thì quan điểm của Aristotle trung thực với phương thức suy tư nguyên bản của người Hy Lạp hơn. Trong tác phẩm Tự nhiên học (chương thứ 1, quyển thứ 2), ông đem sự vật chia thành hai loại, gồm “sự vật tồn tại tự nhiên” − ví dụ như cây sồi, và “sự vật tồn tại nhờ kỹ thuật” − ví dụ như bức tượng nữ thần Venus. Ông đem so sánh sự vận động của cây sồi, từ lúc còn là hạt đến lúc phát triển thành cây cao chót vót, với sự vận động của khối đá hoa cương khi biến thành bức tượng nữ thần Venus, và phân tích nguyên nhân của hai loại vận động, muốn xác định mối quan hệ trong sự phân biệt giữa sự vận động của bản thân vật thể “tự nhiên” với vật thể “kỹ thuật”. Aristotle cho rằng sự phân biệt nằm ở chỗ này, đối với “sự vật tồn tại tự nhiên” thì nguyên nhân vận động của nó là nhờ “tự nhiên”, nguyên nhân đó đã ẩn tàng sẵn trong nội thể của vật thể vận động là cây sồi rồi; còn đối với “sự vật tồn tại nhờ kỹ thuật” thì nguyên nhân vận động của nó do “kỹ thuật” của nhà điêu khắc tồn tại bên ngoài vật thể vận động là khối đá hoa cương. Nhưng hiển nhiên cả hai sự vận động đều là “tự nhiên sinh ra” và “tự nhiên hình thành”.
Mối quan hệ giữa Plato và môn đồ Aristotle cực kỳ phức tạp, cần phải khảo cứu lại. Nhưng quan điểm đó của Aristotle thể hiện đầy đủ phương thức suy tư của người Hy Lạp cổ đại. Quan điểm đó khác với quan điểm cực kỳ đặc thù của người thầy Plato đưa ra lúc bấy giờ (Aristotle gọi đó là phương thức suy tư “theo phong cách ngoại lai”), điều đó đã khiến môn đồ Aristotle một mặt thì tiến hành phê phán tư tưởng cũ, một mặt thì muốn phục hồi phương thức suy tư của Hy Lạp cổ đại để mong có được sự quân bình cho cả hai. Do đó, hầu như mọi người đều cho rằng Aristotle đã tiếp cận được với tư tưởng Hy Lạp truyền thống (nhưng cuối cùng, trên cơ sở phê phán đó, Aristotle lại kế thừa phương thức suy tư siêu nhiên của Plato.)
Tuy nhiên, đối với phương thức suy tư tự nhiên đó của người Hy Lạp và Aristotle, Plato vẫn giữ thái độ phản đối. Ông cho rằng không nên để “sáng tạo” phụ thuộc vào “tự nhiên”, mà nên để cho nó tự có các quyền riêng. Không những thế, ông còn muốn dùng điểm này làm trục tâm để làm quy phạm cho tự nhiên. Như thế, tự nhiên bèn biến thành quy phạm phục vụ cho “chất liệu” (tiếng La-tinh là materia) đơn thuần của “sáng tạo”. “Tự nhiên” đã không còn là cái được sinh thành tự nhiên, mà là một chất liệu vô tri giác, dùng để “sáng tạo”, tức là vật chất vô cơ. Dùng “nguyên lý siêu nhiên” để ứng phó với “phương thức suy tư siêu nhiên” về tự nhiên cùng với việc lấy nó làm cơ sở để xây dựng một “tồn tại luận về sáng tạo”, hai điều này có mối quan hệ vô cùng mật thiết với “tự nhiên quan vật chất” − tức quan điểm xem tự nhiên như là vật chất vô tri giác. Tất cả những điều này đã quyết định hướng hình thành nên nền văn hóa phương Tây về sau.
Plato mở Học viện Academy ở Athens, mãi cho đến năm 529, Hoàng đế Justinianus cho rằng nó gây nguy hại đến tín ngưỡng Cơ Đốc giáo nên hạ lệnh cấm chỉ triết học. Học viện Academy từ đó bị phế bỏ, sau thời gian tồn tại gần một ngàn năm. Athens lúc bấy giờ còn có Isocrates (436 trước C.N − 338 trước C.N)[14] mở Học viện giảng dạy thuật ngụy biện cùng tu từ học, và Aristotle mở Học viện Lyceum. Học viện Academy cùng với hai Học viện đó đã cạnh tranh nhau trong sự nghiệp đào tạo nên bao học giả.
Tuy nhiên, Học viện của Isocrates bị đóng cửa trong thời của ông, còn Học viện Lyceum đến năm 84 trước C.N thì bị quân đội La Mã phá hủy. Chỉ có Học viện Academy là được bảo tồn lâu dài.
Trong phần tiêu đề đã đề cập đến một thuật ngữ kỳ diệu trong triết học Nhật Bản, đó là “hình nhi thượng học 形而上學”[15]. Nếu như chưa từng nghe nói qua thì rất có thể không biết phát âm từ đó như thế nào, nhưng nó lại là tiêu đề một tác phẩm của Aristotle, và cũng là tên gọi cho một lĩnh vực học vấn. Từ “hình nhi thượng học” đã được sử dụng lâu năm ở Nhật Bản. Nhưng hình nhi thượng học chỉ cụ thể vào cái gì thì phần đông đều không biết. Bởi vậy, ta cần phải giải thích ở đây.
“Hình nhi thượng học” là một thuật ngữ phiên dịch, trong tiếng Anh là metaphysics, truy nguyên cho đến tiếng La-tinh thì nó là metaphysica, nếu tiếp tục truy nguyên nữa cho đến tận tiếng Hy Lạp thì nó là “ta meta ta physika”. Tiếng Hy Lạp đó vốn là từ vựng được phát sinh trong quá trình biên tập lại những tác phẩm của Aristotle trong Học viện Lyceum. Tiết sau sẽ giới thiệu kết hợp với phần lược sử của Aristotle.
Aristotle sinh năm 384 trước C.N, tại Stagira. Hy Lạp. Phụ thân ông là ngự y của quốc vương Macedonia. Năm 17 tuổi, ông đến Athens, theo học tại Học viện Academy của Plato. Ông theo học ở đó suốt mười hại năm, cho đến khi Plato tạ thế. Theo truyền thuyết thì Aristotle là một môn sinh con nhà đại gia, được gia đình chu cấp tiền bạc dồi dào, nên ăn mặc kỳ dị khác thường, khiến ông thầy Plato đâm ra bất mãn. Trong tác phẩm Truyện kể về Hy Lạp của mình, A-lý-a-nặc-tư (阿里阿諾斯?) có kể rằng khi Plato về già thì sự cách biệt giữa hai thầy trò ngày càng lớn, Aristotle từng dẫn nhiều người xông vào nhà thầy để tranh luận, nhưng những chuyện đó đều không có chứng cứ.
Ngoài ra, điều cần lưu ý là không như Socrates và Plato đối với Athens có những tình cảm khác nhau, Aristotle lại chẳng có một nơi nào được xem là tổ quốc để ông có thể liều mình vì nó.
Phụ thân Aristotle là ngự y trong triều, nhờ mối quan hệ đó mà sau này Aristotle được quốc vương Macedonia ủy thác cho việc dạy dỗ thái tử là Alexander trong sáu năm trời. Trong cuộc chiến Chaeronea[16] năm 338 trước C.N, quân đội Macedonia đánh liên minh thành bang Athens và Thebes thua tan tác, thành bang Hy Lạp xem như tan rã. Sau khi Alexander Đại Đế lên ngôi, Aristotle cũng được vua ủy thác cho chuyện giáo dục trong cung đình, và quay về Athens. Năm 335 trước C.N, có thể Aristotle đã dựa vào thế lực của triều đình Macedonia để mở Học viện Lyceum, cùng cạnh tranh với Học viện Academy của Plato. Theo tài liệu ghi chép của Pliny the Elder[17] thì Alexander Đại Đế đã trợ cấp cho Aristotle một khoản kinh phí khổng lồ là 8000 ta-lăng vàng (tương đương khoảng 208 ngàn cân vàng).
Sự đối kháng giữa Aristotle với Plato đã tạo ra rất nhiều tác phẩm và thư tín dưới dạng đối thoại. Nhưng những tác phẩm phát hành công khai đó hiện nay đã thất lạc khắp nơi. Sau khi Aristotle qua đời, phần lớn những bút ký do ông viết ở Học viện Lyceum đều rơi vào tay của những nhân vật trong cung đình Macedonia, rồi được đem cất giấu ở một thành nhỏ là Skepsis ở vùng Tiểu Á (thời bấy giờ vương triều Ptolemy đã cho xây dựng thư viện Alexandria lừng danh tại thành phố Alexandria; được kích thích bởi điều đó, vương triều Alexander cũng cho người đi thu thập sách vở khắp mọi nơi). Sau khi vương triều đó sụp đổ, suốt cả hai thế kỷ sau cũng chẳng có ai đoái hoài chi tới. Vào khoảng vào thế kỷ thứ 1 trước C.N, các tác phẩm của Aristotle được phát hiện sau khi đại tướng Sulla[18] đem chúng về La Mã, xem như là chiến lợi phẩm. Sau khi được vị viện trưởng cuối cùng của Học viện Lyceum là Andronicus[19] đích thân biên tập, các tác phẩm đó mới được công bố rộng rãi cho mọi người biết.
Ban đầu, những thư tịch công khai cùng các bài giảng của Aristotle đều được lưu hành rộng rãi, nhưng dần dần các bài giảng được coi trọng hơn, nên những thư tịch công khai dần dần thất lạc, không biết về nơi đâu. Bộ Aristotle toàn tập mà chúng ta có được hiện nay, về cơ bản đều là nội dung của các bản chú giải đó.
Giai thoại lịch sử này thường được trích dẫn với tên gọi là “số phận thư tịch”. Có nghĩa là thư tịch đáng được lưu truyền thì nhất định đã được lưu truyền, còn đối với thư tịch bị thất lạc thì thuyết minh rằng giá trị của chúng không bằng được với thư tịch được lưu truyền.
Trong thời gian biên tập những bài giảng của Aristotle, Andronicus đem nội dung những tài liệu mà Aristotle gọi là “đệ nhất triết học” sắp nằm sau những bài giảng về “tự nhiên học”, và gọi chung là “sách sau tự nhiên học”. Có thể ông làm điều đó vì tuân thủ theo cách sắp xếp trong chương trình giáo dục của Học viện Lyceum. Thông thường trong chương trình của học viện này, học viên trước tiên được học các nội dung cụ thể về động vật học, thực vật học, tâm lý học, v.v…, rồi được huấn luyện về tư duy lý luận, rồi sau đó lên lớp cao hơn, mới dần học đến tự nhiên học (bao gồm lý thuyết vật lý về vận động, thời gian, v.v…).
Đến lớp cao nhất thì học “đệ nhất triết học” để phán đoán liệu có thể thiết lập một thứ tương tự như nguyên lý siêu nhiên của Plato hay không, hoặc phán đoán thử phương pháp thiết lập đó đúng hay sai. Bởi vậy, nội dung mà danh xưng “sách sau tự nhiên học” biểu minh không chỉ có ý nghĩa là thứ tự sắp xếp, mà còn bao hàm ý nghĩa của trình tự học tập trong chương trình giáo dục của Học viện Lyceum, học xong “tự nhiên học” rồi mới đến “đệ nhất triết học”.
Khi thuật ngữ Hy Lạp “ta meta ta physika” đó được dịch sang tiếng La-tinh, do tiếng La-tinh không có quán từ nên hai chữ ta đều bị bỏ đi, mà biến thành metaphysica. Nhưng ban đầu nó cũng biểu thị được ý nghĩa của thứ tự sắp xếp, còn đối với danh từ “hình nhi thượng học” của phương Đông thì tựa hồ nó chẳng chỉ ra được một chút quan hệ nào.
Đến sau thời cổ đại, thần học Cơ Đốc giáo vì muốn hoàn thiện cơ cấu giáo lý của mình nên bắt đầu vận dụng các quan điểm triết học Hy Lạp. Cơ Đốc giáo ban đầu vốn do các tín đồ muốn tuyên dương cuộc sống và lời dạy của vị giáo tổ là Jesus, mà dần dần phát triển thành một dạng hoạt động tín ngưỡng trong dân gian, chỉ có các tín đồ tự biên soạn tài liệu để thuyết giảng, chứ hoàn toàn không có một hệ thống giáo lý nào cả.
Ban đầu, mặc dù Cơ Đốc giáo bị đàn áp tàn khốc và nhiều vị tuẫn giáo xuất hiện, nhưng không gì có thể ngăn cản nỗi sự phát triển như vũ bão của nó. Năm 380, hoàng đế La Mã Theodosius Đệ Nhất[20] tuyên bố Cơ Đốc giáo là quốc giáo. Bởi thế, việc tất yếu phải làm là truyền giáo cho những thị dân La Mã nào đã chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Hy Lạp, và việc hoàn bị phần giáo lý cũng là điều cấp bách trước mắt. Để làm được điều này, người ta dùng hệ thống triết học Hy Lạp làm gốc, đưa vào đó khái niệm “Thiên Chúa” trong nguyên lý siêu nhiên, rồi xây dựng nên hệ thống giáo lý của Cơ Đốc giáo.
Hệ thống giáo lý Cơ Đốc giáo được chỉnh lý hoàn bị là nhờ công của các vị “giáo phụ” đương thời. Tư tưởng triết học của Aristotle được vận dụng là lẽ đương nhiên. Nội dung phần giáo lý có liên quan đến hiện tượng tự nhiên đều vay mượn từ nội dung trong “tự nhiên học” của Aristotle, còn phần nội dung của những hiện tượng siêu nhiên có liên quan đến ân sũng hoặc kỳ tích của Thượng Đế, v.v… thì vay mượn từ nội dung của “sách sau tự nhiên học”.
Trong quá trình đó, ý nghĩa của metaphysica dần bị chuyển hóa. Tiền trí từ meta trong tiếng Hy Lạp ngoài ý nghĩa là “ở sau”, còn có nghĩa “siêu việt”, “vượt trên”. Cho nên, “sách sau tự nhiên học” biến thành “cái học siêu việt sự vật tự nhiên”, có nghĩa là “siêu tự nhiên học”.
Về sau, lý thuyết “siêu tự nhiên học” dần dần được nhiều người tiếp thu thông qua sự kế thừa trong các ngôn ngữ châu Âu.
Trong triều đại Minh Trị Thiên Hoàng, kho từ vựng châu Âu cũng theo chân triết học châu Âu mà truyền vào Nhật Bản. Nhưng lúc bấy giờ, người Nhật có nỗ lực cách mấy cũng không sao tìm được từ để dịch metaphysia tức “siêu tự nhiên học”, mà chỉ có thể dùng một danh từ mơ hồ khó hiểu là “hình nhi thượng học”. Đại khái, đó là cách vận dụng ý nghĩa của câu nói trong phần Hệ Từ thượng của Kinh Dịch “Hình nhi thượng giả vị chi đạo, hình nhi hạ giả vị chi khí. 形 而 上 者 谓 之 道, 形 而 下 者 谓 之 器 (Từ hình trở lên gọi là đạo, từ hình trở xuống gọi là khí), xem như “hình nhi thượng” có ý nghĩa tương đồng với metaphysica. Theo suy đoán thì đó là “tạo ngữ” của Nakamura Masanao hoặc Inoue Tetsujirō[21]. Về sau, từ “hình nhi thượng học” trong trong Nhật lộ nhiều điểm kỳ quái so với metaphysica, nên cho đến nay không còn ai dùng nữa.
Ban đầu vì cớ sao không dịch luôn thành “siêu tự nhiên học” thì hiện nay vẫn còn nhiều người giải thích rồi. Có thể là ý nghĩa từ “siêu tự nhiên học” quá rõ ràng, không ra vẻ là danh từ dùng để chỉ một môn học cao thâm huyền bí, hoặc nếu có người hỏi cắc cớ cái “siêu tự nhiên” nằm ở đâu trong metaphysica thì e rằng cũng khó mà trả lời cho xuôi. Bởi thế, cứ ôm cái tâm lý “vốn đã khó hiểu rồi thì sao lại không dịch bằng một từ chẳng một ai hiểu, há chẳng phải là tiện hơn không”, nên mới dịch nhầm thành “hình nhi thượng học”. Qua đó, có thể thấy được rằng các phần tử trí thức Nhật Bản đương thời đối với văn hóa phương Tây thì mang tự ty mặc cảm, còn đối với quần chúng phổ thông thì lại tự tôn, thấy mình ưu việt[22].
Trước khi theo học ở trường đại học, tôi thậm chí còn chẳng biết cách phát âm từ “hình nhi thượng học” ra làm sao. Vì không tự tin, nên trước mặt mọi người tôi cố gắng hết sức để không đề cập đến từ này, tôi xem nó như là thần chú mà hoàn toàn chẳng hiểu nó thực sự có ý nghĩa là chi.
Theo nghĩa ban đầu, “đệ nhất triết học” của Aristotle dùng để phê phán phương thức suy tư của ông thầy Plato vốn dùng nguyên lý siêu nhiên làm chuẩn mực để khảo sát sự vật, nhưng trong quá trình phê phán, rốt cuộc Aristotle lại kế thừa quan điểm đó. Do đó, ông gọi đệ nhất triết học gọi là “siêu tự nhiên học” cũng không phải là không có đạo lý. Những nhà nghiên cứu trong giai đoạn đầu của thời Minh Trị thực ra cũng chẳng hiểu được ý nghĩa đó.
Đoạn này khảo sát mối quan hệ giữa Plato và Aristotle, nội dung e có chỗ trùng lặp.
Như đã nói, trong tác phẩm “Hình nhi thượng học”, Aristotle đã dùng từ “Phong cách ngoại lai” để gọi chung phần tư tưởng của giáo đoàn Pythagoras ảnh hưởng sâu đậm trên Plato lẫn quan điểm trong chính bản thân tư tưởng của Plato. Đối với tổ quốc Athens thì Plato có lòng ái quốc cuồng nhiệt, ông cực lực phản đối cái gọi là “nền chính trị kiểu sóng đẩy bèo trôi, tới đâu hay đó” theo lý luận “hình thành tự nhiên”, và đề xuất ý tưởng quốc gia nên “được sáng tạo” ra trên cơ sở của một nền triết học chính trị mang tính cách mạng, lấy ý niệm về chính nghĩa làm mục tiêu. Dựa trên lý luận chung chung đó mà tồn tại luận xuất hiện dưới hình thức “ý niệm luận”.
Nhưng khác với Socrates và Plato, đối với một triết gia không có khái niệm về tổ quốc như Aristotle thì ý niệm luận chẳng qua cũng chỉ là một loại hệ thống lý luận, nhưng quan điểm đó trái ngược với cách suy tư truyền thống của người Hy Lạp, và đều mang “phong cách ngoại lai”. Nếu bỏ qua ý đồ chính trị mà chỉ đơn thuần dùng hệ thống lý luận để xem xét ý niệm luận của Plato, quả đúng là nó có quá nhiều chỗ đi ngược lý lẽ thông thường. Bản thân Plato cũng thừa nhận điểm đó, nhưng đến lúc vãn niên lại phê phán những môn đồ thâm cứu ý niệm luận.
Thành phố Stageira − nơi Aristotle trưởng thành − được xem là “mang đậm phong cách Ionia”, chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của truyền thống Hy Lạp. Đó cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến Aristotle không có cách nào tiếp thu được ý niệm luận của Plato. Chủ đề giảng dạy của ông là phê phán ý niệm luận mang “phong cách ngoại lai” cực đoan của Plato, nhằm khôi phục lại phương thức suy tư tự nhiên theo truyền thống, hoặc dùng tồn tại luận tự nhiên theo truyền thống Ionia để dung hòa.
Trong thiên đối thoại Nước Cộng Hòa, ở phần cuối quyển 10, Plato đã thuyết minh bổ sung khá sâu cho ý niệm luận. Phần đó đóng một vai trò vô cùng trọng yếu trong việc tìm hiểu mối quan hệ thầy trò giữa Plato và Aristotle, ở đây tôi chỉ đơn giản dùng “cái bàn” để giới thiệu sơ qua.
Cái được gọi là “cái bàn” có thể làm bằng gỗ, mà cũng có thể làm bằng đá, hoặc bằng sắt, nói chung là nó có hình dáng của một cái bàn đọc sách bất kỳ. Đó là do người thợ dùng con mắt tâm linh nhìn thấy được hình dạng cái bàn trong ý niệm, rồi sau đó mới có thể dùng gỗ hay đá để tạo nên.
Tiếng Nhật dịch từ “eidos”, tức cái hình trạng mà con mắt tâm linh nhìn thấy, là “hình tướng 形 相”, còn tài liệu (hyle) thì dịch là “chất liệu質 料”. Idea và eidos đều xuất phát từ quá khứ phân từ của động từ “nhìn” (idein, eidenai), có nghĩa là “cái được nhìn thấy”. Dường như Plato có ý phân biệt hai cách sử dụng đó. Idea chỉ hình dạng của sự vật trong ý niệm, từ đó mới dẫn xuất thành các ý “chất gỗ”, “chất liệu”.
Nếu như bất kỳ vật thể nào trong hình dạng cái bàn đều được gọi là cái bàn, vậy thì cái bàn trong tranh vẽ cũng có thể gọi là cái bàn. Trong quyển thứ 10 của tác phẩm Nước Cộng Hòa, Plato phân biệt cái bàn thành ba loại 1.cái bàn trong ý niệm; 2.cái bàn do tay người thợ làm ra; 3.cái bàn do những người thợ vẽ, v.v… vẽ ra.
Chỗ này có điểm lý thú là Plato cho rằng cái bàn trong ý niệm thể hiện được cái hình dạng cực kỳ thuần túy và hoàn mỹ mà một cái bàn cần phải có, nó tạo ra tính tồn tại tối cao mà mọi cái bàn đều có. Theo Plato, cái bàn sở dĩ thành cái bàn là do đã nhìn thấy được cái bàn, còn chuyện cái bán có thể phát huy được chức năng xem sách hay không thì điều đó chẳng quan trọng chi cho lắm.
Aristotle phê bình ý niệm luận của Plato như vầy :
… Plato chỉ dùng hai loại nguyên lý. Tức nguyên lý biểu thị sự vật “là cái gì” và nguyên lý biểu minh “chất liệu” của sự vật. Hiển nhiên, cái mà ông gọi là “hình tướng” là nguyên lý biểu minh sự vật mà ta có “là cái gì”, nhưng đối với nhiều hình tướng thì “đệ nhất triết học” mới là hình thức tối cao. (Hình nhi thượng học, quyển 1, chương 6).
Điều đó có nghĩa là Plato dùng hai nguyên lý; nguyên lý thứ nhất là thông qua “con mắt tâm linh”, có nghĩa là từ cái bàn trong ý niệm mà ta nhìn ra được “hình tướng” của cái bàn; còn nguyên lý thứ hai là chất liệu” của gỗ, đá, v.v… xác định và cấu tạo nên “hình tướng”. Tất cả những sự vật tồn tại trong thế giới đều dựa theo thứ tự của hai nguyên lý đó. “Chất liệu” không thể quyết định được sự tồn tại mang tính bản chất của sự vật, mà chỉ biểu thị sự vật “có tồn tại hay không”, và cái hỗ trợ sự tồn tại mang tính bản chất của sự vật là cái “hình tướng” làm sáng tỏ được “là cái gì” nơi sự vật.
Thật vậy, nếu như lý giải “vật được sáng tạo” hoặc “vật lẽ ra được sáng tạo” là bị quy định và cấu tạo bởi “hình tướng” của quan niệm siêu nhiên, rồi đem cách giải thích tự nhiên về “chất liệu” làm vật chất vô cơ không sự sống, vậy thì đối với tồn tại luận chủ trương tất cả sự vật tồn tại đều thuộc về “vật được sáng tạo” hoặc “vật lẽ ra được sáng tạo”, nó chẳng có lợi gì.
“Đệ nhất triết học” mà Aristotle đề cập đến sau cùng, trong tác phẩm của mình, là để chỉ cái hình tướng có được, chỉ sau khi được hình tượng hóa thì mới có thể được gọi là “hình tướng của hình tướng”, Plato gọi đó là “ý niệm thiện”, ông cho rằng đó mới là nguyên lý siêu nhiên tối cao.
Dùng hai nguyên lý “hình tướng” và “chất liệu” để giải thích cấu trúc tồn tại của những sự vật do bàn tay con người làm ra là điều cực kỳ hiệu quả. Nhưng nếu dùng chúng để thuyết minh về cấu trúc tồn tại của thực vật, động vật, v.v… thì lại quá sức khiên cưỡng. Tuy vậy, Aristotle lại muốn dùng nguyên lý “hình tướng−chất liệu” của Plato để thay cho lý luận hễ đã thích hợp với sự vật được chế tạo thì cũng thích hợp với sự vật tự nhiên.
Plato cho rằng phàm những gì có “hình tướng” đều xuất phát từ nguyên lý siêu nhiên, còn những loại “chất liệu” cấu tạo nên chúng đều là những thứ bên ngoài và hoàn toàn mang tính ngẫu nhiên. Nhưng Aristotle thì cho rằng dẫu là khối gỗ tại địa điểm thi công cũng phải thích hợp với việc tạo ra chân bàn và mặt bàn, “chất liệu” đã bao quát khả năng tính tiềm ẩn của “hình tướng” rồi, đó là “khả năng thái” của sự vật. Khả năng tính tiềm ẩn đó khi chuyển hóa thành hiện thực thì đó là “hiện thực thái” (en + ergon + tiếp vĩ ngữ tạo thành trạng thái của sự vật). Nói như vậy, Aristotle đem mô thức “hình tướng−chất liệu” của Plato đổi thành mô thức “khả năng thái − hiện thực thái”. Nếu vận dụng mô thức này thì có thể giải thích được cấu trúc tồn tại của thực vật mà cũng có thể giải thích được cấu trúc tồn tại của động vật trong tự nhiên.
Chẳng hạn như hạt sồi là sự tồn tại của “khả năng thái”, sau khi nó chuyển hóa thành cây sồi thực sự thì đó là sự tồn tại của “hiện thực thái”.
Như thế, Aristotle đã suy tư thống nhất về sự vật tự nhiên lẫn sự vật chế tạo, ông cho rằng tất cả sự vật tồn tại đều nằm trong sự vận động chuyển hóa từ khả năng thái sang hiện thực thái. Những cây cổ thụ cao chót vót trong rừng đã tạo thành khả năng thái của khối gỗ, còn khối gỗ tại địa điểm thi công là hiện thực thái của cây cổ thụ, nhưng đồng thời nó cũng tạo thành khả năng thái của cái bàn. Cái bàn là hiện thực thái của khối gỗ. Mối quan hệ “khả năng thái − hiện thực thái” chỉ là tương đối. Mọi sự vật tồn tại đều nằm trong quá trình chuyển hóa liên tục từ tiềm năng thành hiện thực theo mục đích luận.
Aristotle mô tả thế giới có vẻ như khác với Plato, nó là trạng thái động, theo nghĩa rộng thì đó cũng là chủ nghĩa sinh vật. Còn Plato thì cho rằng lại cho rằng thế giới hiện thực là mô tượng lý tưởng vĩnh hằng bất biến; về lý thuyết, nó không hề biến đổi, nếu có biến đổi đi chăng nữa thì cũng giới hạn trong sự biến đổi vô ý nghĩa của “chất liệu”, như hư hỏng hoặc sút giảm, đổ nát. Do đó, đời sau gọi thế giới quan của Plato là thế giới quan số học, còn thế giới quan của Aristotle là thế giới quan sinh vật.
Thế giới quan của hai triết gia này đối lập nhau quá rõ, nhưng hoàn toàn không phải là do Aristotle cố ý đối kháng lại quan điểm của Plato hay do tính cách hai người quá khác nhau nên nảy sinh đối lập, mà là do Aristotle muốn uốn nắn những lời nói cùng tư tưởng cực đoan của Plato để chúng phù hợp với phương thức suy tư truyền thống Hy Lạp. Trong quá trình kiểu chính đó đã dần hình thành nên quan điểm đối lập giữa hai thầy trò.
Aristotle phê phán phương thức suy tư siêu nhiên của Plato là có ý đồ khôi phục lại phương thức suy tư tự nhiên của Hy Lạp, nhưng rốt cuộc trên chính cơ sở phê phán để uốn nắn đó, ông lại kế thừa quan điểm của thầy mình. Quả thực là Aristotle phủ định ý niệm luận hoàn toàn vượt lên trên thế giới hiện thực của Plato, ông đem mục tiêu tối hậu mà bản thân ông nghiên cứu − tức là chủ trương tất cả sự vật đều vận động theo mục đích luận − mà gọi đó là “hình tướng thuần túy” hay “Thần” (nhưng hoàn toàn chẳng chỉ một vị thần nhân cách hóa cụ thể nào). Cái gọi là hình tướng thuần túy dùng để chỉ sự tồn tại của khả năng tính vốn hoàn toàn tiềm ẩn trong đối với, nhưng lại chưa thể biến thành hiện thực, có nghĩa đó là một tồn tại không còn vận động nữa. “Sự vật động mà bất động” tự thân bất động nhưng vẫn có thể thu hút được những sự vật khác đến quanh mình, đó mới là mục tiêu tối hậu của vận động theo mục đích luận
Cái “hình tướng thuần túy” đó đã tách lìa khỏi
mọi quy luật “sinh, trụ, dị, diệt” của
tự nhiên, bản chất của nó cũng là một tồn tại siêu nhiên, tính chất của nó hoàn
toàn giống như lý thuyết của Plato.
Nói tóm lại, dù ý đồ của Aristotle là phủ định
phương thức suy tư siêu nhiên của Plato, nhưng rốt cuộc trên chính cơ sở phê
phán để uốn nắn đó, ông lại kế thừa quan điểm của thầy mình.
[1] Đó là Jaspers và Whitehead.
[2] Đoạn này, do người dịch không biết nội dung của tác phẩm ra sao nên chỉ đoán là nhân vật Vận Khánh đào được một khối đá từ gốc cây rồi tạc thành hình đầu người (?)
[3] Gần trung tâm quần đảo Cyclades, là một trong những địa điểm thần thoại, lịch sử và khảo cổ quan trọng nhất của Hy Lạp.
[4] Một dạng thể chế trong đó phần lớn quyền lực lại nằm trong tay thiểu số.
[5] Hòa ước Nicias, còn được gọi là Hòa ước 50 năm, là một hiệp ước hòa bình được ký kết giữa thành bang Athens của Hy Lạp và Sparta vào tháng 3 năm 421 trước C.N, chấm dứt giai đoạn đầu cuộc chiến Peloponnesus.
[6] Sanzō Nosaka (Dã Bản Tham Tam 野 坂 参 三, 1892 − 1993) là một chính trị gia Nhật Bản, người sáng lập Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP). Ông đến Anh năm 1919 để nghiên cứu kinh tế chính trị, và chủ nghĩa Mác. Từ năm 1940 đến 1945, ông từng đến Diên An để tham gia vào cuộc tuyên truyền chống chiến tranh và chống phát xít. Trở về Nhật Bản vào tháng 9 năm 1945, ông được bầu vào Hạ viện hai nhiệm kỳ 3 và 4. Năm 1992, ông bị trục xuất khỏi Đảng Cộng sản Nhật Bản và năm sau thì mất.
[7] Tên một thành bang của Hy Lạp cổ đại, đặt theo tên của công chúa Megara − con gái đầu của vua thành Thebes là Creon.
[8] Lysandros là đô đốc Sparta, chỉ huy hạm đội Sparta đánh bại người Athens vào năm 405 trước C.N, buộc Athens phải đầu hàng, chấm dứt cuộc chiến Peloponnesus.
[9] Friedrich Schlegel (1772−1829) là nhà thơ, nhà phê bình văn học, triết gia người Đức.
[10] Karl Wilhelm Ferdinand Solger (1780−1819) là triết gia và nhà thơ lãng mạn người Đức. Ông được xem như là lý thuyết gia của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa phúng thích.
[11] Shūji Tsushima (Thái Tể Trị 太 宰 治 1909 − 1948) được xem là một trong những nhà văn tiên phong trong lĩnh vực tiểu thuyết ở Nhật Bản của thế kỷ 20.
[12] Bản tiếng Trung dịch là Lý tưởng quốc (Quốc gia lý tưởng).
[13] Dionysius Đệ Nhất là một bạo chúa Hy Lạp của Syracuse, ở Sicily. Ông đã tiến hành chinh phục nhiều thành phố ở Sicily và miền nam Italy, phản kháng ảnh hưởng của Carthage ở Sicily và xây dựng Syracuse thành cường quốc hùng mạnh nhất trong các thuộc địa Tây Hy Lạp.
[14] Isocrates là nhà tu từ học của Hy Lạp cổ đại, một trong mười diễn giả có ảnh hưởng lớn nhất của vùng Attica thời bấy giờ. Ông có nhiều đóng góp cho môn tu từ học và giáo dục.
[15] “Hình nhi thượng học” là thuật ngữ mà học giả Nhật Bản dùng để dịch từ “metaphysics” (siêu hình học) trong thời kỳ đầu mới tiếp thu triết học phương Tây.
[16] Bản tiếng Trung phiên âm là Ha-La-Ni-Tịnh 硌 羅 尼 並, người dịch không tra cứu được tên tiếng Anh. Nhưng theo niên đại thì có lẽ đây là trận Chaeronea diễn ra gần thành phố Chaeronea ở Boeotia, giữa người Macedonia do vua Philip II của Macedonia và liên minh thành bang của Hy Lạp do Athens và Thebes lãnh đạo. Trận chiến là đỉnh cao trong chiến dịch của vua Philip ở Hy Lạp (339–338 trước Công nguyên), đưa đến chiến thắng quyết định cho người Macedonia.
[17] Pliny the Elder (23 − 79) là nhà văn La Mã, nhà tự nhiên học và triết gia La-Mã. Ông đồng thời là một vị tướng chỉ huy hải quân và quân đội của Đế chế La Mã thời kỳ đầu, và là bạn của hoàng đế Vespasian.
[18] Tức Lucius Cornelius Sulla Felix (138 trước C.N−78 trước C.N), đại tướng và chính trị gia La Mã. Ông là một vị tướng giỏi, từng lập được nhiều chiến công hiển hách.
[19] Andronicus Of Rhodes, còn được gọi là Andronicus Rhodius. Tư liệu về ông rất ít, người ta chỉ biết ông là nhà triết học Hy Lạp đến Rome từ Rhodes, và giảng dạy triết học ở đây vào khoảng năm 58 trước C.N. Ông đã dày công biên tập và bình luận tỉ mỉ về các tác phẩm của Aristotle, nhờ đó mà tác phẩm của Aristotle được lưu truyền đến ngày nay.
[20] Theodosius I (347 − 395), còn được gọi là Theodosius Đại đế, cai trị La Mã từ năm 379 đến năm 395. Ông là vị hoàng đế cuối cùng cai trị cả hai phần phía đông và phía tây của Đế chế La Mã.
[21] Nakamura Masanao (Trung Thôn Chính Trực 中 村 正直, 1832 − 1891) là nhà giáo dục Nhật Bản và là nhân vật nổi bật trong thời kỳ Minh Trị Thiên Hoàng. Còn Inoue Tetsujirō (Thăng Thượng Triết Thứ Lang 井 上 哲 次 郎 1856-1944)là nhà triết học người Nhật đã lên án Kitô giáo không thích hợp với văn hóa Nhật Bản. Ông biên soạn cuốn Từ Điển Triết Học, được xuất bản lần đầu vào năm 1881, tái bản vào năm 1884 và lần cuối cùng là vào năm 1912.
[22] Cây này điểm đúng “tâm bệnh” của rất nhiều trí thức phương Đông.
Thảo luận