Ghi chú : Trong tác phẩm dùng rất nhiều thuật ngữ Phật học. Đối với những thuật ngữ xuất hiện một lần thì chúng tôi giải thích ngay trong sách; đối với những thuật ngữ xuất hiện hai lần trở lên thì xin bạn đọc tham khảo ở phần này.
Anh nhi hạnh 嬰兒行: hạnh trẻ thơ, một trong 5 loại hành pháp tu tập của Bồ Tát được Thiên Thai tông sử dụng
Ái kiến 愛見 : tình thương yêu bị hoàn cảnh và nghiệp nhân tác động gây ra hậu quả xấu, bất tịnh.
Bách giới thiên như 百界千如 : Theo Thiên Thai tông thì thế gian được chia làm thập giới hay mười cảnh giới gồm, trong mỗi giới lại bao hàm đủ mười cảnh giới, nên thành 10×10 = 100 giới. Trong mỗi cảnh giới lại có mười môn như thị theo kinh Pháp Hoa là : Như thị tướng, Như thị tánh, Như thị thể, Như thị lực, Như thị tác, Như thị nhân, Như thị duyên, Như thị quả, Như thị báo, Như thị bổn mạt cứu cánh, nên tất cả tổ hợp thành một ngàn như (thiên như). Thiên Thai tông dùng bách giới thiên như để chỉ vạn pháp.
Đem bách giới thiên như phối hợp với ngũ ấm, chúng sinh, và quốc độ thì thành tam thiên tính tướng, tức thực tướng của vạn pháp. Tam thiên (ba ngàn) là thuật ngữ mà Thiên Thai tông thường dùng chỉ để tất cả các pháp.
Bất biến 不變 X.Tùy duyên
Bát nhã đức 般若德 X.Tam đức.
Bát tướng thành đạo八相成道: Tám hình thức thành đạo mà đức Phật đã thị hiện: 1.Giáng sinh từ cõi trời Đâu Suất; 2.Thác thai; 3.Xuất sinh; 4.Xuất gia; 5.Hàng ma; 6.Thành đạo 7.Chuyển pháp luân 8.Nhập Niết Bàn.
Bệnh hạnh 病行 : Một trong năm loại hạnh được trình bày trong Niết Bàn kinh. Tội nghiệp là bệnh của chúng sinh, dùng tâm Từ bi của Bồ Tát để trị bệnh cho chúng sinh gọi là bệnh hạnh.
Biến dịch sinh tử 變易生死 : có hai loại sinh tử là Phần đoạn sinh tử 分斷生死 và Bất tư nghì biến dịch sinh tử 不思議變易生死.
Phần đoạn sinh tử : Các nghiệp thiện và bất thiện hữu lậu, do sở tri chướng trợ duyên sở cảm mà tạo nên quả báo trong tam giới lục đạo. Thân của quả báo này có vô vàn phần đoạn sai biệt, cho nên gọi là phần đoạn. Đó là sự sinh tử của tất cả hạng phàm phu có đủ kiến, tư, hoặc.
Bất tư nghì biến dịch sinh tử : Các thiện nghiệp vô lậu, do sở tri chướng trợ duyên sở cảm mà mà tạo nên quả báo trong cõi ngoài Tịnh độ. Đó là sự sinh tử của hạng từ A La Hán cho đến các bậc thánh đã đoạn được kiến, tư, hoặc. Gọi là bất tư nghì vì đây là sự sinh tử vi diệu khôn lường; gọi là biến dịch vì không có sự hơn kém về sắc hình, sự ngắn dài của tuổi thọ; chỉ có mê tưởng diệt dần, giác ngộ dần tăng. Sự chuyển dịch của mê ngộ như thế gọi là biến dịch.
Cảnh đế 境諦 : X.Nhân đế.
Cứu cánh tức Phật X.Lục tức
Cửu giới :Tức thập giới không kể cảnh giới Phật. (Thập giới là 10 cảnh giới hay mười cõi : 1.cõi Phật, 2.cõi Bồ Tát 3.cõi Duyên giác 4.cõi Thanh văn 5.cõi Trời 6.cõi người 7.cõi Atula 8.cõi súc sinh 9.cõi quỷ đói 10.cõi địa ngục)
Danh tự tức Phật X.Lục tức
Dị sinh tính 异生性 Bản tính của hàng phàm phu, thế tục, trói buộc con người trong cõi sinh tử luân hồi. X.Đồng sinh tính
Duyên nhân 緣因 :soi sáng tất cả sự lý là liễu nhân 了因,tức Trí đức; cắt đứt tất cả vọng tưởng là duyên nhân 緣因 tức Đoạn đức.
Đệ nhất nghĩa tất đàn X.Tứ tất đàn
Đối trị tất đàn X.Tứ tất đàn
Đối trị trợ khai 對治助開 : X.Thập thừa quán pháp.
Đồng sinh tính 同生性 : bản tính của hàng thánh cùng với chư Phật không khác. X.Dị sinh tính.
Giải thoát đức 解脫德 X.Tam đức.
Hóa công quy kỷ 化功歸己: công đức hóa độ người khác sẽ trở thành công đức của bản thân mình, nhờ vào sự tăng trưởng của trí huệ và giải thoát; đây là giai đoạn thứ ba trong trong Quán Hạnh Ngũ Phẩm Vị (năm giai đoạn quán hạnh) của Thiên Thai tông. Ngũ Phẩm Vị gồm : 1.Sơ phát nhất niệm tín giải tâm 2.Gia độc tụng 3.Gia thuyết pháp 4.Kiêm hành lục độ 5.Chính hành lục độ.
Liễu nhân 了因 X.Duyên nhân
Lục nhi thường tức 六而常即 X.Lục tức
Lục tức 六即 hay Lục tức Phật, là giáo pháp chủ yếu của Thiên thai tông, gồm có: 1.Lý tức Phật, 2.Danh tự tức Phật 3.Quán hạnh tức Phật 4.Tương tự tức Phật 5.Phần chứng tức Phật 6.Cứu cánh tức Phật.
1.Lý tức 理 即, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, dù có Phật hay không thì tính tướng vẫn thường trụ. Hạng phàm phu này tuy đắm chìm trong trần lao, luân hồi trong Tam đồ, lục đạo, nhưng công đức của Phật Tính vẫn tự đầy đủ, ngang bằng với Phật về lý tính, nên gọi là lý tức, coi Lý Thể của tâm chính là Phật.
2.Danh tự tức 名 字 即: do từ thiện tri thức, hoặc từ kinh điển mà biết rằng tâm vốn sẵn đủ Phật tính, tịch chiếu viên dung, bất sinh, bất diệt. Thông suốt hiểu rõ nơi danh tự, biết hết thảy pháp đều là Phật pháp, hết thảy chúng sanh đều có thể thành Phật.
3.Quán hạnh tức 觀 行 即: chẳng những lý giải được kinh điển mà còn y theo giáp pháp mà tu hành, lý huệ tương ưng, ngôn hành hợp nhất.
4.Tương tự tức 相 似 即: gần như đã được giải thoát, tức là địa vị Nội phàm thuộc thập tín trong Viên giáo. Nhập quả vị này thì lục căn thanh tịnh.
5.Phần chân tức 分 真 即: nương vào sức thiền quán tương tự mà phát chân trí. Ban đầu dứt đoạn một phần Vô minh mà thấy được Phật tính; mở bày kho báu, hiển thị chân như, gọi là Phát tâm trụ, lần lượt phá vỡ Vô minh mà thấy được Pháp tính.
6.Cứu cánh tức 究 竟 即: phá hết Vô minh, mở ra diệu giác viên mãn, thành đạo Vô Thượng Bồ Ðề.
Sáu quả vị này theo thứ tự có nông sâu, Tức có nghĩa là “Tức là”. Dùng sáu để trị tăng thượng mạn, dùng tức để khỏi sinh tâm hạ liệt. Tuy là sáu nhưng là một, thể tính vốn không hai, chỉ do mê ngộ khác nhau mà có phân biệt. Cho nên gọi là lục nhi thường tức , nghĩa là tâm, Phật, chúng sinh cả ba không có phân biệt; và tức nhi thường lục , nghĩa là phân định ngôi thứ để con người lìa bỏ tăng thượng mạn, không đem phàm mà lạm thánh.
Lý thủy 理水 Tam thừa cùng với đệ nhất địa của thập địa, trí huệ còn khô khan chưa được thuần thục, cho nên gọi là Càn huệ 乾 慧 (hay Kiền huệ, là trí huệ khô khan). Dù là có trí huệ nhưng được tưới thấm bằng nước định (định thủy 定 水), cho nên gọi là Càn huệ, quán chiếu vẫn chưa được tưới thấm bằng nước lý (lý thủy 理水), cho nên cũng gọi là Càn huệ.
Lý tức Phật X.Lục tức
Nhân đế một trong ngũ đế (năm chân lý). Du Già sư địa luận, quyển 46 nói : “hoặc lập ra ngũ đế : đó là Nhân đế 因諦, Quả đế 果諦, Trí đế 智諦, Cảnh đế 境諦 và Thắng đế 勝諦”. Hiển dương thánh giáo luận lại nêu ra ngũ đế, tuy tên có khác nhưng vẫn là một, đó là : 1.Nhân đế 2.Quả đế 3.Năng trí đế 4.Sở trí đế, và 5.Chí đế. Giữa thuyết ngũ đế và Tứ diệu đế có sự tương quan. Theo Từ Ân thì Nhân đế là Tập đế, Quả đế là Khổ đế, Trí đế là Đạo đế, Cảnh đế là Diệt đế.
Nhất tâm tam quán 一心三觀 dùng một tâm quán Không, quán Giả, quán Trung, tức thì giác ngộ được bản tính Như Lai viên thông vô ngại.
Nhị đức 二德 Có nhiều nghĩa 1.Trí đức và Đoạn đức. Sáng tỏ chân lý, trí huệ viên mãn là Trí đức, dùng đê chỉ Bồ Đề; cắt đứt được hết phiền não là Đoạn đức, dùng để chỉ Niết Bàn (X.tam đức) 2.Bi đức và Trí đức. Giác ngộ cho người là Bi đức; tự giác ngộ cho mình là Trí đức 3.Tính đức và Trí đức. Cái đức bản lai vốn có đầy đủ là Tính đức; cái đức do tu hành mà có là Tu đức.
Nội thánh ngoại vương Cái học hoàn chỉnh của người xưa : trong có thể làm thánh mà ngoài có thể làm vua.
Phá pháp biến 破法遍 là một trong Thập thừa quán pháp của Thiên thai tông, dùng Không Giả Trung tam quán để phá các nghi hoặc. X.Thập thừa quán pháp.
Phần chứng tức Phật X.Lục tức
Pháp ái 法愛 : lòng yêu thích của kẻ phàm phu, hoặc lòng yêu thích thiện pháp của các bậc giác ngộ.
Pháp nhĩ : còn gọi là pháp nhiên, tự nhiên, thiên nhiên, tự nhĩ, pháp nhĩ tự nhiên… , dùng để chỉ mọi hiện tượng vốn có trong trạng thái hoàn toàn tự nhiên sơ thủy.
Pháp thân đức法身德 X.Tam đức.
Quán hạnh tức Phật X.Lục tức
Quán tâm thích : còn gọi “tâm quán thích”, nghĩa là quán tâm để giải thích. Đây là cách chú thích kinh điển đặc thù của Thiền Bắc Tông Trung Quốc, lời chú sớ luôn khế hợp với tất cả những gì đang diẽn biến trong tâm.
Sự chướng 事障 : Sự chướng dùng để chỉ những chướng ngại trong sự tu tập, như tham dục. Khác với lý chướng dùng để chỉ những tà thuyết trái với chính pháp.
Tam đức 三德 : Thứ nhất là Pháp thân đức 法身德, là bản thể của Phật, lấy pháp tính thường trụ bất diệt làm thân; thứ hai là Bát nhã đức 法身德, là giác ngộ được thực tướng của vạn pháp; thứ ba là Giải thoát đức 解脫德, là thoát lìa tất cả các hệ lụy, được an nhiên tự tại. Cả ba đức này đều có bốn đức Thường Lạc, Ngã, Tịnh.
Tam đức cũng dùng để chỉ 1.Trí đức, phá tất cả Vô minh mà có đầy đủ Vô thượng Bồ đề 2.Đoạn đức, cắt đứt tất cả phiền não mà có đầy đủ Vô Thượng Niết Bàn 3.Ân đức, có đầy đủ Từ Bi mà cứu độ tất cả chúng sinh.
Tam thảo nhị mộc 三草二木 Theo phẩm Dược thảo dụ trong kinh Pháp hoa thì “tam thảo nhị mộc” (ba loại cỏ hai loại cây) dùng để chỉ ngũ thừa. Cỏ có ba loại tiểu thảo, trung thảo, đại thảo dùng để tỷ dụ cho hàng Thiên, Nhân, Thanh Văn, Duyên Giác, Tạng giáo Bồ Tát. Dược thảo tuy lớn nhỏ không đồng nhưng nhờ mây mưa tưới thấm đều sinh trưởng lớn mạnh, xanh tốt um tùm, trị được bệnh cho chúng sinh. Chúng sinh tuy căn cơ bất đồng nhưng nhờ hưởng pháp vũ của Như Lai mà thành bậc đại y vương phổ độ quần sinh. trong tác phẩm này, “tam thảo nhị mộc” chỉ chung các loại căn cơ của chúng sinh.
Tam thiên tính tướng 三千性相 X.Bách giới thiên như
Tăng thượng giới học 增上戒學 một trong Tam học của Phật giáo, là cái học làm tăng trưởng giới luật thù thắng. Kinh Tạp A Hàm q.30 : 何 等 為 增 上 戒 學 ? 若 比 丘 住 於 戒 波 羅 提 木 叉 , 具 足 威 儀 行 處 , 見 微 細 罪 則 生 怖 畏 , 受 持 學 戒 , 是 名 增 上 戒 學。Nhược tỳ khưu ư giới Ba la đề mộc xoa, cụ túc oai nghi hành xứ, kiến vi tế tội tắc sinh bố úy, thụ trì học giới, thị danh tăng thượng giới học. (Nếu Tỳ-kheo đối với luật nghi Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi, hành xứ, thấy tội nhỏ mà sinh lòng sợ hãi, thọ trì học giới, đó gọi là Tăng thượng giới học).
Tăng thượng huệ học 增上慧學 một trong Tam học của Phật giáo, là cái học làm tăng trưởng trí huệ thù thắng. Kinh Tạp A hàm : 何 等 為 增 上 慧 學 ? 若 比 丘 此 苦 聖 諦 如 實 知 , 此 苦 集 聖 諦 、 此 苦 滅 聖 諦 、 此 苦 滅 道 跡 聖 諦 如 實 知 , 是 名 增 上 慧 學。」Hà đẳng vi Tăng thượng huệ học? Nhược Tỳ khưu thử khổ thánh đế như thực tri, thử khổ tập thánh đế, thử khổ diệt thánh đế, thử khổ diệt đạo tích thánh đế như thực tri, thị danh Tăng thượng huệ học.” (Thế nào là Tăng thượng huệ học? Nếu Tỳ kheo biết như thực về Khổ thánh đế này, biết như thực về Khổ Tập thánh đế, biết như thực về Khổ Diệt thánh đế, biết như thực về Khổ Diệt Đạo thánh đế, đó gọi là Tăng thượng huệ học.)
Tăng thượng tâm học 增上心學 một trong Tam học của Phật giáo, còn gọi là tăng thượng định học, hay tăng thượng ý học, là cái học làm tăng trưởng định lực thù thắng, dùng để chỉ cảnh giới Thiền định từ sơ thiền đến tứ thiền.
Tăng đạo tổn sinh 增道損生 Thuật ngữ của Thiên thai tông. Đạo chỉ Trung đạo trí, còn Sinh chỉ Biến dịch sinh tử. Tăng đạo tổn sinh có nghĩa là trung đạo trí tuần tự tăng tiến, còn biến dịch sinh tử thì nương theo đó mà từ từ tổn diệt. Lời tựa của Pháp hoa kinh huyền nghĩa (大 正 三 三.681B) có nói “Phát chúng thánh chi quyền xảo, hiển bản địa chi u vi. Cố tăng đạo tổn sinh, vị lân đại giác, nhất kỳ hóa đạo, sự lý câu viên. 發 眾 聖 之 權 巧 , 顯 本 地 之 幽 微 。 故 增 道 損 生 , 位 鄰 大 覺 ; 一 期 化 導 , 事 理 俱 圓 。Phát huy quyền xảo của chư thánh, bày chỗ u vi của bản địa. Cho nên : tăng đạo tổn sinh, ngôi vị gần với đại giác, một thời giáo hóa dẫn dắt, cả sự lẫn lý đều được tròn đầy).
Thập thừa quán pháp 十 乘 觀 法 : là mười phép quán của Thiên thai tông. Danh tuy là mười nhưng thực ra chỉ có một pháp, đó là quán cảnh giới bất tư nghì. Chín phép quán kia đều là pháp hỗ trợ cả. Mười phép quán đó là :
1.Quán bất tư nghì cảnh 觀 不 思 議 境: dùng cái trí năng quán để quán tự tâm, xét kỹ các vọng niệm. Mỗi vọng niệm đều là nguồn gốc của tất cả các pháp, cho nên tâm này cũng là pháp này, pháp này cũng là tâm này, quán thành cảnh giới bất tư nghì của “tức Không, tức Giả, tức Trung”. Nếu là bậc thượng căn ắt có thể ngộ nhập Niết Bàn diệu tâm, tựu thành chánh quả.
2.Phát chân chính Bồ đề tâm 發 真 正 菩 提 心: dùng để chỉ bậc trung căn. Khi tu phép quán thứ nhất mà không được chân chứng, ắt sẽ phát Bồ đề tâm chân chính, trên thì cầu đạo Bồ đề, dưới thì hóa độ chúng sinh, hỗ trợ thành quán pháp.
3.Thiện xảo an tâm 善 巧 安 心 : tu phép quán thứ hai mà vẫn không được chân chứng, thì nên tu chính quán, dùng phương tiện xảo để an trụ nơi nhất tâm.
4.Phá pháp biến 破 法 遍 : tu phép quán thứ ba mà vẫn không được chân chứng thì cần đến trí huệ của nhất tâm tam quán, rộng phá hết các mê hoặc thì sau đó mới có thể chứng đắc.
5.Thức tắc thông 識 塞 通 : khi tu phép quán thứ tư mà vẫn không nhập được pháp tính, thì có thể biết phiền não, sinh tử, lục tế
[sáu thứ chướng ngại che đậy mất sáu Ba La Mật hay tịnh tâm]
là những thứ gây bế tắc; biết Bồ đề, Niết Bàn, lục độ là những điều thông suốt, mà bỏ chỗ chướng ngại để theo chỗ thông suốt.
6.Đạo phẩm điều thích 道 品 調 適 : khi tu phép quán thứ năm mà vẫn không đạt được chân tính thì có thể biết các pháp môn không cùng ta tương ưng; như thế phải điều thích 37 phẩm trợ đạo cho phù hợp với căn cơ, để khởi phát chân chứng.
7.Đối trị trợ khai 對 治 助 開 : nói về những người căn cơ quá đỗi hạ liệt, nếu đối với phép quán thứ sáu mà vẫn chưa thông đạt, ắt có mê hoặc thô lậu gây chướng ngại; nên tu ngũ đình tâm quán hoặc theo phép tu lục độ để đối trị mê hoặc mà giúp khai mở chính đạo lý quán.
8.Tri vị thứ 知 位 次 : nói về quá trình từ khi tu hành đến lúc chứng quả vị, nhận biết như thực.
9.Năng an nhẫn 能 安 忍 : nói về chuyển biến các chướng ngại để mở ra trí huệ, thần trí sáng rỡ thông suốt, đối với mọi chướng ngại trong ngoài đều có thể an nhẫn bất động.
10.Ly pháp ái 離 法 愛 : khi đã đoạn trừ được tất cả chướng trong ngoài, chỉ còn lại pháp ái; nếu đoạn trừ được cả pháp ái thì thấy được Trung đạo chân chính.
Thế gian thiền 世間禪. Thiên thai tông chia thiền thành các loại :
1. Thế gian thiền : gồm hai loại là
* Vị thiền hay Thế gian vị thiền gồm : tứ thiền, tứ vô lượng tâm và tứ không định.
* Tĩnh thiền hay Thế gian tĩnh thiền gồm : Lục diệu môn, Thập lục đặc thắng và Thông minh thiền.
2. Xuất thế gian thiền: gồm 4 loại :
* Quán thiền gồm : cửu tưởng; bát bội xả, bát thắng xứ, thập nhất thiết xứ.
* Luyện thiền : gồm cửu thứ đệ định.
* Mặc thiền : sư tử đoạt tấn tam muội.
* Tu thiền : siêu việt tam muội
3. Xuất thế gian thượng thượng thiền, gồm chín loại : Tự tính thiền, Nhất thiết thiền, Nan thiền, Nhất thiết môn thiền, Hỷ nhân thiền, Nhất thiết hạnh thiền, Trừ não thiền, Thử thế tha thế thiền, Thanh tịnh thiền
Thế gian tĩnh thiền 世間淨禪 X.Thế gian thiền
Thế giới tất đàn X.Tứ tất đàn
Thế, xuất thế gian 世出世間 Thế gian cùng cõi vượt ngoài thế gian. Thế gian là cảnh giới của chúng sinh, xuất thế gian là cảnh giới của Bồ Tát và Phật.
Thuận đạo pháp ái 順道法愛: còn gọi là tự đạo pháp ái, nghĩa là lòng yêu thích thiện pháp.
Tịch quang 寂光 Lặng lẽ mà sáng rỡ. Tịch dùng để chỉ bản thể tịch lặng của chân lý; quang dùng để chỉ bản thể sáng rỡ của chân trí, ý nói đầy đủ cả đức tính của chân lý và trí huệ. Thiên thai tông còn dùng khái niệm này để nói đến Thường Tịch Quang độ. Thường Tịch Quang độ là một trong bốn cõi của Tịnh độ, theo giáo lý Thiên Thai tông. Đây cõi an trú cúa pháp thân Phật.
Tính đức : X.Nhị đức
Tĩnh thiền X.Thế gian thiền
Toàn tính khởi tu (tại tu) 全 性 起 修, toàn tu hiển tính 全 修 顯 性 X.Toàn tu tại tính, Xứng tính khởi tu.
Toàn tu tại tính 全修在性 Tu tính bất nhị là một trong 12 pháp môn bất nhị của Thiên Thai tông. Tính là cái bản lai vốn có, tu là công phu để khôi phục bản tính. Cuốn “Thập bất nhị môn chỉ yếu sao“, quyển hạ, nói : “Tu là tu trì tạo tác, làm biến đổi khắp tam thiên (X.Bách giới thiên như). Tính là nói cái vốn có không đổi, tức là lý đầy đủ tam thiên. Nay chỉ rõ toàn tính khởi tu thì chư hành vô tác; còn toàn tu tại tính thì nhất niệm viên thành. Cho nên ngoài tu không có tính; ngoài tính không có tu, cùng nhau dung thông thấu suốt, nên gọi là bất nhị mà tạo thành tâm pháp vi diệu” ( 修 謂 修 治 造 作 。 即 變 造 三 千 。性 謂 本 有 不 改 。 即 理 具 三 千 今 示 全 性 起 修 則 諸 行 無 作。全 修 在 性 則 一 念 圓 成。是 則 修 外 無 性 性 外 無 修 互 泯 互 融 故 稱 不 二 而 就 心 法 妙 為 門. Tu vị tu trị tạo tác, tức biến tạo tam thiên. Tính vị bản hữu bất cải, tức lý cụ tam thiên. Kim thị toàn tính khởi tu tắc chư hành vô tác, toàn tu tại tính tắc nhất niệm viên thành, thị tắc tu ngoại vô tính tính ngoại vô tu hỗ dẫn hỗ dung, cố xưng bất nhị nhi tựu tâm pháp diệu vi môn. )
Trí đức X.Nhị đức
Tu đức 修德:X.Nhị đức
Tứ cú 四句 : bốn mệnh đề lý luận của trường phái Trung quán Phật giáo 1. Hữu 2.Vô 3.diệc Hữu diệc Vô 4.phi Hữu phi Vô.
Tự đạo pháp ái 似道法愛: X.thuận đạo pháp ái.
Tứ quả 四果 bốn quả vị tu hành theo Tiểu thừa , gồm : 1.Dự lưu (Tu-đà-hoàn) 2.Nhất lai (Tư-đà-hàm) 3.Bất lai ( A-na-hàm) 4.A-la-hán (Ứng cúng).
Tứ sinh tứ sinh chỉ bốn cách hóa sinh của muôn loài, đó là : thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh.
Tứ tất đàn : Bốn phương tiện mà đức Như Lai dùng để giáo hóa chúng sinh 1.Thế giới tất đàn : dùng phương tiện tùy thuận pháp thế gian mà thuyết minh lý duyên khởi 2.Vị nhân tất đàn : Tùy theo căn cơ của từng người mà nói pháp xuất thế khiến họ sanh khởi thiện căn 3.Đối trị tất đàn : tức đối chứng lập phương, tùy bệnh phiền não cho pháp dược để đối trị 4.Đệ nhất nghĩa tất đàn : thuyết giảng trực tiếp về Ðệ nhất nghĩa để để làm sáng tỏ chân lý Trung đạo.
Tứ thiền theo Phật giáo, trong các cõi trời trong tam giới : Dục giới, sắc giới, Vô sắc giới, thì các trời thuộc sắc giới lại chia làm bốn cảnh giới thiền. 1.Sơ thiền thuộc Đại phạm thiên 2.Nhị thiền thuộc Quang âm thiên 3.Tam thiền thuộc Biến tĩnh thiên 4.Tứ thiền thuộc Sắc cứu cánh thiên.
Tức nhi thường lục 即而常六 X.Lục tức
Tương tự tức Phật X.Lục tức
Tùy duyên 隨緣 Tùy duyên và Bất biến là hai nguyên tắc then chốt trong Phật pháp. Tùy duyên là tùy hoàn cảnh, tình huống mà thay đổi các chi tiết cho thích hợp. Còn Bất biến là những điều thuộc nền tảng thường hằng không thể thay đổi.
Vị nhân tất đàn X.Tứ tất đàn
Vị thiền X.Thế gian thiền
Vương tam muội 王三昧 : loại tam muội tối cao, vua trong các tam muội. Đối với Tịnh Độ tông thì vương tam muội dùng để chỉ việc niệm Phật. Niệm Phật sẽ đạt được Niệm Phật tam muội, là loại tam muội có thể tiêu trừ được tất cả tội ác. Đối với Thiền tông thì Vương tam muội dùng để chỉ việc tọa thiền, đặc biệt là đối với tông Tào Động.
Xuất thế gian thiền X.Thế gian thiền
Xuất thế gian thượng thượng thiền X.Thế gian thiền
Xứng tính khởi tu 稱性起修 : Về tông, thì phát
khải được bản giác của tự tính, để hoán khởi trí huệ hiện tiền; về giáo thì
thâm nhập được vào huyền nghĩa của tất cả các giáo lý, sau đó lại bắt đầu tu
hành, từ trong quá trình tu hành mà dần chứng minh được những lời Phật thuyết
là chân thực không hư vọng, giúp cho tất cả chúng sinh đạt đến cảnh giới tự tại vô ngại, đắc thành chính quả, đó gọi
là “xứng tính khởi tu, toàn tu tại tính”
Trong quá trình dịch và chú thích cuốn “Chu Dịch Thiền giải” 周 易 禪 解, (Vol.20, No.B096 trong Đại tạng kinh), chúng tôi có tham khảo thêm các tài liệu sau :
Tài liệu InterNet :
chine_index1A.html
chine_index1A.htm.
Thảo luận