Bài này nguyên là bài viết đã đăng trên báo Giác Ngộ với nhan đề “Đôi điều tản mạn từ tác phẩm bàn về ‘phản triết học‘”, tôi bổ sung thêm đôi chút để làm lời tựa khi in thành sách. Nhưng khi in thành sách thì lại bị yêu cầu cắt xén khá nhiều. Đây là bài viết khi chưa bị cắt xén (HNC)
Đôi lời tâm sự
Đã từ lâu, đối với người phương Đông chúng ta, những trào lưu triết học được du nhập từ phương Tây vẫn luôn được xem là một cái gì đó có vẻ “cao siêu”, “hàn lâm” chỉ dành cho một số ít người có tư chất đặc biệt (?). Hễ cái gì khó hiểu thì thường được chúng ta xem như thuộc vào “tầm triết học”, khiến triết học đã bí hiểm lại càng thêm bí hiểm, để bàn dân thiên hạ phải “kính nhi viễn chi”, mặc dù chúng ta hiếm khi thấy được một chút gì có thể gọi là ảnh hưởng của nó trong đời sống thực, ngoài một số thuật ngữ đao to búa lớn đầy rối rắm, nhưng nội dung thường sáo rỗng và rất xa lạ với nếp suy tư phương Đông.
Tác phẩm Phản triết học nhập môn 反 哲 学 入 门 của Gen Kida đến với tôi khá tình cờ, từ một nhà xuất bản chuyên in các tác phẩm triết học phương Tây. Và tôi đã vô cùng ngần ngại trước lời đề nghị dịch tác phẩm này. Tôi vốn là kẻ “ngoại đạo” về triết học phương Tây, chỉ thỉnh thoảng đọc đôi chút để thử đối chiếu với tư tưởng Phật giáo, nên không quan tâm chỉ lắm đến những cái gọi là trào lưu triết học. Cái trò triết thuyết sau đánh đổ triết thuyết trước, trong lịch sử triết học phương Tây, theo kiểu “Trường giang hậu lãng thôi tiền lãng” nghe ra đã quá quen thuộc, đến mức nhàm. Cho nên chủ đề “phản triết học” nghe ra cũng hấp dẫn. Thật tiếc là nguyên tác bằng tiếng Nhật thì tôi không đọc được, đành nên phải đọc qua một ngôn ngữ trung gian. Khi đọc một tác phẩm có giá trị, bất kỳ người đọc nào cũng đều muốn đọc được từ nguyên tác để, trong một chừng mực nào đó, có thể hiểu được tác phẩm chính xác hơn. Đọc từ nguyên tác chưa chắc ta đã nắm bắt được nguyên ý của tác giả, nhất là tác phẩm bàn về triết học, huống chi đọc qua một bản dịch trung gian mà lại là bản dịch tiếng Trung, vốn là một ngôn ngữ không có sở trường trong việc diễn đạt tư tưởng triết học phương Tây. Đó là chưa kể tác phẩm lại được in bằng loại chữ giản thể phổ biến hiện nay. Với tôi, đây là loại chữ đã góp phần hủy diệt phần nội hàm thâm thúy trong loại chữ phồn thể truyền thống, cắt đứt mạch ngầm tư duy nội tại của dòng lịch sử tư tưởng Trung Quốc, cũng như của những quốc gia đã từng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc.
Nền văn hóa châu Âu, khi theo chân dòng cuồng lưu xâm lược của các cường quốc phương Tây, đã tràn vào phương Đông như một trận hồng thủy và phá toang những cánh cửa suốt mấy trăm năm im ỉm khóa kín của thế giới phương Đông. Khi vừa sực tỉnh thì phương Đông đã phải đối mặt với những họng súng đen ngòm ngay ngoài đầu ngõ. Những lời bình phẩm về văn chương, thi phú bỗng trở nên lạc lõng giữa tiếng đại bác ì ầm, và những lời rao giảng về đạo học rồi cũng dần bị lép vế theo tiếng bom đạn vang rền của nền văn minh cơ giới. Nền văn hóa châu Âu đã tràn vào và giữ vai trò của một chủ nhân ông, ở tại một nơi mà lẽ ra nó chỉ là khách, một người khách không mời mà tới. Trong cuộc giao thoa văn hóa vĩ đại đó, trong khi giới học giả lỗi lạc phương Tây đã vô cùng kinh ngạc và thán phục trước kho tàng minh triết từ những cổ thư Ấn Độ, Trung Quốc, thì ngược lại, giới học giả phương Đông, do choáng ngợp trước sự chiến thắng vượt trội không thể phủ nhận được của nền kỹ thuật phương Tây, đã không thể tránh khỏi mặc cảm tự ty, thấy mình thua kém. Từ mặc cảm thua kém về khoa học kỹ thuật, họ đâm ra mặc cảm thua kém về đủ mọi thứ, kể cả văn chương nghệ thuật. Bởi thế, những thế hệ trước cứ hăm hở chạy theo các trào lưu văn hóa, các trào lưu triết học phương Tây, xem như đó là một cái gì rất đỗi cao siêu, rất đỗi tân kỳ. Bên cạnh sự chạy theo đuôi vì mặc cảm tự ty đó, một phần là cũng do họ mong muốn có một sự cách tân. Cái trò theo đuôi đó diễn ra từ thuở văn hóa phương Tây mới tràn vào và kéo dài mãi cho đến tận ngày nay. Nào là chủ nghĩa hiện sinh, duy lý, nào là hiện tượng học, nào là biện chứng pháp, nào là cơ cấu luận, nào là hậu hiện đại, v.v… và v.v… Suốt một thời gian dài, triết học phương Tây mặc nhiên trở thành món “thời trang trí thức cao cấp” chỉ dành riêng cho giới tinh hoa của trí tuệ (!), và dĩ nhiên nội dung của nó được xem như vượt lên trên đám quần chúng tầm thường, mặc dù trên thực tế, ai cũng cảm nhận được triết học hầu như là một thứ thực phẩm tinh thần vô bổ, không có giá trị về phương diện tâm linh đã đành, mà cũng chẳng một giá trị thiết thực cụ thể nào để định hướng cho con người sống theo đạo lý. Mặc dầu là thế, nhưng nó vẫn được cho là có giá trị “cao siêu” vì là sản phẩm của… Tây, và vì quần chúng không sao hiểu nỗi. Bởi vậy, hễ đọc được hay viết được một cuốn sách mà nội dung có liên quan đến hai từ “triết học” là ta xem như đã thực hiện một cái gì đó rất đỗi hơn người. Đôi khi tôi thầm nghĩ, nếu như cái gọi là “triết học” đó có nguồn gốc từ Lào hay Campuchia, thay vì từ phương Tây, thì có lẽ nó cũng chẳng được giới trí thức quan tâm hay xem trọng chi cho lắm. Cũng như thiên hạ thường cảm thấy dịch một tác phẩm từ ngôn ngữ phương Tây có vẻ như “sang” hơn, “đẳng cấp” hơn là dịch một tác phẩm từ tiếng Hán hay tiếng Sankrit, dù việc dịch tiếng Hán hay tiếng Sankrit thường khó hơn rất nhiều. Đó cũng là hậu quả của căn bệnh tự ty mặc cảm đối với văn hóa phương Tây.
… các phần tử trí thức Nhật Bản đương thời đối với văn hóa phương Tây thì mang tự ty mặc cảm, còn đối với quần chúng phổ thông thì lại tự tôn, thấy mình ưu việt.[1]
Đọc câu này chúng ta không khỏi thấy xấu hổ và giật mình. Người Nhật còn vậy, huống gì ta? Sở dĩ những người theo học và nghiên cứu triết học phương Tây thường cảm thấy bản thân vĩ đại hơn, ưu việt hơn với quần chúng phổ thông, ấy là do mắc căn bệnh hoang tưởng về ngôn ngữ do triết học đem lại. Những khái niệm triết học trừu tượng cao xa, nhưng sẽ hoàn toàn sáo rỗng nếu không thực sự trải nghiệm hay tâm chứng, thường khiến người học cảm thấy mình … vĩ đại theo. Về điểm này, tôi thấy triết học còn nguy hại hơn cả văn chương[2].
Giữa dòng cuồng lưu theo đuôi mù quáng đang diễn ra sôi động ở khắp xã hội phương Đông thời trước, ở Ấn Độ có đại sư Vivekananda (1863 − 1902), ở Nhật Bản có đại sư Suzuki (1870 − 1966), bằng văn tài tuyệt diệu và những sở đắc thâm viễn, đã mở ra cho phương Tây thấy được những phương trời tư tưởng huyền ẩn của thế giới phương Đông. Và ở Việt Nam cũng xuất hiện hai nhà tư tưởng lỗi lạc là Trần Trọng Kim (1883 –1953) và Nhượng Tống (1904 − 1949). Bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim và bản dịch Nam Hoa kinh của Nhượng Tống, dù không có ảnh hưởng to lớn như những tác phẩm cả hai vị đại sư kia, nhưng chúng vẫn sừng sững như hai ngọn cao phong tuyệt bích, chặn đứng dòng cuồng lưu đó giữa xã hội Việt Nam, và âm thầm dìu dắt những ai muốn tìm về với cõi đạo phương Đông chân chính. Cả hai bộ sách đó xuất hiện như một tặng vật kỳ diệu của lịch sử, cứu vãn được rất nhiều điều xiêu đổ trong giới trí thức Việt Nam thuở đó và cho cả mai sau. Sau đại sư Suzuki gần nửa thế kỷ, ở Nhật Bản lại xuất hiện Gen Kida (1924 − 2004). Ông là một nhà tư tưởng phương Đông đã thấu hiểu triết học phương Tây, rồi đứng từ phương Đông để nhìn lại thế giới triết học phương Tây, và nêu ra vấn đề : thực chất triết học là gì? liệu triết học có phù hợp với phương Đông hay không? và có ích gì cho phương Đông hay không?
Sư tử hống thời phương thảo lục,
Tượng vương hồi xứ lạc hoa hồng.
師 子 吼 時 芳 草 綠,
象 王 回 處 落 花 紅。
Dù cái “nhìn lại” của Gen Kida chưa phải là “Tượng vương hồi xứ”, nhưng cũng hiếm có ai đủ thông tuệ như ông, sau khi thấu hiểu triết học phương Tây và giảng dạy nó tại các trường đại học, lại khẳng định :
Tôi học “triết học”, rồi giảng dạy “triết học” tại trường đại học, nhưng vẫn luôn cho rằng công việc suy tư nghiên cứu của bản thân hoàn toàn khác biệt, về bản chất, với phương thức suy tư theo “triết học” truyền thống của môi trường văn hóa phương Tây. Thỉnh thoảng có người chỉ ra rằng Nhật Bản không hề có triết học, tôi hoàn toàn tán đồng quan điểm đó. “Triết học”, suy cho đến chỗ tận cùng, chỉ là phương thức suy tư phản tự nhiên của môi trường văn hóa phương Tây mà thôi.
Càng đọc, chúng ta sẽ thấy càng bị lôi cuốn, không chỉ bởi nội dung sâu sắc nhưng được trình bày bằng một văn phong bình dị, mà còn bởi những lời tâm sự rất chân thành của tác giả trong quá trình học tập và giảng dạy triết học. Cái nhìn của tác giả là cái nhìn thông tuệ của một học giả phương Đông nên nội dung tác phẩm gợi cho chúng ta rất nhiều điều đồng cảm[3]. Ngay từ khi còn là sinh viên năm đầu đại học, tác giả đã bỏ công đọc Sein und Zeit của Heidegger và Kritik der reinen Vernunft[4] của Kant trong nguyên tác tiếng Đức, hai tác phẩm được xem là khó đọc vào bậc nhất của triết học phương Tây được viết bằng một trong những ngôn ngữ thuộc loại khó học nhất của châu Âu. Tôi muốn nhấn mạnh ở điểm này, vì chỉ một chi tiết nhỏ đó thôi cũng cho ta thấy trình độ cùng lòng say mê học hỏi và tinh thần nghiên cứu nghiêm túc của ông trong quá trình tìm hiểu triết học phương Tây như thế nào rồi. Và ở trong một mức độ nào đó, điều đó cũng nói lên được phần nào giá trị những tác phẩm của ông. Đối với một nhà nghiên cứu nghiêm túc và có trình độ, đọc sách ngay từ nguyên tác hiển nhiên là điều kiện tiên quyết để tìm hiểu một tác giả hay một tác phẩm. Đặc biệt trong lĩnh vực triết học. Không đọc nguyên tác để đặt mình vào cùng một dòng suy tư với tác giả, qua ngôn ngữ, thì liệu ta có thể hiểu được tác giả chăng?
Dù tác giả là một giáo sư giảng dạy triết Tây tại một đại học danh tiếng ở Nhật, nhưng tác phẩm của ông có thể đã gây “sốc” cho giới học giả Nhật Bản. Vì nó như một nhát búa đập thẳng vào căn bệnh trầm kha sính triết học và sùng bái phương Tây của giới trí thức Nhật Bản đương thời. Trong suốt tác phẩm, những điều ông nói là nói về Nhật Bản, nhưng ta vẫn dễ dàng cảm nhận nó cũng có giá trị chung cho hầu hết các quốc gia Đông Á.
Trước khi quyết định đảm nhận môn triết học, tôi đã rõ mười mươi rằng trên thực tế, triết học chẳng có chút ích gì cho cuộc sống hiện thực cả….. Không thoát ra khỏi được cái “biển khổ” triết học, đúng là vạn phần bất hạnh. Dù tôi chưa từng hối hận là đã chọn môn triết, nhưng cũng có lúc thầm nghĩ giá như không bị triết học trói buộc thì có phải là ta đã tự tại, thong dong biết mấy. Triết học quả là một chứng bệnh nan y. Vì tôi đã chọn triết học làm nghề nghiệp trọn đời, nên thấu hiểu tường tận “độc tính” của nó. Bởi thế, tôi cho rằng khuyên người khác học triết học, chẳng khác nào khuyên họ uống thuốc độc.
Chỉ một câu đó thôi, của vị giáo sư giảng dạy triết học chuyên nghiệp tại một đại học danh tiếng của một đất nước có một nền giáo dục tiên tiến và nghiêm túc như Nhật Bản, cũng đủ khiến người đọc cảm thấy thích thú, và không khỏi tò mò. Khi đọc Gen Kida, ta sẽ tỉnh ngộ ra rằng : cái gọi là “triết học”, mà bao năm qua được xưng tụng đó, chỉ là một phương thức suy tư riêng biệt của châu Âu, nó chẳng có phù hợp chi với người phương Đông cả. Ý nghĩa uyên nguyên của hai chữ “triết học” đã bị hiểu sai lệch, như triết gia Heidegger đã chỉ ra trong tác phẩm Was ist das – die Philosophie? (Triết học là gì?), mà tác giả dẫn chứng lại trong tác phẩm của mình. Trong buổi đầu tiếp cận với triết học phương Tây, Việt Nam theo đuôi Trung Quốc, Trung Quốc thì theo đuôi Nhật Bản, còn Nhật Bản thì theo đuôi phương Tây, mà điều oái ăm là cuộc theo đuôi đó đã sai lệch ngay tự ban đầu!
Nhà tư tưởng Nhật Bản có công nghiên cứu triết học phương Tây và du nhập triết học phương Tây vào nền giáo dục chính thống của Nhật Bản sớm nhất là Nishi Amane (Tây Chu 西 周, 1829 − 1897). Nishi Amane là con trai của một bác sĩ đông y. Năm 1853, sau khi học Nho giáo tại Osaka, ông được gửi đến Edo để học thêm, với mục đích là trở thành thông dịch viên để tiến hành công việc kinh doanh với thế giới bên ngoài, thông qua các thương nhân Hà Lan có trụ sở tại Nagasaki. Nhiệm vụ của ông cũng bao gồm việc dịch sách châu Âu sang tiếng Nhật. Năm 1862, Nishi được gởi sang Hà Lan học tập để tìm hiểu về khoa học chính trị, luật pháp và kinh tế của thế giới phương Tây. Ông là người đã nỗ lực tạo cầu nối cho nền triết học phương Tây tiếp xúc được với phương Đông.
Trong buổi ban đầu giao thoa văn hóa, khi dịch sách, điều khó khăn nhất là tìm cho ra những thuật ngữ tương đương giữa hai nền văn hóa vốn khác biệt nhau từ bản chất. Danh dùng để chỉ thực. Thực không có thì lấy đâu ra danh? “Triết học” chính là một trong những cái thực không có đó, trong nếp suy tư phương Đông. Ta không thể tìm ra một cái danh trong nền văn hóa của ta để chỉ một cái thực của một nền văn hóa khác, nếu như cái thực đó không hề tồn tại trong nền văn hóa của ta, trong hiện thực lẫn tư duy. Đừng nói chi cho cao xa, người phương Tây lấy gì để dịch tên các thức ăn bình dân của người Việt như mắm ruốc, mắm cái, mắm kho quẹt, v.v…? Họ không thể nào dịch được, bởi vì đó là những cái thực không hề tồn tại trong đời sống của họ. Thường thì khi dịch, trong những trường hợp như thế, người ta dùng cách phiên âm. Chẳng hạn như kinh Phật bản tiếng Hán phiên âm Prajñāpāramitā thành Bát-nhã-ba-la-mật, Bodhisattva thành Bồ-đề-tát-đỏa, v.v…. Ở nước ta trong thời trước, vẫn có nhà văn dùng từ “tiểu ri” để chỉ từ théorie (lý thuyết) trong tiếng Pháp. Ở đây, chúng ta không thể không trân trọng ghi nhận công lao của cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908 − 1996) với cuốn tự điển Danh từ Khoa học xuất bản năm 1942, đặt nền tảng cho những thuật ngữ chuyên dụng của nền giáo dục Việt Nam hiện đại.
Sau khi trình bày quá trình hình thành cách dùng từ “triết học” để dịch “philosophy” , tác giả đã chỉ ra :
Bản thân từ “triết học” là cách dịch rõ mười mươi là sai lầm ngay từ ban đầu của Nishi Amane tiên sinh, cho nên đem triết học biến thành một cái gì đó cao siêu thì đúng là quá đỗi buồn cười.
Nhưng vẫn luôn có những phần tử trí thức, Tây cũng như ta, quen bệnh sùng bái hai chữ “triết học”, xem triết học như là “khoa học của mọi ngành khoa học”, và triết gia như là những nhà thông thái, nắm bắt được tri thức của mọi lĩnh vực (!). Cho nên khi khảo cứu những gì liên quan đến đạo đức, nhân sinh quan, thế giới quan, v.v… thì không ít người lại cố diễn đạt bằng một ngôn ngữ rối rắm với nhiều thuật ngữ mang tính “hàn lâm”, “kinh viện” để nâng nội dung lên tầm “triết học”. Làm như “triết học” là lá bùa đảm bảo cho tính “cao siêu” của nội dung. Đọc Gen Kida để thấy những cách suy tư kiểu như “Xây dựng con đường triết lý Việt Nam”, “Tư tưởng triết học trong thơ của tác giả X.”, v.v… đều thiếu chuẩn xác ngay từ cơ bản.
Ông Gen Kida chỉ ra cụ thể :
Có người thường bảo Nhật Bản vốn không có triết học chân chính, tôi thì ngược lại, cho rằng chính vì Nhật Bản không có cái gọi là triết học theo kiểu phương Tây nên hóa ra lại hay. Đương nhiên, Nhật Bản cũng có nhân sinh quan, cũng có tư tưởng về đạo đức và tôn giáo, nhưng đó là những thứ mà phương Tây dùng làm chất liệu cho triết học, chứ chúng không phải là bản thân triết học.……
Cho nên chúng ta không có được đầy đủ mô thức suy tư đó − tức triết học − thì cũng là chuyện thường tình. Bởi thế người Nhật hoàn toàn không cần phải làm ra vẻ là có triết học, hay giả bộ hiểu triết học làm quái gì. [dòng chữ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh. HNC]
Thử đọc các bản dịch triết học phương Tây hoặc các tác phẩm bàn về triết học, trong tiếng Trung và tiếng Việt, ta dễ dàng cảm nhận được sự khó khăn trong phương thức tư duy cũng như trong ngôn ngữ diễn đạt, đó là chưa nói tới thuật ngữ. Ngay cả với tác phẩm của Phùng Hữu Lan, người được xem là triết gia phương Đông thời hiện đại, ta vẫn cảm nhận được điều này. Điều đó cũng chẳng có chi là lạ, vì suy cho cùng, triết học chỉ là phương thức suy tư riêng biệt dành cho thế giới phương Tây. Cho nên, ta chẳng ngạc nhiên chi khi các thiên tài tư tưởng Trung Quốc hiện đại, vì muốn tiếp tục triển khai tư tưởng cổ truyền theo xu thế mới, đã phải chuyển tư tưởng Trung Quốc qua một bình diện khác, đó là sách võ hiệp. Chính trong cõi giang hồ tưởng tượng với những môn võ công hư cấu đó, tư tưởng mới tìm lại được một cõi trời riêng để thoát ra khỏi cái khung duy lý lạnh lùng đang đè nặng lên cõi đạo phương Đông. Tư tưởng phương Đông như con đại bàng bị nhốt vào trong cái lồng duy lý chật chội đến xác xơ cả lông lá, giờ đây được vỗ cánh, tự do bay lượn giữa khoảng trời bao la vô biên vô tế.
Theo tác giả Gen Kida, “phản triết học” ở đây không có nghĩa là hủy bỏ triết học, mà là đưa triết học trở về uyên nguyên chân chính của nó trong cõi tư tưởng Hy Lạp ban sơ. Ở cõi đó, những ai đã từng tiếp xúc được với các trang cổ lục phương Đông, nhất là kinh điển Phật giáo, có thể tìm được một đôi điều tương cảm, và có thể có cơ duyên nghe ra sự tương ứng giữa cõi tư tưởng Hy Lạp uyên nguyên với “pháp nhĩ tự nhiên” trong cõi đạo sơ thủy phương Đông. Phản triết học có nghĩa là quay về lại ý nghĩa của từ “tự nhiên” trong cõi đạo phương Đông. Ở đây, ta như được nghe lại lời của đại sư Suzuki :
Quan điểm chư pháp vô sinh (anutpāda) … cho rằng không có gì sinh ra bởi qui luật nhân quả, mà vạn pháp vẫn tự nhiên nhi nhiên trước khi có sự tác động của luật nhân quả. (The “no-birth” (anutpdda) view of things … argues that nothing has ever been brought into existence through causal relations, but that things are what they are prior to the operation of the law of causation. ( Studies in the Lankavatara Sutra, New Delhi, 1980, p.113).
Phản triết học nhập môn cũng là một tác phẩm trình bày lịch sử triết học phương Tây từ sơ thủy đến hiện đại một cách đơn giản mà súc tích, bằng một loại ngôn ngữ tương đối bình dị, giúp ta có thể nắm bắt được phần nào cốt lõi của triết học phương Tây mà không phải rơi vào cái mê cung ngôn ngữ của một số biên khảo sách triết học phương Tây hiện nay với những ngôn từ đầy rối rắm, và hoàn toàn xa lạ với phương thức suy tư phương Đông. Những gì ông trình bày về hai triết gia “phản triết học” tiêu biểu là Nietzsche và Heidegger, dù quá giản lược và có ít nhiều cay đắng, nhưng cũng giúp cho ta thấy cần phải đọc lại hai nhà tư tưởng vĩ đại đó bằng một đôi mắt khác, đồng thời giúp ta nhìn ra được những nhận định thiên tài của Bùi Giáng trong tác phẩm đồ sộ Martin Heidegger và Tư tưởng Hiện đại, cùng một số tác phẩm, dịch phẩm quan trọng khác của ông. Phần lớn những người viết hay đọc những cuốn sách biên khảo về triết học phương Tây dường như thường hay mắc phải một căn bệnh chung là ham chuộng lối viết khệnh khạng với những ngôn từ sáo rỗng mà kêu to từ những cuốn sách có nội dung cũng kêu to mà sáo rỗng.
Ngoài ra, có một số người trình độ hời hợt, khi giới thiệu triết học lại cố che giấu sự yếu kém của mình bằng những thuật ngữ triết học mà bản thân họ cũng không hiểu, khiến mọi người nhìn triết học cứ thấy rối tung cả lên, không sao lần ra đầu mối….
Cứ lấy đó mà xem, những nhà nghiên cứu triết học ở Nhật Bản vẫn cứ tự lừa mình, dối người thiệt đúng là quá khôi hài. Không hiểu thì không hiểu, nếu như ngay từ ban đầu cứ thành thực nhìn nhận điều này thì đâu có chuyện gì. Nhưng nói ra thì xấu hổ, bản thân tôi cũng phải mất 50 năm mới dám nói ra sự thật.
Chỉ có những người thực sự thông tuệ và có thẩm quyền về học thuật như Gen Kida mới dám nói ra sự thật. Chỉ riêng về điểm này thôi, ta thấy Gen Kida đã vượt xa các giáo sư giảng dạy triết học khác rồi. Câu chuyện “Hoàng đế cởi truồng” của Andersen đâu phải chỉ đúng với các học giả Nhật Bản, mà có lẽ cũng rất đúng với không ít các học giả ở xứ Á Đông. Dùng những thuật ngữ rối rắm đao to búa lớn mà mình không nắm vững để diễn đạt điều mình không hiểu, đó là căn bệnh trầm kha của những người ham mê thuyết thoại hiện nay.
Tác phẩm Phản triết học nhập môn, như một làn gió mát, xua tan bớt đi những oi nồng từ triết học. Nó giúp ta nếu có tìm đến với triết học thì cũng tìm đến bằng một tinh thần khác, nhìn triết học bằng một đôi mắt khác. Đọc xong Phản triết học nhập môn, nếu như vẫn không thấy hứng thú gì với môn triết học quá đỗi cao xa kia thì chúng ta cũng có thể thấy thoải mái mà mĩm cười, tự nhủ : “Không hiểu được cái gọi là triết học kia thì cũng chẳng có chi quan trọng, vì suy cho cùng nó cũng chỉ là phương thức suy tư riêng biệt của xứ sở châu Âu.” Là người phương Đông, chúng ta hãy để môn triết học cao xa đó cho người khác, đừng bận tâm chi tới triết thuyết này, chủ nghĩa nọ, mà cứ việc thong dong theo Tăng Điểm : “Mộ Xuân giả, xuân phục ký thành, quán giả ngũ lục nhân, đồng tử lục thất nhân, dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi quy.” (Đến cuối mùa xuân, áo mùa xuân đã may xong, năm sáu người trạc độ hai mươi tuổi, sáu bảy đứa trẻ con: rủ nhau đi tắm sông Nghi, hóng gió nền Vũ Vu, rồi ca hát mà về. − Trần Trọng Kim dịch).
Với những người ngoại đạo về triết học như chúng ta thì sau khi đọc xong Phản triết học nhập môn, cứ việc thong dong khoác áo Tăng Điểm lên chốn sông Nghi, cùng Tô Đông Pha “Nghi thượng dĩ thành Tăng Điểm phục 沂 上 已 成 曾 點 服” để trên con đường “ca hát mà về” đó, ta sẽ không còn thấy dao động trước những ngôn từ triết học đao to búa lớn từng gây hoang tưởng rất nhiều cho các bậc trí thức phương Đông ngày trước và ngay cả ngày nay. Đồng thời sẽ thong dong nghe ra câu nói của Heidegger :
Tư Tưởng trong tương lai sẽ không phải là triết học nữa, bởi vì nó còn suy tư một cách uyên nguyên hơn cả siêu hình học, một danh từ tương đồng với triết học. Tuy nhiên, tư tưởng trong tương lai cũng không thể, như Hegel đòi hỏi, phải từ bỏ tên gọi “Tình Yêu Minh Triết” để trở thành chính Minh Triết dưới hình thức Tri Thức Tuyệt Đối. Tư tưởng sẽ đi xuống trong sự nghèo nàn của yếu tính tạm thời của Tư tưởng. Tư tưởng kết tập ngôn ngữ vào trong Lời Nói đơn giản của nó. Như thế, ngôn ngữ là ngôn ngữ của Hữu Tính[5], như những đám mây kia là mây của bầu trời. Bằng Lời Nói của mình, Tư tưởng lưu lại những luống cày mờ nhạt trong ngôn ngữ. Những luống cày đó thậm chí còn mờ nhạt hơn cả những luống cày mà dấu chân người nông dân vạch ra khi chậm rãi bước qua cánh đồng.
(Das künftige Denken ist nicht mehr Philosophie, weil es ursprünglicher denkt als die Metaphysik, welcher Name das gleiche sagt. Das künftige Denken kann aber auch nicht mehr, wie Hegel verlangte, den Namen der «Liebe zur Weisheit» ablegen und die Weisheit selbst in der Gestalt des absoluten Wissens geworden sein. Das Denken ist auf dem Abstieg in die Armut seines vorläufigen Wesens. Das Denken sammelt die Sprache in das einfache Sagen. Die Sprache ist so die Sprache des Seins, wie die Wolken die Wolken des Himmels sind. Das Denken legt mit seinem Sagen unscheinbare Furchen in die Sprache. Sie sind noch unscheinbarer als die Furchen, die der Landmann langsamen Schrittes durch das Feld zieht.
(Brief über den Humanismus (1946), Gesamtausgabe, Band 9, Wegmarken, Vittorio Klostermann, Frankfurt am Main, s.364.)
Về tác giả
Tác giả Mộc Điền Nguyên 木田元, hay Gen Kida, (1928 − 2014) là một nhà nghiên cứu triết học nổi tiếng của Nhật Bản, chuyên về hiện tượng học. Ông tốt nghiệp khoa Triết học của Đại học Đông Bắc Nhật Bản, sau là giáo sư danh dự của Đại học Trung ương Nhật Bản. Ông được nhiều độc giả biết đến với những bản dịch dễ hiểu về các tác phẩm của các triết gia phương Tây hiện đại như Martin Heidegger, Edmund Husserl, Merleau − Ponty. Sau Thế Chiến II, ông phải bươn chải kiếm sống bằng cách buôn bán ở chợ đen, điều đó cũng trở thành giai thoại. Các tác phẩm chính của ông bao gồm: Hiện tượng học, Lịch sử phản triết học, Tư tưởng của Heidegger, Tư tưởng của Merleau-Ponty, Nietzsche chơi dương cầm, Triết lý có ích gì trong cuộc sống hay không, Phản triết học nhập môn, v.v… Ông nghỉ hưu năm 1999 và trở thành giáo sư danh dự. Vào ngày 16 tháng 8 năm 2013, ông qua đời vì bệnh viêm phổi tại một bệnh viện ở thành phố Funabashi.
Về bản dịch
Tác phẩm Phản triết học nhập môn 反 哲 學 入 門 nguyên tác bằng tiếng Nhật. Bản dịch tiếng Việt được thực hiện qua bản dịch tiếng Trung của dịch giả Lộ Tú Lệ 路 秀 麗, do Trung Tín xuất bản xã 中 信 出 版 社 xuất bản vào tháng 10/2011.
Hầu hết những câu trích dẫn của các triết gia đều được tôi tra cứu lại để ghi chú thêm phần nguyên tác. Điều đó sẽ giúp người đọc có thêm tư liệu để tham khảo, và có thể hiểu được rõ nghĩa hơn. Những thuật ngữ triết học phương Tây trong tiếng Việt hiện nay vẫn chưa được thống nhất, nên tôi vẫn phải sử dụng lại các thuật ngữ trong bản tiếng Trung của dịch giả Lộ Tú Lệ, dù thấy chưa thỏa mãn lắm, theo cách hiêu của mình. Khi dịch một vài câu trích dẫn nguyên tác, tôi vẫn sử dụng lại một vài thuật ngữ đó để đảm bảo tính thống nhất cho toàn văn bản.
Chúng tôi ghi thêm hai bản phụ lục 1 và 2 về tác giả và tác phẩm để bạn đọc tiện tra cứu.
Do trình độ hạn chế của người dịch, bản dịch chắc chắn sẽ còn nhiều sai sót, rất mong nhận được sự góp ý và chỉ giáo của bạn đọc.
Trân trọng.
Đầu Xuân Kỷ Hợi (2019)
[1] Tất cả các câu trích dẫn trong bài viết này mà không ghi xuất xứ đều được lấy từ bản dịch tiếng Việt.
[2] Tôi có lần trình bày vấn đề này qua bài “Hữu hà sai biệt?” trên báo Giác Ngộ. Xin xem https://thuvienhoasen.org/a27751/huu-ha-sai-biet-
[3] Mời bạn đọc xem phần phụ lục.
[4] Tác phẩm Sein und Zeit của Heidegger đã có bản dịch tiếng Việt là Hữu thể và Thời gian của dịch giả Trần Công Tiến, NXB Quê Hương, Sài Gòn, 1973, đã tuyệt bản. Gần đây, tu viện Huệ Quang đã cho tái bản dưới dạng ấn ảnh. Bản dịch này có lẽ cũng chẳng khác gì bản dịch tiếng Nhật mà Gen Kida nói đến trong tác phẩm này. Còn tác phẩm Kritik der reinen Vernunft của Kant đã có bản dịch tiếng Việt là Phê phán Lý tính Thuần Túy của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, NXB Văn Học, 2014.
[5] Trong bản dịch của Lộ Tú Lệ, Sein (Être/Being) được dịch là “Tồn tại”.
Thảo luận