Anh là một thi sĩ tài hoa mà uyên bác, thuộc nòi Tô Mạn Thù của miền Nam. Không biết trong đời anh có một Tuyết Mai hay một Tĩnh Tử nào như Tô Mạn Thù hay không để anh có thể viết nên những dòng thơ cháy bỏng tâm can.
Đêm qua mưa lũ ta về
Đứng im như tượng bên hè nhà xưa
Một hồn rũ rượi trong mưa
Nhớ ơi ngọc trắng ngày chưa cát lầm
Cỏ cây vườn cũ lạnh căm
Quỳ hôn còn thấy xa xăm dáng người
Bài thơ Thuở xa người của anh cũng quá nổi tiếng, và đã được Bùi trung niên ngợi ca hết mực, nên tôi chẳng thể nói được gì hơn, chỉ biết trích ra đây.
Một sớm người đi theo mây bay,
Ta say nằm lạnh suốt đêm dài.
Tỉnh ra thấy cụm hoa đầu ngõ,
Ta vẫn còn hay nỗi tàn phai?
Nửa đêm tỉnh dậy thấy sao rơi,
Ta nghĩ người đang ở cuối trời.
Ơi những đám mây còn lãng tử,
Xin để hồn chùng trong đêm khơi.
Ôi má người từ nay thôi hồng,
Gió cũng trầm thương tóc thôi hong.
Mai sau thoảng nhớ mây vườn cũ,
Ta yêu người bằng mối tình không.
Đôi lúc tôi muốn phổ nhạc hai bài thơ này, nhưng mỗi lần uống rượu say, cầm cây guitar, đọc lên lại thấy ngậm ngùi khôn tả, đành phải để tơ chùng theo “hồn chùng trong đêm khơi.”
Bản dịch Zarathustra đã nói như thế của anh từ năm 1972 đến nay vẫn như một tòa cổ lâu sừng sững giữa nền văn học miền Nam. Nó khơi dẫn được những dòng ẩn lưu trong tiếng Đức, giúp người đọc hồn nhiên thể hội được mạch ngầm thơ mộng bàng bạc trong ngôn ngữ của Nietzsche.
Có một lần tôi cùng anh và các anh Lê Nguyên Đại, Nguyễn Khắc Nhượng đi nhậu ở một quán trên đường Nguyễn Thông, quận 3. Gần tàn, bỗng cô chủ quán đến tại bàn góp vui, hát bản Tình Anh Bán Chiếu. Tiếng hát của cô chủ quán đêm hôm đó nghe sao buồn như tiếng đàn tỳ bà trên bên Tầm Dương. Hôm đó không hiểu sao tôi lại ngẫu hứng đệm guitar theo được để cô hát trọn bài. Hát xong, tự nhiên cô ngồi khóc. Tiếng khóc không lớn nhưng nghe não nùng hơn tiếng đàn “trùng khai yến” của người thương phụ thổn thức cùng vị quan Tư Mã Giang Châu. Tiếng khóc như muốn thố lộ hết những nỗi niềm ai oán. Tôi nghe mà lặng cả người. Hôm sau, anh Kiêm sáng tác bài thơ Ca nhân xuất thần.
Một chàng tóc trắng bó đuôi ngựa
Hát Boléro, nhạc Trịnh, Phạm Duy
Một chàng râu đen ngồi im lìm
Mộ nàng thiếu nữ chôn trong tim
Một chàng mường tượng anh bán chiếu
Ngu ngơ ngốc nghếch tình đơn phương
Một chàng lầm lì ngồi nốc rượu
Chuyện tình thoang thoảng tựa làn hương
Ca nhân môi thắm thơm mùi cỏ
Ánh mắt thê lương thả giọng buồn
Tiếng đàn đau nhói theo lời hát
Miệng bỗng thèm nâng ly rượu suông
Quanh bàn là những tay bạt mạng
Chưa từng đặt bước đến phương Nam
Chỉ ta vài bận qua Phụng Hiệp
Theo bảy dòng kinh cuộn cát lầm
Lần trước nghe ca tình đứt ruột
Lần nầy môi ngọt thả lời đau
Trong những lòng ly nay đã cạn
Trùng trùng tâm sự của ngàn sau
Ca nhân, ca nhân, sao nàng khóc,
Tình anh bán chiếu có gì đâu?!
Hai chữ “ca nhân” nghe sao mà hay đến vậy? Chỉ hai chữ đó thôi cũng đủ làm bừng sáng những dòng đầu trong Gentajali của Tagore.
When thou commandest me to sing it seems that my heart would break with pride; and I look to thy face, and tears come to my eyes …
Khi người ban lệnh cho tôi ca hát, điều đó tựa hồ như khiến trái tôi như vỡ toang vì kiêu hãnh; tôi nhìn lên gương mặt người và những dòng lệ dâng trào lên đôi mắt. …
Cô chủ quán “ca nhân” với điệu buồn Tình Anh Bán Chiếu đã ban lệnh cho nhà thơ cất tiếng khiến lòng anh như vỡ toang vì kiêu hãnh! Những dòng lệ không trào lên mắt anh mà dâng trào trong đôi mắt của ca nhân. Như hoàng hậu Gertrude đem những đóa hoa xinh đẹp rắc lên nấm mộ của nàng Ophelia kiều diễm, Sweets to sweet!, nhà thơ Trần Xuân Kiêm cũng muốn làm “ca nhân” đem những lời thơ tuyệt diễm tặng cho một “ca nhân” ai kia với những giọt nước mắt trĩu nặng tâm tư trong cõi phong trần.
Lần trước nghe ca, tình đứt ruột
Lần nầy môi ngọt thả lời đau
Trong những lòng ly nay đã cạn
Trùng trùng tâm sự của ngàn sau
Ca nhân, ca nhân, sao nàng khóc,
Tình anh bán chiếu có gì đâu?!
….
Ôi má người từ nay thôi hồng,
Gió cũng trầm hương tóc thôi hong.
Mai sau thoảng nhớ mây vườn cũ,
Ta yêu người bằng mối tình không.
….
Một hồn rũ rượi trong mưa
Nhớ ơi ngọc trắng ngày chưa cát lầm
Dường như tôi trích dẫn lộn lời ? Không hề gì. Ta vẫn như nghe ra một dòng ẩn lưu ngầm lưu chuyển trong mạch thơ để mang tâm tình nối kết những bờ bến xa xôi.
Có lần tôi đi chơi bằng ghe nhỏ trên con sông ở một vùng quê hẻo lánh miền Tây Nam bộ, nghe người bạn hát cải lương có câu : “Má ơi đừng gã con xa, Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.”, tự nhiên thấy thấm thía hai chữ “sinh ly” và nghe trong lòng chua xót rưng rưng. Ai thường chê cải lương là “sến”, là … “cải lương”, xin hãy một lần về miền Tây, ngồi trên chiếc ghe trôi theo con sông nhỏ ở một vùng quê, nghe người dân miền Tây uống rượu gạo, hát cải lương, nghe tiếng chim bìm bịp kêu ven sông thì sẽ hiểu thế nào là nỗi buồn sông nước, thấm thía thế nào là “trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.” Hôm đó, nghe lại bản Tình Anh Bán Chiếu , tôi tưởng chừng như còn thả hồn trôi theo chiếc ghe nhỏ trên sông nước. Đến bây giờ, đã hơn 4 năm qua, cảm giác tiếng đàn, tiếng hát đêm hôm đó vẫn còn mãi trong tôi. Tình anh bán chiếu giờ về đâu? Ta yêu người bằng mối tình không.
Năm 1972, nhà xuất bản An Tiêm của Thầy Thanh Tuệ xuất bản tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, do cố thi sĩ Quách Tấn dịch, với nhan đề Tố Như Thi. Bìa do anh Thi Vũ trình bày, có hình một bàn tay phụ nữ trắng ngần tuyệt đẹp, khiến người đọc không khỏi liên tưởng đến bàn tay kỳ lạ trong tác phẩm Tố Thủ Kiếp của Ngọa Long Sinh. Gần đây, anh Trần Xuân Kiêm mới cho tôi hay đó là bàn tay của ni cô Trí Hải, người đã đi vào thế giới thi ca của Bùi Giáng qua hình tượng “Mẫu thân Phùng Khánh”. Tôi bình sinh không có duyên để được gặp ni cô Trí Hải, nhưng qua thơ ca Bùi Trung niên và hình ảnh bàn tay, tôi hình dung được đó là một ni cô có dung nhan tuyệt tục, một Viên Tính của Hồ Phỉ hay một Alissa của Jerome. Chẳng trách họ Bùi suốt đời điên đảo thần hồn.
Tôi cảm hứng làm một bài thơ :
Kiến ni cô tố thủ,
Tâm ý hà mang mang.
Điên đảo vô sở trụ,
Hựu huống đối ngọc nhan!
見 妮 姑 素 手,
心 意 何 茫 茫。
顛 倒 無 所 住,
又 況 對 玉 顏 。
Anh Kiêm đọc xong, bỡn : “Bài thơ này của Huỳnh Ngọc Chiến nên đem đốt vào hư không! Thiện tay! Thiện tai!”
Tôi không muốn đốt bài trên, mà muốn đốt bài Ca nhân của anh để thả bay bàng bạc trong tiếng khóc của một cô chủ quán xa lạ trong cõi người ta , và trên sông nước miền Nam giữa tiếng bìm bịp kêu chiều.
04.2020 (Mùa cô- vi)
Thảo luận