Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Thử nhìn thế giới Kim Dung qua triết học hiện sinh

Nếu như có một phép lạ nào đó khiến cho tất cả các nhân vật của Kim Dung được sống thực và đi vào cuộc đời, thì ắt hẳn ta sẽ chứng kiến được một thế giới vô cùng sinh động với đủ các thành phần của cuộc sống. Từ tăng ni đạo tục đến vua chúa, từ sĩ nông công thương đến nho y lí số, từ ngư tiều canh mục đến kì nhân dị sĩ, từ kĩ nữ đến giai nhân, từ đám ăn mày đến quan lại, từ bọn lưu manh đến hào kiệt anh hùng v.v…. Đê tiện lẫn thanh cao, tàn nhẫn lẫn bao dung, điêu trá lẫn chân tình, thị phi ân oán cùng cừu hận thương yêu, tất cả những thứ đó đan xen lẫn nhau trong tấm lưới thất tình lục dục rất đỗi đời thường. Điều đó đã làm cho cái thế giới giang hồ của Kim Dung trở nên cực kì sống động đến mức gần như kì diệu.

Chúng ta thử nhìn thế giới đó qua một vài khái niệm của triết học hiện sinh (Existentialisme) phương Tây. Mọi sự so sánh, dĩ nhiên, đều khập khiểng và lắm khi khiên cưỡng. Do đó, trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ xin dừng lại ở mức độ cố gắng dùng một vài khái niệm quen thuộc của triết học hiện sinh[1] để thử nhìn lại và đối chiếu với một tác gia phương Đông dưới một góc độ rất nhỏ. Đông Tây đôi khi có cách nhìn chung về một vấn đề, mặc dầu nhìn bên ngoài ta thấy như chúng được trình bày bằng những khái niệm khác hẳn, không ăn nhập gì nhau. Bên dưới các vấn đề tưởng chừng như biệt lập vẫn có một dòng nước ngầm, một dòng ẩn lưu, chảy xuyên suốt nối liền các bờ bến xa xôi. Luôn luôn có nhiều con đường để đi đến một đích chung. Thiên hạ hà tư hà lự? Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự (Thiên hạ lo gì nghĩ gì? Cùng đi về một chỗ bằng những con đường khác nhau, cùng đến một chỗ bằng trăm mối suy tư khác nhau − Kinh Dịch, hệ từ thượng).

Thế giới giang hồ trong tác phẩm Kim Dung hấp dẫn người đọc trước hết và trên hết ở chỗ : không bao giờ nó là một thế giới giả tạo được qui định sẵn như ta thường thấy trong loại tiểu thuyết võ hiệp cổ điển. Trong tiểu thuyết võ hiệp cổ điển, bản chất của cái thế giới mà các người hùng đi vào thường được xem như là một cái gì mang tính ngầm định tất yếu. Mọi sự kiện từ tâm lí nhân vật đến diễn biến cứ tiến hành theo lối trực tuyến trên một con đường thẳng. Một thế giới cứng nhắc của lí trí mà không có tiếng nói thực của tâm hồn, nó hiện ra như một cái khung để mọi người phải thích ứng vào. Nói theo ngôn ngữ của triết học hiện sinh thì đó là một thế giới mà yếu tính của nó quyết định thể cách tồn tại của con người., có nghĩa là yếu tính đi trước tồn tại (L’essence precède l’existence) Thế giới như thế chỉ là một thế giới chết của các bản chất im lìm bất động (substance immobile), theo kiểu triết học cổ điển phương Tây.

Kim Dung, trái lại, muốn hiển thị một thế giới rất thực, một loại le monde en tant qu’il est (thế giới đúng như nó là vậy) dưới mắt các hào sĩ giang hồ, một thế giới được phóng chiếu từ đời sống thực của nội tâm và kinh nghiệm. Quan điểm của Kim Dung về thế giới có điểm tương đồng với của triết học hiện sinh phương Tây mà đại biểu nổi bật nhất là J.P. Sartre với nguyên lí thứ nhất “L’existence precède l’essence” (Tồn tại đi trước yếu tính). Nghĩa là tôi phải sống, phải tồn tại, phải đem máu xương sinh mệnh ra chơi trò chơi sinh tử với cõi đời bằng tất cả đam mê, bằng cả thân tâm, bằng cả máu và nước mắt rồi mới dần dà xác định được đâu là yếu tính (essence) của thế giới, đâu là cái “chân diện mục” của cõi đời. Chứ hoàn toàn không phải thế giới đã mang sẵn những yếu tính nào đấy và khi bước vào thế giới đó, tôi buộc phải sống rập khuôn theo.

Thế giới mà người anh hùng của Kim Dung bước vào luôn luôn là một thế giới đầy những yếu tố ngẫu nhiên (contingences) và đầy những khám phá bất ngờ. Je suis jetté dans le monde sans accun choix de ma part.(Ta bị ném vào một thế giới, vào một cõi giang hồ mà không có quyền chọn lựa gì về phần ta cả). Khi bị ném vào một thế giới luôn luôn ở trạng thái báo động thường trực, sinh tử lửng lơ, một thế giới chính tà lẫn lộn, thị phi rối răm chằng chịt như thế thì họ buộc phải xác định một giới tuyến, một căn cơ lập mệnh an thân cho chính mình. Thế giới bỗng nhiên trở nên xa lạ, mênh mông và đầy ắp những câu hỏi. Nó mất đi sắc màu quen thuộc cũ. Mọi sự kiện, mọi vấn đề tưởng chừng như bền vững thâm căn cố đế trong truyền thống bỗng dưng trở nên bấp bênh phù động, đòi hỏi phải được xác lập lại từ cơ sở. Đôi lúc, họ không còn hiểu được họ nữa. Cõi giang hồ đầy biến động sẽ đẩy họ xa dần cái mục tiêu dự kiến ban đầu của họ, rồi họ bỗng nhiên như không còn là mình mà trở thành một người khác. Je suis l’autre (Tôi là người khác). Lệnh Hồ Xung bỗng trở thành bằng hữu của phe Ma giáo, Đoàn Dự từ một vương tử bỗng trở thanh anh chàng phiêu lãng giang hồ, môn đồ Thiếu Lâm là Hư Trúc bỗng trở thành chưởng môn phái Tiêu Dao….. Chaccun est l’autre et personne n’est soi (mỗi người đều trở thành một người khác và không còn ai là chính mình nữa).

Thế giới của Kim Dung không bao giờ là một thế giới hoàn chỉnh, mà là một thế giới đang “trở thành” (devenir) để chờ đợi con người xác lập cho nó một giá trị, một thế giới chờ đợi để được khám phá. Cái thế giới ấy chỉ được thành hình dần dần theo từng bước chân lịch hành của các nhân vật giữa cõi giang hồ. Thế giới đó sẽ đưa dần các người hùng vào những cõi bí ẩn và vô cùng của tâm hồn con người cũng như của thiên nhiên. Quá trình rong ruỗi trên chốn giang hồ chính là quá trình người anh hùng của Kim Dung đi tìm lại chính con người thực của mình và xác định “chân diện mục ” của thế giới.

Đó có thể là trường hợp hài hước của một gã ăn xin cầu bơ cầu bất, không tên không tuổi, luôn bị gọi bằng cái tên khinh bỉ là “Cẩu tạp chủng” (chó lộn giống), bỗng dưng một hôm được tôn xưng là bang chủ Truờng Lạc bang thanh uy chấn động giang hồ. Hoặc thống thiết và bi tráng như trường hợp một Tiêu Phong kiêu hùng bỗng một hôm phát hiện ra mình không phải là người Hán, mà chính là người Khất Đan − một dân tộc bị ông xem như kẻ thù. Tiếp đó, ông lại bị Định Mệnh xô vào một Mê cung cay đắng dị thường mà không hiểu vì sao. Hoặc đau đớn hoang mang như trường hợp cậu bé Vô Kị từ cuộc sống thanh thản vô ưu trên Băng hỏa đảo, vừa đặt chân đến Trung thổ, liền bị ném ngay vào một thế giới xa lạ đầy những bi kịch hận thù : song thân bị bức tử, bản thân bị trọng thương thập tử nhất sinh. Hoặc lãng mạn khoái hoạt như một Lệnh Hồ Xung khi rời chùa Thiếu lâm, phân vân không biết mình là người của phe Chính giáo hay Tà giáo, như một loại cô hồn vô chủ giữa cõi giang hồ, đứng giữa đường gọi người ta lại giết mình!

Khi người hùng của Kim Dung bị ném vào một thế giới như thế thì y thường chỉ có một mình. Y là cái điểm tựa duy nhất cho chính mình trong vấn đề xác định đâu là chân tướng của cõi giang hồ hay ý nghĩa của cuộc sống! Mọi định kiến và khuôn khổ mà y hấp thụ được từ truyền thống đều bị lay chuyển tận căn để và đôi khi sụp đổ hoàn toàn. Chính trong đám rối bòng bong ấy − thậm chí trong nỗi hoang mang giữa niềm tin bị đỗ vỡ tan hoang ấy − y buộc phải tự mình mò mẫm suy gẫm để tìm cho ra cái ” đáp án ” cho các bi kịch, cho các ngộ nhận, cho các oan nghiệt tồn sinh, cho những cảnh ngộ trớ trêu mà số phận tự nhiên đổ cả lên đầu y.

Partout en routes faisant expérience, inexpert sans issue, il arrive au Rien…. Allant sur toutes les routes sans trouver d’issue, il est rejeteté hors de tout rapport avec la quiétude familière, et la ruine, le malheur tombe sur lui. (Khắp nơi trên con đường mò mẫm ngược xuôi giữa cõi giang hồ để tích luỹ kinh nghiệm, không có lối thoát, y đi dần đến chỗ Hư không trống rỗng…. Khi rong ruỗi trên khắp nẽo giang hồ mà không tìm ra lối thoát, y lại bị ném ra ngoài tất cả các mối tương quan với sự yên bình quen thuộc, và bao sự sụp đổ, tai họa đổ cả lên đời y).

 Đó là một Lệnh Hồ Xung bị trục xuất khỏi phái Hoa sơn, vĩnh viễn đánh mất những ngày tháng tiêu dao hạnh phúc cùng Nhạc Linh San bên suối nước, rồi chịu hàm oan giết sư đệ, cướp kiếm phổ. Đó là một Tiêu Phong bị truất khỏi chức ngôi Bang chủ Cái Bang, bỗng nhiên trở thành kẻ thù không đội trời chung của võ lâm đồng đạo. Đó là một Trương Vô Kị không còn Băng hỏa đảo, mang tấm thân bệnh hoạn một mình xuôi ngược khắp giang hồ.

Một Tiêu Phong kiêu hùng, nếu có thiên hướng về trầm tư suy niệm thì những oan nghiệt mà ông phải gánh chịu cũng đã quá đủ để ông đã trở thành nhà hiền triết khi đối mặt với Mê cung Định Mệnh trong cái le monde absurd (thế giới phi lí) kia rồi. Ông gần như bị phủ nhận và tước bỏ tất cả : danh vọng, bạn hữu, quê hương, sự nghiệp, thân phận… để trở thành một con số không trống rỗng − một Le Néant. Nhưng vốn mang bản chất sôi nổi anh hùng, nên ông đã quyết liệt đẩy tất cả thị phi ân oán cùng mọi oan nghiệt tồn sinh của đời mình đến chổ sơn cùng thủy tận, quyết đem tính mệnh ra đối chọi với Số mệnh (Fatalité). Người hùng Tiêu Phong của Kim Dung thay vì khẳng định La vie est absurde par l’essence (cuộc sống phi lí ngay tự bản chất), lại kiêu dũng đối mặt với bi kịch trần gian theo kiểu những người anh hùng chinh phục (Les Conquérants) của A. Malraux.

Le plus grand mystère n’est pas que nous soyons jetés au hasard (sur la terre)….c’est que, dans cette prison, nous tirons de nous−même des images assez puisantes pour nier notre néant. (Điều huyền mật lớn nhất, không phải ở chỗ ta tình cờ bị ném vào cõi giang hồ….. mà chính ở chỗ, trong cõi tù ngục ấy, chúng ta rút ra được từ bản thân mình những hình ảnh đủ mãnh liệt để phủ nhận cái hư không trống rỗng của chính ta).

Cái thế giới giang hồ của Kim Dung vừa hấp dẫn cám dỗ, vừa mang tính đe dọa. Le monde? Une porte donnant sur des déserts muets et glacés. (Cõi giang hồ ư? Đó là cánh cửa mở ra những sa mạc lặng câm và lạnh giá.). Cõi giang hồ đó sẽ đưa các người hùng đến với một thế giới mà từ con người cho đến thiên nhiên, từ nội tâm cho đến ngoại tại, tất cả đều mênh mông và đầy sóng gió. Những hải đảo xa xôi, những sơn động hoang tịch, những sa mạc mênh mông….khắp nơi đều in dấu chân của khách giang hồ. Lạc vào tuyệt cốc thâm u, rơi vào thung lũng tít mù tưởng chừng như không có sự sống của con người, ta lại tìm được bí cấp kì thư võ học, thậm chí lại gặp các bậc tuyệt thế cao nhân. Rồi cả các bậc tiêu dao thế ngoại cũng hiếm khi thoát khỏi chuyện thị phi ân oán. Phương Chứng đại sư và Xung Hư đạo trưởng phải lặn lội đến hội đàm cùng Lệnh Hồ Xung trên đỉnh núi Hằng sơn, Không Kiến thần tăng buộc lòng phải can thiệp vào chuyện hận cừu giữa thầy trò Thành Khôn − Tạ Tốn. Cho dẫu tất cả bậc cao nhân lánh đời đó có nhập thế cũng đều vì tâm đại bi muốn cứu vãn sát kiếp cho võ lâm, thì điều đó cũng cho ta thấy được cõi giang hồ của Kim Dung nối kết tất cả các nhân vật vào một màn lưới chằng chịt hầu như không bỏ sót một ai. Trong cái thế giới ấy, quá khứ, hiện tại lại đan xen lẫn nhau. Sự xuất hiện tình cờ của một môn võ thất truyền nào đó trên giang hồ, sẽ làm sống lại cả một quá khứ hoang đường. Và sẽ được một nhân vật nào đó nối tiếp như kế thừa một truyền thống thần bí xa xôi.

Đối chiếu thế giới Kim Dung với triết học hiện sinh, dầu chỉ ở mức độ khái niệm và trên một bình diện rất hẹp, vẫn là một chủ đề lớn đối với người viết. Tôi chỉ mạo muội trình bày những suy niệm riêng của mình với ước mong cùng bạn đọc tìm được một thông đạo mới để tiếp cận và đi vào thế giới của Kim Dung.       


[1]    Các câu, các từ tiếng Pháp dùng minh họa trong bài được trích dẫn rải rác từ một vài cuốn sách nhỏ biên khảo về Triết học phương Tây. Khi diễn dịch, tôi mạn phép biến đổi đôi chút cho phù hợp với ngôn ngữ võ hiệp của Kim Dung.

Thảo luận