Kính tặng Thầy Thanh Hải
(ngày Nhà giáo việt Nam 20-11-2020)
Năm học lớp ba có lẽ là năm học đáng ghi nhớ trong đời tôi. Tôi xin phép các bạn đọc bỏ qua những điều hơi mang tính riêng tư dưới đây, nhưng tôi muốn ghi nhớ lại hình ảnh một người Thầy hồi tiểu học, mà món quà tặng bất ngờ của Thầy đã có ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc đời viết văn của tôi sau này.
Năm đó là năm 1964, tôi đang học lớp ba (bây giờ cũng là lớp 3) của trường Tiểu học cộng đồng Tam Kỳ (bây giờ Trung tâm dạy nghề, đường Huỳnh Thúc Kháng của thành phố Tam Kỳ) thì lớp có sự thay đổi giáo viên. Tôi còn nhớ chúng tôi đang học giờ chính tả của Thầy Hồ Tấn Lâm thì Thầy hiệu trường dẫn đến lớp để giới thiệu một Thầy giáo mới – người sẽ thay Thầy Hồ Tấn Lâm để dạy lớp chúng tôi vào tuần sau. Tôi làm lớp trưởng, hô cả lớp đứng lên chào người Thầy mới, rồi sau đó tất cả lại ngồi xuống cắm cúi viết chính tả. Người Thầy mới trông rất đẹp trai và dáng dấp vô cùng nghệ sĩ. Thầy đi rảo quanh lớp, bất ngờ dừng chỗ bàn tôi (tôi ngồi đầu bàn ở cuối lớp). Thầy nhìn vào bài viết của tôi, mĩm cười rồi đặt ngón tay trước mặt tôi vẽ lên bàn một dấu hỏi. Tôi tò mò nhìn Thầy để chào mà không hiểu. Thầy chỉ vào bài viết, rồi mĩm cười đi lên dãy bàn trên. Tôi nhìn lại bài của mình, mới phát hiện ra một lỗi chính tả : chữ “cố thủ ” mà tôi viết sai thành “cố thũ ”. Tôi nhìn theo Thầy với ánh mắt biết ơn, và thấy Thầy cũng nhìn tôi mĩm cười. Buổi đầu tiên gặp mặt giữa tôi và Thầy giáo mới là vậy đó.
Sau này, tôi mới biết Thầy giáo mới đó là Thầy Thanh Hải, học Sư phạm Quy Nhơn với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và được báo Thời Đại ở Sài Gòn bình chọn là một trong những tay guitare xuất sắc nhất miền Nam thời đó. Hôm sau, tôi và một vài bạn đến nơi Thầy ở để thăm Thầy trong một căn nhà trọ nhỏ, thấy Thầy chơi guitare, uống whiskey và hút pipe. Đối với một tỉnh lỵ quê mùa và nghèo nàn như Tam Kỳ thời ấy thì đó là một hiện tượng lạ. Thầy làm mê hoặc những thế hệ đàn anh chúng tôi bằng tài chơi guitare, và gây nên những “scandal” cho cái thị trấn nhỏ bé này qua những vụ uống rượu say rồi gây lộn với lính Mỹ bằng những phen đấm đá ra trò, vì Thầy là đệ nhất đẳng huyền đai môn Judo!
Tôi cũng không hiểu vì sao một người tài hoa phong độ như Thầy lại vào ngành Sư phạm – một ngành trước 1975 có những quy định tương đối khắt khe đối với sinh viên – đã thế còn bị trôi lạc đến Tam Kỳ, cái xứ ngày đó còn quá nghèo nàn về mọi mặt, một loại Năm Căn khốn khó của miền Trung. Một người nghệ sĩ tài hoa như vậy mà bắt phải đi “gõ đầu trẻ” một bọn nhóc tỉnh lẻ quê mùa như chúng tôi quả là một cực hình. Sau này, tôi mới cảm nhận và thấu hiểu được rằng những việc làm “không mang tính sư phạm” của Thầy đều bắt nguồn từ sự buồn chán và cô đơn của một người tài hoa lỡ vận.
Thú thực, khi đến lớp Thầy ít quan tâm đến chuyện dạy dỗ, ngoài những câu chuyện kể cùng những ca khúc do Thầy ngẫu hứng sáng tác ngay tại lớp và tập cho cả lớp hát. Tôi còn nhớ bạn Nguyễn Tích Linh ngủ gật trong lớp, Thầy bảo tôi cầm bút mực vẽ râu lên mặt bạn Linh, rồi tập cho cả lớp hát bài “Ông Linh kia có cái râu dài” do Thầy sáng tác ngay sau đó.
Tôi và các bạn thỉnh thoảng đến thăm Thầy, và riêng tôi được Thầy chỉ thêm đôi chút về guitare. Nhờ vậy mà cuối năm lớp ba, tôi mới mạnh dạn nhận tiết mục độc tấu guitare giữa sân trường với cây đàn quá khổ người tôi, dù lúc đó Thầy đã chuyển công tác khỏi Tam Kỳ.
Tháng đầu tiên Thầy dạy, chắc để “động viên tinh thần học tập trong lớp” – theo cách nói bây giờ – Thầy tuyên bố sẽ có quà thưởng hằng tháng cho ai đứng nhất lớp. Tháng đó, tôi đứng nhất, Thầy tặng cho tôi bộ truyện kiếm hiệp “Quạt Lôi Phong” bọc bằng giấy xi măng, mà có lẽ Thầy thuê về đọc và lười biếng đem đi trả! Đối với một chú nhóc tỉnh lẻ như tôi thì đó quả là điều bất ngờ thú vị. Tôi phải trốn Ba tôi để say sưa đọc lén, và mãi cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ đến các nhân vật như Kim Đồng cùng người cô là Bôn Nguyệt Hằng Nga, nhớ đến đại ma đầu Thiên hận ly quân Tiền Như Mạng, với tuyệt chiêu “Huyết Thủ Kim Tiền Ấn” luôn ghi lại dấu đồng tiền như máu lên người nạn nhân, nhớ đến cô nàng tuyệt sắc Liễu Giáng Châu với công phu Thông Thiên Thần Công.
Đến tháng sau, tôi lại đứng nhất, Thầy tặng tiếp bộ “Võ Lâm Ngũ Bá”. Mãi về sau tôi mới biết bộ này không phải của Kim Dung, nhưng đây mới thực là bộ sách dẫn tôi vào thế giới kiếm hiệp sau này. Chính tên gọi hấp dẫn của các bộ môn võ công như “Giáng Long Thập Bát Chưởng”, “Hàm Mô Công”, “Yến Song Phi”, “Nhất Dương Chỉ”, v.v… cùng các khái niệm như “hỏa hầu”, nội kình”, “kình phong”, “tụ phong”, “bộ pháp”, “cước trình” …. đã gợi cho tôi sự hiếu kỳ. Trong các thuật ngữ đó, tôi như luôn nghe vang lên một giai điệu kỳ lạ phát ra từ một thế giới bí ẩn đầy quyến rũ. Các pha giết người mang tính giật gân hay các tình tiết éo le gay cấn không hấp dẫn tôi bằng các thuật ngữ đó. Và tôi đã phải bỏ công suốt 4 năm Trung học đệ nhất cấp (cấp 2 bây giờ) để say sưa tự học chữ Hán. Đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng đó là khoảng thời gian đẹp nhất và có ý nghĩa nhất trong đời mình.
Thầy Thanh Hải dạy chúng tôi được vài tháng thì bị chuyển công tác đi đâu mất, chúng tôi lại có thêm một thầy giáo mới. Đối với quan điểm sư phạm, nhất là bây giờ, thì phong cách của Thầy Thanh Hải có lẽ là điều không thể chấp nhận được. Nhưng tôi lại tin rằng chính những nhân cách kỳ lạ đó đôi khi lại có tác động rất lớn đến tâm hồn học sinh. Ví dụ, nếu ngày xưa tôi bị học văn theo kiểu như bây giờ, thì chắc suốt đời không bao giờ tôi cầm bút nỗi. May mắn là thời chúng tôi học, bộ môn văn không bị nhét vào “cái rọ 45 phút” như bây giờ. Những tâm tình của các nhà thơ từ Nguyễn Du cho đến Nguyễn Trãi, Tú Xương đều bị đóng trong cái khung một tiết “45 phút” thì người dạy lấy đâu ra được cảm xúc để truyền đạt? Thời chúng tôi học, thầy cô khi dạy, hễ thích tác giả nào thì nói rất nhiều về tác giả đó, chính sự say sưa của người dạy đã truyền nguồn cảm hứng cho người học. Văn chương và phong cách dạy không phải là một cái khuôn để mọi người đều rập theo như kiểu làm bánh in được. Chính sự “phá cách” của Thầy Thanh Hải đã đem lại cho tôi rất nhiều cảm hứng. Đặc biệt là khi Thầy đã ngẫu hứng đưa tôi đi vào thế giới kiếm hiệp một cách tình cờ.
Sau khi một loạt những bài viết của tôi về Kim Dung đăng trên báo Kiến Thức Ngày Nay, trong khoảng thời gian mấy năm trời, rồi được in thành tập tiểu luận “Lai Rai Chén Rượu Giang Hồ”, nhiều độc giả viết thư hỏi có phải tôi đọc sách kiếm hiệp ngay từ hồi cấp 3 hay không. Có lẽ những độc giả đó khó lòng tin nỗi, nếu tôi trả lời thực rằng tôi mê sách kiếm hiệp ngay từ lúc còn là một chú nhóc chưa đầy 10 tuổi, mà Thầy Thanh Hải là người đầu tiên đã “khai tâm” cho tôi. Sau này, khi viết về nhân vật Phong Thanh Dương trong tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ, tôi lại mĩm cười và nhớ lại Thầy Thanh Hải. Đối với tôi, Thầy cũng như nhân vật Phong Thanh Dương, chỉ ghé lại Tam Kỳ một thời gian ngắn, rồi đi đâu biệt tích.
Trong một thời gian dài, tôi bỏ công hỏi thăm về Thầy, nhưng không ai biết Thầy ở đâu. Nếu như bài viết này tình cờ đến tay Thầy thì đó là điều tuyệt diệu để tôi có thể gặp lại Thầy, để Thầy nhìn lại đứa học nhỏ hồi lớp ba của Thầy bây giờ tóc cũng đã bạc cả rồi. Ngày đó chắc chắn hai Thầy trò sẽ cùng nhau “Lai Rai Chén Rượu Giang Hồ”, và tôi tin rằng chén rượu đó sẽ mang hương vị đậm đà hơn ly whiskey ngày xưa của Thầy nơi tỉnh lẻ.
Ngày Nhà giáo 20-11-2020
Có phải là ca sỹ Thanh Hải giọng tenor hát bài Chiều trên quê hương tôi của TCS kg anh?
Mình không biết ca sỹ Thanh Hải, nhưng chắc không phải. Vì Thầy Thanh Hải người Huế, chơi guitare tuyệt diệu nhưng hát không hay lắm, tuổi cũng ngang nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.