Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Tết Tha Hương

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn

Cây khế đồi cao trổ hết bông

(Phạm Công Thiện)

Có những câu thơ đọc mãi vẫn không thấy hay, và ta cũng không thể cảm thụ được gì từ những con chữ vô hồn. Nhưng có thể đúng một lúc nào đó trong một tâm cảnh ngẫu hợp, bỗng nhiên nó vỡ òa trong ta, và từng con chữ như lung linh, như ngập tràn ánh sáng kia bỗng ngân vang lên những âm thanh huyền diệu, khi mà tâm hồn ta đã sẵn sàng mở ra đón nhận. Hai câu thơ tuyệt vời của Phạm Công Thiện bỗng vang lên trong tôi như một lời đồng vọng, khi tôi đứng lặng nhìn chuyến tàu cuối cùng trong năm đang từ từ lăn bánh rời khỏi sân ga Sài Gòn. Tôi tiễn bạn bè và người thân tôi về quê ăn tết và một mình ở lại. Lại thêm một cái Tết tha hương. Lại thêm một đêm đón giao thừa một mình nơi phương trời lữ thứ.

Chiều cuối năm nơi thành phố Sài Gòn quanh năm ngập tràn ánh nắng, trời bỗng nhiên se lạnh, như để làm giá buốt thêm những nỗi niềm se sắt trong lòng người ở lại trong giây phút tiễn đưa. Cái tâm trạng mênh mang buồn bã đó chỉ có thể sẻ chia cùng những người ăn Tết tha hương. Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn. Mưa chiều là đã hết. Mưa cuối ngày. Và cuối tuần. Mưa ban mai còn có thể mong chờ một buổi trưa hừng nắng, còn cơn mưa ban chiều chỉ kéo theo nó bóng tối của đêm dài. Huống gì bây giờ lại là chiều cuối năm. Vòng xe nhật nguyệt đã lăn đến điểm cuối của một chu kỳ. Tôi không về muộn, vì nếu được thế đã là vô cùng hạnh phúc, mà điều đáng buồn là tôi không thể về quê đón Tết. Cuộc sống bươn chải theo cơm áo đời thường đôi khi kéo ta vào những hệ lụy ngậm ngùi. “Tôi ôm thân xác lưu đày, làm thân đất khách ăn mày sương thâu” (thơ Nguyễn Lương Vỵ). Thân xác tôi đây mà sao cứ mãi lưu đày nơi đất khách, sao cứ mãi bươn chải với áo cơm để bây giờ phải chơ vơ giữa không gian hắt hiu của sương thâu và gió lạnh trong một chiều tuế mộ?

May mà Tết Sài Gòn không có đêm mưa. Nếu không, ắt lòng kẻ tha hương sẽ thêm hiu hắt với tâm sự của “cây khế đồi cao”. Bông cây khế đã trổ hết. Hoa nhật nguyệt trên cành thu đông cũng đã tàn phai, để bắt đầu cho một cuộc phục sinh mới. Buổi chiều cuối cùng của một năm cũng đang chầm chậm chảy vào bóng đen thăm thẳm của đêm trừ tịch. Lại một năm nữa trôi qua, chu kỳ đều đặn của nhật nguyệt lại thêm một lần nữa đẩy con người tiến thêm một bước đến cõi hư không. Và buồn biết bao khi không khí tẻ nhạt của đêm trừ tịch ở chốn phồn hoa chỉ làm hồn khách tha hương thêm day dứt khi nhớ về cố quận với những đường xưa phố cũ.

Ngày xưa, mỗi khi nghe bài “Happy New Year” tôi luôn bị quyến rũ bởi giai điệu ngọt ngào của nó, và tôi vẫn luôn tự hỏi sao lời ca lại buồn đến vậy? “Here we are, me and you, feeling lost and feeling blue. Tôi đây bạn đó, sao chúng ta vẫn thấy lạc lõng buồn tênh. It’s the end of the party and the morning seems so gray. Cuộc vui đã hết và ngày sao mà ảm đạm. Oh yes man is a fool and he thinks he’ll be OK, dragging on feet of clay. Vâng, con người mãi mãi vẫn chỉ là một gã khờ, và anh ta cứ ngỡ rằng mọi sự đều tốt đẹp khi cứ mãi miết lê bước chân cát bụi trên đường đời. Năm tháng qua đi, cát bụi sẽ lại về cùng cát bụi. Thượng Đế đã dùng cát bụi để tạo nên con người, cho nên cùng đích của đời người vẫn phải quay về lại với chỗ ra đi! Lời ca chào đón năm mới lại buồn như vậy đó. Happy New Year. Cuộc sống đang chuyển mình để phục sinh, nhưng con người vẫn thấy bơ vơ lạc lõng có lẽ vì thiếu một mái ấm, thiếu một điểm tựa tâm linh trước những làn gió hư vô bàng bạc. Người phương Tây luôn xao xuyến trước dòng thời gian thăm thẳm, còn người phương Đông lại tìm cách điều hòa cho mọi sự được trôi theo dòng chảy tự nhiên.

Tết tha hương, ngồi một mình uống rượu nơi quán vắng, nghe bản Happy New Year tôi mới thấm thía vì sao người Việt Nam, đặc biệt là người ở những vùng quê nghèo khó phải tha phương cầu thực vẫn luôn tìm mọi cách, dù trong điều kiện túi tiền vô cùng eo hẹp, để về được ăn Tết ở quê nhà. Nơi đó có thể chỉ là vùng đồng chua nước mặn hay một miền trung du khô cằn sỏi đá, nhưng mãi mãi vẫn có một cái gì đó vô cùng thiêng liêng nhắn gọi họ về khi năm hết, mà chỉ có những người lớn lên tại đấy mới cảm nhận được mà thôi. Từng bờ lúa bụi tre, từng con đường làng đều như có hồn thiêng của ông cha quay về tụ họp cùng con cháu. Con người sẽ thấy xiết bao đầm ấm khi được ngồi suốt đêm tán ngẫu với người thân bên bếp lửa để canh chừng nồi bánh tét đang sôi sùng sục. Và càng thú biết bao nếu đêm giao thừa mang thêm về cái lạnh đầu xuân để hồn người thêm ấm áp! Hoa mai nở rộ trước cổng, mọi nơi. Trẻ em tung tăng trên đường khoe quần áo mới. Các cụ già trịnh trọng với áo dài khăn đóng đi chúc Tết, như để nhắc người nhớ lại những hình ảnh êm đẹp của một thuở xa xưa. Ở nơi quê nhà xa xôi ấy, trần gian đã thực sự biến thành ngày lễ hội cùng với trời đất ở thời điểm phục sinh, khiến con người không còn thấy lẻ loi cô độc nữa. Cơn lốc hư vô dẫu có bàng bạc giữa cõi đời cũng sẽ bị tan biến trong làn khói hương linh thiêng đang nghi ngút trên bàn thờ tiên tổ. Chuỗi thời gian vô tận sẽ không còn thăm thẳm nữa dưới ngọn nến lung linh. Không gian từng làm ta choáng ngợp hãi hùng bởi cái vô cùng của nó thì giờ đây sẽ trở nên đằm thắm, khi ta ngước nhìn nó qua sắc mai vàng. Cả cõi âm cũng đang bừng vui khi bao người thân trên cõi trần cùng đi tảo mộ đầu xuân. Khói hương nghi ngút trong những lời lâm râm khấn vái báo hiệu cho hai cõi âm và dương đang hòa hợp. Bên mái ấm gia đình, hồn người sẽ có một điểm tựa vững vàng để hòa nhập với sự đổi thay của trời đất. Ta sẽ cảm thấy hạnh phúc biết bao khi mỗi đầu năm còn được cầm bàn tay nhăn nheo của mẹ già để hôn lên và rưng rưng nói lời chúc tụng, vì linh cảm rằng rồi sẽ đến một cái Tết nào đó, ta không còn được nhìn thấy nữa hình ảnh của mẹ già. Cơn gió lạnh buốt của thời gian vẫn lặng lẽ thổi qua cảnh xuân phơi phới. Nhân ngôn thu bi xuân cánh bi (Tô Đông Pha). Người ta nói rằng mùa thu buồn nhưng mùa xuân lại càng buồn hơn nữa. Sao lại thế khi mà Happy New Year?

Và còn những gì nữa nơi chốn quê xa? Tất cả những hình ảnh thân thương và tha thiết đó chỉ còn là phương trời hoài vọng trong lòng kẻ lặng lẽ một mình uống rượu nơi quán vắng, để âm thầm cảm nhận thêm nỗi buồn mênh mông của cái Tết tha hương!

 Sài gòn 2014

Thảo luận