Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Tản mạn về “Thánh ngữ”

Khi đọc các bài biên khảo về Phật giáo, ta thường nghe nói đến ‘tứ thánh ngữ”, dùng để chỉ bốn loại cổ ngữ được dùng để lưu trữ kinh điển Phật giáo : Phạn, Hán, Tạng và Pali. Bốn loại cổ ngữ này vốn thuộc loại khó học (dĩ nhiên là chỉ đối với những người đã quen thuộc với dạng chữ LaTinh), nên lâu nay đối với chúng người ta thường có thái độ “kính nhi viễn chi”, giờ đây lại được khoác thêm chữ “thánh” nữa, khiến sự cao siêu bí hiểm lại được nâng thêm một cấp, lại càng mang thêm vẻ “huyền chi hựu huyền”!

Tôi may mắn được biết đôi chút về tiếng Hán, một trong bốn “thánh ngữ” đó, nhưng có lẽ do sở học còn quá nông cạn nên vẫn chưa hiểu được cái chất “thánh” nằm ở nơi đâu, ngoài sự hấp dẫn vốn có của loại ngôn ngữ tượng hình. Thử đọc cuốn kinh Duy Ma Cật, dù qua bản dịch tiếng Hán, tiếng Việt, hay thậm chí tiếng Anh, tiếng Pháp, ta vẫn dễ dàng cảm nhận cái làm nên chất “thánh” của bộ kinh đó là phần nội hàm tư tưởng bất khả tư nghì và cực kỳ uyên áo được diễn đạt trong kinh, chứ không hẳn là do loại ngôn ngữ dùng để diễn đạt. Tôi thường có ý tưởng bông đùa rằng  nếu cứ ưa thần thánh hóa theo căn bệnh sùng bái học thuật, xem Phạn, Hán, Tạng, Pali là “thánh ngữ” thì những người sử dụng được các ngôn ngữ đó hẳn đều là “thánh nhân” hoặc chí ít cũng thuộc các bậc “thánh hiền”! Bản thân Đức Phật có dùng loại tiếng Phạn thanh nhã và quý tộc để thuyết pháp  đâu, mà Ngài dùng thứ ngôn ngữ Magadhi bình dân. Các pho ngữ lục Thiền tông Trung Quốc cũng có dùng loại văn ngôn cô đọng và cầu kỳ để ghi chép các pháp thoại và hành trạng của các thiền sư đâu, mà dùng toàn lối văn bạch thoại thông thường.

Chúng ta thường mắc cái “bệnh” muốn tôn xưng và “thần thánh hóa” các loại tử ngữ đó để làm chúng tăng thêm phần huyền bí và mang vẻ thần thánh siêu nhiên; nhưng thực tế một phần cũng là để tăng thêm thanh giá cho những người thấu hiểu được chúng. Về mặt lịch sử, bản thân các loại “thánh ngữ” đó cũng chỉ là các ngôn ngữ chết, có nghĩa là đã bị cắt lìa khỏi dòng sống thực đầy biến động của ngôn ngữ. Chúng tồn lập tại một cõi riêng, và dĩ nhiên là có những giá trị riêng. Nếu ta có duyên tìm học các loại ngôn ngữ đó thì chẳng qua cũng chỉ nhằm tìm ra phương tiện tiếp cận được với cội nguồn tư tưởng nguyên thủy theo phương thức suy tư thuở đó, để có thể hiểu cội nguồn theo cách ít bị sai lệch. Chỉ vậy thôi, chứ chẳng có gì là “thánh” trong đó cả. Chẳng hạn khi Trung Quốc đối diện với trào lưu tư tưởng phương Tây thì tiếng Hán cổ – vốn có nhiều lợi thế trong việc biểu đạt tư tưởng Phật học – lại tỏ ra hoàn toàn bế tắc khi muốn diễn đạt tư tưởng phương Tây. Bởi vì loại tư tưởng đó cần được biểu đạt trong một ngôn ngữ khác, theo một phương thức khác.

Triết gia Heidegger khẳng định rằng trong tất cả các ngôn ngữ châu Âu chỉ có tiếng Hy Lạp mới là Logos[1] thì liệu có phải chỉ có tiếng Hy Lạp mới xứng đáng là “thánh ngữ”? Và vì sao ông cho rằng chỉ có tiếng Đức mới nói lên được Hữu Tính (Sein) còn mọi ngôn ngữ khác đều chỉ nói về Hữu Tính?[2]Vậy liệu có phải tiếng Đức là một loại “siêu thánh ngữ”?

Trên bình diện tục đế, bất kỳ một ngôn ngữ nào tự bản thân nó cũng chỉ là một phương tiện biểu đạt, và cho dù có là “thánh ngữ” đi nữa thì cũng cần phải bị vượt qua, trên bình diện chân đế. Điều này đã được kinh Lăng Già nói đến rất cặn kẽ. Trong tay các bậc đại giác ngộ, đại chân sư thì bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có thể là “diệp hưởng hoa âm”, trở thành ngôn ngữ hội thoại chân chính, đưa con người đến với những chân trời tư tưởng vô biên vô tế; còn khi vào tay của những người tầm thường thì có là “thánh ngữ” đi nữa, chúng vẫn chỉ là loại chữ nghĩa tầm thường, thậm chí sáo rỗng và vô nghĩa, ngoài giá trị về niên đại.

Trong tác phẩm Tuyệt Đại Song Kiêu của Cổ Long có một giai thoại rất lý thú. Yến Nam Thiên là một cao thủ thượng thừa, thuộc loại kiếm khách đệ nhất thiên hạ. Một hôm, ông ngồi uống rượu trong tửu quán, và nghe một đám hào sĩ giang hồ khoe khoang về thanh bảo kiếm mà một người trong nhóm vừa mua được, ông bèn đem thanh kiếm cùn rỉ đeo bên mình bước đến bàn của họ để thách người có bảo kiếm kia chém thử xem kiếm nào tốt hơn. Khi vừa nhìn thấy thanh kiếm cùn rỉ, cả nhóm người kia đều phì cười chế nhạo, nhưng khi đọ kiếm thì một điều kỳ diệu đã xảy ra : chính thanh bảo kiếm lại bị thanh kiếm cùn chém gãy! Chủ nhân thanh bảo kiếm, sau một hồi sửng sốt, bèn bỏ ra một số tiền lớn để mua lại thanh kiếm cùn rỉ từ tay Yến Nam Thiên, vì thấy nó còn sắc bén hơn cả bảo kiếm của mình. Sau khi Yến Nam Thiên nhận xong tiền và rời đi, người mua kiếm liền đem thanh kiếm rỉ để thử với những kiếm bình thường khác, thì nó lại hiện nguyên hình là một thanh kiếm cùn : bị một thanh kiếm bình thường chém gãy đôi ở ngay nhát chém đầu tiên! Thanh kiếm cùn rỉ trước đó sở dĩ trở thành một bảo kiếm như kim cương bất hoại là nhờ tiếp nhận được nguồn nội lực siêu phàm từ tay Yến Nam Thiên truyền vào. Không ở trong tay của một đại hành gia võ học như Yến Nam Thiên để tiếp nhận được nguồn  nội lực kinh người thì tự thân nó cũng chỉ là một thanh kiếm cùn rỉ rẻ tiền.

Giai thoại trên đây làm chúng ta không khỏi liên tưởng đến “thánh ngữ”. Một thanh gỗ, một nhánh trúc tầm thường khi nằm trong tay một cao thủ tuyệt đỉnh cũng có thể biến thành lợi khí. Một ngôn ngữ bất kỳ khi được bậc đại giác ngộ như Đức Phật, hoặc các đại luận sư như Long Thọ, Thế Thân, v.v… dùng làm phương tiện tuyên thuyết cũng đều có thể trở thành “thánh ngữ”, chứ không riêng gì Phạn, Hán, Tạng hay Pali. Đó là do chúng tiếp nhận được nguồn “nội lực” thượng thừa truyền vào từ những trí tuệ trác việt. Giống như thanh kiếm cùn trong tay Yến Nam Thiên cũng có thể trở thành bảo kiếm kim cương bất hoại. Tiếng Anh trong các tác phẩm của Walt Whitman, Shakespeare, Vivekananda, Krishamurti, Emerson, v.v… hay tiếng Việt trong tác phẩm của Nguyễn Du, Bùi Giáng, Trần Trọng Kim, Nhượng Tống, v.v… cũng thế. Loại ngôn ngữ đó tràn ngập nguyên khí và thậm chí có thể mở rộng tâm thức người đọc bằng những câu nói vô cùng bình dị.

Khi đọc kinh sách, thiết tưởng ta nên chú trọng đến nội dung truyền đạt hơn là phương tiện truyền đạt. Vì phương tiện nào cũng có thể trở thành “phương tiện thiện xảo”, là “thánh ngữ” một khi nó tiếp nhận được nguồn nội lực siêu phàm từ tay của những Yến Nam Thiên trong tư tưởng và ngôn ngữ.  

Ghi chú :

[1] Heidegger, Triết lý là gì?, Phạm Công Thiện dịch, An Tiêm, Sài Gòn 1969,  t.35.

[2] “The German language speaks Being, while all the others merely speak of Being.” (http://www.brainyquote.com/quotes/quotes/m/martinheid395938.html)

Thảo luận