Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Tản mạn về ảnh hưởng của kinh Kim Cương trong tác phẩm Kim Dung

Phật giáo Ấn Độ, khi được truyền bá vào Trung Quốc, đã tạo nên một cuộc hôn phối văn hóa vĩ đại trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Cuộc hôn phối văn hóa Ấn − Trung kỳ diệu đó đã đẩy cõi nguồn tư tưởng Trung Quốc lên một cung bậc thượng thừa để khai mở thêm những phần ẩn tàng trong cõi nguồn tư tưởng ban sơ − vốn đã bị bế tắc, khô cằn bởi Hán Nho. Cánh đồng tư tưởng vốn phì nhiêu của Trung Quốc, khi tiếp nhận được nguồn sinh lực mới, đã làm nảy sinh muôn ngàn kỳ hoa dị thảo, với vô vàn những thiên tài tư tưởng trùng điệp nảy sinh.

Hạt giống của cây Bồ Đề huyền bí của xứ Ấn Độ, với những cành lá um tùm của những thuật ngữ quá đỗi thâm huyền, khi được gieo vào vùng đất Trung Quốc đã nảy sinh ra một loại cây kỳ diệu khác : Thiền Tông! Vùng đất văn hóa của Trung Quốc phì nhiêu nhưng thực tiễn, nó không hợp với những tư tưởng siêu huyền theo trí tưởng tượng bay bổng và cảm hứng vô biên của những vị chân sư viết nên kinh điển Phật giáo Đại thừa. Đó là lý do vì sao cuốn kinh Lăng Già uyên áo với tư tưởng Duy Thức, dù theo truyền thuyết là do chính tay Sơ tổ Đạt Ma truyền cho Tuệ Khả xem như là tâm ấn của chư Phật, lại dần được thay thể bởi kinh Kim Cương trực giản với tư tưởng Bát Nhã.

Điểm đặc trưng của văn hóa Trung Quốc là sức đồng hóa rất mạnh. Bất kỳ dân tộc ngoại lai nào dùng vũ lực xâm lược Trung Nguyên, không chóng thì chầy đều bị nền văn hóa phong kiến đó đồng hóa thành nền văn hóa bản địa. Khi Phật giáo được truyền từ Ấn Độ vào Trung Quốc cũng không  thoát khỏi quy luật đó.  Các thiên tài tư tưởng Trung Quốc trong suốt một thời gian dài đã không ngừng nỗ lực để chuyển hóa Phật giáo Ấn Độ thành một loại “đặc sản” Trung Quốc. Họ muốn Đức Phật phải khoác hình hài Trung Quốc, nói tiếng Trung Quốc, như Khổng Tử, Lão Tử. Kết quả là sau quá trình đó,  kinh Kim Cương Ấn Độ thẩm thấu vào nền văn hóa Trung Quốc và dần chuyển hóa thành kinh “Kim Cương theo phiên bản Trung Quốc”. Đó là Pháp Bảo Đàn Kinh!  Dù đây là tác phẩm được xem là của Lục Tổ Tuệ Năng, nhưng người Trung Quốc nâng tác phẩm này lên thành hàng kinh đủ thấy tầm quan quan trọng của nó. Theo truyền thống Phật giáo, chỉ những lời Phật dạy được ghi chép lại mới gọi là kinh, còn tác phẩm của chư tổ chỉ được gọi là luận. Thậm chí đến cả tác phẩm của Bồ Tát Long Thọ − người được tôn xưng là đệ nhị Thích Ca − cũng chỉ được gọi là luận.

Tác giả của cuốn kinh này thường được cho là của Lục Tổ Tuệ Năng, nhưng cũng không có gì xác thực hoàn toàn. Thật khó mà tin được rằng đây là tác phẩm  của một người chân quê hoàn toàn mù chữ, dù người viết muốn dùng hình ảnh một người quê mùa thất học nhưng lại ngộ được diệu lý vô thượng, để thuyết minh cho tông chỉ “Bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.”  Tác phẩm này, cũng như phần lớn các tác phẩm kinh điển khác thời Tiên Tần, có thể là một công trình do nhiều người viết, sau đó được biên tập lại và để Lục Tổ Tuệ Năng đứng tên như là tác giả duy nhất. Đó hẳn là kết quả của một cuộc đấu tranh tư tưởng bền bĩ và lâu dài của các thiên tài tư tưởng Trung Quốc để ghi một dấu ấn riêng biệt lên dòng tư tưởng Phật giáo. Người Trung Quốc muốn bản địa hóa “Phật giáo tại Trung Quốc”  thành “Phật giáo Trung Quốc”. Mà để làm được điều đó thì trước tiên phải có một tác phẩm “made in China” ngang tầm kinh Phật để làm nền tảng giáo lý, và phải hoàn toàn mang dấu ấn của Trung Quốc, để có thể sánh ngang với đẳng cấp kinh của Bách Gia Chư Tử như Thư Kinh, Dịch Kinh, Đạo Đức Kinh, Nam Hoa kinh, v.v…  Đó là lý do những tác phẩm của Bồ Đề Đạt Ma, dù được coi là sơ tổ Thiên tông Trung Quốc, vẫn bị đẩy xuống hàng thứ yếu, vì dù có uyên áo đến đâu đi chăng nữa thì chúng vẫn bị xem là sản phẩm ngoại lai.

Tư tưởng Pháp Bảo Đàn Kinh chi phối hầu như toàn bộ lịch sử phát triển Thiền tông Trung Quốc. Và nó còn kéo dài ảnh hưởng đến các phong trào lý học đời Tống và tâm học đời Minh. Hoặc hiển lộ hoặc ẩn tàng. Mỗi người đều phát huy tư tưởng Pháp Bảo Đàn Kinh theo sở ngộ và sở đắc của từng người, mãi đến khi cõi nguồn tư tưởng Trung Quốc đó phải chịu thêm một trận chấn động dị thường, gần như phải tan hoang tinh thể, khi tiếp xúc triết học duy lý phương Tây. Người viết xin gọi là “tư tưởng Trung Quốc” và tránh dùng từ “triết học Trung Quốc”, vì “triết học” − vốn được các bậc thức giả phương Đông ca tụng như một cái gì đó quá đỗi cao siêu suốt hàng trăm năm qua, khi phương Đông tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây − thật ra chỉ là phương thức suy tư riêng biệt của phương Tây và hoàn toàn xa lạ về phương diện tâm linh, do đó hầu như vô giá trị về phương diện tâm linh, với tư tưởng phương Đông, như giáo sư triết học người Nhật Gen Kida đã chỉ ra một cách cặn kẽ và đầy thuyết phục trong tác phẩm “Phản triết học nhập môn”.

Xóa sạch những thứ gọi là “triết học phương Tây” trong môi trường tư tưởng, văn hóa phương Đông không những không gây tổn hại gì đến nguồn tư tưởng phương Đông, mà thậm chí còn giúp ích cho tư tưởng phương Đông được hồn nhiên hô hấp trong bầu không khí uyên nguyên. Thứ đọc các tác phẩm Trung Quốc hiện đại bàn về triết học, ta có thể cảm  nhận được sự lúng túng trong phương thức tư duy cũng như trong ngôn ngữ diễn đạt. Bởi vậy, các nhà tư tưởng chân chính của Trung Quốc hiện đại phải phá vỡ thế bế tắc đó bằng cách đẩy cõi tư tưởng Trung Quốc uyên nguyên theo một cung bậc khác bằng sách võ hiệp, mà Kim Dung được xem là “võ lâm minh chủ”. Đến tận thời hiện đại, tôi cho rằng chỉ có Kim Dung mới đủ tài hoa để triển khai tư tưởng kinh Kim Cương Phật giáo một cách thần kỳ, đôi khi còn vượt xa các cao tăng Trung Quốc hiện đại vốn chỉ câu nệ chú giải theo kinh điển, và vượt cả triết gia Phùng Hữu Lan với bộ Trung Quốc triết học sử tân biên đồ sộ, vốn bị vướng trong cái khung duy lý nặng nề.

Ảnh hưởng của Phật giáo vốn bàng bạc trong tác phẩm của Kim Dung, nhưng tư tưởng “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” của kinh Kim Cương chỉ được triển khai một cách vi diệu qua đường kiếm vô chiêu của Lệnh Hồ Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Tâm sinh khởi nhưng không để vướng mắc vào đâu, như đường kiếm vô chiêu của Độc Cô Cửu Kiếm. Kiếm chiêu tuy thiên biến vạn hóa nhưng cứ thu phát  toàn tùy tâm niệm, chứ không theo một chiêu thức nào. Tâm rỗng không khiến kiếm pháp đi đến cảnh giới tối thượng. Đây cũng là đỉnh cao của một loạt các phủ định bằng “bất” và “” trong Bát Nhã Tâm Kinh.  Trong tác phẩm Hiệp Khách Hành, nhân vật Thach Phá Thiên hoàn toàn mù chữ nhưng lại luyện được tuyệt thế thần công,  đi vào được cảnh giới võ học tối cao, đó là  “bản sao” của Tổ Tuệ Năng mù chữ nhưng lại đạt đến Trí Tuệ Vô Thượng.

Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, tư tưởng kinh Kim Cương lại xuất hiện một cách bi tráng qua hình ảnh Tạ Tốn, khi bị giam trong chùa Thiếu Lâm. Một con hùng sư chọc trời khuấy nước, hai bàn tay từng đẫm máu người qua những trận cuồng điên trong cơn túy sát, nhưng khi đã “hoát nhiên đại ngộ” được diệu lý “vô ngã tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng” để “coi mình chẳng khác gì đống phân bò” thì lại có thể bình thản ngồi niệm kinh Kim Cương, trong khi bên trên hầm đang diễn ra trận đấu kinh người giữa Trương Vô Kỵ và ba vị cao tăng Thiếu Lâm. Và được diệu lý “vô ngã tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”đó cũng trùng hiện qua hình ảnh vị vô danh tăng trong Tàng Kinh Các, trong tác phẩm Thiên Long Bát Bộ, mà tôi có lần đề cập  trong bài “Huyền nghĩa Vô Danh tăng”.

Hạt giống Giác Ngộ gieo xuống mỗi vùng đất sẽ nảy sinh ra những loại cây khác nhau tùy theo thổ nhưỡng, khí hậu và thời tiết.  Kinh Kim Cương với tư tưởng Bát Nhã của  Ấn Độ khi gieo mầm vào cánh đồng Trung Quốc đã nảy sinh ra Pháp Bảo Đàn Kinh, phủ rợp bóng cõi tư tưởng Trung Quốc  từ đời Đường đến tận thời cận đại. Đến tay Kim Dung thì cây huyền cầm Kim Cương lại chuyển sang một cung điệu khác. Giò đây, ông đã nghỉ cuộc chơi để đi vào một cõi khác. Tư tưởng kinh Kim Cương  có thể chuyển sang nhiều cung bậc diệu kỳ khác nữa, với những thiên tài tư tưởng trong mai hậu, nhưng chắc chắn nó sẽ không lạc vận để giai điệu mãi mãi trường tồn như hai chữ Kim Cương.

Thảo luận