Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Suy ngẫm về “dạy và học” trong tác phẩm Kim Dung

“Con người ta học tập, ấy có nghĩa rằng nó đưa dẫn cái làm
và cái không làm của mình vào trong cõi tương ứng với cái gì
hằng hằng mỗi mỗi là hiển lộ cái cốt yếu tinh hoa.”

Martin Heidegger Sao gọi là suy tư
(Bùi Giáng dịch, Mùa hè sa mạc, NXB Võ Tánh, 1967, tr.145)

Từ ngàn xưa, nghiên cứu minh tìm tòi và tích lũy kinh nghiệm để rồi truyền đạt lại cho đời sau vẫn luôn là một quá trình góp phần thúc đẩy sự tiến hóa của nhân loại. Thế hệ sau kế thừa thế hệ trước, dùng kiến thức và kinh nghiệm được truyền lại để làm nền tảng cho những kiến thức cao hơn và kinh nghiệm sâu hơn. Như một dòng sông trôi về ra biển cả, kiến thức và kinh nghiệm của nhân loại, trên dòng chảy của mình, có thể mang thêm phù sa, được mở rộng thêm nhờ các phụ lưu để trở nên mênh mông hơn, nhưng cũng có thể teo dần rồi chấm dứt dòng chảy trong những mãnh đất khô cằn. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào quan niệm của con người về hai chữ “dạy” và “học”.

Dạy” “học” thường chỉ được xem là quá trình “trao” “nhận”. Thông thường, người ta vẫn luôn luôn quan niệm rằng học tập chỉ đơn thuần là quá trình tích lũy kiến thức và học tập kinh nghiệm từ người truyền thụ. Cách quan niệm thụ động như vậy dễ biến kiến thức thành một vật thể chết khô, được truyền từ tay người này sang người khác. Kiến thức, được truyền thụ theo cách đó, sẽ giống như luồng nước nóng mà nhiệt lượng sẽ cứ giảm dần trong quá trình trao đổi, để cuối cùng người sau chỉ biết ôm khư khư lấy một khối băng lạnh giá. Phật giáo Ấn Độ làm sao có thể phát triển mạnh mẽ một cách kỳ diệu ở Trung Quốc, nếu như nó không biến thành Thiền tông? Đó là nhờ các bậc chân sư Trung Quốc đã thấu triệt được lẽ “thông biến” trong việc hoằng pháp. Nếu các đại sư Trung Quốc chỉ biết bo bo ôm lấy mớ giáo điều được truyền từ Thiên Trúc thì chắc chắn Phật giáo ở Trung Quốc chỉ còn là cái xác chết khô. Mà gẫm ra thì việc hoằng pháp tự bản chất cũng chỉ là quá trình dạy và học.

Tác phẩm Kim Dung cũng cho ta những bài học lý thú về cách dạy và học. Về võ công, dĩ nhiên. Nhưng phần cốt tủy của nó vẫn là nét chung cho mọi quá trình truyền thụ và học tập. Quá trình học tập võ công của Quách Tĩnh có lẽ là điển hình cho chúng ta thấy quá trình đào tạo của các ông thầy, vì không có nhân vật nào lại có nhiều sư phụ như Quách Tĩnh. Sau trận đánh bất phân thắng bại giữa nhóm Giang Nam thất quái và Khưu Xứ Cơ, cả hai bên lại thách đấu bằng cách hẹn mươi năm sau sẽ đưa học trò ra đại diện để thi thố tài năng. Khưu Xứ Cơ lo dạy Dương Khang. Và nhóm Giang Nam thất quái phải lặn lội đến tận vùng Mông Cổ tìm Quách Tĩnh để truyền thụ võ công. Lòng hiếu thắng của nhóm cao thủ … hạng ba này đã biến Quách Tĩnh thành đối tượng để họ nhồi nhét đủ loại võ công “xà bần”, theo cách “luyện gà nòi để đi thi”. Nào Việt Nữ Kiếm, nào Khai sơn chưởng pháp …. cứ được họ thay nhau truyền thụ một cách cưỡng bức mà không chịu xem lại “chương trình đào tạo” mang tính áp đặt vô lý của mình có phù hợp hay không, và cũng không chịu tìm hiểu thử căn cơ của gã đồ đệ chậm lụt của mình có khả năng tiếp thu đến mức độ nào. Họ chỉ chăm chăm lo cho ngày so tài sắp tới giữa Quách Tĩnh với Dương Khang. Nếu Quách Tĩnh thua có nghĩa là họ thua và mất chỗ đứng trên chốn giang hồ. Đó chính là điển hình của cách dạy nhồi nhét kiểu khoa cử để chạy theo thành tích. Chỉ lo cho cái ngày thi sắp tới, hễ qua được thì xem như “nhiệm vụ đào tạo” đã xong. Dưới áp lực của cách đào tạo ngu xuẩn thiếu tính sư phạm như thế thì ngay cả một môn đồ thông minh cũng dễ trở thành kẻ đần độn, chứ chưa nói chi đến người chậm lụt như Quách Tĩnh. Tất nhiên “gã trâu nước” kia chỉ tiếp thu võ công ở mức độ vô cùng hạn chế. Điều đó khiến đám Giang Nam thất quái nẫu cả ruột gan, nhưng không thể làm gì khác hơn được. Thầy thì không giỏi, nội dung truyền thụ thì tạp nhạp hổ lốn, phương pháp thì mang tính áp đặt, trách sao không tạo ra học trò tồi.

Quách Tĩnh sẽ mãi mãi giữ mức võ công hạng bét nếu như không có Đơn dương tử Mã Ngọc âm thầm truyền thụ nội công tâm pháp cho Quách Tĩnh theo kiểu trò chơi tập hít thở. Chính cái kiểu giáo dục “học mà chơi, chơi mà học” này đã giúp Quách Tĩnh có được căn cơ nội công vững chắc để làm nền tảng cho những thành tựu mai sau. Truyền thụ nội công tâm pháp thượng thừa mà người được truyền thụ vẫn hồn nhiên không hay biết, vị đạo sĩ Toàn chân kia quả là nhà sư phạm lỗi lạc. Đó cũng là cách Heiddeger bảo là khiến cho người học “đưa dẫn cái làm và cái không làm của mình vào trong cõi tương ứng với cái gì hằng hằng mỗi mỗi là hiển lộ cái cốt yếu tinh hoa”. Rồi đến Hồng Thất Công còn có con mắt sư phạm cao hơn một bậc nữa. Ông truyền thụ cho Quách Tĩnh “Hàng Long Thập Bát Chưởng” − loại chưởng pháp chân chất và cương mãnh tuyệt luân − là điểm đúng căn cơ của môn đồ.

Nhạc Bất Quần lại là một điển hình khác. Ông là một đại tôn sư võ học nhưng cách đào tạo môn đồ của ông cũng như bao bậc tôn sư võ học khác : đó là buộc môn đồ phải rập khuôn theo công thức bằng cách học thuộc lòng. Môn đồ khi tập từng chiêu thức, hễ trật một chút là bị quở trách phải tập đi tập lại cho đúng y chang khuôn khổ. Cách dạy như thế dĩ nhiên sẽ có ích khi đạo tạo ở mức sơ học, giống như ta dạy trẻ em tập viết ở cấp mẫu giáo. Nhưng khi ngọn bút đã cứng cáp mà vẫn không thay đổi cách thức đào tạo đó thì chỉ làm thui chột học trò. Về cách học rập khuôn máy móc, người ta có một giai thoại rất buồn cười. Ngày xưa có người học được cách dùng tay không đoạt kiếm rất thành thạo. Bất cứ đối thủ nào tấn công bằng kiếm đều bị anh ta đoạt lấy và khống chế một cách dễ dàng. Đến khi anh ta gặp phải đối thủ tấn công bằng tay không thì đâm ra lúng túng, phải bó tay. Cuối cùng anh ta phải đưa cho đối thủ một thanh kiếm, rồi mới có thể khống chế được đối thủ! Phải làm vậy mới đúng bài bản, đúng qui trình được đào tạo. Những người được đào luyện theo cách ấy thì dù có giỏi giang đi nữa cũng chỉ là cái máy vô hồn, giống như những con robot đã được lập trình.

Cách học cứng nhắc như vậy, cách học chỉ đòi hỏi trí nhớ để rập khuôn một cách máy móc cho thuần thục mà không đòi hỏi đến tính phát huy sáng tạo, đã làm một người thông minh khoáng đạt như Lệnh Hồ Xung cũng không thể phát huy được hết tài năng. Đến khi gặp được Phong Thanh Dương chỉ điểm chỗ tinh yếu thì anh chàng lãng tử này như rồng gặp mây, và phát huy kiếm thuật đến mức thông thần. Cùng một người nhưng được chỉ điểm theo hai phương pháp khác nhau nên đã có được hai mức độ thành tựu khác hẵn nhau. Đây cũng là điểm để ta suy gẫm về cách thức và quan điểm về truyền thụ. Điểm khác biệt cơ bản trong cách chỉ giáo giữa Nhạc Bất Quần và Phong Thanh Dương nằm trong chữ “biến”. Phong Thanh Dương là nhà sư phạm xuất sắc khi mạnh dạn xóa bỏ cả “chương trình đào tạo” của Nhạc Bất Quần để giải thoát Lệnh Hồ Xung ra khỏi những gông cùm vô lý của khuôn khổ, mà dưới mắt ông chỉ là hình thức ngu xuẩn làm hạn chế sự phát triển của môn đồ. Mà chỉ có như thế thì môn đồ mới có thể biến các chiêu thức chết thành đường kiếm đầy diệu dụng. Tâm không biết ứng biến sẽ không thông. Vật không ứng biến sẽ ứ trệ và trở thành vật chết. Dạy múa kiếm và học múa kiếm mà không biết ứng biến thì kiếm chỉ là kiếm, biết ứng biến thì kiếm thành con thần long. Thanh kiếm trong tay Lệnh Hồ Xung từ một thanh kiếm của một cao đồ phái Hoa Sơn đã thật sự biến thành con thần long vẫy vùng khắp thiên hạ, vì người sử dụng đã ngộ ra diệu lý của chữ “biến” trong kiếm thuật. Con sông chảy qua mỗi vùng sẽ chảy theo từng thể điệu khác nhau. Qua bình nguyên thì êm đềm, qua thác ghềnh thì ào ạt. Vị sư phụ phải hiểu được điều đó để thích ứng với chữ “biến” khi dạy cho môn đệ.

Trong mối tương quan chân chính giữa người dạy và người học không thể có áp lực của quyền uy và kiến thức của người thầy, vì suy cho cùng thì dạy, đúng theo tinh nghĩa của nó, chỉ là quá trình đánh thức năng lực tiềm ẩn của người học. Phương pháp đánh thức người học cũng đã được Khổng Tử đề xướng từ rất lâu theo nguyên lý “Cử nhất phản tam”. Vật có bốn góc thì vị thầy chỉ gợi ý cho biết một góc, để học trò phải suy ra được ba góc kia. Nếu truyền đạt kiến thức mà cứ theo cách phải lôi đủ bốn góc lù lù ra để học trò trông thấy và học thuộc lòng  theo kiểu “cầm tay chỉ việc” thì sớm muộn gì những học trò đó cũng trở thành những kẻ què quặt trong kiến thức và thui chột trong tư duy.

Khi Lệnh Hồ Xung ngộ ra diệu lý của chữ “biến” trong kiếm thuật, thì cái khả năng đó nào phải là cái gì ở bên ngoài do Phong Thanh Dương đem lại cho Lệnh Hồ Xung, mà nó đã thực sự ẩn tàng trong chính anh ta. Năng lực đó, như hạt giống bị phủ lấp quá sâu dưới lớp vỏ xơ cứng bởi cách rèn luyện của Nhạc Bất Quần, chỉ nẩy mầm khi gặp thời tiết thuận hòa và thời cơ khế hợp. Chỉ khi nào năng lực đó thực sự được đánh thức thì con người mới có khả năng tiếp thu kiến thức một cách sáng tạo, và biết vận dụng cái sở học thành sở đắc. Nếu không, họ sẽ phải mang cái kiến thức không được tiêu hóa đó như một gánh nặng suốt đời. Phong Thanh Dương đã tháo bỏ cho Lệnh Hồ Xung thoát khỏi gông cùm của công thức máy móc và nhờ đó, đã biến Lệnh Hồ Xung thành một kiếm thủ đệ nhất đương thời.

Chỉ khi nào người học trò được “đánh thức” thực sự, nghĩa là khi “nó đưa dẫn cái làm và cái không làm của mình vào trong cõi tương ứng với cái gì hằng hằng mỗi mỗi là hiển lộ cái cốt yếu tinh hoa.”  thì ta mới hy vọng họ sẽ có thành tựu cao hơn cả thầy, như Độc Cô Cửu Kiếm trong tay Lệnh Hồ Xung đã được phát huy đến chỗ tận diệu, hơn cả Phong Thanh Dương. Mà mục tiêu cao nhất của giáo dục chẳng phải là đào tạo những môn đồ giỏi cả sư phụ hay sao? Đó cũng là câu nói của một thiền sư Trung Quốc : “Học trò bằng thầy là kém thầy nửa đức, học trò giỏi hơn thầy mới thực sự báo ơn thầy.” Hiện nay, con đường dẫn đến điều đó là niềm mơ ước của chúng ta. Nhưng có lẽ nó còn rất dài. Và rất xa.

Thảo luận