Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Phần dẫn nhập

LỜI NGƯỜI DỊCH

Từ hơn mấy ngàn năm qua, Tây Tạng vẫn luôn là vùng đất huyền bí có một sức hấp dẫn lạ thường đối với những tâm hồn thiết tha hướng đến chân lý và khát vọng tâm linh. Nằm chót vót trên nóc nhà của thế giới, Tây Tạng là nơi tụ hội linh khí của trời đất để trở thành một diễn trường kỳ ảo cho những hiện tượng siêu nhiên  Hằng năm, có biết bao nhiêukhách hành hương nối đuôi nhau đi từ Ấn Độ sang Tây Tạng với ước mơ được chết nơi vùng đất thánh, bởi sức hút kỳ lạ không sao cưỡng nổi của “Xứ Tuyết”.

Tây Tạng, với những phương trời mênh mông mây trắng và những hoang mạc bao la, vẫn như ẩn hiện mơ hồ sau lớp sương mù huyền thoại. Đó là xứ sở của thần thánh, là phương trời của huyễn thuật, của huyền thoại, của những hóa thân… Tất cả vẫn mãi mãi lơ lững như những huyền án thơ mộng đối với đầu óc duy lý của con người, mà Alexandra David-Néel là một tác giả phương Tây hiếm hoi có đủ cơ duyên vượt qua để tìm đến với những phương trời bí ẩn.

Alexandra David-Néel (1868 – 1969) là một nhà nữ thám hiểm và nhà văn người Pháp chuyên viết về Phật giáo và triết học phương Đông. Cuốn Mystiques et Magiciens du Tibetcủa bà đã trở thành một trong những tác phẩm kinh điển cho tất cả những ai muốn tìm hiểu về Tây Tạng, và đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà nghiên cứu Phật giáo ở phương Tây.

Không chỉ là nhà nghiên cứu, bà còn thực hành thiền quán nhiều năm tại một thạch động trên đỉnh núi Tây Tạng với một vị lạt-ma phái Mũ Đỏ được người dân địa phương gọi một cách tôn kính là Djoo gomtchén (Đức ngài ẩn tu). Nhờ đó mà bà nổi tiếng ở Tây Tạng như một gomptchénma (nữ tu sĩ lạt-ma) đáng kính.

Qua ngòi bút của bà, hình ảnh Tây Tạng hiện ra trong tất cả vẻ dung tục và ảo huyền kỳ lạ. Những cảnh tượng đời thường, quá đỗi đời thường, cùng tồn tại bên cạnh những hiện tượng siêu nhiên. Xen lẫn giữa các tu sĩ thô lỗ dốt nát, phàm ăn tục uống là hình ảnh những nhà ẩn tu, những đạo sư huyễn thuật vĩ đại, khép mình trong thạch động hay tham thiền nơi sa mạc hoang vu, giẫm tất cả danh lợi thế gian xuống dưới gót chân để lắng nghe tiếng nói của tâm linh. Không gian bàng bạc, không khí ảo huyền với những cảnh chùa hoang liêu cô tịch nằm trên những sườn núi cao ngất, ẩn hiện mơ hồ trong tuyết trắng. Và trên hết là sự tịch lặng mênh mông bao trùm lên toàn xứ sở, sự tịch lặng kỳ diệu mà ta có thể nghe bàng bạc vang trên những tiếng cuồng nộ thét gầm của thác ghềnh, sông suối, để từ đó con người dễ dàng cảm nhận được những làn sóng tế vi của hiện tượng tâm linh.

Chúng ta sẽ cùng tác giả đi qua những thảo nguyên mênh mông bát ngát, lên những đỉnh núi chót vót gập ghềnh, thiền quán trong những thạch động hoang vu, chứng kiến những hiện tượng huyễn thuật dị thường, tham dự những “bữa tiệc máu” tcheud kinh người để tiêu trừ bản ngã, đi tham quan những cảnh vật thiên nhiên kỳ ảo, tự giam mình trong mật thất (tsham-khang) để quán tưởng Yidam, cùng lướt theo những hành giả phiêu nhiên công (loung-gom) trên sơn đạo, hoặc cùng khoác áo vải để đứng trên đầu non tuyết lạnh với những hành giả viêm công (toumo).

“Không  lời nào có thể diễn tả hết được vẻ tôn nghiêm an nhiên, sự hùng vĩ kinh người, nét quyến rũ khó tin của cảnh vật muôn sắc muôn màu tại đất nước Tây Tạng. Thường thường, khi đi qua những vùng non cao hiu quạnh, ta có cảm giác như đang làm một tục khách xúc phạm đến vẻ tôn nghiêm kỳ vĩ. Bất giác, ta phải chậm chân lại, hạ thấp giọng, và những lời tạ lỗi như dâng lên trên môi để sẵn sàng thốt ra, ngay khi gặp một vị ẩn tu đầu tiên trên mảnh đất mà ta không được quyền xâm phạm.”[1]

Cảnh vật đó, thế giới tâm linh đó dường như làm tâm hồn ta dịu đi trước những khổ đau và cay đắng mà ta thường phải đối mặt trong đời, vì những pháp môn thần bí của Phật giáo Tây Tạng hé mở cho ta những khía cạnh khác, sâu thẳm hơn và vi diệu hơn, của thế giới mà ta đang sống, để cảm nhận sâu thêm sự vô thường của cõi thế, sự huyễn ảo của trần gian và sự nhiệm mầu của Phật pháp. Chúng ta sẽ thấy một thế giới tôn giáo khác rất nhiều, so với những gì ta thường gặp trong giáo lý Tiểu thừa hoặc Đại thừa. Điều đó không có gì lạ, Phật pháp vốn không có hình tướng nhất định, du nhập vào Trung Quốc thì biến thành Thiền tông, Hoa Nghiêm tông, đến Tây Tạng thì biến thành Mật tông, cứ tùy căn cơ của chúng sinh để “tùy bệnh cho thuốc” mà khai thị theo tinh thần của bài kệ Lục Như : Tất cả đều do tâm tạo, đều là huyễn tướng.

Ngày nay, nền văn hóa Tây Tạng đã thay đổi khá nhiều so với một Tây Tạng vào thời tác giả viết tác phẩm này, sau sự tàn phá thô bạo của những thế lực duy lý cực đoan, nhưng chúng ta tin rằng linh khí của Tây Tạng vẫn còn đó trong những phương trời mây trắng, trong những thạch động hoang vu để hàm dưỡng mật pháp của chư Phật, và tiếng nói của tâm linh.

Sài Gòn tháng 11 năm 2011
Huỳnh Ngọc Chiến

VỀ BẢN DỊCH

Bản dịch này được thực hiện theo nguyên tác Pháp ngữ Mystiques et magiciens du Tibet, Nhà xuất bản PLON, 1929,bản Texte intégral là bản trọn vẹn và đầy đủ nhất.

Trong quá trình dịch, tôi có tham khảo thêm bản dịch Anh ngữ Magic & Mystery in Tibetcủa Aaron Sussman, Harper Colins Publishers India, 1993. Điều đáng ngạc nhiên là cấu trúc bản Anh ngữ rất khác với nguyên tác, có nhiều đoạn bị bỏ qua, hoặc ở chương này lại để ở chương kia, có nhiều đoạn lại gần như phóng tác, đồng thời có thêm một lời tựa và nhiều phần không có trong nguyên tác.

Không rõ dịch giả Aaron Sussman căn cứ vào nguyên bản nào. Dường như dịch giả bản Anh ngữ chỉ dựa một phần trong nguyên bản và tích hợp thêm nhiều đoạn từ các tác phẩm khác của tác giả.

Tôi dịch trọn vẹn nguyên tác, và giữ nguyên cách phiên âm theo tiếng Pháp, ví dụ Padmasambhâva thay cho Padmasambhāva, hoặc riteu thay cho ritöd v.v…

Trong bản giải thích thuật ngữ ở cuối sách, có phần đối chiếu các phiên âm của người Anh để bạn đọc tiện tham khảo. Những thuật ngữ Tây Tạng không có ghi phần giải thích trong sách sẽ được giải thích ở đây. Những chú thích có ghi (T.g) là trong nguyên tác, nếu không là của người dịch.

LỜI MỞ ĐẦU

Người Tây Tạng mà chúng ta cho là Phật tử, hoặc tin là Phật tử, đã mô phỏng theo – như chúng ta sẽ thấy trong cuốn sách này – rất nhiều đức tin và pháp môn hoàn toàn khác với Phật giáo nguyên thủy. Cũng có rất nhiều yếu tố tín ngưỡng được vay mượn từ tôn giáo của những cư dân thời cổ ở Tây Tạng, và những tín đồ Saman.

Ảnh hưởng của nhà đại huyễn thuật Padmasambhâva dường như đến từ xứ sở Afghanistan. Cho đến tận ngày nay, ảnh hưởng đó cũng còn rất lớn, và ngài vẫn được các pháp sư đạo Bön xem là bậc Đạo sư.

Mặt khác, những cao tăng uyên bác như Marpa Lotsawa – tức Đại dịch giả Marpa – , vị đạo sư của thi sĩ thánh tăng Milarespa, đã đưa vào Tây Tạng rất nhiều kinh điển Ấn Độ, cả Mật giáo (Trantrisme) của đất nước Népal. Chính sự pha trộn này, cùng với giáo lý “chư hành vô thường, chư pháp vô ngã” của Phật giáo mà người Tây Tạng khẳng định giáo lý vô ngã, tạo nên hai diện mạo tôn giáo mà chúng ta gặp ở Tây Tạng: một của giới bình dân, một của giới trí thức. Do đó mà có nhiều tác giả muốn gọi tôn giáo đang giữ ưu thế tại Tây Tạng là Lạt-ma giáo thay vì Phật giáo.

ALEXANDRA DAVID-NÉEL

LỜI GIỚI THIỆU

Ngay sau khi xuất bản cuốn Hành trình về Lhassa, rất nhiều bạn đọc, hoặc do đọc nhiều bài viết của tôi, hoặc vì lý do riêng tư, muốn tìm hiểu tôi đã sống giữa thế giới của các vị lạt-ma như thế nào, và thụ giáo những pháp môn huyền bí ở Tây Tạng rasao.

Tôi cố gắng làmthỏa mãn điều đó. Song đây là một công việc rất đỗi khó khăn, do những vùng đất mà tôi đã đi qua vẫn còn hẹp lắm so với xứ sở Tây Tạng mênh mông.

Để trả lời những câu hỏi về chức sắc tôn giáo[2] của tôi, nên ở phần đầu tôi xin kể lại những tình huống giúp tôi tiếp xúc được với thế giới của Lạt-ma giáo, và những đạo sư huyễn thuật trong thế giới đó.

Tiếp theo, tôi nêu lên những nétnổi bật trong pháp môn huyễn thuật, trong giáo lý thần bí, cùng pháp môn luyện tâm của người Tây Tạng. Cứ mỗi lần bắt gặp trong tận cùng sâu thẳm của hoài niệm phong phú của mình một sự kiện có liên quan là tôi liền kể lại. Đây không phải là cuốn nhật ký du hành, vì tôi hoàn toàn không có ý tưởng đó.

Trong suốt những công trình nghiên cứu mà tôi đã theo đuổi, sự chỉ dẫn mà ta nhận được trong một ngày đôi khi chỉ có thể được bổ sung đầy đủ trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau đó. Chỉ trong việc trình bày những thông tin được thu thập từ nhiều nơi khác nhau, ta mới có thể hy vọng đưa ra được một ý tưởng chính xác về chủ đề mà ta đang nghiên cứu.

Ngoài ra, tôi còn dự định trình bày lại vấn đề huyễn thuật và giáo lý thần bí Tây Tạng trong một công trình nghiên cứu mang tính kỹ thuật nhiều hơn.[3]

ALEXANDRA DAVID- NÉEL

LỜI GIỚI THIỆU[4]

Thật là sai lầm lớn lao khi phần đông những người hiện đại tin rằng sự phát triển của nền khoa học sẽ làm héo tàn nét quyến rũ của những sự kiện thần bí diệu kỳ. Trong thời đại chúng ta, niềm tin vào hiện tượng tâm linh, vào phép lạ, vào huyễn thuật vẫn mạnh mẽ như thời Trung cổ. Những gì chúng ta đạt được, đó là quyền tự do bàn về những điều đó và nỗ lực thể nghiệm được chúng, mà không phải sợ giàn hỏa thiêu của Tòa án Tôn giáo.

Bởi vì tôi đã sống ở Tây Tạng, nên có những người tìm đến tôi với rất nhiều nguyên cớ khác nhau, yêu cầu tôi phải tạo ra hoặc gây ra những sự cố phi thường để đem lại ơn ích cho họ. Từ việc thỏa mãn tính tò mò cho đến việc cầu mong thi đậu, kinh doanh thành công, chữa lành bệnh, thậm chí để hoàn tất một tội ác. Chẳng hạn, một người vợ bị chồng bỏ nên khao khát trả thù, bèn tìm đến tôi nhờ “triệt hạ” gã chồng bội bạc cùng cô ả tình nhân. Dĩ nhiên đây không phải là vấn đề người ta trang bị cho tôi một khẩu súng để tìm bắn đôi tình nhân phạm tội kia, mà người ta muốn tôi không hề rời khỏi phòng song vẫn hủy diệt được hai kẻ kia ở một nơi xa.

 Tất cả những ai đi tìm phép lạ hẳn sẽ ngạc nhiên khi nghe tôi nói rằng người Tây Tạng không hề tin vào phép lạ, nghĩa là những hiện tượng siêu nhiên. Họ xem những sự kiện dị thường làm chúng ta kinh ngạc chỉ là công trình của những nguồn năng lượng tự nhiên hoạt động trong những điều kiện ngoại lệ khác thường, hoặc thông qua một người biết cách khai phóng chúng; hoặc đôi khi thông qua trung gian của một người không hề biết rằng trong tự thân mình đang mang những tố chất có khả năng làm lay động được những cơ chế thể xác hay tinh thần để tạo ra những hiện tượng phi thường.

Người Tây Tạng có khuynh hướng tin rằng những gì ta tưởng tượng, hình dung đều có thể biến thành hiện thực. Họ tuyên bố, nếu những sự kiện tưởng tượng mà không tương ứng với một điều thực tế bên ngoài thì ta không thể tưởng tượng về chúng được.

Liên quan đến điều này, người Tây Tạng tin rằng, bằng sự tập trung tư tưởng cao độ và liên tục, người ta có thể tạo ra những thực thể sống thực theo hình dáng mà ta có trong tư tưởng. Ta sẽ được xem những ví dụ về điều này.

Như đã nói, trong mọi trường hợp, đây luôn là vấn đề của những nguồn năng lượng tư nhiên mà hoạt động của chúng hoặc là diễn ra một cách tự nhiên, hoặc được điều khiển bởi người có năng lực làm điều đó.

Trong một số trường hợp, người Tây Tạng tin rằng có những người nhận được sự trợ giúp của chư thiên hoặc ma quỷ, điều này rất phổ biến ở Tây Tạng.

 Điều này cũng phổ biến ở những đất nước Tây phương chúng ta. Những tín đồ khi cầu nguyện thánh thần đều hứa dâng lễ vật để cầu mong thánh thần dùng quyền năng siêu nhiên giúp họ tựu thành ước nguyện, cũng như các hợp đồng hắc ám giữa người và ma quỷ thường được nhắc đến trong những câu chuyện thời Trung cổ, tất cả đều được tiến hành theo cùng một niềm tin.

Tôi không đến Tây Tạng với ý định xem những phép lạ ở đấy. Tôi chỉ thực hiện những công trình nghiên cứu sự biến tướng của Phật giáo thành Lạt-ma giáo, nghĩa là nghiên cứu sự kết hợp và pha trộn những yếu tố giáo lý và nghi quỹ được vay mượn từ Mật giáo Népal, từ đạo Bön – một loại tôn giáo cổ thống trị ở Tây Tạng, trước khi Phật giáo được du nhập vào xứ này. Tôi cũng muốn tham quan một đất nước với những đỉnh non cao chót vót mà người Ấn Độ tin là chỗ an trú của chư thiên.

Chuyến “du lịch” của tôi tình cờ biến thành một “cuộc lưu trú”, và tôi đã sống ở đó nhiều năm để du hành khám phá khắp những nơi chốn lạ lùng. Trong suốt cuộc viễn du, tôi đã chứng kiến được biết bao điều kỳ diệu, gặp được biết bao người kỳ lạ và quét sạch ngưỡng cửa tâm linh.

Bạn đọc nên xem cuốn sách này như tấm bản đồ chỉ đường đã dẫn tôi ra khỏi những nẻo đường mà người ta đã đi qua.

ALEXANDRA DAVID- NÉEL

Viết tại núi Alps

Tháng 4, năm 1965


[1] Trích từ bản dịch.

[2] Tác giả được người Tây Tạng xem là một Gomptchénma (nữ tu sĩ lạt-ma).

[3] Người dịch bỏ 7 dòng nói về cách phiên âm tiếng Tây Tạng sang tiếng Pháp.

[4]     Lời giới thiệu này không có trong nguyên bản Pháp ngữ, mà ở trong bản dịch tiếng Anh, không biết dịch giả Aaron Sussman đã dựa theo bản gốc nào. Tôi dịch trọn vẹn để bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo.

Thảo luận