Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Những “công án” của lương tri

Tôi thực sự thấy “sốc” khi nhận những bức ảnh từ một người bạn, qua mạng InterNet. Đó là một tập tin (file) dạng PowerPoint Show có tên We are so lucky- food and water.pss (chúng ta may mắn biết bao, với thức ăn và nước) tả cái đói kinh hoàng và thảm khốc ở châu Phi. Tập tin này mang theo thông điệp gồm nhiều câu văn ngắn cho từng slide. Tôi xin phép trích một vài câu:

My great friends, let this not come to you as a surprise, but it’s real. Have them living around us and in our neibourghood today. We can change it with prayers, and always lend a helping hand to those in need. Don’t keep this email to yourself. Forward it to your friends, so our friends and all people will thank NATURE for food and water that they already have.

(Tạm dịch : Hỡi những người bạn lớn, đừng xem những bức ảnh này là điều kỳ lạ khiến bạn phải ngạc nhiên, mà đây là sự thực. Họ đang sống chung quanh chúng ta và trong khu vực láng giềng lân cận với chúng ta. Chúng ta có thể làm thay đổi điều này bằng những lời cầu nguyện, và bằng cách luôn sẵn sàng đưa tay ra để giúp đỡ những người khốn khó. Xin đừng giữ lá điện thư cho riêng bạn mà hãy gởi nó đến những người bạn của mình, để những người bạn đó và tất cả mọi người đều sẽ cảm tạ về thức ăn và nước uống mà Thiên Nhiên đã ban phát cho họ lâu nay).

Thực hiện lời kêu gọi của thông điệp, người viết xin chuyển tiếp những hình ảnh này, thông qua bán nguyệt san Văn Hóa Phật Giáo, với hy vọng thông điệp sẽ đến được với nhiều người hơn nữa. Không phải chỉ để người đọc cảm tạ thiên nhiên hay tri ân cuộc đời  đã không để mình lâm vào cảnh khốn cùng, mà còn cầu mong nội dung thông điệp này sẽ còn mang đến nhiều ý nghĩa sâu xa hơn nữa.

Năm 1994, cả thế giới hầu như bị chấn động bởi một bức ảnh của nhiếp ảnh gia Kelvin Carter nói về nạn đói ở Sudan (hình 1). Bức ảnh được giải thưởng Pulitzer, mô tả lại hình ảnh một đứa bé kiệt sức vì đói đang cố gắng bò lê đến một lán trại của lực lượng Liên hiệp quốc cách đó nhiều cây số để kiếm thức ăn. Đằng sau đứa bé là một con kên kên đang thản nhiên chờ đến khi đứa bé ngã gục xuống để bắt đầu bữa ăn cho nó. Cảnh tượng đau lòng này gợi ta nhớ một phần cảnh tượng nhân vật Bill đang kiệt sức vì đói khát, phải chiến đấu một cách tuyệt vọng và hãi hùng để giành sự sống trước một con sói cũng đang đói, trong câu truyện “Love of Life” (Khát vọng sống) của nhà văn Jack London. Song nội dung bức ảnh còn thê thảm và lạnh lùng hơn rất nhiều, vì đây là đời thực.

Trong câu truyện của Jack London, nhân vật Bill cuối cùng đã được cứu sống. Những người đồng loại đã kịp đưa cánh tay ra cho Bill, khi anh vừa ngã xuống. Còn đứa bé, nhân vật thực bằng xương bằng thịt trong bức ảnh, thì không ai biết số phận nó ra sao, kể cả tác giả bức ảnh là Kelvin Carter. Sau khi chụp hình xong, ông cũng rời nơi đó mà đi. Ba tháng sau, ông tự tử. Có lẽ vì tuyệt vọng, vì sự bất lực của một người trí thức trước những nỗi đau thương của đồng loại, và có lẽ cả vì phải chứng kiến những bất công còn tồn tại mãi mãi giữa nhân gian. Cái tâm của một nhiếp ảnh gia phương Tây đáng để cho chúng ta thắp những nén hương trân trọng.

 Những bức ảnh tả cảnh đói khổ của con người này đều như những gáo nước lạnh tạt vào mặt tất cả nền văn minh, vào tất cả những danh từ sáo rỗng về tiến bộ, về văn hóa, về cuộc sống tâm linh và tinh thần trên toàn thế giới. Đằng sau những cảnh phù hoa xán lạn của nền văn minh, đằng sau những ngôn ngữ khoa trương về lòng bác ái và lòng nhân đạo, phải chăng đây là chân tướng của cõi đời?

Trong kinh Phật có nói về cảnh giới của loài ngạ quỷ (quỷ đói). Nhưng những kẻ trong các bức ảnh này còn sống dưới cả cảnh giới của loài ngạ quỷ, dù họ là đồng loại của chúng ta, cùng chung sống giữa “Cõi người ta”, trong Dục giới! Loài ngạ quỷ trong kinh dù sao cũng còn có sức để kêu gào vì đói khát, còn những người trong bức ảnh hầu như không còn một chút sức lực nào, kể cả việc mở miệng để nhận thức ăn.

Xác thân con người, từ thượng lưu trí thức đến kẻ bần cùng đều yếu đuối như nhau khi đối diện với cái đói và cái khát. Sự đói khát không chỉ đánh quỵ thân xác mà còn đánh quỵ cả tinh thần con người nữa, cho dẫu đó là những kẻ đã từng một thời đứng ở đỉnh cao quyền lực và được bao phủ bởi những hào quang danh vọng, hay kể cả những bậc khổ hạnh chân tu. Chính đức Phật cũng phải nhận một tô sữa bò của nàng Sujata mới có thể tiếp tục tu hành, trước khi nhìn thấy ánh sao mai mà giác ngộ.

Trong lịch sử nhân loại, có nhiều giai đoạn, loài người vẫn trải qua cảnh đói khát, phải chẻ xương người làm củi, phải đổi con cho nhau mà ăn, nhưng cái đói cái khát đọa đày triền miên cả một vùng châu lục thì có lẽ chỉ có ở châu Phi. Tôi phân vân không hiểu có phải đây là kết quả của một loại “cộng nghiệp” khủng khiếp nào đó trong tiền kiếp, đến mức đâm ra hoài nghi cả quyền năng và ý chí của Đấng Tối Cao. Ngài có nhìn thấy được không cảnh tượng những đứa bé, vì đói khát, phải vục miệng vào bộ phận sinh dục của con bò để cố uống chút nước tiểu còn thừa (hình 2), phải lượm những hạt cơm thừa rơi vãi mà có lẽ đến chó cũng không thèm để mũi (hình 6), cảnh những đứa con đang chết dần vì đói trên tay mẹ (hình 3, hình 4), hay đứa bé đang lê lết như một-con-vật-trong-bộ-xương-người để nhìn theo một chút thức ăn (hình 5)? Ở nơi đó, thử hỏi tôn giáo cùng những lạc phúc tâm linh, mà chúng ta cố tìm cầu trong kinh điển bằng tất cả kiến thức hàn lâm hay công phu quán tưởng trầm tư, liệu có quan trọng và cần thiết bằng một chút cơm thừa canh cặn hay một vài giọt nước tiểu bò?

Tôi vẫn cho rằng địa ngục rốt cuộc cũng chỉ là sự hoảng loạn của tâm thức khi ta đối diện với cái chết trong nỗi hãi hùng. Còn cõi Cực lạc hay Niết bàn là sự thanh thản khi ta đón nhận cái chết bằng tâm thức an nhiên theo lẽ “Bất muội nhân quả” của tổ Bách Trượng. Bản thân cái chết không đáng sợ bằng nỗi ám ảnh của nó. Nhất là cái chết từ từ vì đói khát. Đó có lẽ là một trong những điều kinh khủng và thê thảm  nhất trần gian. Kinh điển Phật giáo, bằng vô lượng phương tiện thiện xảo, giúp ta đi vào tâm đạo bằng cách quán tưởng về bản chất bình đẳng của vạn pháp, bằng cách “hành thâm Bát-nhã-bà-la-mật” để “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Tất cả những điều đó chỉ là sự chuẩn bị cho một tâm thức bình yên ở cuối đường đời.

Kinh Lăng già cho rằng khi quán tưởng thế gian như Mộng, như Huyễn thì ta sẽ đạt đến Như huyễn Tam muội :

“Này Ðại Huệ, bằng tác dụng của đại bi (mahākarunā), bằng phương tiện thiện xảo (upāya) và vô công dụng hạnh (anābhogacaryā), Bồ Tát quán thấy chúng sinh như là huyễn, như bóng …..Khi lần lượt nhập vào từng địa (bhūmi), Bồ Tát đó sẽ đạt được Tam muội (samādhi), hiểu rằng tam giới duy tâm (cittamātra). Tam muội đó được gọi là Như huyễn Tam muội (māyopama)”[1]

Đây là một thông điệp dường như vang lên suốt cuốn kinh Lăng già cũng như các kháng thư đại thừa thâm áo khác. Đã đành quán tưởng thế gian “như huyễn”, hay “như mộng” là một biện pháp để rũ bỏ lòng tham dục và chấp trước, để mở cửa đi vào tâm đạo, song tôi tự hỏi khi đối diện với cảnh tượng cái đói cái khát đang đày đọa những loài chúng sinh hữu tình bằng xương bằng thịt kia, liệu có bậc chân tu nào có thể quán tưởng đó là “như huyễn”, hay “như mộng”?

Kinh Lăng già dạy chúng ta có thể hưng khởi tâm đại bi (hưng đại bi tâm) bằng cách quán tưởng thế gian như hoa đốm giữa trời, như huyễn và như mộng, vượt ngoài các khái niệm “Đoạn” hay “Thường”.

Thế nhưng các cảnh tượng đói khát đày đọa con người xuống dưới cả hàng ngạ quỷ này là “Thường” hay “Đoạn”? Đó là thực tại làm tan nát lòng người hay chỉ là “Hoa đốm giữa hư không”, là cảnh tượng “Như huyễn”, “Như mộng”? Liệu có cần phải quán tưởng thế gian như “Hư không hoa”, như kinh đã dạy, chúng ta mới “hưng đại bi tâm”? Hay chỉ cần nhìn những bức ảnh này, chúng ta cũng cảm nhận được nỗi đau của đồng loại mà rủ bỏ bớt tính ích kỷ, lòng tham dục và mở rộng cõi lòng ra?

Những bức ảnh làm tan nát lòng người kia giống như một cú đập khủng khiếp, làm lung lay tận gốc rễ mọi niềm tin của chúng ta vào những gì thiêng liêng nhất trên cõi đời này. Để làm gì với thi ca và triết học? Để làm gì với những học thuyết đầy ắp những khái niệm siêu hình? Để làm gì với tôn giáo cùng những kiến giải thâm huyền? Để làm gì với những kiến thức uyên bác về Đại tạng kinh, với những ngôn ngữ “ly tứ cú tuyệt bách phi”? Tất cả những thứ đó còn có một chút giá trị nào chăng, khi chúng ta đứng nhìn một cách bất lực trước cảnh đói thảm khốc đã đày đọa những người đồng loại chúng ta xuống thấp hơn cả loài súc vật? Đây mới chính là một loại “công án” đầy cay đắng cho lương tri, mà không một cuốn ngữ lục thiền tông nào có thể nêu ra nỗi! Có bao giờ chúng ta tự hỏi chúng ta lấy quyền gì để được sung sướng trong khi quanh ta, còn có biết bao nhiêu đồng loại còn sống trong cảnh địa ngục trần gian? Kinh ghi chép rằng chư Phật trong quá khứ sẵn sàng xả bỏ không tiếc thân mạng để cầu chánh pháp hoặc để cứu đói cho cả loài vật, theo tinh thần Bố thí Bà La Mật. Còn chúng ta cứ suốt đời nghiên cứu nghiền ngẫm lời Phật dạy, rốt cuộc chúng ta có thể làm được những gì?

Mà một  khi chưa giải quyết được tận gốc rễ những cảnh địa ngục trần gian vì sự đói khát của nhân gian thì có phải chăng mọi tôn giáo, triết học, mọi chủ nghĩa đều là những trò hý luận phù phiếm và vô nghĩa?


[1] (O Mahamati, by deeds of great love (mahākarunā), skillful means (upāya), and effortlessness (anābhogacaryā), a Bodhisattva reviews all beings and knows that they are like maya, they ressemle shadows … As he gradually goes up the higher stages (bhūmi), he will realise a state Samādhi where he comes to understand that the triple world is Mind (cittamātra). The Samadhi he attains is called Maya-like (māyopama) D.T. Suzuki, Studies in the Lankavatara Sutra, Routledge & Kegan Paul Ltd., 1968, p.97).

Thảo luận