Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Nhàn đàm từ chiếc máy tính

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự bùng nổ thông tin như muốn nhận chìm chúng ta vào trong dòng lũ cuốn. Thông tin chồng chất thông tin, những ấn phẩm thi nhau ra đời, dữ liệu không ngừng được cập nhật từng phút, từng giây trên mạng. Nếu ngày xưa chúng ta phải tốn quá nhiều thời gian để tìm kiếm dữ liệu, thì giờ đây chúng ta lại phải tốn nhiều thời gian hơn thế nữa để tiêu hóa cả núi thông tin cho mỗi một vấn đề. Chiếc máy tính ra đời vừa góp phần vào sự bùng nổ thông tin, vừa như một công cụ để giúp con người xử lý vấn nạn này.

Hơn hai thập kỷ qua, những chiếc máy tính đã tạo thành một hệ thống tinh xảo để nối kết toàn cầu vào trong mạng lưới khổng lồ của những siêu xa lộ thông tin. Không gian dường như đã dần thu hẹp lại, thế giới dường như đã có thể dần sát kề vai nhau. Bài thơ Chanson de l’Adieu (Bài ca vĩnh biệt) của Edmond Haracourt có một câu nổi tiếng mà nhiều người trong chúng ta cũng biết : “Partir, c’est mourir un peu” (ra đi là chết một ít ở trong lòng). Không chỉ chết vì sự nỗi buồn chia ly, mà còn chết vì không gian diệu vợi. Đọc thơ Đường, ta luôn thấy điều đó bàng bạc trong tình hoài hương và nỗi sầu cô lữ. Không gian mênh mông khiến lòng người thêm se sắt. Đi là chết. Không phải chết một ít mà chết rất nhiều (!), vì chia tay là biệt biền sơn khê. Phương tiện giao thông liên lạc quá hạn chế khiến không gian trở thành khoảng cách muôn trùng, làm con người không dễ gì gặp lại nhau. Mọi việc giờ đây đã khắc hẳn, chỉ cần mở máy tính ra là có thể chuyện trò và gặp mặt người thân ở cách xa hàng chục ngàn cây số. Một điều thần k‎ỳ hơn cả truyện Tây Du.

Mạng máy tính không chỉ làm thay đổi cuộc sống thường nhật, mà còn dần dần tác động cả đến nếp tư duy của chúng ta nữa. Ngày nay, có lẽ không còn ai mang tư tưởng cực đoan của một Kipling cho rằng Đông Tây mãi mãi không thể nào gặp nhau(1). Không gian được thu hẹp thì con người càng gần nhau hơn, và do đó, có điều kiện tìm hiểu nhau hơn. Con người dần trở thành láng giềng gần gũi của nhau, khi họ có thể cùng chia sẻ tâm tình, tìm sự cảm thông qua những blog, dù chưa một lần gặp mặt. Mạng máy tính đã góp phần tạo nên sự nối kết giữa con người một cách khá dễ dàng, một điều mà mấy ngàn năm qua triết học và tôn giáo chỉ có thể thực hiện bằng những đi khó khăn và chậm chập. Ngày nay, InterNet giúp chúng ta ngồi ở nhà mà vẫn có thể biết được mọi thứ trên trời dưới đất. Lão Tử bảo “Không ra khỏi cửa lớn mà vẫn biết được chuyện trong thiên hạ; không nhìn ngoài cửa sổ mà vẫn biết được đạo Trời(2). Đọc câu văn này trong Đạo đức kinh, người đời nay dễ có cảm tưởng như Lão Tử đang ngồi trước chiếc máy tính để sử dụng InterNet!

Máy tính, với những chức năng đa dạng thần kì, như muốn vượt qua cả con người trong lĩnh vực tưởng chừng như chỉ có sự ngự trị độc quyền của tư duy và trí tuệ. Máy tính đã thay thế con người để thực hiện biết bao nhiêu điều kì diệu chỉ có thể nghĩ tới trong mơ. Biết bao nhiêu tin tức gởi đến người thân cách xa vạn dặm, đòi hỏi mất hàng tháng, thậm chí hàng năm trong những thời kỳ lịch sử trước, thì giờ đây có thể được giải quyết dễ dàng chỉ bằng một cái nhắp chuột, hoặc ấn phím Enter. Càng lạ lẫm và hấp dẫn hơn, khi những trò chơi trực tuyến (game online) có thể đưa ta vào một thế giới cực kỳ phong phú và sống động với bao hình ảnh, âm thanh, ánh sáng. Một thế giới ảo mà như là thật.

Ấy vậy mà toàn bộ cái thế giới diệu kỳ đó, cũng như những tốc độ xử lý kinh hoàng trên máy tính – với hàng trăm triệu phép tính mỗi giây –lại chỉ được lưu trữ và xử lí dựa trên hai trạng thái đóng và mở (ON/OFF) của các mạch điện. Và hai trạng thái này được biểu diễn bằng hai số 1 và 0 của hệ đếm cơ số 2 – hệ nhị phân (binary system). Từ hai con số đó lại biến hoá ra muôn ngàn điều kì diệu nhờ vào một ngôn ngữ lập trình (programming language), và thông qua một hệ điều hành (operating system).

Tôi có thói quen thường hay liên tưởng những sự kiện bình thường trong cuộc sống với những nội dung đã đọc trong kinh điển để cố tìm ra một mối tương quan, vì tôi tin rằng những giáo thuyết cao xa trong kinh điển cũng chỉ là sự phóng chiếu của cuộc sống đời thường, dưới ánh sáng tuệ giác của các chân sư giác ngộ. Bởi vậy đôi lúc suy gẫm về chiếc máy tính, tôi lại cảm nhận được nhiều điều thú vị, khi từ đó chúng ta thử phóng chiếu tầm nhìn lên thế giới hiện tượng chung quanh.

Khi một đứa bé nhìn vào màn hình máy tính, đầu óc ngây thơ của nó sẽ dễ tưởng đó là cảnh thật, và dễ dàng để bị cuốn theo những diễn biến của những cảnh tượng trong đó. Thậm chí đối với những trò chơi trực tuyến, người chơi lắm khi bị cuốn hút đến mức không còn ý thức được rằng mình đang tham gia trò chơi, mà cứ luôn tưởng rằng mình là nhân vật trong cái thế giới thực thực, hư hư kia. Khi chúng ta không làm chủ được cái tâm thì dễ chấp cảnh Ảo là cảnh Thật, để cái Vọng biến thành cái Chân, như trường hợp ông A Nan trong phần mở đầu kinh Lăng Nghiêm. Thử đối chiếu cái nhìn của chúng ta lên thế giới hiện tượng với cái nhìn của đứa bé đó có khác gì nhau? Sống trong thế giới hiện tượng, chúng ta để bị cuốn trôi theo trần cảnh, chấp đó là thực hữu, chúng ta bị trần cảnh sai sử để đắm chìm mãi trong sinh tử luân hồi mà không hề hay biết. Chúng ta cứ mãi mê làm diễn viên trên sân khấu cuộc đời, như một đứa trẻ mê muội tự đánh mất mình trong những trò chơi trên máy tính, mà không một lần sực tỉnh để bình tâm thử làm khán giả mà quan sát cái thế giới kia. Cái thế giới đa thù thiên ban vạn chủng, muôn tía nghìn hồng quanh ta, cái thế giới đang làm ta khổ đau,vui sướng kia, suy đến chỗ rốt ráo cũng chỉ sự hòa hợp của tứ đại, của ngũ uẩn theo lý nhân duyên. Nếu suy về bản chất thì cái thế giới hiện đang làm ta mê đắm -vốn do nhân duyên hòa hợp và sinh diệt theo lẽ tụ tán vô thường- có khác gì cái thế giới đang hiển thị trên màn hình máy tính, vốn được cấu thành từ hai số 1 và 0?

Thử so sánh -dĩ nhiên chỉ là để nhàn đàm- cái thế giới, trong đó ta đang sống, với thế giới trên màn hình máy tính, thì ta có thể xem nguồn điện là Vô minh hay khái niệm “Nhất niệm khởi” của Thiền tông, hệ điều hành là nghiệp lực, còn ngôn ngữ lập trình là sự diễn biến của tâm và thuật toán (algorithm) là l‎ý duyên khởi. Theo công thức nổi tiếng của Niklaus Wirth “Algorithms + Data Structures = Programs” (Thuật toán + Cấu trúc Dữ liệu = Chương trình), thì dựa vào các thuật toán và cấu trúc dữ liệu, một lập trình viên (programmer) có thể dùng ngôn ngữ lập trình để tạo nên nhiều chương trình kỳ thú. Nhìn ở một bình diện khác, điều đó cũng có điểm tương đồng với giáo lý “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, hay “vạn pháp duy tâm tạo” của cái học tâm tông, nghĩa là từ tâm mà sinh khởi nên cái thế giới sai biệt đa thù. Bậc chân nhân đạt ngộ quán sát sự vô thường của vạn pháp từ bản chất của hai số 1 và 0, còn người sử dụng (user) như chúng ta chỉ biết nhìn vào thế giới hiện tượng của màn hình. Khi không có hệ điều hành phù hợp thì các chương trình không thể chạy được, cũng như khi không có tác động của nghiệp lực thì không còn tạo tác của tâm. Khi ngắt nguồn điện thì màn hình trở lại trạng thái tĩnh lặng, cũng như khi Vô minh dứt thì huệ trí hiển bày.

Từ chiếc máy tính, chúng ta có thể nghiệm ra rằng thế giới này vẫn luôn có vô vàn cảnh tượng –tự nhiên lẫn nhân tạo–, cùng những tình huống trợ duyên để giúp chúng ta cảm nhận được thêm những điều học hỏi từ kinh điển, mà ít khi ta lưu tâm đến. Ví dụ giáo lý về sự đầu thai -vốn đã từng gây ra sự tranh luận, không chỉ giữa các tôn giáo, mà ngay cả trong những bộ phái Phật giáo- thì giờ đây, nếu tạm thời chấp nhận thuyết đầu thai có một “chất liệu” làm trạng thái trung gian mà kinh điển hay gọi là “thân trung ấm”, chúng ta có thể tìm thấy sự minh họa khá lý thú khi gởi một lá thư điện tử (Email) qua mạng không dây, hoặc nhắn tin bằng điện thoại di động. Thông tin từ chiếc máy tính hay điện thoại này được truyền qua máy tính hay điện thoại khác có một chút gì đó khiến chúng ta dễ liên tưởng đến hình thức đầu thai, khi chúng ta từ giã kiếp này để tái sinh trong kiếp khác. Chỉ khác một điều là thông tin nơi nhận chỉ là bản sao trọn vẹn từ nơi gởi, trong khi sự đầu thai có thể dẫn chúng ta đến nhiều cõi khác nhau với những hình tướng khác nhau. Nếu môi trường truyền thông tin là không khí, thì động cơ dẫn dắt đầu thai là nghiệp lực. Nếu “chất liệu” của thông tin được truyền đi trong không khí là sóng điện từ, thì “chất liệu” chuyển tiếp trong quá trình đầu thai có thể là một dạng năng lượng nào đó mà những người bình phàm như chúng ta chưa hiểu được, và nhiều giáo lý chưa thống nhất về tên gọi. Nhiều người bác bỏ thuyết đầu thai hoặc tái sinh, xem đó là ý tưởng siêu nhiên huyền hoặc. Con người, nhất là những người duy lý, thường có thói quen xem những gì họ không lĩnh hội bằng l‎ý trí là những điều huyền hoặc, thậm chí là nhảm nhí; mà không bao giờ họ tự hỏi lại giới hạn của tri kiến mình. Sự “siêu nhiên” của thuyết đầu thai đối với những tâm thức chưa được khai mở như chúng ta cũng giống như sự “siêu nhiên” của lá thư điện tử trong mạng máy tính không dây đối với người nông dân ít học. Siêu nhiên chỉ vì chưa hiểu nỗi! Giống như Henry Miller nói “Sự hỗn loạn là một danh từ do chúng ta đặt ra để gọi một trật tự mà chúng ta không hiểu nỗi” (Confusion is a word we have invented for an order which is not understood.). Trong cuộc sống vẫn luôn có những phép lạ thị hiện mà chúng ta chẳng lưu tâm để ý, do sự kiêu ngạo của chúng ta.

Tôi nhớ một câu chuyện vui. Có một tín đồ bị đắm tàu giữa biển, bèn cầu nguyện Thượng Đế cứu giúp. Bỗng có một chiếc du thuyền đi qua, người ta tung phao ra để cứu, song anh ta từ chối và nói : “Tôi đang chờ Thượng Đế đến cứu!”. Được một lúc, lại có tiếp một chiếc tàu lớn nữa đi qua, song anh ta lại từ chối sự giúp đỡ, cũng với l‎ý do như trước. Cuối cùng, anh ta bị chết đuối. Linh hồn anh ta lên đến thiên đường, liền quỳ trước Thượng Đế và trách sao Ngài lại không chấp nhận lời cầu nguyện của mình. Thượng Đế bèn cười mà bảo : “Ta đã gửi một chiếc du thuyền và cả một chiếc tàu lớn đến để cứu con, mà con lại từ chối, thì sao còn trách ta?”

Câu chuyện tưởng chừng là chuyện cười, song ý nghĩa lại vô cùng sâu sắc. Chúng ta muốn hợp nhất với Thượng Đế, nhưng khi Ngài hóa thân để đến với chúng ta thì chúng ta lại khước từ. Chúng ta cầu mong được siêu sinh về cõi Tịnh độ, nhưng lại khăng khăng chối bỏ những cảnh Tịnh độ hiện tiền. Mỗi khi khi tham quan một cảnh tượng đẹp trong thiên nhiên hay một công trình nhân tạo hoành tráng, tôi vẫn thường liên tưởng đến các quốc độ trong kinh điển. Suy cho cùng, nội dung các đại nguyện của những bậc Bồ Tát trong kinh cùng chỉ phản ánh khát vọng kiến tạo một thế giới Tịnh độ lý tưởng ngay trong cõi Ta Bà mà thôi. Vì sao ta lại phải cố gắng cầu nguyện để được vãng sinh về cõi Tây thiên, khi mà ta có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp trên trần gian bằng cái tâm không tham chấp? Ánh đèn điện rực rỡ trong một tòa lâu các hay cảnh bình minh nơi thôn dã, hoặc ánh trăng sao nào có khác gì đèn ngọc lưu ly nơi cảnh Phật? Tiếng vĩ cầm réo rắt từ những quán cà phê hay giọng ca trầm bổng của những gondolier chèo thuyền trên dòng sông nhân tạo trong một casino hoành tráng, tiếng chim hót trong vườn cây hay tiếng hò trên sông trong một đêm thanh vắng cũng đâu có khác gì tiếng chim Ca lăng tần già?

Chúng ta quá chấp trước vào hình tướng, quá câu nệ vào văn tự trong kinh điển nên thường bỏ qua những diệu nghĩa giữa đời thường mà không hay biết. Nếu biết thay đổi cái nhìn, chúng ta vẫn có thể nhận ra rất nhiều điều kỳ diệu giữa trần gian. Chẳng hạn từ những thiết bị vệ sinh hiện đại, nhà nghiên cứu Phật học lỗi lạc Taiken đã liên tưởng đến lời nguyện trong kinh Đại phẩm Bát nhã :

“Nguyện thứ 19 trong Ðại Phẩm Bát-Nhã nói: “Nguyện nhân dân trong quốc độ của ta không có cái nạn đại tiện, tiểu tiện”. Mới nhìn qua, ta thấy nội dung của Nguyện trên có vẻ là không tưởng, nhưng nếu suy nghĩ một chút ta thấy nó hoàn toàn muốn lý tưởng hóa vấn đề vệ sinh, nghĩa là đưa những thiết bị tại các nơi đại, tiểu tiện đến một trạng thái thật hoàn toàn. Bối cảnh của nguyện trên đây là dựa vào ý nghĩa câu sau này mà ai cũng biết: “Lúc đó (chỉ thời kỳ Di Lặc hạ sinh), nam nữ muốn đại tiểu tiện thì đất tự nhiên nứt ra, song rồi đất lại liền lại”. Ý nghĩa của câu này có thể được giải thích là nơi đại tiểu tiện phải được lau chùi rữa ráy cho sạch sẽ. Còn ý nghĩa của Nguyện “không có cái nạn đại tiểu tiện” là đối với việc đại, tiểu tiện không còn phải lo vì đã có đủ mọi thiết bị tiện nghi. Cách đây hơn hai nghìn năm trăm năm, đối với đặc tướng Tịnh Ðộ mà đã đạt đến một dự tưởng như thế, theo một ý nghĩa nào đó, đối với chúng ta, thật đã có điểm cực kỳ tiến bộ.”(3)

Đó là một trong nhiều liên tưởng l‎ý thú về khía cạnh văn hóa giữa thế giới thực với đại nguyện trong kinh điển, mà nhà Phật học Taiken đã phân tích một cách cực kỳ sâu sắc. Cặp mắt của Taiken đọc kinh Phật, cũng như Tô Đông Pha đọc Trang Tử, đều là những “cặp mắt trong nghìn thu”.

Chiếc máy tính có thể là hố thẳm nguy hiểm, khiến những ai mê muội vì nó có thể tự đánh mất mình; nhưng nó cũng có thể là công cụ vạn năng đối với kẻ khéo sử dụng nó như một phương tiện thiện xảo. Cũng vậy, nếu cuộc đời có thể là chiến trường hay chốn khổ đau đối với kẻ tham luyến chấp trước, thì nó cũng có thể là vườn Địa đàng và sự khổ đau cũng có thể là phương tiện trợ duyên đối với những ai băng qua cõi đời bằng cái tâm vô sự của một khách nhàn du.

Ghi chú

(1) Oh, East is East, and West is West, and never the two shall meet.

(Đông là Đông mà Tây là Tây, cả hai mãi mãi sẽ chẳng bao giờ gặp nhau).

(2)“Bất xuất hộ, tri thiên hạ; bất khuy dũ, kiến thiên đạo” (Đạo đức kinh, chương 47)

(3) Kimura Taiken, Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, H.T. Thích Quảng Độ dịch, Tu thu đại học Vạn Hạnh, 1969, tr.420-421.

Thảo luận