Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

NGỌA BỆNH NHÀN TƯỞNG

Tôi nhân thời gian nằm bịnh, suy ngẫm lan man
và ghi lại đôi cảm nghĩ của mình để giải sầu.
Và sẽ còn ghi chép lai rai thêm.

1.

Nếu ta chỉ hít vào mà không thở ra, hoặc chỉ thở ra mà không hít vào thì ta sẽ chết. Tiền bạc mà ta làm ra cũng vậy. Nếu ta chỉ chi ra mà không thu vào thì sẽ khốn cùng, còn nếu chỉ thu vào mà không chi ra sẽ gặp tai hoạ. Đó là sự vận động tự nhiên. Cho nên làm ra tiền và làm việc thiện là hai hoạt động cần phải cân bằng.

2.

Các tôn giáo thường nói đến cảnh giới vô phân biệt, hay trạng thái huyền đồng. Phật giáo thì nói : “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”, Trang Tử thì bảo : “Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, vạn vật dữ ngã vi nhất”. Các học giả đời sau cứ theo đó mà lặp lại như vẹt đọc sách. Ta sống trong thế giới sai biệt thì chấp nhận sai biệt. Một Tây Thi phải khác Chung Vô Diệm, một cung điện phải khác túp lều tranh. Nhưng đối diện với sự sai biệt mà không khởi tâm phân biệt, đó mới là ý nghĩa của tâm vô phân biệt. Người bình dân thường đùa “Tắt đèn, nhà ngói như nhà tranh.” Nhà ngói thực ra vẫn khác nhà tranh, chúng chỉ không còn sai biệt khi tắt đèn. Tắt đèn, đó là tâm vô phân biệt vậy.

3.

Tôi thỉnh thoảng cũng có điều kiện thưởng thức được những món ngon vật lạ. Khi ăn thấy ngon lạ lùng, cho đó là hàng thượng phẩm. Nhưng nhớ lại khi còn nhỏ, vui chơi ngoài đồng ruộng, ăn hột mít lui hay củ khoai lang nướng cùng đám bạn, cảm giác sảng khoái vẫn không kém chi lúc ăn nhưng loại hàng thượng phẩm kia. Như vậy, cái ngon của thực phẩm chưa hẳn nằm nơi bản thân chúng mà nằm nơi trạng thái tinh thần của người hưởng thụ.

4.

Thời bao cấp, tôi phải ăn cơm ở bếp tập thể hơn mười năm ròng. Nhiều khi phải ăn toàn cơm nguội, khô cứng. Ban đầu nhai thấy khô xảm khó nuốt, chỉ muốn nhả ra. Nhưng kiên nhẫn nhai một hồi lâu, khi chúng đã nát và hòa tan vào nước bọt thì lại thấy vị ngọt, dễ nuốt hơn. Từ đó, tôi nghiệm ra những nỗi oan vô cớ, cũng như bao nỗi khổ đau trong đời đều giống như thứ cơm nguội khó tiêu kia. Nếu ta có thể ôm lấy những nỗi oan khó bề biện bạch, những nỗi buồn không thể sẻ chia mà lặng lẽ tìm cách chuyển hóa chúng đi, như kiên nhẫn nhai cơm nguội, để người khác được vui thì hẳn ta sẽ thấy tâm bình yên lắm.

5.

Nghịch cảnh cùng những nỗi bất hạnh trong đời thường đem lại cho ta nhiều bài học quý báu, nhưng chỉ khi ta đối diện và vượt qua chúng bằng cái tâm thanh thản.

6.

Một khu vườn nho nhỏ, một tủ sách, một cây đàn, một cái bàn nhỏ để ngồi viết và đọc. Có hạnh phúc nào lớn hơn?

7.

Sống trong đời cần phải biết tri ân đối với những gì ta nhận được. Bài học tri ân lớn nhất mà ta cần học để làm người là lòng hiếu thảo.

8.

Những kẻ huênh hoang kiêu ngạo trong đời thường chỉ do hai nguyên nhân. Một là cái biết chưa đến nơi đến chốn; hai là do mặc cảm sợ thiên hạ xem thường mình.

9.

Tịnh khẩu là pháp môn tu rất khó. Học phái Pythagoras của Hy Lạp cổ đại bắt môn đồ phải tịnh khẩu 5 năm như là lễ nhập môn. Tôi qua cơn phẫu thuật, tạm thời không nói được, trải nghiệm được pháp môn tịnh khẩu một cách tự nhiên. Há chẳng phải có duyên sao?

10.

Suốt hơn một tháng qua, mỗi ngày chỉ uống không tới nửa thìa cà phê nước lọc. Toàn ăn uống qua ống sonde. Lưỡi không biết đến ngũ vị. Tự nhiên trải nghiệm được phép “tịnh cốc” của đạo gia. Chẳng cũng khoái ư?

11.

Yêu âm nhạc và biết thưởng thức âm nhạc cổ điển phương Tây là một điều may mắn trong bình sinh.

12.

Đường thi quyến rũ tôi ngay từ thời còn bé vì đôi khi tôi tìm thấy một phần đời mình trong đó.

13.

Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên kỳ diệu của những tiến bộ khoa học với bao ứng dụng công nghệ phi thường. Thụ hưởng được những ứng dụng đó là điều vô cùng may mắn. Tôi năm 38 tuổi, quyết định bỏ 6 năm đi học Công Nghệ Thông Tin, sau đó giảng dạy môn này và vận dụng nó trong viết lách. Đó là một quyết định sáng suốt trong đời.

14.

Chân – Thiện – Mỹ là ba tiêu chí toàn bích trong mọi hoạt động của nhân loại, nhưng đôi khi chúng lại không thể dung hoà. Gặp một cô gái đẹp, ta rung động, đó là vì lẽ Mỹ. Làm một bài thơ hoặc bản nhạc đem tặng để biểu đạt cảm xúc, ấy là thuận với lẽ Chân. Nhưng điều đó lại gây tổn thương cho tình cảm của vợ, vậy là đi sai lẽ Thiện. Há chẳng khó ư?

15.

Tuổi thọ 100 năm của đời người được tính theo 100 chu kỳ quay của trái đất quanh mặt trời. Nếu một ngày kia vận tốc của trái đất chậm đi một nửa thì tuổi thọ con người giảm còn 50 hay tăng thành 200 so với hiện nay? Từ đó hiện ra câu hỏi : thời gian thực sự là gì?

16.

Nước cùng lấy từ vòi, đem đặt lên bàn thờ để cúng thì thấy linh thiêng, đem dội cầu thì thấy nhơ bẩn. Cùng một bản chất lại sinh ra hai thứ tịnh, cấu khác nhau. Shakespeare, trong vở kịch Hamlet, nói : “There is nothing good or bad, but our thinking makes it so.” Chẳng có gì là tốt hay xấu , là thiện hay ác, chỉ do ta nghĩ sao thì nó là vậy. Triết gia Emerson cũng nói : “Good and bad are but names very readily transferable to that or to this.” (Thiện ác, chính tà cũng chỉ là các danh từ, chúng có thể hoán chuyển dễ dàng từ cái này sang cái kia) (Self − Reliance). Câu nói của Shakespeare và Emerson soi sáng câu “Thị chư pháp Không tướng BẤT CẤU, BẤT TỊNH” của Bát Nhã Tâm Kinh.

17.

Cung Tiến là bạch hạc cô độc bên sông. Phạm Duy là đại bàng ngạo nghễ. Văn Cao là phượng hoàng cao nhã. Trịnh Công Sơn là hoạ mi làm dáng. Ngô Thuỵ Miên là dạ oanh đa cảm. Lam Phương là bách thanh muôn điệu. Hoàng Trọng là thiên nga lượn gió. Ngoài ra còn còn có nhiều nhạc sĩ khác góp những tiếng hót tạo nên cảnh tượng “bách điểu tề minh” kỳ diệu của miền Nam trước 1975.

18.

Phim hình sự 100 tập, xem chừng 5 tập ngẫu nhiên cũng đoán được nội dung. Ca khúc nghe từ đầu đến cuối chẳng hiểu nói gì. Đó là tình trạng chung của nền văn nghệ Việt Nam hiện nay.

19.

Vivekananda là một chân sư vĩ đại. Ông chỉ hiện thị ở trần gian có 32 năm nhưng tạo ra một cơn địa chấn kỳ tuyệt về tư tưởng. Ông đến và đi như một tia chớp. Những bài giảng ứng khẩu của ông cho thế giới phương Tây không khác gì những bài thuyết pháp ứng cơ của cư sĩ Duy Ma Cật. Nơi ông, ta nhận ra một Nietzsche mang hình hài của Bồ Đề Đạt Ma.

20.

Trong vũ trụ luôn có luồng tú khí vận động. Khi nó ngưng tụ tại trái đất thì nhân loại đột nhiên nở rộ các thiên tài. Khoảng 500 trước CN, nhân loại nảy sinh biết bao chân sư và tư tưởng gia vĩ đại: Thích Ca ở Ấn Độ; Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử v.v… ở Trung Quốc; Parmenides, Heraclitus v.v… ở Hy Lạp. Luồng tú khí đó lại xuất hiện ờ Phương Tây thời Phục Hưng với bao thiên tài văn nghệ Shakespeare, Leonard de Vinci, Beethoven, Mozart, Bach, v.v… Có phải đó là ” khí hạo nhiên ” của Mạnh Tử chăng?

21.

Có bao kẻ tài hoa bước vào đời bằng trái tim nặng trĩu ước mơ để rồi ra đi với một tâm hồn hoang phế. Nhưng nỗi sầu đó sẽ kết tinh thành châu ngọc trong văn thơ để lại cho đời.

22.

Julius Cesaer bảo :”Cái chết đẹp nhất là cái chết bất ngờ.” Tôi muốn nói thêm nếu đang uống rượu, nghe nhạc mà được chết bất ngờ thì càng thêm tuyệt diệu.

23.

Khi tôn giáo biến thành công cụ cho thế quyền thì bề ngoài nhìn có vẻ phồn thịnh nhưng thực chất là suy đồi. Và giới tăng lữ tự mãn sẽ dần tự biến mình thành tầng lớp tôi đòi.

24.

Khi khoa học lý giải được cái chết thì tôn giáo sẽ không còn tồn tại.

25.

Chó là vật nuôi rất dễ bị cảm nhiễm tâm của chủ. Một người chủ tính tình thô bạo hay bản tâm hung ác thì khó lòng nuôi được con chó hiền.

26.

Nhìn trình độ của đội ngũ giảng viên một trường đại học, có thể đánh giá được trình độ sinh viên. Nhìn trình độ của những người lãnh đạo một đất nước, có thể đánh giá được trình độ dân trí của nước đó.

27.

Khi nghe Văn Vỹ đàn cải lương, tôi thấy ông chẳng khác gì Johm Williams, Julian Bream hay David Russell v.v… trong thế giới guitar classical. Họ đều là những nghệ sĩ tài hoa hiếm có và tiếng đàn của họ có một điểm chung, đó là nó tỏa ra được phần hồn âm nhạc.

28.

Viễn Châu trong âm nhạc cải lương có tầm vóc không khác gì Phạm Duy, Văn Cao trong tân nhạc. Họ đều là những tài năng lớn.

29

Walt Whitman là Bồ Tát phương Tây. Tập thơ Leaves of Grass của ông có thể xem là bản dịch kinh Hoa Nghiêm, hiểu theo nghĩa Thiền tông là “bản dịch” của Phật giáo Ấn Độ tại Trung Quốc.

30.

Hai điểm ở hai góc đầu cuối của một tờ giấy trải phẳng cách nhau khá xa. Đó là không gian trong thực tế. Thử gấp tờ giấy lại thì hai điểm đó có thể sít vào nhau. Đó không gian trong tư tưởng hay cảnh giới thiền quán.

31.

Để lên được đỉnh núi cao, con rùa phải mất 5-10 năm, nhưng con đại bàng chỉ cần vài lần vỗ cánh. Đó là sự khác biệt giữa thiên tài và sự cần cù.

32.

Đã tài hoa thì khó lòng uyên bác, đã uyên bác thì không thể tài hoa. Kẻ tài tử vừa tài hoa vừa uyên bác hẳn phải do phước huệ song tu.

33.

Trong các con vật dường như chỉ có loài heo mới thấy thoả mãn khi được cho ăn no, còn tất cả loài vật khác ít nhiều đều khao khát tự do. Vậy mà tự cổ chí kim vẫn có những người trí thức sống thoả mãn như thế đó trong một xã hội mà mọi quyền tự do ngôn luận và tư tưởng đều bị bóp chết.

34.

Chỉ khi lâm vào cảnh khốn quẫn hoặc đối diện cái chết, bạn mới hiểu ai là người thực sự yêu quý mình.

35.

Những kẻ trí thức ra dáng vẻ đạo mạo và hay thuyết giảng về đạo lý thường là những kẻ về tình không đáng để gặp gỡ mà về tài cũng không xứng để giao du.

36.

Kẻ có tiền sở hữu một bức danh hoạ, nhưng chỉ kẻ biết thưởng ngoạn mới là chủ nhân thực sự.

37.

Nghệ sĩ chân chính là người biết cái đơn điệu tẻ nhạt trong cuộc sống thành những điều tao nhã, đầy thi vị, chứ không phải là bằng cách phô trương lối sống vô trách nhiệm và “bất cần đời” rẻ tiền. Đó là điểm phân biệt họ với những loại “nghệ sĩ” ba xu và “thiên tài tỉnh lẻ” đầy dẫy trong thiên hạ.

38.

Viết lách trong một chế độ kiểm duyệt ngặt ngoèo là một điều khó. Giống như cầu thủ trên sân bóng, có thể phạm luật một cách kín đáo theo kiểu “miên lý tàng châm” để khỏi bị trọng tài phát hiện và phạt thẻ đỏ.

39.

Sinh ra với ngũ quan đầy đủ, không bị tật nguyền; được ăn học để có chút vị trí trong xã hội; có thể tự lao động để sinh sống không phải phiền lụy đến ai; có được ba điều đó đã là người vô cùng may mắn, chớ nên mơ tưởng thêm nhiều.

40.

Người giàu nhất là người sống thanh thản, không mắc nợ và không lệ thuộc ai về tiền bạc.

41.

Phật giáo có một nghi thức mà tôi thấy vô cùng dị ứng, đó là cha mẹ quỳ lạy đứa con đã xuất gia, với lý do là thuở trước vua Tịnh Phạn từng quỳ lạy đức Phật Thích Ca. Thực ra, vua Tịnh Phạn quỳ lạy đức Phật Thích Ca là quỳ lạy đấng Toàn Giác, bậc thầy cả cõi thiên nhân, chứ đâu phải quỳ lạy đứa con xuất gia! Thân là phàm tăng, chữ hiếu chưa báo đáp là chưa trọn đạo làm người, để cha mẹ quỳ lạy mình là tự tạo thêm nghiệp chướng.

42.

Trong các loại nhạc cụ, chỉ có cây guitar là khi đàn, ta có thể ôm trọn nó vào lòng như ôm một người yêu.

43.

Trong tiếng Hán, chữ “tự 寺” (chùa), gồm chữ “thổ 土”(đất) và chữ “thốn 寸” (tấc Tàu, tầm 3.5cm) ý nói chùa chỉ cần một mảnh đất nhỏ để tu tập. Điểm tiên quyết của tu tập theo Phật giáo là dùng trí tuệ quán chiếu thế gian để tìm cầu giác ngộ. Ngày nay sư sãi đua nhau kêu gọi quyên góp để làm chùa chiền cho thật to lớn, liệu có đúng chăng?

44.

Ở Việt Nam hiện nay, chùa chiền cực kỳ tráng lệ nhưng không có Phật.

45.

Ở đời có ba điều đáng tiếc. Rượu ngon thuộc hàng thượng phẩm mà lại dùng chung với thịt cá, đó là một điều đáng tiếc. Đi du ngoạn đến nơi danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp lại không biết thường ngoạn mà chỉ lo mê mãi chụp hình, đó là hai điều đáng tiếc. Bên người đẹp như tiên mà lại giục thoát y để lên giường gấp, đó là ba điều đáng tiếc.

46.

Đạo đức kinh của Lão Tử nói : “Không ra khỏi cửa mà biết hết chuyện trong thiên hạ.” Ngày nay câu nói đó được thể hiện theo nghĩa đen khi cầm một cái smart phone nối kết internet.

47.

Mặt trăng dựa vào mặt trời để tỏa sáng nhưng lại tạo ra được ánh sáng huyền ảo diệu kỳ. Con người dựa vào kẻ khác để tỏa sáng chỉ tạo nên một hình ảnh thiểu não, thấp hèn.

48.

Internet là món quà tặng tuyệt vời của Thượng Đế cho nhân loại khi nối kết toàn cầu bằng những siêu xa lộ thông tin, nhưng lại là kẻ thù của những nhà cai trị độc tài muốn dùng chế độ ngu dân để phủ lên mình một màn sương huyền thoại.

49.

Xem chương trình Thế Giới Động Vật, thầy đàn linh cẩu truy đuổi sư tử, chợt nhớ đến câu nói của Albert Einstein : “Không thể chống lại bọn ngu vì chúng quá đông.” 

50.

Các nốt nhạc trong bản tổng phổ cho dàn nhạc trông đẹp và quyến rũ như một bức tranh đầy bí ẩn.

51.

Hành động hay nói năng trong cơn giận dữ chẳng khác nào tự lao mình vào đống lửa.

51.

Thởi gian tán chuyện vô bổ trong đời đủ để ta học thông thạo một ngoại ngữ.

52.

Chỉ có ngôn ngữ toán học mới thực sự là thánh ngữ của con người.

53.

Nghiên cứu triết học phương Tây mà không thông thạo toán học và không say mê thi ca thì chỉ học được lớp vỏ ngoài.

54.

Thiên văn học là môn học giúp ta thu nhỏ cái tôi lại trước sự bao la huyền mật của vũ trụ.

55.

Kim Định là một linh mục kỳ diệu, nối tiếp Trần Trọng Kim để mở ra những chân trời bao la trong tư tưởng Khổng Tử.

56.

Cách dấu dốt hay nhất trong các cuộc tranh luận là nên im lặng.

57.

Đừng bao giờ đắn đo khi có cơ hội làm việc thiện.

58.

Hãy mang ơn người mà ta giúp đỡ vì họ giúp ta nâng cao được phần thiện trong ta.

59.

Hãy biết cung kính quỳ lạy Cha Mẹ trước khi quỳ lạy các bức tượng của mọi Đấng Tối Cao trong thế gian này.

60.

Cha Mẹ sinh ra ta cũng giống như Thượng Đế tạo ra vũ trụ.

61.

Kẻ tri thức chân chính cần phải biết giữ một khoảng cách với quyền lực và tiền bạc để được là chính mình.

62.

Một bức tranh đẹp, vạch lên một nét nguệch ngoạc, cả bức tranh bị hỏng. Cũng vậy, cả đời làm điều thiện, chỉ một hành động hay lời nói ác cũng đủ hủy hoại hết bao công đức.

63.

Tình mẫu tử là một trong những điều kỳ diệu nhất của tạo hóa, giúp vũ trụ được trường tồn.

64.

Một nền giáo dục chỉ nhắm mục đích đào tạo ra những anh hùng bằng các khẩu hiệu sáo rỗng thay vì đào tạo những con người chân chính thì kết quả chỉ có thể tạo ra những kẻ trơ lỳ vô cảm, không còn khả năng cảm thụ được vẻ đẹp nhân văn.

4
Thảo luận

Chuong Lam

Đọc hết “Ngọa bệnh nhàn tưởng” bỗng thấy mình nhỏ bé hèn hạ quá chừng. Mong anh Huỳnh Ngọc Chiến bình yên trong thân xác lẫn tâm hồn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào…

Bùi Thu Hà

Anh Chiến viết nữa đi nghe , H bắt đầu thích nghiền ngẫm những bài viết của Anh rồi đó! Mỗi ngày đọc 2,3 bài thôi rồi tự mình chiêm nghiệm, thật là thú vị! H đang đọc những Tuỳ bút và những Ghi chép tình cờ… H thích văn phong của Anh ngắn gọn súc tích nhưng cũng rất là tình cảm , không khoa trương, không nặng nề và rất là Tam kỳ , rất thật, , rất chân chất đó ! Cũng có nhiều bài H chưa hiểu hết, nhưng sẽ để dành đó… sau này về… Xem thêm »