Một trong những thú vui của sự du lãm là khi đến một nơi nào đó, ta biết rất ít về nó hoặc không biết gì cả. Có vậy ta mới tận hưởng được sự ngỡ ngàng trước những danh thắng và cả trước những con người. Mọi sự bất ngờ đều thường mang những vẻ đẹp không thể diễn tả bằng lời. Tôi đến công tác tại Buôn Ma Thuột với tâm trạng của một khách du lãm như thế đó. Tôi phải “năn nỉ” đổi chuyến công tác về Cần Thơ với một cô bạn đồng nghiệp để được đến với Tây Nguyên.
Dư hưởng của cơn bão Sangxane kéo dài đến tận cao nguyên khiến thời tiết cứ âm u mãi. Những cơn mưa về đêm đã giữ chân tôi ở thành phố Buôn Ma Thuột đến suốt một tuần. May sao, đúng đêm rằm TrungThu, trời lại có trăng đẹp, tôi mới có dịp ngồi trên lầu cao của một quán cà phê để thưởng thức cảnh thả đèn lồng tại quãng trường nơi trung tâm phố núi.
Sáng thứ bảy, trời nắng ráo hứa hẹn một buổi weekend thú vị. Tôi cùng các em học viên lên đường đến buôn Đôn. Ra khỏi thành phố không xa là đã thấy những ngôi nhà sàn, hoặc ở ngay mặt tiền hoặc thấp thóang trong những tàn cây, dọc theo con đường nhựa. Hôm đó dù Tây Nguyên không nhiều gió nắng, nhưng tôi thấy trong lòng vô cùng ấm áp. Hai bên đường nhựa là ngút ngàn những cây xanh, cùng những rẫy cà phê và những nương ngô. Dọc đường tôi bắt gặp một cái tiệm cắt tóc nhỏ với bảng hiệu : “Tại đây nối mi và duỗi tóc” xen lẫn với những ngôi nhà sàn! Hóa ra cách làm đẹp của các cô gái thành phố cũng đã len lỏi vào tận buôn làng để tìm đến với các cô gái Ê-Đê.
Đi trên những chiếc cầu treo đong đưa dưới tán lá xanh um ở buôn Đôn, tôi nhìn xuống dòng sông Sê-Rê-Pôk cuồn cuộn chảy mà thầm chiêm nghiệm ra cái hùng vĩ của Tự Nhiên. So với cái cầu treo bắt trên dòng sông Sê-Rê-Pôk này thì những câu thơ :
Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Et nos amours
Faut-il qu’il m’en souviennne
(dưới cầu Mirabeau dòng sông Seine chảy
và những mối tình của đôi ta
có nên nhớ lại? )
Trong bài thơ Le pont Mirabeau của Apollinaire nghe hiền lành và có vẻ “thư sinh” quá. Nếu những chiếc cầu treo đong đưa đem lại cho ta cảm giác thơ mộng thì dòng sông Sê-Rê-Pôk lại đem đến cho ta những cảm xúc vô cùng hùng tráng. Không thể chỉ là “Et nos amours, Fault-il qu’il m’en souviennne” mà là một cái gì đó mênh mông hơn nữa.
Mọi dịch vụ phục vụ ở khu du lịch Buôn Đôn hãy còn nghèo nàn lắm. Có lẽ tại tôi không đi đúng vào ngày lễ hội. Nhưng như vậy lại có cái hay là cảnh thiên nhiên chưa bị thay đổi bao nhiêu bởi bàn tay con người. Tôi không thích đến những khu du lịch sinh thái mà được phục vụ quá đầy đủ; nó làm ta mất một phần cái thú thưởng ngọan thiên nhiên. Khác nào đi ăn những món ăn bình dân, mà lại đến những nhà hàng sang trọng với người bồi bàn thắt nơ đứng chầu chực đằng sau lưng!
Trên đường về, chúng tôi ghé thác Gia Long và Đrâynur ỏ buôn Kuốp. Đứng ngắm thác nước cuồn cuộn, dù đó chưa là những ngọn thác thực sự hùng vĩ, sao tôi vẫn thấy con người quá đỗi nhỏ bé, nhỏ bé đến mức thảm thương. Nguồn nước ào ạt, bị những tảng đá chặn ở cuối dòng chảy, bắn bọt nước lên trắng xóa, trông như một lớp sương mỏng rất đổi ảo huyền. Đứng trên cầu treo bắc qua dòng thác Đrâynur, ngắm thác đổ dưới ánh nắng chiều hôm, tôi thầm cảm nhận được vì sao người xưa lại nói Tạo hóa là cái kho vô tận. Vô tận tạng! Nước chảy cuồn cuộn như thế suốt ngày đêm, mà nguồn nước không vơi. Biển chứa muôn sông nghìn suối mà biển vẫn không đầy. Cái lẽ biến dịch của Tạo hóa hiện ra trong muôn nghìn cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ mà những con người sống quanh quẫn mãi ở thành phố có bao giờ hiểu được? Tôi nghĩ rằng Khổng Tử khi nói “Thệ dã như tư phù! Bất xả trú dạ!” (Tuôn chảy mãi thế này ru! Ngày đêm không thôi!) hoặc Héraclite khi nói “Con người không bao giờ tắm được hai lần trên một dòng sông” hay TrangTử khi viết chương Thu Thủy trong Nam Hoa kinh thì nhất định họ không thể đứng trước những con sông trong xanh hiền hòa, mà phải đứng trước những dòng sông cuồn cuộn như dòng sông Sê-Rê-Pôk.
Đứng dưới chân thác nhìn lên, màu trắng xóa của nước hòa lẫn với màu trời nên chúng ta dễ có cảm tưởng như dòng sông tuôn ra từ chỗ mênh mông mây trắng. Và tôi chợt nhớ đến câu thơ của Lý Bạch : Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai. Bôn lưu đáo hải bất phục hồi. Dòng sông Hoàng Hà từ trời cao đổ xuống, tuôn ra đến biển chẳng quay về. Dù chưa được thấy sông Hoàng Hà, nhưng hàng ngàn năm sau, đứng trước dòng thác Đrâynur cuồn cuộn chảy, tôi vẫn còn cảm nhận được thi hứng dào dạt của người xưa trước cảnh tượng hùng tráng của thiên nhiên.
Các cô gái Ê-Đê khỏe mạnh lưng đeo gùi, băng qua cầu treo để vào rừng, dù trời đã về chiều. Tôi đưa máy hình lên định chụp, các cô giơ tay che mặt rồi khoát tay, cười rất hồn nhiên, nói tiếng Kinh lơ lớ nghe thật đáng yêu: “Thôi, đừng!”.
Cơn mưa chiều đã giữ chúng tôi ở trong rừng đến 7 giờ đêm, trong một quán nước nhỏ cạnh chân thác Đrâynur. Anh chàng bảo vệ khu du lịch thác là người Ê-Đê đã dạy cho chúng tôi vài câu nói Ê-Đê. Những câu nói Ê-Đê nghe thật êm tai và hồn nhiên như thác, như suối, như tâm hồn của những con người quen sống với núi với rừng.
Chúng tôi hối hả quay về thành phố khi cơn mưa hơi ngớt, mà không dám đợi cho cơn mưa tạnh hẳn vì sợ phải ở lại trong rừng suốt đêm. Trên đường về, trời se lạnh, chúng tôi ghé vào một quán nhỏ ven đường để mua áo mưa. Gặp các cô gái Ê-Đê trong quán, chúng tôi cùng trêu Aděi khăp-kơ ayǒng mơh hě? (em có yêu anh không?). Ayǒng khăp-kơ aděi lu lǐn! (Anh yêu em nhiều lắm!). Lại gặp những nụ cười hồn nhiên và những giọng Kinh lơ lớ đáng yêu : “Ngại quá đi!”. Tiếc là tại trời mưa, nếu không thì tôi lại có thêm một dịp để thưởng thức ánh trăng rừng. Trương Trào bảo rằng vật cảm lòng người thì trên trời không có gì bằng trăng, nhưng tôi nghĩ đó hẳn phải là ánh trăng nơi rừng núi hoặc trăng trên sông nước, chứ không thể là ánh trăng trên bầu trời vô hồn của một thành phố đầy những khối bê-tông và ánh đèn đường!
Khi chúng tôi về lại thành phố Buôn Ma Thuột dưới cơn mưa lâm râm thì đã hơn 9 giờ đêm, với đôi giày ướt sũng, khiến hơi lạnh thấm cả vào người. Ly rượu đế loại nước nhất thơm nồng của chủ nhà đã giúp tôi xua đi cái lạnh buốt mang tự rừng về.
Chủ nhật, chúng tôi ghé lại nhà ca sĩ Y Moan. Anh quá nổi tiếng nên vừa hỏi đường là người ta đã chỉ ngay. Một căn nhà trong buôn Đhăprông, ở vùng ngoại ô thành phố. Anh và tôi chưa hề biết nhau, nhưng gặp nhau như là đã quen. Anh cũng như mọi người con Ê-Đê hiếu khách, hồn nhiên và thuần phác của vùng đất Tây Nguyên. Không có rượu cần, chúng tôi cùng uống rượu đế và ca hát. Giọng hát của “đứa con của rừng” vang lên giữa trưa trong buôn Đhăprông nghe hừng hực âm hưởng của núi rừng. Chỉ với cây Guitare mà giọng anh vẫn rền vang như dòng sông Sê-Rê-Pǒk.
Buổi tối đi uống cà phê tại quán Uyên Phương, khi tôi kêu đến ly rượu rhum thứ tư thì bị từ chối với lý do: Truyền thống của quán không được bán ly rượu thứ tư cho khách. Nghe như chuyện tửu quán dưới chân núi Cảnh Dương bán loại rượu “Ba chén không được qua núi”, loại “Thấu bình hương” cho Võ Tòng, trong truyện Thủy Hử hồi thứ hai mươi hai! Không hiểu quán đã bị những kẻ uống say quậy phá nên không dám bán nhiều, hay chủ quán muốn gây ấn tượng cho khách. Tôi phải móc danh thiếp ra, bảo cô tiếp viên đưa cho chủ quán để chủ quán yên tâm rằng khách không phải là “dân quậy”(!). Cô tiếp viên cầm đi, lát sau quay lại với ly rhum thứ tư, tươi cười bảo : “Lần đầu tiên quán em phá lệ đó”! Đây quả là cái lạ của thành phố Tây Nguyên.
Buổi chiều trước khi về Sài Gòn, các em học viên cùng tôi uống cà phê tại quán Rainy dưới chân thung lũng, bên dòng suối. Các em cùng hát với nhau thật hồn nhiên, với cây Guitare lạc âm ngay bên con suối không trong xanh, mà đục ngầu như dòng sông mang nặng phù sa. Tôi muốn ngồi lâu hơn nữa, nhưng đến 7 giờ các em phải đưa tôi ra sân bay để kịp quay về Sài Gòn trong chuyến bay đêm. Trên con đường dẫn ra sân bay tối mịt không có ánh đèn đường, tôi thấy bâng khuâng như sắp đánh mất một thứ gì. Tây Nguyên thật lạ, giống như một người đàn bà khi ở bên nhau thì ta không thấy gì, nhưng khi xa nhau thì lại nhớ, lại thương. Dường như trong tướng pháp gọi đó là những người đàn bà mang tướng “nội mi”. Với tôi, có lẽ Tây Nguyên chính là người đàn bà mang tướng “nội mi” đó.
Ti bin Ih lǒ hriê lăn đăp kơ ngư? Khi nào bạn trở lại Tây Nguyên. Tôi không biết, chỉ biết rằng Akâo khǎp-kơ lăn đăp kơ ngư lu lǐn. Tôi yêu Tây Nguyên lắm. Tây Nguyên của gió và nắng. Tây Nguyên của thác đổ và núi rừng. Còn nhiều nơi đẹp nữa mà tôi chưa kịp đến. Nhưng không sao. Tôi sẽ quay lại Tây Nguyên một ngày nào đó. Ơi những Uyên, những Giang, những Chi, những Cúc, những Hwing, những Ngọc, những Eban, những Trung, những Nam, những Tuấn …. tôi đến với Tây Nguyên vào những ngày không có nhiều gió nắng, nhưng các em đã là gió nắng của Tây Nguyên. Và đó là những gió nắng mà tôi khó lòng tìm được giữa chốn bụi bặm, nơi thành phố miền xuôi.
7.20007
Thảo luận