Tiểu luận này là tuyển tập những bài viết của tôi về Kim Dung, đăng trên các báo Kiến thức ngày nay, Pháp luật. Tôi có bổ sung thêm một vài bài, và có sửa chữa đôi chút cho phù hợp, khi in ra dưới dạng sách. Viết về Kim Dung, với tôi, là cách để nói lên những suy niệm riêng của mình. Và cũng là cách nói hộ cho rất nhiều người khác, những gì họ mà họ đã ấp ủ từ lâu trong tâm niệm. Đọc các tác giả lớn như Kim Dung, ta phải nên luôn luôn tư niệm một điều “Nhà tư tưởng luôn luôn suy tư về một điều duy nhất”.
Tác phẩm Kim Dung làm người đọc say mê không chỉ ở cốt truyện hấp dẫn, nghệ thuật kể chuyện tài hoa, hoặc ở chỗ đưa người đọc đến với môt thế giới rộng lớn bao la và thiên nhiên huyền bí, mà còn ở chỗ nó đặt ra những vấn đề trầm trọng cho tư tưởng. Các bộ sách đồ sộ của ông âm thầm kết tập vô số dư vang, dưới ánh sáng lung linh của Đông Phương Sơ Thủy, và mở ra một thông đạo thênh thang cho tư tưởng, để đón nhận nhiều dư hưởng mênh mông khác từ bốn phương vọng lại. Để lịch hành trên thông đạo đó, thì cách hay nhất là đọc trực tiếp các tác phẩm của ông, bởi vì “Shakespeare will never be made by the study of Shakespeare“[1] (Chân tướng của Shakespeare sẽ không bao giờ hiển lộ bởi Shakespeare học). Điều đó cũng đúng với Kim Dung, và đúng với các tác giả lớn khác, suốt dưới vòm trời Đông Tây kim cổ.
Đi vào thế giới Kim Dung bằng những suy niệm chân thành, chúng ta sẽ dễ nhận ra mối “nhất dĩ quán” trong hàng chục bộ sách của ông. Nhưng nhận ra ở mức độ nào, hoặc nhận ra được điều gì, thì điều đó còn tuỳ thuộc vào cơ duyên của từng người. Và đi vào thế giới Kim Dung cũng có nhiều thể cách : hoặc bỡn cợt phiêu bồng, hoặc trầm ổn túc mục, hoặc lai rai khoái hoạt, hoặc đăm chiêu tư niệm.
Và xin mượn lời thi sĩ Bùi Giáng để kết thúc cho phần tựa :
“Đọc truyện vũ hiệp là một trong những phép tu dưỡng kí ức và khơi dẫn nguồn vui ẩn mật trong mình. Đọc theo lối hồn nhiên, hoặc vừa đọc vừa suy gẫm. Chưởng lực, kiếm thế, nội kình phát ra có thể là tinh thể của tinh thần phát hiện.
Riêng đối với bạn thi sĩ, sách vũ hiệp có thể giúp bạn làm thơ lai láng một cách không ngờ. Điều đó không có chi lạ : ban sơ vũ học,văn học, thi nhạc cùng phát khởi tại một cỗi nguồn: uyên nguyên của tinh thần xuất phóng“.[2]
Như thế phải chăng là đã nói rất nhiều?
Quảng Nam,
cuối năm con Rồng, 2000
[1] R.W. Emerson, Self-Reliance, The Havard Classics, 1937, tr.80
[2] Kim Kiếm điêu linh, NXB Võ Tánh, 1967, (lời cuối sách)
Đã hơn sáu năm rồi, kể từ xuất bản cuốn “Lai rai chén rượu giang hồ”, đời tôi đã trải qua những cuộc “biển dâu” kinh dị mà trước đây tôi vẫn chưa thể hình dung trong trí tưởng; và do đó tôi thấy yêu thêm cõi giang hồ. Cõi giang hồ quả là chốn kiếm đao vô tình giết người trong chớp mắt, đầy dẫy những cảnh tàn bạo kinh người, nhưng nó khác hẳn với cõi người ta ở một điểm cực kỳ quan trọng: đó là nó không giành chỗ cho sự đê tiện. Khách giang hồ luôn trọng nghĩa và thủ tín, họ có thể tàn nhẫn hiếu sát, nhưng họ không bao giờ đê tiện. Đó là một trong những lý do sách kiếm hiệp vẫn luôn mê hoặc tôi từ bé.
Chính qua cuốn “Lai rai chén rượu giang hồ” mà tôi được biết thêm những người bạn trẻ còn tha thiết với cái học phương đông. Lần tái bản này, tôi gộp hết những bài viết về Kim Dung in thành một tập để đánh dấu ngày tôi không viết về Kim Dung nữa. Nếu Kim Dung còn có gì để viết, thì tôi tin rằng chính các bạn trẻ đó sẽ là những người cầm bút trong tương lai.
Tôi cho đăng lại nguyên văn những đoạn mà khi đăng báo đã bị lược bỏ, hoặc bổ sung sửa đổi lại một đôi chỗ. Xin chân thành cám ơn các bạn trẻ chưa quen biết, trong các năm qua, đã đưa những bài viết này lên mạng để đến với nhiều độc giả, và chân thành cảm ơn ý kiến đánh giá của các bạn, khen cũng như chê. Với tôi, bài viết đến được với nhiều bạn đọc là đủ. Do đây là tập hợp những bài báo, không phải là một tác phẩm “nghiên cứu” về Kim Dung, nên có một đôi chỗ trùng lặp, dù rất nhỏ nhưng vẫn mong bạn đọc cảm thông.
Cảm ơn những độc giả đã chia sẻ cùng tôi những suy tư về Kim Dung. Đúng hay sai, điều đó không quan trọng, mà điều quan trọng nhất là chúng ta đã cùng đến với Kim Dung như một cái cớ giúp ta tìm về những chân trời mênh mông diệu vợi, để gặp thêm những điều huyền mật còn ẩn tàng trong cõi nhân sinh.
Sài Gòn, Mạnh hạ, năm Bính Tuất 2006
Ghi chú :
Nhằm giúp các bạn trẻ làm quen với một vài khái niệm triết học đông phương, tôi cho in kèm nguyên văn của một số câu thơ và các đoạn trích dẫn, để các bạn tiện tham khảo. Những câu thơ Hán hoặc Việt, không có trích xuất xứ đều là thơ của tác giả.
Trước 1975, tác phẩm Kim Dung thường được tìm đọc qua bản dịch của dịch giả tài hoa Hàn Giang Nhạn. So với bộ nguyên tác Kim Dung mà tôi được đọc qua, thì có một số thay đổi nhỏ về tên gọi các nhân vật quen thuộc. Điều đó không quan trọng lắm, nhưng tôi xin liệt kê một vài tên để các bạn đọc, vốn đã quen với các tên nhân vật qua bản dịch, khỏi bỡ ngỡ khi đọc cuốn tiểu luận này.
Tên trong bản dịch cũ | Tên trong nguyên tác | |
Vương Ngọc Yến | Vương Ngữ Yên | |
Triêu Dương thần giáo | Nhật Nguyệt thần giáo | |
Hân Thiên Chính | Ân Thiên Chính | |
Hân Ly | Ân Ly | |
Tiểu Siêu | Tiểu Chiêu | |
Triệu Minh | Triệu Mẫn | |
Long Mộc đảo | Hiệp Khách đảo |
[1] Lời tựa cho bản in của NXB Phương Nam, năm 2006
Nội dung sách trong lần in này của NXB Trẻ, so với lần in trước thì có thêm bài bàn về ni cô Viên Tính trong Phi Hồ Ngoại Truyện. Đây là bài cuối cùng tôi viết về Kim Dung trong tạp chí Kiến thức Ngày Nay.
Đã hơn 15 năm trôi qua, kể từ khi tôi chia sẻ tâm tư cùng bao suy niệm với bạn đọc về Kim Dung trên tạp chí Kiến thức Ngày Nay. Một quãng đời đã mất, nhưng nó không khép lại trong quên lãng, mà cứ âm thầm xuất hiện theo kiểu lai rai ngẫu nhĩ tình cờ đây đó, để rồi đến hôm nay lại có cơ hội “tái xuất giang hồ”.
Cảm hứng của tôi về Kim Dung vẫn không hề cạn, dù không viết thêm bài nào nữa về ông. Từ năm 2006, tôi không viết về Kim Dung nữa, với mong mỏi câu chuyện Kim Dung sẽ được tiếp tục bởi những cây bút trẻ, sôi nổi hơn, uyên bác hơn, có điều kiện hơn. Vì với tôi, Kim Dung vẫn là một tác giả lớn, còn nhiều điều để khám phá.
Cùng Kim Dung, ta trải qua bao cuộc tranh chấp đoạt lợi tranh danh đầy máu lửa chốn võ lâm, trải qua bao chuyện thị phi ân oán kinh người, đắm chìm theo những mối tình trái ngang đầy nước mắt, như một người trong cuộc, để rồi một ngày nhìn lại, thấy tất cả đều như một giấc mộng hư huyền. Nhưng còn đọng mãi trong tôi lời nói của Phương Chứng đại sư, khi đáp lễ Lệnh Hồ xung khi cảm tạ ơn cứu mạng :
Nói làm chi đến đại ân đại đức hay thâm cừu đại hận? Ân đức là duyên mà oán cứu cũng là duyên; cừu hận không nên giữ trong lòng, mà ân đức cũng không cần phải giữ trong lòng. Mọi chuyện thế gian đều như khói tỏa mây bay trước mắt; sau cuộc trăm năm, còn có chi là ân đức oán cừu?
Thuyết thậm ma đại ân đại đức, thâm cừu đại hận! Ân đức thị duyên, oán cừu diệc thị duyên, cừu hận bất khả chấp trước, ân đức diệc bất tất chấp trước. Trần thế chi sự, giai như quá nhãn vân yên; bách tuế chi hậu, cánh hữu thậm ma ân đức cừu oán! 說 甚 麼 大 恩 大 德 , 深 仇 大 恨 ? 恩 德 是 緣 , 冤 仇 亦 是 緣 , 仇 恨 不 可 執 著 , 恩 德 亦 不 必 執 著 。 塵 世 之 事 , 皆 如 過 眼 雲 煙 , 百 歲 之 後 , 更 有 甚 麼 恩 德 仇 怨 ?
Cùng đích của việc đọc Kim Dung phải chẳng là để ghi nhớ câu nói đó trong lòng, để làm hành trang đi giữa cuộc trăm năm?
Sài Gòn, ngày 16 tháng 8 năm 2015
[1] Đây là lời tựa cho bản in của NXB Trẻ năm 2016
Sau khi giao bản thảo cuốn Lai Rai Chén Rượu Giang Hồ cho NXB Trẻ để in lần thứ ba, tôi nghĩ đó sẽ là bản in cuối cùng với những bài viết cuối cùng.
Tình cờ, tháng 9/2018 đại đức Thích Nhuận Châu, trong một chuyến đi giảng dạy Phật học tại Huế, đã tìm về Quảng Nam thăm tôi, chỉ để động viên tôi viết tiếp về Kim Dung, theo hướng triển khai tư tưởng Phật giáo trong Kinh Kim Cương. Đó là một cuộc gặp gỡ bất ngờ và lý thú vì chúng tôi chỉ biết nhau qua thư từ và sách vở. Sau buổi mạn đàm hôm đó, tôi viết vài Tản Mạn Về Ảnh Hưởng Của Kinh Kim Cương Trong Tác Phẩm Kim Dung, và, trong đợt tái bản lần này, sắp nó nằm ở vị trí thứ hai cho đúng trình tự của chủ đề cuốn sách. Bài đó xin được xem như một chút gợi hứng cho những cây bút trẻ viết về đề tài này, về ảnh hưởng của Phật giáo mà trong cuốn Lai Rai Chén Rượu Giang Hồ vẫn chỉ mới bàng bạc như chút mây trời. Tháng 10, năm 2019
Thảo luận