Tưởng Chi Kỳ – Huỳnh Ngọc Chiến dịch
Chi Kỳ thường khổ vì Lăng Già khó đọc, lại khó tìm được bản in tốt. Gặp lúc Nam Đô Thái tử Thái bảo Trương công cho lưu hành kinh này, mà My sơn Tô Tử Chiêm viết chữ để khắc, làm thành bản Kim Sơn thường trụ, Kim Sơn trưởng lão Phật Ấn đại sư Liễu Nguyên mới đem trao cho Kỳ.
Chi Kỳ nhân đó mà nói rằng : Kinh do Phật thuyết tổng cộng có 12 bộ, mà nhiều đến 5000 quyển. Thời kỳ chính pháp còn lưu hành, số người chỉ nghe nửa bài kệ hay một câu kinh mà ngộ nhập nhiều không kể xiết. Đến sau thời kỳ tượng pháp và mạt pháp, xa lìa thánh giáo, người người đắm chìm nơi văn tự, có cái nguy khốn của người đếm cát biển, mà đối với cái thể Nhất Như Chân Thực thì vẫn không hiểu thấu. Do vậy mà có Tổ sư xuất hiện để trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật, lấy đó làm giáo ngoại biệt truyền. Trong khoảng mặt đổi sắc, miệng mở lời cũng khiến cho bậc thượng căn nhìn thấy mà khai ngộ.
Cho nên Vân Môn mắng Phật, Dược Sơn cấm môn đồ không được đọc kinh, đều là ý đó. Do vậy, bỏ Phật gọi là thiền, lìa nghĩa gọi là huyền. Vì thế, kẻ học Phật tất phải chê bai thiền, mà kẻ ghét nghĩa tất phải tôn sùng huyền. Môn đồ hai nhà đều cho nhau là sai, mà không biết cái dùng của nhau.
Vả lại, thiền là một trong lục độ, há khác với Phật đâu? Chi Kỳ cho rằng thiền xuất phát từ Phật, mà huyền xuất phát từ nghĩa. Không đem Phật mà bỏ thiền, không đem huyền mà bỏ nghĩa thì mới gần với đạo.
Nhiễm Cầu hỏi : “Nghe điều nghĩa rồi thì có thể thực hành ngay được chăng?”. Khổng Tử đáp : “Nghe điều nghĩa rồi thì có thể thực hành ngay được”. Tử Lộ hỏi : “Nghe điều nghĩa rồi thì có thể thực hành ngay được chăng?”. Khổng Tử đáp : “Còn có cha, anh đó, làm sao có thể thực hành ngay được?”[1]. Nhiễm Cầu rụt rè nên khuyến khích cho tiến thêm lên, còn Do [tức Tử Lộ] tính nóng nảy nên kiềm chế bớt lại. Thuyết giáo há có cố định đâu? Chỉ bổ cứu được chỗ thiên lệch mà thôi vậy. Cái ngăn lấp trong việc học Phật là đắm chìm nơi kinh văn, mê hoặc theo cú nghĩa, mà người không thể hội được huyền, nên phải nói thiền để bổ cứu. Cái ngăn lấp trong việc học thiền là rong ruỗi ở chỗ nói suông, ham mê theo lời bàn lạ, mà người không liễu ngộ được nghĩa, nên phải nói Phật để bổ cứu. Hai nhà bổ cứu cho nhau mà Phật pháp được trọn vẹn vậy.
Ngày trước tổ Đạt Ma từ phương Tây đến, truyền tâm ấn cho Nhị tổ. Tổ nói : “Ta có kinh Lăng Già bốn quyển nay trao cho ngươi. Đây là tâm địa yếu môn của Như Lai, có thể khiến cho chúng sinh được khai, thị, ngộ, nhập”. Đây là Phật và thiền cùng được truyền, mà huyền cùng nghĩa đều được trao vậy.
Đến đời Ngũ tổ mới đổi, lấy kinh Kim Cương truyền thụ. Cho nên Lục tổ nghe khách đọc kinh Kim Cương mà hỏi kinh từ đâu tới. Khách nói : “Tôi từ Đan Châu, phía đông huyện Hoàng Mai ở núi Ngũ Tổ đến”. Ngũ Tổ thường khuyến tăng tục thường hằng trì tụng kinh Kim Cương tức sẽ kiến tánh thành Phật. Như thế thì việc tụng kinh Kim Cương là bắt đầu từ thời Ngũ Tổ, nhờ đó kinh Kim Cương được thịnh hành ở đời, mà kinh Lăng Già dần dần bị thất truyền vậy. Ngày nay kinh Lăng Già được lưu truyền, thực sự là nhờ Trương công đề xướng. Chi Kỳ qua Nam Đô yết kiến Trương công, đích thân nghe ông nói duyên do của kinh Lăng Già. Thoạt đầu, Trương công là Hàn lâm học sĩ từ Tam ty sứ đến nhậm chức ở đất Trừ[2]. Ngày kia đến Lang Nha tăng xá, thấy một hòm kinh, mở ra xem thì đúng là kinh Lăng Già. Ông mơ màng biết đây là cuốn sách mình đã viết trong tiền kiếp, nét bút còn nguyên. Chỉ có thần thánh mới có thể đem kinh trao như vậy, việc đó quá rõ ràng.
Chi Kỳ nghe nói Dương Thúc Tử[3] lúc lên năm, bảo vú nuôi lấy món đồ chơi là vòng vàng cho mình. Vú nuôi nói : “Con không có vật này”. Hựu bèn tự mình đi đẽn bờ tường phía đông của nhà hàng xóm họ Lý, ở trong rừng dâu mà tìm được. Chủ nhân cả kinh bảo : “Đây là vật bị thất lạc của đứa con trai đã mất của ta, sao lại đem đi?” Vú nuôi bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện, mới hay tiền thân của Hựu là con trai của nhà họ Lý.
Bạch Lạc Thiên[4] khi được bảy tháng, người vú nuôi chỉ hai chữ “Chi” và ”Vô”, đọc thử cả trăm lần vẫn không sai. Chín tuổi đã hiểu thanh luật. Vú nuôi nhân đó càng đôn đốc thêm cho tài năng rực rỡ, lẫm liệt trùm đời, mà Lạc Thiên thì lại cho đó là túc duyên đời trước.
Con người đem cái bản tính nhất chân bất diệt mà cứ qua lại trong cõi sinh tử, giữa khoảng trời đất. Số kiếp trải trong bao đời, dù có chẻ hết cây cỏ trong thiên hạ để ghi chép lại cũng không sao tính xuể, song do bị trầm luân nơi sinh tử, thần thức dần hao mòn nên không thể nhớ lại. Duy có những bậc cao minh sáng suốt mới biết được.
Như Trương công dùng văn chương cao viễn, kế sách hùng đại đậu khoa tiến sĩ, đi có người hầu, nắm quyền lèo lái, xuất nhập ở triều đình bốn mươi năm, sự nghiệp oanh liệt đã ghi sâu vào tai mắt mọi người, ắt tiền thân của ông hẳn là bậc đại thiện tri thức, không còn nghi ngờ gì nữa. Ông có thể nhớ lại chuyện kiếp trước, há chẳng đáng tin sao? Cho nên nhân đọc kinh Lăng Già mà nhớ lại nhân duyên với kinh vậy.
[1] Ý nói cần phải tham khảo ý kiến các bề trên . Nhiễm Cầu và Từ Lộ là hai môn đồ của đức Khổng Tử.
[2] Tên một huyện ở tỉnh An Huy
[3] Tên là Hựu, tự Thúc Tử (211-278), danh thần đời Tây Tấn. Cuối đời Tam Quốc, sau khi Tư Mã Viêm diệt được nhà Ngụy, cùng Dương Thúc Tử bàn kế họach diệt Ngô. Ông ra trấn nhậm thành Tương Dương, làm đô đốc Kinh Châu, khai khẩn đồn điền, tích trữ lương thảo, chuẩn bị kế hoạch diệt Ngô. Nhưng ngày thường ông vẫn mang đai chùng mặc áo cừu mỏng, không mang áo giáp, cùng tướng Ngô là Lục Kháng cho sứ cầm cờ tiết đi lại, nhằm để thu phục nhân tâm người nước Ngô vùng Giang Hán.
[4] Tức Bạch Cư Dị, thi hào nổi tiếng của Trung Quốc thời Đường.
Thảo luận