Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

LỜI GIỚI THIỆU CỦA NGƯỜI DỊCH

Dịch một số tác phẩm kinh điển, với tôi, là cách để trả phần nào món nợ tinh thần – dù chỉ trong muôn một– đối với những vị đạo sư tâm linh phương Đông mà tôi có cơ duyên tìm học. Và suốt đời tôi, họ vẫn luôn như những ánh sao dẫn đường. Đại sư Vivekananda là một trong vị đạo sư tâm linh vĩ đại đó.

Đại sư Vivekananda (1863 –1902), tên thật Narendra Nath Datta, là một nhân cách được yêu thương và tôn kính tại Đông phương lẫn Tây phương, với tư cách là người cách tân Ấn giáo tại Ấn Độ, và là một nhân vật chủ chốt trong việc giới thiệu triết học Vedānta cùng Yoga của Ấn Độ với thế giới phương Tây. Có thể xem đại sư là người tiên phong thành công nhất trong việc đem ánh sáng của  triết học và tôn giáo phương Đông đến với đầu óc duy lý phương Tây, mở đường cho những nhân vật lỗi lạc sau này như Suzuki, Krishnamurti v.v…. Trước ông, chưa một ai có thể khiến thế giới  phương Tây tâm phục đến thế.  

Với phong cách đường bệ như  một ông hoàng, với trí tuệ siêu phàm cùng biện tài vô ngại của  một tâm hồn giác ngộ, đại sư hầu như khuất phục được hầu hết thính giả  gồm những trí thức  lỗi lạc của phương Tây.  Hình ảnh đại sư Vivekananda sừng sững giữa hai nền văn hóa Đông Tây như một tượng đài vĩ đại, mà ánh hào quanh càng ngày thêm chói lọi giữa thời buổi  nhiễu loạn tâm linh như hiện nay.  Tại Ấn Độ, đại sư Vivekananda được coi như một vị thánh yêu nước; kể  từ  năm 1985, chính phủ Ấn Độ đã tổ chức  sinh nhật của ông một cách  trọng thể như là ngày hội Thanh Niên Toàn Quốc (National Youth Day) của đất nước Ấn Độ.

Giới thiệu hay trình bày tư tưởng đại sư Vivekananda đều là việc làm phù phiếm và vô nghĩa, vì bản thân ông, cũng như tác phẩm và tư tưởng của ông, tự nó đã tỏa sáng rực rỡ như mặt trời. Chúng ta có nên dùng ánh sáng của cây đèn dầu để nhìn cho rõ ánh mặt trời? Cách hay nhất để tìm hiểu tư tưởng của đại sư Vivekananda là đọc trực tiếp tác phẩm của ông. Đọc những tác giả lớn như Krishnamurti hay Vivekananda, ta sẽ hiểu ra rằng những tác phẩm luận giải về tôn giáo, triết học nào mà không dựa trên sự thực chứng, dù người viết có là những học giả uyên bác nhất đi nữa thì đó cũng chỉ thuần là trò chơi của trí năng và ngôn ngữ, chứ chúng hoàn toàn không giúp được gì cho chúng ta về phương diện tâm linh, ngoài một đống khái niệm mà đôi khi người viết cũng chỉ biết nhại lại kinh điển hoặc nắm bắt một cách rất đỗi mơ hồ.

Ngôn ngữ của đại sư Vivekananda đơn giản, hồn hậu mà đầy hùng lực. Không chỉ là một học giả uyên bác, đại sư còn là một hành giả đã chứng ngộ nên những lời dạy của ông đều hừng hực ngọn lửa giác ngộ từ nội tâm. Phần lớn những bài diễn thuyết của đại sư đều là ngẫu hứng và ứng khẩu. Đó mới thực sự là ngôn ngữ của bậc chứng ngộ, vì chúng tuôn trào từ nội tâm quá đỗi phong phú.

Theo người viết tiểu sử của đại sư thì khi còn nhỏ, có lần đánh nhau với bạn, ông vấp phải bục tam cấp và ngã xuống, đập đầu vào một khối đá. Máu chảy dầm dề, để lại một vết sẹo nơi mắt phải. Vài năm sau, khi nghe chuyện này, đạo sư Ramakrishna nói : “Đó là điều tốt đẹp. Nếu không bị mất bớt máu, thì có lẽ cậu ta còn tàn phá cả thế giới bằng năng lượng sung mãn của mình“. Đọc những lời giảng của đại sư Vivekananda, ta cũng chẳng ngạc nhiên chi lắm với lời nhận định của vị đạo sư Ramakrishna – người thầy của Vivekananda và được người Ấn xem là hóa thân của Thượng Đế.

Cũng theo  lời của đạo sư Ramakrishna thì một hôm, khi đang nhập định, Ramakrishna thấy tâm trí mình bay vút lên cao, vượt qua cõi vũ trụ hữu hình của nhật nguyệt, tinh tú, và đi vào cảnh giới tế vi của tư tưởng. Tâm trí ông cứ bay lên cao dần, vượt qua mọi rào chắn ngăn cách vũ trụ hiện tượng với Cõi Tuyệt Đối, rồi cuối cùng đi vào trong cõi siêu việt đó. Tại đó, Ramakrishna thấy bảy vị tôn giả đang tọa thiền. Trong lúc đang chiêm ngưỡng cảnh tượng tâm linh thù thắng thì ông thấy một phần của Cõi Tuyệt Đối vô sai biệt đó dần cô đặc lại và tạo thành Hài Nhi Linh Thánh. Hài nhi đó leo lên đùi một trong bảy vị tôn giả, đưa cánh tay mềm mại ôm choàng lấy cổ vị đó rồi thì thầm điều gì đó vào tai;  nhờ cái va chạm thần diệu đó mà vị tôn giả xuất định. Hài nhi hân hoan cất tiếng : “Ta sắp giáng trần, ngài có muốn theo ta không?”. Vị tôn giả chấp thuận với ánh mắt nhân từ, và nhập định trở lại. Ramakrishna sửng sốt khi nhìn một phần nhỏ của vị tôn giả kia giáng trần dưới hình thức một làn ánh sáng; làn ánh sáng đó bay vào ngôi nhà của cha mẹ Vivekananda. Cho nên khi nhìn thấy Vivekananda  lần đầu, Ramakrishna đã nhận ra ngay ông chính là hóa thân của vị tôn giả nọ. Đạo sư Ramakrishna cũng thừa nhận Hài Nhi Linh Thánh đã khiến cho vị tôn giả kia giáng trần không ai khác hơn là chính ông.

Cảnh tượng trong trạng thái nhập định của đạo sư Ramakrishna có vẻ như khá hoang đường đối với đầu óc duy lý của chúng ta, nhưng nếu không thế thì cũng khó lòng lý giải yếu tố nào đã tác động, nhân duyên nào đã tụ hội để tạo nên một Vivekananda xuất chúng –  người  có thể làm chấn động cả hai thế giới Đông Tây, dù chỉ qua đời ở tuổi 39. Ta cũng đừng quên rằng đạo sư Ramakrishna là người có quyền năng siêu phàm[1].  

Ngôn ngữ của đại sư cuồn cuộn như sóng biển, mãnh liệt như những cơn sấm sét, chúng đánh thức những tiềm năng vô hạn đang tiềm ẩn nơi con người mà, do vô minh, chúng ta không hề hay biết. Hình ảnh con người trong tác phẩm của đại sư là Thượng Đế rực rỡ chói ngời trong ánh sáng của Chân Lý.

Hãy đứng vững như một tảng đá, các bạn bất khả hủy diệt. Các bạn là Chân Ngã, là Thượng Đế của vũ trụ này. Hãy nói : “Ta là Tồn Tại Tuyệt Đối, Lạc Phúc Tuyệt Đối, Tri Thức Tuyệt Đối, ta là Ngài”. Và như con mãnh sư phá vỡ chuồng giam, hãy bẻ gãy xích xiềng và tự do vĩnh viễn. Điều gì khiến cho các bạn sợ hãi? Điều gì đè nén các bạn? Chỉ có vô minh và ảo tưởng, ngoài ra chẳng có gì khác trói buộc các bạn cả. Các bạn là đấng Thanh Tịnh Vô Nhiễm, là đấng hưởng Lạc Phúc Đời Đời.

Đọc tác phẩm của đại sư, ta có cảm giác như đang nghe Nietszche rao giảng về siêu nhân, hay Bồ Đề Đạt Ma đang thuyết về giáo lý “kiến tánh thành Phật” trong cái học tâm tông. Mãnh liệt và đi thẳng vào trọng tâm. Đôi khi lại giống như cách bỡn vợt phiêu bồng của Trang Tử trong Nam Hoa kinh. Tất cả đều tự nhiên như nước chảy mây bay, như không hề có dấu vết của sự dụng công. Đó mới thực sự là ngôn ngữ của bậc giác ngộ.

Nhiều tư tưởng trong Kinh Thánh và kinh điển Phật giáo cùng về kết tập vô số dư vang trong những lời giảng của đại sư. Tư tưởng của đại sư Vivekananda có nhiều điểm tương đồng cùng kinh Phật, điều đó không có chi là lạ, bởi vì triết học Vedānta – mà đại sư là người đại diện – cùng với tư tưởng Phật giáo đều phát xuất từ cái nôi Ấn Độ. Nhưng điều lý thú là tác phẩm của ông lại soi rọi nhiều ánh sáng mới lạ vào Kinh Thánh, đặc biệt là Tân Ước, xóa sạch mọi khái niệm hoang đường về tội lỗi nguyên thủy, địa ngục và thiên đàng, để cuốn thánh thư đó bừng chiếu lên ánh sáng nguyên thủy kỳ diệu của Tình Thương.

Hình ảnh đức Phật Thích Ca và Chúa Jesus vẫn luôn thấp thoáng sau tác phẩm như biểu tượng của Trí và Bi để dìu con người đến giác ngộ. Nếu đừng để bị vướng mắc vào ngôn ngữ, đừng quá câu nệ vào danh từ, nếu hiểu khái niệm Linh Hồn hay Chân Ngã trong tư tưởng triết học Vedantā cũng chính là Bản tâm hay Phật tính của Thiền tông, chúng ta sẽ thấy tất cả như đều dung thông về một mối theo lẽ “đồng quy nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự” trong cõi đạo phương Đông.

Tôi có may mắn đọc đại sư Vivekananda rất sớm khi còn đi học, qua tác phẩm Tôn giáo là gì, viết theo lời của Vivekananda? (bản dịch của Vương Gia Hớn, NXB An Tiêm, 1969). Bên cạnh những tư tưởng Phật môn huyền ẩn, vốn luôn cuốn hút tâm trí của thế hệ mới lớn chúng tôi thuở ấy, thì cuốn sách tuyệt vời đó – với bìa sách bạc màu vì nắng, và hầu như bị bỏ quên nơi góc tủ trong một tiệm sách nhỏ – đã gây một chấn động rất lớn trong tôi. Tôi đã háo hức đọc ngày đêm, như một kẻ mò mẫm sơ cơ tìm được người thầy chỉ cho mình con đường đi vào phương trời bao la của cõi đạo phương Đông. Từ đó, tôi cố tìm nguyên tác tiếng Anh của đại sư để đọc. Nhưng rồi những biến động của lịch sử đã khiến cho tất cả sách vở đều bị thất lạc, và những ước mơ không sao thành tựu như ước nguyện. Mãi đến gần 40 năm sau, tôi mới có được tác phẩm The Yogas & Other Works của đại sư, mà các bạn đang cầm bản dịch trên tay.

Đến bây giờ, khi đã trải qua gần một đời người và có dịp tìm tòi nhiều nguồn tư tưởng Đông Tây, khi bước chân đã kinh lịch gần hết khoảng thời gian trong cõi người ta phù ảo, tôi vẫn luôn xem việc tìm được tác phẩm đó, bên cạnh những trang kinh Phật, là một trong những cơ duyên lớn trong đời mình trong quá trình băn khoăn đi tìm ý nghĩa của kiếp người, từ lúc bắt đầu bước chân vào Lễ Hội Trần Gian với tâm thức hoang mang.

Toàn bộ tác phẩm 9 cuốn của đại sư Vivekananda thật quá đỗi đồ sộ so với số tuổi 39 của ông. Cuốn The Yogas & Other Works gần 1000 trang, được xem là bản tinh tuyển từ bộ toàn tập đó. Tôi dịch phần quan trọng nhất là bốn tác phẩm Yoga gồm Jnāna-yoga, Bhakti-yoga, Karma-yoga và Rāja-yoga. Phần tiểu sử đầy đủ của đại sư Swami Nikhinalanda biên soạn lại quá dài (gần 200 trang nguyên tác), được thay bằng phần tiểu sử ngắn gọn mà súc tích của Christopher Isherwood trong tác phẩm What religion is in the word of Swami Vivekananda (Tôn giáo là gì, theo lời của đại sư Vivekananda), NXB Avaita Asharam, Calcutta, 1991). Tạm đủ để bạn đọc theo dõi được lộ trình tư tưởng của đại sư Vivekananda.

 Tôi mong sao bản dịch này sẽ tìm được đến với những tâm hồn cũng từng khát khao tìm tòi như tôi ngày trước, theo lẽ “thanh khí ứng cầu“, để rồi họ sẽ tự tìm ra cho mình một con đường băng qua những khu rừng huyền ẩn phương Đông. Con đường đó dẫn đến đâu thì còn tùy cơ duyên từng người. Nhưng tôi cầu mong rằng, và tin rằng, con đường đó ít nhiều cũng dẫn chúng ta đi qua cõi thế hư huyễn này với đôi chút bình yên.

                                                                                               Sài Gòn, mùa Phật Đản 2015

                                                                                                         Dịch giả cẩn chí

                                                                                                       Huỳnh Ngọc Chiến


[1] Xin đọc tiểu sư đại sư Vivekananda  của Isherwood ở phần tiếp theo sau.

Thảo luận