Nhan đề bài viết dễ dàng gợi ta nhớ đến câu thơ quen thuộc trong chốn Thiền lâm. Hưu hướng Như Lai hành xứ hành! Theo Thiền uyển tập anh thì thiền sư Quảng Nghiêm đời Lý được cho là tác giả bài kệ nổi tiếng sau đây:
Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ,
Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh.
Nam nhi tự hữu xung thiên chí,
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.
(Lìa tịch diệt mới có thể bàn chuyện đi vào cõi tịch diệt
Sinh vào cõi vô sinh rồi sau đó mới có thể bàn đến chuyện vô sinh
Làm trai phải tự mình có chí xông lên trời thẳm
Đừng có bước đi theo con đường Như Lai đã đi)
Hai câu đầu nói lên cái học thực chứng trong Phật pháp, hai câu cuối nói lên tông phong tự lực để tự tại của Thiền. Hai câu cuối rất được truyền tụng rất trong giới Thiền lâm, song hai câu này đã được ghi chép từ rất lâu trong các bộ Ngữ lục Thiền tông Trung Quốc, chứ không phải do thiền sư Quảng Nghiêm sáng tác. Trong Cổ tôn tú ngữ lục thì hai câu này xuất hiện trong pháp thoại của nhiều thiền sư Trung Quốc với nội dung “Trượng phu tự hữu xung thiên chí, Bất hướng Như Lai hành xứ hành”.
Sư Chân Tĩnh thượng đường, giảng : “Ngày trước, đấng đại giác Thế Tôn mở đầu việc truyền đạo ở vườn Nai, vì năm vị tỷ khưu mà chuyển bánh xe pháp, giảng về tứ diệu đế, chỉ có ông Kiều Trần Như là ngộ đạo sớm nhất. Hôm nay bần đạo hướng vào trong động Tân Phong, chỉ chuyển động cây trụ trượng này mà thôi”. Đoạn sư hướng cây trụ trượng về phía bên trái của giường thiền, nói : “Lại có người ngộ đạo sớm nhất ư ?”. Im lặng giây lát, sư nói: “Có thể nói là : Kẻ trượng phu phải tự mình có chí xông trời thẳm, đừng có đi theo lối của Như Lai”. Sư hét lớn một tiếng rồi hạ tòa.(1)
Còn trong Ngũ đăng hội nguyên hai câu này xuất hiện ba lần, trong pháp thoại của các thiền sư Thúy Nham Khả Chân, thiền sư Trường Lô Tể Minh, và thiền sư Báo Ấn ở Kính Sơn với nội dung “Trượng phu tự hữu xung thiên chí, Mạc hướng Như Lai hành xứ hành” hoặc “hành xứ lai”
Thiền sư Thúy Nham Khả Chân thượng đường, giơ cây trụ trượng lên nói : “Cây gậy này biến thành Đại tướng quân của nhà Trời, tuần du khắp bốn cõi trong thiên hạ. Dù là kẻ giữ khí tiết hay không giữ, dù là kẻ giữ giới luật hay không giữ cũng đều tấu theo điệu nhạc của trời Đế Thích”. Nói xong, sư quát một tiếng lớn rồi nói tiếp “Kẻ trượng phu phải tự mình có chí xông trời thẳm, đừng có đi theo lối của Như Lai” (2)
Thiền sư Trường Lô Tể Minh thượng đường, quay nhìn bên trái nói : “Hình trạng sư tử há khỏi vươn mình?”, rồi quay sang bên phải nói : “Uy nghi voi chúa nên quên quay đầu? Chọn bên bỏ bên kia, bậc thượng sĩ làm sao kham nỗi? Hiểu biến biết cơ cũng chỉ là hốc chồn hang cáo. Đến cảnh giới đó rồi mới biết chỗ mà thành phàm chưa đi qua, nơi mà xưa nay chưa từng ai đến. Thử nói ai đến được nơi đó rồi?” Im lặng một lúc rồi sư nói : “Kẻ trượng phu phải tự mình có chí xông trời thẳm, đừng có đi theo lối của Như Lai”. (3).
Sư Bảo Ấn chỉ lặp lại pháp thoại của thiền sư Chân Tĩnh (Sđd, q.20)
Cả ba câu đều có nội dung giống nhau, chỉ khác ở các chữ “hưu, bất, mạc” đều hàm ý răn cấm, can ngăn, “Như Lai hành xứ hành” hay “hành xứ lai” dùng để chỉ con đường hành đạo của Đức Như Lai, “Nam nhi” hay “trượng phu” ở đây đều dùng để chỉ kẻ tu thiền. Điều đáng lưu ý là sau khi nói xong hai câu này thì các thiền sư đều dùng tiếng hét để chấm dứt buổi thuyết pháp, dường như muốn tăng thêm sức chấn động lên tâm thức của thính chúng.
Tác giả hai câu này có lẽ là thiền sư Chân Tĩnh. Các thiền sư Việt Nam đời Lý, đời Trần thường sử dụng pháp thoại hay bài kệ từ những bộ ngữ lục Thiền tông của các bậc cổ đức Trung Quốc để điểm hóa môn đồ một cách khế cơ khế lý, mà ta rất thường gặp trong Thiền uyển tập anh.
Ví dụ bài Ngôn hoài nổi tiếng được truyền tụng của thiền sư Không Lộ (1016-1094):
Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
(Long xà chọn được đất dung thân
Tình quê sáng tối mãi thong dong
Có khi lên đỉnh non cô quạnh
Hú dài một tiếng lạnh hư không).
thực ra cũng là một bài thơ mô phỏng bài thơ của thứ sử Giao Châu là Lý Cao. Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm (751-834), một đêm trăng, leo lên núi, cất tiếng hú dài, làm kinh động cả chín dặm không gian. Thứ sử Giao châu là Lý Cao nhân đó làm thơ tán thưởng:
Tuyển đắc u cư hiệp dã tình,
Chung niên vô tống diệc vô nghinh.
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh,
Nguyệt hạ phi vân khiếu nhất thanh.
(Tình quê chốn vắng chọn nơi đây,
Không đưa chẳng đón suốt năm dài.
Có khi lên đỉnh non cô quạnh.
Dưới trăng tiếng hú dội mây bay.)
Hay bài kệ nổi tiếng của thiền sư Hương Hải (1628 – 1715):
Nhạn quá trường không,
Ảnh trầm hàn thủy.
Nhạn vô di tích chi ý,
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.
(Cánh nhạn bay qua cõi không
Bóng chìm dòng nước lạnh căm
Nhạn nào có ý lưu bóng
Hồn nhiên nước chảy vô tâm)
vẫn là những câu quen thuộc trong Ngũ đăng hội nguyên, trong đó câu cuối có khi viết là Thủy vô trầm ảnh chi tâm. Bài kệ này, với nội dung nói lên diệu dụng vô ngại của tâm khi đối cảnh, đã xuất hiện từ lâu trong câu hỏi của một vị tăng với thiền sư Trường Lô Diệu Giác (q.14), và trong pháp thoại của các thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài (q.16), thiền sư Tĩnh Từ Đạo Xương (q.16). Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài (khoảng đầu thế kỷ 11) của Trung Quốc, một hôm thượng đường thuyết pháp : “Cánh nhạn bay qua cõi không; Bóng chìm dòng nước lạnh căm; Nhạn nào có ý lưu bóng; Hồn nhiên nước chảy vô tâm. Nếu làm được điều đó thì mới có thể cùng đi chung với các thứ khác loài. Không cần phải nối chân chim le, chặt chân chim hạc, hay san núi lấp hang. Buông ra thì trăm thối nghìn vụng, thu về thì khắn khít chân thành. Dùng nó thì dám cùng tám vị đại Long vương sánh giàu, không dùng thì tất cả đều không đáng giá nửa xu. Hãy xem lấy !”(4)
Căn cứ vào các pháp thoại trong Ngũ đăng hội nguyên thì tác giả thật sự của bài kệ này có thể là Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài. Song rất nhiều nhà nghiên cứu lại cứ cố gán cho các thiền sư Việt Nam là tác giả một số bài kệ nổi tiếng trong chốn Thiền lâm, như trong các trường hợp trên. Đây là điều khó chấp nhận về mặt văn bản, khi mà hiện nay điều kiện công nghệ đã cho phép chúng ta dễ dàng tìm ra xuất xứ. Trả các câu thơ, bài kệ trên về lại nguyên bản, để cho “Châu về Hiệp phố”, điều đó hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến sở đắc cũng như hình ảnh của các thiền sư Việt Nam, vì những câu thơ và những pháp thoại đó đã trở thành một gia sản vô giá chung cho giới Thiền lâm, nên các thiền sư khi sử dụng không hề bận tâm đến ai là tác giả, mà chỉ quan tâm đến việc dùng nó để khai mở tâm thức của người nghe như thế nào, hoặc nói lên chỗ sở ngộ mà thôi. Nhưng nhiều pháp thoại và thậm chí hành trạng của các thiền sư trong Thiền uyển tập anh được người biên tập mô phỏng theo các bộ ngữ lục Thiền tông Trung Quốc là đã đi trái với tinh thần “hưu hướng Như Lai hành xứ hành” của Thiền rồi. Đọc một bộ ngữ lục là để tìm được cái riêng, tìm được nét độc đáo của các thiền sư, chứ đâu phải để thấy thiền sư bắt chước thiền sư kia ra sao. Mọi sự lặp lại đều phản tác dụng, nếu như nó không làm nổi bật được một cái gì mới trong tình huống mới, nghĩa là thiếu đi tinh thần sáng tạo trong yêu sách của lập ngôn. Dưới ngọn lửa sáng tạo của những tâm hồn giác ngộ thì cái cực kỳ xưa cũ vẫn luôn tươi mới tinh khôi. Đó là diệu dụng của tinh thần “Thuật nhi bất tác” của đức Khổng Tử. Thiền luôn bừng cháy như một ngọn lửa. Đó là một ngọn lửa bừng cháy luôn tươi mới. Hễ thiếu đi sự sáng tạo đó thì ngọn lửa Thiền không còn là ngọn lửa Thiền nữa, mà chỉ còn lại một đống tro tàn nguội lạnh trên những di tích cổ nhân. Di tích đó là “hành xứ hành” của Đức Như Lai cùng các bậc cổ đức mà tinh thần Thiền muốn người tu tập phải tránh đi. Hưu hướng Như Lai hành xứ hành!
Bắt chước rập khuôn theo bất kỳ người nào, dẫu đó một thiên tài vĩ đại, thì cũng chỉ tự đánh mất đi sự độc sáng của mình, không làm cho ta được là chính ta. Chỉ khi ta được chính là ta thì tâm mới bắt đầu phát huy diệu dụng. Một chiếc lá vẫn hiện hữu linh diệu như một khu rừng mênh mông. Tinh thể một hạt sương vẫn bao la như cả khung trời đang soi chiếu trong nó. Con chim sẻ nhờ có đường bay riêng của mình nên nó được mãi là con chim sẻ, chứ đâu phải do nó cứ lẽo đẽo bay theo sau cánh đại bàng? Cảnh tượng trong thiên nhiên đẹp là nhờ muôn hồng nghìn tía, phồn tạp đa dạng, còn sự đồng dạng rập khuôn chỉ có đối với cát trong sa mạc hay lau lách ven sông.
Gương mặt nổi trội nhất trong giới Thiền tông Việt Nam có lẽ vẫn là Tuệ Trung thượng sĩ, với cuộc sống phóng khoáng tự tại và văn chương cuồn cuộn như thác chảy. Đó là nhờ ông đã “bất hướng cổ nhân hành xứ hành”. Bài thơ Thị học (Bày bảo người học đạo) là một lời cảnh tỉnh :
Học giả phân phân bất nại hà
Đồ tương linh đích khổ tương ma
Báo quân hưu ỷ tha môn hộ
Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa.
(Mịt mờ, kẻ học biết sao đây
Mài gạch làm gương thật khổ thay(5)
Xin đừng dựa cửa người khác nữa
Nắng xuân một điểm rợp hoa bay)
Trong bài thơ này, thiền sư Tuệ Trung muốn nhắc đến điển tích của Mã Tổ. Theo Mã Tổ ngữ lục thì khi sư ngồi tọa thiền ở viện Truyền Pháp núi Hành Nhạc, được gặp tổ Hoài Nhượng. Hoài Nhượng biết là pháp khí, liền hỏi :
– Đại đức tọa thiền để làm gì vậy?
Sư đáp :
– Để làm Phật.
Hoài Nhượng bèn nhặt một viên gạch, ngồi mài trước am của sư. Sư hỏi :
– Mài gạch để làm gì?
Hoài Nhượng đáp :
– Để làm gương.
Sư nói :
-Mài gạch sao thành gương được?
Hoài Nhượng đáp :
-Mài gạch đã không thành gương được, thì tọa thiền há thành Phật được ư?
Câu nói này đã cảnh tỉnh Mã Tổ và biến ngài thành một gương mặt chói lọi và lỗi lạc nhất trong lịch sử Thiền. Có thể nói Thiền tông Trung Quốc thực sự được lớn mạnh kể từ thời Mã Tổ. Mài gạch làm gương là khổ nạn thiên thu của những người đọc kinh sách mà vẫn cứ “mang nhiên vô sở đắc”, hay những người suốt đời cứ dựa vào cửa nhà người khác – ỷ tha môn hộ.
Chúng ta, nếu không tạo được cái riêng, suốt đời phải cứ dựa dẫm vào của người khác thì điều đó sẽ khiến chúng ta trở thành què quặt và không bao giờ tự đi được trên đôi chân của chính mình. Cũng giống như kẻ khéo đi vay tiền ngân hàng, có thể có trong tay hàng tỷ đồng nhưng chỉ toàn là tiền vay mượn, rốt cuộc vẫn không một đồng vốn lận lưng. Được sinh ra đời và lớn lên trong vòng tay chở che của người Mẹ là một điều cực kỳ hạnh phúc, nhưng nếu suốt đời cứ mãi nằm trong vòng tay người Mẹ mà không trưởng thành thì đó lại là một đại thảm họa. Sổng ra khỏi tay người Mẹ là thấy hoang mang mất phương hướng, không tìm cho mình được một con đường đi. Khi không cần nương tựa nơi cửa người khác nữa thì chỉ cần một điểm nắng xuân cũng đủ khiến cho ngợp trời hoa nở.
Thế nhưng câu thơ “Hưu hướng Như Lai hành xứ hành” cần phải được đọc theo tinh thần phá chấp của nhà Phật, để phát huy tinh thần tự lập của kẻ học đạo. Ngược lại, nếu cứ cố chấp cho đó là thật thì chúng ta lại dễ rơi vào đại ngã mạn làm trì trệ, nếu không muốn nói là sẽ gặp nhiều ma chướng, trên lộ trình tu tập. Bởi vì liệu những kẻ sơ cơ như chúng ta đã đủ tư cách xứng đáng làm môn đồ để đi theo được con đường của Đức Như Lai chưa, mà dám nói đến việc từ bỏ con đường đó? Hai câu thơ được nêu lên theo yêu sách lập ngôn, xem sự phủ nhận những giá trị tối thượng là phép trợ duyên để tăng ích trên con đường tu học. Do đó, phủ nhận là để tùy thuận ở cảnh giới cao hơn. Một khi đã chối bỏ một cách toàn triệt con đường Như Lai đã đi, để có thể một mình đi theo con đường cô độc của mình, thì bấy giờ ta mới có đủ tâm lực và cơ duyên để khởi sự học tập làm một tên môn đồ nhỏ bé, đi theo từng bước chân huyền ảo của Như Lai.
Ghi chú
Thảo luận