Sư dĩ vong ngôn chân hữu đạo
Ngã trừ sưu cú bách vô công
(Tô Đông Pha)
Có những tác phẩm, ta viết về nó cả ngàn trang vẫn thấy thiếu, mà có khi một chữ lại thấy thừa. Bát nhã Tâm kinh là vậy. Viết về Tâm kinh bằng cái tục trí của chúng ta là lấy gươm chém vào hư không, và mong tìm ra dấu vết. Bài viết nhỏ này, với những giới hạn tất yếu của nó, chỉ xin đề cập đến một câu ngắn trong Tâm kinh, mà ảnh hưởng của nó đã tác động sâu xa đến những ai mong muốn tìm vào thế giới kinh điển Phật giáo bằng tất cả tâm nguyện “tín, giải, thọ, trì”. Đó là câu: ”Vô trí diệc vô đắc. Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề tát-đóa y Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa cố, tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo, mộng tưởng; cứu cánh Niết-bàn.”
Ngoại trừ những bậc vô sư tự ngộ do nghe một câu kinh lời kệ hay nhìn thấy một chiếc lá rơi mà phát minh tâm địa, còn đối với những kẻ sơ cơ như hầu hết chúng ta, rõ ràng muốn bước vào thế giới tư tưởng Phật giáo thì ta phải đi qua thế giới của kinh điển với vô vàn thuật ngữ thâm huyền u áo. Nhưng nếu đọc kinh sách mà chỉ để nhớ theo kiểu đa văn quảng kiến thì chúng ta chỉ làm vai trò của những đĩa CD lưu trữ, mà chắc chắn còn kém hơn nhiều, vì một đĩa DVD với dung lượng 4.7 GB có thể chứa đến gần 10 bộ Đại tạng kinh!
Đọc kinh điển để có được Trí là sở học, mà biến Trí thành cái của riêng ta mới là sở đắc. Đọc kinh sách mà có được sở đắc thì phần lớn đều do cơ duyên, không thể dùng sức người mà cưỡng cầu. Người xưa thường dùng thành ngữ “mang nhiên vô sở đắc” để chỉ những người đọc kinh sách mà tâm trí vẫn cứ thấy mờ mịt, không cảm nhận được gì, ngoài việc ghi nhớ suông. Tâm kinh, theo tinh thần phủ nhận toàn triệt của tư tưởng Bát nhã, lại muốn ta không còn sở học lẫn sở đắc. Vô trí diệc vô đắc. Chúng ta chỉ có thể nói đến vô đắc hay vô sở đắc một khi đã thực sự có sở đắc. Ta không thể từ bỏ cái mà ta không có, giống như một người ăn mày nghèo khổ không thể nói đến việc từ bỏ của cải và danh lợi trần gian. Như thế, không những chúng ta không thể từ bỏ bất cứ điều gì, mà còn mắc thêm cái vọng tưởng là có cái để từ bỏ. Muốn có sở đắc thì trước hết phải có sở học.Nhưng khi có được sở đắc rồi, phải quên nó đi mới đạt đến đỉnh cao theo tư tưởng Tâm kinh. Vô trong vô sở đắc của Tâm kinh có lẽ không có nghĩa là không, mà nên hiểu theo nghĩa là vong, tức là quên đi. Quên lời, quên đi mọi nguồn kiến thức đã tiếp thu. Rồi quên luôn cả cái quên đó thì mới thực sự là vô. Chỉ lúc đó, họa may chúng ta có thể cảm nhận được phần nào cảnh giới “tâm vô quái ngại”, vì thực ra kiến thức vẫn luôn đè nặng lên tâm trí chúng ta, như Danh và Lợi. Đối với những người đọc kinh sách, từ bỏ mọi kiến thức là điều vô cũng khó khăn, gần như không thể, giống như bắt người keo kiệt phải từ bỏ của cải. Chính vì điều đó mà tâm ta luôn bị quái ngại.
Một kẻ keo kiệt tích lũy, bóp chắt từng xu để thành một gia tài, biến những đồng tiền đó thành cái căn cơ “an thân lập mệnh” của mình, thì làm sao anh ta có thể dễ dàng từ bỏ nó cho được? Đối với kẻ đọc kinh điển theo kiểu đa văn quảng kiến cũng không khác. Lao tâm khổ tứ đọc kinh sách, tích lũy kiến thức thành một giá trị tinh thần để làm căn cơ “an thân lập mệnh” của mình, nếu bỏ đi thì nương tựa vào đâu? Cái Tôi đã lớn dần theo số kiến thức tích luỹ, và từng bước biến thành pháo đài vây bọc lấy ta, nên không dễ gì chúng ta dám “hoặc dược tại uyên” theo tinh thần kinh Dịch để một mình trơ trọi đối diện với cõi Không, theo tinh thần : “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. Đối với chúng ta, khi không còn điểm tựa, không có chỗ sở y thì ta dễ cảm thấy lạc lõng và rơi vào hoảng loạn. Điểm tựa đó có thể là của cải, danh tiếng, vợ con, địa vị, kiến thức, và cao hơn chút nữa là sở đắc. Chúng ta luôn tìm mọi cách để tìm cho ra một trú xứ cho cái Tâm mình, như một cách đảm bảo cho sự tồn tại của mình.
Trong lịch sử Thiền tông có hai giai thoại gây nên những chấn động cực kỳ sâu sắc trong lòng người đọc. Những ai đã sớm đọc được hai giai thoại đó có lẽ là những người may mắn và có chút cơ duyên với Phật pháp, vì nó chỉ ra cho chúng ta con đường đi vào thế giới của kinh điển. Hai giai thoại này có lẽ hầu hết mọi Phật tử đều biết, tôi xin ghi vắn tắt lại sau đây.
Giai thoại thứ nhất là câu chuyện về thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn.
Lúc ở với Tổ Bách Trượng, sư Hương Nghiêm Trí Nhàn nổi tiếng là người tâm trí thông minh, sở học uyên bác. Đến khi Tổ Bách Trượng tịch, ông bèn đến tham học với Tổ Quy Sơn.
Tổ Quy Sơn nói: “Ta nghe ông ở chỗ Tiên Sư Bách Trượng, hễ hỏi một thì đáp mười, hỏi mười thì đáp trăm. Cái thông minh lanh lợi đó là cái ý thức vọng tưởng của căn bản sanh tử. Giờ đây, hãy thử nói một câu khi cha mẹ chưa sanh ra xem nào!”
Trí Nhàn bị hỏi, lập tức ngẩn ngơ. Sư bèn trở về liêu phòng, lấy hết sách vở từng đọc qua, tìm từ đầu chí cuối một câu để trả lời mà không thể nào có. Bèn tự than rằng “Bánh vẽ chẳng làm cho hết đói! ” Một hôm đang dãy cỏ, sư tình cờ nghe một miếng ngói văng chạm cây tre thành tiếng, bỗng nhiên tỉnh ngộ. Kích trúc vong sở tri. Một tiếng ngói chạm vào thân tre cũng đủ khiến mọi kiến thức phù hoa rơi lả tả.
Giai thoại thứ hai là câu chuyện về thiền sư Đức Sơn.
Sư Đức Sơn là một thiền sư lớn đời Đường. Sư là một học giả uyên bác tinh thông kinh điển, chuyên chú giải kinh Kim Cương, được người đương thời ca ngợi là Chu Kim Cương. Khi nghe nói Thiền tông đang nổi lên ở phương Nam, sư cho đó là tà đạo, nên bèn rời đất Thục để đi Lễ Dương, với niềm tin sẽ diệt bỏ được cái đám “tà đạo” kia để xiển dương Phật pháp. Trên đường đi, sư gặp bà lão bán bánh và xin mua bánh điểm tâm. Bà lão hỏi ”Ngài mang theo cái gì đó? ” Sư trả lời đây hãnh diện : “Đó là bộ Thanh Long sớ sao chú giải kinh Kim Cương”. Bà lão hỏi : “Trong kinh Kim Cương có một câu, già này xin hỏi, nếu thầy trả lời được thì già này cúng dường bánh điểm tâm, nếu không thì xin mời thầy đi nơi khác”. Sư đồng ý. Bà già hỏi : “Kinh Kim Cương nói : ‘Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc’. Vậy xin hỏi thầy muốn điểm cái tâm nào? ”. Đây là câu hỏi oái ăm. Điểm tâm trong tiếng Hán vừa nghĩa có ăn sáng, vửa có nghĩa là chỉ vào cái Tâm. Sư lúng túng vì không điểm tâm được nên mất luôn cả bánh điểm tâm. Sư bèn tìm đến thiền sư Sùng Tín ở Long Đàm, và sau này ngộ đạo với Long Đàm.
Hai vị thiền sư trên khi chưa khai ngộ chính là hình ảnh tiêu biểu của phần lớn chúng ta khi bước vào thế giới sách vở. Không có một cái gì thực của mình, mà chỉ toàn là kiến thức vay mượn. Đến khi bị hỏi đến cái sở đắc thực, đến “Câu nói khi cha mẹ chưa sinh” hoặc buộc phải điểm cho được cái tâm nào, trong khi cả ba đều bất khả đắc, thì tất cả kiến thức đều như băng tan ngói vỡ. Chỉ đến lúc đó chúng ta mới trực nhận ra rằng mọi kiến thức đều không thực hữu. Đức Khổng Tử bảo “Đa kiến nhi chí chi, tri chi thứ giả : Thấy nhiều mà ghi nhớ chỉ là tri thức hạng xoàng”. (Luận Ngữ, Thuật nhi, 7). Những loại kiến thức do đọc sách rồi bám vào đó để ghi nhớ, các bậc chân nhân đạt ngộ coi chẳng đáng một đồng. Ấy vậy mà chúng ta lại thường sống chết bám cứng vào cái bánh vẽ ấy của ngôn ngữ từ chương, và xem nó như là một cái gì có giá trị tối cao dùng để tự khẳng định mình.
Con người hễ càng sống bám vào thế giới ý niệm và cái bã ngôn ngữ thì lại càng ham mê biện luận và tranh luận. Cho nên chúng ta thường vô tình mang một đống kiến thức vay mượn chất lổn ngổn trong đầu để tìm hiểu kinh điển với thái độ trịnh trọng, hồn nhiên đem sa mạc tàn phá cõi tư tưởng, hủy hoại tinh thể của suy tư chân chính tận cội nguồn mà không hề hay biết.
Thử xóa sạch mọi kiến thức từ chương vay mượn thì hầu hết chúng ta sẽ còn lại gì? Có hai bức tranh biếm họa có ý nghĩa cực kỳ sâu sắc, mà tôi được xem từ lúc còn nhỏ. Bức thứ nhất vẽ chân dung một vị học giả cao lêu nghêu trong chiếc áo thụng đen trông rất phương phi, uyên bác. Bức thứ hai vẽ cảnh chiếc áo thụng rớt ra, để lộ một người tý hon gầy gò đứng trên một đống sách khổng lồ. Bức tranh không có một lời chú giải mà còn hơn cả ngàn lời chú giải. Đó là chỗ bất khả tư nghì trong cõi học thuật xưa nay. Những ai đọc sách và bám vào kiến thức sách vở từ chương để mang những hoang tưởng về chúng thì nên hiểu rằng : sách vở, thậm chí cả những bộ kinh vô thượng đều như ngọn đèn dầu chiếu hình ta trên vách. Cái bóng của ta in trên vách thường lớn hơn con người thực của mình rất nhiều. Càng gần ngọn đèn bao nhiêu, nghĩa là càng bám sát vào ngọn đèn bao nhiêu thì cái bóng ta trên vách lại càng lớn bấy nhiêu. Và khi nhìn lên đó, ta dễ mang hoang tưởng ngỡ rằng mình vĩ đại. Thử lấy ngọn đèn đi, ngay lập tức ta trở lại thành một gã tý hon thảm não.
Chúng ta cần phải hiểu rằng ngoài những kinh điển được viết bởi những bậc chân sư đạt ngộ, hoặc những tác phẩm được tác giả viết bằng máu lệ để gởi tấc lòng vào thiên cổ, thì hầu hết văn chương đều chỉ là chuyện vụn vặt kiếu “tiểu kỷ điêu trùng”, dù chúng có hấp dẫn ta đến đâu chăng nữa. Chúng ta thường mang ảo tưởng về những trang sách mà chúng ta đã đọc, nhất là những trang ta đã viết. Những trang sách đó, cũng là sản phẩm của sự hòa hợp do nhân duyên, chúng chỉ thực sự có đôi chút ý nghĩa khi ta hiểu được rằng bản thân chúng không hề mang một giá trị nào. Chỉ khi nào chúng không còn là chúng nữa thì chúng mới thực sự là chúng, nếu như chúng có một chút gì đáng để tồn tại trong cõi phù phiếm của văn chương. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của kinh Kim Cương, khi đức Phật không ngớt trùng tuyên chân lý : “Ngã thuyết … tức phi …. thị danh ….”.
Ông Tô Đông Pha khi nói về Văn trưởng lão trụ trì thiền viện Báo Bản ở Tú Châu, bảo :
Mỗi phùng Thục tẩu đàm chung nhật,
Tiện giác Nga Mi thúy tảo không.
Sư dĩ vong ngôn chân hữu đạo,
Ngã trừ sưu cú bách vô công
(Mỗi lần gặp ông già xứ Thục thì say sưa nói chuyện suốt ngày, nhìn ra mới hay hình ngọn núi Nga My đã vắt ngang lên bầu trời xanh biếc. Sư đã quên lời nên đúng là đã đắc đạo, còn tôi ngoài việc tầm chương trích cú thì chẳng có chút công lao nào).
Nói chuyện suốt ngày mà vẫn không hề có một lời nào được nói. Thuyết pháp suốt 49 năm mà vẫn không hề có pháp nào được thuyết. Đó là vì vô sở đắc.
Khi đã vô sở đắc, khi đã vất bỏ được mọi kiến thức thì Bồ Tát mới có thể nương vào Bát nhã. Con thuyền Bát nhã chỉ độ được những người với một trái tim Không. Và nhờ nương được vào trí Bát nhã mà tâm mới không còn bị ngăn trở. Do tâm không còn bị ngăn trở nên không còn gì để sợ hãi nữa, rồi mới có thể xa lìa mọi sự đảo điên, mộng tưởng, rốt cuộc đạt đến Niết Bàn.
Khi ta không còn gì để mất thì mới không còn gì để sợ. Nghĩa là chỉ khi không còn chấp vào sở đắc thì mới ta có thể vô hữu khủng bố. Nói một cách hóm hỉnh như Shakespeare thì “Kẻ đau khổ nhất là kẻ hạnh phúc nhất, vì trên đời này không còn gì có thể làm cho hắn đau khổ nữa”! Kẻ biển lận thì sợ mất của cải. Người đọc kinh sách thì sợ mất kiến thức. Vạn sự do bị chiếm hữu mà bị hư hoại, nhờ vào buông xả mà được thường tồn. Đối với cái mà ta không thấy hiện hữu thì ta có sợ mất nó hay không? Chắc chắn là không. Khi tâm không còn sợ hãi thì nó mới có thể xa lìa điên đảo và mộng tưởng. Đối với người đọc sách thì cái mộng tưởng lớn nhất là mộng tưởng về giá trị của văn chương và kiến thức. Cõi đời là giấc mộng lớn, mà chúng ta còn bám vào giá trị của ngôn cú thì có khác nào đang nằm mộng trong cõi chiêm bao!
Khi lịch hành đến cuối đường, tư tưởng sẽ biến thành thơ nhạc mênh mông, còn ngôn ngữ đứng trước hiểm hoạ lập ngôn sẽ tự thân biến thành chi ngôn trong những nếp gấp riêng biệt thượng thừa của nó để tựu thành cái vô ngôn, cái l’impensé trong tư tưởng. Do đó, khi lịch hành đến cuối đường, tư tưởng bất khả tư nghì của Bát nhã Tâm kinh sẽ biến thành lời thơ qua câu thần chú :
“Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”.
Huỳnh Ngọc Chiến
Sài Gòn 12.08
Thảo luận