Trước 1975, là một bác sĩ nhi khoa, nhưng anh vẫn nổi tiếng với tư cách là thi sĩ : nhà thơ Đỗ Nghê. Những thập niên sau 1975, anh lại được biết đến như vị thầy của nhiều bác sĩ. Nhưng giờ đây, khi nhắc đến tên anh thì một Đỗ Hồng Ngọc thuộc loại “trưởng lão” của y khoa miền Nam dường như có phần lu mờ dưới một Đỗ Hồng Ngọc – nhà nghiên cứu Phật giáo, đặc biệt là Thiền! Tạo vật hà như đồng tử hý!
Không biết vào thời điểm nào và do cơ duyên nào mà anh gác việc chẩn đoán thân bệnh của nhi đồng để chuyển sang chẩn đoán tâm bệnh cho thiên hạ. Từ y đàn anh bước sang văn đàn nhẹ nhàng như môn Yến Song Phi của Hồng Thất Công. Những bài viết của anh nhanh chóng nổi tiếng trên văn đàn, và ảnh hưởng của chúng cũng nhanh chóng lan rộng khiến người đọc quên đi mất một nhà thơ Đỗ Nghê hay một bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Chưa bao giờ câu “le style, c’est homme” lại đúng như thế đối với Đỗ Hồng Ngọc. Với anh, văn đúng là người. Ở ngoài đời, anh trầm ổn túc mục, nhưng lại bình dị, giống như văn anh vậy. Loại văn chương đó luôn mang hơi thở nhẹ nhàng của cuộc sống, tức cái “bình thường tâm thị đạo” của thiền sư Nam Tuyền, mà anh luôn muôn biểu đạt trong các tác phẩm của mình. Tất cả những gì anh viết đều là những điều sở đắc từ trải nghiệm của bản thân nên luôn có Cái Riêng của một Đỗ Hồng Ngọc. Mà trong văn chương nghệ thuật thì chính Cái Riêng đó mới thực sự giá trị, và là cái làm cho một tác giả luôn được là mình. Nói một cách khệnh khạng thì đó là cái “sở dĩ vi” của một tác giả.
Tôi với anh có chút duyên thơ ca. Nên mỗi khi đọc xong mỗi cuốn sách anh tặng, hoặc đọc một bài viết nào đó của anh là tôi hay làm thơ để đùa. Sau khi đọc cuốn Gươm Báu Trao Tay bàn về Kinh Kim Cương của anh, tôi gởi hai bài để đùa anh:
Tưởng đã ưng vô sở trụ,
Rong chơi tâm ý siêu nhiên,
Em phô xác thân tứ đại,
Hoang mang rớt cả gậy Thiền.
*
Mấy pho ngữ lục Thiền tông,
Đọc mòn con mắt cũng không thấy Thiền.
Nhìn em xỏa tóc bên hiên,
Khiến ta đại ngộ, hoát nhiên, mới kỳ!
Tôi bảo có thể anh đã “ưng vô sở trụ”, có thể tâm ý đã du hý phiêu bồng, còn tôi thì đành chấp nhận “hoang mang rớt cả gậy Thiền.” Anh đọc xong, cười tôi ba lơn.
Khi nhận được cuốn “Nghĩ Từ Trái Tim” của anh tặng, tôi viết một bài đăng báo Giác Ngộ, chọc anh là “một người không xuất thân từ chốn thiền môn, quanh năm không hề rau dưa kinh kệ, mà lại ‘dám’ theo chân chư Tổ để khám phá thêm những ẩn ngữ của Tâm kinh!”, rồi làm câu thơ đùa :
Chắc chi thiên hạ đời nay,
Mà đem Bát Nhã làm rầy Tâm Kinh?
Đọc bài Hãy Từ Bi Với Chính Mình của anh, tôi lại làm thơ đùa :
Anh từ bi với chính mình,
Em từ bi với cuộc tình ngẫu nhiên.
Anh bày thiên hạ tu thiền,
Em vui với cõi thiền quyên phiêu bồng.
Dám xin hỏi bác Đỗ Hồng
Ngọc! Thiền so với má hồng đâu hơn?
Anh làm hai câu trả lời :
Bởi anh không được như em,
Nên lòng ấm ức muộn phiền bấy lâu!
Có lẽ đó là một trong những lần hiếm hoi mà anh làm thơ đùa. Anh ít đùa bởi có lẽ do anh mắc một “khuyết điểm” trầm trọng là không hề biết nhậu! Uống cà phê với anh giống như ngồi bàn Dịch Cân Kinh với Phương Chứng đại sư của Tiếu Ngạo Giang Hồ! Bởi vậy, chắc suốt đời, tôi không thể nào có dịp cùng anh Lai Rai Chén Rượu Giang Hồ.
Hôm 05-07-2020, anh ra mắt cuốn Để Làm Gì tại văn phòng nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM, tôi và một người bạn có đến dự. Khi được mời phát biểu, tôi toan nhắc lại câu : “Dám xin hỏi bác Đỗ Hồng, Ngọc! Thiền so với má hồng đâu hơn?” để “làm khó” anh chơi, nhưng lại thôi, vì nghĩ đây là vấn đề “lưu hành nội bộ”, nên chuyển qua đề tài khác!
Và có lẽ cho đến tận bữa nay, anh vẫn còn nợ tôi một câu trả lời cho thiệt chuẩn. Mà câu trả lời đó phải là một bài thơ của nhà thơ Đỗ Nghê viết giùm cho nhà nghiên cứu Đỗ Hồng Ngọc!
21.7.2020
Thảo luận