Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Của thời bội thu trái đắng

Giữ cho một ngôi nhà được bền vững là cái móng. Giữ cho một quốc gia được bền vững là nền tảng tinh thần của dân tộc. Ðoàn quân thiện chiến Mông Cổ đã từng dùng lưỡi gươm và vó ngựa dẫm nát nhiều đồng cỏ và thành phố Á- Âu để kiến tạo nên một đế quốc mênh mông. Nhưng sau khi chinh phục Trung Quốc để lập ra triều Nguyên thì những vó sắt kiêu hãnh đó dễ dàng bị khuất phục bởi những ngọn bút lông mềm mại, để cả một đế chế hùng cường với những thảo nguyên bát ngát nhanh chóng tan biến đi trong nghiên mực của nền văn minh Hoa Hạ! Mấy trăm năm sau, điều đó cũng lặp lại cho người Mãn Châu với triều Thanh. Những lâu đài nguy nga được xây trên cát đó đã bị đợt thủy triều của nền văn hóa cao hơn cuốn trôi đi, chỉ để lại những dấu tích nhạt mờ của một thời vang bóng. Suốt một ngàn năm đô hộ, người Việt – dầu chỉ ít ỏi như một dân tộc thiểu số- vẫn bất khuất ngẩng cao đầu không chịu bị đồng hóa trước mọi kẻ thù phương Bắc, để phục quốc xưng vương và giành lại nền tự chủ. Ðiều đó cho thấy căn nguyên sâu xa trong sự tồn vong của một dân tộc không nằm trong sự hưng thịnh nhất thời về kinh tế, mà tàng ẩn trong chính đời sống tinh thần. Mà nuôi dưỡng đời sống tinh thần cho nhiều thế hệ là trách nhiệm của ngành giáo dục.

Nền giáo dục, nền tảng của mọi nền tảng, vẫn cứ tiếp tục được đem ra làm trò thử nghiệm hơn cả một phần tư thế kỷ. Hơn một phần tư thế kỷ mà vẫn chưa đặt nổi nền tảng cho một bộ sách giáo khoa. Phải hơn một phần tư thế kỷ mới lọ mọ quay về với cái gọi là “Thống nhất về chữ viết” cho cấp tiểu học! Một điều tưởng chừng như trò đùa vô ý thức lại xảy xa với tất cả sự nghiêm túc đáng ngạc nhiên. Như một sự cải tiến đầy sáng tạo! Cái trò thử nghiệm và việc thay đổi sách giáo khoa xoành xoạch, mỗi năm một loại sách giáo khoa, khiến em không thể học sách của anh chị, đến nay vẫn còn là điều đau đầu nhức óc với gia đình học sinh nghèo. Ngưỡng cửa vào Ðại học lại bị lúng túng trong phương thức tuyển chọn. Hình như không có năm nào lại không có những sai sót cơ bản về kiến thức trong các đề thi ở các cấp. Một hiện tượng gần như quái đản và có lẽ chỉ xảy ra ở nước ta. Mà dường như không một tập thể hay cá nhân nào mạnh dạn đứng ra chịu trách nhiệm, và nói lời xin lỗi chân thành với thế hệ trẻ cùng các bậc phụ huynh. Tinh thần trách nhiệm đã bị biến thành một loại “xa xỉ phẩm”, mà không có ai dùng tới. Nền tảng đạo lý, do đó, cũng đã bị biến tướng theo. Thêm vào đó, hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong giáo dục quả là điều khó hiểu đối với một đất nước luôn tự hào về bốn ngàn năm văn hiến. Nhưng điều đó đã tự tố cáo một chuyện đau lòng khác : giáo dục đã mất phương hướng, dù nó được coi là quốc sách.

Tri thức- sản phẩm chính của giáo dục- đã bị biến thành món hàng thương mại rẻ tiền. Cảnh tượng bát nháo trong việc mua bằng bán cấp -đồng nghĩa với việc mua quan bán tước, bởi vì chính các mảnh bằng đó đảm bảo tiêu chuẩn cho cái ghế ngồi của những cán bộ bất tài – xảy ra gần như công khai, một điều chỉ có trong thời Trung cổ phương Tây, hay trong thời phong kiến ở vào giai đoạn cực kỳ suy thoái. Những cán bộ bất tài phải lo tìm mọi cách để “chuẩn hóa” cái ghế của mình bằng những bằng cấp có xuất xứ rất đỗi mập mờ. Oái ăm thay, năng lực của một cán bộ vẫn được đánh giá theo loại bằng cấp ấy. Cái nghịch lý quái dị trong cách dùng người này không phải không có nguy cơ đang lan tràn trong xã hội! Ðiều đó cũng giải thích vì sao suốt mấy chục năm qua, “con rùa hành chánh” – được vỗ béo bởi những công chức bất tài và chưa thoát khỏi tư tưởng “làm quan” thời phong kiến nuôi nấng – đã chiếm chỗ của Rùa Thần Kim Quy, để ngẩng cao đầu thách thức mọi nỗ lực đổi mới, khiến cho guồng máy hành chánh càng thêm trì trệ. Ðó là cái giá phải trả rất đau xót cho một quan điểm sai lầm về giáo dục.

Cho đến nay, nền giáo dục vẫn tiếp tục bị sa lầy trong sự mâu thuẫn giữa chỉ tiêu và chất lượng. Đã có biết bao nhiêu cậu tú, cô tú đi thi Đại học với cái đầu rỗng tuênh kiến thức! Người giáo viên, nhất là giáo viên cấp I, II không thể cho điểm học sinh theo đúng trình độ mà phải cho điểm dưới áp lực nặng nề của chỉ tiêu. Rồi cuối năm vẫn cùng nhau ngồi lại liên hoan để tổng kết và “đánh giá cao” thành quả đạt được. Một sự dối trá đến kinh khủng mà vẫn được nhiều người hồn nhiên chấp nhận, giống như chúng ta cứ sơn son thiếp vàng một cái gốc cây lung lay lụn bại, và cứ trông chờ những trái ngon. Chúng ta sẽ nhận được gì từ lực lượng kiến tạo đất nước như thế trong tương lai?

Sự mất phương hướng của nền giáo dục hiện nay không chỉ hạn chế trong sự phá sản chất lượng trong nhà trường phổ thông, sự lúng túng trong các cuộc tuyển sinh Ðại học, mà nhìn rộng ra ta càng đáng lo ngại hơn nữa trước đời sống văn hóa, vì chúng chỉ là cái “quả” tất yếu của cái “nhân” giáo dục. Mặt bằng văn hóa của cả xã hội đang có nguy cơ bị suy thoái, qua những gì ta nhận thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng và thị trường sách vở. Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nơi nào ta cũng có thể bắt gặp sự mô phỏng, sự lặp lại đơn điệu và nhàn chán. Ðó chính là hậu qủa của giáo dục.

Văn học, điện ảnh và âm nhạc hiện nay cũng có rất nhiều điểm để bàn đến. Một đất nước luôn tự hào về 4000 năm văn hiến mà cảnh văn học hiện nay như cảnh chợ chiều. Người ta bày bán đủ thứ hàng hóa, nhưng toàn là những món rẽ tiền và không có “chất lượng cao”. Hàn Quốc mới tập tểnh đặt chân vào miền Nam trước 1975 với món “ tôm” bình dân đặc sản, thế mà ngày nay đã có thể ngang nhiên chiếm lĩnh nền điện ảnh Việt Nam với những bộ phim không khá hơn món mì tôm kia mấy chút, dù nền công nghệ tiên tiến của họ đã thêm vào đó rất nhiều các thứ “sa tế” và “bột ngọt” của thời trang. Các loại phim đó đã ảnh hưởng không nhỏ đối với thị hiếu của thế hệ trẻ- những người không được nền giáo dục cung cấp đủ kiến thức để phân biệt được giá trị chân thực của điện ảnh với các mốt môi son và quần áo! Nhìn dưới góc độ giáo dục, thì một đời sống tinh thần dung tục, hời hợt và nhợt nhạt cũng nguy hiểm không kém hiểm hoạ ma tuý trong giới trẻ hiện nay. Chúng ta không phủ nhận là mỗi giai đoạn, mỗi thế hệ đều có một cái “gu” thẩm mỹ riêng, nhưng nếu cứ vô tình để cho sự dung tục lấn át mất cái đẹp chân chính, thì đó là lỗi của văn hoá và giáo dục, vì điều đó sẽ kéo theo sự suy thoái về đời sống tinh thần. Thị hiếu của thế hệ trẻ, nếu không được định hướng bởi các nhà phụ trách văn hoá và giáo dục, thì sẽ giống như nước, thường có khuynh hướng chảy xuống chỗ thấp. Cũng như hướng dẫn một đứa bé học âm nhạc hay ngoại ngữ vẫn luôn khó khăn hơn là bày chúng chơi bài hay đánh billards!

Nhưng có nên trách cứ thế hệ trẻ hay không, khi mà bên cạnh cảnh bát nháo trên, nền giáo dục -với sự vô lý lạc hậu theo lối học rập khuôn và nhồi nhét kiến thức- cứ tiếp tục góp phần làm thui chột thêm trí thông minh, làm què quặt thêm đời sống tinh thần của các em? Cái học nhồi nhét vô bổ đã biến phần lớn các em thành những con vẹt học bài, vì sự sáng tạo tìm tòi đã bị tê liệt do phải mất quá nhiều thì giờ để đối phó với những bài giáo khoa dài lê thê vô ích và không có trọng tâm. Chúng ta có hi vọng gì về sự kiến tạo đời sống tinh thần cho đất nước, khi mà nền giáo dục không đào tạo nỗi cho các em một đời sống tinh thần? Hình ảnh những diễn viên vớ vẩn của Trung Quốc và Hàn Quốc xuất hiện nhan nhản trên bìa vở của các học sinh ngày khai trường, thay cho những hình ảnh mang tính giáo dục, vẫn cứ tiếp tục diễn ra hàng bao nhiêu năm trời là một hiện tượng xã hội đáng đau xót, thế nhưng càng đau xót hơn là không thấy một cơ quan giáo dục nào quan tâm và lên tiếng. Có lẽ người ta mãi bận tâm và tập trung tinh lực vào những “vấn đề trọng đại” như tìm cách làm rối rắm thêm tiếng Việt bằng các qui luật ngữ pháp phức tạp vô bổ, hay cải cách chương trình giáo dục thành một đống bòng bong rối bời không có đường ra.

Ðiều may mắn là chúng ta vẫn nhận ra trong thế hệ trẻ hiện nay, có nhiều em rất thông minh và tài hoa, tạo thành niềm tự hào cho dân tộc, và đã làm chúng ta phục lăn qua các cuộc thi trong và ngoài nước về khoa học lẫn nghệ thuật. Nhưng chúng ta không nên tự lừa gạt nhau bằng cách vin vào đó để đánh giá chất lượng của nền giáo dục. Vài cơn mưa rào không thể làm thấm ướt cả một vùng đất quá đỗi khô cằn.

Một căn nhà bị gió mưa phá hoại liên tục mà không bị lún ngã, không phải vì sự phá hoại đó chưa trầm trọng, mà chính nhờ cái móng quá vững bền. Tôi muốn nói đến tinh thần đạo lý mang đậm nét nhân văn và sức chịu đựng phi thường của người Việt Nam ta.

Ðây có lẽ là những điều trông thấy rất đáng để đau lòng. Và còn biết bao điều trông thấy đáng để đau lòng nữa. Nhưng có lẽ chuyện đau lòng nhất là khi trái tim con người đã bắt đầu chai sạn, đâm ra dững dưng hờ hững và không còn thấy đau lòng trước những chuyện rất đau lòng đó!

8.2019

Thảo luận