Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Chương 8 : Những hiện tượng tâm linh và cách lý giải của người Tây Tạng

Trong các chương trước, tôi đã chỉ ra những sự kiện có thể được xếp vào loại những hiện tượng tâm linh. Trước khi kết thúc tác phẩm này, có lẽ tốt nhất là nêu lại chủ đề đó, bởi vì người Tây Tạng nổi tiếng là nhờ vào tín ngưỡng cho rằng những điều quái dị trên cõi đời này vẫn luôn diễn ra, nhiều như cỏ hoa ngoài đồng nội.

 Điều này do đâu mà có? Chúng ta hãy xét nhanh qua điều này để xem thử quan niệm của người Tây Tạng đối với những “điều quái dị” ra làm sao. Cho dù có suy nghĩ như thế nào về điều này đi chăng nữa, thì những sự kiện quái lạ đó không phải là điều ai cũng biết. Và độc giả cần nhớ rằng những điều ghi chép trong cuốn sách này được cô đọng từ những quan sát trong hơn mười năm trời đằng đẳng.

Ngay từ thưở xa xưa, xứ sở Tây Tạng đã có sức mê hoặc lạ thường đối với các dân tộc láng giềng. Ngay cả trước khi đức Phật đản sinh, người Ấn Độ đã hướng về dãy Hy Mã Lạp sơn với niềm kính sợ mang đầy tính tôn giáo. Rồi những giai thoại cứ được lưu truyền về vùng đất nằm khuất trong ngàn mây, và ngự trị trên vai của ngàn non tuyết phủ.

Ngày trước, dường như Trung Quốc cũng đã chịu khuất phục trước sức quyến rũ của những vùng hoang nguyên Tây Tạng. Câu chuyện về Lão Tử kể rằng, nhà huyền học vĩ đại này lúc cuối đời đã cưỡi trâu qua biên giới để đi về “Xứ Tuyết”, rồi sau đó tuyệt tích, không hề nghe nhắc đến. Đôi khi, sơ tổ Đạt Ma cùng một vài môn đồ người Trung Quốc cũng được nhắc đến theo cách này.

Ngay cả bây giờ, thỉnh thoảng người ta vẫn gặp, trên những con đường băng qua đèo núi dẫn vào Tây Tạng, những người hành hương Ấn Độ ở trong trạng thái xuất thần như bị thôi miên, hay đang mơ màng trong giấc mộng, vì những ảnh tượng có sức hấp dẫn không sao cưỡng. Khi được hỏi về mục đích của chuyến hành hương, phần lớn đều đáp là muốn được chết ở đất Tây Tạng. Chao ôi, thời tiết khắc nghiệt, độ cao ngất trời, sự mệt mỏi và thiếu thốn lương thực đã kết hợp cùng nhau để chấp thuận lời ước nguyện!

Làm thế nào để giải thích được huyền lực quyến rũ dị thường của vùng Tây Tạng?

Chắc chắn một điều, nguyên nhân chính là nhờ vào danh tiếng của những hành giả pháp môn viêm công. Nhưng vấn đề là tìm hiểu vì sao Tây Tạng lại được chọn là vùng đất phát triển của những bộ môn khoa học thần bí và hiện tượng siêu nhiên?

Trước hết, có lẽ phần lớn là do vị trí địa lý đặc thù, được bao quanh bởi núi non hùng vĩ điệp trùng và những hoang mạc mênh mông bất tận.

Những ai bị buộc phải từ bỏ những ảo tưởng từng nâng niu ôm ấp, thấy không hợp với môi trường sống tẻ nhạt tầm thường của mình, đều bị thôi thúc phải đưa chúng đến những nơi lý tưởng để tìm được sự hài hòa tốt đẹp hơn. Xem đó là phương sách cuối cùng, họ xây cho ước mộng của mình những khu vườn trên mây, và tạo ra cõi thiên đàng cao xa vòi vọi, vượt lên trên cả những vì sao. Thế nhưng còn một điều vĩ đại hơn nữa, đó là sự vội vã tìm mọi cơ hội để đưa những thiên đàng đó về nơi trần giới, trong tầm tay vói của con người.

Đất nước Tây Tạng đem lại cơ hội này. Nó hiển bày tất cả đặc tính của những vùng đất diệu kỳ mà ta chỉ thấy mô tả trong chuyện cổ tích. Tôi tin mình không nói quá khi cho rằng cảnh vật ở Tây Tạng, nhìn dưới mọi góc độ, đều vượt quá những cảnh vật kỳ ảo trong trí tưởng của những nhà thiết kế đã tạo dựng nên thế giới cho thần tiên và ma quỷ.

Không lời nào có thể diễn tả hết được vẻ tôn nghiêm an nhiên, sự hùng vĩ kinh người, nét quyến rũ khó tin của cảnh vật muôn sắc muôn màu tại đất nước Tây Tạng. Thường thường, khi đi qua những vùng non cao hiu quạnh, ta có cảm giác như đang làm một tục khách xúc phạm đến vẻ tôn nghiêm kỳ vĩ. Bất giác, ta phải chậm chân lại, hạ thấp giọng, và những lời tạ lỗi như dâng lên trên môi để sẵn sàng thốt ra, ngay khi gặp một vị ẩn tu đầu tiên trên mảnh đất mà ta không được quyền xâm phạm.

Những tác động lạ thường đó từ cảnh vật Tây Tạng vẫn không hề giảm nhẹ ngay cả với người dân địa phương đã quen sống nơi đây. Khi được diễn dịch qua những cái đầu chất phác nguyên sơ, phong cảnh đó tạo cho họ ấn tượng về những hình dáng của quỷ ma kỳ dị, mà họ cùng chung sống chen chúc trong những nơi hoang liêu cô tịch.

Mặt khác, giống như những người chăn cừu xứ Chaldea[1] đã đặt được nền tảng cho khoa thiên văn học nhờ quan sát bầu trời đầy sao, thì cũng vậy, đã từ lâu, những nhà ẩn tu Tây Tạng và các du tăng Saman nhờ trầm tư quán tưởng về sự huyền mật của những vùng đất lạ nơi họ sống mà nhận ra được rằng những hiện tượng tâm linh dị thường đã phát triển thuận lợi ở nơi đây. Nhiều pháp môn thần bí đã nảy sinh từ sự quan chiêm vũ trụ, và từ lâu rồi, có không ít những tu sĩ nơi “Xứ Tuyết” nổi danh nhờ tu luyện thành công những pháp môn này.

Dù ở vị trí quá xa xôi, và điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, nhưng Tây Tạng không phải là xứ sở không đến được. Tôi có thể khẳng định được điều này. Tôi đã nhiều lần vượt qua các đèo núi của dãy Hy Mã Lạp sơn để đến những vùng cao nguyên miền nam, du hành nhiều năm ở các tỉnh miền đông, cùng những thảo nguyên mênh mông phương bắc. Cuối cuộc viễn trình, tôi đã đi qua khắp đất nước Tây Tạng và đến được kinh đô Lhassa ở tận cùng phương nam. Bất kỳ một du khách khỏe mạnh nào cũng có thể thực hiện được điều đó nếu muốn, ngoại trừ chính sách bế quan của Tây Tạng.[2]

Một điều chắc chắn là kể từ khi Phật giáo được du nhập vào xứ sở này, một số lớn những người Ấn Độ, người Népal và cả người Trung Quốc đã tham quan Tây Tạng, đã tận mắt thấy được bao cảnh vật diệu kỳ, đã nghe nói đến quyền năng siêu nhiên của những pháp sư doubtob. Cũng có du khách tiếp cận được với các lạt-ma đạo Bön và được nghe những bậc khổ hạnh ẩn tu đó giảng về giáo lý. Những mối quan hệ này, vốn luôn được thêm mắm dặm muối mỗi khi kể lại, cùng với những đặc điểm địa lý như tôi đã trình bày, và những nguyên nhân mơ hồ hơn đã dệt nên chung quanh “Xứ Tuyết” bầu không khí ảo huyền vây phủ chúng ta.

Như vậy, liệu ta có thể đi đến kết luận rằng danh tiếng Tây Tạng là xứ sở của bao điều kỳ dị đã bị đảo lộn hoàn toàn? Điều đó có lẽ cũng sai lầm như việc ghi nhận không sàng lọc mọi câu chuyện kể của người dân bản xứ, hoặc những câu chuyện mới nảy sinh gần đây trong não bộ của những người phương Tây có tính khôi hài.

Cách hay nhất để làm theo là dựa vào những nhận định, bất ngờ càng tốt, của những người Tây Tạng về những hiện tượng bất thường. Ở Tây Tạng, không một ai phủ nhận sự tồn tại của những sự kiện đó, song cũng chẳng có ai xem đó là điều lạ thường hay kỳ diệu, hiểu theo nghĩa là “phép lạ” ở Tây phương, tức là những biến cố siêu nhiên.

Những hiện tượng đó, nếu ở một xứ sở khác, có thể được xem là phép lạ hoặc thuộc về những thế giới khác, thì ở nơi đây các đạo sư huyễn thuật chỉ xem như những hiện tượng tâm linh.

Một cách tổng quát, người Tây Tạng chia các hiện tượng đó thành hai loại:

1. Những hiện tượng được tạo ra một cách vô thức, bởi một người hoặc một nhóm người.

Tác giả của những hiện tượng đó hành động một cách vô thức, chẳng hướng đến một mục đích cụ thể nào.

2.  Những hiện tượng được cố tình tạo ra để nhắm đến một mục đích cụ thể. Hiện tượng này thường do một cá nhân duy nhất tạo ra, song điều này không bắt buộc.

     Cá nhân này phải là một người hay một thành phần trong lục đạo[3] theo quan điểm của người Tây Tạng. Cho dù ai là tác giả đi nữa thì hiện tượng đó vẫn diễn ra theo một quy trình giống nhau, theo những quy luật như nhau, chứ hoàn toàn không hề có phép lạ.

Sẽ là điều có ích nếu ta nhận xét rằng người Tây Tạng là những người theo tất định thuyết. Họ tin rằng mỗi ý muốn đều bị chi phối bởi vô số các nguyên nhân, có nguyên nhân gần, có nguyên nhân xa. Tôi không muốn nhấn mạnh đến những điểm nằm ngoài chủ đề, song ta nên hiểu rằng, dù được tạo ra một cách cố tình hay vô thức, thì mỗi hiện tượng đều có rất nhiều nguyên nhân. Trước tiên, đó là những nguyên nhân thôi thúc tác giả muốn tạo ra nó, hoặc là những nguyên nhân – mà chính tác giả cũng không biết – đã biến những sức mạnh tiềm ẩn thành thành hiện thực, sau cùng là những nguyên nhân bên ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát sinh hiện tượng.

Những nguyên nhân xa sẽ được biểu hiện bởi các “chủng tử”, đây là thuật ngữ mà người Tây Tạng thường dùng khi đối thoại. “Chủng tử”[4] là sự cảm nhiễm được huân tập trong mỗi sát na, khi ta hoàn tất một hành động hay một suy nghĩ trong quá khứ.

Do đó, khi tôi nói về sự tập trung tư tưởng thì cần phải nhớ rằng: theo hệ thống mà chúng ta nghiên cứu, nó hoàn toàn không mang tính tự nhiên, và đàng sau cái hiện tượng mà nó là nguyên nhân trực tiếp (gyu), còn có vô số nguyên nhân phụ trợ (rkyen) vô cùng thiết yếu.

Bí quyết luyện tâm, theo cách hiểu của người Tây Tạng, nằm ở chỗ phát triển năng lực tập trung tư tưởng vượt xa năng lực của cả những người có thiên bẩm về điều này.

Người Tây Tạng khẳng định sự tập trung tư tưởng làm phát sinh các làn sóng năng lượng.

 “Sóng” là từ của tôi dùng. Tôi dùng nó để giải thích cho rõ ràng hơn, và bởi vì, như ta sẽ thấy, trong tư tưởng của người Tây Tạng có những dòng lực rất mạnh. Tất cả những dòng lực này được gọi chung là “năng lượng” (chug hoặc rstal). Họ mô tả “năng lượng” này được sinh ra mỗi khi có tạo tác của thân, khẩu và ý, theo cách phân loại của Phật giáo. Cường độ của dòng năng lượng và của đích hướng tới là yếu tố quyết định để làm phát sinh những hiện tượng tâm linh.

Theo các đạo sư Mật tông Tây Tạng, sau đây là những thể cách sử dụng nguồn năng lượng phát sinh từ sự tập trung tư tưởng cao độ.

1. Một đối tượng có thể được “nạp” những ngọn sóng năng lượng, theo cách giống như một thiết bị nạp điện, rồi phát ra lại năng lượng đó dưới một hình thức nào đó. Chẳng hạn như làm tăng sinh lực hoặc truyền sự dũng cảm cho những ai tiếp xúc với nó…

Các vị lạt-ma đã dựa trên giáo lý này để bào chế những diệu dược, thánh thủy cùng đủ các loại linh phù nhằm mục đích bảo vệ con người tránh được tai ương, bệnh tật.

Để thực hiện điều này, trước tiên vị lạt-ma phải giữ mình thật thanh khiết bằng cách sống ẩn tu với chế độ chay tịnh đặc biệt, sau đó ông ta tập trung tư tưởng vào đối tượng cần nạp linh lực. Nghi thức này cần đến nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Nhưng nếu đó là sợi dây đeo được yểm linh phù thì chỉ cần một vài phút.

2. Năng lượng, khi được nạp vào một đối tượng vô tri, sẽ truyền vào đó một loại sinh khí giúp nó có khả năng chuyển động và thực hiện những mệnh lệnh của vị lạt-ma.

Độc giả có thể nhớ lại câu chuyện về những cái bánh bột torma mà vị lạt-ma Trangloung cho bay đến quấy phá nhà cửa của những người hàng xóm không tuân theo lệnh ông ta.

Còn có một cách tương tự mà các thầy phù thủy (ngags-pa) dùng để phá hoại kẻ khác. Sau đây là một ví dụ điển hình.

 Sau khi tập trung tư tưởng trong nhiều tháng, tay phù thủy sẽ truyền vào con dao ý định giết người. Khi cảm thấy con dao đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, tay phù thủy sẽ đặt nó gần bên người mà y muốn giết, làm cho nạn nhân như bị ma ám sẽ tự dùng dao để đâm mình. Người Tây Tạng tin rằng, khi có sự tiếp xúc giữa nạn nhân và con dao thì con dao sẽ chuyển động không sao cưỡng lại được, khiến người cầm dao không thể làm chủ được bàn tay của mình, và nó sẽ đâm nạn nhân đến chết hay bị thương. Thoạt nhìn thì điều này tựa hồ như xảy ra vì một nguyên nhân tự nhiên: đó là do sự vụng về hoặc có ý định tự tử.

Người ta khẳng định rằng, sau khi đã được yểm bùa, vũ khí đó sẽ trở nên nguy hiểm đối với cả tay phù thủy. Nếu ông ta không cao tay ấn thì có thể biến thành nạn nhân của chính mình.

Không có gì phải ngạc nhiên về những điều mà tay phù thủy tự ám thị mình trong suốt nghi thức rất dài, khi thực hiện điều này, và về tai nạn xảy ra. Theo người Tây Tạng, có những trường hợp phù thủy lụy âm binh. Họ tạo ra một âm binh mà không sao điều khiển được âm binh đó nữa.

Nhiều vị lạt-ma và pháp sư đạo Bön khẳng định với tôi rằng người ta đã ngộ nhận khi tin con dao biến thành vật sống thực và giết chết nạn nhân. Theo các vị đó thì hoàn toàn ngược lại, sự tập trung tư tưởng của thầy phù thủy đã khiến nạn nhân bị ám ảnh bởi sự tự kỷ ám thị nên cầm con dao tự đâm mình mà không hề hay biết.

Họ giải thích, cho dù các ngags-pa không cố ý biến con dao thành vật sống, thế nhưng ý tưởng về nạn nhân và kịch bản giết người đã có sẵn trong tâm trí. Bởi vì nạn nhân có thể là “máy thu” thích hợp để đón nhận những làn sóng tâm linh của ngags-pa, trong khi con dao vô tri giác thì không làm được điều đó, cho nên chính nạn nhân mới chịu ảnh hưởng của ngags-pa.

Hậu quả là nạn nhân bỗng dưng thấy mình tiếp xúc với con dao đã bị yểm linh phù, bị sự ám thị ngầm ám vào người, nên tự đâm mình trong trạng thái hoàn toàn vô thức.

Tôi chỉ ghi lại đây cách giải thích đúng như những gì tôi đã nghe.

Hơn thế nữa, người Tây Tạng tin rằng những bậc cao thủ trong huyễn thuật không cần đến vật trung gian mà vẫn có thể ở từ xa để gợi lên ý tưởng tự tử trong đầu con người hay con vật, kể cả quỷ ma…

Tuy nhiên, tất cả đều nhất trí cho rằng một mưu toan như thế không thể thành công đối với kẻ đã khổ luyện tâm linh, bởi vì các bậc cao thủ thượng thừa đều nhận biết “những làn sóng” của sức mạnh đang hướng đến mình và đẩy dạt những làn sóng có hại đi chỗ khác.

 3. Khi không nhờ đến vật chất trung gian, năng lượng phát sinh từ sự tập trung tư tưởng sẽ truyền đi từ xa, và sức mạnh đó sẽ biểu hiện bằng nhiều cách khác nhau tại nơi nó được hướng đến.

Chẳng hạn, nó có thể gây ra tại nơi đó một hiện tượng tâm linh. Điều này đã được đề cập trong chương nói về các hóa thân (toulkou). Hoặc nó có thể xuyên thấu vào mục tiêu đã chỉ định và trút vào đó một sức mạnh dị thường.

Đây là nghi thức mà các bậc đạo sư thần bí dùng trong lễ thụ pháp cho môn đồ. Đối với người Tây Tạng, lễ thụ pháp không phải là truyền giáo lý hay mật pháp, mà là truyền năng lượng tâm linh để giúp môn sinh có khả năng thành tựu sứ mệnh đặc biệt, mà nhờ đó anh ta được nhận lễ thụ pháp. Trong tiếng Tây Tạng, lễ thụ pháp là angkour, có nghĩa là “truyền năng lượng”.

Người ta cho rằng, người thầy có thể kích hoạt sức mạnh tâm linh của môn đồ ở một nơi rất xa bằng phương pháp truyền đạt năng lượng tâm linh cách không.

Phương pháp này không chỉ nhằm làm phong phú mục tiêu mà “làn sóng” hướng tới. Trái lại, có đôi lúc, sau khi chạm đến mục tiêu, nó lại quay về với “trạm phát”.[5] Tuy vậy, khi tiếp xúc với mục tiêu, nó lấy đi một phần hoặc toàn phần nguồn năng lượng riêng biệt của mục tiêu, rồi quay về điểm xuất phát để tái nạp vào người tạo ra hiện tượng đó.

Người ta kể rằng, có một số pháp sư ma thuật đã sử dụng phương pháp này với ma quỷ để kéo dài sinh mạng đến vô hạn, và để đạt được một vài năng lực phi thường…

4. Người Tây Tạng quả quyết sự tập trung tư tưởng cao độ có thể tạo ra những hình tượng phôi dựng trong tinh thần và tạo ra mọi hình nhân ảo về con người, ma quỷ, thú vật, đồ vật, phong cảnh…

Những hình nhân ảo này không phải lúc nào cũng là những ảo cảnh mơ hồ, mà đôi khi chúng lại mang hình hài cụ thể và phú bẩm năng lực cùng thuộc tính tự nhiên của sự vật hay nhân vật mà chúng đại diện.

Chẳng hạn, một con ngựa ảo cũng biết phi và hí vang, một kỵ sĩ ảo cưỡi nó cũng có thể xuống ngựa để trò chuyện với người qua đường, và ăn uống bình thường. Mùi hương của một bụi hồng ảo cũng lan tỏa khắp nơi, một căn nhà ảo cũng làm được nơi ở cho những người bằng xương bằng thịt….

Tất cả những điều này nghe chừng như là chuyện cổ tích hoang đường, và người Tây Tạng đã khôn ngoan khi chỉ tin chúng đến 98%. Tuy vậy, đôi lúc cũng có điều phiền toái: có những hiện tượng được tạo ra mà người ta lại không thể phủ nhận sự tồn tại của chúng. Ta buộc lòng phải tìm cách giải thích, nếu không chấp nhận cách lý giải của người Tây Tạng. Nhưng cách lý giải của người Tây Tạng, dù thiếu tính khoa học, vẫn hấp dẫn hơn, và trở thành một lãnh vực nghiên cứu.

Các du khách phương Tây nào đến gần biên giới Tây Tạng, và ghi nhận một cách hời hợt những điều mê tín dị đoan của đám cư dân ở đó hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi hiểu được rằng cái bản chất cả tin ngỡ như đần độn này lại nuôi dưỡng trong thẳm sâu tâm trí họ những tư tưởng duy lý lạ thường, thậm chí còn mang đầy tính hoài nghi.

Có hai câu chuyện rất phổ biến minh họa cho điều đó. Câu chuyện sắp được kể đây có thực hay không không phải là điều quan trọng. Điều cần ghi nhận trong đó là cách lý giải những phép lạ và tinh thần của câu chuyện.

Có một người lái buôn đi theo thương đoàn vào một ngày gió lớn. Cơn lốc hất tung cái mũ anh ta và cuốn bay vào một bụi cây. Người Tây Tạng tin rằng khi đi buôn mà nhặt lại đồ vật bị gió cuốn như vậy sẽ đem lại sự xui xẻo, nên anh ta bỏ mặc cái mũ ở đó và đi tiếp.

Đó là cái mũ dạ mềm có rèm che tai. Nó nằm yên đó nơi bụi cây, rồi nắng gió khiến nó dần dần biến dạng chẳng còn nhận ra hình thù gì nữa.

Nhiều tuần trôi qua, cho đến một đêm kia, có người đi qua nơi ấy và phát hiện có một vật gì đó không rõ hình thù nằm nấp trong đám bụi rậm. Anh ta hết hồn vội ba chân bốn cẳng chạy xa. Sáng hôm sau, anh ta đi đến một ngôi làng cách đó không xa và kể lại câu chuyện đã gặp “một vật lạ lùng” trong bụi rậm.

Thời gian trôi qua, những du khách khác vẫn bắt gặp ngay tại nơi ấy “một vật lạ lùng” không rõ là vật gì, và cùng kể lại câu chuyện cho chính dân làng đó.

 Cứ từng ngày như thế, có người thấy loáng thoáng đó là cái mũ và chỉ cho dân làng biết.

 Tuy nhiên, nắng mưa và gió bụi đã làm nó phai màu bạc thếch, và hai miếng nỉ che tai trông giống như hai cái tai đầy lông lá của một con vật. Hình dáng của chiếc mũ rách dần dần trở nên dị dạng.

Sau đó, những du khách và khách hành hương nào dừng chân ở ngôi làng đều được cảnh báo về một “cái gì đó” không phải người, không phải vật đứng lấp ló ở bìa rừng và họ được căn dặn phải cẩn thận. Có người còn cho đó là một con ma, thậm chí là một con quỷ.

Thế là khắp vùng đều râm ran câu chuyện về “con quỷ” nơi bìa rừng.

Cho đến ngày kia, du khách thấy vật rách tả tơi kia động đậy, rồi một ngày khác, họ thấy nó lách ra khỏi đám cây gai bao quanh và đuổi theo khách qua đường, khiến họ hoảng kinh phải vắt chân lên cổ mà chạy.

Cái mũ kia trở thành vật sống thực là nhờ hiệu ứng tập trung tư tưởng của đám đông hướng về nó.

Câu chuyện trên đây, mà người ta quả quyết là có thực, được xem là ví dụ điển hình về sức mạnh của sự tập trung tư tưởng, dù điều đó hoàn toàn vô thức và không nhắm vào mục đích cụ thể nào.

***

Câu chuyện thứ hai là chuyện tưởng tượng do một kẻ ngoại đạo có tính bông lơn bịa ra để chế nhạo những tín đồ ngoan đạo. Tuy nhiên, nó cũng không phải là hoàn toàn vô lý. Không một ai ở Tây Tạng lại thấy nó đáng cười hay mang ý bất kính. Câu chuyện được chấp nhận như là cách diễn đạt về thực tại liên quan đến việc thờ cúng. Một đối tượng được thờ cúng mà có được năng lực siêu nhiên là nhờ sự tập trung tư tưởng và lòng thành kính của người thờ cúng đối với nó.

Một bà lão nọ có người con sang Ấn Độ buôn bán, bà liền căn dặn người con phải mang về cho bà một ít xá lợi từ vùng đất thánh. Đối với người Tây Tạng thì Ấn Độ là thánh địa, vì đó là chiếc nôi sinh của Phật giáo. Người con hứa với mẹ, nhưng sau đó vì quá bận rộn với công việc buôn bán nên anh ta quên bẵng đi mất.

Bà lão rất buồn, và năm sau, khi người con đi chuyến khác thì bà lại dặn dò phải mang về cho được một ít xá lợi.

Người con lại hứa với mẹ và lại quên. Năm sau, mọi chuyện lại diễn ra y như vậy. Đến lần thứ ba, người con nhớ đến lời mẹ dặn khi ra đi nên cảm thấy buồn lòng về sự bất hiếu của mình. Trong lúc đang suy nghĩ chưa biết phải xử trí thế nào thì anh ta chợt nhìn thấy một hàm răng chó nằm bên vệ đường. Một ý nghĩ chợt loé trong đầu. Anh ta vội bẻ một cái răng chó, chùi rửa sạch sẽ, rồi dùng một mảnh lụa gói lại. Khi về đến nhà, anh ta đưa cái răng đó cho mẹ và bảo là cái răng của trưởng lão Xá Lợi Phất – một cao đồ của đức Phật.

Lòng tràn ngập niềm hân hoan và lòng sùng kính, bà lão đặt cái răng đó vào trong một hòm đựng xá lợi trên bàn thờ. Hằng ngày, bà lão đều thắp hương đèn cúng bái rất thành kính. Một số tín đồ khác cũng tham gia lễ bái, và sau một thời gian, cái răng chó tự nhiên phát sáng lóng lánh, như một xá lợi thực sự.

Từ câu chuyện này, phát sinh một câu vè:

Meu gus yeu na
Khyi so eu toung

(Răng chó trở thành xá lợi
Nhờ tâm cúng bái chí thành
)

 Như vậy, bạn đọc có thể thấy, trong suốt tác phẩm này, giáo lý Lạt-ma giáo liên quan đến bất kỳ hiện tượng nào trên cơ bản là như nhau. Tất cả đều dựa trên năng lực tinh thần, và không phải là vô lý khi phần đông mọi người xem vũ trụ, như chúng ta đang thấy, chỉ là một ảnh tượng chủ quan.

Khả năng tàng hình mà một số pháp sư ma thuật trình diễn, trong câu chuyện kể của mọi xứ sở, rốt cuộc vẫn được các nhà thần bí Tây Tạng xem là sự chấm dứt hoạt động tinh thần.

Những câu chuyện này không bỏ qua chi tiết về những chất liệu trung gian tạo ra khả năng tàng hình. Trong số những chất liệu này, nổi tiếng nhất là dip ching, đó là một miếng gỗ hoang đường mà một loài quạ dị thường giấu trong tổ của nó. Chỉ cần một mẩu nhỏ của miếng gỗ này cũng đủ giúp một người hoặc một con vật tàng hình hoàn toàn. Nhưng các naldjorpa vĩ đại, các doubtchen trác việt không cần đến bất kỳ một công cụ thần bí nào mà vẫn có thể tàng hình.

Theo những gì tôi có thể hiểu được thì những hành giả thượng thừa trong pháp môn luyện tâm không xem hiện tượng tàng hình theo cách những người phàm tục. Dường như theo cách hiểu của họ thì tàng hình không phải là ẩn giấu mình đi, như người bình dân vẫn thường hiểu, mà là đừng khơi dậy sự nhận thức của người mà họ đang tiếp cận. Theo cách đó, hành giả có thể đi qua trước mặt người khác mà không hề bị phát hiện, và ở một mức độ ít hoàn hảo hơn thì hành giả đi qua trước mặt người khác mà vẫn ít bị để ý, không hề khiến họ phải suy nghĩ hay gợi cho họ một ấn tượng nào trong trí nhớ.

Những cách giải thích mà tôi nhận được từ chủ đề này có thể được suy diễn như sau: khi ta bước tới khuấy động ầm ĩ, khua chân múa tay, va chạm người này vật nọ thì ta làm nảy sinh một loạt cảm xúc trong một đám đông người. Sự chú ý sẽ được đánh thức trong những người cảm nhận được điều này và tác động ngược lại trên ta, là tác giả gây ra điều đó. Ngược lại, nếu ta bước đi thật nhẹ nhàng trong lặng lẽ thì ta khơi dậy rất ít cảm xúc; nếu ít người cảm nhận được điều này thì sẽ có rất người chú ý đến ta.

Nhưng dù ta có bước đi lặng lẽ nhẹ nhàng đến mấy thì hoạt động tinh thần vẫn luôn luôn làm phát sinh một dạng năng lượng bao quanh ta, và ai tiếp xúc với dạng năng lượng này đều cảm nhận được nó. Nếu loại bỏ được tất cả hoạt động tinh thần, thì ta sẽ không làm khơi dậy bất kỳ cảm xúc nào bao quanh ta, và do dó không ai nhìn thấy ta cả.

Vì tôi thấy luận điểm này quá đỗi mơ hồ, nên gợi ý rằng: dù có làm bất cứ điều gì đi nữa thì một vật thể bắt buộc phải hữu hình, nghĩa là phải bị nhìn thấy. Đây là câu trả lời: tại mỗi thời điểm ta có thể thấy rất nhiều đối tượng, song ta chỉ lưu ý đến một số nào đó trong chúng mà thôi. Những đối tượng khác không gợi nên một ấn tượng nào trong ta, không một “nhận thức có chủ ý”[6] nào phát khởi khi ta tiếp xúc bằng mắt với đối tượng,[7] nên ta không còn nhớ là ta đã tiếp xúc với nó. Như vậy thì đối với chúng ta, các đối tượng đó là vô hình.

Cho dù có tin được những câu chuyện chung quanh vấn đề này, hoặc những người khẳng định đã tận mắt chứng kiến hay không, thì những điều này vẫn thường xảy ra tại Tây Tạng, có điều ta phải biết là trong đó phần lớn đều là sự thổi phồng cường điệu hoặc khoa trương khoác lác. Có rất nhiều người, khi nghe kể một câu chuyện kỳ lạ, đều muốn huênh hoang tuyên bố là đã từng chứng kiến một câu chuyện còn quái dị hơn nhiều.

Ta cũng cần phải hiểu sự ám thị tập thể và tự kỷ ám thị. Tuy nhiên, tất cả những sự kiện liên quan đến tần số diễn ra hiện tượng này khiến tôi khó lòng mà phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của nó được.

Việc tạo ra một đối tượng bằng huyễn thuật[8] như người Tây Tạng đã mô tả, và như tôi tận mắt chứng kiến lại hoàn toàn không giống với những gì diễn ra trong cuộc gặp mặt của những người theo thuyết duy linh. Tại Tây Tạng, những người chứng kiến các hiện tượng này cũng chẳng mấy ai mong ước đạt đến khả năng thực hiện được chúng. Không có tấm bảng để những người cộng tác đặt tay lên, không có giai đoạn xuất thần trung gian, cũng chẳng có phòng tối cho các người tham dự.[9] Bóng tối không còn là điều cần thiết nữa, và ánh sáng mặt trời giữa thanh thiên bạch nhật vẫn không hề gây trở ngại cho việc tạo một đối tượng bằng huyễn thuật.

Như đã nói, một số vật thể hữu hình được tạo ra một cách cố ý, hoặc ngay lập tức, nếu tác giả có đủ công phu đạo hạnh, hoặc phải trải qua một tiến trình rất chậm, giống như tiến trình thiền quán để tạo ra Yidam được mô tả trong phần trước.

 Có nhiều trường hợp khác, tác giả lại tạo ra các hiện tượng đó một cách vô tình, mà không hề ý thức đến việc chúng được bao người khác quan chiêm, nhìn ngắm.

 Đôi khi, hình nhân ảo xuất hiện dưới hình dạng giống như người đã tạo ra chúng, thì những ai tin vào sự tồn tại của một thể vía “lưỡng phân”[10] ắt sẽ thấy nó hiện ra ở đây. Song đôi khi lại có nhiều hình nhân ảo giống hệt tác giả xuất hiện đồng thời, lúc đó thì khó xác định đâu là thể vía “lưỡng phân” thực sự. Cũng có trường hợp, có một hay nhiều hình nhân ảo đồng thời xuất hiện mà chẳng hề giống tác giả tí nào.

Tôi xin kể lại một vài hiện tượng mà tôi cùng nhiều người khác đã tận mắt chứng kiến.

Câu chuyện thứ nhất

Tôi có một anh thanh niên giúp việc tên là Quangdu. Một hôm anh ta xin tôi về nhà thăm cha mẹ. Tôi cho phép anh ta được nghỉ ba tuần, sau đó nhờ mua thêm cho tôi ít thực phẩm và kiếm thêm một vài người phu để khuân hành lý qua bên kia núi.

Anh ta về nhà chắc vui quá nên kéo dài thêm kỳ nghỉ. Đã hai tháng trôi qua mà vẫn không thấy tăm dạng anh ta đâu, nên tôi nghĩ anh ta đã bỏ luôn tôi rồi.

Một đêm kia, tôi nằm mơ thấy Quangdu trong bộ âu phục hoàn toàn xa lạ mà tôi chưa hề thấy anh ta mặc bao giờ.

Sáng hôm sau, một người tùy tùng chạy đến báo tin:

– Quangdu đã tới. Tôi vừa trông thấy anh ta.

Tôi thấy sự trùng hợp này thật là kỳ lạ, nên liền đi ra ngoài để đón.

Khu vực chúng tôi ở nhìn xuống một thung lũng. Tôi thấy rõ ràng Quangdu ăn mặc giống hệt như tôi thấy trong mơ. Anh ta đang một mình leo lên con đường ngoằn ngoèo trên sườn núi. Tôi thấy anh ta không mang theo hành lý gì cả, và người tùy tùng đứng cạnh bảo:

– Có lẽ Quangdu đến trước, còn đoàn phu đi sau.

Hai người tùy tùng khác cũng thấy rõ ràng Quangdu đang leo trên sườn núi.

Chúng tôi tiếp tục theo dõi thì thấy anh ta đến gần một ngọn tháp (chortën). Nền tháp xây theo hình khối, mỗi chiều khoảng tám tấc, từ nền đến đỉnh cao khoảng hai thước. Tháp này một phần xây bằng đá, một phần làm bằng đất nện, hoàn toàn không có một hốc trống nào.

Quangdu đi ngang qua đằng sau ngọn tháp, rồi đột nhiên biến mất.

Tại nơi đó không hề có nhà cửa, cây cối, cũng chẳng có một mô đất nào ngoài ngọn tháp đứng chơ vơ. Thoạt đầu, chúng tôi nghĩ rằng Quangdu ngồi nghỉ ở sau ngọn tháp. Đợi một lúc lâu mà chẳng thấy anh ta đâu, tôi liền lấy ống dòm nhìn quanh thì chẳng thấy một ai.

Tôi bèn sai hai người tùy tùng đi tìm Quangdu. Tôi dùng ống dòm để theo dõi, và thấy họ cũng chẳng phát hiện được một người nào.

Khoảng năm giờ chiều hôm đó, Quangdu xuất hiện, dẫn đầu một đoàn phu độ vài người. Anh ta ăn mặc giống hệt như tôi thấy trong mơ.

Không báo cho họ biết bất cứ điều gì, cũng không để họ kịp chuyện trò với những người tùy tùng, tôi liền hỏi ngay những người phu và bản thân Quangdu. Kết quả cuộc tra hỏi cho thấy tất cả điều đó đã diễn ra trong đêm trước, tại một nơi rất xa khó lòng đến được đây vào sáng hôm sau, và Quangdu vẫn đi chung với đoàn.

Trong suốt mấy tuần tiếp theo, tôi có cơ hội khẳng định tính xác thực những lời nói đó khi hỏi những người phu đã nghỉ ở nơi đâu. Rõ ra họ đã nói thật, và suốt lộ trình, Quangdu chưa hề rời xa đoàn.

Câu chuyện thứ hai

Một họa sĩ Tây Tạng vẽ các hung thần, và thờ các bức tranh đó rất mực chí thành. Một chiều nọ, ông ta đến thăm tôi. Tôi thấy sau lưng ông có một đám mây mờ, trong đó thấp thoáng khuôn mặt đáng sợ của một trong những hung thần mà ông ta từng vẽ.

Thấy tôi lộ vẻ kinh hãi, ông ta liền bước tới hỏi lý do. Tôi để ý thấy bóng ma sau lưng ông ta lại không di chuyển theo, nên nhanh nhẹn tránh người họa sĩ, bước tới về phía bóng ma và chìa tay ra. Tôi có cảm giác như chạm vào một vật khá cứng, và khi ấn tay vào thì nó lùi lại. Bóng ma biến mất.

Khi nghe tôi hỏi, người họa sĩ thú nhận trong mấy tuần qua đã làm lễ chiêu hồn để triệu gọi vị hung thần mà tôi vừa thấy, và ngày hôm đó ông đã phải làm việc rất nhiều với bản vẽ vị hung thần.

Tóm lại, toàn bộ tư tưởng của ông ta đều tập trung vào vị hung thần mà ông muốn dùng làm vị thần hộ mạng của mình.

Nhưng bản thân vị họa sĩ lại không thấy bóng ma đó.

Câu chuyện thứ ba

Hiện tượng trong câu chuyện này dường như được cố ý tạo ra.

Câu chuyện này xảy ra khi tôi cắm trại gần tịnh thất (riteu) Pounag, ở Kham. Một buổi chiều nọ, tôi ở một mình trong trại với cậu đầu bếp. Khi nghe cậu ta cần thực phẩm để chuẩn bị bữa ăn, tôi liền dẫn cậu ta đi về căn lều của tôi để lấy.

Lều của tôi không rủ rèm, nên khi gần đến, chúng tôi thấy vị lạt-ma trụ trì tịnh thất đang ngồi trên cái ghế gần bàn làm việc. Điều này không làm chúng tôi ngạc nhiên vì vị lạt-ma này vẫn thường đến thăm chúng tôi. Cậu đầu bếp nói:

– Hòa thượng (rimpotché)đến rồi, để con đi pha trà mời ngài, rồi nấu ăn sau.

Tôi đáp:

– Ừ, phải đấy, con mau pha trà ngay đi.

Khi cậu đầu bếp quay đi, tôi bước tới vài bước nữa đến gần cửa lều thì dường như có một đám mây trong suốt buông xuống như bức màn che trước chiếc lều, rồi tan đi nhẹ nhàng, vị lạt-ma biến mất.

Lát sau cậu đầu bếp mang trà đến, và sửng sốt khi thấy vị lạt-ma không còn ở đó nữa. Để cậu ta khỏi sợ hãi, tôi bảo:

– Hòa thượng bận quá không ở lâu được, nên chỉ nói với tôi mấy câu rồi bỏ đi rồi.

Sau đó, tôi có hỏi vị lạt-ma về ảnh tượng này, nhưng ông ta chỉ mỉm cười tinh quái mà không giải thích gì.

Việc tạo ra một hình nhân ảo, như tôi đã trình bày trong phần nói về Yidam, nhằm vào hai mục tiêu: mục tiêu cao cả là dạy cho môn đồ biết rằng vạn pháp đều do tâm tạo, còn mục tiêu được quan tâm nhiều nhất là tìm được vị thần hộ mạng.

Bằng cách nào mà hình nhân ảo này lại bảo vệ được người tạo ra nó? Bằng cách xuất hiện thay thế cho ông ta. Sau đây là phương pháp tập luyện phổ biến.

Mỗi buổi sáng, vị lạt-ma thành thục với pháp môn này đều “khoác lên mình” tính cách của vị thần Yidam hộ mạng (hoặc có thể là một vị thần khác nếu ông ta muốn), và ông ta không quán tưởng các hung thần dưới hình hài của một con người, mà dưới hình dạng khủng khiếp của chư thiên để bảo vệ mình.

Trong số những người khổ luyện nghi thức này vào mỗi sáng để “khoác lên mình” hình dạng của Yidam, rất ít người có khả năng cho hiển lộ hình dạng của Yidam. Tôi không biết liệu họ có lừa gạt được ma quỷ hay không, song chắc chắn là họ không hề tạo ra ảo ảnh đối với con người. Tôi nghe kể có nhiều vị lạt-ma đột nhiên làm xuất hiện được hình dạng những vị thần được thờ cúng trong Lạt-ma giáo.

Về phần các pháp sư, họ chỉ tìm thấy trong các hình nhân ảo (toulpa) một công cụ để thực thi ý chí của mình. Trong trường hợp đó thì các hình nhân ảo không nhất thiết phải là vị thần hộ mạng, mà có thể mang bất cứ hình dạng nào, thậm chí là đồ vật vô tri giác, miễn sao phục vụ cho được ý đồ của họ.[11]

Các pháp sư huyễn thuật bảo rằng, sau khi được tạo ra thì hình nhân ảo thường tìm cách thoát khỏi sự kiềm chế của họ. Nó trở thành một đứa con nổi loạn, và người ta kể trong cuộc chiến đấu giữa các pháp sư với hình nhân ảo, thì chính người tạo ra chúng lại phải nhận kết cục bi thảm.

Cũng phải kể đến trường hợp có những hình nhân ảo được phái đi thực hiện nhiệm vụ lại không quay về, mà cứ tiếp tục cuộc hành trình như một con rối nửa mê nửa tỉnh. Ngày trước, chính sự phân rã một hình nhân ảo đã gây ra nhiều thảm kịch. Trong khi các pháp sư cố gắng phá hủy công trình của mình thì hình nhân ảo lại kiên trì giữ lấy sự sống mà người ta đã truyền vào nó.

Tất cả những câu chuyện bi thảm về việc “tạo ra một đối tượng bằng huyễn thuật” khi hình nhân ảo nổi loạn phải chăng chỉ thuần là tưởng tượng?

Có thể là như vậy. Tôi không thể đoan chắc một điều gì cả, mà chỉ kể lại những gì mình nghe được từ những người đáng tin cậy. Song cũng có thể những người này mắc bệnh hoang tưởng hoặc tự đánh lừa mình.

Về khả năng tạo ra những hình nhân ảo và biến chúng thành thực thể sống thì tôi hoàn toàn không một chút nghi ngờ.

 Do bản tính hoài nghi, tôi muốn bản thân mình trải nghiệm những điều đó, chứ không để bị chi phối và tác động bởi những hình tướng đầy ấn tượng của những vị thần trong Lạt-ma giáo mà tôi đã có dịp tận mắt chứng kiến trên tranh vẽ hoặc tượng thờ, nên tôi bèn chọn một nhân vật vô nghĩa: đó là pho tượng một vị lạt-ma to lớn mập mạp, vẻ mặt hồn nhiên vui tính. Sau mấy tháng thì pho tượng đó cũng được làm xong. Nó được “định vị” và trở thành người bạn ăn cùng mâm với tôi. Pho tượng chỉ có mỗi một nhiệm vụ là chờ tôi tập trung tư tưởng vào nó để hiện hình, song nó lại hiện ra vào lúc mà tâm trí tôi đang nghĩ đến chuyện khác. Ảo ảnh này hiện rõ ra trước mắt, nhưng tôi có cảm giác như một tấm áo vải chạm nhẹ vào người, và có ai đó tỳ tay trên vai mình. Lúc đó, tôi không hề sống biệt lập hay nhập thất, mà suốt ngày tôi cưỡi ngựa dạo chơi theo thói quen, sống vui vẻ thoải mái trong lều với trạng thái sức khỏe cực tốt.

Pho tượng lạt-ma của tôi từ từ thay đổi. Nét mặt bầu bĩnh do tôi tạo ra đã dần dần mảnh lại, lộ vẻ tinh quái và độc ác. Nó trở thành thứ gây khó chịu. Tóm lại, nó đã vuột khỏi tay tôi. Một hôm, chú chăn dê mang sữa đến cho tôi, trông thấy pho tượng mà cứ ngỡ đó là một vị lạt-ma thật sự bằng xương bằng thịt.

Lẽ ra tôi cứ để mặc cho hiện tượng đó trôi diễn ra theo xu hướng tự nhiên, thế nhưng sự hiện diện khác thường này bắt đầu khiến thần kinh tôi căng thẳng. Nó chuyển thành những cơn ác mộng, nên tôi bèn quyết định tìm cách xóa tan đi cái ảo giác mà tôi không thể nào chế ngự được hoàn toàn. Sau sáu tháng đầy nỗ lực, tôi mới thành công. Vị lạt-ma của tôi trở lại một pho tượng bình thường.

Việc tôi tự gây được ảo giác cho bản thân cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Điều lý thú trong việc “tạo hình nhân ảo” là có nhiều người khác trông thấy một hình tướng được tạo ra bằng tư tưởng. Người Tây Tạng không đồng ý với cách giải thích về hiện tượng này. Một số người cho rằng hình nhân ảo là có thực, một số khác lại cho rằng đó chỉ là sự ám thị: tư tưởng của người tạo ra hình nhân ảo đã tác động lên trên người khác khiến họ cũng trông thấy những gì tác giả trông thấy.

Cho dù người Tây Tạng có khéo léo đến đâu đi chăng nữa trong việc tìm cách giải thích hợp lý cho những hiện tượng quái dị này, thì những hình nhân ảo đó vẫn là điều khó hiểu, vì chúng chỉ thuần là sự sáng tạo hoặc vì những lý do khác nữa.

Cũng vì thế mà phần đông cho rằng các đạo sư huyễn thuật thượng thừa không viên tịch theo cách thông thường, mà họ có thể làm cho thể xác tan biến theo cách họ muốn mà không để lại một dấu vết nào.

Truyền thuyết kể rằng cao đồ của Milarespa là Restchoungpa đã viên tịch theo cách đó, và bà Dagmédma, vợ của đại dịch giả Marpa, đã tan nhập vào thân thể của chồng sau một quá trình thiền quán lạ thường.

Lúc nào cũng vậy, những câu chuyện về các vị anh hùng sống trong truyền thống cách đây nhiều thế kỷ đều bị chúng ta xem như là truyền thuyết hoang đường. Những câu chuyện xảy ra gần đây dễ khiến chúng ta quan tâm hơn, vì những điều lạ thường quái dị không diễn ra ở những chốn ẩn cư hoang vu cô tịch, mà lại được thực hiện giữa ban ngày ban mặt, trước sự chứng kiến của hàng trăm người.

Tôi xin nói ngay rằng tôi không nằm trong số người chứng kiến đó. Và độc giả cũng hiểu được tôi tiếc nuối biết là ngần nào. Tôi chỉ ghi nhận những thông tin từ những người khẳng định là đã tận mắt chứng kiến. Sợi dây duy nhất nối kết tôi với phép lạ đó là tôi biết được nhân vật người hùng được kể trong câu chuyện.

Người này là vị đạo sư tâm linh của Ban-thiền Lạt-ma.[12] Người ta thườnggọi ông là trưởng lão hòa thượng (rimpotché) Kyongbou. Trong thời gian tôi lưu trú tại Jigatzé thì ông đã già và ẩn tu tại một nơi cách thành phố khoảng vài cây số, bên bờ sông Yèsrou Tsangpo (tức sông Brhamapoutre). Mẫu thân của Ban-thiền Lạt-ma rất tôn kính vị hòa thượng này. Trong thời gian sống bên cạnh bà, tôi được nghe kể nhiều chuyện kỳ diệu về ngài.

Người ta kể rằng theo năm tháng trôi qua, thân thể của vị hòa thượng thánh thiện đó nhỏ dần lại. Theo người Tây Tạng thì đó là dấu hiệu của đời sống tâm linh viên mãn. Theo truyền thuyết thì có nhiều vị đạo sư thượng thừa to lớn nhưng cứ rút dần thân thể lại và cuối cùng biến mất.

 Khi bàn về lễ hoàn công cho pho tượng Di Lặc mới, đức Ban-thiền Lạt-ma bày tỏ nguyện vọng muốn trưởng lão hòa thượng Kyongbou đứng ra chủ trì buổi lễ, song vị này cho biết ông sẽ viên tịch trước khi công trình hoàn tất.

Người ta kể cho tôi nghe rằng đức Ban-thiền Lạt-ma khẩn khoản cầu xin hòa thượng Kyongbou hoãn thời điểm viên tịch lại, để ban phép lành cho tự viện và pho tượng.

Đối với người phương Tây thì lời thỉnh cầu như vậy có vẻ lạ lùng, những với người Tây Tạng thì đó là điều bình thường vì các cao tăng huyễn thuật có khả năng chọn thời điểm qua đời.

Vì nể lời cầu xin của Ban-thiền Lạt-ma nên vị hòa thượng ẩn tu chấp nhận ông sẽ có mặt trong ngày lễ hoàn công.

Sau khi tôi rời Jigatzé được ít lâu thì pho tượng hoàn thành, và người ta chọn ngày lành để tổ chức buổi lễ hoàn công trang trọng. Đến ngày đó, vị Ban-thiền Lạt-ma cho một đoàn người khiêng cái kiệu lộng lẫy đón vị trưởng lão hòa thượng đến Trachilhumpo.

Đoàn người thấy vị trưởng lão hòa thượng bước lên, an tọa trên kiệu rồi mới khởi hành.

Trong khi đó, hàng ngàn người đang tụ họp tại Trachilhumpo để tham dự buổi lễ. Cả đám đông bàng hoàng kinh hãi khi thấy hòa thượng Kyongbou đột nhiên xuất hiện với chân trần! Ngài lặng lẽ băng qua sảnh đường, đến trước pho tượng khổng lồ, đứng áp sát người vào rồi từ từ biến dần vào trong đó.

 Một lúc sau, đoàn người đưa chiếc kiệu về đến nơi. Khi vén màn lên, chiếc kiệu trống rỗng không người!

Nhiều người quả quyết, kể từ lúc đó không còn ai thấy lại ngài nữa.

***

Khi nghe kể lại câu chuyện kỳ dị này tại Lhassa, tôi thấy nó hoàn toàn vượt ngoài sự tưởng tượng của mình. Tôi quan tâm đến câu chuyện này một cách đặc biệt vì tôi từng quen biết với vị hòa thượng ẩn tu Kyongbou, đã từng thấy nơi diễn ra hiện tượng lạ thường kia, và đã được thông báo trực tiếp về những sự kiện trước đó, tức là lời thỉnh cầu của Ban-thiền Lạt-ma và lời hứa hoãn thời điểm viên tịch của vị trưởng lão hòa thượng.

Ruột gan như lửa đốt, tôi muốn quay về ngay Jigatzé để tìm hiểu về những ngày cuối cùng của vị lạt-ma đó, và nôn nóng muốn đi tìm ngôi mộ của ngài nếu như ngài đã thực sự viên tịch. Song lúc đó, tôi và Yongden đang giả dạng để sống ở Lhassa, và tôi biết khó lòng đóng vai một kẻ xa lạ tại Jigatzé, nơi có khá nhiều người biết đến chúng tôi. Để lộ chân tướng đồng nghĩa với việc bị trục xuất ra khỏi biên giới. Và thời gian lưu trú tại chốn kinh đô Tây Tạng, tôi đi tham quan lăng tẩm của vua chúa, và một công trình kiến trúc tại tỉnh Yarloung. Do đó, tôi buộc lòng phải từ bỏ công việc nghiên cứu của mình.

Tuy nhiên, trước khi chúng tôi rời Tây Tạng, Yongden đã tìm cách tìm hiểu về phép lạ diễn ra ở Jigatzé đối với một số người mà ông ta tin là có những kiến giải rõ ràng.

Thật không may, thời gian xảy ra biến cố kéo dài đến gần bảy năm sau. Trong thời gian đó, biết bao là cảnh dâu biển tang thương đã diễn ra tại Tsang, và biết bao phép lạ khác gán cho vị Ban-thiền Lạt-ma khi ngài đào thoát khỏi Tây Tạng. Hơn nữa, không khí chính trị lúc đó không mấy thuận lợi cho con người và sự việc ở Tsang. Những người có địa vị xã hội thì trở nên rụt rè kín miệng quá độ, không dám nói về những điều gì có nội dung ca tụng vị Ban-thiền Lạt-ma lưu vong, hoặc ngợi khen pho tượng Phật Di Lặc, mà theo lời đồn đãi đã gợi nên sự ghen tỵ của triều đình Lhassa.

 Chúng tôi ghi nhận được vài ý kiến như sau:

Hòa thượng Kyongbou đã tạo nên một hình nhân ảo giống hệt như ngài để ngồi trên kiệu và được đưa đến tự viện có pho tượng Phật Di Lặc. Hình nhân ảo này tan biến khi chạm vào pho tượng, trong khi đó vị hòa thượng không hề rời chốn ẩn tu.

Một ý kiến khác cho rằng từ chỗ ẩn tu, hòa thượng Kyongbou đã thi triển huyễn thuật để tạo nên một ảo giác tập thể cho đám đông tụ hội tại một nơi rất xa.

Một số người nữa lại cho rằng hòa thượng Kyongbou đã viên tịch trước khi phép lạ diễn ra, nhưng đã lưu lại một hình nhân ảo để đại diện ngài đi đến Trachilhumpo.

Điều này khiến tôi nhớ lại một môn đồ của hòa thượng Kyongbou có lần đã bảo tôi rằng: bằng phương pháp tập trung tư tưởng, ta có thể chuẩn bị cho những sự kiện sẽ diễn ra trong tương lai. Nếu việc tập trung tư tưởng thành công, tất cả những hoạt động tiếp theo sẽ diễn ra một cách máy móc, mà không cần đến sự can thiệp của vị pháp sư. Vị lạt-ma này có nói thêm, trong nhiều trường hợp, nếu vị pháp sư không thể hủy bỏ công trình của mình và ngăn không cho hiện tượng xảy ra tại thời điểm quy định, thì năng lượng phát sinh sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát của ông ta.

Người ta có thể nói rất nhiều về những hiện tượng tâm linh tại Tây Tạng. Công trình biên khảo của một người nghiên cứu duy nhất chắc chắn là vô cùng thiếu sót, đặc biệt là trong những điều kiện khó khăn mà người viết phải trải qua khi thực hiện công trình nghiên cứu tại xứ sở này.

Ý tưởng thực hiện một khóa học về huyễn thuật, hoặc rao giảng giáo lý về những hiện tượng tâm linh là điều hoàn toàn không hề có trong tư tưởng tôi. Mục đích của tôi chỉ đơn giản là đưa ra ý kiến, tại một xứ sở còn rất xa lạ ít người biết đến, về cách thức mà lĩnh vực nghiên cứu tâm lý phải đối mặt.

Tôi sẽ vô cùng hạnh phúc nếu cuốn sách này có thể gợi hứng cho những người tài giỏi hơn tôi niềm khát vọng nghiên cứu một cách nghiêm túc những hiện tượng mà tôi đã trình bày ngắn gọn.

Tôi nhận thấy công trình nghiên cứu những hiện tượng tâm lý cũng cần được thực hiện với một tinh thần mà ta áp dụng để nghiên cứu khoa học. Những khám phá mà người ta có thể tạo ra trong lĩnh vực này chẳng có gì là thần kỳ, cũng chẳng có gì có thể biện minh được cho những điều mê tín dị đoan vớ vẩn. Trái lại, các công trình nghiên cứu có xu hướng đưa ra ánh sáng cơ chế của những điều được xem là phép lạ, và một khi ta đã giải thích được phép lạ thì nó không còn là phép lạ nữa.

GHI CHÚ

Phần in đậm là phiên âm theo tiếng Pháp, phần chữ in nghiêng trong ngoặc là cách phiên âm theo tiếng Anh. Các thuật ngữ không kèm phiên âm tiếng Anh có nghĩa là cách phiên âm trong tiếng Anh và tiếng Pháp giống nhau.

Bön              tôn giáo cổ ở Tây Tạng, thiên về huyễn thuật, hầu như chi phối toàn bộ đời sống tôn giáo ở Tây Tạng trước khi Phật giáo được du nhập vào xứ này.

Boutön         (Bustön) tên người.

brocart         (brocade) áo choàng.

bugalow       ngôi nhà nhỏ ven đường để khách bộ hành nghỉ chân, giống như trường đinh ở Trung Quốc thời xưa.

Chindjé        (Shinjed) tử thần, chúa tể cõi chết.

chörten        bảo tháp.

Dâkini          (Daikini) những nữ thần Tây Tạng thị hiện dưới nhiều hóa thân. Họ dạy mật giáo cho các tín đồ, và thường được người Tây Tạng gọi là “thánh mẫu”.

dobdob        cảnh vệ của tự viện.

Dordji Naldjorma (Dordje Naljorma) Tiếng Phạn là Vajrayoginī, người Trung Quốc dịch là Du Già Không Hành Mẫu 瑜伽空行母, được xem là thể tính của tất cả chư Phật.

doubtchén   (dubchen) pháp sư có pháp lực cao.

doubtob       vị pháp sư thông thái có huyễn thuật siêu nhiên.

Dzogstchén (Dzogchen) pháp môn Đại Viên Thành.

gelong             tu sĩ được thụ pháp.

gomchént        vị tu sĩ ẩn tu.

gompa             chùa, tự viện.

gomptchénma (gomchenma) nữ tu sĩ Lạt-ma.

Hérouka      (Heruka) Vị thần Lạt-ma giáo tượng trưng cho các vị khổ tu lõa thể.

Jétsunma     (Jetsunma) từ tôn xưng một vị nữ tu lạt-ma.

Jigatzé          (Shigatze) địa danh.

Khayud-pa (Kagyu, Kagyudpa, Kagyud- pa) một trong bốn truyền thống lớn của Kim Cương thừa (Vajrayana). Kagyudpa (gọi tắt là Kagyu) bao gồm nhiều chi phái, mỗi chi phái mang một tên khác nhau tùy theo vị tổ sư sáng lập hoặc tự viện mà chi phái đó phát sinh.

Kouchog (Kushog) thượng tọa, hòa thượng (từ tôn xưng).

kyilkhor (kyilkhor) vòng tròn thần bí; đàn tràng thần bí. (X. chi tiết ở chương 7)

naldjorpa     theo nghĩa đen là “người đã đạt đến trạng thái thanh tĩnh tuyệt đối”, nhưng đám đông quần chúng lại cho rằng đó là những bậc khổ tu có nhiều pháp thuật. (T.g)

ngagspa       thầy pháp, thầy phù thủy

Padmasambhâva (Padmasambhāva) được gọi là Liên hoa sinh, bậc đạo sư vĩ đại của người Tây Tạng, người có công du nhập và đặt nền tảng Phật giáo cho đất nước Tây Tạng.

philing          (philing) kẻ lạ, người nước ngoài.

pourba         (phurba) con dao tế lễ.

Restchoungpa (Reschungpa) một vị môn đồ của ngài Milarespa.

Rimpotché (Rimpoche) đức thầy, thượng tọa, hòa thượng (từ tôn xưng)

riteu (ritöd) mật thất (thảo liêu ở trên đỉnh núi )

Tantra (Tantra) cũng viết là Tantrisme hoặc Tantricism, là một danh từ chung được dùng để gọi các truyền thống và nghi quỹ thần bí trong một số tôn giáo ở phương Đông. Tantra trong tiếng Phạn có nghĩa là “đan dệt”, thường được dịch là Mật giáo (hay Mật tông), dùng để chỉ thực tướng viên dung tương ứng của toàn thể vũ trụ. Các tín ngưỡng trong Phật giáo, Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo và đạo Bön ít nhiều đều mang những yếu tố của Tantra. Do đó, Tantra không phải là một tín ngưỡng độc lập, mà là sự pha trộn giữa đức tin và sự tu tập những pháp môn của một vài tôn giáo lớn khác.

thang            vùng đất bằng phẳng, bình nguyên.

Thébgyai     (Thebgyai) địa danh.

Trapa           sa di, tu sĩ.

tsham-khang mật thất (thảo liêu ở kế cận tự viện )

Tsong Khapa nhà cải cách tôn giáo vĩ đại người Tây Tạng, người Trung Quốc phiên âm là Tông Khách Ba.

tulkou (tulku) Hoạt Phật, hóa thân.

tulpa             hình nhân ảo, những thứ được tạo ra từ huyễn thuật.

Tzurwang Sengé (Zurwang Senge) tên người: sư phụ của Youngtön Dordji Pal.

Youngtön Dordji Pal (Yungtön Dordje Pal) tên người: vị lạt-ma làm khởi phát môn phiêu nhiên công.

zen                (zen) pháp phục của tu sĩ sống trong tự viện.


[1] Vùng đất cổ ở miền nam Mesopotamia, được thành lập khoảng 1000 năm trước Công nguyên. Chaldea đạt đến giai đoạn cực thịnh dưới triều đại Nebuchadnezzar đệ nhị, và bị người Ba Tư phá hủy vào năm 593 trước Công nguyên.

[2] Ngày nay mọi việc đã khác hẳn, du khách có thể đến thăm tham quan Tây Tạng khá dễ dàng, nhưng có lẽ khó lòng cảm nhận được những gì tác giả đã viết, vì không khí tôn giáo đã thay đổi và tâm lực chưa đủ để đón nhận được những điều huyền nhiệm.

[3] Sáu cõi luân hồi, gồm: 1.Thiên (Trời) 2.A- Tu- La (Thần) 3.Nhân (người) 4.Địa ngục 5.Ngạ quỷ (quỷ đói) và 6.Súc sanh (thú vật).

[4] Tiếng Tây Tạng là rig. Ví dụ sữa hiện hữu trong bơ, hạt giống hiện hữu trong cái cây phát sinh từ nó. Người Tây Tạng rất hay dùng những thí dụ này. (T.g).

[5] Ở đây, tôi sử dụng các từ không hợp với phong cách Tây Tạng cho lắm, nhưng tương đối chính xác trong một ngôn ngữ nước ngoài (T.g).

[6] Bản tiếng Anh gọi là nampar shespa.

[7] Bản tiếng Anh gọi là mig gi regpa.

[8] Tiếng Tây Tạng gọi là toulpa, viết là sprulpa, có nghĩa là tạo ra “hình nhân ảo”, “tạo vật ảo” (T.g)..

[9] Theo cách mô tả của tác giả thì điều này giống như một buổi cầu cơ hoặc biểu diễn ảo thuật trong phòng tối, có nhiều người tham dự.

[10] “double” éthéré

[11] Xem chương 3, phần nói về các toulkou (T.g).

[12] Xin xem lại chương I (T.g).

Thảo luận