Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Chương 6 : Phiêu nhiên công – Viêm công – Thiên lý truyền tâm

Những môn thể thao tâm linh – Những hành giả phiêu nhiên công – Sưởi ấm giữa tuyết lạnh không cần lửa – Truyền tin trong không khí

Phiêu nhiên công

Loung-gom (phiêu nhiên công)[1] là một danh từ chung được người Tây Tạng dùng để chỉ nhiều môn luyện tập khác nhau nhắm vào nhiều mục đích khác nhau, có môn thuần về rèn luyện tinh thần, có môn thuần rèn luyện thân thể, tất cả đều kết hợp sự tập trung tinh thần với phương pháp hô hấp. Nhưng đặc biệt từ loung-gom dùng để chỉ một phương pháp tập luyện kết hợp tâm thân, nhằm giúp con người trở nên nhẹ nhàng linh hoạt một cách siêu phàm. Các hành giả phiêu nhiên công (loung-gom-pa) là những người có khả năng chạy qua những quãng đường xa rất xa với tốc độ phi thường mà không cần dừng lại để nghỉ ngơi.

Người Tây Tạng nói về rất nhiều hành giả phiêu nhiên công, và người ta thường nhắc đến nhiều mẩu chuyện trong truyền thống xa xưa về những người chạy bộ lạ thường đó với thái độ vô cùng ngưỡng mộ.

Đọc tiểu sử thánh tăng Milarespa, chúng ta thấy tại nhà vị lạt-ma đã dạy huyễn thuật cho ông có một môn đồ chạy còn nhanh hơn cả ngựa.

Sau khi học tập công phu này, Milarespa đã khoe chỉ cần vài ngày là ông có thể vượt mộtđoạn đường dài mà trước kia cần hơn một tháng. Điều khiển chân khí một cách khéo léo là chìa khóa cho khả năng đặc biệt này.

Cần nhớ rằng những thành tựu của các hành giả phiêu nhiên công luôn luôn gắn liền với công phu khổ luyện phi thường, chứ không phải là tốc độ trong một phút chốc. Họ không cần phải chạy hết tốc lực trong quãng đường mười hai hay mười lăm cây số như các vận động viên trong kỳ thi đấu thể thao của chúng ta, mà chạy đều đặn – theo như lời kể – hàng trăm cây số, và luôn giữ một nhịp độ cực kỳ linh hoạt.

Không chỉ đi sưu tầm những thông tin liên quan đến công phu tập luyện để đạt được mục đích này, tôi còn có dịp chứng kiến một vài hành giả phiêu nhiên công đang chạy. Mặc dù có nhiều tu sĩ luyện tập môn phiêu nhiên công nhưng rất ít người thành tựu, cho nên số loung-gom-pa thực sự vẫn rất hiếm.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với một hành giả phiêu nhiên công xảy ra trên thảo nguyên phía bắc Tây Tạng.

Vào khoảng buổi chiều, trong khi chúng tôi cưỡi ngựa dạo chơi băng qua một thảo nguyên rộng mênh mông, thì đột nhiên tôi thấy một chấm đen nhỏ đang di dộng ở phía trái. Tôi dùng ống nhòm quan sát thì thấy tựa hồ như một người đàn ông. Tôi vô cùng sửng sốt. Những cuộc gặp gỡ thế này rất hiếm xảy ra nơi đây, vì đã hơn mười ngày rồi tôi chưa hề trông thấy một bóng người. Hơn thế nữa, một người đi bộ một mình giữa chốn hoang vu bát ngát này là điều không thể xảy ra. Khách lữ hành kia là ai vậy?

Một người tùy tùng của tôi cho rằng đó là người trong một thương đoàn nào đó bị cướp tấn công nên đi lạc. Có lẽ anh ta lo chạy thoát thân nên giờ đây bị lạc giữa vùng hoang nguyên.

Điều này rất có thể xảy ra, nếu đúng vậy thì tôi sẽ đưa kẻ đào thoát kia về lều trại của những người chăn dê (dokpa), hoặc đưa đi theo chúng tôi, cho đến khi nào anh ta tìm được đường về.

Trong khi tiếp tục dùng ống nhòm quan sát, tôi thấy bước chân người kia di chuyển đều đặn với tốc độ phi thường. Mặc dù những người tùy tùng quan sát bằng mắt thường thì chỉ phân biệt được một chấm đen di động, song họ vẫn nhận ra ngay là chấm đen đó đang dịch chuyển mau lẹ siêu phàm. Tôi đưa ống nhòm cho bọn họ thì có người quan sát trong mấy phút rồi lẩm bẩm: “Lama loung-gom-pa tchig da“ (đó là một vị lạt-ma hành giả phiêu nhiên công).

Từ loung-gom-pa lập tức khiến tôi lưu ý. Tôi vẫn chưa có dịp thấy được một hành giả phiêu nhiên công lão luyện, như những truyền thuyết đồn đãi về họ ở xứ Tây Tạng này. Làm sao tôi có thể bỏ lỡ cơ hội này?

Người kia càng tiến tới gần và dáng điệu của ông ta dần hiện rõ. Nếu quả đó đúng là hành giả phiêu nhiên công thì tôi phải làm gì đây? Tôi muốn trò chuyện với ông ta, muốn hỏi ông vài câu, thậm chí muốn chụp hình nữa…, nói chung là tôi muốn làm nhiều thứ.

Thế nhưng tôi vừa mở miệng nói điều này, thì một người tùy tùng đầu tiên nhận ra đó là loung-gom-pa liền la lên:

– Thưa bà, bà đừng có chặn ông ta lại, cũng đừng có hỏi chi hết. Bà làm thế ông ta sẽ chết liền. Trong khi di chuyển, các vị lạt-ma không ngừng niệm mật chú. Nếu dừng lại không đúng lúc, thần tính sẽ thoát ra khỏi người ông ta và gây chấn động dữ dội khiến ông ta chết ngay lập tức.

Lời cảnh báo đầy ấn tượng này nghe rất phi lý, nhưng cũng không thể hoàn toàn gác ngoài tai. Theo những gì tôi nghiên cứu thì hành giả phiêu nhiên công di chuyển trong trạng thái xuất thần. Do đó, nếu làm thế mà giả sử ông ta không chết thì cũng chịu một cơn chấn động thần kinh dữ dội, khi bị lôi ra khỏi trạng thái đó một cách đột ngột. Cơn chấn động thần kinh này nguy hiểm đến độ nào thì tôi không biết, và cũng không muốn đem vị lạt-ma kia ra thử nghiệm, vì điều đó rất tàn ác và gây hậu quả khôn lường.

Còn một lý do khác nữa ngăn không cho tôi thỏa mãn tính tò mò. Người Tây Tạng đã chấp nhận tôi là một gomptchénma (nữ tu sĩ lạt-ma). Họ biết tôi là một Phật tử, nhưng không thể đoán được rằng trong quan niệm của tôi có sự phân biệt giữa Phật giáo thuần túy với Phật giáo lạt-ma. Do đó, để xứng đáng với lòng tin và kính trọng mà bộ pháp phục đem lại cho mình, tôi buộc phải quan sát tập quán người Tây Tạng, nhất là tập quán về tôn giáo.

Sự kiềm chế này đã tạo nên trở ngại nghiêm trọng xét từ những quan sát mang tính khoa học mà tôi đã thực hiện, song đó lại là cái giá bắt buộc phải trả, để tôi được chấp nhận cư trú trên một mảnh đất vẫn còn đầy sự nghi kỵ và ngờ vực như Tây Tạng.

Một lần nữa, tôi buộc lòng phải từ bỏ lòng khao khát tìm hiểu, mà chỉ biết tự an ủi bằng cách đứng nhìn vị du khách lạ thường kia.

Khi ông ta đến gần, tôi quan sát thấy rõ gương mặt ông ta bình thản như vô cảm, còn đôi mắt thì mở lớn, tựa hồ như đang nhìn đăm đăm vào một điểm nào ở trên trời. Vị lạt-ma không chạy, mà dường như chỉ búng chân để cả người nẩy cao lên như một trái banh đàn hồi. Ông ta mặc một bộ pháp phục thông thường đã cũ mèm. Bàn tay trái của ông giữ nếp gấp của tấm áo choàng, bị vải che một nửa. Bàn tay phải ông nắm con dao pourba. Khi di chuyển, ông đong đưa nhè nhẹ tay phải theo nhịp chân, tựa hồ như dùng con dao để làm điểm tựa như một cây gậy, dù mũi dao cách xa mặt đất.

Cả đoàn tùy tùng của tôi đều xuống ngựa, quỳ lạy, đầu cúi rạp sát đất khi vị lạt-ma chạy ngang qua trước mặt, nhưng dường như ông không nhận ra sự hiện diện của chúng tôi.

Tôi nghĩ mình đã biểu lộ đầy đủ sự tôn trọng đối với xứ sở này khi bỏ ý định chặn vị lạt-ma lại, bây giờ tôi đâm ra hối tiếc vì sự cẩn trọng của mình, và tiếp tục đăm đăm quan sát hành giả phiêu nhiên công kia thật lâu. Khi ông ta đã cách khá xa, tôi vội vã ra lệnh cho những người tùy tùng lên ngựa đuổi theo. Dù không cách nào đuổi kịp, nhưng chúng tôi vẫn cố giữ không để khoảng cách giữa chúng tôi tăng thêm. Nhờ có ống nhòm, nên tôi và con trai tôi vẫn theo dõi được ông ta.

Do khoảng cách qua xa, tôi và người con trai chỉ nhìn thấy được hình dạng của ông, nhưng chúng tôi vẫn thấy được những bước chân đàn hồi cứ nẩy bổng lên một cách đáng kinh ngạc, đều đặn như quả lắc đồng hồ. Chúng tôi theo dõi được trong quãng đường độ ba cây số thì hành giả phiêu nhiên công kia bỏ con đường chính để chuyển lên một sơn đạo và mất dạng sau những rặng núi bao bọc chập chùng. Đám người cưỡi ngựa chúng tôi không thể đuổi theo ông trên sườn núi được nên đành quay về, tiếp tục lên đường.

Tôi tự hỏi liệu vị lạt-ma kia có biết chúng tôi theo dõi ông ta không. Cho dù chúng tôi cách ông khá xa, nhưng bất kỳ người nào ở trạng thái bình thường cũng phải nghe tiếng vó ngựa đuổi theo sau, còn vị lạt-ma đó dường như ở trong trạng thái xuất thần, nên tôi không sao đoán được có phải ông ta vờ không trông thấy chúng tôi, rồi rẽ lên đường núi để tránh những cặp mắt tò mò theo dõi; hay là ông ta không hề biết mình bị theo dõi, và việc ông ta chuyển sang đường núi chỉ vì đó là con đường ông ta phải đi.

Bốn ngày sau, vào một sáng sớm. chúng tôi đến vùng Thébgyai. Nơi đây rải rác lều trại của đám người chăn dê (dokpa) vùng thảo nguyên. Tôi không quên kể cho họ nghe chuyện trên đường đi đến đây, chúng tôi tình cờ gặp một vị loung-gom-pa. Một số người trong bọn họ, khi đang dồn đàn gia súc về chuồng, cũng đã gặp hành giả phiêu nhiên công đó vào buổi chiều trước ngày chúng tôi gặp ông ta.

Tôi thầm tính nhẩm để thử so sánh với khoảng thời gian chúng tôi di chuyển đều đặn trên ngựa, trừ những lúc hạ trại nghỉ ngơi, nếu vị lạt-ma đó muốn di chuyển từ chỗ những người chăn dê này đến nơi chúng tôi gặp ông hôm trước, thì ông ta phải chạy suốt đêm cho đến hôm sau không ngừng nghỉ, với vận tốc xấp xỉ vận tốc mà chúng tôi đã thấy.

Giữ được tốc độ đó liên tục là một phép lạ, bởi vì ngay cả chuyện đi bộ suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ cũng là điều chưa hề được nghe nói đến trong đám sơn dân Tây Tạng.

Lạt-ma Yongden và tôi cũng đã từng chịu cảnh di chuyển suốt tám chín tiếng đồng hồ mà không hề dừng lại để nghỉ ngơi ăn uống, trong cuộc hành trình từ Trung Quốc đến Lhassa. Có lần chúng tôi phải băng ngọn đèo Deo cao vút, tuyết ngập đến đầu gối. Thế nhưng những lần đi đó so ra chẳng ăn nhằm gì với cuộc hành trình của vị lạt-ma có cánh này.

Chắn chắc vị hành giả phiêu nhiên công kia không thể khởi hành từ Thébgyai. Vậy thì ông ta từ đâu tới, khi những người chăn dê này bắt gặp ông ta? Và ông ta đã đi qua những chặng đường nào cho đến khi gặp chúng tôi và mất hút trong sơn đạo? Tôi không thể phỏng đoán được chuyện này. Các người chăn dê này tin rằng ông từ Tsang đến, vì những tự viện ở đó suốt bao thế kỷ đã nổi tiếng là các trung tâm đào tạo loung-gom-pa. Có rất nhiều giao lộ ở vùng Thébgyai, và các người chăn dê này không trò chuyện được với ông ta cho nên, cũng như tôi, họ chỉ đoán mò.

Tiến hành nghiên cứu hiện tượng phiêu nhiên công theo phương pháp khoa học là điều bất khả thi giữa vùng hoang nguyên này. Điều đó phải kéo dài hàng mấy tháng mà chưa hẳn đã đem lại kết quả như mong đợi, nên tôi không nghĩ đến nữa.

Ở trên tôi đã nói những tự viện ở Tsang suốt bao thế kỷ đã nổi tiếng là các trung tâm đào tạo loung-gom-pa, thiết tưởng cần phải nói đôi chút về khởi nguyên của môn này theo truyền thống.

Hai người hùng trong truyền thuyết là hai vị lạt-ma lỗi lạc: Youngtön Dordji Pal và nhà sử học Boutön.

Lạt-ma Youngtön Dordji Pal sinh khoảng năm 1284, được xem là hóa thân thứ chín của trưởng lão Tu Bồ Đề (Soubhouti), cao đồ của đức Phật có thật trong lịch sử. Chuyện “tái sinh” này về sau được truyền thừa bởi các Ban-thiền Lạt-ma, và vị Ban-thiền Lạt-ma hiện nay[2] được xem là lần “tái sinh” thứ mười sáu của trưởng lão Tu Bồ Đề, đồng thời là hóa thân của đức Phật A Di Đà.

Lạt-ma Youngtön Dordji Pal nổi tiếng là một pháp sư cao tay ấn có tài hàng ma phục quỷ. Người ta cho rằng sư phụ của ông là vị lạt-ma huyền thoại tên Tzurwang Sengé, mà cuộc đời và hành trạng chỉ được đồn đãi qua những truyền thuyết hoang đường. Youngtön Dordji Pal có một thời gian phục vụ cho hoàng đế Trung Quốc, và ông mất năm 92 tuổi.

Boutön sinh năm 1288 tại Tjo Phoug, gần Jigatzé. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm sử học quan trọng, và đã phân loại sắp xếp nhiều bộ kinh luận Phật giáo – được dịch từ Phạn văn sang Tạng văn – để làm thành bộ tuyển tập khổng lồ tên là Khagyour.

Một ngày nọ, Youngtön quyết định dựng một đàn tràng trang trọng[3] để hàng phục quỷ vương Chindjé, chúa tể cõi chết. Nghi lễ này được tiến hành cứ mười hai năm một lần. Người ta kể rằng nếu quên tế lễ thì Chindjé sẽ ăn thịt mỗi ngày một người. Mục đích của đàn tràng này là bắt Chindjé phải khuất phục dưới pháp lực của vị lạt-ma, và buộc ác thần phải thề không được giết người ăn thịt nữa. Phẩm vật sẽ được hiến tế cho y trong buổi lễ, và sau đó được hiến tế hằng ngày để thay thế cho món thịt người.

Boutön nghe được tin này, và vì tò mò muốn biết bạn mình pháp lực có đủ cao cường để hàng phục quỷ vương hay không, nên ông thân hành đến đó cùng với ba người bạn là những lạt-ma uyên thâm thông thái.

Khi họ đến nơi thì Chindjé đã xuất hiện theo lời hiệu triệu của lạt-ma Youngtön. Truyền thuyết kể lại rằng hình dạng Chindjé trông rất khủng khiếp, vì y “to bằng cả bầu trời”.

Lạt-ma Youngtön tuyên bố với các vị khách rằng họ đến rất đúng lúc để biểu hiện lòng từ bi của mình. Ông cho biết đã khuất phục được quỷ vương vì lợi ích của chúng sinh, và dùng phẩm vật hiến tế để xoa dịu y, nhưng Chindjé đề nghị phải để y ăn thịt một trong các vị lạt-ma uyên bác đó. Ba vị lạt-ma đồng hành của Boutön liền lấy đủ cớ để thoái thác lời đề nghị đó, rồi vội vã chuồn mất.

Còn lại một mình với người bạn Youngtön, lạt-ma Boutön liền tuyên bố nếu nghi lễ này thực sự cần phải hy sinh một mạng người mới đạt kết quả, thì ông rất sẵn lòng bước vào miệng quỷ vương đang há rộng.

Trước lời đề nghị đầy lòng từ bi đó, nhà huyễn thuật Youngtön liền đáp ông đã nghĩ ra một cách vẫn đảm bảo được kết quả tế lễ, mà không cần Boutön phải hy sinh mạng sống. Ông chỉ cần ủy thác cho lạt-ma Boutön và các pháp tự đời sau phải tiến hành lễ cúng này cứ mười hai năm một lần. Lạt-ma Boutön hăng hái nhận lời. Youngtön liền dùng huyễn thuật tạo ra vô số con bồ câu ảo (tulpa) để ném vào miệng Chindjé.

Kể từ đó, tất cả các lạt-ma nào được xem là hóa thân của Boutön đều tiến hành lập đàn tràng này tại tự viện Chalu nhằm chúc phúc cho quỷ vương. Dường như số lượng các vị lạt-ma tế lễ cứ tăng dần lên theo thời gian thay vì chỉ có một người như ban đầu, vì hiện nay các lạt-ma ở Chalu thường nói “có rất nhiều quỷ vương” được cúng trong dịp này.

Do đó, để mời được tất cả những quỷ vương ở nhiều vùng cách rất xa nhau, cần phải gởi một điệp sứ đi mời, gọi là mahékétang. Mahékétang có nghĩa là “con trâu điệp sứ”, vì con trâu là vật cưỡi của Chindjé. Con vật này nổi tiếng vì tính gan dạ, và dám đi mời ác quỷ ma vương. Ít ra thì đây là cách giải thích phổ biến tại Chalu.

Vị điệp sứ này được tuyển chọn luân phiên trong các tu sĩ ở tự viện Nyang töd kyid và Samding.

Vị tu sĩ nào được chọn vào vai trò này phải trải qua một kỳ tập huấn tại một trong các tự viện trên. Quy trình tập huấn bao gồm các bài tập về hô hấp và những thao tác đặc biệt, được tiến hành trong một mật thất (tshams khang) tối đen như mực, suốt một khoảng thời gian là ba năm, ba tháng, ba tuần và ba ngày.

Trong số các bài tập đó, có một bài tập rất ưa thích trong giới những người tạm được xem là pháp sư có kiến thức ở mức trung bình. Không chỉ giới tu sĩ, mà ngay cả các thiện nam tín nữ, cũng lui về “chốn ẩn cư”để miệt mài luyện tập. Nội dung bài tập đó như vầy:

Hành giả ngồi tréo chân trên tấm bồ đoàn dày và lớn. Anh ta hít hơi thật chậm và thật sâu tựa hồ để người căng phồng lên. Sau đó, anh ta kìm hơi thở lại rồi nhảy lên, vẫn giữ hai chân bắt tréo và không dùng tay làm điểm tựa, rồi lại rơi xuống mà không thay đổi tư thế ngồi. Có một số lạt-ma sau một thời gian luyện tập đã nhảy lên rất cao.

Theo người Tây Tạng, người nào kiên trì khổ luyện như thế suốt nhiều năm sẽ có khả năng: “ngồi trên mũi kiếm mà không làm oằn thân kiếm, hoặc đi trên một đống lúa mà không làm xê dịch hạt nào”. Trên thực tế, mục đích của công phu luyện tập này là phép cất người trên không, tức là cách đưa người bổng lên khỏi mặt đất.

Người ta đã nghĩ ra một phương pháp thử nghiệm kỳ lạ. Người nào luyện thành công môn này thì được xem có thể thực hiện được các kỹ năng dưới dây, hoặc ít ra là cũng gần đạt đến những kỹ năng đó. Để thử nghiệm, người ta cho đào một cái hố có chiều cao bằng với chiều cao của thí sinh. Trên miệng hố người ta cho xây một mái vòm có độ cao tương đương độ sâu của hố. Trên đỉnh mái vòm có khoét một lỗ nhỏ. Ví dụ thí sinh cao 1,7 mét thì chiều cao từ đáy hố đến mái vòm là 3,4 mét. Thí sinh ngồi xếp bằng dưới đáy hố phải tung người một cái sao cho cả thân mình lọt qua lỗ nhỏ trên mái vòm để ra ngoài, vẫn trong tư thế hai chân bắt chéo nhau.

Tôi đã nghe rất nhiều người Tây Tạng kể rằng chính họ đã tận mắt chứng kiến điều này ở xứ sở họ, nhưng bản thân tôi thì chưa hề được thấy một kỳ công nào như thế.

Riêng đối với những “con trâu điệp sứ”, thì phương pháp mà tôi ghi nhận tại nơi họ được sát hạch lần cuối lại thể hiện một cách khác hẳn.

Sau thời gian ba năm giam mình trong phòng tối, các tu sĩ được đề cử phải tập trung về Chalu để tham dự kỳ thi tuyển. Ở đó họ cũng bị nhốt trong một căn phòng kín, tối om như một nấm mồ mà tôi sẽ mô tả sau đây. Điểm khác biệt ở đây là lỗ trống để thoát ra được trổ trên tường chứ không phải trên nóc. Tu sĩ dự thi không cần phải tung người nhảy ra khỏi nấm mồ của mình. Nhờ vào một cái ghế đẩu người ta để lại, người đócó thể nhô người ra khỏi cái hố – nơi anh ta phải ngồi suốt bảy ngày. Sau đó, tu sĩ dự thi phải thoát ra ngoài thông qua cái lỗ vuông với kích thước mỗi cạnh bằng một gang tay của mình, mà anh ta tự phải mở rộng ra thêm khoảng hai tấc mỗi chiều. Tu sĩ nào vượt qua đợt thử thách này thì xem như đủ tiêu chuẩn để trở thành “con trâu điệp sứ” mahékétang.

Người ta thấy thật khó hiểu vì sao phương pháp luyện tập bắt một người giam mình bất động trong bóng tối suốt bao năm dài lại có thể giúp người đó đạt đến khả năng di chuyển nhẹ nhàng linh hoạt phi thường như vậy, nhưng cần nhớ rằng phương pháp tập luyện đó không hề liên quan đến vấn đề phát triển thể lực. Dĩ nhiên theo quan điểm của chúng ta, trong những phương pháp rèn luyện cách bước sãi chân, vẫn luôn còn nhiều phương pháp khác nữa gồm những bài tập rèn luyện hợp lý hơn.

Hành giả phiêu nhiên công thứ hai mà tôi gặp cũng không cho tôi cơ hội quan sát khi ông ta đang di chuyển.

Một hôm chúng tôi đang đi trong rừng, trong khu vực của những bộ lạc tự trị Tây Tạng, ở tận miệt đông vùng Szetchouan. Lúc đó, tôi và Yongden đi bộ trước đoàn người. Đến một ngã rẽ, chúng tôi bất ngờ bắt gặp một người đàn ông trần truồng ngồi trên tảng đá với xích sắt quấn quanh người. Ông ta chìm sâu trong suy tưởng đến chẳng biết chúng tôi đi đến gần. Chúng tôi sửng sốt dừng chân lại, nhưng có lẽ có dấu hiệu khiến người lạ kia phát hiện ra sự hiện diện của chúng tôi, nên ông ta quay đầu lại và thấy có người đến. Ông ta vụt đứng phắt lên, tung người nhảy vào bụi cây nhanh hơn cả con linh dương, rồi biến mất trong đám lá um tùm. Chúng tôi chỉ nghe tiếng xích sắt khua loảng xoảng đi xa dần, rồi im hẳn.

Yongden liền bảo tôi:

– Đây là một hành giả phiêu nhiên công. Con đã từng thấy những hành giả thế này. Họ đeo sắt vào người để cơ thể nặng thêm, bởi vì khi tập luyện môn loung-gom thì cơ thể họ sẽ nhẹ đến mức họ có thể bị trôi bồng bềnh trong không khí.

Lần thứ ba, tôi gặp một hành giả phiêu nhiên công tại vùng Ga, xứ Kham. Người này bề ngoài trông giống như một aldjorpa bình thường. Aldjorpa là những kẻ nghèo khổ, đi hành hương với bọc vải trên lưng. Có hàng triệu người giống như thế đi hành hương lang thang khắp xứ Tây Tạng, nên chúng tôi cũng chẳng buồn để ý đến một cá nhân riêng lẻ trong đám người đông lúc nhúc đó.

Những kẻ bộ hành nghèo khó đó thường bám theo bất cứ đoàn khách buôn hay nhóm người du lịch nào mà họ bắt gặp trên đường đi. Họ đi theo đoàn tùy tùng, bên cạnh những con vật thồ. Nếu những con vật này chở ít hành lý có thể chạy nhanh bỏ họ lại đàng sau, thì những kẻ khốn khổ này phải bươn bả tìm cách đi sao cho bắt kịp được đoàn người tại nơi hạ trại khi trời tối. Đối với họ thì điều này không khó lắm. Khi lộ trình dài thì người Tây Tạng chỉ đi những quãng đường ngắn, họ cứ lên đường vào lúc bình minh, đến quá trưa thì dừng chân tại những nơi có cỏ cho gia súc, và nghỉ ngơi cho đến xế chiều.

Những cực nhọc mà một aldjorpa chịu đựng, khi bôn ba theo cho kịp đoàn người cưỡi ngựa và phụ giúp các tùy tùng làm những công việc lặt vặt, đều được đền bù bằng những bữa cơm hằng ngày, được uống trà nóng và ăn bánh bột tsampa như món đồ bố thí.

Kẻ hành hương này gia nhập đoàn chúng tôi cũng theo tập quán đó. Qua trò chuyện, tôi biết ông ta đã từng ở trong chùa xứ Pabong, và bây giờ lên đường đi đến tỉnh Tsang. Một cuộc hành trình dài như thế mà phải đi bộ, lại phải dừng chân ở các làng mạc để xin ăn, có thể kéo dài từ ba đến bốn tháng. Nhưng những chuyến đi như thế chẳng nhằm nhò gì đối với người Tây Tạng.

Người bạn đồng hành ở chung với đoàn chúng tôi trong mấy ngày thì đoàn ngựa thồ liên tục gặp sự cố, nên chúng tôi chỉ có thể lên đường vào buổi chiều.

Chúng tôi phải băng qua một rặng núi. Vì nhận thấy những con lừa thồ nặng sẽ đến bên kia dãy núi rất trễ, nên tôi và con trai cùng một người tùy tùng đi tiền trạm trước để tìm một bãi cỏ bên bờ suối mà cắm trại.

Khi người chủ đoàn đi trước đoàn người mang hành lý, thì người tùy tùng phải có nhiệm vụ mang theo dụng cụ để pha trà và một ít lương thực, để người chủ có thể dùng bữa mà không cần phải chờ đoàn người đi sau. Người tùy tùng của tôi lo rất chu đáo điều này. Tôi kể chi tiết điều này tưởng chừng như vô nghĩa, nhưng đó là nguyên do giúp tôi lại gặp thêm một hành giả phiêu nhiên công.

Quãng đường cần băng qua để đến ngọn đèo dài hơn tôi tưởng. Tôi biết những con lừa mang nặng hành lý đó khó lòng mà đến được đỉnh đèo trước khi trời sập tối, và không thể để chúng đi xuống dốc đèo trong bóng tối ở phía bên kia sườn núi, nên khi thấy một bãi cỏ xanh gần bờ suối đủ để cho đoàn vật thồ nghỉ ngơi ăn cỏ, tôi liền dừng bước.

Trong khi chúng tôi đang dùng trà và gom phân bò khô để nhóm lửa[4] thì đột nhiên tôi phát hiện, ngay phía dưới chúng tôi, một aldjorpa đang đi lên con đường đèo. Mặc dù con đường rất dốc và hiểm trở, nhưng ông ta di chuyển với tốc độ mau lẹ tuyệt luân. Khi ông ta đến gần thì tôi thấy dáng điệu của ông ta giống hệt như vị hành giả phiêu nhiên công mà tôi đã gặp lần đầu nơi Thébgyai.

Khi đến chỗ chúng tôi, ông đứng bất động như pho tượng gỗ một hồi lâu, đôi mắt cứ đăm đăm nhìn về phía trước. Trong hơi thở hoàn toàn không có gì tỏ ra mệt nhọc, nhưng ông ta lại có vẻ như ngơ ngẩn xuất thần, không hề nói năng hay cử động. Khi cơn xuất thần dần dần tan biến, ông ta mới trở lại trạng thái bình thường.

Tôi bắt chuyện và biết được ông ta đã từng học môn phiêu nhiên công (loung-gom) này từ một vị gomtchén sống gần tự viện Pabong. Sau khi vị sư phụ bỏ đi, ông muốn đến Chalu để tiếp tục học hỏi.

Suốt cả buổi chiều hôm đó, ông ta không nói gì và lộ vẻ buồn rầu. Sáng hôm sau, ông ta thú thực với Yongden rằng ông ta đã rơi vào trạng thái xuất thần ngoài ý muốn, do những mối bận tâm vặt vãnh. Trong khi đi chung với những người tùy tùng dắt lừa, ông ta lộ vẻ bồn chồn nôn nóng. Ông nghĩ đoàn người đi sao quá chậm, và biết chắc chắn thế nào chúng tôi cũng nướng thịt mà ông thấy những người tùy tùng mang theo.

Khi ông ta cùng ba người khác gia nhập đoàn chúng tôi thì bọn họ đều tham gia dựng lều trại, chăm sóc vật thồ và cho chúng ăn khi trời tối. Như vậy, nếu cứ đi đủng đỉnh thế này thì sẽ quá trễ để chuẩn bị bữa ăn tối, chắc đành phải lót dạ bằng nước trà và bánh bột tsampa trước khi đi ngủ.

Ý nghĩ này thôi thúc mãnh liệt đến mức ông ta hình dung thấy ngọn lửa bập bùng, thấy thịt cháy xèo xèo trên than hồng thơm phức, rồi đắm chìm trong tưởng tượng, mà không biết gì đến ngoại cảnh chung quanh. Bị thôi thúc bởi lòng ham muốn được ăn thịt cùng chúng tôi đã khiến ông sãi bước đi thật nhanh. Điều này vô tình khiến chân khí phát sinh và ông bước đi đúng với tiết nhịp của bộ môn phiêu nhiên công mà ông đã khổ luyện. Sự kết hợp quen thuộc giữa bước chân theo kiểu này, với những câu mật chú mà ông học từ sư phụ đã khiến cho tâm thức vị hành giả này quay trở lại với bài tập đã thuộc lòng. Sự tập luyện thuần thục giúp ông điều khiển hô hấp đúng theo cách quy định, lời mật chú ăn khớp với làn hơi hô hấp, khiến cơn xuất thần xuất hiện ngay sau đó, nhưng sự tập trung tư tưởng vào những miếng thịt nướng thơm nồng vẫn mạnh nhất và chi phối mọi điều khác.

 Vị hành giả cảm thấy mình có tội. Sự lẫn lộn giữa dục vọng thấp hèn với những câu mật chú và bài tập loung-gom đã trở thành sự báng bổ thực sự đối với ông ta.

Vị lạt-ma con nuôi của tôi quan sát không sót những điều kín đáo tế nhị này và kể lại cho tôi nghe. Điều này khiến tôi thấy thú vị, nên cất tiếng hỏi với aldjorpa kia về những bài luyện tập môn loung-gom. Ông ta cứ lầm lì và trả lời nhát gừng. Tuy vậy, tôi cũng nắm bắt được một số thông tin để củng cố thêm những điều tôi đã biết.

Sư phụ ông bảo rằng hoàng hôn và đêm tối là những thời điểm thuận lợi cho một hành giả phiêu nhiên công. Ông ta đã khổ luyện môn này bằng cách chăm chú nhìn lên bầu trời đầy sao.

 Tôi đoán chừng rằng các vị thầy Tây Tạng luôn bắt môn đồ phải thề không được kể lại cho bất kỳ ai những điều đã học, nên những câu hỏi của tôi làm cho ông ta khó chịu.

Đến ngày thứ ba của cuộc hành trình có cuộc gặp gỡ bất ngờ này, vào một buổi sáng sớm, khi thức dậy, chúng tôi mới hay vị hành giả phiêu nhiên công kia đã bỏ đi mất. Ông ta đã vội vã lên đường trong đêm, hẳn lại phải nhờ đến những bài tập về phiêu nhiên công, nhưng lần này là vì động cơ cao quý chứ không phải vì một miếng thịt thơm tho.

Từ những thông tin thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau, tôi có thể phác họa phương pháp luyện tập môn phiêu nhiên công này một cách đại khái như sau:

Bước đầu tiên, trước khi bắt đầu tập luyện thì hành giả phải nhận lễ thụ pháp. Tiếp theo, người đó phải khổ luyện nhiều phương pháp hô hấp khác nhau dưới sự hướng dẫn của một bậc thầy lão luyện. Khi môn đồ đã có những tiến bộ nhất định thì mới được phép tập luyện các bước khinh hành.

Đến giai đoạn này thì người môn đồ lại nhận lễ thụ pháp lần thứ hai, và vị thầy dạy cho các câu mật chú. Hành giả phải tập trung toàn bộ tư tưởng vào việc trì niệm các câu mật chú theo đúng tiết tấu, sao cho mỗi âm thanh đều phải hòa nhịp với bước chân.

Khi bước đi thì hành giả không được nói, không được nghĩ đến điều gì cả, không được quay sang trái hay sang phải. Anh ta phải dán dôi mắt vào một đối tượng nào đó ở thật xa và không được xao lãng để chuyển sang bất kỳ một đối tượng nào khác.

Khi đạt đến trạng thái xuất thần, thì ý thức – dù lúc này gần như bị hủy bỏ hoàn toàn – vẫn còn hoạt động để giúp hành giả phiêu nhiên công tránh được những chướng ngại vật trên đường đi, và hướng dẫn hành giả đi đúng hướng để đến mục đích. Tuy nhiên hai điều này tự động phát sinh chứ không hề có sự suy tưởng của hành giả trong trạng thái xuất thần.

Sa mạc bao la, thảo nguyên bát ngát và đồng bằng mênh mông vào lúc hoàng hôn là những điều kiện thuận lợi cho môn phiêu nhiên công.

Cho dù có bị mệt mỏi, vì phải chạy cả ngày qua suốt một đoạn đường dài, thì hành giả phiêu nhiên công vẫn dễ dàng đạt được trạng thái xuất thần khi chiều xuống. Họ không còn cảm thấy mệt nhọc nữa, và có thể tiếp tục vượt qua những đoạn đường dài hàng vài chục cây số.

Bình minh cũng là thời điểm thuận lợi, nhưng kém hơn.

Lúc giữa trưa và gần chiều, những thung lũng quanh co nhỏ hẹp, những con đường mấp mô gồ ghề, những khu rừng rậm rạp là những điều kiện không thuận lợi cho môn phiêu nhiên công, chỉ có những hành giả lão luyện thượng thừa mới có thể vượt qua những trở ngại này.

Từ cách giải thích này, tôi có thể suy ra rằng người Tây Tạng xem sự đồng dạng của cảnh vật và sự vắng mặt của hầu hết những sự vật gây ấn tượng là điều kiện dễ làm phát sinh trạng thái xuất thần. Rõ ràng một hoang nguyên bao la sẽ giúp tinh thần dễ tập trung, ít bị xao lãng việc trì niệm mật chú và điều khiển hô hấp điều hòa, hơn là các khe đèo rậm rạp hay suối nước rì rào v.v… Còn chuyện giữ cho đôi chân chạy đều đặn sẽ khó mà thực hiện được trên vùng đất mấp mô gập ghềnh.

Kinh nghiệm của cá nhân tôi về bộ môn này, dù hạn hẹp đến mấy, vẫn cho phép tôi nói thêm rằng những vùng không gian hoang vu vô tận là những địa điểm dễ làm phát sinh trạng thái xuất thần; một khu rừng với những hàng cây cao thẳng tắp không có cành lá sum suê rũ xuống, không có bụi cây chắn lối và có một con đường bằng phẳng chạy qua cũng là điều kiện thuận lợi cho môn phiêu nhiên công. Có thể sự đồng dạng của phong cảnh, sự vật khắp nơi đều giống như nhau cũng là nguyên nhân của trạng thái này. Tuy vậy, nhận định của tôi chỉ dựa trên những quan sát cá nhân từ các khu rừng ở Poyul, trong khi những nghiên cứu của tôi về phiêu nhiên công được thực hiện tại nơi đây, trên đường đến Lhassa.

Bất kỳ một đêm sáng trời nào cũng được xem là tốt cho những hành giả nhập môn, nhưng tốt nhất vẫn là đêm đầy sao. Người thầy thường hướng dẫn môn đồ phải tập trung toàn bộ tư tưởng vào một ngôi sao duy nhất, điều này giống như trạng thái bị thôi miên. Tôi thường nghe kể có nhiều môn đồ đang chạy phải ngừng lại đột ngột bởi ngôi sao mà họ đang dõi nhìn bỗng nhiên biến mất, có thể vì nó chìm khuất cuối chân trời, hoặc nhô lên cao rồi trôi qua trên đầu, hoặc bị núi non che khuất hoặc đổi hướng đi.

Một số người khác thì không quan tâm đến việc ngôi sao biến mất, bởi vì khi ngôi sao vừa xuất hiện thì họ tạo ngay hình ảnh của ngôi sao đó trong tâm thức, và nó luôn chiếu sáng trước mắt họ.

Nhiều hành giả lão luyện khẳng định rằng sau một thời gian dài khổ luyện thì hành giả phiêu nhiên công có thể chạy trên những quãng đường dài mà chân không hề bén đất, và họ lướt bay trên không với tốc độ kinh hồn.

Một số hành giả phiêu nhiên công làm ra vẻ như đã luyện đến mức thượng thừa đó bằng cách quấn xích sắt đầy người.

Bỏ qua những điều ba hoa khoác lác, chỉ dựa vào kinh nghiệm ít ỏi của bản thân tôi về môn phiêu nhiên công và từ những gì học được nơi các vị lạt-ma khả kính, tôi kết luận rằng lúc đó người ta đã không còn cảm nhận gì về sức nặng của thân xác nữa. Một dạng gây tê cũng làm giảm đi cảm giác đau đớn do sự va chạm giữa bàn chân với sỏi đá hay những chướng ngại vật trên đường, và khi chạy hàng giờ với tốc độ phi thường, hẳn người ta cũng cảm nhận được cảm giác chếnh choáng đê mê của những tay đua mô tô, khi chạy xe hết tốc lực.

Người Tây Tạng phân biệt rất rạch ròi những bước chân có chủ ý của các hành giả phiêu nhiên công với những bước chân không chủ đích của những người rơi vào trạng thái xuất thần vì bị “ma nhập” hay “quỷ ám” (pawo).

Những nạn nhân của căn bệnh kỳ lạ này rất dễ gặp ở vùng núi Hy Mã Lạp sơn. Tôi có biết một cô nông dân đáng yêu, đầu óc mạnh khỏe bình thường, nhưng lại mắc căn bệnh này mà không sao chữa khỏi. Nhiều lần, trong lúc đang dùng bữa ở nhà chồng, đột nhiên cô đứng phắt dậy, lao ra khỏi nhà rồi chạy băng qua khu rừng với tốc độ nhanh không thể tả, mà không ai ngăn lại nổi. Vào mùa mưa, cô băng qua những con suối chảy xiết, nước ngập đến bụng, nhưng cô hoàn toàn mất hết ý thức nên không có cảm giác nào. Thường thì trong những lần như vậy, cô lại chạy về nhà bố mẹ.

Khi tỉnh khỏi trạng thái xuất thần đó, và dần dần hiểu rõ những điều xảy ra, cô òa lên khóc nức nở và lòng buồn chán ngán.

Người dân nơi đây tin rằng khi những người bị ma nhập đang chạy trong trạng thái xuất thần mà ta ra sức giữ lại thì họ sẽ chết.

Tôi xin nhắc lại, những hiện tượng này hoàn toàn không liên quan gì đến môn phiêu nhiên công.

Các vị lạt-ma thông thái nhất không bao giờ phủ nhận những hiện tượng diễn ra trong thực tế khi luyện tập phiêu nhiên công, và họ cũng không xem đó là điều quan trọng. Thái độ của họ đối với bộ môn này giống như thái độ đức Phật trong câu chuyện sau đây:

Một hôm, đức Phật đang đi cùng vài môn đồ thì gặp một vị ẩn tu khổ hạnh gầy gò xanh xao, sống trong thảo am ở giữa rừng. Bậc đạo sư dừng bước và hỏi ông ta đã tu khổ hạnh ở nơi đây được bao lâu.

– Đã được hai mươi lăm năm rồi – vị tu sĩ đáp.

Đức Phật liền hỏi thêm:

– Sau bao nhiêu năm tu hành khổ hạnh như vậy, ông đã đạt được cái gì?

Vị ẩn sĩ đáp với giọng đầy kiêu hãnh:

– Tôi có thể đạp nước qua sông.

Đức Phật thương hại nói:

– Ôi vị đạo hữu đáng thương! Việc gì ông phải bỏ ra ngần ấy năm trời để làm một điều mà người khác dễ dàng thực hiện với mấy xu tiền đò?

Sưởi ấm giữa tuyết không cần lửa

Sống qua mùa đông trong những thạch động ở độ cao bốn, năm ngàn mét, với một cái áo vải mỏng manh hoặc đôi khi ở trần, quả là điều không đơn giản. Thế mà nhiều vị ẩn tu Tây Tạng đã giải quyết được vấn đề này. Sự chịu đựng của họ được xem là nhờ vào pháp môn viêm công (toumo)[5] để kích hoạt được luồng chân hỏa trong người.

Từ toumo có nghĩa là sức nóng, hơi ấm nhưng nó không liên quan gì với khái niệm nhiệt thông thường. Đây là thuật ngữ của pháp môn huyễn thuật, và ngọn chân hỏa thần bí này không chỉ giới hạn trong việc sưởi ấm phần thân thể của hành giả luyện công.

Các hành giả thượng thừa phân biệt thành nhiều loại pháp môn viêm công (toumo):

  • Toumo công truyền: phát sinh một cách tự nhiên trong một vài trạng thái xuất thần, và dần dần bao trùm hành giả trong “tấm áo choàng mềm mại và ấm áp của chư thiên”.
  • Toumo tâm truyền: như được nhắc tới trên đây, có công dụng giúp những hành giả ẩn tu được ấm áp trên núi cao giá lạnh.
  • Toumo mật truyền: chỉ có một quan hệ rất xa với khái niệm nhiệt, vì nó được mô tả là giúp hành giả trải nghiệm được “cõi cực lạc” trong thế giới này.

Theo những giáo lý bí truyền thì toumo cũng là một loại lửa tế vi có khả năng làm ấm những chất sinh dịch[6] và khơi dậy những năng lượng tiềm ẩn trong đó, đưa nó chạy dọc theo hệ thống luân xa (tsa)[7] cho đến đỉnh đầu, đem lại cho hành giả niềm hoan lạc tâm linh và tinh thần thay cho sự thỏa mãn thân xác.

Sự mê tín cùng các khái niệm lạ lùng về cơ thể học này đã làm nảy sinh những câu chuyện dị thường về nó, mà tôi xin kể tóm tắt một câu chuyện như sau:

Tu sĩ khổ hạnh Restchoungpa là môn đồ của thánh tăng Milarespa. Ông luôn bị dày vò bởi khát vọng muốn trở thành một học giả uyên bác nên xin phép sư phụ đến Lhassa để nghiên cứu văn chương và huyền học, dù vị này không hài lòng. Do ông không nghe lời sư phụ nên mọi sự trở nên tồi tệ, ít ra đó cũng là quan niệm phổ biến trong tôn giáo.

Một vị phú ông vì hâm mộ tài năng văn học và khả năng huyễn thuật của Restchoungpa nên đã ép ông làm người thừa kế gia tài bằng cách gả con gái cho. Chuyện này xảy ra trước cuộc cải cách tôn giáo của Tsong Khapa, khi đó mọi tu sĩ lạt-ma đều được tự do lấy vợ. Cô gái trẻ dù chẳng hề hâm mộ Restchoungpanhưông bố, nhưng vẫn chấp nhận cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Có điều cô hành hạ đức ông chồng tàn tệ khiến Restchoungpa đâm ra hối hận là đã lìa bỏ sư phụ để chạy theo cảnh giàu sang phú quý.

Sự dịu dàng của Restchoungpa vẫn không làm dịu được chút nào lòng ác cảm của vợ, đến một ngày nọ cô ta sấn tới tặng cho đức ông chồng một dao. Và điều quái dị đã xảy ra: một dòng sinh dịch chảy ra từ vết thương thay vì máu.

Vị lạt-ma, người kể lại cho tôi nghe câu chuyện này, khẳng định bằng một giọng tự tin tuyệt đối rằng do tập luyện pháp môn viêm công nên trong cơ thể của Restchoungpa tràn đầy những mầm sống. Thực lòng tôi cũng muốn nói thêm rằng khi nghe câu chuyện này, một vị lạt-ma khác đã phì cười người bạn đạo ngây ngô của mình, và giải thích như vầy: thông qua quá trình tập luyện viêm công để khơi thông luồng chân hỏa, thì trong cơ thể của hành giả sẽ có một nguồn sinh lực sung mãn tràn đầy, nhưng đó là một dạng năng lượng tế vi vô hình, chứ không phải là thứ chất liệu thô thiển.

Chỉ có một số ít vị lạt-ma ở những nơi huyền bí là thông thạo nhiều pháp môn viêm công khác nhau, còn tất cả người Tây Tạng đều chỉ biết đến pháp môn viêm công làm ấm cơ thể của những vị ẩn tu trên những non cao trong mùa tuyết lạnh. Thế nhưng sự kiện pháp môn này được nhiều người biết đến không có nghĩa là nó được phổ biến rộng rãi. Trái lại, các vị lạt-ma luôn giữ bí mật, và họ không ngần ngại tuyên bố rằng mọi nỗ lực luyện tập pháp môn này theo kiến thức từ chương trong sách vở sẽ không đem lại kết quả nào, mà hành giả phải nhận được sự chỉ điểm từ một bậc thầy lão luyện trong pháp môn viêm công.

Hơn nữa, chỉ những người có đầy đủ phẩm chất tập luyện mới hy vọng thành công. Những điều kiện quan trọng nhất đòi hỏi nơi người học là: phải từng quen thuộc với những phương pháp hô hấp khác nhau, có thể tập trung tư tưởng cao độ đến mức xuất thần để thấy xuất hiện những ảnh tượng, và cuối cùng là phải nhận được lễ thụ pháp từ một vị chân sư có thẩm quyền về pháp môn viêm công.

Lễ thụ pháp này chỉ diễn ra sau một loạt dài các thử thách.

Tôi có cảm giác dường như mục tiêu chính của những thử thách này nhằm giúp người thầy xem môn đồ có đủ thể lực cường tráng để tập luyện hay không. Dù rất tin tưởng vào pháp môn viêm công, nhưng tôi vẫn ngờ vực không hiểu liệu những người có hai lá phổi yếu ớt vẫn có thể luyện tập môn này mà không sợ nguy hiểm?

Tôi không biết có phải do sự khẩn khoản quá bức thiết của tôi và để giảm thời gian chờ đợi hay không, mà vị lạt-ma đáng kính, người luôn bị tôi làm phiền, đã tìm cách tống khứ tôi đi bằng một yêu cầu đơn giản: tôi phải đi đến một chỗ hoang vu cô tịch, tắm trong dòng sông băng giá, sau đó phải ngồi thiền suốt đêm trong tư thế bất động, mà không một mảnh vải che thân. Lúc bấy giờ trời đã chớm đông, và nơi đó ở độ cao 3.000 mét. Tôi thực hiện yêu cầu đó và cảm thấy kiêu hãnh khôn tả vì đã không bị cảm lạnh.

Tiếp theo, tôi lại phải tắm một phen nữa theo kiểu này, nhưng hoàn toàn không phải do tự nguyện, trong một lần lội qua sông Mékong ở mạn bắc Tây Tạng, không xa Rakchi. Khi lội sang được bờ bên kia, áo quần như đóng băng trên người tôi, mà tôi lại không có bộ áo quần dự trữ nào để thay cả.

Người ta dễ hiểu vì sao người Tây Tạng, vốn thường xuyên đương đầu với những tai nạn do thời tiết khắc nghiệt, lại đánh giá rất cao pháp môn giúp họ chống lại giá lạnh này.

 Sau khi được thụ pháp, hành giả phải từ bỏ tất cả các loại vải vóc và không bao giờ được đến gần lửa.

Sau một thời gian luyện tập dưới sự giám sát chặt chẽ của thầy, người môn đồ phải tự mình đi đến một vùng hiu quạnh trên đỉnh non cao. Đối với người Tây Tạng thì ba chữ “đỉnh non cao” chỉ dùng cho những độ cao trên 4.000 mét.

Theo các bậc đạo sư phái áo vải (réspa)[8] thì không bao giờ nên luyện tập môn viêm công trong nhà hoặc chỗ đông dân cư, bởi vì ở đó bầu không khí bị ô nhiễm bởi khói bụi, mùi hôi, bởi nhiều nguyên nhân khác sẽ làm cản trở quá trình tập luyện của hành giả và gây nguy hiểm trầm trọng cho sức khoẻ.

Sau khi đã ổn định chỗ ở tại một vùng non cao hẻo lánh, vị hành giả áo vải chỉ được đi vãn cảnh loanh quanh gần đó và không cần phải tiếp xúc với bất kỳ ai, ngoại trừ bậc đạo sư (gourou) thỉnh thoảng lui tới để kiểm tra kết quả luyện tập.

Mỗi ngày, hành giả phải luyện viêm công từ lúc bình minh chưa ló dạng, và chỉ kết thúc trước khi mặt trời lên cao, vì thông thường thì đến lúc đó họ lại phải luyện thêm những môn khác nữa. Do đó, khi đêm chưa tàn là họ đã rời thảo am hoặc thạch động rồi. Dù nhiệt độ có xuống thấp đến mức nào đi nữa thì họ vẫn phải hoàn toàn trần truồng, mà không được khoác bất cứ thứ gì lên người, dù chỉ là tấm vải mỏng.

Những hành giả nhập môn có thể ngồi trên cái gối rơm hoặc tấm gỗ. Còn những người đã luyện tập thuần thục thì chỉ ngồi trên nền đất, và tùy theo công phu luyện tập họ có thể ngồi trên tuyết, trên một dòng sông đóng băng… Buổi luyện tập phải được bắt đầu từ rất sớm, và trước khi luyện công xong họ không được uống nước, nhất là nước nóng.[9]

Các bài luyện tập về hô hấp là những bước khởi đầu. Một trong những công dụng của các bài tập này là làm cho không khí vận hành thông thoáng trong lỗ mũi.

Tiếp theo đó, hành giả phải quán tưởng trong mỗi hơi thở ra đều kéo theo khỏi tâm trí tất cả tham sân si, lòng kiêu ngạo, cùng sự hận thù hay ghen tỵ. Sự gia trì của chư Phật – Ngũ trí Như Lai[10]– , cùng tất cả những gì cao nhã phúc lạc trên thế gian đều được thu hút và đồng hóa trong những làn hơi hô hấp.

Khi tĩnh tâm quán tưởng trong một khoảng thời gian nào đó, hành giả sẽ thoát khỏi những mối bận tâm cùng những tư tưởng lan man và sẽ đắm chìm trong trong sự bình yên sâu thẳm. Hành giả sẽ tưởng tượng có một đóa sen vàng nở ngay giữa rốn, trong đó có âm ram sừng sững như mặt trời hiện ra chói lọi. hoặc có thể đó chính là mặt trời. Ở trên âm ram là âm ma, và từ âm ma xuất hiện nữ thần Dordji Naldjorma.[11]

Không thể xem các âm tiết thần bí được gọi là “hạt mầm” này như những âm tiết bình thường, mà phải xem nó là một sinh thể sừng sững uy nghi và có khả năng lay động. Chẳng hạn âm ram không phải tên gọi thần bí của lửa mà là hạt mầm của lửa.

Người Ấn Độ xem việc phát âm các chủng tự (mots- semences) mang một tầm quan trọng lớn lao. Họ tin rằng trong các âm thanh đó có chứa năng lực sáng tạo.

Đối với người Tây Tạng thì các âm đó được dùng như là những hình thức giản lược để chỉ các nguyên tố, chư thiên… Trong khi đó, một số tu sĩ thần bí công nhận rằng có thể sử dụng chúng như là những hạt mầm, nhưng không phải bằng cách đọc để phát ra âm thanh, mà dùng chúng như là hình ảnh chủ quan của âm. Do đó, ram là âm mầm của lửa. Vị đạo sư huyễn thuật có kiến thức về pháp môn viêm công có thể dùng hình ảnh chủ quan của âm này để làm phát sinh ngọn lửa ở bất kỳ nơi nào, hoặc tạo ra những ngọn lửa không cháy. Ít ra, đó là những gì được trình bày trong lý thuyết.

Ngay khi vừa quán tưởng nữ thần Dordji Naldjorma bước ra khỏi âm ma, thì hành giả phải lập tức hợp nhất với ngài. Tiếp theo, hành giả phải quán tưởng chữ A nơi lỗ rốn và chữ HA[12] trên đỉnh đầu.

Những hơi thở chậm và sâu sẽ có tác dụng như làn gió làm bừng cháy lên ngọn lửa âm ỉ trong đống tro tàn. Ngọn lửa này nằm trong chữ A dưới hình thức hạt tròn bé li ti.[13] Cứ mỗi hơi thở sẽ tạo ra cảm giác có một làn gió thổi sâu vào trong bụng đến tận lỗ rốn và kích hoạt cho lửa cháy.

Tiếp theo, cứ sau mỗi lần hô hấp thật sâu là một khoảng ngưng thở, và thời gian ngưng thở này cứ tăng dần lên theo quá trình luyện tập.

Hành giả tiếp tục quán tưởng ngọn lửa đang bừng cháy luân xa ouma chạy dọc theo cột sống.

Người Tây Tạng đã vay mượn từ người Ấn Độ ba khái niệm luân xa huyền bí có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc rèn luyện tâm linh cho các hành giả du già. Khái niệm luân xa ở đây không phải là hệ thống mạch máu trong thực tế, mà là hệ thống thần kinh cực kỳ vi tế, có tác dụng như sợi chỉ truyền dẫn các dòng năng lượng. Ngoài ba luân xa quan trọng roma, ouma, và kyangma, còn có nhiều luân xa khác nữa.[14]

Các hành giả lão luyện không xem hệ thống luân xa này là một thực thể vật lý. Theo họ, đó chỉ là một hình ảnh tượng trưng của các dòng năng lượng.

Các bài luyện công bao gồm mười giai đoạn luyện tập không ngừng. Các ảnh tượng xuất hiện, cùng các cảm giác đi kèm, luôn thay đổi và đan xen nhau trong quá trình luyện tập. Các bài tập về hô hấp: thở vào, ngưng thở, thở ra theo một tiết nhịp thần bí cứ được lặp đi lặp lại liên tục không ngừng.

Hành giả phải tập trung toàn bộ tư tưởng vào ảnh tượng của ngọn lửa và hơi nóng phát sinh từ nó, không được nghĩ đến điều gì khác.

Mười gian đoạn luyện tập có thể được mô tả vắn tắt như sau:

  1.  Quán tưởng luân xa trung tâm ouma (gió) mảnh như sợi chỉ hay sợi tóc. Ngọn lửa trong luân xa này sẽ dần cháy lớn lên và lan tỏa ra nhờ vào sức gió do hơi thở tạo nên.
  2.  Quán tưởng luân xa lớn dần bằng ngón tay út.
  3.  Quán tưởng luân xa lớn dần bằng cánh tay.
  4.  Quán tưởng luân xa bao trùm khắp cả cơ thể, hay đúng hơn là quán tưởng cơ thể như một bếp lửa đang rực cháy.
  5.  Không còn cảm nhận thấy thân xác nữa. Luân xa mở rộng ra vô hạn bao trùm cả vũ trụ và hành giả bước vào trạng thái xuất thần, thấy mình trở thành một ngọn lửa bị gió thổi cháy bùng giữa những con sóng nóng rực trong một biển lửa mênh mông.

Những đệ tử nhập môn chưa quen với cách tham thiền kéo dài sẽ thực hiện năm giai đoạn này nhanh hơn những đệ tử tập luyện lâu năm, vì những người này thường kéo dài thời gian thiền quán trong từng giai đoạn. Tuy vậy, người nào thực hiện nhanh nhất cũng phải mất ít nhất một giờ để đạt đến giai đoạn thứ năm.

Những ảnh tượng tiếp tục xuất hiện theo chiều ngược lại:

  1. Gió thổi yếu dần, các đợt sóng lửa không còn dâng cao nữa và giảm dần dao động, biển lửa thu hẹp dần lại và cuối cùng bị hút hoàn toàn vào cơ thể.
  2. Luân xa nhỏ dần chỉ bằng một cánh tay.
  3. Nó nhỏ dần bằng một ngón tay út.
  4. Nó tiếp tục nhỏ dần bằng một sợi tóc.
  5. Cuối cùng luân xa biến mất. Lửa không còn là đối tượng để quán tưởng nữa, giống như một hình dạng hay hình ảnh nào đó. Những ý niệm nảy sinh trong các giai đoạn thiền quán cũng tan biến theo. Tinh thần đắm chìm trong cõi Đại Không, trong đó mọi ý niệm nhị nguyên về chủ khách đều viên dung tan biến.

 Trạng thái xuất thần này kéo dài lâu hay mau là tùy thuộc vào công phu đạo hạnh của hành giả.

Bài tập luyện công này, có hoặc không có năm giai đoạn cuối, được lặp lại nhiều lần trong suốt cả ngày hoặc bất kỳ khi nào hành giả cảm thấy lạnh, nhưng phép luyện công đúng theo bài bản nói trên chỉ được thực hiện vào buổi sáng.

Thánh tăng Milarespa đã phải nhờ đến pháp môn viêm công để sống qua những ngày đông giá lạnh, khi ông bất ngờ bị kẹt lại trong thạch động ở Latchi Khang (trong dãy Everest) vì một trận bão tuyết, và phải ở lại đó trong điều kiện vô cùng thiếu thốn cho đến tận mùa xuân năm sau.

Nhân dịp này, ông sáng tác một bài thơ rất nổi tiếng ở Tây Tạng. Tôi xin phóng dịch một phần bài thơ đó:

Chán ngán cuộc sống thế gian,

Ta tìm đến chốn hoang liêu cô tịch trên sườn núi Latchi Kan,

Đất trời như nhắn nhủ

nên gởi đến ta trận bão tuyết làm điệp sứ báo tin,

Không khí và nước kết hợp với những đám mây mù phương nam

giam hãm hai vầng nhật nguyệt.

Gió thổi ào ào qua những vì sao nhỏ, quét sạch chúng ra khỏi bầu trời

Và bao trùm những ngôi sao lớn trong đám sương mù dày đặc,

Trời đổ tuyết liên tục chín ngày đêm,

Những bông tuyết lớn dày như những cuộn len

bay xuống phất phới như cánh chim,

Còn những bông tuyết nhỏ thì li ti như hạt cải

rơi xuống xoay tròn trong gió,

Tuyết trắng mênh mông không bút nào tả xiết,

Trên cao, tuyết phủ kín những đầu non,

Dưới thấp, cây rừng bị lấp chìm mất ngọn,

Những đỉnh núi đá đen trông cũng trắng như màu sữa,

Tuyết chảy nối liền các hồ trong những đợt sóng dập dềnh

Các dòng suối trong xanh đã bị chìm lấp dưới lớp băng

Non cao và thung lũng đều bị san bằng thành những bình nguyên

Con người bị cầm tù trong làng mạc,

vật nuôi cùng chim muông đều phải nhịn đói,

loài chuột nhũi chui sâu trú mình trong lòng đất

trong suốt thời gian khốn khó

Tuyết và bão tố mùa đông ở bên này, chỗ trú ẩn nghèo nàn của ta ở bên kia, cả hai cùng chiến đấu với nhau trên núi tuyết.

Tuyết càng rơi trên người của ta chừng nào thì tất cả đều cũng biến thành dòng nước chảy

Giông bão thét gào thổi bùng chiếc áo vải mỏng manh, chiếc áo đang bao bọc ta bằng nguồn hơi ấm áp.

Có thể thấy rõ cuộc chiến đấu giữa sự sống và cái chết đang diễn ra ở nơi đây

Và trong niềm hân hoan chiến thắng, ta đã mang lại cho những ẩn sĩ khổ tu

một điển hình chứng minh sự hoằng viễn của pháp môn viêm công.

Milarespa diễn tả những cảm xúc của ông bằng thơ, nhưng những cảm xúc này vẫn không có gì đặc thù riêng biệt, ngoài một chút khác biệt là ông tình cờ bị kẹt trong bão tuyết, thiếu thốn thực phẩm, chỗ ở tồi tàn, vì nhiều nhà ẩn tu khổ hạnh Tây Tạng cũng đã từng sống qua mùa đông trong điều kiện khắc nghiệt như ông vừa mô tả.

Tôi cũng không tự phụ một cách xuẩn ngốc đến mức đem những “kỳ trú đông” của mình, trong thời gian sống ẩn tu trên các đỉnh núi Tây Tạng, để so sánh với công phu khổ luyện của thánh tăng Milarespa, dù cảnh vật ông mô tả trong bài thơ rất quen thuộc với tôi. Tôi có thể chiêm ngưỡng cảnh vật đó từ chốn ẩn cư ở trên cao, không xa Latchi Khang. Mặc dù điều kiện sinh hoạt của tôi không hề thiếu thốn, và tôi luôn có đủ chất đốt để nhóm lửa mỗi khi cần thiết, song tôi vẫn có thể hình dung được sự khắc nghiệt của cuộc sống dị thường đó. Tôi hồi tưởng lại sự tĩnh lặng tuyệt đối, sự cô tịch dịu dàng, sự bình yên bất khả tư nghì tràn ngập trong thạch động của mình, và tôi không nghĩ rằng chúng ta cần phải thương xót cho những người sống đời mình trong những điều kiện như thế, mà đúng hơn là họ khiến chúng ta phải ghen tỵ.

***

Bên cạnh những bài tập luyện mà tôi đã phác họa, còn có những bài tập về pháp môn viêm công để phát sinh luồng chân hỏa. Các bài tập này ít nhiều đều khá giống nhau. Quy trình tập luyện luôn luôn là sự phối hợp giữa việc nín thở thật lâu với công phu quán tưởng một ngọn lửa tưởng tượng. Trên thực tế, điều này đưa đến sự tự kỷ ám thị.

“Sáu mật pháp” mà Narota truyền giảng có một phần về pháp môn viêm công.

Sau đây là bản tóm tắt về pháp môn này:

 Ngồi xổm, hai chân tréo nhau, hai tay đan vào nhau và đặt trên đùi.

Trong tư thế đó, thực hiện các động tác sau:

  1. Xoay dạ dày ba lần từ phải sáng trái, rồi xoay tiếp từ trái sang phải cũng ba lần.
  2. Dùng hết sức để đấm vào dạ dày.
  3. Rung lắc thân thể như những con ngựa bất kham và nhảy từng bước nhỏ, trong tư thế hai chân vẫn bắt tréo nhau.

Ba bài tập này phải lặp lại ba lần, rồi hành giả lấy hết sức nhảy một cú thật mạnh để kết thúc bài tập luyện.

Tôi thấy không cần phải nhắc nhở rằng chẳng có chút liên quan gì giữa phép phát sinh chân hỏa với các bài tập kiểu đó. Các bài tập này chỉ có liên quan với Hatha Yoga Ấn Độ.

Hành giả tiếp tục kìm hơi thở cho đến khi có cảm giác “bụng phình ra như cái trống”

Tiếp theo, hành giả quán tưởng hình ảnh của nữ thần Dordji Naldjorma, giống như trong phần mô tả trong các trang trước.

Hành giả quán tưởng trong mỗi lòng tay, mỗi lòng bàn chân và ngay dưới lỗ rốn, mỗi chỗ đều có một mặt trời.

Các mặt trời ở lòng bàn tay bàn chân cọ sát nhau làm phát sinh ra lửa. Ngọn lửa này chạm đến mặt trời dưới rốn, khiến nó bùng cháy và ngọn lửa lan tỏa ra bao trùm khắp cả cơ thể.

Mỗi lần thở ra thở vào, hành giả quán tưởng hơi thở mình bao trùm cả thế giới.

Bài tập luyện này lặp lại hai mươi lần và kết thúc bằng một cú nhảy thật mạnh.[15]

***

Mặc dù có một số điểm tương đồng nhất định giữa những hình ảnh khách quan trong hai phương pháp luyện công, nhưng giữa chúng vẫn có những khác biệt lớn lao, bởi vì phương pháp thứ hai cần đến những cú nhảy và điệu bộ chân tay, trong khi đó phương pháp thứ nhất lại đòi hỏi bất động hoàn toàn.[16]

Trong cả hai phương pháp, hay trong những pháp môn hướng đến cùng một mục đích, thì ba giai đoạn hô hấp: thở vào, nín hơi, thở ra được thực hiện một cách máy móc, theo một trình tự được quy định bởi những hành giả viêm công lão luyện. Cả hai phương pháp này đều không làm gián đoạn sự tập trung tư tưởng vào ảnh lửa ảo, cũng không làm gián đoạn việc trì niệm mật chú đi kèm khi tham thiền. Những hành giả đã luyện tập lâu năm thì không cần phải tưởng tượng nhiều mới có thể thấy được ngọn lửa lớn mạnh dần, mà ảnh tượng đó tự hiện ra và cảm giác ấm áp dễ chịu – mục tiêu của việc luyện công – sẽ dần dần lan tỏa khắp cơ thể.

Thỉnh thoảng các hành giả phải trải qua một cuộc sát hạch nội bộ về kết quả tập luyện viêm công. Vào một đêm đông có trăng, những tu sĩ nào tự tin có đủ bản lĩnh để vượt qua thử thách sẽ đi theo sư phụ mình đến một bờ nước lạnh buốt nhưng chưa đến mức đóng băng. Nếu trong khu vực không có sông hồ nào thì người ta đào một lỗ trong băng. Buổi tối được chọn để sát hạch phải là buổi tối có gió lớn, điều này thì không hiếm ở Tây Tạng.

Các tu sĩ dự thi giành danh hiệu hành giả áo vải (réspa) đều trần truồng không một mảnh vải che thân, ngồi tréo hai chân trên đất. Người ta nhúng các tấm vải choàng vào dòng nước lạnh buốt, và khi lấy lên thì chúng như đã đông cứng dưới một lớp băng mỏng. Mỗi tu sĩ dự thi quấn tấm vải choàng đó quanh người và dùng sức nóng từ luồng chân hỏa trong người để làm khô nó. Khi tấm vải choàng vừa khô thì người ta lại nhúng tiếp nó xuống nước lạnh và tu sĩ dự thi lại tiếp tục quấn nó quanh người để thi triển công phu. Cuộc thi kéo dài đến tận sáng hôm sau. Vị tu sĩ nào làm khô được nhiều tấm chăn nhất thì được xem là người thắng cuộc.

Người ta kể rằng có tu sĩ làm khô được bốn mươi tấm vải choàng trong một đêm. Hiển nhiên đây cũng là lời thổi phồng thái quá, và độ lớn của các tấm chăn đôi khi bị giảm nhỏ lại ở kích thước chỉ thuần túy mang tính tượng trưng. Nhưng một điều chắc chắn là có những hành giả áo vải có thể làm khô một tấm vải choàng lớn. Tôi khẳng định điều này vì đã tận mắt chứng kiến.

Một tu sĩ cần phải làm khô ít nhất ba tấm vải choàng thì mới được công nhận là réspa thực sự, và có quyền khoác tấm áo choàng màu trắng, đặc trưng của những tu sĩ “đã thành tựu pháp môn viêm công”. Đó là quy định ban đầu từ thuở xa xưa, nhưng khó mà tin điều đó được giữ gìn một cách nghiêm túc trong thời đại ngày nay.

Réspa có nghĩa là “người mặc áo vải”, và được hiểu ngầm là người suốt đời chỉ mặc độc một chiếc áo vải mà thôi, trong bất kỳ thời tiết nào. Tuy nhiên, khắp Tây Tạng vẫn không thiếu những kẻ mặc áo ấm giấu dưới tấm áo vải mỏng. Những kẻ bịp bợm đó thường là những tên vô lại tìm cách lừa đảo để trục lợi, hoặc là những kẻ tập luyện viêm công trong một thời gian ngắn mà chẳng đạt được kết quả gì.

Ngược lại, vẫn có những vị ẩn tu tập luyện pháp môn viêm công đến mực thượng thừa, vượt xa các réspa, vất bỏ tất cả y phục, sống hoàn toàn khỏa thân trên những núi non hiu quạnh trong một thời gian dài hoặc trọn đời.

Người Tây Tạng tỏ ra hãnh diện về những thành tích này, và thường hay chế nhạo những đạo sĩ yoga sống trần truồng mà họ gặp khi đi hành hương ở Ấn Độ. Họ hoàn toàn không hiểu rằng, ở đất nước Ấn Độ, sự trần truồng chỉ tượng trưng cho sự xả ly tuyệt đối chứ không hề mang ý nghĩa phô bày công phu tập luyện về thể xác.

Có một tu sĩ réspa thuộc hạng lão luyện thượng thừa, đã từng tập luyện pháp môn toumo ở Khang Tisé,[17] đi cùng một người bạn và người hầu đến Gâya[18] qua ngã Népal thì gặp một tu sĩ sadhou nằm dài trên chiếu, phơi mình trần dưới ánh nắng mặt trời. Nét mặt và điệu bộ ông ta tỏ vẻ vênh váo. Vị ẩn tu vùng hoang mạc giá lạnh liền pha trò:

– Này đạo hữu, tôi mời đạo hữu mặc bộ quần áo này đến nằm bên bờ hồ Mothang.[19] Ở đó đạo hữu sẽ có một gương mặt khác đấy.

Dĩ nhiên tu sĩ sadhou chẳng hiểu vị lạt-ma Tây Tạng kia nói gì và băn khoăn tự hỏi vì sao ba người khách qua đường lại vô cớ cười nhạo mình một cách vô lễ đến vậy.

Câu chuyện này tôi nghe một vị ẩn tu kể lại. Những kỷ niệm này cũng giúp ông tìm được chút niềm vui ở tuổi già.

Tóm lại, đối với những hành giả mới bắt đầu luyện tập môn viêm công thì hiện tượng gia tăng nhiệt độ, hoặc cảm giác ấm áp chỉ tồn tại trong quá trình hành công. Khi sự tập trung tư tưởng và các tư thế luyện tập chấm dứt thì hành giả dần dần cảm thấy giá lạnh. Trái lại, những người đã tập luyện thuần thục trong nhiều năm thì luồng chân hỏa sẽ phát sinh một cách tự nhiên trong cơ thể khi nhiệt độ bên ngoài hạ xuống thấp.

Ngoài cách thử thách làm khô tấm vải như đã nói, vẫn còn nhiều cách thử thách khác. Một trong những cách đó là ngồi trên tuyết. Số lượng tuyết tan, và độ chảy xa hay gần của dòng tuyết đó sẽ khẳng định hỏa hầu của hành giả.

Thật khó lòng đưa ra một ý tưởng chính xác tuyệt đối về tầm quan trọng của pháp môn viêm công. Tuy nhiên hiệu quả của nó thì dường như đã được chứng minh một cách rõ ràng. Điển hình là có những vị ẩn tu sống hoàn toàn khỏa thân hoặc chỉ khoác một tấm vải mỏng suốt mùa đông trên những đỉnh non tuyết phủ. Nhiều nhà thám hiểm khi cố gắng leo lên đỉnh núi Everest vẫn thường bắt gặp, thấp thoáng từ xa, một vài vị ẩn tu kiểu đó. Riêng về phần tôi, trong mức độ trải nghiệm hạn chế, tôi vẫn đạt được những kết quả khả quan về môn viêm công này.

Truyền tin qua gió hay là pháp môn thiên lý truyền tâm

Những đạo sư huyễn thuật Tây Tạng thường trầm lặng ít nói, trong số họ cũng có những người nhận môn đồ, nhưng giảng dạy bằng phương pháp tâm truyền chứ ít khi dùng đến ngôn ngữ. Việc mô tả những phương pháp giáo huấn kỳ lạ đó không phải là chủ đề của cuốn sách này. Chỉ cần biết rằng những môn đồ của các bậc đạo sư huyễn thuật đó rất ít khi gặp được sư phụ. Thời gian giữa những lần gặp gỡ kéo dài lâu hay mau đều tùy thuộc vào sự tiến bộ của môn đồ, hoặc khi có những vấn đề về tâm linh cần đến sư phụ khai thị. Khoảng thời gian giữa những lần tiếp xúc của hai thầy trò kéo dài vài tháng, có khi vài năm. Mặc dù xa cách và ít khi gặp nhau, nhưng thầy trò – đặc biệt là đối với những vị có công phu đạo hạnh cao – vẫn có một phương pháp liên lạc với nhau mỗi khi cần thiết.

Thiên lý truyền tâm hay khả năng viễn cảm là một trong những pháp môn thần bí của người Tây Tạng. Dường như khắp nơi trên những núi non cao ngất của “Xứ Tuyết” này đều được phủ đầy bởi hiện tượng thiên lý truyền tâm, giống như vai trò mà ngành điện tín vô tuyến đã thực hiện từ lâu ở phương Tây. Trong khi ở đất nước phương Tây chúng ta, những thiết bị máy móc truyền tin có xu hướng thiên về đại chúng, thì ở nơi đây, sự truyền đạt những thông điệp tế vi theo cánh gió[20] lại thuộc thẩm quyền của một thiểu số tu sĩ đã thụ pháp.

Khả năng thiên lý truyền tâm không phải là điều xa lạ với phương Tây. Những tổ chức nghiên cứu tâm linh đã nhiều lần ghi nhận các hiện tượng thiên lý truyền tâm. Tuy nhiên, phần lớn các hiện tượng này đều xảy xa ngẫu nhiên và người trong cuộc lại hoàn toàn chẳng hay biết gì cả.[21]

Kinh nghiệm cho thấy, khi cố gắng thực hiện phương pháp thiên lý truyền tâm một cách có chủ ý thì kết quả lại rất đáng ngờ, vì chúng không thể lặp lại thông điệp chính xác như mong đợi.

Đối với người Tây Tạng thì vấn đề này lại khác. Họ cho rằng thiên lý truyền tâm là một bộ môn khoa học, và cũng như mọi bộ môn khoa học khác, nó có thể được giảng dạy bởi những người đã được giáo huấn bài bản, đầy đủ và thấy mình có đủ khả năng thực hiện.

Người ta cũng chỉ ra thêm những phương pháp khác nữa đều nhằm mục đích đạt đến khả năng thiên lý truyền tâm, nhưng quan điểm của các tu sĩ bậc thầy trong pháp môn này lại không thống nhất với nhau về quan điểm cho rằng nguồn gốc của hiện tượng này là sự tập trung tư tưởng cao độ đến mức xuất thần.

Chừng nào hiện tượng thiên lý truyền tâm còn được nghiên cứu ở Tây phương thì ta sẽ nhận ra một điều là nguyên nhân của nó dường như chẳng khác với nguyên nhân được khám phá ở Tây Tạng.

Các bậc thầy Mật tông tuyên bố rằng người nào khéo sử dụng năng lực thiên lý truyền tâm thì đều có thể kiểm soát hoàn toàn tinh thần để tập trung tư tưởng một cách mãnh liệt vào một đối tượng duy nhất, từ đó quyết định sự thành công của hiện tượng này.

Vai trò của “trạm thu sóng” có ý thức – vốn luôn sẵn sàng cảm ứng với những dao động sóng thiên lý truyền tâm cực kỳ vi tế – khó khăn chẳng kém gì vai trò của “trạm phát sóng”. Trước tiên, người muốn trở thành “trạm thu sóng” phải có khả năng tương thông với trạm phát sóng mà từ đó nó muốn nhận những thông điệp gởi đến.

 Tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy nhất, đến mức mọi đối tượng khác đều biến khỏi phạm vi nhận thức, đó là một trong những cột trụ trong việc luyện tâm của những tu sĩ lạt-ma. Mặt khác, việc luyện tâm cũng bao gồm các phương pháp giúp phát triển khả năng nhận thức những dòng năng lượng khác luôn xô đẩy vũ trụ chuyển động theo mọi hướng.

Dựa trên sự kiện này, một số người khẳng định rằng công phu thiên lý truyền tâm cũng như viêm công, hay nhiều năng lực hữu ích khác, chỉ là những kết quả tùy sinh từ việc luyện tâm, do đó thật là vô bổ nếu xem nó là pháp môn riêng biệt để khổ luyện.[22]

Một số người lại nhìn nhận sự việc theo cách khác. Họ công nhận rằng những năng lực thần thông đạt được từ việc luyện tâm cho phép thực hiện khả năng thiên lý truyền tâm cùng nhiều công phu huyền bí khác; nhưng họ thêm rằng những người dầu không đạt đến quả vị cao siêu trong mật pháp hoặc không khao khát cầu pháp vẫn có thể luyện thành công bất kỳ pháp môn tùy sinh nào.

Nói chung thì các đạo sư Mật tông tán đồng điều này ở một mức độ nào đó, và có một số đạo sư dạy cho môn đồ pháp môn thiên lý truyền tâm.

Một số nhà ẩn tu, dù không luyện tập bài bản theo hệ thống, vẫn có thể đón nhận được những thông điệp khai thị của các đạo sư truyền đi bằng pháp môn thiên lý truyền tâm. Điều này được xem là do lòng tôn kính sâu xa của họ đối với sư phụ. Chỉ có một số ít mới đạt được khả năng truyền đi thông điệp một cách tự nhiên.

Về phương pháp luyện tập của pháp môn thiên lý truyền tâm, có thể phác thảo sơ qua những nét chính như sau:

Trước tiên, hành giả cần phải thực hành những bài tập về tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy nhất đến mức xuất thần, để hợp nhất cùng đối tượng.

Song song với điều đó, cần phải luyện tập những bài tập bổ sung về tập trung tư tưởng là “hư tâm”, nghĩa là vất bỏ tất cả sự vật ra khỏi tâm trí, để cõi lòng lặng lẽ tịch nhiên tuyệt đối.

Tiếp theo đó hành giả phải quán tưởng và phân tích những tác động đa dạng của các cảm xúc tâm sinh lý nảy sinh một cách đột ngột khó hiểu, cùng những trạng thái tinh thần đặc biệt như vui buồn, sợ hãi, thêm vào đó là những kỷ niệm bất chợt về người, về sự vật, về những biến cố dường như chẳng liên quan gì với tư tưởng hoặc hành động của những người hiện ra trong hoài niệm.

Sau khi đã tập luyện như thế được vài năm thì hành giả mới được phép tham thiền với người thầy.

Hại thầy trò sẽ ngồi thiền trong một căn phòng kín, lờ mờ sáng và cực kỳ yên tĩnh để cùng tập trung tư tưởng vào một đối tượng chung. Cuối buổi hành công, người môn đồ sẽ thông báo cho vị lạt-ma biết những tư tưởng, cảm xúc hoặc những nhận thức khách quan nảy sinh trong các giai đoạn tham thiền. Hai thầy trò sẽ đem những điều này ra đối chiếu với nhau để tìm hiểu những điểm tương đồng hay khác biệt giữa hai người.

Giai đoạn tiếp theo, vị thầy sẽ không cho môn đồ biết đối tượng cần quán tưởng, mà để cho môn sinh – trong nỗ lực giữ cho lòng rỗng rang yên tĩnh không cho tư tưởng khởi sinh trong tâm trí – quan sát những tư tưởng, tình cảm cùng những nhận thức xa lạ bất ngờ xuất hiện. Cũng như giai đoạn trước, người môn đồ sẽ thông báo cho vị lạt-ma biết những tư tưởng, hoặc hình ảnh nảy sinh trong quá trình tham thiền, và đem chúng ra để đối chiếu với những gì mà vị sư phụ đã gợi ý cho mình bằng phương thức tâm truyền.

Đến lúc này, vị sư phụ sẽ để môn đồ ở cách mình một cự ly không quá xa và truyền lệnh chính xác đến môn đồ. Nếu người môn đồ hiểu được thông điệp này thì anh ta sẽ trả lời lại sư phụ hoặc thực hiện nội dung của mệnh lệnh. Công phu này được lặp lại với khoảng cách giữa hai thầy trò tăng lên dần theo thời gian. Sau khi đã ngồi thiền trong cùng một căn phòng, hai thầy trò sẽ chuyển sang ngồi thiền trong hai căn phòng khác nhau của cùng một tự viện, hoặc vị môn đồ sẽ quay về với thảo am hay thạch động của mình, rồi chuyển xa dần khỏi chỗ ở của sư phụ thêm nhiều cây số.

Ở Tây Tạng, người ta tin rằng các đạo sư có pháp lực thượng thừa có thể đọc được tư tưởng của người khác theo ý muốn. Đối với các đạo sư này thì môn đồ của họ không cần phải gởi thông điệp tư tưởng đến sư phụ bằng phương pháp thiên lý truyền tâm, vì sư phụ đã đọc được tư tưởng của họ trước cả khi họ tham thiền để thực hiện điều này.

Dù điều này đúng hay sai đi nữa thì khi được gán cho vinh dự là một doubtchén, nghĩa là một pháp sư pháp lực thượng thừa, thì vị pháp sư đó phải hành xử ra vẻ như ông ta thực có những thần thông mà người ta gán cho ông. Vì lý do này mà môn đồ của họ khi khởi đầu đạo nghiệp đều luyện tập pháp môn thiên lý truyền tâm bằng cách gởi những thông điệp cho nhau.

Một nhóm khoảng hai ba người kết hợp với nhau để luyện tập pháp môn này dưới sự hướng dẫn của vị lạt-ma sư phụ, và quá trình luyện tập cũng na ná như những gì đã được mô tả.

Những môn sinh lão luyện hơn thì tự kiểm tra sự tiến bộ của mình bằng cách gởi đi những thông điệp bất ngờ, nằm ngoài những bài tập dự kiến, vào thời điểm mà người nhận đang rất bận rộn và hoàn toàn không nghĩ đến việc đón nhận thông điệp.

Họ cũng cố gắng khơi dậy, bằng phương pháp thiên lý truyền tâm, tư tưởng và hành động đối với những người mà họ chưa bao giờ luyện tập chung. Một vài người lại cố gắng khơi dậy hành động nơi loài vật.

Luyện tập phương pháp này phải tốn rất nhiều năm tháng. Thật khó lòng phỏng đoán chính xác có bao nhiêu người đã khổ luyện thành công môn này. Hơn thế nữa, sẽ sai lầm khi tưởng rằng có đông đảo môn sinh theo học pháp môn thần bí này, như ta thường thấy tại các tự viện lớn. Trong một thung lũng hoang tịch như thế này, thì số lượng năm sáu môn đồ sống quanh thảo am của một vị ẩn tu cũng được xem là đông rồi. Ngần đó đã là con số tối đa hiếm khi đạt tới. Cách xa nơi đây, tại một hang núi khác ta có thể bắt gặp thêm một vài môn đồ sống trong những thảo am sơ sài, ở quanh nơi ẩn tu của sư phụ họ cách chừng vài cây số. Qua đó, ta có thể hiểu được nhiều bài luyện tập môn thiên lý truyền tâm đã được một số ít hành giả thực hiện tại những địa điểm khác nhau.

Mặc cho những thành tựu mà các hành giả đã đạt được khi khổ luyện môn thiên lý truyền tâm, các bậc chân sư Mật tông khả kính nhất vẫn không hề khuyến khích điều này. Đối với các vị đó thì việc thành tựu những năng lực siêu nhiên cũng chẳng khác gì trò chơi của trẻ con, hoàn toàn chẳng đáng quan tâm.

Có vẻ như trên thực tế những bậc đại ẩn tu có thể tùy ý truyền thông tư tưởng cho môn sinh bằng pháp môn thiên lý truyền tâm, và người ta còn nói rằng các vị đó có thể truyền thông tư tưởng cho bất kỳ loài hữu tình nào; nhưng như đã nói, những năng lực siêu nhiên đó chỉ là kết quả tùy sinh của tri kiến thâm huyền về những quy luật tâm lý và sự hoàn thiện tâm linh.

Khi đã đạt đến giác ngộ thì không còn sự phân biệt giữa tangười, giữa chủ khách, giữa năngsở mà tất cả đều viên dung nhất thể, cho nên pháp môn thiên lý truyền tâm được thực hiện dễ dàng. Dù trong pháp môn này có một phần sự thật và một phần tưởng tượng, song tôi thấy khôn ngoan nhất là đừng nên bàn gì về chúng.

Tôi xin nói thêm rằng những phương pháp truyền tin thô sơ giữa thầy trò, chẳng hạn như có một lá thư rơi từ trên trần nhà xuống hoặc xuất hiện dưới gối khi người học trò thức dậy, là những điều hoàn toàn xa lạ đối với các tu sĩ Mật tông.

Tôi nhớ lại những lời đối đáp ngộ nghĩnh của Ban-thiền Lạt-ma ở Trachilhumpo khi tôi nói rằng có những philing[23] tin vào sự truyền thông tư tưởng với linh hồn người chết theo cách đó và đôi khi với cả các đạo sư Mật tông. Ông ta liền kêu lên: “À! Đó chính là lũ người chinh phục Ấn Độ đó mà!”, do lẫn lộn một cách ngây ngô khái niệm người nước ngoài với những người Anh đáng sợ.

Từ những quan sát đã thực hiện suốt nhiều năm tháng, tôi có thể kết luận rằng pháp môn thiên lý truyền tâm cũng như nhiều pháp môn thần bí khác dường như đã tìm được ở Tây Tạng một vùng đất thuận lợi để phát triển, hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nói một cách chính xác thì những điều kiện thuận lợi đó là gì? Trả lời dứt khoát câu hỏi này là một hành động liều lĩnh, khi mà bản chất của những hiện tượng tâm linh siêu nhiên này vẫn còn là điều huyền ẩn.

Có thể là do các hiện tượng tâm linh phải đối mặt với ảnh hưởng địa lý của lãnh thổ cao ngất trời này. Có thể là do sự tịch lặng mênh mông bao trùm lên toàn xứ sở. Nếu tôi dám tự cho phép mình sử dụng cách diễn tả lạ lùng thì đó là sự tịch lặng diệu kỳ mà ta có thể nghe bàng bạc vang trên những tiếng cuồng nộ thét gầm của thác ghềnh, sông suối. Cũng có thể là các năng lực tâm linh hiển thị dễ dàng nhờ sự vắng bóng của những cụm dân cư đông đúc, vì những hoạt động tinh thần tại những nơi này sẽ tạo ra vô số cơn lốc năng lượng tinh thần làm rối loạn những làn sóng tế vi của hiện tượng tâm linh.

Cho dù là vì nguyên nhân gì đi nữa, thì sự truyền thông tư tưởng bằng pháp môn thiên lý truyền tâm, một cách vô tình hay cố ý, vẫn không phải là chuyện hiếm xảy ra tại Tây Tạng.

 Bản thân tôi cũng đã từng nhận những thông điệp thiên lý truyền tâm của vị lạt-ma mà tôi có nhiều quan hệ. Có thể số lượng thông điệp nhiều hơn tôi tưởng. Nhưng tôi chỉ giữ lại, xem như là những tư liệu quan sát quý giá, một số ít thông điệp mà nhiều ngày sau hoặc nhiều tháng sau, vị lạt-ma hỏi tôi về kết quả của chúng mà thôi.

Bên cạnh các phương pháp truyền thông tư tưởng mang sắc thái liên quan đến yếu tố tâm linh, tuy không hẳn là phương pháp thiên lý truyền tâm nhưng liên quan đến tính đồng nhất tư tưởng giữa sư phụ và môn đồ, tôi xin kể lại hai câu chuyện bất ngờ mang sắc thái hoàn toàn khác.

Một trong hai câu chuyện này xảy ra tại lưu vực sông Dainchine, trong cuộc hành trình của tôi đến Lhassa. Vị lạt-ma, tác giả của những thông điệp mà tôi thấy giống như hiện tượng thiên lý truyền tâm, sống tại tự viện Tcheudzong.

Yongden và tôi đã trải một đêm ngoài trời, trong một cái hố tự nhiên do những cơn mưa liên tục xói lở đất tạo nên, nhưng giờ đây đã khô và rắn lại nhờ sương giá. Vì không có chất đốt để nhóm lửa pha trà bơ cho bữa điểm tâm quen thuộc, chúng tôi phải lên đường sớm để tìm chỗ lưu trú thường ngày. Đến trưa, chúng tôi bắt gặp một vị lạt-ma vẻ mặt khả kính đang ngồi trên tấm thảm lót yên ngựa,[24] sát bên vệ đường. Ông ta vừa dùng cơm xong. Cùng với ông còn có ba chú tiểu vẻ mặt thông minh sáng sủa, tựa hồ là môn đồ chứ không phải là những kẻ tùy tùng. Bên cạnh nhóm người này là bốn con ngựa giàm cương đang cố gặm đám cỏ khô.

Những lữ khách này đã dùng củi nhóm lửa, và một ấm trà vẫn còn đang bốc khói trên than hồng.

Chúng tôi, trong bộ quần áo cải trang thành những kẻ hành hương khất thực, lễ phép chào hỏi vị lạt-ma theo nghi thức. Khi nhìn thấy bình trà, có lẽ sự thèm muốn uống trà hiện ra trên gương mặt chúng tôi. Vị lạt-ma lẩm bẩm: “Nyingdjé” (Thật tội nghiệp!), rồi cất cao giọng mời chúng tôi ngồi, bảo chúng tôi đưa bát để rót trà và cho bánh tsampa.

Một trapa liền rót phần trà còn lại vào bát chúng tôi và đặt một đĩa bánh tsampa bên cạnh chúng tôi, rồi đi đến giúp những người trong đoàn thắng yên cương ngựa để chuẩn bị lên đường. Một con ngựa bất ngờ lồng lên bỏ chạy vì sợ hãi. Đây cũng là một biến cố thường xảy ra. Một trapa khác liền cầm dây chạy theo để bắt nó lại.

Vị lạt-ma không phải là người hay nói, ông chỉ lặng lẽ ngồi yên, đưa mắt theo dõi con ngựa đang tung vó chạy băng qua cánh đồng trơ trụi. Chúng tôi tiếp tục ngồi ăn trong yên lặng. Tôi đảo mắt nhìn quanh và nhìn thấy một bình gỗ chứa đầy sữa. Tôi đoán vị lạt-ma đã nhận bình sữa này từ một trang trại mà tôi nhìn thấy trên đường đi, ở cách đây không xa.[25]

Tôi nói thầm vào tai Yongden:

– Khi nào vị lạt-ma kia đi rồi, con hãy đến trang trại kia xin một ít sữa.

Mặc dù tôi nói rất khẽ, nhưng dường như vị lạt-ma kia hiểu được lời tôi nói. Ông đưa mắt nhìn tôi rất lâu với vẻ dò xét, rồi hạ thấp giọng lẩm bẩm: “Nyingdjé” và ngoảnh mặt đi.

Con ngựa không bỏ chạy xa, mà tựa hồ như đang hứng chí chơi đùa nên cứ nhảy nhót lung tung, khiến vị trapa kia không sao đến gần được. Cuối cùng thì nó cũng đứng yên để vị tu sĩ trẻ quàng sợi dây quanh cổ dắt về.

Vị lạt-ma vẫn ngồi bất động, đưa mắt đăm đăm nhìn người môn đồ đang dắt ngựa. Người này đột nhiên ngừng lại, đứng yên một lúc, thái độ có vẻ chăm chú, rồi dắt con ngựa buộc sau một tảng đá. Sau đó anh ta quày quả đi bộ về phía trang trại. Một lúc sau tôi thấy anh ta quay trở lại chỗ buộc ngựa, tay cầm một “vật gì đó” không rõ.

Khi anh ta đến gần, tôi mới nhận ra “vật gì đó” chính là một bình gỗ đầy sữa. Anh ta không đặt bình sữa trước mặt tôi, mà đưa mắt nhìn vị lạt-ma như muốn hỏi: “Sư phụ muốn con làm gì đây? Con phải làm gì với bình sữa này?”

Trước những câu hỏi được lặng lẽ đặt ra, vị lạt-ma chỉ khẽ gật đầu xác nhận và ra lệnh cho người môn đồ đưa bình sữa cho tôi.

***

Câu chuyện thứ hai tôi sắp kể đây không xảy ra tại Tây Tạng, mà tại biên giới tỉnh Cam Túc và Tứ Xuyên của Trung Quốc.

Tại vùng biên của khu rừng mênh mông trải dài giữa Tangan và ngọn đèo Kunka, có sáu người xin gia nhập vào đoàn chúng tôi. Vùng này nổi tiếng là khu vực hoành hành của thổ phỉ Tây Tạng, cho nên mỗi khi đi qua đây, khách đi đường thường phải kết hợp với nhau thành từng nhóm đông đảo và vũ trang đầy đủ.

Năm trong số sáu người bạn đồng hành mới của chúng tôi là thương nhân Trung Quốc, người còn lại là một phù thủy (ngagspa) đạo Bön. Ông ta vạm vỡ to lớn, mái tóc dài bó trong một tấm vải đỏ tạo thành một dải băng dài.

Vì luôn tận dụng mọi cơ hội để tìm hiểu về giáo lý và các nghi thức tôn giáo, nên tôi mời vị lữ khách cô đơn kia dùng cơm, với hy vọng được nghe ông ta phiếm đàm về những đề tài tôi đang quan tâm. Tôi được biết ông ta đang trên đường đến với vị sư phụ – một pháp sư đạo Bön đang thực hiện đại nghi lễ thần bí doubthab trên một ngọn núi gần đây. Mục đích của nghi lễ này là hàng phục một ác thần, và bắt y phá hoại một trong những bộ lạc nhỏ trong vùng.

Sau vô số thủ thuật ngoại giao, tôi mới bày tỏ ý muốn được yết kiến sư phụ ông ta, song vị môn đồ thẳng thừng tuyên bố không thể được. Sư phụ ông ta tuyệt đối không thể bị quấy rầy trong trọn tháng âm lịch này, vì phải dành trọn thời gian để tiến hành nghi lễ.

Tôi biết có nài nỉ cũng vô ích, nên định bụng sẽ theo dõi vị ngagspa này khi ông ta rời đoàn chúng tôi, sau khi vượt qua ngọn đèo. Nếu kín đáo tiếp cận vị pháp sư kia một cách bất ngờ thì không chừng tôi có thể nhìn thấy được đàn tràng thần bí này cùng những thứ pháp khí khác dùng trong nghi lễ.

Tôi thấy kế hoạch có vẻ ổn thỏa nên dặn dò những người tùy tùng kín đáo bám sát vị ngagspa kia, đừng để ông lén lút bỏ đi.

Hình như những người tùy tùng của tôi nói chuyện với nhau quá lớn về chuyện này, khiến vị ngagspa biết được ý đồ của tôi đối với đạo sư (gourou) của ông ta, nên lên tiếng cảnh báo tôi có cố gắng làm cũng chỉ hoài công vô ích.

 Tôi trả lời rằng tôi không hề có ý đồ xấu, mà chỉ mong muốn được trò chuyện thân mật với vị pháp sư để học hỏi thêm. Tôi dặn dò những người tùy tùng phải bám riết viên ngagspa kia chặt chẽ hơn nữa.

Người bạn đồng hành của chúng tôi hiểu rằng ông ta bị ép buộc trở thành một tù nhân, nhưng vì thấy điều đó cũng chẳng gây hại gì và nhất là được ăn uống thỏa thích – một điều mà người Tây Tạng rất xem trọng – nên ông tham gia chuyến lữ hành với tâm trạng vô cùng vui vẻ.

– Đừng lo tôi bỏ trốn – ông ta bảo tôi – bà có thể cho người trói tôi lại nếu bà muốn. Tôi chẳng cần đi trước để báo cho sư phụ tôi biết bà đang đến, vì người đã được thông báo trước rồi. Gnais loung gi téng la lén tang tsa (Tôi đã gởi cho người một thông điệp bằng pháp môn thiên lý truyền tâm rồi.)

Các ngagspa thường là những kẻ ba hoa khoác lác rằng họ có những năng lực siêu phàm, nên tôi cũng chẳng quan tâm chi đến những lời ông ta nói.

Thế nhưng lần này tôi đã lầm.

Sau khi vượt qua ngọn đèo, chúng tôi tiến vào một thảo nguyên. Trên vùng thảo nguyên bao la như thế này thì bọn cướp không còn đáng sợ nữa, vì chúng khó tìm ra được chỗ để phục kích.

Những thương nhân Trung Quốc, suốt mấy ngày qua khi còn ở trong rừng, cả ngày lẫn đêm đều không dám rời đoàn người của chúng tôi nửa bước, giờ đây đã lấy lại sự tự tin và vội vã chuẩn bị lừa ngựa để từ biệt. Tôi vẫn có ý định theo dõi vị ngagspa khi ông ta bỏ đi, thì một đoàn kỵ mã khoảng sáu người đột nhiên xuất hiện trên một mô đất và phi nước đại về phía chúng tôi.

Khi đến gần, họ liền xuống ngựa chào hỏi và tặng cho tôi mấy cái khăn khadag[26]và một ít bơ. Sau khi kết thúc nghi thức tặng quà, một tu sĩ lớn tuổi bảo tôi rằng vị đại pháp sư đạo Bön cho đem lễ vật này đến tặng tôi để xin tôi từ bỏ ý định tiếp cận ông ta. Ông ta không được tiếp xúc bất kỳ ai ngoại trừ một trong những đệ tử đã thụ pháp, không một ai được đến gần nơi ông ta đang triển khai đàn tràng huyễn thuật.

Tôi buộc lòng phải từ bỏ kế hoạch của mình. Dường như vị ngagspa kia đã thực sự gởi đi một thông điệp cho sư phụ ông ta bằng phương pháp thiên lý truyền tâm. Tôi hiểu có ôm khư khư ý định cũng chẳng ích gì.

Mặc dù người môn đồ đã cho tôi thấy bằng chứng về những năng lực phi thường, tôi vẫn ngờ rằng chính vị sư phụ kia mới là người dùng huyền lực để ngăn không cho tôi đến gần ông, song những người dân núi vạm vỡ đeo súng bao quanh tôi đang đứng sờ sờ ra đấy, tôi không thể cho họ là những ảo ảnh không có thực. Họ tỏ ra rất mực lễ độ, không hề có biểu hiện ác ý gì với tôi, nhưng thái độ của họ chắc chắn sẽ thay đổi, nếu như tính ương bướng của tôi đe dọa đến sự thành công của một đại nghi lễ đang thu hút sự quan tâm của toàn bộ lạc.

Tôi cũng đưa cho vị ngagspa một tấm vải khadag và một ít tiền để cúng dường cho sư phụ ông ta. Tôi chúc mừng cho những người Tây Tạng kia đã may mắn có được một viên pháp sư thượng thừa, rồi chúng tôi thân mật giã từ.

***

Dường như hiện tượng thiên lý truyền tâm bằng hình ảnh cũng tồn tại đối với người Tây Tạng. Nếu như tin vào hành trạng của những vị lạt-ma nổi tiếng, được truyền khẩu giữa những người Tây Tạng, ta sẽ thấy có nhiều câu chuyện điển hình của loại này. Song trong những hành trạng đó, sự thật và hư cấu trộn lẫn với nhau chặt chẽ đến mức thà nghi ngờ còn hơn là tin hẳn những câu chuyện dị thường được kể lại trong đó.

Trong thời đại chúng ta, vẫn có những người khẳng định đã từng ghi nhận những ảnh tượng được truyền đi bằng phương pháp thiên lý truyền tâm.

Những hiện tượng này hoàn toàn khác với giấc mơ. Đôi khi những ảnh tượng đột nhiên xuất hiện trong quá trình thiền định, nhưng đôi khi lại xảy ra khi người nhận đang bận rộn với công việc thường ngày.

Một vị lạt-ma tsipa (nhà chiêm tinh) kể cho tôi nghe rằng một hôm ông đang ngồi dùng bữa thì chợt thấy người bạn đồng tu là một lạt-ma gyud (vị lạt-ma tốt nghiệp khoa huyễn thuật), mà đã nhiều năm qua ông chưa hề gặp lại. Người bạn đồng tu này đứng ngay trước cửa cùng với một trapa trẻ tuổi, đeo một túi vải trên vai, điệu bộ giống như đang chuẩn bị lên đường. Người thanh niên quỳ xuống đảnh lễ vị lạt-ma để giã từ, vị lạt-ma mỉm cười nói vài câu gì đó rồi đưa tay chỉ về hướng bắc. Vị trapa ngoảnh mặt về hướng đó và quỳ xuống đảnh lễ ba lần. Khi đứng lên, vị trapa cầm cái áo choàng zen, đã bị tụt xuống khi đảnh lễ, khoác lại lên vai. Vị lạt-ma tsipa thấy một vạt áo zen đã bị rách. Sau đó ảnh tượng kia biến mất.

Vài tuần sau, chính người thanh niên kia tìm đến, cho biết vị lạt-ma gyud đã gởi anh ta đến đây để xin học về khoa chiêm tinh.

Vị trapa kia kể lại rằng vào lúc lâm hành, khi đang quỳ xuống đảnh lễ sư phụ – là vị lạt-ma gyud – thì anh ta nghe sư phụ dặn dò: “Giờ đây, con sắp có thêm một sư phụ mới. Con nên đảnh lễ ngài đi”, rồi đưa tay chỉ về hướng bắc, là nơi ở của vị lạt-ma tsipa.

Vị lạt-ma tsipa thấy một vạt áo zen của người môn đồ bị rách, giống như ảnh tượng ông đã thấy trước đó.

Tôi hỏi có phải vị lạt-ma gyud muốn thông báo cho người bạn đồng tu biết mình sắp gởi một đồ đệ đến hay không, nhưng vị lạt-ma tsipa này không trả lời, bởi vì sự kiện này chỉ vừa mới xảy ra và ông ta chưa có dịp trả lời cho bạn.

Tôi phải nói rằng người Tây Tạng thường tỏ ra ít nhiệt tình trong việc tìm hiểu những hiện tượng tâm linh, và thái độ này của họ cũng chẳng hề cản trở các công trình nghiên cứu. Đối với họ thì những hiện tượng đó tuy khác thường, nhưng cũng không phải là cái gì quá đỗi dị thường, đến mức khiến những người chứng kiến hay nghe kể lại phải vội vã tìm hiểu một cách nghiêm túc. Trên thực tế, đầu óc họ không bị xáo trộn vì những khái niệm chặt chẽ về quy luật tự nhiên, hay về những điều khả thi hoặc bất khả thi như người phương Tây.

Phần lớn người Tây Tạng, kẻ trí thức cũng như người thất học, mặc nhiên chấp nhận rằng tất cả đều khả thi đối với những ai biết thích nghi, và do đó, những hiện tượng dị thường mà họ chứng kiến chỉ khơi dậy trong họ cảm giác ngưỡng mộ đối với người khéo tạo ra chúng mà thôi.


[1] Thuật ngữ Loung- gom thường được dịch là “khinh công”, tôi dịch là “phiêu nhiên công” vì đây là công phu tập luyện kết hợp tâm thân một cách hài hòa, giúp thân thể nhẹ nhàng phơi phới khi di chuyển, với vẻ mặt thản nhiên không quan tâm đến ngoại cảnh.

[2] Tức vào thời bà David Néel viết sách này. Đó là Ban-thiền Lạt-ma Erdeni Choekyi Nyima (1883- 1937), người chủ trì công trình đúc pho tượng Phật Di Lặc khổng lồ tại tự viện Koum-Boum, mà tác giả đã đề cập trong chương trước. Người Trung Quốc phiên âm là Khúc Cát Ni Mã (曲吉尼馬).

[3] Bản tiếng Anh gọi tên đàn tràng này là dubthab.

[4] Độc giả nên biết ở Tây Tạng có những địa phương không hề có rừng, nên chất đốt quen thuộc ở nơi đó là phân gia súc phơi khô. Ở những nơi đoàn gia súc thường đi qua thì khách đi đường gom các phân khô đó để dành làm chất đốt khi hạ trại. (T.g)

[5] Viết là gtumo (T.g).

[6] Fluide génératif: là những chất dịch có khả năng sinh sản, tạo ra sự sống, như tinh dịch.

[7] Viết là rtsa, chỉ hệ thống tĩnh mạch, động mạch và dây thần kinh (T.g).

[8] Đây là những tu sĩ nổi tiếng về môn viêm công. Người Trung Quốc dịch là “Bạch y

[9] Bản tiếng Anh có thêm một đoạn: “Có hai tư thế ngồi được chấp nhận. Hoặc là tư thế ngồi thiền kiết già hoặc tư thế ngồi kiểu phương Tây, hai bàn tay đặt trên đầu gối; ba ngón cái, ngón trỏ và ngón út xòe ra, còn ngón áp út và ngón giữa uốn cong dưới lòng bàn tay”.

[10] Là 5 vị Thiền Phật phát xuất từ vị Phật Bản Nguyên mà Phạn Ngữ gọi là Vajradhara (Kim Cang Bí Mật Chủ) hay còn gọi là Adibuddha. Đó là: Đại Nhật Như Lai, Bất Động Như Lai, Bảo Sanh Như Lai, A Di Đà Như Lai, Bất Không Thành Tựu Như Lai.

[11] Tiếng Phạn là Vajrayoginī, người Trung Quốc dịch là Du Già Không Hạnh Hành Mẫu 瑜伽空行母,được xem là thể tính của tất cả chư Phật.

[12] Ha là một mẫu tự trong tiếng Tây Tạng (T.g).

[13] Người Tây Tạng thường so sánh như vầy: “Tròn tròn nhỏ nhỏ như cứt dê (rima)” (T.g).

[14] Tsa- Ouma “phong luân xa”, tượng trưng cho gió; Tsa- Roma, “hỏa luân xa” tượng trưng cho lửa; và Tsa- Kyangma, “Thủy luân xa: tượng trưng cho nước. Ba luân xa này tương tự nhau, nhưng chỉ khác nhau về phương diện năng lượng. Tương tự như khái niệm tứ đại, “Phong, Hỏa, Thủy” là ba yếu tố năng lượng cực kỳ quan trọng để duy trì sự sống.

[15] Trích từ tác phẩm tcvhos drug bsdus pahi zin bris (Lục mật pháp luận) được cho là của Narota (T.g).

[16] Bản tiếng Anh có thêm một đoạn:

 “Ở đây, cũng như trong một số trường hợp khác, không thể không có yếu tố vay mượn từ các pháp sư thần bí của đạo Bönpo. Một pháp sư trong đạo này bảo vi tôi rằng chính sự quán tưởng về lửa, chứ không phải việc kiểm soát hơi thở, mới tạo ra sức nóng trong suốt giai đoạn xuất thần. Khi thấy tôi tỏ vẻ không tán đồng thì ông ta nói thêm: ‘Một người có thể bị giết bởi sự ám thị, anh ta có thể tự tử bởi sự tự kỷ ám thị. Nếu như cái chết có thể được tạo ra theo cách này, thì nhiệt lại càng dễ được tạo ra hơn nữa”. Và có thể một chú thích: “Tôi [David Neel] xin nói rằng hai từ ám thị (suggestion) và tự kỷ ám thị (auto- suggestion) không phải của tôi. Người Tây Tạng dùng các từ như sau: ‘bị giết bởi sức mạnh của tâm thức’, và ‘tự tử bởi trí tưởng tượng’.”

[17] Đây là tiếng Tây Tạng dùng gọi đỉnh núi Kailas hoặc miền tây Tây Tạng (T.g).

[18] Gâya là thành phố ở Ấn Độ, gần nơi đức Phật chứng ngộ. Đây là nơi được Phật tử khắp đất nước Ấn Độ hành hương chiêm bái (T.g).

[19] Một hồ nước mặn gần đỉnh núi Kailas (T.g).

[20] Nguyên là chữ rlung, (đọc là lung) vừa có nghĩa là “không khí” vừa có nghĩa là “gió”, đôi khi còn có nghĩa là “hơi thở” nữa. Ta có thể hiểu “rlung gi teng la” theo nghĩa “nương theo cánh gió” hoặc “truyền qua không khí”… (T.g).

[21] Bản tiếng Anh có thêm một đoạn: “Có nhiều trường hợp đặc biệt, người trong cuộc truyền đi một luồng sóng thần bí, và luồng sóng này đến được với người nhận dù ở khoảng cách khá xa, nhưng anh ta lại không cảm nhận gì về điều này.

[22] Bản tiếng Anh có thêm một đoạn: “Điều này giải thích được năng lực mà các gomchen cùng các pháp sư thần thông (dubchen) dùng để truyền thông với môn đồ dù họ ở cách xa đến mấy

[23] Philing là từ chỉ chung người nước ngoài, nhưng người Tây Tạng chủ yếu dùng để chỉ người Anh, giống người da trằng duy nhất mà họ biết, để phân biệt với người Nga mà họ gọi là ourosso (T.g).

[24] Người Tây Tạng cưỡi ngựa trên yên gỗ có lót thảm Bản tiếng Anh có thêm một đoạn: “

[25] Bản tiếng Anh có thêm một đoạn: “Bữa ăn đạm bạc chỉ có bánh tsampa không rau càng khiến bao tử thêm cồn cào, nên tôi làm đủ cách để tìm cho được thức ăn có sữa”.

[26] Một loại khăn vải mà người Tây Tạng dùng tặng nhau để bày tỏ thiện chí và lòng tôn trọng (T.g).

Thảo luận