Bất ngờ được một đạo sư nhận làm môn đồ, những năm tháng nhập môn tập luyện khổ cực, những thử thách mà một môn đồ phải trải qua cùng những tình huống đốn ngộ, ngần ấy thứ đủ để viết nên một cuốn tiểu thuyết đầy thú vị.
Hàng trăm cuộc phiêu lưu kỳ diệu, từ thuở xưa hoặc gần đây, được ghi chép trong tiểu sử của các Lạt-ma danh tiếng, hoặc được các nhân chứng kể lại, lâu nay vẫn lưu truyền khắp xứ Tây Tạng. Khi được dịch sang một ngôn ngữ xa lạ, được đọc ở một xứ sở mà phong tục, tư tưởng và bầu không khí khác hẳn với Tây Tạng, thì cái ma lực huyền bí của những “truyền thuyết vàng son” đó của Lạt-ma giáo đều tan biến cả. Nhưng nếu được một người nào đó kể lại bằng giọng sùng kính chân thành, trong một căn phòng tranh tối tranh sáng của một tự viện, hoặc dưới mái vòm đá trong thạch động của một vị ẩn tu, thì tâm hồn người Tây Tạng lại đắm chìm trong những tình tiết độc đáo dù cũ mèm nhưng mãnh liệt của nó, với khát vọng hướng về thế giới bên kia.
Trước hết, tôi xin kể lại câu chuyện huyền thoại của đạo sư Tilopa từ khi ông được điểm đạo cho đến lúc giáo lý ông được du nhập vào Tây Tạng và chuyển thành giáo phái Khagyudpa (Mũ Đỏ) mà ông được xem là sơ tổ.
Tôi muốn ghi chú thêm một chút là lạt-ma Yongden, người cộng sự và là đứa con nuôi của tôi, đã từng tu học tại tự viện của giáo phái này từ khi tám tuổi.
Tilopa đang ngồi đọc một bộ luận thì có một bà lão ăn mày xuất hiện sau lưng, làm ra vẻ như chồm qua vai ông dòm đọc mấy dòng, rồi đột nhiên buông thõng một câu:
– Đọc thì đọc vậy, nhưng không biết nhà ngươi có hiểu gì không?
Tilopa phừng phừng nổi đóa. Làm sao một mụ ăn mày lại dám buông lời hỗn xược như vậy? Nhưng bà già kia không để cho ông kịp biểu lộ cơn giận dữ, mà còn đưa tay xé toạc mất mấy trang sách.
Nhà học giả nhảy chồm lên. Con quỷ cái kia nghĩ sao mà dám xé rách cuốn thánh thư?
Như để trả lời sự kinh hãi lẫn phẫn nộ của ông, bà lão kia lại xé toạc thêm mấy tờ nữa, đoạn lẩm bẩm một chữ gì đó mà Tilopa nghe không rõ, rồi biến mất.
Lạ lùng thay, cái chữ mà Tilopa không nghe rõ đó đột nhiên làm ông dịu hẳn cơn phẫn nộ. Một cảm giác buồn chán tràn ngập trong hồn, nghi ngờ về kiến thức từ chương của mình bỗng dâng trào trong tâm tưởng… Và sau hết là hoang mang, liệu ông có thấu hiểu được giáo lý được trình bày trong bộ luận kia không? Không những chỉ bộ luận đó thôi, mà còn nhiêu kinh sách khác, liệu ông có hiểu được gì không, hay cũng chỉ là một kẻ ngu si dốt nát?
Bà lão xa lạ kia đã nói gì với ông? Những lời nói, mà ông không hiểu đó, mang ý nghĩa gì? Ông muốn hiểu, khát khao muốn hiểu.
Tilopa liền lên đường đi tìm bà lão xa lạ kia. Sau không biết bao nhiêu năm tháng dài đằng đẳng, đầy mệt mỏi với những chuyến đi bươn bả ngược xuôi, cuối cùng vào một đêm khuya, ông tìm thấy bà lão đó trong một khu rừng vắng (có sách nói là gặp trong nghĩa trang). Đôi mắt của bà đỏ rực như hai cục than hồng trong đêm tối.
Tilopa hiểu ngay đó là một thiên nữ Dâkini. Những thiên nữ này đóng một vai trò rất lớn trong Mật tông Tây Tạng, như truyền dạy các mật pháp bí truyền cho những ai thờ cúng họ, hoặc cho những người cao tay ấn biết dùng pháp thuật huyền môn để buộc họ phải khai thị những mật pháp đó. Người ta thường gọi đó là những “thánh mẫu”. Họ thường xuất hiện dưới dạng các bà lão già nua, và dấu hiệu để phân biệt họ là đôi mắt xanh lè hoặc đỏ rực.
Ngay trong buổi đàm đạo đầu tiên, thiên nữ đó đã khuyên Tilopa đi đến cảnh trời của các Dâkini để gặp vị nữ chúa tể. Bà báo cho biết trên đường đi đến đó sẽ có vô vàn chông gai nguy hiểm đang chờ đợi ông: hang thẳm hố sâu, thác ghềnh chảy xiết, ác thú hung dữ, ảo ảnh đánh lừa, yêu ma quỷ đói tràn đầy. Nếu ông khống chế được kinh hãi, nếu ông vượt qua được con đường bé tí như sợi chỉ chạy ngoằn ngoèo qua xứ sở khủng khiếp đó, có thể ông còn bị quái vật ăn thịt nữa. Trong cơn đói khát giày vò, nếu ông chỉ uống một ngụm nước mát hoặc ăn một trái cây đang lủng lẳng trước mặt, ngay trong tầm tay vói, từ những hàng cây sum sê trĩu quả hai bên đường, hoặc nếu ông gặp một cô gái trẻ đẹp mà đứng lại để trò chuyện vui đùa thì lập tức ông biến thành kẻ đần độn quên mất đường về.
Bà lão dạy cho ông một câu mật chú hộ mạng để làm hành trang lên đường. Ông phải tập trung tư tưởng để niệm câu mật chú đó liên tục không gián đoạn, cho dù gặp phải bất kỳ cảnh ngộ nào trên đường đi.
Một số người tin rằng Tilopa đã thực sự thành công trong chuyến viễn trình kỳ ảo đó. Một số khác đã quen thuộc với những hiện tượng xuất hiện trong trạng thái xuất thần thì cho rằng đó chỉ là sự biểu hiện của tâm thức. Một số khác nữa cho rằng tất cả những điều được diễn tả chỉ thuần túy mang tính biểu trưng.
Dù là gì đi nữa thì theo tiểu sử của ông, Tilopa đã chiêm bái vố số ảnh tượng kinh hoàng hoặc mê ly kỳ ảo đã được cảnh báo trước. Ông đã chiến đấu trên những sườn đồi hiểm trở và trong những thác ghềnh cuồn cuộn. Ông đã phải chịu tê cóng vì tuyết lạnh, chịu cháy nóng giữa sa mạc khô cằn đầy cát mà không bao giờ xao lãng niệm mật chú hộ thân.
Cuối cùng, ông đến được tòa lâu đài với những dãy tường đồng sáng lóa. Những con quái thú khổng lồ trông rất khủng khiếp nhe nanh há miệng muốn nuốt sống ông, cây cối vung cành lá để ngăn cản bước chân ông. Tuy nhiên, Tilopa vẫn vào được tòa lâu đài kỳ ảo đó: vô số phòng ốc bố trí chằng chịt tạo thành một mê cung. Tilopa tìm ra được đường đi và đến tòa cung thất của vị nữ chúa.
Vị nữ chúa ngồi ở đó trên ngai vàng, với vẻ đẹp siêu phàm tuyệt tục, trang phục cực kỳ lộng lẫy, mỉm cười chào đón vị anh hùng phiêu lãng khi ông ta vừa bước qua ngưỡng cửa.
Thế nhưng Tilopa không bị vẻ đẹp của vị nữ chúa và ngoại cảnh làm cho dao động, ông cứ bước thẳng lên ngai vàng, miệng vẫn lâm râm đọc mật chú, vất vương miện của nữ chúa xuống đất, lấy chân đạp lên, xé toạc chiếc hoàng bào mạ vàng lấp lánh; khi vị nữ chúa đã hoàn toàn trần truồng, ông liền cưỡng hiếp nàng ngay trên ngai vàng.
Chinh phục một Dâkini bằng cách cưỡng hiếp hoặc bằng huyễn thuật là chủ đề phổ biến trong nền văn học Mật tông Tây Tạng. Đó là một ẩn dụ nói về sự chinh phục chân lý, và là một tiến trình phát triển tâm linh.
Tilopa truyền pháp cho Narota,[1] và Marpa – môn đồ của Narota- là người truyền bá giáo lý của Tilopa vào Tây Tạng. Đệ tử trác việt của Marpa, là nhà thơ khổ hạnh Milarespa,[2] đã kế thừa pháp thống và truyền cho Tagpo Lhadji, rồi cứ tiếp tục truyền thừa cho đến ngày nay.
Tiểu sử của đạo sư Narota, pháp tự của Tilopa, đã phác họa nên một bức tranh lý thú nhưng không kém phần phóng túng về quá trình “thuần hóa” môn đồ của một đạo sư pháp môn “Đốn ngộ” (Sentier direct) hay “Con đường tắt”.
Câu chuyện về mười hai thử thách lớn và mười hai thử thách nhỏ của nhà học giả Narota đã trở thành kinh điển trong giới Mật tông Tây Tạng, và luôn được kể lại cho các naldjorpa trẻ tuổi để họ noi gương học tập.
Narota sinh vào thế kỷ thứ mười tại Cachemire.[3] Ông là con trai trong một gia đình Bà-la-môn, kiến thức rất uyên bác và là một cao thủ về huyễn thuật. Ông làm pháp sư chánh tế cho một vị tiểu vương (rajah). Một hôm vị tiểu vương xúc phạm đến ông, và Narota quyết tâm báo thù.
Ông khép mình trong một tòa lâu đài biệt lập, và lập một đàn tràng huyễn thuật hình tròn gọi là kyilkhor để giết chết vị tiểu vương. Khi ông chuẩn bị triển khai huyễn thuật thì một thiên nữ Dâkini bất ngờ xuất hiện, hỏi ông có biết cách tiếp dẫn một “linh hồn” đi về cảnh giới cực lạc, sau đó đưa hồn về nhập xác để hồi sinh hay không. Vị cao thủ huyễn thuật này buộc lòng phải thú nhận rằng trình độ của ông còn xa lắm mới đạt đến mức đó. Thiên nữ Dâkini bèn mắng nhiếc ông thậm tệ. Bà chỉ cho ông thấy rằng ta không được quyền hủy hoại những gì ta không có khả năng khôi phục, và tuyên bố hành động hận thù thiếu cân nhắc của ông sẽ khiến ông tái sinh trong hỏa ngục. Narota hoảng sợ nên cầu xin một pháp môn giúp ông thoát khỏi số phận kinh khủng đó. Thiên nữ liền khuyên ông nên đi tìm đạo sư Tilopa để cầu xin truyền thụ pháp môn “Đốn ngộ”, là pháp môn thù thắng vi diệu giúp ta tiêu trừ mọi nghiệp báo và đạt quả vị Niết-bàn ngay trong đời này. Nếu Narota thấu triệt được pháp môn này và tu thành chánh quả thì ông sẽ thoát khỏi sinh tử luân hồi, có nghĩa là thoát khỏi cảnh đọa đày trong địa ngục.
Narota liền dẹp bỏ đàn tràng kyilkhor, rồi vội vã lên đường đi đến Bengale là nơi Tilopa đang sống.
Lúc đó Tilopa là một đạo sư tiếng tăm vang dội. Sau khi đắc pháp, ông trở thành một nhà tu khổ hạnh avadhoutâ. Đó là loại khổ tu được mô tả là: “Tâm không còn yêu ghét, không quan tâm đến vinh nhục, xả ly tất cả, đoạn tuyệt hoàn toàn với gia đình, xã hội và tôn giáo.” Trái lại, Narota thuộc dòng dõi Ấn Độ giáo chính thống, bẩm sinh đã là giai cấp Bà-la-môn quý tộc thượng lưu. Sự kết hợp hai nhân cách hoàn toàn trái ngược nhau đã làm phát sinh một vở tuồng hài hước, nhưng là một tấn kịch cay đắng cho Narota.
Buổi hội kiến đầu tiên giữa Narota với vị đạo sư tương lai diễn ra trong một tự viện Phật giáo. Lúc đó, Tilopa gần như trần truồng, ngồi xổm dưới đất ăn cá, vứt một đống xương bên cạnh. Vì không muốn kẻ ăn xin bẩn thỉu kia làm ô uế đến sự thanh khiết của giai cấp mình, Narota liền đi vòng để tránh xa. Lúc đó, một vị tăng từ trong nhà bếp bước ra quở trách Tilopa đã phạm tội sát sinh trong khuôn viên nhà chùa. Vừa nói, vị tăng vừa ra hiệu cho Tilopa cút đi. Tilopa không thèm trả lời, mà huơ tay một cái rồi đọc câu mật chú, đống xương cá kia lập tức hồi phục lại phần thịt đã mất để trở lại thành một đàn cá, rồi nhảy tung lên không biến mất. Bữa ăn sát sinh tàn bạo kia không lưu lại một dấu vết gì, còn Tilopa thì đi xa mất.
Narota sững sờ kinh ngạc, một ý tưởng vụt lóe lên trong đầu ông. Kẻ hiển lộ thần thông kia hẳn phải là Tilopa mà ông đang tìm kiếm. Narota vội vàng hỏi thăm và biết ngay trực giác mình đã đúng. Ông gấp rút đuổi theo vị hành giả du già (yogi) kia, nhưng ông ta đã bặt tăm.
Từ đó, Narota bắt đầu một loạt các chuyến viễn du, mà những người viết tiểu sử ông luôn thêm thắt điểm tô thêm, nhưng cơ bản là có thực. Người môn đồ tự nguyện cứ theo đuổi Tilopa từ nơi này sang nơi khác. Mỗi khi nghe tin Tilopa ở nơi nào là ông lập tức tìm đến, nhưng lần nào cũng vậy, hễ ông đến nơi thì Tilopa vừa mới bỏ đi. Nhiều khi Narota gặp được Tilopa một cách tình cờ, song thực ra đó là những ảo ảnh do Tilopa dùng thần thông biến hiện để thử thách vị môn đồ.
Một hôm, Narota đến gõ cửa một ngôi nhà bên đường để khất thực. Chủ nhà bố thí cho ông một vò rượu, nhưng ông từ chối vì một tu sĩ Bà-la-môn không được quyền uống rượu. Ảo ảnh lập tức tan đi, ngôi nhà biến mất, chỉ một mình ông đứng cô đơn giữa đường, trên không nghe vọng lại tiếng cười chế nhạo của Tilopa: “Chính là ta đó!”
Một lần khác, khi một người dân làng nhờ ông giúp lột da một con vật chết. Ở Ấn Độ, đây là công việc của giai cấp paria hạ tiện. Đối với một tu sĩ Bà-la-môn, chỉ cần đến gần những người thuộc giai cấp đó cũng đủ để bị ô uế rồi. Narota vội bỏ chạy, trong lòng cảm thấy ghê tởm và phẫn nộ. Ông lại nghe đạo sư Tilopa cười nhạo từ cõi vô hình: “Chính là ta đó!”
Một ngày khác, Narota thấy một người đàn ông đang nắm tóc bà vợ đánh đấm túi bụi, bà này gào khóc kêu cứu. Thấy ông đi tới, gã kia kêu lên: “Đây là vợ tôi, tôi muốn giết mụ ta, tới giúp tôi một tay, không thì đi tránh giùm cho.” Narota nổi giận xông tới giằng gã đàn ông ra, đánh cho y một trận thừa chết thiếu sống để cứu người phụ nữ. Lần này, ông lại nghe tiếng đạo sư Tilopa cười khinh bỉ: “Chính là ta đó!”
Các cuộc phiêu lưu khác tiếp theo của Narota cũng tương tự như vậy.
Dù là một cao thủ huyễn thuật, nhưng Narota vẫn không sao lường được cảnh tượng biến ảo khôn lường do Tilopa bày ra. Ông muốn điên cả đầu, thế nhưng khát vọng tìm cho được Tilopa để làm lễ bái sư càng thôi thúc ông mãnh liệt. Narota lang thang khắp xứ sở, lớn tiếng kêu gọi tên vị đạo sư thần bí; vì biết rằng vị đạo sư kia có thể hóa thân thành mọi hình tướng, nên ông sẵn sàng quỳ phủ phục dưới chân của mọi khách qua đường để lễ bái.
Một buổi chiều nọ, Narota đến một nghĩa trang. Một bó củi nằm lăn lóc ở một góc, thỉnh thoảng có ngọn lửa lóe ra, giữa các thanh củi cháy dở là một xác người co quắp cháy đen. Nhờ ánh lửa, Narota thấy loáng thoáng có một người nào đó nằm dài dưới đất. Ông xem kỹ lại thì thấy người kia đang nhìn ông mỉm cười tinh quái. Narota vụt hiểu ngay, ông liền quỳ mọp xuống và đặt bàn chân của sư phụ lên đầu. Lần này thì Tilopa không biến mất nữa.
Suốt bao nhiêu năm, Narota đi theo hầu hạ mà vị sư phụ lại không hề dạy cho đệ tử một chữ nào. Trái lại, Narota lại tỏ ra hết lòng tuân mệnh và tin tưởng thầy tuyệt đối, dù phải chịu đựng vô vàn điều thử thách. Tôi xin kể lai một vài điều.
Theo tập quán của những những khổ tu Ấn Độ, thì hằng ngày Narota phải đi khất thực và trở về với bình bát chứa cơm, canh. Ông dâng bình bát lên cho sư phụ, và theo giới luật, ông chỉ được ăn sau khi đạo sư (gourou) của mình đã ăn no. Tilopa ăn hết sạch và bảo rằng thức ăn ngon quá nên muốn ăn thêm. Không đợi thầy nói thêm, Narota đã vội vã ôm bình bát đến nhà vị thí chủ tốt bụng để xin thêm. Khi đến nơi thì ông thấy cửa đã đóng, nhưng vị môn đồ kia không nản chí. Ông phá cửa, đi vào nhà bếp thì thấy vẫn còn cơm canh trên lò lửa, liền múc thêm cơm canh cho đúng với sở thích của sư phụ. Đúng lúc vị chủ nhà trở về, bèn cho ông một trận đòn ra trò khiến mặt mày thâm tím.
Narota cố lê thân về gặp Tilopa, nhưng vị sư phụ chẳng thèm ngó ngàng gì đến gã đệ tử đáng thương, mà chỉ buông một câu khinh khỉnh:
– Vì ta mà ngươi phải chịu đựng bao điều khổ cực. Chắc ngươi rất hối hận vì đã làm đệ tử ta phải không?
Dù thân thể đau đớn như dần, Narota đáng thương vẫn cố lấy hết sức để thề rằng ông hoàn toàn không hề hối hận khi nhận Tilopa làm sư phụ. Ông cho rằng được làm môn đồ của đạo sư như Tilopa phải trả một giá rất đắt, có khi bằng cả sinh mạng.
Một lần khác khi đi cạnh một ống cống lộ thiên, Tilopa quay sang hỏi các đệ tử cùng đi với mình:
– Nếu ta yêu cầu thì ai trong số các ngươi dám uống nước cống này?
Vấn đề không chỉ là vượt qua được cảm giác tởm lợm, mà còn phải chịu đựng sự uế tạp, một điều rất nghiêm trọng đối với tu sĩ thuộc giai cấp Bà-la-môn. Trong khi các đệ tử khác còn đang do dự thì Narota đã bước tới để uống thứ nước cống kinh tởm kia.
Thử thách sau đây càng dã man hơn nữa.
Hai thầy trò sống trong một thảo am ở bìa rừng. Một hôm, khi đi khất thực ở làng về, Narota thấy trong lúc ông vắng mặt, Tilopa đã vót một số xiên tre và đang trui chúng trên lửa. Narota ngạc nhiên, liền hỏi sư phụ mình dùng thứ đó để làm gì.
Tilopa mỉm cười đầy ý nghĩa, rồi hỏi:
Narota liền trả lời rằng ông đã tận hiến cho sư phụ nên sư phụ muốn làm gì tùy thích.
– Vậy thì hay lắm – Tilopa ra lệnh – ngươi hãy chìa tay ra đây.
Narota ngoan ngoãn vâng lời. Tilopa liền dùng các xiên tre đang nóng đâm vào từng móng tay, móng chân của Narota. Rồi bỏ mặc tên đệ tử đang quằn quại đau đớn trong thảo am, Tilopa thản nhiên bỏ đi ra ngoài và dặn Narota cứ nằm đó chờ ông về.
Mấy ngày hôm sau, vị đạo sư tàn nhẫn kia mới quay về. Ông thấy gã đệ tử đang ngồi xổm trong lều, các xiên tre vẫn còn đâm sâu vào da thịt.
Tilopa cất tiếng hỏi:
– Mấy ngày qua sống một mình, ngươi suy nghĩ những gì? Giờ đây có phải ngươi đang nghĩ rằng ta là một gã sư phụ mất hết nhân tính và tốt nhất là nên bỏ đi, có đúng vậy không?
Narota liền đáp:
– Con đang nghĩ đến cuộc sống khủng khiếp đang chờ con ở địa ngục, nếu như con không có cơ duyên được gặp sư phụ để học pháp môn “Đốn ngộ”, giúp con chứng ngộ và giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Tôi xin kể thêm một thử thách hài hước khác nữa.
Tilopa đang cùng môn đồ đi dạo thì gặp một đám rước cô dâu. Vị đạo sư liền ngoảng mặt hỏi các môn đồ:
– Trong các ngươi đây, ai có thể cướp được cô dâu đem đến cho ta? Ta thích cô ta.
Một lần nữa, trước khi Tilopa dứt lời, Narota đã xông tới đám rước. Đoàn người trong đám rước nhận ra đó là một vị tu sĩ Bà-la-môn nên ngỡ rằng ông ta đến để ban phước cho cô dâu. Nhưng khi thấy Narota nắm lấy cô dâu toan dắt đi thì nào gậy gộc, nào guốc dép, nào hộp đựng lễ vật thi nhau đập tới tấp lên người Narota. Và vị môn đồ nhiệt tình kia một lần nữa lại nằm im bất động tại chỗ sau trận đòn trí mạng.
Ngay sau khi hồi tỉnh, ông đã vội lê bước một cách khó nhọc theo Tilopa. Vị đạo sư quái dị vẫn chào đón ông bằng câu nói quen thuộc sau mỗi lần thử thách: “Ngươi có hối hận không?” Và cũng như mọi lần, Narota khẳng định dù có phải chết muôn vạn lần ông vẫn cầu mong được làm đệ tử Tilopa.
Tiếp theo đó, ông bị bắt phải nhảy xuống từ mái nhà cao, băng qua lò lửa, và hoàn thành nhiều điều thử thách lạ thường mấy lần khiến ông suýt mất mạng.
Sau một chuỗi dài những khổ đau, cuối cùng Narota đã được bù đắp công lao, nhưng không phải bằng hình thức điểm đạo hay truyền pháp thông thường.
Nếu chúng ta tin vào truyền thống thì Tilopa đã sử dụng một phương pháp khai ngộ dị thường, giống thủ pháp của các thiền sư Trung Quốc.
Một điều chắc chắn là mặc dù không được Tilopa trực tiếp chỉ giáo trong giai đoạn nhập môn, nhưng Narota vẫn tiếp nhận được một số giáo lý thù thắng của sư phụ. Sự kiện ông chứng ngộ được mô tả như sau:
Narota đang ngồi bên đống lửa ở giữa trời với sư phụ, thì Tilopa không nói không rằng, bất ngờ cổi giày quất vào mặt ông một cái như trời giáng khiến vị đệ tử tá hỏa tam tinh, đúng lúc đó ông hoát nhiên đại ngộ diệu pháp “Đốn ngộ” thượng thừa.
Narota có rất nhiều đệ tử, nhưng đúng theo truyền thống, ông không thử thách hay gây khổ đau cho đệ tử như ông đã từng trải qua.
Sau khi trở thành một đạo sư lỗi lạc, Narota dành nhiều năm (có tài liệu nói là mười hai năm liên tục) để tham thiền và đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (Mtchog gi ngos grub), như đức Phật.
Khi về già, ông lui về Hy Mã Lạp sơn sống ẩn tu.
Narota nổi tiếng ở Tây Tạng với tư cách là gourou của Marpa, và Marpa là sư phụ của nhà thơ thánh tăng khổ hạnh Milarespa, mà cuộc đời cùng những bài thơ còn được truyền tụng mãi mãi trong lòng người Tây Tạng.
Nếu Narota dịu dàng với đệ tử thì Marpa lại khác hẳn. Ông đày đọa Milarespa suốt mấy năm trời, không biết bao nhiêu lần ông bắt Milarespa xây nhà xong, ông đập phá và bắt phải xây lại.
Milarespa phải một mình đào đá và khuân trên vai để đi đến chỗ xây nhà. Đá nặng làm bong da, gây nhiễm trùng lở loét cả đôi vai, nhưng người cha tinh thần của kẻ lao động nhọc nhằn kia lại không hề nhận thấy sự tàn bạo của mình. Bà vợ thương Milarespa như đứa con mình, nên bà ta với nước mắt đoanh tròng, trách cứ đức ông chồng sao quá nhẫn tâm. Ông này bèn cho phép gã đệ tử khốn khổ kia lót thêm một miếng vải dạ trên vai để giảm bớt đau cho vết thương khi khuân đá. Ở Tây Tạng thì người ta chỉ làm điều này với những con vật thồ.
Ngôi nhà do Milarespa xây ngày nay vẫn còn ở Lhobrag, thuộc miền nam Tây Tạng.
Người Tây Tạng luôn cho rằng những câu chuyện này đều trung thực tuyệt đối mà không mảy may nghi ngờ gì cả. Nếu không thể sánh được đức tin với họ thì tốt nhất là chúng ta nên xem tất cả những cuộc phiêu lưu lạ thường của những đệ tử nhập môn cùng những sự cố khó tin đó chỉ thuần là hư cấu.
Tâm hồn người Tây Tạng vẫn không có gì biến đổi kể từ thời Marpa ở thế kỷ thứ mười. Tôi đã gặp rất nhiều lạt-ma mà cuộc đời chỉ là bản sao của đời sống nội tâm và phong tục tập quán ở xứ sở họ, giống hệt như sách vở mô tả, chính xác đến tận từng chi tiết nhỏ nhất.
Những đệ tử nhập môn muốn tầm sư học đạo, nếu không có được nhiệt tình và lòng tin tuyệt đối như Marpa hay Milarespa – vì đó là trường hợp đặc biệt ngoại lệ, thì ít ra cũng phải sẵn sàng hy sinh và đón nhận những chuyện dị thường, và thế là cuốn tiểu thuyết lạ lùng kia lại được lặp lại từng ngày, ở khắp bốn phương trong cái “Xứ Tuyết”này.
Bị tác động bởi sự sợ hãi, bởi sự hoang mang xao xuyến bủa vây trong tâm hồn trong thời gian bị thử thách quyết tâm, hoặc bởi những chuyến viễn du dài dằng dặc qua những vùng hoang liêu cô tịch, nên những người đệ tử nhập môn tìm đến thế giới ẩn tu của vị sư phụ mà họ chọn lựa, trong một trạng thái tinh thần khác thường. Vẻ ảm đạm hoang liêu của nơi ẩn tu cũng như danh tiếng về huyễn thuật của những vị thầy đó đã gây ấn tượng sâu đậm lên tâm hồn người đệ tử, và không còn nghi ngờ gì nữa, cái tâm hồn đó đang khát khao đón nhận những phép lạ diễn ra trong từng bước chân đi.
Kể từ ngày đó, và trong suốt quãng thời gian tu tập tâm linh về sau, người đệ tử sẽ liên tục sống trong cảnh giới dị thường huyền ảo. Chung quanh anh ta, đất trời đang ôm nhau khiêu vũ, quỷ thần sẽ đem những ảo ảnh kinh khiếp để khủng bố anh ta, và một khi người đệ tử vượt qua được sợ hãi thì ảo ảnh kia trở nên khôi hài, lố bịch. Những biến cố hãi hùng đến khó tin đó sẽ nối tiếp nhau trong suốt nhiều năm tháng: mười năm, hai mươi năm hoặc nhiều hơn thế nữa. Chúng sẽ đày đọa người đệ tử cho chết đi sống lại, trừ phi đến một ngày nào đó, anh ta bừng tỉnh khỏi cơn ác mộng và hoát nhiên đại ngộ. Đến lúc đó, người đệ tử sẽ đến phủ phục quỳ dưới chân vị thầy khắt khe kia để nói lời từ biệt mà không xin học thêm gì khác nữa.
Trong số những câu chuyện tôi được nghe kể, tôi xin thuật lại một câu chuyện mang tính chất Tây Tạng điển hình nhất, vì tôi biết địa điểm diễn ra câu chuyện này và biết một trong những đệ tử nhập môn đó.
Yéchés Gyatzo đã sống nhiều năm trong mật thất (tsham) để cố tìm ra đáp án cho vấn đề đã làm ông phải băn khoăn trăn trở. Tinh thần là gì? Ông ta luôn tự hỏi. Ông đã nỗ lực nắm bắt nó để mổ xẻ phân tích, nhưng tinh thần vẫn luôn bất khả đắc, vẫn luôn trượt khỏi sự hiểu biết của ông, “như nước chảy khỏi đôi bàn tay nắm chặt của đứa bé”. Vị bổn sư khuyên ông nên tìm đến một vị ẩn tu để tầm sư học đạo.
Chuyến đi không kéo dài lắm, vì ba tuần lễ là quãng thời gian không đáng kể ở Tây Tạng, nhưng đường đi đến chỗ ẩn cư phải băng qua nhiều vùng hoang mạc rộng lớn, và những ngọn đèo có độ cao hơn 5.000 mét. Yéchés Gyatzo khởi hành với vài cuốn sách, một cái túi xách tsampa, một miếng bơ và một ít trà. Bấy giờ là tháng thứ hai trong năm,[4] tuyết rơi phủ kín cả đỉnh núi, và suốt cả quãng đường, vị khách hành hương chỉ thấy bốn bề mênh mông tuyết trắng, như lạc vào một thế giới khác.
Vào buổi chiều nọ, khi mặt trời ngả bóng, ông ta đến được chốn ẩn cư của vị gomtchén: một hang động rộng rãi nằm sau một dãy tường đá dùng làm bình phong che chắn. Xa xa ở phía dưới là những thảo am của những môn đồ đã được vị lạt-ma cho phép sống tạm gần mình. Chốn ẩn cư này chiếm một dãy núi đá đen, soi bóng trong hồ nước trong xanh.
Tôi cũng đã từng đến đó vào lúc hoàng hôn, nên có thể hiểu được những cảm xúc mạnh mẽ mà Yéchés Gyatzo đã từng cảm nhận trước sự minh triết thần bí, khi dừng chân ở một nơi cô liêu hoang tịch.
Ông xin bái kiến nhưng bị từ chối. Đây cũng là điều bình thường nên Yéchés Gyatzo không ngạc nhiên chi hết, và xin tá túc với những môn sinh khác.
Một tuần sau, ông lại rụt rè xin bái kiến. Câu trả lời vẫn theo khuôn cũ: vị gomtchén khuyên ông nên lập tức rời bỏ nơi này và quay về tự viện.
Quỳ trên đá trước thạch động để cầu khẩn van xin cũng không làm cho vị ẩn tu kia động lòng, Yéchés Gyatzo bèn quay về.
Chiều hôm đó, ông đi qua vùng hoang nguyên thì gặp bão tuyết vần vũ tơi bời. Ông thấy ma quỷ khổng lồ hiện ra dọa nạt khiến ông lạc mất đường trong đêm tối, rồi cứ đi loanh quanh suốt đêm.
Tôi xin kể tóm tắt. Nhưng ngày hôm sau mới thật là thê thảm, ông đói lã vì không còn chút lương thực nào để ăn. Khi băng qua con suối, Yéchés Gyatzo suýt bị nước cuốn trôi. Khi về đến tự viện thì ông gần như đã thân tàn ma dại, tuyệt vọng, rã rời.
Thế nhưng, bằng trực giác, niềm tin của ông đối với pháp môn huyền diệu của vị ẩn tu đó vẫn hoàn toàn không lay chuyển. Ba tháng sau Yéchés Gyatzo lại lên đường, lại tiếp tục chịu đựng những cơn bão tuyết mà ông tin là do vị lạt-ma tạo ra để thử thách lòng thành cầu đạo của ông, hoặc do ma quỷ tạo ra để ngăn cản không cho ông tìm cầu diệu pháp.
Cũng như lần đầu tiên, lần này ông vẫn bị đuổi về. Năm sau, Yéchés Gyatzo thực hiện thêm hai chuyến đi nữa và đến lần thứ hai năm đó, ông được vị lạt-ma cho bái kiến.
– Con quả là điên rồ. – Vị lạt-ma bảo. Vì sao con lại tự làm khổ mình như thế? Ta không muốn thu nạp môn đồ mới. Hơn nữa, ta còn phải học lại ở con nữa kìa. Con đã nghiên cứu kinh điển, đã nhập thất lâu ngày. Con muốn gì ở một lão già như ta đây chứ? Nếu con muốn tìm hiểu diệu pháp thì hãy đi gặp các vị lạt-ma ở Lhassa. Đó là những lạt-ma uyên bác, tinh thông kinh điển cùng những tâm pháp huyền môn. Đó mới đúng là vị sư phụ mà người trẻ tuổi như con tìm kiếm.
Yéchés Gyatzo hiểu đó là cách nói thông thường dùng để thử thách lòng tin của người cầu đạo. Do đó, ông lại càng củng cố thêm niềm tin.
Một tu sĩ khác, mà tôi được biết, lại tầm sư học đạo vì một lý do khác hẳn Yéchés Gyatzo. Tôi kể câu chuyện đó ra đây để cho bạn đọc thấy thêm một khía cạnh khác trong tâm thức người Tây Tạng.
Karma Dordji xuất thân từ một gia đình nghèo hèn. Từ thuở nhỏ ông được cha mẹ gởi vào chùa, và ở đó ông luôn bị đám bạn bè cùng trang lứa thuộc tầng lớp giàu sang chế nhạo, khinh bỉ. Khi ông lớn lên thì đám bạn lại tìm cách xa lánh, không thèm trò chuyện vì xuất thân hạ tiện của ông. Karma Dordji là người kiêu hãnh và có ý chí kiên cường. Ông kể cho tôi nghe rằng ngay từ khi còn bé, ông đã quyết tâm tìm cách vượt lên trên những kẻ đã hạ nhục mình.
Thân phận tu sĩ chỉ dành cho ông một phương tiện duy nhất để đạt đến mục tiêu. Đó là ông phải trở thành một nhà khổ tu vĩ đại, một nhà huyễn thuật lỗi lạc có tài hàng ma phục quỷ, và có đi đâu cũng có kẻ hầu người hạ, hậu ủng tiền hô. Có thế ông mới có thể nhìn được cảnh những kẻ thù run sợ như cầy sấy trước mặt mình.
Quyết tâm như vậy, Karma Dordji đến xin vị tăng trụ trì tự viện cho phép ông được nghỉ hai năm, vì ông muốn lui vào rừng sâu để tham thiền. Một tâm nguyện như thế không bao giờ bị từ chối. Dordji bèn leo lên một ngọn núi cao, tìm ra được chỗ thích hợp bên dòng suối và dựng một thảo am. Tiếp theo đó, để học tập các nhà ẩn tu khổ luyện môn viêm công, ông vất bỏ tất cả quần áo và để tóc bù xù.
Viêm công hay nhiệt công là pháp môn tập luyện để khơi thông những nguồn chân hỏa trong cơ thể giúp ta chống chọi với giá lạnh mà không cần quần áo. Trong suốt một thời gian dài, rất hiếm khi có người đem lương thực đến, và họ thấy ông luôn trần truồng ngồi bất động, ngay cả trong mùa đông, tựa hồ như đắm chìm trong thiền định.
Người ta bắt đầu bàn tán về Dordji, nhưng ông vẫn chưa được nổi tiếng như mong đợi. Karma Dordji hiểu ra rằng cảnh khổ tu trần truồng của mình không thể giúp ông nổi tiếng. Ông bèn hạ sơn tìm về tự viện, và lần này xin được bỏ xứ ra đi để tìm cho được một gourou nơi khác. Ông lại được toại nguyện.
Cuộc viễn trình của Karma Dordji còn ly kỳ hơn cả Yéchés Gyatzo, bởi vì Yéchés Gyatzo biết rõ mình đi đâu, trong khi Dordji cứ lang thang vô định.
Đi mãi mà vẫn không tìm ra được vị sư phụ như ý, Dordji liền dồn hết đức tin vào chư thiên và ma quỷ. Ông thuộc lòng chuyện đạo sư Milarespa dùng huyễn thuật phá sập nhà kẻ thù, và nhớ lại những câu chuyện tương tự về chư thiên “Đại khủng khiếp” đã từng mang những cái đầu đẫm máu bỏ vào giữa đàn tràng ma thuật kyilkhor do các đạo sĩ huyễn thuật dựng lên.
Dordji biết chút ít về nghi thức lập đàn tràng kyilkhor. Ông bèn dựng một đàn tràng bằng đá giữa một ngọn đèo hẹp, rồi cầu nguyện các nữ ác thần hãy đưa ông đến vị sư phụ mà họ đang phụng sự. Đến đêm thứ chín thì có một tiếng sấm nổ vang, rồi một cơn lũ đột ngột dâng lên ngập cả ngọn đèo. Một vòi nước tung cao quét sạch hẽm núi, cuốn Dordji trôi đi cùng với đàn tràng kyilkhor và gói hành lý đi đường. Bị cuốn trôi giữa núi đá, Dordji may mắn đã không bị chết đuối, và cuối cùng ông trôi đến một thung lũng rộng mênh mông. Khi trời sáng, ông thấy trước mắt mình là một tịnh thất (riteu)[5] thấp thoáng sau bức tường đá, nằm cheo leo trên một mỏm núi.
Căn nhà nhỏ đó quét vôi trắng hồng và tỏa sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Kẻ thoát nạn tin rằng đã thấy một tia nắng thoát ra khỏi khối sáng đó để đến đậu trên mặt mình. Nơi kia hẳn phải chốn ẩn cư của vị sư phụ mà ông đã khổ công tìm kiếm. Chắc chắn trong việc này phải có sự can thiệp của chư thiên để giúp ông hoàn thành tâm nguyện. Trong khi ông muốn vượt lên ngọn đèo để băng qua dãy núi thì các nữ ác thần lại bắt ông trôi xuống dưới thung lũng một cách thô bạo để ông gặp được tịnh thấtnày.
Tin chắc như thế, Karma Dordji chẳng thèm quan tâm đến cảnh mình đang trần truồng như nhộng vì quần áo đã bị cơn lũ cuốn nát tả tơi; rồi giống như một vị thần Hérouka,[6] ông xăm xăm đi đến tịnh thất kia.
Khi Karma Dordji vừa đến cổng thì có một đệ tử của vị ẩn tu đi ra ngoài múc nước. Gã đệ tử kinh hãi suýt đánh rơi cả thùng nước, khi trông thấy một người lạ đang lù lù xuất hiện trước mặt mình. Khí hậu ở Tây Tạng khác xa khí hậu ở Ấn Độ, và nếu như ở Ấn Độ, những vị ẩn tu lõa thể hoặc bán lõa thể có rất đông và không làm ai kinh ngạc, thì điều đó lại khác hẳn ở những đỉnh núi cao ở “Xứ Tuyết” lạnh giá này. Rất ít vị naldjorpa ăn mặc kiểu này, họ đều sống xa những con đường có người qua lại, mà ẩn cư trong những núi sâu, cho nên ít ai thấy được họ.
– Vị nào ẩn cư trong tịnh thấtnày? – Karma Dordji lên tiếng hỏi.
– Sư phụ tôi, lạt-ma Tobsgyais. – Chú tiểu đáp.
Karma Dordji không hỏi gì thêm nữa. Ông đã thông báo những gì? Ông đã biết trước cả rồi, các nữ ác thần đã đưa ông đến với vị sư phụ mà ông mong đợi.
– Hãy vào báo với vị lạt-ma rằng Tcheu-Kyong (hộ pháp) đã đem đến cho ngài một tên đệ tử. – Gã đàn ông trần truồng kia nhấn mạnh từng chữ.
Chú tiểu sau một hồi ngơ ngác liền chạy vào trong để thông báo với thầy. Và vị lạt-ma cho đưa người khách vào.
Karma Dordji quỳ phục dưới chân vị lạt-ma theo nghi thức bái sư, rồi trình bày cho ông ta biết là mình đã được chư thiên đưa đến đây “dưới chân thầy”.
Lạt-ma Tobsgyais là một học giả uyên bác. Là con trai của một viên quan Trung Quốc, cưới người vợ Tây Tạng, nên ông có xu hướng thiên về thuyết bất khả tri đáng yêu, giống tổ tiên mình. Có lẽ ông lui về ẩn cư trong sa mạc là vì thích sự cô liêu quý phái và không muốn bị người khác quấy rầy việc học tập nghiên cứu, hơn là vì động cơ nào khác. Ít ra đó cũng là hình ảnh tôi cảm nhận về ông, thông qua những gì Karma Dordji mô tả. Bản thân Karma Dordji cũng được học hỏi từ các tu sĩ phụng sự lạt-ma Tobsgyais, bởi vì như ta sẽ thấy, mối quan hệ giữa Karma Dordji với vị lạt-ma rất là ngắn ngủi.
Chốn ẩn tu của lạt-ma Tobsgyais rất hợp với sự mô tả trong kinh điển: “Đừng quá gần làng mạc, đừng quá xa làng mạ.” Từ cửa sổ nhìn ra, nhà ẩn tu có thể thấy cả một thung lung hoang vắng mênh mông, và khi vượt qua ngọn núi nơi tịnh thất đang tọa lạc, ta sẽ gặp một ngôi làng trên một sườn núi đối diện, cách độ một nửa ngày đàng.
Bên trong tịnh thất bày biện rất đơn sơ, giống như nhiều chỗ ẩn cư khác, nhưng có một tủ sách khổng lồ. Những bức tranh lụa (thangka) xinh đẹp treo hai bên tường cho thấy chủ nhân không nghèo và có am hiểu về nghệ thuật.
Karma Dordji thì thân hình to như hộ pháp, mình trần trùi trụi, mái tóc bờm xờm kết thành bó, còn nối thêm một túm lông bờm bò yak thả dài tới gót, hình ảnh đó thật hoàn toàn tương phản với vị học giả tao nhã mà tôi vừa mô tả.
Karma Dordji liền kể câu chuyện đàn tràng kyilkhor và “phép lạ” của cơn lũ đã đưa mình tới “dưới chân thầy” tại một nơi xa lơ xa lắc như thế này. Lạt-ma Tobsgyais hỏi lý do vì sao kẻ cầu đạo kia lại trần truồng như vậy.
Khi nghe Karma Dordji, bằng giọng tự hào, nói về thần Hérouka và hai năm trần truồng khổ luyện môn viêm công trong rừng. Vị lạt-ma chỉ nhìn ông ta một lát, rồi thản nhiên bảo với chú tiểu đứng hầu bên cạnh:
– Hãy đưa kẻ đáng thương này vào nhà bếp, để gã sưởi ấm và cho uống trà thật nóng. Tìm một cái áo da cừu cũ nào đó đưa cho y mặc. Y đã chịu lạnh mấy năm rồi.
Nói xong, ông quay lưng bỏ đi.
Karma Dordji cảm thấy dễ chịu khi khoác tấm áo choàng bằng da dù đã cũ mèm, và tách trà nóng đầy bơ giúp ông sảng khoái sau một đêm trôi trong nước lũ lạnh căm. Nhưng lạc thú vật chất này lại làm hỏng đi công phu hành xác đầy kiêu hãnh của ông. Kẻ đệ tử được chư thiên đưa đến “một cách kỳ diệu” này đã không được vị lạt-ma đón tiếp đúng cách. Sau khi ăn uống phục hồi sức lực, Karma Dordji muốn trình bày để vị lạt-ma ẩn tu biết mình là ai và mình muốn gì ở ông ta. Song lạt-ma Tobsgyais chẳng hề cho ông gặp mặt, và tựa hồ như quên bẵng mất ông. Tuy vậy, vị tu sĩ trụ trì vẫn dặn dò chăm sóc ông, bằng chứng là hằng ngày các chú tiểu vẫn lo cơm nước cho ông chu đáo, và chỗ nghỉ ngơi của ông vẫn là bên bếp lửa.
Từng ngày cứ trôi qua, và Dordji mất hết kiên nhẫn. Gian nhà bếp mặc dù dễ chịu thoải mái, nhưng với ông thì nó chẳng khác chi một nhà tù. Ông muốn lao động, muốn được xách nước bửa củi, nhưng các chú tiểu không cho ông làm. Vị lạt-ma đã ra lệnh ông chỉ việc ăn no ngủ ấm, ngoài ra không được làm chi cả.
Dần dần Karma Dordji cảm thấy xấu hổ vì thấy mình bị đối đãi như con chó con mèo trong nhà, người ta nuôi mà không đòi hỏi làm chi cả. Trong những ngày đầu, ông nhiều lần xin các chú tiểu cho ông được bái kiến vị lạt-ma nhưng họ đều từ chối, lấy cớ rằng họ không dám làm kinh động đến sư phụ, và nếu như hòa thượng (Rimpotché) muốn gặp thì ngài sẽ cho người gọi đến. Bởi vậy, Karma Dordji không dám yêu cầu nữa. Niềm an ủi duy nhất của ông giờ đây là theo dõi khi vị lạt-ma ngồi một mình trước hàng lan can nhỏ ngoài hiên, hoặc chăm chú lắng nghe vị này giảng giải nghĩa kinh cho các môn đồ hay cho khách đến viếng chùa. Ngoài những giây phút học lóm hiếm hoi này, Karma Dordji thấy thời gian trôi qua thật chậm chạp và vô vị, trong khi trong lòng ông lại bừng cháy với khát vọng đã đưa ông đến nơi đây.
Gần một năm như thế trôi qua khiến Karma Dordji rất đỗi muộn phiền. Ông thà tinh tấn chịu đựng mọi thử thách khắc nghiệt nhất, còn hơn là bị vị lạt-ma quên lãng hoàn toàn. Điều đó làm cho ông vô cùng bối rối. Ông đoán rằng có lẽ lạt-ma Tobsgyais dùng huyền lực biết được xuất thân hạ tiện của ông – mặc dù ông đã thú nhận điều đó với ngài – cho nên ngài khinh bỉ ông, để cho ông ăn của bố thí trong chùa vì lòng thương hại. Tư tưởng này cứ gậm nhấm trong đầu, càng ngày càng làm cho ông thêm đau khổ.
Quyết tâm học cho bằng được phép lạ nơi vị lạt-ma mà định mệnh đã đưa ông đến, và tin tưởng rằng đây là vị sư phụ duy nhất trên thế gian, Karma Dordji không hề nghĩ đến chuyện bỏ đi tìm sư phụ khác, nhưng ý định tự tử đôi khi lại thoáng qua đầu.
Khi Karma Dordji gần như đắm chìm trong tuyệt vọng thì nhà chùa lại đón tiếp một vị khách là cháu của lạt-ma trụ trì. Vị khách này là một lạt-ma hóa thân (tulkou), tự viện trưởng một tự viện lớn, đi đâu cũng có đoàn tùy tùng đông đảo theo hầu. Rực rỡ trong tấm áo choàng brocart vàng chói, đầu đội mũ gỗ nhọn lấp lánh như ngôi bảo tháp, vị lạt-ma hóa thân đó cùng đoàn tùy tùng dừng lại dưới chân núi của chốn ẩn cư. Những tấm lều xinh đẹp được dựng lên làm nơi tạm trú. Sau khi dùng trà trong một bình bằng bạc do Tobsgyais sai thị giả đem xuống, vị lạt-ma hóa thân đi lên tịnh thất của chú mình.
***
Những ngày sau đó, ngạc nhiên khi thấy một người khách lạ khoác cái áo choàng cũ mèm với mái tóc dài bết đất, cứ suốt ngày ngồi bên bếp lửa, vị lạt-ma hóa thân bèn cho gọi Karma Dordji lại hỏi nguyên cớ. Dordji nhân cơ hội này kể lể trình bày hết niềm, và mong vị hóa thân tạo cho ông một cơ hội.
Vị lạt-ma hóa thân kia hẳn cũng có óc khôi hài như ông chú nên chẳng hề quan trọng hóa mọi chuyện. Ông chỉ ngạc nhiên nhìn gã hộ pháp trước mặt mình, và hỏi Karma Dordji muốn học hỏi gì ở lạt-ma Tobsgyais.
Cuối cùng thấy cũng có người quan tâm đến chuyện của mình, Karma Dordji lấy lại niềm tin. Ông trả lời là muốn học những phép thuật như bay lượn trên không, hô phong hoán vũ, đảo hải bài sơn, lay trời chuyển đất, nhưng ông cẩn thận giấu kín lý do vì sao mình cần phải đi học những thứ đó.
Chắc chắn vị lạt-ma hóa thân cảm thấy thú vị. Ông hứa sẽ nói lại với người chú, thế nhưng trong suốt hai tuần ở lại thăm chùa, ông ta chẳng hề ngó ngàng gì đến Karma Dordji.
Vị hóa thân từ biệt người chú và cùng đoàn tùy tùng ra đi. Từ tịnh thất nhìn xuống, người ta thấy những kẻ tùy tùng dắt một con tuấn mã, yên cương đều nạm vàng sáng lấp lánh dưới ánh nắng ban mai. Karma Dordji nhìn theo, bụng bảo dạ vị hóa thân kia chắc không nói gì với sư phụ Tobsgyais, khi ông ta đi rồi thì bao hy vọng cũng trôi theo dòng nước.
Ông toan quỳ xuống để chào từ biệt vị hóa thân, thì nghe vị này buông một câu gọn lỏn:
– Đi theo ta!
Karma Dordji hơi sửng sốt. Người ta chưa hề bắt ông làm bất cứ điều gì. Vậy thì vị lạt-ma này muốn gì đây? Lều trại dưới chân núi đã được xếp gọn gàng để sẵn sàng lên đường, vậy thì có việc gì để ông làm nữa? Hay là vị hóa thân này muốn tặng cho người chú một món quà mà để quên dưới chân núi nên nhờ ông xuống mang lên?
Khi đến chân núi, vị hóa thân ngoảnh lại bảo:
– Ta đã trình bày với Kouchog Rimpotché (đại hòa thượng) về nguyện vọng muốn học huyễn thuật của ông. Ngài trả lời cho ta biết trongtịnh thất này không có những sách vở loại đó để ông nghiên cứu. Loại sách vở đó bên ta có rất nhiều, nên hòa thượng dặn ta đưa ông qua bên đó để tha hồ mà nghiên cứu học hỏi. Ngựa của ông đó, hãy lên ngựa và đi theo đoàn tùy tùng của ta.
Dứt lời, vị lạt-ma lên ngựa đi theo đoàn tùy tùng đang đứng chờ ông.
Tất cả mọi người quay mặt về hướng tịnh thất, cung kính quỳ xuống lạy từ biệt lạt-ma Tobsgyais, rồi nhảy lên yên ngựa, phi nước đại đi xa dần.
Karma Dordji đứng sững tại chỗ, một người hầu đặt dây cương vào tay ông. Ông thấy mình ngồi trên yên ngựa, rồi thúc ngựa đi theo đoàn người, mà không hề quan tâm điều gì sẽ chờ đợi mình.
Chuyến đi có một sự cố nhỏ. Vị lạt-ma hóa thân chẳng hề đoái hoài gì đến Karma Dordji, dù ông ở chung lều và ăn uống chung với những tu sĩ trong đoàn.[7]
Tự viện của vị hóa thân còn xa lắm mới sánh được với quy mô hoành tráng của những tự viện ở Tây Tạng. Tuy nhiên, dù bề ngoài trông khá nhỏ, song nó lại rất đầy đủ tiện nghi.
Sau khi đến tự viện được bốn ngay, một trapa đến báo cho Karma Dordji biết rằng vị tulkou đã cho mang vào mật thất (tsham skhang) tất cả sách vở cần thiết mà lạt-ma Tobsgyais yêu cầu để ông nghiên cứu. Vị trapa còn nói thêm rằng trong suốt thời gian nghiên cứu trong mật thất, tự viện sẽ gởi đồ ăn thức uống đều đặn đến cho ông.
Karma Dordji làm theo lời hướng dẫn, và sống trong một mật thất sạch sẽ gần tự viện. Cửa sổ nhìn ra tự viện với mái ngói mạ vàng chói sáng, và xa hơn nữa là thung lũng được bao quanh bằng những sườn đồi cây cối rậm rạp. Bên cạnh bàn thờ trên gác là ba mươi bộ kinh sách được bao bọc cẩn thận, và buộc chặt bằng dải lụa.
Nhà huyễn thuật tương lai cảm thấy thoải mái. Ông bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng các pho kinh sách kia.
Trước khi để Karma Dordji ở đó, vị trapa còn dặn thêm rằng vị tulkou không quy định ông phải ở mãi trong mật thất. Ông có thể tự do sắp xếp thời gian biểu cho sinh hoạt của mình, có thể đi múc nước ở con suối gần đó và đi dạo thoải mái. Nói xong, vị trapa chỉ cho ông thấy những túi lương thực và đống củi trước khi bỏ đi.
Karma Dordji say sưa đọc. Ông thuộc lòng những thể thức luyện huyễn thuật và siêng năng thực hành với kỳ vọng sẽ đạt được thần thông để khỏi phụ lòng vị gourou là lạt-ma Tobsgyais đang chờ ngày ông quay trở lại. Ông lập nhiều đàn tràng kyilkhor theo hướng dẫn trong sách, dùng bột mì và bơ để làm những cái bánh cúng torma đủ mọi hình dạng để luyện huyễn thuật chứ không ăn, đồng thời tinh tấn tham thiền nhập định.
Suốt mười tám tháng trời, lòng nhiệt tình của ông không hề sút giảm. Ông chỉ bước chân ra ngoài mật thất để đi lấy nước, không hề trò chuyện với những trapa mang lương thực đến hai lần mỗi tháng, và cũng không hề đến bên cửa sổ để nhìn ra ngoài. Dần dần, những tư tưởng trước kia ông chưa bao giờ nghĩ đến giờ đây thấm dần vào ông trong quá trình thiền định. Đối với ông, những câu kinh văn, những vòng tròn huyễn thuật giờ đây mang một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ, xuất hiện trong một làn ánh sáng hoàn toàn khác. Ông dừng chân bên cửa sổ mở rộng nhìn cảnh các tu sĩ đi đi lại lại ở bên ngoài. Cuối cùng, ông rời mật thất, chạy lên trên núi, nhìn thật lâu vào từng cái cây, từng viên đá cuội, nhìn mây bay lờ lững trên trời, nhìn dòng suối tuôn róc rách, tất cả đang hòa điệu trong trò chơi của ánh sáng và bóng tối.
Ông ngồi đó hàng giờ, nhìn những ngôi làng rải rác trong thung lũng, quan sát những người nông dân đang cày bừa trên ruộng đồng, nhìn đàn gia súc đang đủng đỉnh thồ vật nặng trên lưng hoặc đang nhởn nhơ ngoài đồng cỏ.
Mỗi chiều, sau khi thắp đèn trên bàn thờ xong là Karma Dordji bắt đầu ngồi thiền. Nhưng giờ đây ông không còn tìm kiếm nữa, không còn thực hành theo các nghi quỹ trong kinh sách nữa, không còn cầu các nữ thần hiện thân ra nữa. Karma Dordji ngồi thiền như thế cho đến nửa đêm hoặc đến lúc bình minh. Ông ngồi yên bất động, đánh mất toàn bộ giác quan và tư tưởng, ông thấy mình như đứng trên bờ sông nhìn cơn thủy triều đang dâng lên từ một đại dương lấp lánh mơ hồ, sẵn sàng nhận chìm ông dưới làn nước mênh mông trắng xóa.
***
Hai tháng nữa trôi qua, rồi đến một đêm hay một ngày ông không nói rõ, Karma Dordji thấy thân thể mình từ từ bay lên khỏi tấm bồ đoàn ông đang ngồi. Vẫn không thay đổi tư thế ngồi thiền với hai chân bắt chéo, Karma Dordji bay ra khỏi cửa, trôi bồng bềnh rồi bay lượn trên không. Cuối cùng, ông bay về đến quê nhà, đến trước tự viện ngày xưa. Lúc đó là buổi sáng, các trapa vừa mới tản ra khỏi hội trường sau buỗi lễ sớm. Ông nhận ra rất nhiều người trong số họ: nào là những tu sĩ có chức sắc, nào là những tulkou, nào là những bạn đồng môn thuở trước. Ông thấy ai nấy cũng đều có vẻ mệt mỏi, bận bịu và muộn phiền, nên càng tò mò nhìn thật kỹ. Từ trên cao nhìn xuống trông họ thật nhỏ bé đáng thương biết ngần nào! Khi ông hiển lộ thần thông cho họ thấy thì trông họ sững sờ kinh hoảng biết bao nhiêu! Và khi tất cả quỳ xuống trước mặt ông – nhà huyễn thuật đã đạt được những quyền năng siêu nhiên – thì trông họ càng thảm não!
Nhưng rồi ngay cả ý tưởng chiến thắng trước đám người kia cũng khiến ông mỉm cười thương hại. Ông thấy thật nhọc lòng vô ích khi phải bận tâm đến những con người nhỏ bé đớn hèn đó. Ông không còn nghĩ đến họ nữa. Ông nghĩ đến niềm vĩnh phúc chan hòa trong ngọn thủy triều dâng cao của đại dương bao la lấp lánh và rất đỗi bình yên, không một gợn sóng lao xao. Ông không còn muốn hiển lộ thần thông ra trước đám người kia nữa. Họ có nghĩ gì về ông cũng không có gì quan trọng, ngày xưa họ đã khinh bỉ làm nhục ông, rồi ông khao khát trả thù…. tất cả những điều đó giờ đây đều trở thành khôi hài và vô nghĩa. Bao nhiêu ý tưởng về vinh quang và thù hận đều tan biến.
Ông bay trên không trung để quay về. Đột nhiên cả tòa tự viện đều chấn động rồi sụp đổ tan tành. Các dãy núi chung quanh cũng lắc lư hỗn loạn, đỉnh núi này vừa sụp thì đỉnh khác lại nhô lên. Mặt trời băng qua bầu trời như một ngôi sao băng, tựa hồ như rơi xuống. Rồi một mặt trời khác xuất hiện, chọc thủng cả nền trời. Cảnh tượng huyền ảo dị thường đó cứ nối tiếp nhau đến vô biên vô tận. Dordji không cònphân biệt được gì ngoài một cơn lũ thét gầm cuồng nộ, mà những con sóng tung bọt trắng kia chính là mọi loài vô tri hay hàm thức trên thế gian này.
Ảnh tượng này không phải là điều hiếm xảy ra đối với các đạo sư huyễn thuật Tây Tạng khi nhập định. Không nên lẫn lộn chúng với giấc mơ. Chủ thể quán sát ảnh tượng này không hề mơ ngủ, và thông thường thì dù hoàn tất cuộc viễn trình qua thế giới ảnh tượng đó, hành giả vẫn hoàn toàn ý thức về bản thân và không gian quanh mình. Do đó, đôi khi ở trong lúc nhập định xuất thần mà có nguy cơ bị nhiễu loạn, thì hành giả sẽ cảm thấy bất an, và muốn đừng có điều gì xảy đến, không muốn có ai nói chuyện với mình hay gọi mình, không ai gõ cửa v.v… trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo. Trong trường hợp đó, mặc dù không thể nói năng hay di chuyển song hành giả vẫn có thể lắng nghe và cảm nhận được những diễn biến chung quanh. Lúc đó, mọi âm thanh hay cảnh mọi người tới lui qua lại sẽ đem lại cho hành giả cảm giác hết sức nặng nề. Nếu ngoại cảnh kéo hành giả ra khỏi trạng thái tâm thức đó, hoặc nếu vì một lý do nào đấy mà hành giả buộc phải nỗ lực thoát ra, thì một cơn chấn động tinh thần tiếp theo sẽ gây nên xung đột đau đớn mà hậu quả nặng nề còn lưu lại rất lâu.
Chính vì thế, để tránh những cơn chấn động cùng những hậu quả đáng tiếc đối với sức khỏe, hành giả cần phải tuân thủ những quy định khi chấm dứt sau một buổi ngồi thiền, nếu thời gian ngồi thiền tương đối kéo dài. Chẳng hạn hành giả phải quay đầu chầm chậm từ phải qua trái, xoa trán một lúc, bắt chéo tay ra sau lưng, ưỡn người ra phía sau v.v… Mỗi người chọn một cách phù hợp với mình.
Đối với Thiền tông Nhật Bản, các tu sĩ tập trung tọa thiền trong một thiền phòng lớn, một vị giám sát tăng cầm thiền bảng theo dõi, hễ thấy người nào có vẻ uể oải buồn ngủ sẽ quất một cú vào vai để đánh thức. Tất cả những ai đã nếm mùi thiền bảng đều nói rằng cú đánh đó giúp phục hoạt lại thần kinh.
Karma Dordji quay về lại mật thất và nhìn cảnh vật quanh mình. Căn phòng đó, cùng đống sách vở trên giá gỗ, bàn thờ đó cùng với bếp lò, tất cả cũng y nguyên như ngày hôm qua, như ông đã nhìn một cách quen thuộc suốt gần ba năm nay. Ông đứng lên, đến bên cửa sổ nhìn ra. Tự viện, thung lũng, những rừng cây bao phủ sườn núi vẫn hiện ra với dáng vẻ thân quen. Không có gì thay đổi, thế nhưng tất cả đều khác biệt.
Karma Dordji bình thản nhóm lửa, và khi đống củi cháy bùng lên thì ông lấy kéo cắt đứt mái tóc naldjorpa dài phủ gót của mình, rồi ném nó vào trong đống lửa. Ông pha trà, uống trà, lặng lẽ bỏ một ít lương thực vào tay nãi, khoác trên vai rồi bước ra ngoài, không quên cài then mật thất cẩn thận.
Khi tới tự viện, ông đi đến trước gian phòng của vị tulkou thì gặp một chú tiểu đứng ngoài sân. Karma Dordji nhờ chú tiểu chuyển lời từ biệt đến vị sư phụ, và ngỏ lời cám ơn vị trụ trì nhân đức đã cưu mang ông trong thời gian qua. Nói xong, Dordji quay lưng bỏ đi.
Đi được một quãng thì Karma Dordji nghe có tiếng người gọi. Ông quay lại nhìn thì thấy một chú tiểu chạy đến bảo:
– Đại hòa thượng (Kouchog Rimpotché) muốn gặp sư huynh.
Dordji liền quay lại tự viện.
Vị lạt-ma trụ trì từ tốn hỏi:
Karma Dordji đáp:
– Quay về lại với vị đạo sư (gourou).
Vị lạt-ma tulkou im lặng một lúc, rồi cất giọng buồn bã:
– Tôn thúc của ta đã vượt ra ngoài cõi khổ đau[8] hơn sáu tháng nay rồi.
Karma Dordji lặng người không nói được một lời.
Vị lạt-ma nói tiếp:
– Nếu ông muốn quay về lại tịnh thất (riteu) của Rimpotché thì ta sẽ tặng ông một con ngựa làm quà. Về đó, ông sẽ gặp một lạt-ma trụ trì mới, đó là pháp tự của người.
Karma Dordji cảm tạ và không nhận gì cả. Mấy ngày sau, ông quay về lại tịnh thất màu trắng, nơi ánh nắng đầu tiên đậu trên vầng trán và chỉ đường cho ông đi. Dordji đi vào căn phòng của vị lạt-ma quá cố, nơi ông chỉ đặt chân vào một lần duy nhất trong ngày đầu đến nơi đây, quỳ xuống khấu đầu trước bồ đoàn mà lạt-ma Tobsgyais vẫn ngồi thiền hằng đêm.
Sáng hôm sau, Dordji từ giã vị trụ trì mới. Vị này khoác cho ông cái áo choàng zen của vị lạt-ma quá cố.
Từ đó, Karma Dordji sống một đời vân du phiêu lãng, phần nào giống với vị thánh tăng khổ hạnh Milarespa mà ông vô cùng tôn kính. Khi tôi gặp ông thì ông cũng đã già, nhưng vẫn không nghĩ đến chuyện tìm một chỗ định cư.
Hiếm có vị tăng khổ hạnh ở Tây Tạng nào
lại có cuộc đời kì dị như Karma Dordji. Lý do ông khổ công tầm sư học đạo cũng
rất đỗi lạ lùng, nên tôi mới kể dài dòng ra đây. Tuy vậy, chuyện tu tập của những
môn đồ các gomtchén cũng luôn mang những
sắc thái lạ thường. Tôi đã nghe kể nhiều câu chuyện về chủ đề này, và kinh nghiệm
của bản thân tôi với tư cách là một môn sinh nơi “Xứ Tuyết” đã khiến tôi phải
tin rằng một phần lớn những câu chuyện đó là hoàn toàn có thật.
[1] Narota là lên đúng, nhưng người Tây Tạng lại thường gọi ông là Naropa (T.g).
[2] Chúng ta thường quen với tên Milarepa hơn.
[3] Tiếng Anh Kasmir: chỉ vùng thung lũng phía nam ở cực Tây của dãy Hy Mã Lạp sơn.
[4] Năm mới của người Tây Tạng bắt đầu từ tháng hai (T.g).
[5] Bản tiếng Anh phiên âm là ritöd và dịch là “chốn ẩn cư” (hermitage). Riteu là tịnh thất nằm ẩn khuất trên những sườn núi chênh vênh, dành cho các vị ẩn tu. Xem chi tiết ở chương 7
[6] Vị thần Lạt-ma giáo tượng trưng cho các nhà khổ tu lõa thể. (T.g).
[7] Những người hầu của lạt-ma phải là những tu sĩ. Những người thế tục không được phép ở trong khuôn viên tự viện. (T.g).
[8][8] Nya- nien les des song: cách nói tôn kính về một vị lạt-ma thánh thiện đã viên tịch, có nghĩa là đã đạt đến cõi Niết-bàn. (T.g)
Thảo luận