Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Chương 4

Giao dịch với ma quỷ – Bữa tiệc đẫm máu – Những kẻ “hớp hồn” – Con dao huyền bí – Xác chết dị thường – Quỷ nhập tràng – Giả làm pháp sư

Tây Tạng là xứ sở của ma quỷ. Nếu căn cứ vào các truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian, thì chúng ta buộc phải nghĩ rằng ma quỷ còn đông hơn cả con người. Ma quỷ mang nhiều hình dạng khác nhau, sống khắp nơi trên cây, trong cỏ, trên đá, trong thung lũng, trong sông suối ao hồ. Chúng theo dõi con người và thú vật để “hớp hồn” mà ăn cho thỏa thích. Chúng lang thang trên thảo nguyên, trong rừng núi, và mọi lữ khách đều có nguy cơ chạm mặt với chúng tại các ngã ba đường.

Do đó, người Tây Tạng buộc lòng phải giao dịch với ma quỷ. Lạt-ma giáo chịu trách nhiệm hàng phục ma quỷ, cải hóa chúng trở thành kẻ tôi tớ hầu hạ, còn nếu thấy chúng vẫn cứng đầu thì họ hủy diệt chúng đi. Trong lĩnh vực này thì đám thầy phù thủy cạnh tranh với các tu sĩ Lạt-ma giáo, nhưng mục tiêu của họ lại đối chọi lẫn nhau. Các thầy phù thủy thì muốn biến lũ ma quỷ thành bọn thủ hạ để sai khiến chúng làm những chuyện xấu xa. Nếu chúng không đủ năng lực đảm trách công việc thì chúng sẽ đi tìm đồng bọn để cầu cạnh xin giúp đỡ.

Trong khi đó, bên cạnh những lạt-ma triển khai huyễn thuật như được dạy trong bộ môn huyễn thuật (gyud) cùng những thầy pháp thực hành ma thuật, thì các pháp sư Tây Tạng là những người làm chủ nghệ thuật giao dịch với ma quỷ, xem như đó là cách tu luyện tâm linh. Việc giao dịch này do môn đồ tự gợi ý cho sư phụ mình đi gặp ma quỷ, hoặc để thách đấu, hoặc để dâng lễ vật.

Mặc dù chúng ta cảm thấy những nghi thức này có vẻ quái dị, thậm chí đáng sợ, nhưng chúng nhằm vào các mục đích có ích hoặc nâng cao tâm thức như: thoát khỏi sợ hãi, mở rộng bi tâm, xa lìa tự ngã, và đạt đến giác ngộ.

Nghi thức quái dị nhất trong các nghi thức này – có tên tcheud,[1] (có nghĩa là “trừ bỏ, đoạn tuyệt”) – là một điều bí ẩn rợn người, do một nhân vật duy nhất thực hiện: đó là người chủ lễ. Nó được kết hợp một cách khéo léo để khủng bố tinh thần những kẻ mới nhập môn, đến mức có một số người kinh hãi quá mà lên cơn điên hoặc đột tử trong quá trình hành lễ.

Trước khi được điểm đạo – nếu không có nghi thức này thì nghi lễ tcheud không đạt kết quả – người môn đồ thường phải trải qua những thử thách được chuẩn bị trước. Những thử thách này thay đổi tùy theo tính cách, trình độ của từng người.

Thông thường thì sau khi được sư phụ thuyết phục rằng có hàng ngàn ma quỷ đang hiện hữu, những tu sĩ trẻ cứ phó mặc mọi chuyện cho vị pháp sư lạt-ma mà không hề mảy may nghi ngờ gì về cái thế giới của pháp môn mà mình đang thọ giáo. Vì lòng tôn kính ngây ngô đối với vị thầy, họ cầu xin được vị sư phụ dìu dắt vào nẻo đạo.

Những phương pháp chứng minh chân lý và lầm lạc đòi hỏi nhiều thời gian đều bị loại bỏ khỏi hệ thống giáo hóa của những pháp sư thần bí. Họ hài lòng với việc cung cấp cho môn đồ những cơ hội để đối mặt với sự kiện, và từ đó tự mình thể nghiệm. Để giúp một môn đồ cả tin và rụt rè thoát khỏi sợ hãi ma quỷ,họ dùng những cách thức rất buồn cười, nhưng lại man rợ không sao tưởng tượng nổi.

Một thanh niên mà tôi quen biết, được sư phụ anh ta là lạt-ma xứ Amdo đưa đến một ngòi nước hoang vu tăm tối để anh ta thoát khỏi ám ảnh của ma quỷ. Anh ta bị trói chặt vào một tảng đá; rồi khi màn đêm buông xuống, anh ta lên giọng thách thức những ác thần hung dữ nhất xứ Tây Tạng – những ác thần chuyên hút óc và móc ruột moi gan mọi người, mà các họa sĩ Tây Tạng đã vẽ ra.

Dù có kinh hãi đến đâu đi nữa thì người môn đồ, theo lệnh của sư phụ, cũng không được chạy trốn mà phải ở nguyên tại chỗ cho đến khi mặt trời ló dạng.

Có thể nói rằng pháp môn này mang tính kinh điển, và là bước khởi đầu trên đường đi vào pháp môn thần bí cho nhiều đệ tử nhập môn.

Lắm khi, người môn đồ được lệnh phải ở lại đó ba ngày, ba đêm hoặc hơn nữa. Anh ta phải chống chọi với cơn buồn ngủ, chịu đói khát, vốn là những thứ dễ dàng gây nên ảo giác khi thân xác kiệt quệ và đầu óc rã rời.

Trong cuộc hành trình bí mật của tôi đến Lhassa, vị lạt-ma ở Tsarong có kể cho Yongden nghe một câu chuyện đau lòng về cách thử nghiệm kiểu đó. Tôi giả dạng làm một “bà già quê” ngồi thu mình trong một góc, và dĩ nhiên không bỏ sót một lời nào.

Hồi còn trẻ, vị lạt-ma này và người em út của ông ta tên Lodeu đã từng rời bỏ tự viện để đi theo một vị ẩn tu vô danh. Vị này dựng tạm một thảo am ẩn cư trên ngọn núi Phagri, không xa Dayul, vốn nổi danh là địa điểm hành hương.

Vị lạt-ma ẩn tu ra lệnh cho người em tự cột cổ vào một thân cây ở một nơi mà Thags-yang thường qua lại. Thags-yang là loài ác quỷ thường xuất hiện dưới hình dạng một con cọp.

Bị cột cổ chẳng khác nào nạn nhân chịu tế thần, kẻ bị cột cổ phải tưởng tượng mình là một con bò được đem hiến tế cho quỷ Thags-yang. Anh ta phải tập trung toàn bộ tư tưởng vào điểm này và để nhập vai, anh ta cần rống lên như một con bò. Nếu mức độ tập trung tư tưởng đủ mạnh, anh ta sẽ đạt đến trạng thái xuất thần, hoàn toàn mất hết ý thức về bản thân mình, mà chỉ có cảm giác mình là một con bò sắp bị ăn thịt.

Bài thực hành này kéo dài đến ba ngày, ba đêm. Ngày thứ tư trôi qua mà vẫn không thấy người môn đồ quay về. Sang ngày thứ năm, vị ẩn tu bèn ra lệnh cho người anh luôn hầu hạ bên cạnh mình:

– Đêm qua, ta mơ một giấc mơ rất lạ. Con hãy đi tìm người em của con xem sao.

Vị tu sĩ kia vừa đến nơi thì chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng: xác của người em Lodeu bị ăn thịt chỉ còn một nửa và một phần dính vào thân cây, những mảnh thịt vấy máu nằm vương vãi trên khắp bụi cây quanh đó.

Người anh kinh hãi, vội cởi áo gom hết những mẩu thịt còn sót lại và vội vã chạy về để báo lại với sư phụ mình.

Khi ông ta về đến nơi thì thấy thảo am trống rỗng. Vị ẩn tu kia đã bỏ trốn, và không quên cuỗm đi tài sản của môn đồ: hai cuốn kinh, một số pháp khí và một cây gậy leo núi.

  • Lúc đó tôi muốn điên loạn – vị lạt-ma già kể. Chuyện sư phụ bỏ trốn còn khiến tôi kinh ngạc hơn cả việc tìm thấy thi thể em mình. Vị sư phụ đó đã mơ thấy điều gì? Ông ta có biết số phận bi thảm của môn đồ hay không?

Vì không thể giúp cho vị lạt-ma khốn khổ kia đoán được lý do khiến vị sư phụ ẩn tu của ông ta bỏ trốn, nên tôi hình dung ra rằng: khi không thấy người môn đồ trở về, vị lạt-ma ẩn tu đoán trước được đã xảy ra một vụ tai nạn, tương tự như tai nạn trong thực tế. Rất có thể trong giấc mơ, ông ta đã thấy trước được điềm gì đó, và ông ta đã khôn ngoan bỏ trốn để tránh cơn thịnh nộ của cha mẹ nạn nhân.

Về cái chết của người thanh niên thì rất dễ hiểu theo lẽ tự nhiên. Ở nơi đó có rất nhiều hổ báo, tôi đã gặp chúng nhiều lần ở trong rừng, một vài ngày trước khi viết cuốn sách này. Người em trai của vị lạt-ma này, trong lúc gào rống, đã khiến cho đám hổ báo chú ý, và anh ta tự mình biến thành miếng mồi ngon cho chúng, trước khi kịp tháo dây để tự vệ.

Lúc nào cũng vậy, ý kiến của vị tu sĩ kể chuyện và của người nghe luôn khác biệt. Theo họ thì thần hổ Thags-yang đã ăn thịt nạn nhân hiến tế. Họ cho rằng, người thanh niên kia chết vì có lẽ đã quên đọc mật chú hộ thân. Trong chuyện này, vị lạt-ma sư phụ kia phải chịu trách nhiệm một phần vì đã bắt môn đồ đối mặt với thần hổ, mà không dặn dò anh ta kỹ lưỡng, và cũng không làm lễ điểm đạo cần thiết.

Tuy nhiên, trong tận thâm tâm thì vị lạt-ma đang đau khổ vì cái chết thê thảm của người em kia lại ấp ủ một ý tưởng quái dị, mà ông ta trình bày bằng giọng nói thì thầm run rẩy.

– Biết đâu, – ông nói – vị lạt-ma xa lạ kia lại chẳng là thần hổ giả dạng hình người để quyến rũ nạn nhân? Ban ngày, nó khoác lốt người nên không thể bắt em tôi được, nhưng đêm về, khi tôi đang ngủ, nó lại trở về lốt cọp để thỏa mãn thú tính của nó.

Vị lạt-ma già vừa nói dứt thì tất cả mọi người đều im phăng phắc. Dù ông ta chỉ kể lại câu chuyện thời trai trẻ xa xưa, nhưng nó vẫn gây ấn tượng sâu đậm cho mọi người.

Điều ông ta nói liệu có đúng chăng? Liệu Thags-yang và nhiều loại ma quỷ giống như chúng có đang lởn vởn chung quanh con người và thú vật để rình bắt hay không?

Trong gian bếp lớn, lửa trong lò đang cháy. Một hoang mang lo lắng bao trùm lên cả căn nhà. Một phụ nữ, theo bản năng, đưa mắt nhìn các tờ giấy vẽ ghi bùa chú treo trên tường, để xem chúng còn ở đấy hay không. Một cụ ông kiểm tra lại ngọn đèn trên bàn thờ ở phòng bên và yên tâm khi thấy nó vẫn sáng, rồi mùi hương do ông cụ thắp lan tỏa khắp nhà.

Mặc dù nhiều tai nạn đã xảy ra trong khi thực hành những nghi thức thần bí kiểu đó, song vẫn có các ngoại lệ. Sau một thời gian qua lại những vùng đất ma ám, thách thức ma quỷ, hiến cả xác thân cho chúng, điều đó cuối cùng sẽ dẫn đến một kết quả khá hợp lý là người môn đồ sẽ không còn tin vào sự tồn tại của những thứ chưa một lần hiển lộ.

Tôi đã hỏi nhiều vị lạt-ma về vấn đề này. Có lần vị géché vùng Girgi[2] bảo tôi:

  • Đôi khi sự hoài nghi lại xảy đến bất chợt. Có thể xem nó như là một trong những mục tiêu mà các pháp sư huyễn thuật nhắm đến, song nếu như môn đồ khởi tâm hoài nghi trước thời hạn thì anh ta tự đánh mất đi những thành quả của việc huấn luyện nhằm giúp anh ta can đảm.

Ngừng một lúc, ông ta nói thêm:

– “Các pháp sư huyễn thuật không bao giờ chấp nhận để một môn đồ mới nhập môn công khai biểu lộ sự hoài nghi, đây là điều mâu thuẫn với chân lý. Người môn đồ phải hiểu được rằng chư thiên và ma quỷ chỉ thực sự tồn tại đối với ai tin vào sự tồn tại đó, và những loài ấy có khả năng đem lại họa phúc cho những ai thờ cúng hoặc kính sợ họ.

Hơn nữa, hiếm có người môn đồ nào khởi tâm hoài nghi trong giai đoạn tu tập đầu tiên. Phần lớn những đệ tử nhập môn đều cho rằng những hiện tượng kinh khủng xuất hiện trước mặt họ đều có thực.”

Tôi không liều lĩnh phản bác ý tưởng này, vì nhiều ví dụ điển hình đã chứng minh cho tôi thấy rằng nó đã trở thành định kiến. Đêm tối cùng những địa điểm đặc biệt được chọn làm nơi đối thoại với ma quỷ thường dễ gây nên ảo giác. Thế nhưng tất cả những hiện tượng mà các người tham gia nghi thức cảm nhận có thể được xem là ảo giác không? Người Tây Tạng khẳng định là không.

Tôi đã có dịp đàm đạo với một vị ẩn tu ở Ga (miền đông Tây Tạng) tên Kouchog Wantchéen về các trường hợp tử vong xảy ra trong quá trình kêu gọi các ác thần.

Vị lạt-ma này không thiên về mê tín, và tôi tin rằng ông ta tán đồng ý kiến của tôi khi tôi bảo:

– Những kẻ chết như thế đều do sợ hãi. Những gì họ thấy chỉ là sự khách thể hóa của tư tưởng mà thôi, nghĩa là tư tưởng tự biến thành đối tượng được quán sát. Kẻ nào không tin vào sự tồn tại của ma quỷ sẽ không bao giờ bị ma quỷ làm hại.

 Câu trả lời kỳ lạ của vị ẩn tu làm tôi sửng sốt:

– Nói như bà thì chỉ cần không tin vào sự tồn tại của con hổ là ta sẽ không bị nó ăn thịt, dù ta đi trong tầm vồ của nó.

Đoạn ông ta nói tiếp:

– “Cho dù là vô thức hay có ý thức, thì sự khách thể hóa của việc cấu thành tâm thức vẫn là một tiến trình huyền mật. Những sự sáng tạo đó biến thành cái gì nào? Há có phải giống như một đứa bé được sinh ra từ xác thịt của ta, những đứa bé được sinh ra từ tinh thần kia, thoát khỏi tầm kiểm soát của chúng ta, một cách từ từ hoặc đột ngột, để sống một đời sống riêng?

Há có phải chúng ta không được quyền cho rằng nếu như chúng ta không thể sản sinh ra những thứ đó và không có được năng lực đó, và nếu như các tulpa[3] vẫn tồn tại, thì sự kiện chúng ta tiếp xúc được với chúng, hoặc do ý chí của chúng hoặc do tư tưởng của chúng ta, hay sự kiện hành động của chúng ta tạo ra những điều kiện cần thiết để những tulpa kia hiện hữu và hoạt động, tất cả những thứ đó chẳng phải là điều kỳ diệu hay sao?

Để so sánh, thử tưởng tượng một dòng sông và bạn đang ở trên một khoảnh đất khô xa bờ. Loài cá không thể nào đến được chỗ bạn đang ở. Nhưng nếu ta đào một con kênh từ dòng sông vào đến nơi bạn ở, và cuối con kênh lại đào thêm một cái ao, thì nước sẽ theo con kênh chảy vào đầy ao, rồi cá sẽ theo dòng nước đi vào, lúc đó bạn sẽ thấy cá bơi lội trước mặt mình

Cần phải mở được những ‘con kênh’ một cách nhẹ nhàng. Rất ít người hiểu được rằng những điều mà ta xem là nhỏ nhặt và bỏ qua một cách khinh suất lại chứa đựng nền tảng của vũ trụ.”

Rồi ông nhẹ nhàng kết luận:

– Cần phải biết cách chống lại “những con hổ” do ta tạo ra, và chống lại những thứ do kẻ khác tạo ra.

Đó là những ý tưởng được gợi ý khi người ta cần chọn một địa điểm thích hợp để tiến hành nghi thức tcheud. Các địa điểm như nghĩa trang, hoặc những nơi hoang vu rợn người thường được ưa chuộng nếu như nơi đó tạo ra một câu chuyện truyền kỳ kinh dị hoặc diễn ra một biến cố thảm khốc.

Lý do những địa điểm đó được ưa chuộng là như vầy: hiệu quả của nghi thức không chỉ lệ thuộc vào những cảm xúc dấy lên trong tâm thức của người tham gia nghi thức từ việc đọc những câu mật chú rợn người, hoặc từ cảnh tượng khủng khiếp chung quanh. Điều cần thiết nhất là phát động được những sức mạnh thần bí – mà người Tây Tạng tin rằng luôn tồn tại ở những nơi như thế – xem như là thành quả của những hoạt động tựu thành trên những sự kiện hư hư ảo ảo, hoặc như là thành quả của sự tập trung tư tưởng cao độ của nhiều cá nhân trên những sự kiện đó.

 Kết quả là suốt quá trình tiến hành nghi thức tcheud, mà tôi so sánh với một vở kịch chỉ có một diễn viên, do tác động của việc phóng chiếu tư tưởng, của tự kỷ ám thị hoặc do một nhân vật thần bí nhập vào – theo tín ngưỡng của người Tây Tạng – người diễn viên duy nhất này đôi khi bị vây quanh bởi những người đồng môn đang lên cơn diễn xuất những vai ngoài dự kiến. Sự kiện này được xem là tuyệt diệu trong việc cổ vũ cho nghi lễ, và đem lại nhiều lợi ích cho những đệ tử nhập môn, nhưng óc não của những người này chống cự rất yếu ớt trước cảnh tượng căng thẳng, từ đó gây nên những trường hợp điên loạn hoặc đột tử, như tôi đã nói trong phần trước.

Cũng giống như một diễn viên khi chuẩn bị ra sân khấu, tu sĩ nào muốn tiến hành nghi thức tcheud đều phải thuộc làu vai diễn của mình. Tiếp theo đó, người tế lễ phải nhảy theo tiết tấu, bàn chân vạch ra những hình vẽ như trong hình học, rồi nhón chân xoay tít người, giẫm đạp trên đất rồi nhảy bổng lên. Cuối cùng, theo quy định, ông ta cũng phải biết vung múa một vài thứ pháp khí, biết chơi trống và thổi kangling là loại tù và làm bằng xương đùi của người chết.

Công việc này không nhẹ nhàng chút nào. Tôi đã thử học làm theo mấy lần, và lần nào cũng mệt đứt cả hơi.

Vị lạt-ma điều khiển múa lễ tựa hồ như một vũ sư hướng dẫn múa ba-lê. Có điều, chung quanh ông ta không phải là những nữ diễn viên ba-lê mặc áo chẽn màu hồng, mà là những tu sĩ trẻ xanh xao gầy gò vì cuộc sống khổ hạnh, ăn mặc rách rưới, mặt mày bẩn thỉu, song đôi mắt lại sáng quắc trong trạng thái xuất thần, và lộ vẻ gan lì kiên quyết. Họ tưởng tượng đang chuẩn bị dấn thân vào một công việc cực kỳ hung hiểm, và trong đầu óc họ đang bị ám ảnh bởi ý tưởng về một bữa tiệc khủng khiếp, trong đó họ phải hiến thân xác cho loài ngạ quỷ.

Trong tình huống này, cái “điệp khúc” tưởng chừng như khôi hài đó lại dễ mang sắc màu bi thảm.

Sẽ là điều dài dòng nếu muốn diễn dịch đầy đủ ý nghĩa của từ tcheud. Từ này bao hàm nhiều yếu tố thần bí sơ khai, mà trong quá trình thực hành, nó sẽ khiến người tế lễ xóa sạch mọi tham dục và hủy diệt tự ngã. Lúc nào cũng vậy, phần trọng yếu của nghi thức là bữa tiệc mà ta có thể mô tả sơ lược như sau:

Những chủ lễ sẽ thổi tù và kangling làm bằng xương người để mời ma quỷ đến dự bữa tiệc đã bày biện sẵn.

Vị lạt-ma quán tưởng[4] một vị nữ thần, đó là hiện thân của ý chí ông ta. Nữ thần này tay cầm một thanh kiếm, chui qua lỗ sọ để bay ra khỏi đầu ông ta, rồi lập tức vung kiếm chém đứt đầu vị lạt-ma chủ lễ. Tiếp đó, trong khi các loại ma quỷ xúm lại háo hức chờ ăn thì vị nữ thần vung kiếm chém đứt chân tay vị lạt-ma, lột da, phanh thây ông ta ra. Ruột gan ông ta bị lôi ra ngoài, máu chảy thành dòng, và đám thực khách ma quỷ kia bu lại xâu xé, giành giật. Trong khi đó, vị lạt-ma chủ lễ lâm râm đọc lời kinh:

“Từ vô lượng kiếp, tôi đã vay mượn nhiều không kể xiết từ các loài này, nào là thực phẩm, nào là y phục, để cung phụng cho xác thân tôi được khỏe mạnh, thảnh thơi, chống lại cái chết.

“Hôm nay, tôi xin được trả nợ, xin hiến dâng cái xác thân được yêu quý nâng niu này.

“Tôi xin dâng xác thịt tôi cho những kẻ đói, máu tôi cho những kẻ khát, xin đem da tôi làm bọc che cho những kẻ trần truồng, đem xương tôi làm củi đốt để sưởi ấm những ai đang lạnh giá.

“Tôi xin dâng hạnh phúc của tôi đến với những kẻ bất hạnh, dâng luồng sinh khí của tôi để làm hồi sinh những kẻ đang hấp hối.

“Thật là nhục nhã cho tôi nếu tôi chùn bước trước lễ tế sinh này. Thật là nhục nhã cho các vị nếu các vị không dám nhận lấy lễ vật của tôi.

Vở kịch này được gọi là “bữa tiệc đỏ”. Tiếp theo đó là “bữa tiệc đen” mang ý nghĩa thần bí tâm truyền, chỉ dành cho những môn đồ lợi căn có ngộ tính cao.

Khi ảnh tượng về bữa tiệc đỏ tan biến thì những tiếng cười nói, kêu la của loài ma quỷ cũng tắt theo. Tiếp theo bữa yến tiệc hãi hùng đó là sự cô tịch hoàn toàn trong bóng tối cùng sự lặng lẽ rợn người, và cơn cuồng hứng do lễ hiến tế bi tráng tạo ra trong tâm thức của vị lạt-ma chủ lễ sẽ dần dần hạ xuống.

Lúc này, ông ta phải quán tưởng mình là đống tro tàn thoát ra từ hố bùn đen – đống bùn của tâm thức uế trọc, và của những nghiệp xấu những mà ông ta đã tập nhiễm từ vô lượng kiếp.

Nên hiểu rằng ý tưởng về sự hy sinh được tán dương xưng tụng ở trên chỉ là vọng tưởng phát sinh từ lòng kiêu ngạo mù quáng, không có căn cứ. Trên thực tế, không có cái gì để hiến tế vì cái được hiến tế cũng là Không.

Đối với những vị ẩn tu không chấp nhận trạng thái xuất thần giả tạo từ ý tưởng hy sinh, thì nếp sống xả ly trong cô tịch của họ đặt dấu chấm hết cho nghi thức này.

Có một số lạt-ma thực hiện nhiều cuộc vân du để tiến hành lễ tcheud với gần 108 hồ nước, 108 nghĩa trang, 108 khu rừng v.v… Họ bỏ ra rất nhiều năm tháng cho nghi thức này, không chỉ ở Tây Tạng, mà còn ở Mông Cổ, Népal, và nhiều nơi khác tại Trung Quốc và Ấn Độ.

Một số tu sĩ khác lại thích lui vào những nơi cô tịch để thực hành lễ tcheud hằng ngày trong suốt một thời gian khá dài, và thay đổi địa điểm từng ngày. Vị tu sĩ hành hương chọn địa điểm bằng cách dùng ná bắn một viên sỏi. Trước khi xoắn dây thun, ông ta xoay người nhiều vòng, mắt nhắm nghiền để không còn nhận ra phương hướng nữa. Lúc viên sỏi thoát khỏi dây thun thì ông ta mới mở mắt ra để xác định điểm rơi.

Một số khác lại dùng cái ná để xác định hướng đi. Ví dụ, họ bắn đi một viên sỏi vào lúc mặt trời vừa ló dạng; thế là suốt ngày hôm đó họ sẽ đi theo hướng đó, cho đến khi gặp vùng núi non. Khi hoàng hôn buông xuống, họ sẽ dừng lại và chờ đêm đến để tiến hành lễ tcheud.

Nghi thức hành lễ này mang một vẻ hấp dẫn mê hồn, khó lòng mà diễn tả được qua một đoạn văn mô tả ngắn ngủi và khô khan.

Cũng như bao người khác, tôi bị cuốn hút một cách đặt biệt bởi biểu tượng đầy khắc khổ và cách trang trí vô cùng ấn tượng, mà cảnh vật Tây Tạng về đêm mang lại cho nghi thức này.

Khi lên đường một mình cho chuyến hành hương kỳ lạ lần đầu tiên, tôi đã dừng lại bên một hồ nước trong vắt, như được khảm giữa hai bờ hồ sỏi đá. Phong cảnh chung quanh hoàn toàn trơ trụi, toát ra vẻ thanh bình buồn chán, xua tan đi mọi cảm giác sợ hãi hay bình yên, cùng mọi cảm giác vui buồn, tưởng chừng như ta đang chìm sâu trong sự hờ hững mênh mông của sự vật.

Bóng chiều buông xuống làm mờ dần tấm gương sáng của mặt hồ, trong khi tôi đang mơ màng nghĩ đến tinh thần kỳ lạ của dân tộc đã sáng tạo ra pháp môn tcheud cùng bao nhiêu nghi thức hành lễ lạ lùng khác.

Ánh trăng chiếu sáng những đám mây đang trôi bềnh bồng hư ảo trên những đỉnh núi gần đó. Chúng hạ thấp dần về phía tôi, và bao quanh tôi bằng những hình thù kỳ dị. Một đám mây lướt tới, kéo theo một vệt sáng trên mặt nước tối om, giống như tấm thảm trải ra cho bàn chân bước.

Đám mây khổng lồ trong suốt đó, mà đôi mắt là hai vì sao, đưa cánh tay dài ra dấu. Nó mời mọc tôi chăng? Hay muốn xua đuổi tôi đi? Tôi đâm ra ngần ngại…

Rồi nó tiến dần lại phía tôi, rất thực, rất sống động đến tôi phải nhắm nghiền mắt lại để xua tan đi ảo ảnh. Tôi có cảm giác như đang bị quấn chặt trong tấm áo mềm mại và lạnh buốt mà chất liệu tinh tế của vải đang thấm sâu dần vào thân xác tôi, khiến tôi tê giá đến tận linh hồn.

Họ đã quan chiêm ảnh tượng xiết bao hoành tráng, hỡi những người con của xứ sở tịch liêu đầy quyến rũ này, những đệ tử nhập môn lòng tràn đầy mê tín, mà các bậc đạo sư tinh thần đã ném họ ra đây giữa đêm tối để đối mặt với sự tưởng tượng bị kích động cực độ bởi nghi thức đầy kinh dị!

Biết bao lần, giữa tiếng gió gào hú trên những cao nguyên, có phải chăng họ đã lắng nghe ra lời đáp ứng cho sự thách thức của họ, và có phải chăng họ run rẩy vì kinh hãi, khi sống cô tịch trong căn lều nhỏ, ngay giữa chốn nhân gian?

Tôi hoàn toàn thấu hiểu kinh hoàng do những người hành lễ tcheud tạo ra. Tuy nhiên, những điều họ kể lại cho tôi nghe đều mang tính cường điệu quá lố, và tôi mỉm cười ngờ vực trước những câu chuyện kể lại các tai họa bi thảm mà người Tây Tạng khẳng định là đã xảy ra cho các tu sĩ hành lễ.

Vào thời đó, tôi cắm trại trong một thảo nguyên bao la mà người Tây Tạng gọi là Tchang-thang, gần với ba căn lều màu đen của những người chăn dê (dokpa) đã từng ở trên núi cao cùng đàn gia súc suốt mùa hè.

Tình cờ – đây là chữ rất thuận tiện để chỉ những sự kiện mà ta không rõ nguyên nhân – tôi lại đi đến đó khi muốn tìm một ít bơ. Đám người chăn dê là những người đàn ông rắn rỏi. Sự có mặt của tôi gần các căn lều của họ, với tư cách là một jétsune kouchog (nữ tu sĩ lạt-ma tôn kính), lại đi mua bơ và trả tiền bằng “bạc trắng”[5] dường như cũng không làm cho họ phật ý. Họ vui vẻ nhận chăm sóc đàn ngựa lừa của chúng tôi chung với đàn ngựa của họ, cùng chia sẻ rất nhiều công việc, nên tôi quyết định cắm trại ở đó một tuần để nghỉ ngơi.

Sau khi đến được hai giờ, người ta đã cho tôi biết về những điều liên quan đến nơi đây. Thật ra thì cũng chẳng có gì để nói. Bốn bề chỉ là thảo nguyên mênh mông vô tận, và trên cao là bầu trời trong vắt, bao la

Ấy vậy mà giữa cảnh hoang vu cô tịch đó lại có một điều thú vị. Có một vị lạt-ma đang sống ở mạn bắc, giữa các bộ tộc Mông Cổ. Ông ta đến đây an cư vào mùa hè, trong một hang động không xa nơi tôi hạ trại, với hai thị giả hầu hạ. Công việc của họ hầu như chỉ là pha trà, phần lớn thời gian còn lại họ dùng để tu tập. Vào ban đêm, thỉnh thoảng họ đi lang thang qua vùng hoang nguyên, và đám người chăn dê lại nghe tiếng kèn damarou và chiếc tù và kangling vẳng lên, hòa nhịp theo nghi thức hành lễ trên những ngọn núi gần đó.

Vị lạt-ma sư phụ, tên là Rabdjoms Gyatso, chưa bao giờ rời thạch động, kể từ khi ông đặt chân đến nơi này, cách đây hơn ba tháng.

Theo những gì mình học hỏi được, tôi đoán vị lạt-ma này đang thực hành nghi thức doubthab hoặc một nghi thức thần bí nào khác.

Sáng sớm hôm sau, vừa lúc bình minh, tôi quyết định đến thăm thạch động. Tôi muốn đến đó vào lúc hai vị môn đồ vẫn còn trong lều để thực hành công phu sáng, với hy vọng sẽ thoát được ánh mắt của họ, và bắt gặp vị lạt-ma đang lúc tu luyện.

Cách này không phù hợp chút nào với phép xã giao của người Tây Tạng đối với tu sĩ lạt-ma, nhưng vì biết quá rõ tập quán của họ, tôi ngại vị lạt-ma Rabdjoms Gyatso sẽ từ chối gặp mặt nếu như tôi thông báo trước.

Các người chăn dê căn dặn tôi những điều cần phải làm. Tôi dễ dàng đến được thạch động nằm lưng chừng trên sườn núi, nhìn ra một thung lũng với những dòng suối róc rách. Một bức tường làm bằng đá, phủ đầy rêu xanh và bụi đất, cùng một tấm rèm bằng da bò yak che kín chốn an cư như thời tiền sử của vị lạt-ma, và che khuất tầm nhìn của những kẻ bạo gan muốn đi vào trong đó.

Kế hoạch của tôi xem ra đã thất bại. Khi đang leo lên phía thạch động, tôi bắt gặp một người vóc dáng gầy gò, tóc tai bờm xờm, khoác cái áo choàng rách bươm của những vị ẩn tu, đứng chắn đường tôi. Mặc cho tôi khổ công nài nỉ xin được đàm đạo, vị tu sĩ trẻ tuổi trả lời rất lịch sự, nhưng kiên quyết từ chối. Lạt-ma Rabdjoms Gyatso bảo rằng ông ta không thể tiếp tôi trong chốc lát, nhưng nếu sau mười lăm ngày nữa mà tôi quay lại thì ông ta rất vui lòng đón tiếp.

Tôi không biết liệu buổi đàm đạo cùng ông có đáng để tôi ở thêm mười lăm ngày nữa hay không, nên chỉ trả lời tôi sẽ trở lại nhưng không dám chắc.

Cứ hai lần mỗi ngày, một trong hai người đệ tử lại đến trước các căn lều của đám người chăn dê để xin sữa. Vị đệ tử gầy gò dáng vẻ bệnh hoạn, người đã cản đường tôi, khiến tôi chú ý và rủ lòng thương hại. Tôi nghĩ bụng, nếu biết được anh ta đau bệnh gì thì tôi có thể đưa cho anh ta một ít thuốc men mang theo bên mình. Tôi rình để gặp anh ta trên đường đi và hỏi han.

Khi nghe nói về thuốc men, vị đệ tử đó bảo rằng anh ta chẳng đau ốm gì cả, và khi tôi nhiều lần hỏi lý do tại sao anh ta gầy gò hốc hác như vậy thì đôi mắt anh ta long lên sòng sọc như đôi mắt một gã điên, biểu lộ sự kinh hãi cùng cực. Anh ta không sao giải thích được cho tôi điều gì.

 Tôi bảo những người tùy tùng cố gắng làm sao cho anh ta trả lời, song gã môn đồ này vẫn câm như hến. Khác với bản tính ba hoa lắm lời của người Tây Tạng, hai vị đệ tử này lại yên lặng một cách lạ thường. Sau khi tôi cố tình tra hỏi, họ đi đường vòng để đến lều của đám người chăn gia súc, tránh đi ngang lều chúng tôi. Rõ ràng họ không muốn tôi xía vào công việc của họ, và cũng không muốn làm phiền họ nên tôi không bận tâm đến nữa.

Sau khi tôi đến đây được một tuần thì có một người chăn dê trong một đám người chăn nuôi khác qua đời, tại một túp lều cách đó khoảng hai cây số, ở giữa một vùng bình nguyên (thang).[6] Tôi liền quyết định ở lại thêm vài ngày nữa để tham dự một đám tang nơi quê mùa thô lậu.

Hai người chăn dê vội vã cưỡi ngựa lên đường đi đến một banag gompa[7] cách đó hai ngày đường để mời hai tu sĩ đến tụng kinh siêu độ. Trong khi chờ đợi thì hai người đệ tử của Rabdjoms Gyatso luân phiên đọc hai pho kinh bên cạnh người quá cố.

Bạn bè của người đã khuất từ nhiều nơi kéo đến, mang theo nhiều đồ phúng điếu để an ủi gia đình người chết, theo tập tục người Tây Tạng. Sau đó, hai người chăn dê cưỡi ngựa đưa về hai tu sĩ, và thêm một vài người đệ tử tục gia mà họ có quen biết.

Liền đó, hai người đệ tử kia lập tức cất cao giọng tụng kinh gõ mõ không ngớt, kèm theo là tiếng chiêng trống khua ầm ĩ. Kinh nhật tụng được luân phiên tụng niệm, chỉ tạm ngưng khi các tu sĩ và đệ tử tục gia kia nghỉ ngơi để ăn uống, chè chén bên cạnh xác chết đã bốc mùi. Tám ngày sau, mọi thủ tục tụng kinh đều chấm dứt, xác người chết được xẻ ra và đưa lên núi cho chim kên kên ăn, theo tục điểu táng.

Nhờ vào bộ pháp phục cũ của một vị naldjorpa mà tôi đang mặc, tôi mới có thể thuyết phục những người chăn dê chấp thuận cho tôi, khi đêm xuống, mặc bộ pháp phục zen (pháp phục của tự viện), và đi đến nơi người ta đặt xác chết để ngồi tham thiền.

Ánh trăng vằng vặc tỏa sáng khắp vùng thảo nguyên bao la, trải dài từ chân núi kề tôi cho đến tận những dãy núi đồi chập chùng xa lắc, với những đỉnh núi hiện lờ mờ trên nền trời sáng mênh mông vô tận. Cảnh tượng tinh tú di chuyển giữa đêm khuya thật là quyến rũ. Trong lòng hân hoan, tôi dự định tản bộ đêm, nhưng mục tiêu của tôi là nghĩa trang lại ở quá gần, chỉ đi bộ chưa đầy một tiếng là đã đến nơi.

Khi đến gần nghĩa trang, đột nhiên tôi nghe một âm thanh rất lạ, vừa khàn đục vừa the thé, như muốn xé rách màn đêm tịch mịch. Âm thanh đó lặp lại nhiều lần, tiếp theo đó là tiếng trống damarou nhịp nhàng.

Giọng nói này rất quen thuộc với tôi. Không còn nghi nghờ gì nữa, một trong hai người đệ tử của lạt-ma Rabdjoms Gyatso đã đến đây trước tôi, và đang tiến hành nghi thức tcheud bên cạnh tử thi.

Địa thế nơi này giúp tôi đi đến gần chỗ đó mà không bị phát hiện, một vách núi dựng đứng đã che khuất bóng tôi. Từ chỗ nấp, tôi thấy rất rõ người đang hành lễ. Đó là người đệ tử gầy gò mà tôi muốn tặng thuốc để chữa trị. Trong bộ quần áo quen thuộc, anh ta khoác thêm cái áo zen, mặc dù cái áo này cũng rách bươm như cái áo bên trong, nhưng các nếp gấp lại ăn khớp hài hòa với dáng người dong dỏng cao của một thanh niên nên trông anh ta vẫn quý phái khác thường.

Khi tôi đến, anh ta đang đọc câu mật chú trong Bát Nhã Tâm kinh:

Yết đế, yết đế, ba la yết đế, tát bà ha
Này trí huệ bát nhã đã vượt sang đến bờ bên kia,
đã vượt sang bờ bên kia của bờ bên kia, xin chúc lành.[8]

Rồi những tiếng “tum, tum” đơn điệu của chiếc trống damarou cứ vang lên với âm thanh trầm đục cách khoảng, rồi chấm dứt một cách mơ hồ. Vị tu sĩ khổ hạnh kia tựa hồ như đang đắm chìm trong thiền định.

Sau một lúc, anh ta đứng lên, quấn chặt cái áo zen vào người, tay trái cầm chiếc tù và kangling giơ cao lên, cái trống damarou bật lên những âm nhát gừng hung dữ. Anh ta đứng đó với điệu bộ thách thức, tựa hồ như dáng đối diện với kẻ thù vô hình.

Anh ta gào lên:

– Ta đây, ta là một naldjorpa đây. Ta không hề sợ hãi, ta giẫm nát tự ngã, ma quỷ, chư thiên dưới chân ta!

 Rồi anh ta lại cao giọng kêu gọi những vị thánh lạt-ma đã khuất, những Yidamkhadoma[9] về cùng anh ta tham dự điệu nhảy trong nghi thức tcheud. Mỗi câu nói “ta giẫm nát dưới chân” lại kèm theo những cái giậm chân cật lực, và những tiếng gào “tsém chés tsém”vang dội rồi từ từ tắt dần.

Anh ta vén lại cái áo choàng quét đất, đặt cái trống damarou cùng chiếc tù và kangling ghê rợn qua một bên, rồi một tay cầm cây cọc, một tay cầm hòn đá, anh ta dựng một căn lều, miệng lẩm nhẩm tụng kinh.

Cái lều nhỏ nhắn làm bằng vải mịn, ngày trước hẳn rất trắng, giờ đây biến thành màu xám dưới ánh trăng ngà. Các âm Aum – A – Houm bị ngắt quãng trong tấm vải xanh như tô điểm thêm cho ba góc lều. Các lá phướn thần bí năm màu bay phất phơ trên nóc lều càng làm tăng thêm phần thảm đạm.

Vị tu sĩ gầy rộc này lộ vẻ bồn chồn. Anh ta đăm đăm nhìn xác chết bị phanh thây từng mảnh ở trước mặt, rồi ngước nhìn chân trời thu hẹp phía trước. Ánh trăng lung linh ảo huyền khiến mọi vật biến dạng như có như không, làm cảnh tượng càng thêm thê lương tàn tạ.

Vị tu sĩ tỏ vẻ lo lắng ngần ngừ, hai ba lần anh ta đưa tay lên trán, miệng cứ thở dài. Cuối cùng, như lấy được can đảm, anh ta vội vã chộp lấy chiếc tù và kangling thổi lên từng hồi, càng lúc càng dữ dội, như ném ra bốn phương lời thách thức đầy cuồng nộ, rồi anh ta quay trở lại căn lều.

Tôi nên làm gì bây giờ? Phần thứ hai của nghi thức đã xong, tôi chỉ còn nghe tiếng tụng kinh lầm rầm bị ngắt quãng bởi tiếng rên rỉ ai oán. Tôi nghĩ mình nên bỏ đi là hơn.

Khi cẩn thận rút lui khỏi chỗ nấp, thì tôi chợt nghe tiếng gầm gừ, và một con vật lao vút qua trước mặt tôi. Đó là một con sói bị tôi quấy rầy. Những âm thanh do vị naldjorpa tạo ra đã khiến nó chạy xa, và lúc này khi cảnh vật yên tĩnh trở lại, thì nó liều lĩnh quay lại để tiến đến gần mâm cỗ của mình.

Tôi vừa chuẩn bị leo xuống vách núi thì một tiếng hét làm tôi dừng lại.

– Ta đang trả nợ đây! Các ngươi hãy đến đây ăn thịt ta đi – vị trapa đang gào rống – Hãy đến đây hỡi loài ngạ quỷ. Bữa tiệc đây, thịt da ta sẽ biến thành thức ăn để các ngươi ăn thoả thích.

“Đây là những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ, những khu rừng rậm rạp xanh tươi, những khu vườn nở hoa, đây là thực phẩm thanh tịnh hoặc vấy máu, đây là y phục và dược phẩm… Hãy đến lấy hết đi, hãy ăn đi!”[10]

Trong cơn kích động, vị tu sĩ thổi chiếc tù và kangling rúc lên những âm thanh cuồng nộ, miệng kêu gào nghe thật khủng khiếp, đôi chân thì cứ nhảy cà tưng như một gã điên, đến cả chiếc lều đổ ập xuống trên đầu.

Anh ta ngọ nguậy một lúc rồi ló đầu ra với gương mặt hốc hác thất thần trông thật khủng khiếp, miệng kêu gào như kẻ đang lên cơn động kinh, tay chân múa may như đang chịu đựng những cơn đau dữ dội.

Lúc này tôi mới hiểu tác dụng của lễ tcheud đối với những kẻ bị nghi thức của nó thôi miên. Không còn nghi ngờ gì nữa, vị tu sĩ khốn khổ này đang cảm thấy lũ ma quỷ tụ tập lại cấu xé và ăn tươi nuốt sống anh ta.

Anh ta nhìn sang những phía khác và nói chuyện với những khán giả vô hình, tựa hồ như có những đoàn người đến từ thế giới khác đang đứng bao quanh anh ta để chiêm ngưỡng cảnh tượng kinh hoàng này.

Cảnh tượng cũng không kém phần hấp dẫn, nhưng tôi không đành lòng đứng lạnh lùng nhìn anh ta một cách bàng quang. Kẻ khốn khổ này không khéo đến tự tử mất với trò chơi rùng rợn này: đó là bí mật của căn bệnh của anh ta, và là lý do vì sao anh ta xem thuốc men tôi đưa đều vô bổ.

Tôi rất muốn đánh thức anh thoát khỏi cơn ác mộng. Tuy nhiên tôi lại ngần ngại, vì tôi biết rằng can thiệp vào là vi phạm luật: những kẻ tu học pháp môn này phải tự mình theo đuổi đến cùng mà không ai được giúp đỡ.

Trong khi đang do dự thì tôi lại nghe con sói tru lên. Nó đang đứng ở một mõm đá phía trên chúng tôi, và từ chỗ đó, nó sửng sốt nhìn cái lều cứ lăn tròn tựa như thấy phải quỷ ma.

Không còn chần chừ gì nữa, tôi lao vào anh ta, nhưng anh ta không còn nhận ra tôi nữa, mà gào lên bằng dáng điệu sôi nổi:

– Này loài quỷ đói, hãy đến ăn thịt ta đi, uống máu ta đi.

Anh ta ngỡ tôi là con quỷ! Dù thương xót anh ta nhưng tôi cũng suýt phì cười.

Tôi bảo:

– Hãy bình tỉnh lại đi! Chẳng có ma quỷ gì ở đây cả. Tôi là vị nữ lạt-ma đáng kính quen biết anh đây mà.

Anh ta tựa hồ không còn nghe tôi nói gì nữa, mà cứ luôn miệng kêu gào mời tôi ăn thịt anh ta!

Tôi nghĩ rằng có thể cái áo zen mà tôi đang quấn vào người, dưới ánh trăng mờ ảo, khiến tôi trông giống như một con ma.

Như trút được gánh nặng, tôi để anh ta nằm dài trên đất,và nói nhỏ nhẹ:

– Hãy nhìn tôi đi nào! Có nhận ra tôi không? Giờ đây….

Chỉ uổng công vô ích. Vị tu sĩ này đã mê loạn rồi. Anh ta đưa tay nắm lấy chiếc áo choàng phết đất của tôi, và cất giọng hỏi nó tựa hồ như đó là một con quỷ trong đoàn ma quỷ vây quanh.

Tại sao tôi lại chưa bỏ đi cơ chứ? Thật khó lòng lay tỉnh kẻ khốn khổ này.

Trong khi tôi đang phân vân không biết nên làm gì, thì vị trapa kia đã ngã đùng ra đất và nằm im bất động, dường như đã ngất đi. Tôi canh chừng xem anh ta có tỉnh lại hay không, song lại không dám đến gần vì sợ làm anh ta kinh hoảng thêm. Được một lúc, anh ta bắt đầu trở mình, và tôi thấy khôn ngoan nhất là nên rút lui.

 Tôi quyết định báo cho vị lạt-ma biết những điều xảy ra. Có lẽ môn đồ của ông ta đã quen với những cơn khủng hoảng tương tự, và rất có thể lạt-ma Rabdjoms Gyatso không hề biết chuyện này. Nhưng đêm nay, gã đệ tử dường như lên cơn hoảng loạn trầm trọng hơn mọi khi. Vị lạt-ma kia hẳn sẽ phái một đệ tử khác đi tìm anh ta và giúp anh ta thoát khỏi cơn đau đớn.

Tôi leo xuống vách núi và đi thẳng đến vùng bình nguyên. Trong suốt một khoảng thời gian dài, trong khi ba chân bốn cẳng chạy đến thạch động của vị lạt-ma, tôi vẫn nghe tiếng tù và kangling rúc lên từng hồi, xen kẽ với tiếng sói tru. Âm thanh nhỏ dần rồi tắt hẳn, tôi lại đắm chìm trong bầu không khí tịch mịch của đêm tối trên thảo nguyên.

Ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn trên bàn thờ cùng vì sao lấp lánh giữa hai sườn núi cho tôi biết chỗ ở của vị lạt-ma.

Tôi tránh đi qua căn lều của người đệ tử, và leo thật nhanh lên thạch động.

 Lạt-ma Rabdjoms Gyatso đang ngồi thiền định. Ông vẫn ngồi yên bất động, chỉ đưa mắt lên nhìn, khi tôi vén tấm màn lên để hỏi ông. Tôi nói thật nhanh gọn về tình trạng của người đệ tử.

Ông tủm tỉm cười, hỏi tôi bằng giọng thật bình thản:

– Dường như bà cũng biết đến pháp môn tcheud, Jétsunma?[11] Có đúng vậy không?

Tôi đáp:

– Vâng. Tôi đã từng thực hành pháp môn này.

Ông ta không nói gì nữa.

Tôi đứng chờ một lúc, nhưng thấy vị lạt-ma dường như quên bẵng sự có mặt của tôi, nên tôi phải nhắc lại lần nữa.

– Bạch hòa thượng (rimpotché) – tôi lên tiếng – tôi đã long trọng báo cho ngài biết. Tôi có một số kiến thức về y học, và tôi biết cơn kinh hoảng mà đệ tử ngài đang gánh chịu có thể dẫn đến đau ốm hoặc điên khùng. Anh ta đang có cảm giác như đang bị ăn tươi nuốt sống vậy.

– Đúng là y đang chịu đựng điều đó – vị lạt-ma đáp, với vẻ trầm tỉnh thản nhiên như mọi khi – có điều y không biết rằng y đang ăn thịt chính mình. Có thể một ngày nào đó y sẽ hiểu ra…

Tôi toan nói rằng trước khi biết được diều đó thì người đệ tử nhập môn kia phải tạo điều kiện cho những bạn đồng tu thực hành nghi thức tcheud trước xác của chính anh ta. Nhưng dường như đọc được ý nghĩ của tôi, vị lạt-ma đã ôn tồn nói tiếp, không kịp để tôi nói một lời:

– Tựa hồ bà muốn ám chỉ rằng bà đã quen thuộc với pháp môn “Đốn giáo” tức “Con đường tắt” với phương pháp tâm truyền. Vị bổn sư của bà có bao giờ nhắc nhở bà về những mối nguy hiểm mà người ta có thể trải qua khi tu tập pháp môn đó hay không, và bà có chấp nhận được ba mối nguy cơ: đau ốm, điên loạn hoặc chết hay không?

Ông ta nói tiếp:

– Thật khó mà tự giải thoát hoàn toàn khỏi những ảo tưởng, xóa sạch giả tướng của thế gian, và đưa tinh thần vượt qua được những niềm tin viễn vông hư ảo. Chánh kiến (Yangdag paï ltaba) là trân bảo cực quý báu và đòi hỏi phải trả một giá đắc. Có nhiều pháp môn để đạt đến Giải thoát Vô thượng (tharga). Có thể pháp môn tu tập của bà ít thô thiển hơn pháp môn của kẻ mà bà đang thương xót đó, nhưng tôi quả quyết rằng nó cũng gay go không kém. Bởi vì nếu dễ dàng thì pháp môn đó cũng chẳng có giá trị gì. Bây giờ, xin bà hãy quay về lều của bà. Trưa mai, nếu muốn, bà có thể đến gặp tôi.

Có nói gì nữa cũng vô ích. Vị lạt-ma chỉ trình bày những điều mà các đạo sư thần bí xứ Tây Tạng vẫn thường nói.

Tôi lặng lẽ chào ông và ra về.

Trưa hôm sau, tôi đến thăm lạt-ma Rabdjoms Gyatso, và tôi còn đến đó thêm mấy lần, trong những ngày hôm sau, để đàm đạo với ông. Lạt-ma Rabdjoms Gyatso không phải là một học giả, nhưng ông có những sở kiến thâm thúy về nhiều vấn đề, và tôi rất hài lòng được trò chuyện cùng ông.

***

Cũng không nên quá tin vào những câu chuyện liên quan đến pháp môn tcheud được lưu truyền trong giới naldjorpa. Tuy nhiên, cảm giác bị ăn tươi nuốt sống trong khi tiến hành nghi thức này không phải là điều quá hiếm hoi. Ngoài những câu chuyện được nghe kể, tôi còn được biết đôi câu chuyện khác, song cũng như lạt-ma Rabdjoms Gyatso, các vị thầy của những naldjorpa đáng thương đó đều từ chối giúp môn đồ phục hồi lại nhận thức chủ quan. Ngoài ra, như tôi đã kể, nhiều vị thầy khác lại tin rằng những nhận thức chủ quan đó cũng chưa hẳn hoàn toàn chủ quan.

Kịch bản và kinh văn liên quan đến pháp môn tcheud được cho là bắt đầu từ lạt-ma Padma Rigdzin, sơ tổ của tông phái Đại Viên Thành (Dzogstchén), sống cách đây khoảng 200 năm.

Năm 1922, tôi được gặp vị tu sĩ được cho là hóa thân của Padma Rigdzin, hoặc ít ra là người Tây Tạng tin như thế, đã nhiều lần tái sinh và luôn luôn giữ chức vụ trụ trì tự viện Dzogstchén.

Phong cảnh hoang dã tịch liêu chung quanh những ngôi chùa khiến ta dễ hiểu vì sao trí tưởng tượng của các tu sĩ luôn bị tác động bởi sự sầu bi thảm não.

 Lạt-ma Padma Rigdzin tỏ ra vui vẻ khi đón tiếp tôi chứ không lộ vẻ ảo não buồn rầu. Trong đầu ông chỉ lo toan tính công việc kinh doanh mua bán, cùng với những ham muốn trẻ con. Ông hỏi tôi rất lâu về Ấn Độ và xứ Miến Điện, tìm hiểu về những phẩm vật xuất nhập cảng ở các xứ đó. Ông tỏ ta quan tâm đặc biệt muốn biết làm thế nào có được một con công để đưa thêm vào bộ sưu tập thú rừng nho nhỏ của ông.

Tuy nhiên, cách xa những dinh thự lộng lẫy xa hoa của vị đại lạt-ma là những thảo am biệt lập – nơi an cư của các tu sĩ mà gương mặt nghiêm trang và phong thái thần bí rất phù hợp với cảnh vật tịch liêu hoang dã chung quanh.

Một số những thảo am này là nơi tu tập của những tu sĩ sống khổ hạnh và không giao tiếp với bất kỳ ai. Trong số họ, có những người khổ luyện để đạt được thần thông, có người đắm chìm trong thiền định để tìm cầu giác ngộ.

Đã từ lâu, tự viện Dzogstchén nổi tiếng là nơi truyền thụ những tâm pháp mật truyền.

***

Người nào đã thành tựu được pháp môn tcheud sẽ không còn quan tâm đến nghi thức nữa. Đối với họ, các nghi thức đó được quy kết thành sự thiền quán trầm tư, và những cảnh tượng khác nhau của nghi thức sẽ được phát khởi trong tâm thức. Chỉ trong một thời gian ngắn, cách tu luyện này không còn tác dụng đối với họ nữa.

Tuy nhiên, hồi ức về thời kỳ mới nhập môn hoặc vì những lý do riêng chỉ mình họ biết, vài vị gomtchén lại muốn cùng nhau tiến hành nghi thức tcheud. Nhưng trong trường hợp đó, buổi lễ trở thành một cuộc liên hoan, trong đó vị pháp sư thần bí vui hưởng trạng thái giải thoát tâm linh.

Tôi có một dịp hiếm hoi được xem một số vị ẩn tu người xứ Kham vóc dáng to lớn, mặc áo choàng sặc sỡ của những tu sĩ réspa,[12] tóc dài phủ gót, nhảy múa dưới bầu trời lấp lánh ánh sao, trên đỉnh hành tinh chúng ta, rồi chìm sâu trong thiền định cho đến tận sáng hôm sau, trong tư thế kiết già, mắt rủ xuống, ngồi yên bất động như những pho tượng đá.

Thật là cảnh tượng không thể nào quên.

Những kẻ săn tìm “luồng sinh khí”

Ngay ở đầu chương, tôi đã nhắc đến tín ngưỡng dân gian đối với những con quỷ chuyên đi săn tìm hơi thở hay luồng sinh khí. Ở Tây Tạng, những chuyện này được truyền khẩu rất nhiều.

Một số người Tây Tạng tin rằng trong khi có những người mang cốt ma quỷ sống lang thang vất vưởng đây đó, chuyên rình rập để “hớp hồn” hay cướp lấy “luồng sinh khí” của người sống, thì có những kẻ sống cố định một nơi và thích dịch chuyển luồng sinh khí thoát ra từ người chết. Có những cá nhân, nam hoặc nữ, làm việc này một cách vô thức trong trạng thái xuất thần.

Liệu những người đó làm việc này một cách thụ động, liệu họ có đến đoạt lấy “luồng sinh khí” hay không, khi có một người nào đó lâm chung? Không ai hiểu được, cũng không ai biết chắc về những “kẻ dịch chuyển luồng sinh khí” này. Nói chung thì chính bản thân họ cũng không hề biết mình đã làm gì với “kẻ song trùng” – một phần khác của chính mình – trong trạng thái xuất thần.

Một nhóm “chuyên đi hút sinh khí” nổi tiếng, phần lớn là nữ, đã chọn tự viện lịch sử Samyé, ở miền bắc Lhassa, gần dòng sông Brahmapoutre làm nơi trú ngụ.

Khi lưu lại ở Lhassa, tôi đã viếng thăm chỗ ở của họ. Chuyến đi thật thú vị và được nghe biết bao nhiêu câu chuyện hấp dẫn lạ thường.

Sát với thủ đô, bên tả ngạn sông Yésrou Tsangpo (tức sông Brahmapoutre), ta thấy một mô hình sa mạc Sahara thu nhỏ, nơi mà những đụn cát trắng cứ đùn lên từng ngày và xâm thực dần dần cả xứ sở này. Mặc dù bị dãy núi ngăn cản đường tiến, những đụn cát đã lan đến tận thung lũng Kyi, và lớp bụi mịn của chúng bắt đầu tích tụ dọc theo hàng rào bao quanh Norbouling, cung điện chốn thôn dã của vị đại lạt-ma.

Ở bên kia tự viện Dordji-tag xinh đẹp là một sa mạc thật sự. Thoạt tiên, từ xa, người ta vẫn thấy mình bị kẹp giữa chân núi, với một vài nông trang mà những cánh đồng bị cát phủ kín, rồi những dấu hiệu của dân cư hay của văn hóa dần biến mất. Xa tít tận chân trời, những đụn cát trải dài một màu trắng chói. Bầu trời trong vắt không mây, mặt trời sáng chói chang khiến tôi có cảm giác như mình đang ở Djerid, nhưng mặc dù cảnh vật gợi lên những nét tương đồng với sa mạc Phi châu, nhưng mùi không khí lại hoàn toàn khác biệt. Đó luôn luôn là mùi thoảng nhẹ dịu dàng rất đặc trưng của Tây Tạng, mà ta chỉ nhận biết ở độ cao ba ngàn mét.

 ***

Có rất nhiều truyền thuyết, hoặc rất cổ xưa, hoặc mới đây, kể về xứ sở này và nhiều nơi còn lưu những dấu tích thần kỳ. Một trong số những truyền thuyết hấp dẫn nhất là truyền thuyết về một tảng đá khổng lồ, dựng đứng chơ vơ giữa lòng sông. Cách đây nhiều thế kỷ, tảng đá khổng lồ đó bay trên không trung từ Ấn Độ sang Tây Tạng. Mục đích của chuyến phiêu lưu đó là gì? Lịch sử không hề kể cho ta biết. Có lẽ nó bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp tĩnh lặng của vùng thung lũng bao la, bởi dòng sông mênh mông, bởi bầu trời xanh biếc, nên đã sững sờ chiêm ngưỡng và dừng chân tại nơi đây, trên bãi cát bao la. Dù sao đi nữa, tảng đá cũng đã chấm dứt cuộc phiêu lãng và từ đó, nó ở mãi đó, cô liêu trong trạng thái ngây ngất triền miên, với dòng nước chảy dưới chân.

Tôi đến Samyé vào chiều tối.

Cảnh vật hầu như không đổi, sắc lạnh và huyền bí, giống như một người đến phút lâm chung.

Tôi đã từng thấy, trong sa mạc Gobi, niềm tuyệt vọng thầm lặng bao trùm trên muôn vật trước khi bị hút vào trong bóng tối, và những ánh mắt tuyệt vọng của những cành hoa cuống phủ bụi đầy; nhưng chung quanh Samyé, những thế lực huyền bí mơ hồ dường như hòa lẫn với những sức mạnh trong tự nhiên cùng buồn trước cảnh vật thê lương để tạo nên sắc thái của một niềm hoang mang câm lặng, gần như là hãi hùng.

Samyé, ốc đảo bị bao vây một nửa, bình thản chìm sâu trong những kỷ niệm của quá khứ huy hoàng, hoặc có thể đã đạt đến sự xả ly tối thượng, ốc đảo đó nhìn thấy những đợt thủy triều trí mạng chung quanh đang dâng lên gần như muốn nhận chìm cả nó. Những dãy núi cao bao quanh tự viện đã bị một lớp vải liệm bằng cát bọc lại đến tận đỉnh, và ngay nơi cửa chính của tự viện, những đụn cát mới – nơi nhô lên đỉnh của một hàng cây trông thật đáng thương – đã chiếm chỗ của lối đi ngày cũ.

Tự viện (gompa) được bao quanh bởi một bức tường vôi. Rất nhiều những ngôi tháp (chortën) nhỏ nhô lên khỏi bức tường, hẳn phải có khá nhiều trụ đặt cách đều nhau. Xa xa, những ngôi tháp trắng hoặc xanh với mái nhụ vàng của những ngôi đền nào đó nhô cao lên trên nền trời.

Trong bóng hoàng hôn, thoạt nhìn cảnh vật mờ mờ hư ảo, ta đã thấy vẻ đẹp kỳ thú mê hồn. Chìm khuất giữa một vùng đất hoang vắng thê lương, tự viện gợi cho ta hình ảnh một thành phố huyền bí được tạo ra bởi một tay phù thủy tài ba.

Quả thực, Samyé được xây dựng bởi một đạo sư huyễn thuật, và theo truyền thuyết thì nó được xây dựng một cách thần kỳ.

Samyé là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng nhất của Tây Tạng. Chính tại nơi này, vào khoảng thế kỷ thứ tám, tự viện Phật giáo đầu tiên của “Xứ Tuyết” đã được dựng lên.[13]

Biên niên sử Tây Tạng có ghi rằng ma quỷ của xứ này luôn tìm cách cản trở những công trình xây dựng; cứ đêm về là chúng phá hoại hết những gì được xây lên trong ngày. Đạo sư huyễn thuật lừng danh Padmasambhâva không chỉ thành công trong việc chặn đứng được sự phá hoại của lũ ma quỷ, mà còn hàng phục biến chúng thành những kẻ nô bộc để sai khiến. Lũ ma quỷ xây dựng tự viện xong chỉ trong một vài đêm.

Truyền thuyết trên đây chỉ là sự chuyển hóa một sự kiện lịch sử có thật. Trong lũ “ma quỷ” kiên trì cản trở việc xây dựng tự viện, ta thấy hình ảnh những tín đồ của tôn giáo cổ Tây Tạng: đó là những thầy pháp đạo Bön mà đạo sư Padmasambhâva phải chiến đấu suốt thời gian ông cư trú tại Tây Tạng để khuất phục họ.

Trong suốt một thời gian dài, Samyé đã từng là chỗ ở của những lạt-ma đầy quyền lực. Nền tảng của phái Mũ Vàng cùng với địa vị thống trị của nó, thông qua giới tăng lữ trong chính quyền, đã mất dần tầm quan trọng. Một phe lạt-ma khác thuộc phái Mũ Đỏ đã chống lại các đối thủ của mình, và sự hủy hoại hoàn toàn của tự viện Padmasambhâva lừng danh còn do nhiều lý do khác nữa. Lịch sử chỉ giải thích những lý do này được một phần, còn những người khác nhìn thấy trong sự đổ nát đó, như thấy trong sự bồi đắp không ngừng của cảnh vật chung quanh, tác động của những thế lực thần bí. Cho dù vì lý do gì đi nữa thì ngày nay Samyé hầu như đã trở thành phế tích, và chỉ còn khoảng ba mươi tu sĩ sống rải rác trong khuôn viên rộng mênh mông đó.

Rất nhiều ngôi nhà trước kia do các tu sĩ ở, giờ đây thuộc quyền sở hữu tư nhân của những đệ tử tục gia của tự viện, và chuyển thành nông trại. Một phần lớn đã đổ nát hoang tàn và trở thành những đống gạch vụn. Tuy nhiên, giữa nơi hoang phế đó, một số điện thờ vẫn còn được gìn giữ khang trang.

Là kiệt tác của một đạo sư thần bí, Samyé thấm nhuần tinh thần của người tạo ra nó. Mọi ngõ ngách, góc xó nơi đây đều phảng phất không khí huyễn thuật, và trong bóng hoàng hôn bảng lảng, đàn gia súc đủng đỉnh đi về chuồng trông kỳ dị và ma quái như yêu tinh giả dạng.

Trên thực tế, tự viện này đã từng là nơi an trú của một trong những lạt-ma thần bí và lỗi lạc nhất Tây Tạng: vị thánh lạt-ma Tcheukyong, mà nơi ở là ngọn tháp Ougs Khang đã khép kín.

Ougs Khang có nghĩa là “ngôi nhà chứa sinh khí”. Người Tây Tạng gọi nó bằng tên này, vì họ tin rằng luồng sinh khí của những người mới qua đời đều được đưa về đó. Có một số người khẳng định rằng “luồng sinh khí” của tất cả mọi người trên thế giới lúc lâm chung đều tụ hội về Samyé; một số khác khiêm tốn hơn cho rằng đám rước kỳ ảo của “luồng sinh khí” chỉ giới hạn trong khu vực, bao gồm cả thủ đô Lhassa.

Một lớp người đặc biệt phụ trách vấn đề này, có nhiệm vụ chuyển các ougs hay “luồng sinh khí” từ chỗ người chết trút linh hồn về đến Samyé.

Nên nhớ rằng, mỗi cá nhân thực hiện thao tác này một cách vô thức trong giấc ngủ, hoặc trong trạng thái xuất thần, mà không cần nhờ đến thể xác và cũng chẳng phải rời chỗ ở. Tuy nhiên, anh ta lại không nhớ gì về chuyến du hành đó.

Đối với những độc giả phương Tây thường hay chế nhạo người Tây Tạng, tôi muốn nói thêm rằng trong thời đại ngày nay, và ngay cả trong xứ sở phương Tây chúng ta, vẫn còn có những người hằng đêm cứ tưởng tượng mình đi du lịch đến những chốn xa xôi; và cũng giống như những người chuyên dịch chuyển “luồng sinh khí”, sau đó họ chẳng còn nhớ chút gì về chuyến đi của mình.

Sự truyền thông phổ biến nhất đó, phải chăng là điều mê tín?

Lý do vì sao các ougs (luồng sinh khí) được chuyển đến Samyé được giải thích như vầy: các nữ quỷ Singdongmo (là loài nhân sư, hình người mặt sư tử) đã chọn Samyé để cư trú. Ở tại đây, họ chiếm cứ một gian nhà trong điện thờ, là nơi mà vị thánh lạt-ma và vị thành hoàng bổn xứ Pékar từng sống.

Gian nhà này luôn khép kín. Trong một căn phòng luôn bỏ trống có để một tấm thớt và con dao lưỡi cong. Các Singdongmo dùng những thứ này để cắt đứt “luồng sinh khí”.

Cắt đứt “luồng sinh khí” có lẽ là điều quái dị bậc nhất, nhưng người Tây Tạng lại hoàn toàn tin tưởng điều đó theo cách của họ.

Tấm thớt và con dao được để trong hang của các quỷ cái một năm, sau đó chúng được thay bằng những thứ mới. Người ta tính toán rằng một năm là khoảng thời gian đủ để con dao bị mẻ, cùn.

Ougs Khang đã làm phát sinh biết bao câu chuyện kinh dị, đủ để gây nên những cơn ác mộng. Người ta mô tả sự chiến đấu của các “luồng sinh khí” bị giam cầm, tra tấn trong Ougs Khang, và kể lại những câu chuyện kinh hoàng về các “luồng sinh khí” đào tẩu khỏi chốn ngục tù, lang thang khốn khổ qua nhiều xứ sở để tránh bị các Singdongmo truy bắt.

Cư dân Samyé kể rằng, đêm đêm người ta vẫn nghe tiếng rên rỉ, kêu la, tiếng cười khóc, và tiếng dao thớt khua động từ Ougs Khang. Mặc dù ở sát bên cạnh những người láng giềng quỷ quái, nhưng điều đó cũng không cản được mọi người, tăng cũng như tục, đánh giấc say sưa ngay trong cái tự viện kỳ dị kia.

Trong thời gian ở Samyé, tôi đi tham quan Ougs Khang mà không bỏ sót một chi tiết nào. Trước cổng vào là những túi da biểu thị cho những cái bọc vô hình dùng để đựng những “luồng sinh khí”. Cửa chính bị khóa chặt bằng những cái khóa khổng lồ có đóng triện của đức Đạt-lai Lạt-ma.

Cánh cửa này chỉ được mở một lần duy nhất trong năm để lạt-ma Tcheukyong vào thay dao thớt. Theo một vị tu sĩ có chức sắc trong tự viện kể lại thì tục lệ này không còn được gìn giữ một cách nghiêm túc nữa, và việc thay đổi khí cụ cho các Singdongmo cũng thưa dần.

Ngày xưa, bất kỳ tu sĩ nào cũng được quyền đi theo lạt-ma Tcheukyong để vào chỗ ở của ma quỷ một cách ung dung thoải mái. Chính điều này đã dẫn đến một bi kịch lạ lùng.

Một hôm, vị tu sĩ kia kể lại, sau khi thay xong dao thớt đúng theo nghi thức, lạt-ma Tcheukyong chuẩn bị quay ra, thì vị tu sĩ đi cùng cảm thấy như có ai ở đằng sau nắm áo zen mình kéo lại. Ông ta kinh hãi la lên: “Hòa thượng!Hòa thượng! Có người kéo áo con!”

Cả hai cùng quay lại thì thấy căn phòng vẫn trống trơn. Đi tiếp tới cửa chính, lạt-ma Tcheukyong bước qua bục, vị tu sĩ kia vừa bước theo thì lăn đùng ra chết.

Kể từ đó, chỉ có lạt-ma Tcheukyong mới đủ quyền năng thách thức với đám ma quỷ trong Ougs Khang. Người ta cho rằng nhờ lễ thụ pháp và nhờ nắm giữ huyền lực của các câu mật chú mà vị lạt-ma này được những thế lực vô hình che chở.

Những kẻ đầu độc bị quỷ ám

Nếu như các Singdongmo thích đi cướp “luồng sinh khí”, thì có một số đồng bọn của lũ ác ma này lại thích dùng “những kẻ đầu độc” bị quỷ ám một cách vô thức, để săn lùng nạn nhân.

Vô số những câu chuyện liên quan đến những kẻ đầu độc này được lan truyền khắp đất nước Tây Tạng, và làm mất hồn bất kỳ du khách muốn đi tìm gặp một người trong bọn họ.

Vai trò kế thừa kỳ lạ của “kẻ đầu độc” thường được giao cho phái nữ.

Thuốc độc gì vậy? Chẳng một ai biết chính xác. Đây không phải là loại thuốc độc tự nhiên bằng thực vật hay khoáng vật, mà có lẽ là một dung dịch hỗn hợp các thành phần, gợi ta nhớ lại loại thuốc bả hay bùa yêu của những kẻ lưu manh thời Trung cổ. Nói cho chính xác hơn thì thuốc độc này chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng. Người ta kể rằng phụ nữ giấu chúng trong ngực, trong các túi nhỏ, nhưng trong thực tế chưa một ai thấy được các cái túi đó hình dạng ra sao, kể cả khi người ta lột trần truồng người bị nghi là mang thuốc độc trong mình. Do đó, người ta khẳng định rằng chúng vô hình, và điều đó càng làm tăng thêm vẻ rùng rợn.

Mỗi khi đến thời điểm chuẩn bị đầu độc, thì người giữ thuốc không được phép lơ là, mà thực hiện việc đầu độc trong trạng thái xuất thần.

Nếu không có một lữ khách nào xuất hiện vào thời điểm đó để bị đầu độc, thì người bị quỷ ám kia phải đầu độc bạn mình hoặc một người thân trong gia đình. Người ta kể, bằng giọng thầm thì, có những bà mẹ buộc lòng phải đầu độc đứa con trai duy nhất của mình, hoặc có những người chồngbuộc phải đưa bát trà định mệnh cho người vợ dấu yêu uống. Nếu không có ai gần kẻ đầu độc, hoặc những kẻ được mời uống lại từ chối không chịu uống, thì kẻ bị quỷ ám kia phải tự mình uống bát thuốc độc đó.

Tôi đã gặp một người được xem là người hùng trong câu chuyện đầu độc kỳ lạ.

Trong khi đi đường, anh ta ghé vào một nông trại xin uống nước.

Bà chủ nhà mời anh ta uống bia bằng cách rót nước nóng vào cái vại gỗ đựng lúa mạch lên men.[14] Sau đó, bà đi lên trên gác.

Người khách ngồi một mình, ngạc nhiên khi thấy nước trong vại gỗ cứ sôi hoài. Theo người Tây Tạng thì đây là dấu hiệu cho biết có độc.

Trên bếp lửa có một cái chảo đựng đầy nước sôi mà người đàn bà đã múc để rót vào vại gỗ. Nước cứ tiếp tục sôi hoài. Người khách cảm thấy nghi ngờ, liền lấy cái vá cán dài thọc vào chảo nước sôi, và đổ vại bia đi. Ngay lập tức, anh ta nghe một tiếng ngã lớn trên sàn nhà, ngay trên đầu mình. Bà chủ nhà mời anh uống bia đã ngã lăn ra chết.

Loại “thuốc độc” này là nguyên nhân gây nên bất an thường xuyên cho du khách ở Tây Tạng. Đã không biết bao nhiêu lần tôi được những người tốt bụng cảnh báo là không được ăn uống những thứ do người lạ mời.

Một số người quả quyết rằng, những kẻ bị quỷ ám kia rất thích đầu độc giới tu sĩ có chức sắc. Cái chết của một vị lạt-ma đạo hạnh sẽ giúp họ được chúa quỷ khen thưởng.

Có những bát gỗ dùng để kiểm tra chất độc. Khi rót chất lỏng vào, nếu chất lỏng đó có “thuốc độc” thì nó sẽ sủi bọt. Các bát gỗ loại này được bán rất đắt.

Đôi khi người mẹ trong nhà lại bị nghi ngờ mang “thuốc độc”. Không ai biết bà giấu nó ở đâu, cũng không ai thử cố tìm cho ra lẽ. Ai nấy đều cứ khư khư cho rằng “thuốc độc” đó vô phương cứu chữa, mà chẳng một ai chịu đứng ra biện hộ cho bà.

Họ rình rập, theo dõi từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất của người phụ nữ đáng thương đó, cách ly bà ta, và thường sẽ dẫn đến tình trạng bà ta cũng tưởng rằng mình đang mang “thuốc độc” trong người thật.

Cái chết của người giữ thuốc độc không chấm dứt được mối hiểm nguy. Loại thuốc độc vô tận đó sẽ lưu lại, và kẻ bị di hại sẽ không có cách nào chối từ được. Ít nhiều gì kẻ đó cũng bị quỷ ám, và đến lượt mình, anh ta lại trở thành kẻ đầu độc người khác.

Ở đây, tôi thấy cần phải lặp lại rằng dù là khi đầu độc, hoặc là khi di hại về sau thì người bị quỷ ám hành động hoàn toàn vô thức, giống như chịu sự sai khiến của một ý chí xa lạ.

Con dao bị phù phép

 Theo người Tây Tạng, không chỉ những sinh vật mới bị quỷ ám, mà ngay cả những đồ vật vô tri vẫn có thể bị quỷ ám như thường.

Trong các chương tiếp theo đây, bạn đọc sẽ thấy cách thức yểm linh phù của các pháp sư vào những vật vô tri. Mặt khác, người ta nói rằng những đồ vật nào đã được sử dụng quá lâu trong các nghi thức thần bí thì không nên dùng trong gia đình những người thế tục hoặc những lạt-ma chưa được thụ pháp, vì sợ rằng những đồ vật nguy hiểm bị pháp thuật hàng phục kia sẽ trả thù những ai chiếm hữu chúng, nếu không biết cách tự vệ.

Nhờ điều này mà tôi sở hữu được một số đồ vật lý thú. Không ít lần, các tay chơi đồ cổ đã nài nỉ tôi nhượng lại cho họ.

Một ngày nọ, một món quà bất ngờ từ trên trời rớt xuống cho tôi một cách lý thú, rất đáng kể lại đây. Trong một chuyến du hành, tôi gặp một đoàn lữ hành nhỏ gồm các lạt-ma, và bắt chuyện với họ, vì họ rất quen thuộc với lộ trình ít người qua lại này. Nhờ đó, tôi biết họ đang mang theo con dao pourba,là loại dao bị yểm linh phù, vì con dao đã trở thành nguyên nhân của biết bao tai họa.

Con dao này nguyên là vật dụng của vị lạt-ma trụ trì vừa viên tịch. Sau khi ông này qua đời, con dao bắt đầu gây họa. Ba tu sĩ sờ vào nó thì hai người lăn đùng ra chết, còn người thứ ba cưỡi ngựa bị té gãy chân. Tiếp theo đó, cây phướn lớn trước chùa đột nhiên gãy đôi như báo điềm chẳng lành. Các tu sĩ kinh sợ nhưng không dám hủy nó vì sợ tai họa càng lớn hơn nữa. Họ bèn đem nó bỏ vào trong một cái hộp, vậy mà vẫn nghe những âm thanh nó tạo ra trong đó. Cuối cùng họ quyết định đem con dao tai ác kia bỏ trong cái hang nhỏ ở một nơi thật hoang vu để dâng nó lên thần linh, nhưng đám người chăn dê ở đó phản đối, đe dọa làm dữ, vì con dao gợi cho họ nhớ lại câu chuyện được đồn đãi thời xưa. Theo truyền thuyết, không biết ở thời nào, có một con dao pourba cũng ở trong tình trạng tương tự như vậy, một hôm con dao chợt bay lượn một mình trên không trung và tàn sát cả người lẫn súc vật.

Đoàn người đáng thương kia vội vã bỏ con dao vào hộp, dán linh phù lên, trong lòng ai nấy đều nặng trĩu buồn lo. Gương mặt thiểu não như đưa đám của họ không cho phép tôi phì cười chế giễu. Tôi cũng tò mò muốn thấy con dao đó, nên ngỏ lời:

– Hãy cho tôi nhìn thử con dao pourba đó, biết đâu tôi lại có cách giúp các vị cũng nên.

Không một ai trong bọn họ dám rút con dao ra khỏi hộp. Cuối cùng, sau một hồi bàn bạc, họ đồng ý để tôi tự rút con dao ra.

Con dao đã quá cũ và trông rất đẹp. Chỉ có ba tự viện lớn mới sở hữu được con dao pourba loại này. Lòng tham chợt nổi dậy, tôi muốn chiếm hữu nó. Thế nhưng tôi biết các vị lạt-ma này không chấp nhận đổi nó để lấy bất cứ thứ gì trong thế gian. Cần phải suy nghĩ để tìm ra giải pháp.

Tôi ngỏ lời với đoàn lữ hành:

– Các vị hãy dựng lều nghỉ ngơi cùng chúng tôi. Cứ để mặc con dao pourba cho tôi giữ, tôi hứa sẽ….

Dù tôi chưa kịp hứa với họ điều gì, nhưng được ăn một bữa tối ngon lành và có dịp tán gẫu với đoàn người chúng tôi để vơi bớt lo âu, điều đó đã khiến họ đồng ý.

Khi đêm xuống, tôi đi xa khỏi lán trại, công khai mang theo con dao, mà sự hiện hữu của nó ở bên ngoài chiếc hộp dán linh phù đã khiến đám người Tây Tạng nhẹ dạ kia kinh hãi.

Khi thấy đi đã đủ xa, tôi cắm con dao gây họa kia xuống đất, rồi ngồi xuống trên một tấm chăn, trong bụng suy nghĩ tìm cách nào để các lạt-ma kia nhường con dao lại cho mình.

Tôi ngồi vậy chừng độ vài giờ thì đột nhiên tôi thấy bóng một vị lạt-ma hiện ra gần chỗ tôi cắm con dao ma quái. Tôi thấy ông ta bước tới rồi thận trọng cúi xuống, chầm chậm rút tay ra khỏi áo zen rồi đưa tay toan giật lấy con dao. Tôi vụt nhảy chồm lên, hành động còn nhanh hơn cả tên trộm, đưa tay giằng con dao lại.

À! Hóa ra đâu phải chỉ có mình tôi thèm muốn con dao này! Vậy là trong số họ cũng có một kẻ ít ngây ngô hơn đã nhận ra giá trị của con dao, nên muốn chiếm lấy để lén bán nó đi. Y ngỡ rằng tôi đã ngủ, và cho rằng tôi không nhận ra điều gì. Sáng hôm sau, việc con dao biến mất sẽ được gán cho một câu chuyện bịa đặt huyền hoặc mang đầy vẻ thần bí, và thế là sẽ có thêm truyền thuyết mới. Thật đáng tiếc là một kế hoạch đẹp đẽ như vậy lại không thành công, vì tôi đã giữ lại được con dao. Tôi nắm chặt con dao thần bí đó, nắm chặt đến mức tôi có cảm giác như nó rung nhè nhẹ trong tay tôi, không rõ do bị kích động bởi ý tưởng mạo hiểm, hay do sức ép của những hoa văn chạm trổ trên cán dao in hằn lên da thịt…

Thế còn tên trộm? Lúc này gã đâu rồi ?

Chung quanh tôi vẫn là bóng tối của đêm trường tịch mịch. Tôi nghĩ tên cướp dao kia chắc đã bỏ trốn trong khi tôi đang nhổ con dao ra khỏi đất.

Tôi chạy ù về lán trại. Thật là đơn giản, kẻ nào vắng mặt hoặc về sau tôi chắc chắn phải là tên trộm. Tôi thấy mọi người đều thức giấc cả và đang lâm râm đọc kinh hộ mạng.

Tôi gọi Yongden về căn lều của mình, rồi hỏi ngay:

– Có kẻ nào trong số họ vắng mặt không?

– Không vắng một ai cả – y trả lời – bọn họ đều sợ chết khiếp cả, đến không ai dám đi xa lán trại để đi tiểu đi cầu, khiến con phải mắng cho một hồi.

Vậy là tốt rồi! Có lẽ do tôi bị hoa mắt mà ra.

Tôi nói với tất cả bọn họ:

– Xin các vị hãy nghe kể chuyện vừa mới xảy ra…

Rồi tôi kể lại một cách trung thực ảo ảnh mà tôi gặp phải lúc nãy.

Bọn họ rú cả lên:

– Thôi đúng rồi! Đó là vị đại lạt-ma sư phụ của chúng tôi. Ngài muốn đoạt lại con dao đó. Nếu ngài lấy được con dao thì đã giết chết bà mất rồi. Ôi! Thưa Jétsunma, bà là một gomptchénma thực sự, cho dù có nhiều kẻ gọi bà là một philing (người ngoại quốc). Vị tsawalama (đạo sư tinh thần) của chúng tôi là một pháp sư pháp thuật cao cường nhưng vẫn không sao đoạt lại được con dao từ tay bà. Xin bà hãy giữ lấy con dao để nó không còn hại ai được nữa.

Tôi chia sẻ niềm vui của họ, nhưng vì một lý do khác họ: con dao pourba đã thuộc về tôi. Nhưng lòng trung thực không cho phép tôi lợi dụng tình trạng bối rối của họ, nên tôi lên tiếng:

– Xin quý vị hãy suy nghĩ lại, biết đâu bóng đen đó đã gây cho tôi ảo tưởng, có thể tôi đã ngủ thiếp đi và nằm mơ…

Họ không muốn nghe tôi nói gì nữa. Vị lạt-ma kia đã quay trở lại, tôi đã thấy ông ta, ông muốn đoạt lại con dao pourba mà không được, điều đó chứng tỏ tôi có pháp thuật cao cường hơn ông ta, tôi có đủ quyền hạn để sở hữu con dao đó v.v…

Tôi phải thú thực rằng tôi đã để mình bị thuyết phục một cách dễ dàng.

***

Thây ma kỳ diệu

Một số khá đông các đạo sĩ huyễn thuật tự hài lòng với những cảnh mơ mòng sầu thảm và những nghi thức rợn người, mà trong đó thây người chết đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Những pháp sư tầm thường chỉ có thể dùng các nghi thức này để luyện một số ma thuật, nhưng các pháp sư cao tay ấn lại tìm thấy trong đó những giáo pháp thần bí dưới hình thức những biểu tượng và ẩn dụ, hoặc là phương pháp tu luyện tâm linh thù thắng. Trong vấn đề này, không nghi ngờ gì nữa, trí tưởng tượng luôn giữ một vai trò lớn hơn những gì được lịch sử ghi chép lại trong thực tế.

Muốn tìm thấy được ý nghĩa của những pháp môn này, cần phải xét chúng dưới ánh sáng Mật giáo (tantra) của Ấn Độ giáo và đạo Bön. Đó là pháp môn tu luyện vô cùng đặc biệt, và phải cần đến cả một cuốn sách như cuốn này mới nói hết được. Tôi chỉ ghi lại đây những sự kiện lạ lùng mà tôi được nghe kể lại.

Câu chuyện sau đây tôi được nghe vào năm 1922, tại Tchérkou.

Vị lạt-ma trong câu chuyện này là tự viện trưởng tự viện Miniagpar Ihakang, không xa Tatchienlou. Người ta thường gọi ông là Tchogs Tsang. Ông là tác giả của nhiều lời sấm tiên đoán những biến cố diễn ra ở Tây Tạng, Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới.

 Lạt-ma Tchogs Tsang tỏ ra là một người kỳ quặc và là một tay bợm rượu. Ông sống rất lâu với lãnh chúa vùng Tatchienlou, được phong tước gyalpo (hoàng thân).

Một hôm, trong lúc chén thù chén tạc với vị lãnh chúa này trong bầu không khí thân mật, ông ngỏ lời cầu hôn cô em gái vị quan giám mã của ông hoàng. Ông quan này, lúc đó đang có mặt, liền thẳng thừng từ chối. Tchogs Tsang phừng phừng nổi giận, liền vất cái chén ngọc xuống đất vỡ tan tành, và nguyền rủa vị quan giám mã này sẽ chết trong vòng hai ngày nữa, vì đã dám khước từ lời yêu thỉnh của ông ta.

Ông hoàng không hề tin điều đó, vì thấy viên quan giam mã còn trẻ khỏe không có dấu hiệu gì chết yểu cả.

– Y sẽ chết đúng như lời ta nói. – Vị lạt-ma khẳng định.

Quả nhiên, hai ngày sau viên quan giám mã qua đời.

Ông hoàng và gia đình cô gái kinh hoảng liền đem gả cô gái cho ông ta, nhưng vị lạt-ma này từ chối.

– Lẽ ra cô ta rất có ích để ta đạt đến mục đích đem lại ơn ích cho hàng vạn con người. – Vị lạt-ma trả lời. Nhưng cơ hội đó đã đi qua rồi, còn giờ đây ta không cần lấy vợ nữa.

***

Câu chuyện trên đây hao hao giống với câu chuyện của Dougpa Kunlégs mà tôi đã kể trong chương đầu tiên. Đó là chủ đề phổ biến ở Tây Tạng.

Một buổi tối, lạt-ma Tchogs Tsang đột nhiên bảo vị tăng trị sự:

– Hãy thắng hai con ngựa rồi chúng ta lên đường.

Vị tăng trị sự nhắc cho vị trụ trì mình biết rằng đêm đã khuya, có gì thì cứ để đến sáng mai hẵng hay, nhưng vị lạt-ma ngắt lời:

– Đừng nhiều lời, cứ đi theo ta.

Hai người lên ngựa, lần trong bóng tối đi đến gần một con sông. Họ xuống ngựa và đi bộ đến bờ sông.

Dù trời tối đen như mực, nhưng mặt sông lại có một vùng sáng lấp lánh như phản chiếu ánh nắng mặt trời, và trong vùng sáng đó là một thây người chết đang trôi ngược dòng nước chảy. Chẳng mấy chốc, thây ma đó trôi đến gần lạt-ma Tchogs Tsang và vị tăng trị sự.

Vị lạt-ma ra lệnh thật ngắn gọn:

– Ngươi hãy lấy dao xẻ thịt người này ra và ăn một miếng.

Ông nói tiếp:

– Ta có một người bạn ở Ấn Độ. Hằng năm, cứ đến ngày này, ông ta lại gởi đến cho ta một bữa ăn như vậy đây.

Dứt lời, ông ta liền xẻ thịt thây ma ra để ăn.

Vị tăng trị sự sợ chết khiếp. Ông ta cũng vờ xẻo một miếng, nhưng không đưa vào miệng, mà lén giấu vào trong cái túi ambag.[15]

Xong xuôi, cả hai lên ngựa quay về tự viện vào lúc tờ mờ sáng. Đến nơi, vị lạt-ma bảo vị tăng trị sự:

– Ta muốn chia sẻ cho ngươi ân huệ và thành quả tuyệt vời của bữa ăn huyền bí đó, nhưng xét ra ngươi không xứng đáng. Bởi vậy ngươi đã xẻo thịt ra nhưng không ăn mà lại giấu trong áo.

Vị tăng trị sự đâm ra hối hận vì đã thiếu can đảm, nên thò tay vào cái túi ambag để tìm lại miếng thịt đó, nhưng nó đã biến mất.

Câu chuyện khó tin này tôi được nghe một vài vị ẩn tu phái Dzogstchén kể lại một cách nghiêm túc.Họ cho rằng những người khi tu luyện đạt đến trình độ giác ngộ tâm linh rất cao thì thân xác họ sẽ biến thành một loại chất liệu tự nhiên vô cùng vi tế, hoàn toàn khác với thân xác của người phàm mắt thịt. Phần đông chúng ta không thể phân biệt được sự biến đổi diễn ra. Ăn được một miếng thịt loại này sẽ giúp con người mở mang trí huệ và đạt được những quyền năng siêu nhiên.[16]

Một vị khác còn nói thêm:

– Nhiều khi phát hiện ra được một cao tăng như thế, nhiều tu sĩ khẩn khoản thỉnh cầu xin biết khi nào vị cao tăng kia viên tịch để xin ăn cho được một miếng thịt từ bảo thân đó.

Liệu những kẻ khao khát điều này có đủ kiên nhẫn để chờ đợi vị cao tăng kia viên tịch theo lẽ tự nhiên, hay là họ nôn nóng thực hiện điều mình mong muốn? Một trong số các vị lạt-ma kể cho tôi nghe chuyện này dường như khẳng định đã có trường hợp đó xảy ra, nhưng để làm dịu bớt độ thảm khốc, ông ta cho rằng nạn nhân tự nguyện hy sinh.

***

Quỷ nhập tràng

Một trong những nghi thức rợn người được các thầy phù thủy (ngagspa) nói đến là hiện tượng quỷ nhập tràng (ro-lang). Những tư liệu lịch sử cổ ghi lại rằng trước khi Phật giáo du nhập vào xứ này thì các thầy pháp Bönpo đã thực hiện điều đó trong các đám tang.

Thế nhưng hiện tượng xác chết chuyển động trong một khoảng thời gian ngắn so ra chẳng ăn thua gì khi so với những gì diễn ra trong suốt quá trình mặt-đối-mặt vừa kinh hoàng vừa quái dị, mà các pháp sư Tây Tạng mô tả lại. Cần phải nói rằng những nghi thức này hoàn toàn xa lạ với tinh thần Phật giáo cũng như Lạt-ma giáo chính thống.

Có nhiều loại quỷ nhập tràng mà ta cần phân biệt với nghi thức “hồi sinh”. “Hồi sinh” là nghi thức dịch chuyển linh hồn của một người chết nhập vào xác một người khác và làm cho xác đó hồi sinh, nhưng đây là hiện tượng “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Sau đây là một trong những hiện tượng quỷ nhập tràng khủng khiếp mà chính thầy phù thủy (ngagspa) thực hiện nghi thức kể lại cho tôi nghe.

Người tế lễ được đặt nằm trong quan tài chung với người chết, trong một phòng tối. Ông ta phải cố làm cho xác chết sống lại bằng cách nằm sấp trên xác chết, đặt miệng mình áp sát miệng xác chết, miệng không ngớt đọc mật chú, tập trung toàn bộ tinh thần không được xao lãng.

Sau một lúc thì xác chết sẽ bắt đầu động đậy. Xác chết sẽ đứng dậy tìm cách thoát ra. Lúc đó, thầy phù thủy phải dùng tay ghì xác chết thật chặt. Nó vùng vẫy càng lúc càng dữ dội, nhảy tung lên để hất thầy phù thủy văng ra. Ông ta phải càng ôm chặt hơn nữa, và nhảy theo, miệng vẫn dán chặt vào miệng xác chết. Cuối cùng, xác chết thè lưỡi ra. Đây là giây phút quyết định. Thầy phù thủy phải lập tức dùng răng cắn đứt cái lưỡi đó. Sau khi xác chết ngã lăn ra đất thì cái lưỡi được phơi khô cẩn thận để luyện thành một loại vũ khí ma thuật đầy quyền lực.

 Thầy phù thủy đó mô tả một cách sống động giai đoạn xác chết từ từ sống lại, tia sáng đầu tiên từ đôi mắt phát ra, rồi nó chuyển động mỗi lúc mỗi mạnh hơn, cho đến khi ông ta phải vận dụng hết sức lực mới ghì chặt được nó sát vào người. Ông ta kể lại cảm giác rợn người khi xác chết bắt đầu thè lưỡi ra chạm vào môi mình, vì đó là giây phút sinh tử, ông ta buộc phải chiến thắng bằng mọi giá, nếu không thì ông ta bị cái xác kia giết chết.

Cuộc chiến kinh dị này phải chăng chỉ mang tính chủ quan thuần túy? Phải chăng nó chỉ là hệ quả của những ảnh tượng mà các đạo sư huyễn thuật Tây Tạng là chủ thể tạo ra, rồi tùy nghi biến đổi? Tôi tỏ ý nghi ngờ và muốn được xem “cái lưỡi” đó. Nói cho đúng, thầy phù thủy nọ chỉ đưa cho tôi xem một vật đen đen chai cứng có thể là cái lưỡi, nhưng điều đó cũng chẳng xác minh được một cách chắc chắn nguồn gốc của vật linh gớm ghiếc kia.

Tuy vậy, đa số những người Tây Tạng vẫn tin chuyện cắn lưỡi quỷ nhập tràng là hoàn toàn có thật.

Nhập vai thầy phù thủy để đe dọa kẻ trộm “cứng cỏi”

May mắn một điều là nghề phù thủy ở Tây Tạng bao gồm những thành phần không đến nào. Hơn một lần tôi phải đóng vai thầy phù thủy hoặc để làm hài lòng người chủ nhà tốt bụng, hoặc vì tôi thích. Tôi xin kể lại một câu chuyện mà kỷ niệm về nó vẫn còn làm tôi thích thú đến tận hôm nay.

***

Đoàn chúng tôi gồm có sáu người: Yongden, ba gia nhân: Tséring, Yéché Ouandu, seunam – thêm một chú lính người Trung Quốc theo đạo Hồi, anh này vừa hồi hương dẫn theo một người vợ người Tây Tạng và một cậu nhóc trai, tôi không kể hai người đó vào đây.

Một buổi chiều nọ, tôi cùng Yongden và người phụ nữ Tây Tạng đi sau đoàn để hái cây cỏ. Mặt trời đã ngả bóng, cần đi theo kịp đoàn và tìm nơi cắm trại nghỉ ngơi. Cả ba chúng tôi đều xuống ngựa tản bộ để ngắm cảnh vật yên tĩnh về chiều. Khi đến chân đèo, đột nhiên tôi phát hiện có ba kẻ cầm súng lấp ló sau mô đất gần khe nước bên trái.

Lẽ ra tôi cũng chẳng quan tâm đến họ làm gì, nhưng ở xứ này, bất kỳ người Tây Tạng nào hễ thấy khách qua đường đều cất tiếng “Ogyé! Ogyé!” để chào rất lịch sự, rồi niềm nở hỏi thăm khách từ đâu đến, đang đi về đâu. Còn ba kẻ này lại lặng lẽ ẩn ấp bên vệ đường hẳn chờ cơ hội để trộm cướp khách qua đường.

Vờ như không thấy chúng, tôi cứ đi tiếp, lần tay dưới tấm áo choàng để biết chắc cây súng vẫn nằm sẵn đó. Tôi kìm ngựa chờ người phụ nữ đến gần, rồi thì thầm:

– Cô có thấy chúng không?

– Vâng, có thấy, bọn cướp đó mà. – Cô trả lời bằng giọng hết sức bình thản của những cô gái Tây Tạng, tựa hồ sự cố này chẳng làm cô ngạc nhiên chi hết.

Tôi giả bộ chăm chú nhìn một cây mọc bên đường rồi gọi Yongden đến gần, làm ra vẻ như chỉ anh ta thấy cây đó, miệng hỏi nhỏ:

– Con có thấy những kẻ kia không?

– Dạ không.

– Ba kẻ mang súng, có lẽ là bọn cướp; cô kia đã thấy rồi. Hãy chuẩn bị súng đi. Chúng ta cứ dắt ngựa đi bộ đến ngã rẽ đàng kia, đợi khi khuất tầm nhìn của bọn chúng là nhảy phóc lên ngựa chạy cho nhanh để theo kịp những người trong đoàn. Ai biết được ba kẻ kia có phải là bọn cướp hay không?

 Tôi thận trọng nói câu này bằng tiếng Anh để những người Tây Tạng kia khỏi nghe được.

Đến ngã rẽ, chúng tôi liền nhảy lên ngựa phi nước đại. Ô hay! điều gì đã xảy ra? Chúng tôi nghe tiếng súng nổ xa xa phía trước, bèn hối hả thúc ngựa chạy nhanh hơn nữa. Lán trại đã hiện ra trong đám cỏ xanh, bên cạnh bờ sông trông thật bình yên.

Chưa kịp xuống ngựa, tôi đã hỏi ngay:

– Các ông có thấy ba kẻ lạ trên đường đi không?

Tất cả đều đáp:

– Thưa bà, chúng tôi không thấy gì hết.

– Vậy thì tiếng súng vừa rồi ở đâu ra?

Mọi người lộ vẻ bối rối.

– Đó là tôi bắn thỏ – người lính thú nhận. Chúng ta không còn thịt ăn nữa, bà xã tôi gầy ốm quá…

Tôi không biết phải giải thích thế nào. Tôi nghiêm cấm những người tùy tùng không được săn bắn, nhưng người lính này đâu phải là người tùy tùng giúp việc trong đoàn. Tôi bèn lảng sang đề tài khác:

– Tôi thấy có ba kẻ lạ, chắc chắn là bọn cướp. Đêm nay chúng ta phải canh gác cẩn thận. Có thể bọn chúng còn có đồng bọn ở quanh đây…

 – Ô! Có hai tên đàng kia kìa!

Tséring la lên, đưa tay chỉ về phía hai bóng người xuất hiện sừng sững trên đỉnh núi, sát lán trại chúng tôi..

Tôi lấy ống nhòm ra xem, đúng là hai tên tôi đã gặp trên đường. Vậy thì tên thứ ba ở đâu? Có phải y đi gọi thêm đồng bọn? Hai tên kia đứng quan sát chúng tôi từ trên cao

– Đừng bận tâm đến bọn chúng. – Tôi vạch ra kế hoạch phòng thủ khi mọi người tập trung uống trà. – Chuẩn bị vũ khí sẵn sàng nhưng đừng để lộ ý đồ ra. Phải để bọn chúng biết rằng nếu bọn chúng tấn công ta thì ta sẽ có cái để đáp trả.

***

Trà đã sẵn sàng: một trong hai cậu nhỏ thọc cái vá vào chảo nước, hất nước lên không, tung ra bốn phía, miệng kêu lên: “Mời uống trà! Lạy trời đất!” Ngồi quanh bếp lửa, với những bát trà đầy, chúng tôi bàn tiếp những việc phải làm.

Dù có nhổ lán trại dời ra xa cũng chẳng ích gì. Tại vùng sơn cước rộng mênh mông này, chẳng có chỗ nào bằng phẳng để chúng tôi cắm trại cả. Nếu bọn cướp có ý đồ bám theo thì trong ngày mai, ngày mốt hoặc tuần sau thế nào chúng cũng tìm ra chúng tôi. Những con bò yak chậm chạp lại mang hành lý cồng kềnh này phải đi ít nhất một tháng mới đến được xứ sở Trung Quốc hoặc ngôi làng đầu tiên.

Những người tùy tùng đề nghị lùng sục khu vực chung quanh để biết chắc không có tên cướp nào lảng vảng quanh đây, nhưng tôi thấy ý kiến này không hay lắm. Bọn cướp có thể lợi dụng lúc họ vắng mặt để tấn công lán trại. Người lính Trung Quốc đưa ra một phương án hợp lý hơn:

– Chúng ta cứ tập trung cả nơi đây suốt đêm nay. Trong đêm tối, bọn chúng không thể dò xét động tĩnh của chúng ta được. Tôi và hai cậu nhỏ này sẽ chia ra nấp trong các bụi cây ngoài lán trại, một người khác canh giữ gần lều. Suốt đêm anh ta cứ việc gõ vào một cái gì đó giống như những lính Trung Quốc gõ trống canh. Nếu bọn cướp mò đến, chúng sẽ tưởng anh ta đang gác cho chúng ta ngủ. Trước khi chúng đến được trại thì người nằm phục kích gần chỗ chúng đi qua sẽ nổ súng phía sau chúng, hai người còn lại ở hai bên xông ra tập kích, trong lúc đó cả ba chúng tôi sẽ tấn công trước mặt. Bị tấn công bất ngờ từ nhiều phía, kế hoạch của chúng thế nào cũng bị thất bại, nếu bọn chúng không đông thì chắc sẽ bỏ chạy.

Trong tình huống thế này thì mưu kế đó nghe ổn nhất, nên tôi gật đầu đồng ý. Chúng tôi buộc chặt tất cả các con vật bằng mọi phương tiện có được, bởi vì khi bọn cướp Tây Tạng quá ít không thể tấn công đoàn lữ hành được thì bọn chúng thường bắn loạn xạ trong đêm tối để làm các con vật kinh hãi, bứt dây bỏ chạy. Bọn cướp sẽ lập tức đuổi theo để bắt lấy, rồi đem bán ở nơi xa, đến lúc đó thì khó lòng mà tìm lại được.

Yongden nằng nặc bảo tôi đem cái túi xách và những hộp đựng lương khô sắp xếp thành chướng ngại vật, làm chỗ ẩn nấp để bắn kẻ thù. Tôi thấy mặc dù được coi là một trí thức ở xứ sở này, song kiến thức của cậu con nuôi tôi về chiến tranh dường như chẳng có gì. Theo cách này thì chẳng thà đem xác chúng tôi ra làm chướng ngại vật còn hơn.

Chưa bao giờ tôi trải qua một đêm tuyệt vời như đêm hôm đó, khi từng phút chúng tôi cứ hồi hộp chờ đợi bọn cướp tấn công vào lán trại nhỏ bé của mình. Nhưng không phải viễn cảnh chờ bọn cướp tấn công làm tôi thích thú khi thức suốt đêm, mà là chuyện khác.

Tséring đang ngồi trước cửa lều, miệng ngêu ngao ca hát, một tay cầm bát trà, một tay cầm đũa gõ vào chảo để đánh nhịp. Nó đang hát lại một giai điệu dân ca của xứ Kham, có lẽ cả ngàn lần rồi, ca ngợi những khu rừng xanh, những đỉnh non tuyết phủ, những công trình của bao vị anh hùng hy sinh vì đất nước.

Tséring hát rất hay với giọng nam trầm, độ vang hùng tráng hòa quyện với sắc màu thần bí. Những bài ca nói về các nữ thánh, về những vị lạt-ma thánh thiện, và những chỗ chuyển điệu kết thúc bằng sự khao khát nhiệt thành hướng về sự khai mở tâm linh để chấm dứt mọi khổ đau cùng sợ hãi: Douk méd, djigs méd Sangyais thob par chog! (Tôi nguyện đạt đến cảnh giới của đức Phật, là đấng đã vượt trên khổ đau và sợ hãi.)

Cái chảo đồng bình dân đó biến thành nhạc cụ đệm theo lời thơ, âm thanh kim loại rung theo tiếng chuông mềm mại.

Cậu nhỏ tùy tùng của tôi hát không hề biết mệt. Cậu ta cứ tiếp tục một mình ngồi hát những giai điệu mê hồn đó cho đến tận sáng hôm sau. Những người canh gác đêm qua đã quay về, toàn thân tê cóng vì lạnh. Họ vội vã nhóm lửa và pha trà. Tséring thôi không hát nữa, cái chảo làm nhạc cụ đó đã được đổ đầy nước và đặt trên bếp lửa để trở về với nhiệm vụ thường ngày. Yongden ngủ thật say, chướng ngại vật đã biến thành cái gối để anh ta gối đầu.

Bọn cướp không tấn công chúng tôi, song bọn chúng vẫn còn lẩn quẩn chung quanh. Khi chúng tôi vừa dùng điểm tâm xong thì cả ba đều xuất hiện, mỗi người dắt một con ngựa. Những người tùy tùng của tôi lao cả tới, hỏi:

– Các ông là ai ? Hôm quá chúng tôi đã thấy các ông rồi? Các ông làm gì ở đây?

– Chúng tôi đi săn. – Một trong ba tên trả lời.

– Ồ! Hay quá! Chúng tôi đang thiếu thịt, bán cho chúng tôi một ít thịt thú rừng đi.

Lời đề nghị làm cho những kẻ giả dạng thợ săn kia bối rối, một tên trả lời:

– Bọn tôi vẫn chưa bắn được con nào…

Những người tùy tùng của tôi biết cách xử trí. Tséring lên tiếng:

– Các ông có biết đến một vị gomptchénma đáng kính đi chiêm bái với cái lều rất đẹp và khoác pháp phục mạ vàng hay không?

– Có phải bà ta là vị Jésune Kouchog sống ở Jakyendo hay không? Bọn tôi có nghe nói đến bà ta.

– Đúng rồi, chính bà ta đây. Các ông cũng biết là bà ta không hề sợ bọn cướp. Bất cứ kẻ nào che giấu cái gì cũng đều bị bà ta tìm ra ngay. Bà ta chỉ cần nhìn vào bát nước là lập tức thấy ngay hình ảnh bọn trộm cùng vật bị trộm và chỗ cất giấu.

– Quả đúng là vậy. Những người chăn dê nói rằng những người ngoại quốc đều có khả năng đó.

Tséring biết câu chuyện ngụ ngôn nhìn bát nước để tìm vật mất, nên khéo léo vận dụng để hù dọa bọn kia, và cảnh báo bọn chúng không nên tìm thêm đồng bọn để tấn công chúng tôi làm gì vô ích.

Mười hai ngày sau, mỗi lần nghỉ qua đêm chúng tôi chọn vị trí đối diện với đám người du mục. Tôi đi ngủ trước khi trời tối hẳn, nằm trong lều tôi nghe thấy rất nhiều khách đến viếng thăm. Họ mang sữa và bơ làm lễ vật đến để xin được gặp tôi. Yongden bảo họ rằng vị gomptchénma rất là bận rộn không được quấy rầy, chờ đến sáng mai bà sẽ tiếp tất cả mọi người. Có tiếng bàn tán lao xao, rồi một người tùy tùng của tôi lên tiếng mời những người chăn dê đi uống trà. Tất cả đi xa dần và tôi không nghe gì nữa.

Tờ mờ sáng hôm sau, Yongden đã xin phép vào lều tôi. Vừa bước vào, anh ta đã lên tiếng:

– Thưa bà, trước khi những người chăn dê quay lại, con phải giải thích cho bà biết tối qua họ yêu cầu bà những điều gì. Họ giả bộ bị mất ngựa, mà bọn trộm là những kẻ lạ. Họ đến đây là muốn nhờ bà nhìn vào bát nước để tả lại chân dung bọn xấu cùng chỗ bọn chúng giấu ngựa.

Tôi hỏi lại:

– Vậy con đã nói họ những gì?

Vị lạt-ma kia đáp:

– Con biết họ muốn cài bẫy bà. Có thể là họ không tin lắm vào khả năng kỳ diệu của những người ngoại quốc như lời đồn đãi. Có thể là họ không bị mất ngựa như họ nói, mà họ muốn xác định liệu họ có thể tấn công bà mà không bị trừng phạt hay không. Nếu bà bảo rằng bà thấy được bọn trộm ngựa và nơi giấu ngựa thì bọn họ kết luận rằng bà đã bị lừa, thực tế bà chẳng có năng lực nhìn vào bát nước gì cả, và thế là bọn họ chẳng còn sợ gì bà nữa.

“Bởi vậy – anh ta nói tiếp – con bèn khẳng định cho bọn họ biết rằng bà có khả năng đọc được suy nghĩ của họ nữa, nhưng để tiến hành nghi thức này, thì một bát nước sông thôi chưa đủ, bà cần phải tế lễ ba ngày. Con nói thêm rằng không biết liệu bà còn có ở đây được ba ngày nữa hay không. Bọn họ chấp nhận sắm mọi lễ vật cần thiết. Sau đó, biết rằng ý tưởng đưa kẻ ăn trộm vào án tử sẽ khiến họ kinh hãi, nên con nhấn mạnh rằng sau khi phát hiện ra kẻ trộm, bà sẽ đưa chúng đến vị quan Trung Quốc để phân xử. Hung thần To-ouo,[17] thông qua quyền năng của người thực hiện, sẽ cho đòi họ tới với tư cách là nạn nhân, và nếu những kẻ trộm chưa đáng tội chết thì hung thần To-ouo sẽ trút cơn thịnh nộ lên kẻ bị mất cắp về tội đã triệu tập họ. Khi nghe con nói vậy, bọn người chăn dê kia tỏ vẻ kinh hãi và đề nghị với con là cứ để bọn họ tự đi tìm lũ trộm theo cách của họ, và sẽ bắt lũ trộm kia nộp tiền phạt. Giờ đây, những người chăn dê sắp đến rồi, bà cứ nói theo những gì con vừa nói.”

***

Những kẻ chăn dê đến với những lễ vật mới, tôi phân phát thuốc men cho những người bệnh, và câu chuyện mất ngựa lại được đặt ra. Tôi khẳng định những gì cậu con trai nuôi của tôi đã nói, những điều khiến những người chăn dê kia từ bỏ ý tưởng muốn thử nghiệm khả năng tiên đoán của tôi.

***

Tséring đã từng đến Tatchienlou và phục vụ cho những người Âu ở đó. Nhờ tiếp xúc với họ mà cậu ta trở nên mạnh dạn cứng cỏi, và cảm thấy thích thú phô trương sự hoài nghi của mình trước những người bạn ngây ngô cùng trang lứa. Tuy nhiên nhiều ngày sau, tính nhẹ dạ của những người chăn dê tội nghiệp dễ bị lừa kia lại trở thành đề tài giễu cợt.

***

Không bao lâu sau, tôi trở lại với bờ hồ xanh bát ngát, với tự viện linh thánh Koukou-Nor được hàng triệu người Mông Cổ và Tây Tạng sùng kính, mà cách đây mấy năm tôi đã từng đến chiêm bái.

Một hôm đi tắm ở hồ về, tôi phát hiện Tséring chạy vội ra khỏi lều của Yongden, dáng điệu lén lút như giấu vật gì trong túi. Nó chạy lẹ về nhà bếp mà không hề thấy tôi đi sau lưng. Tối hôm đó, Yongden tâm sự với tôi rằng vì lo toan nhiều việc khác nên khi đếm tiền, anh ta bỏ quên túi tiền trong lều, và khi kiểm lại thì thấy mất ba rupi.

Tôi nhủ thầm trong bụng:

– Thôi rồi, mình đã biết kẻ trộm là ai.

Tôi bèn nhắc nhở vị lạt-ma trẻ kia phải cẩn thận hơn, và không kể chuyện này với ai hết.

Ba ngày sau, tôi đặt một nắm cỏ và ít gạo trên bàn mình, sau đó thắp hương và đặt một bát nước ở giữa.

Tôi đợi đến lúc những người tùy tùng của tôi đi ngủ, biết chắc rằng ai nấy đều đặt túi tiền của mình dưới đầu thay cho chiếc gối.

Tôi gõ trống và rung chuông như các vị lạt-ma vẫn thường làm khi tế lễ, rồi cất tiếng gọi Tséring. Khi nó đến trước mặt, tôi thổi hơi vào bát nước, sau đó dùng một cành hoa khuấy nhẹ, rồi cất giọng như sấm truyền:

– Tséring! Ba rupi bị mất từ túi túi tiền của Yongden, ta thấy chúng nằm dưới đầu của nhà ngươi khi nhà ngươi đang ngủ, hãy đem chúng lại đây.

Cậu nhóc cứng cỏi kia chết sửng, không nói được lời nào. Mặt mày tái xanh, nó sụp lạy ba lần dưới chân tôi, rồi quày quả chạy về lều đem ba đồng rupi lấy trộm ra đưa cho tôi.

Nó run run hỏi tôi:

  •  Thưa gomptchénma đáng kính, liệu thần To-ouo có xử con tội chết không?

– Không đâu – tôi trả lời bằng giọng bao dung – ta sẽ can thiệp để ngài tha thứ cho nhà ngươi.

Nó vội quỳ lạy một lần nữa rồi lui ra.

Ngồi một mình trong căn lều trống giữa sa mạc tịch mịch, tôi lại gõ trống và rung chuông theo nghi thức của các vị lạt-ma, miệng hát những bài lễ tụng ca, trong lòng thầm nghĩ đến sức mạnh của đức tin trong tinh thần con người, và khía cạnh sâu xa của vở hài kịch mà tôi vừa diễn.


[1] Trong tiếng Tây Tạng viết là gtchod (T.g). Bản tiếng Anh phiên âm là chöd.

[2] Géché là học vị tương đương với “tiến sĩ triết học”. Girgi là thành phố của tỉnh Kham, nằm ở miền đông Tây Tạng (T.g).

[3] Hình nhân ảo, những thứ được tạo ra từ huyễn thuật (T.g).

[4] Từ “quán tưởng ” ở đây (tiếng Tây Tạng là migspa) chỉ sự tập trung tư tưởng cao độ, đến mức biến một hình ảnh chủ quan, do người ta tưởng tượng ra, trở thành một đối tượng khách quan. Đó là trạng thái xuất thần, trong đó những sự kiện và địa điểm tưởng tượng sẽ thay thế hoàn toàn cho những sự kiện và địa điểm được cảm nhận trong trạng thái ý thức bình thường. (T.g)

[5] Đây là các cách nói phổ biến của người Tây Tạng khi nhận những đồng tiền đúc trong giao dịch, vì thông thường họ chỉ trao đổi hàng hóa cho nhau (T.g).

[6] Thang là vùng bình nguyên rất rộng, tương đối bằng phẳng. (T.g)

[7] Thổ ngữ phương Bắc của đám người chăn nuôi Tây Tạng, dùng để chỉ một ngôi chùa nhỏ làm bằng lều da thay vì bằng đá (T.g).

[8] Cách dịch của tác giả có khác đôi chút với các bản dịch thông thường: O sagesse qui est allée, allée; Allée dans l’au- delà et au- delà de l’au- delà; swahâ !

[9] Xem ý nghĩa chi tiết ở chương 7.

[10] Đây là những câu trong kinh văn (T.g).

[11] Có nghĩa là “quý bà đáng tôn kính”. Từ này dùng để gọi những phụ nữ chức sắc cao trong lạt-ma giáo (T.g).

[12] Những tu sĩ tu luyện nhiệt công (tumo), xin xem chi tiết ở chương 7.

[13] Truyền thống muốn rằng các Phật tử từ Ấn Độ đến Tây Tạng vào khoảng thế kỷ 11 đã xây tự viện Phật giáo, nhưng lại không có chứng cứ nào (T.g).

[14] Đây là cách uống bia nóng theo tập tục của những cư dân vùng Hy Mã Lạp sơn (T.g).

[15] Loại túi nhỏ người Tây Tạng thường mang trên thắt lưng của tấm áo choàng (T.g).

[16] Trong Tây du ký kể chuyện các loài yêu quái muốn ăn thịt Đường tăng Tam Tạng để được trường sinh bất tử có lẽ cũng liên quan truyền thuyết này.

[17] To- ouo có nghĩa là “cơn thịnh nộ”. Đây là một nghi thức vấn linh rất khủng khiếp. (T.g)

Thảo luận