Rời Jigatzé và chốn ẩn tu, tôi băng qua Hy Mã Lạp sơn để trở về Ấn Độ.
Thật đáng tiếc khi tôi phải rời bỏ xứ sở đầy quyến rũ, nơi tôi đã sống một cuộc đời tuyệt diệu suốt mấy năm trường. Nhưng dù cái phòng đợi trước cửa ngõ vào Tây Tạng có hé lộ cho tôi thấy bao nhiêu điều hấp dẫn đi nữa, thì tôi vẫn hiểu rằng “Xứ Tuyết” mênh mông kia hãy còn che giấu những giáo lý huyền diệu cùng những pháp môn thù thắng trước những con người phàm tục. Những tháng ngày lưu trú ở Jigatzé đã cho tôi thấy một Tây Tạng kinh viện của các học giả uyên bác, những tự viện đại học cùng những xưởng in… Còn biết bao nhiêu điều cần học hỏi! Và tôi lại lên đường…
Lưu trú tại Miến Điện. Ẩn cư trên ngọn Sagain, bên cạnh Kamatang – vị lạt-ma thuộc dòng khổ tu bậc nhất.
Lưu trú tại Nhật Bản, trong bầu không khí tĩnh lặng thăm thẳm của thiền viện Tokofu-ji, nơi tập trung những thành phần trí thức quý tộc của xứ này.
Lưu trú tại Coresee, tại Panya-an (tự viện Bát Nhã), một chốn ẩn tu nằm khuất trong rừng. Nơi đây, những nhà tư tưởng sống một đời khổ hạnh lặng lẽ và bình dị trong cô liêu.
Ngay khi tôi đến nơi đây để xin tạm trú thì những cơn mưa trút xuống tầm tã làm trôi cả đường đi. Tôi thấy các tu sĩ Panya-an đang hối hả đắp lại con đường. Vị tri khách tăng trẻ tuổi, do vị trụ trì giao nhiệm vụ hướng dẫn tôi, dừng trước một người lấm bê bết bùn đang đắp đường, cung kính vái chào, rồi nói vài câu gì đó. “Người phu đắp đường” này liền chống xẻng, đứng chăm chú nhìn tôi một lúc rồi gật đầu ra dấu chấp nhận, sau đó ông ta lại tiếp tục đắp đường không ngó ngàng gì đến tôi nữa.
Vị tri khách tăng hướng dẫn khẽ bảo:
– Đó là người quản lý khu này. Ngài đã cho phép bà ở lại.
Hôm sau, người ta giao cho tôi một căn phòng trống trơn. Tôi trải mền xuống nền làm giường ngủ và lấy va-li làm bàn viết. Yongden ở chung với một chú tiểu trong một căn phòng tuềnh toàng không kém.
Công phu hằng ngày gồm tám giờ dành cho tọa thiền, chia thành bốn giai đoạn; tám giờ dành cho học tập và lao động, tám giờ dành cho ăn uống ngủ nghỉ và giải trí.
Mỗi sáng, trước ba giờ, một tu sĩ đi quanh tự viện, vừa đi vừa gõ mõ để đánh thức mọi người. Rồi tất cả đều tề tựu trong một gian đại sảnh, quay mặt vô tường để ngồi thiền trong hai tiếng đồng hồ.
Chế độ ăn uống thật kham khổ, chỉ có cơm và một ít rau luộc không gia vị. Thậm chí rau cũng thiếu, và thường thì chỉ có cơm suông.
Sự yên lặng không mang tính bắt buộc như đối với các trapa, nhưng các tu sĩ thường chỉ trao đổi với nhau những câu ngắn gọn. Họ không có nhu cầu trò chuyện và không muốn phung phí năng lượng qua những hoạt động bên ngoài. Tư tưởng họ tập trung vào những vấn đề nội tâm, và đôi khi vẻ mặt họ, giống như các pho tượng Phật, chỉ nhìn “vào bên trong”.
Lưu trú ở Bắc kinh, ở xa khu vực dành cho người nước ngoài, mới là chuyến viễn du thực sự đối với tôi. Tôi sống trong tự viện Peiling-sse, xưa kia là một hoàng cung.
Tại đây, tôi lại khởi hành để đi về một miền đất đang lên tiếng réo gọi tôi bằngsức hút không sao cưỡng nổi. Biết bao năm rồi, tôi mơ về Koum-Boum mà không bao giờ tự hỏi liệu có thể đến đó được hay không. Tuy nhiên cuối cùng thì tôi cũng quyết định lên đường. Tôi cần phải băng qua đất nước Trung Quốc cho đến tận biên giới phía tây.
Tôi gia nhập vào đoàn lữ hành vừa được hình thành, gồm hai vị lạt-ma Hoạt Phật cùng đoàn tùy tùng khả kính trên đường quay về cố quốc, đoàn lái buôn của một thương nhân Trung Quốc đến từ tỉnh Kansou hẻo lánh, và một vài người vô danh muốn gia nhập thêm cho đông đảo để yên tâm đi qua vùng đất bất an.
Chuyến đi thật là thơ mộng. Những người đồng hành đem lại cho tôi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Một hôm, tay trưởng đoàn to xác cho gọi mấy cô gái giang hồ Trung Quốc đến quán trọ, nơi chúng tôi đang ở. Cô nào cũng dáng người thon thả, mặc quần sa-tanh xanh nhạt và áo hồng. Các cô bước vào phòng của vị lạt-ma quỷ quái, trông giống như một gia đình các Chú Bé Tí Hon. Tay “lạt-ma” này là một phù thủy (ngagspa) của một tông phái phi chính thống, những người thuộc tông phái này không được công nhận trong hàng tăng lữ và có quyền lấy vợ. Một cuộc mặc cả thô lỗ và nhanh chóng diễn ra, trong khi cánh cửa cứ mở toang thông thống. Các thuật ngữ và tiếng lóng vừa giễu cợt vừa ngây thơ của những người hoang dã vùng biên giới đều được gã thư ký lầm lỳ của ông ta dịch sang tiếng Trung Quốc. Cuộc mặc cả kết thúc với giá năm đồng. Gã “đàn ông tốt bụng” giữ lại một cô qua đêm, và gởi trả lại vào lúc mười giờ sáng hôm sau.
Một hôm khác, cũng tay lạt-ma này gây gỗ với một viên chức Trung Quốc. Những người lính ở một trạm gác gần đó mang súng xông vào quán trọ. Tay lạt-ma gọi đám tùy tùng mang súng trường chạy đến. Viên chủ quán vội quỳ xuống năn nỉ nhờ tôi can thiệp, đừng để xảy ra xô xát.
Trong đoàn có một người khách buôn biết tiếng Tây Tạng, tôi bèn nhờ ông ta làm người thông dịch để thuyết phục những người lính rằng những kẻ “man di mọi rợ” đó không đáng để họ phải để tâm. Rồi tôi lại chứng minh cho tay lạt-ma háo thắng đó thấy rằng một người có thân phận như ông ta không nên hạ mình gây gổ với đám lính hạ lưu kia.
Rốt cuộc mọi việc được dàn xếp ổn thỏa.
***
Tôi quen dần với không khí chiến tranh và cảnh cướp bóc. Tôi chăm sóc những người bị thương mà không có sự trợ giúp nào cả. Một buổi sáng, tôi thấy một xâu đầu lâu treo lủng lẳng trước cửa quán. Đứa con trai điềm tĩnh của tôi nhân đó thuyết giảng cho tôi nghe quan điểm triết học về cái chết.
Hành trình trở nên bế tắc khi chiến sự đang diễn ra phía trước. Tôi nghĩ có thể thoát được cảnh cận kề với các chiến binh bằng cách tách ra để đi theo ngõ Tungschow.
Sau khi tôi đến Tungschow được một ngày thì thành phố bị vây hãm. Tôi thấy những kẻ tấn công thành dùng thang leo lên tường thành, và quân trong thành dội đá xuống như mưa. Tôi tưởng chừng như mình đang sống trong cảnh chiến tranh thời cổ.
Nhân một ngày dông bão, các “đội quân” đều tìm chỗ trú ẩn, tôi bèn trốn đi. Xe chạy suốt đêm thì đến một con sông. Qua được bên kia sông là an toàn. Chúng tôi vừa cất tiếng gọi đò thì hàng loạt tiếng súng từ bờ bên kia vang lên để trả lời.
***
Kỷ niệm uống trà lý thú với quan trấn thủ Shensi. Quân địch đang bao vây thành phố. Người phục vụ trà là những chiến binh hông đeo đúng lục, vai vác súng trường. Họ luôn ở tư thế sẵn sàng đáp trả những cuộc tấn công bất ngờ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, những khách mời đều thản nhiên đàm đạo với vẻ phong nhã, do họ được hấp thu nền văn hóa Trung Quốc cổ. Chúng tôi thảo luận về triết học, một viên công chức thông thạo tiếng Pháp thông dịch cho tôi hiểu. Lúc đó, cho dù trong lòng quan trấn thủ cùng những người trong nhóm có nảy sinh bất kỳ cảm xúc nào đi nữa thì gương mặt họ vẫn vô cùng điềm tĩnh. Câu chuyện của họ xoay quanh những chuyện thù tạc tao nhã, điềm nhiên cùng những tư tưởng thâm thúy.
Những người con Trung Quốc này tỏ ra tinh tế và thật đáng khâm phục, mặc dù người ta có thể chê trách họ đủ điều!
Cuối cùng tôi cũng thoát ra khỏi tình hình lộn xộn đó. Giờ đây, tôi đang ở Amdo. Tại tự viện Koum-Boum, tôi có được một căn nhà xinh xắn độc lập với cung điện của lạt-ma Pegyai… Tôi bắt đầu cuộc sống ở Tây Tạng.
*
* *
Chí tâm đảnh lễ Phật
Tôi thuyết pháp bằng ngôn ngữ của chư Thiên
của Long vương, của A-tu-la, của người,
bằng ngôn ngữ của mọi loài hữu tình,
Vài chú tiểu tay cầm tù và bằng vỏ ốc, đứng trang nghiêm trước sân của hội trường, miệng lâm râm đọc lời kinh như trên, rồi đồng loạt đưa tù và lên miệng. Tiếng tụng kinh lâm râm như những con sóng nối tiếp nhau nhấp nhô lên xuống, tạo nên những âm thanh rì rầm trong tự viện đang say ngủ.
Trời vẫn còn tối. Tự viện lặng lẽ, với vô số những mái nhà trắng thấp nhô lên trong đêm tối, trông giống như một bãi tha ma; và các nhạc sĩ trong pháp phục lạt-ma trắng in hình trên nền trời sao gợi ta nghĩ đến những sứ giả từ một thế giới khác đến đây để đánh thức những linh hồn đã khuất.
Tiếng kinh tụng tắt dần. Những làn ánh sáng di động chiếu xuyên qua cửa sổ cung điện của các vị trưởng lão có chức sắc, những tiếng rì rầm chỉ còn ở chỗ của những tu sĩ cấp dưới. Những cánh cửa mở ra, tiếng guốc dép vang lên khắp nơi trên những con đường trong tự viện: các lạt-ma đang bắt đầu công việc buổi sáng.
Khi họ đến trước khoảng sân trống của hội trường thì trời vừa hửng sáng.
Các tu sĩ tháo những đôi ủng bằng da, sắp xếp ngay ngắn ở bên ngoài, rồi vội vã quỳ xuống nơi bục cửa lớn hoặc trên sân, tùy theo chức phận Ai nấy đều nhanh chóng tìm được chỗ của mình.
Tại Koum-Boum, cũng như một số tự viện lớn khác, hàng ngàn tu sĩ thường sống chung với nhau. Trong số họ, áo quần rách rưới của những kẻ hôi hám nhếch nhác hoàn toàn tương phản với những bộ pháp phục rực rỡ, áo khoác đính vàng, của các đại lạt-ma cùng những tấm áo choàng cẩn ngọc thạch của những tu sĩ quản lý chùa.
Rất nhiều cờ phướn treo trên trần nhà, trên hành lang hoặc móc dọc theo các trụ cột cao ngất rũ phất phơ trên vô số những pho tượng Phật và các tượng hộ pháp; trong khi những bức bích họa trên dãy tường bao quanh lại vẽ các vị anh hùng cùng chư thiên mặt mày hiền hòa hoặc vô cùng hung dữ.
Ở cuối gian đại sảnh, sau các dãy đèn, ánh sáng lờ mờ tỏa ra từ các pho tượng của những vị đại lạt-ma đã viên tịch, và từ những cái hòm bằng vàng bạc chứa tro cốt hoặc xác ướp của họ.
Tất cả những nhân vật được chạm trổ, được sơn son thếp vàng hay được tái tạo từ phần nhục thân, đã kết hợp một cách chặt chẽ cõi đời này với thế giới bên kia. Ở nơi đây, người quá cố cùng thần linh sống hòa lẫn với người sống: một bầu không khí thần bí bao trùm lên con người và sự vật, che khuất những chi tiết dung tục tầm thường, khiến cho phong thái và gương mặt của họ càng tăng thêm phần cao nhã diệu kỳ.
Cho dù ta có biết rõ về kiến thức hời hợt cũng như đạo đức thấp kém của phần đông các tu sĩ ngày nay, thì cảnh tượng các tu sĩ tề tựu nơi đây vẫn gây cho ta một ấn tượng sâu sắc.
Tất cả các tu sĩ đều ngồi kiết già, những vị có chức sắc thì ngồi trên bồ đoàn, căn cứ vào ngôi thứ mà cao thấp khác nhau, còn các tu sĩ cấp thấp đều ngồi trên những chiếc ghế dài phủ vải, gần như sát với nền nhà.
Buổi tụng kinh bắt đầu bằng một giọng trầm trong tiết tấu chậm rãi. Tiếng kèn gyaling ngân lên những âm thanh não nùng ai oán, rồi tiếng kèn radong vang rền hòa theo tiếng trống lớn trống nhỏ, tạo nên nền nhạc hợp tấu đi kèm theo tiếng tụng kinh.
Những chú tiểu nhỏ tuổi ngồi ở mép ghế dài sát với cửa, hầu như nín thở. Các chú biết rằng vị tcheutima (giám sát tăng) trăm tai nghìn mắt đang chăm chú quan sát nhất cử nhất động. Chỉ cần nói chuyện hay tỏ ra nghịch ngợm một chút thôi là sẽ bị những cây roi trong tầm tay vói hoặc treo trên tường phết vào mông ngay.
Trừng phạt bằng roi không chỉ áp dụng cho các chú tiểu, mà tất cả những thành viên trong tự viện đều phải chấp hành, dù đó là bậc cao tăng có chức sắc.
Tôi đã chứng kiến vài vụ phạt roi kiểu này, trong đó có một vụ diễn ra tại một ngôi chùa thuộc Sakyapas.[1]
Hàng ngàn tu sĩ tề tựu trong hội trường, trong lúc tiếng tụng kinh và tiếng chuông trống đang hòa quyện vang rền thì có ba người nháy mắt và đưa ngón tay khẽ ra hiệu với nhau. Hẳn họ ngỡ rằng hành động của họ thoát được đôi mắt của vị giám sát tăng. Thế nhưng, có lẽ các vị thần hộ pháp của những ngôi chùa Tây Tạng đã ban cho vị giám sát tăng đôi mắt sắc bén phi thường, nên ông ta phát hiện ra và vụt đứng lên ngay.
Đó là một người xứ Kham[2] to lớn, nước da ngăm đen, đứng trên bồ đoàn trông ông ta sừng sững như pho tượng đồng. Ông vói tay lấy cây roi trên tường, rồi bằng ánh mắt và bộ đi khủng khiếp, ông oai vệ sải bước xuyên qua hội trường, trông như một hung thần hủy diệt.
Ông đi đến gần những kẻ phạm tội, nắm ót từng người lôi ra khỏi chỗ ngồi.
Biết không cách gì tránh được đòn phạt, cả ba tu sĩ riu ríu rẽ đám người bước ra, quỳ xuống trên lối đi, cúi đầu sát đất.
Tiếng roi quất chan chát trên lưng những kẻ phạm tội, và vị giám sát tăng khôi vĩ đó đường bệ quay lại chỗ ngồi.
Chỉ có những hành vi thất thố như thế mới bị trừng phạt ngay giữa hội trường, còn những lỗi nặng hoặc những lỗi phạm ở bên ngoài thì sẽ bị xử phạt tại một nơi đặc biệt, sau khi điều tra và theo sự phán quyết của ban chấp pháp tăng.
Xen giữa buổi lễ dài lê thê, có một khoảng nghỉ giải lao mà tất cả các tu sĩ đều mong đợi: đó là được dùng trà. Trà nóng bốc khói, có thêm bơ và muối theo khẩu vị Tây Tạng, được mang đến trong từng thùng gỗ lớn. Những người phụ trách phân phối đi qua đi lại giữa hàng người, và rót đầy trà vào những cái bình bát đang chìa ra.
Khi đến dự tại hội trường thì mỗi vị tăng đều mang theo bình bát của mình, bỏ vào trong áo, để dùng cho lúc này.
Trong pháp hội không cho phép dùng bình bát bằng sứ hay bằng bạc. Các tu sĩ chỉ được uống trà bằng bình bát giản dị bằng gỗ. Nội quy này gợi ta nhớ lại nếp sinh hoạt thanh bần của các tu sĩ thời Phật giáo nguyên thủy. Nhưng các lạt-ma ma mãnh luôn tìm cách tránh né những người quan sát.
Bình bát của những tu sĩ giàu có nhất trong đám người này được làm bằng gỗ thật sự, nhưng được tẩm hương liệu quý hoặc làm bằng những khúc gỗ đặc biệt có đường vân đẹp. Một đôi cái bình bát trị giá đến 70 rupi (bằng khoảng 700 franc theo giá hiện thời).[3]
Bánh bột tsampa[4] cùng một ít bơ dùng với trà là món ăn thường ngày. Đôi khi trà được thay bằng nước canh. Cuối cùng là bữa ăn miễn phí gồm trà, nước xúp và một miếng thịt luộc.
Những tu sĩ trong các tự viện nổi tiếng thường được ăn uống thoải mái nhờ những vật phẩm cúng dường của khách hành hương giàu có hoặc của những lạt-ma giàu có.
Trong những dịp này thì hàng núi bánh tsampa và bơ làm từ sữa dê được chất đầy ê hề trong nhà bếp, thậm chí còn tràn lan ra ngoài cửa chính. Đôi khi hàng trăm con cừu được đưa vào chảo lớn để được chế biến thành món xúp khổng lồ.
Tại Koum-Boum và một vài tự viện khác, tôi không được tham dự các buổi đại yến tiệc đó, vì là phụ nữ, song khi tôi muốn thì người ta vẫn luôn luôn đưa đến tận chỗ tôi một bình bát đầy những món ngon vật lạ trong ngày.
Nhờ đó mà tôi biết được một món ăn của người Mông Cổ gồm thịt cừu, gạo, hạt chà là Trung Quốc, bơ, phô mai, sữa đông, đường phèn, gừng cùng một số gia vị khác, tất cả đều được trộn lẫn vào nhau. Đó cũng chưa phải là ví dụ duy nhất về nghệ thuật nấu nướng mà các “sếp” lạt-ma thết đãi tôi.
Đôi khi giữa bữa ăn lại có cảnh bố thí tiền bạc. Trong trường hợp này thì sự hào phóng của người Mông Cổ vượt quá xa người Tây Tạng. Tôi đã tận mắt chứng kiến có người cúng dường hàng chục ngàn đồng tiền Trung Quốc[5] tại Koum-Boum trong một chuyến viếng thăm.
Cứ từng ngày như thế, suốt năm cứ trôi qua trong những buổi sáng mùa đông lạnh buốt hay những buổi sáng mùa hè ấm áp, các buổi cầu kinh kỳ lạ này được tiến hành trong vô số những gompa rải rác trên khắp xứ sở mênh mông này, mà Tây Tạng chỉ là một phần rất nhỏ.[6] Mỗi buổi sáng, các chú tiểu còn ngái ngủ, ngồi bên cạnh những vị lớn tuổi hơn, đắm chìm trong bầu không khí lạ lùng mang sắc thái thần bí trộn lẫn với thói phàm ăn và tính tham lam tiền bạc.
Nghi thức khởi đầu mỗi sáng có thể giúp chúng tôi hiểu rõ tính cách sinh hoạt trong các tự viện Lạt-ma giáo. Ở nơi đây, các pháp hội mỗi sáng cho chúng ta cảm nhận được sự kết hợp luộm thuộm giữa một triết học tinh tế với sự hám lợi kiểu con buôn, giữa tinh thần cao nhã với những dục vọng thô lỗ. Các yếu tố khác biệt trái ngược này vẫn luôn ở đó, hòa quyện vào nhau một cách chặt chẽ đến mức mọi nỗ lực muốn tách hẳn chúng ra chỉ là điều hoài công vô ích.
Các chú tiểu lớn lên giữa những dòng ảnh hưởng trái ngược nhau như thế thường có xu hướng phát triển theo bản tính tự nhiên, và theo cách thức dìu dắt của vị bổn sư.
Nền giáo dục trong giới tăng lữ ở Tây Tạng tạo ra được một ít các học giả lỗi lạc, bên cạnh một đám đông đảo phàm tăng đần độn biếng nhác, những kẻ ham vui đáng yêu, những kẻ khoác lác ngộ nghĩnh cùng một vài nhà thần bí sống trọn đời trong thiền định tại những nơi ẩn tu hẻo lánh.
Tuy nhiên, phần đông các thành viên trong giới tăng lữ Tây Tạng lại không mang trọn vẹn một tính cách nào kể trên, một cách cụ thể và dứt khoát. Các tính cách khác nhau đó cùng tiềm tàng trong họ. Tính chất đa nhân cách trong một cá nhân duy nhất không phải là điều đặc biệt đối với các lạt-ma Tây Tạng, do đó lời nói và hành động của họ luôn làm người quan sát đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Phật giáo của Lạt-ma giáo rất khác biệt với Phật giáo tại Tích Lan, Miến Điện, Siam cũng như ở Trung Quốc và Nhật Bản. Những nơi mà người Tây Tạng chọn làm chỗ ẩn tu đã giải thích cho ta thấy phần nào giáo pháp đặc thù của họ.
Nằm trên những đỉnh núi lộng gió, các tự viện Tây Tạng mang một nét kiêu ngạo, như muốn thách thức các thế lực thù địch vô hình ở khắp bốn phương trời. Ngay cả khi ẩn mình trong những thung lũng hoang vu cao ngất thì chúng vẫn hiển lộ dáng vẻ bất an của một phòng thí nghiệm, nơi đang diễn ra những sức mạnh huyền bí.
Dáng vẻ song đôi này đáp ứng với một thực tế. Từ lâu lắm rồi, cho dù tư tưởng của các tu sĩ thuộc mọi cấp bậc thường hướng về chuyện bán buôn hoặc những lo toan dung tục thì các tự viện, ngay từ nguyên thủy, không dành cho đám người phàm phu tục tử đó.
Chinh phục thế giới bên kia một cách cam go, thâu đắc những tri thức siêu việt, theo đuổi những kinh nghiệm huyền bí, làm chủ những năng lực thần kỳ, đó mới chính là mục tiêu để xây dựng nên các tự viện sừng sững giữa mây trời, hoặc những thành phố bí ẩn nằm khuất trong mê cung của núi rừng trùng điệp.
Tuy nhiên, trong thời đại của chúng ta thì các pháp môn huyền nhiệm cùng các pháp sư chỉ có thể được tìm thấy ở bên ngoài tự viện. Để chạy trốn bầu không khí quá nặng về vật chất, họ phải tìm đến những chốn thâm sơn cùng cốc, những nơi hẻo lánh hoang vu khó lòng tiếp cận, và việc tìm ra được một chốn ẩn tu phù hợp đôi khi lại khó khăn như một cuộc phiêu lưu thực sự.
Tất cả những bậc ẩn tu khổ hạnh, rất ít có trường hợp ngoại lệ, đều khởi đầu cuộc đời là những chú tiểu trong giáo hội.
Những chú bé được cha mẹ mong mỏi thành tu sĩ đều được đưa đến sống ở tự viện khi còn bé cho đến năm mười tám tuổi, và được gởi gắm cho một tu sĩ thuộc gia đình hoặc người bạn của cha. Thông thường thì những người giám hộ này là vị thầy đầu tiên của đứa trẻ, và nhiều khi chúng cũng không có thêm một ông thầy nào khác.
Tuy vậy, những bậc cha mẹ nào có điều kiện trả tiền dạy học cho những tu sĩ có học thức thì đưa con đến tá túc với vị tu sĩ đó, hoặc ít nhất cũng phải thu xếp sao cho chúng được tiếp thu những bài học một cách đều đặn. Thỉnh thoảng cũng có chú bé – nhất là khi chú bé đó thuộc gia đình quý tộc – được chấp nhận vào ở chung với một vị có chức sắc trong giáo hội, và vị này ít nhiều phải theo dõi chuyện học tập của nó.
Những chú tiểu mới được cha mẹ trợ cấp. Họ gởi đến vị thầy giám hộ những thực phẩm thường dùng như trà, bơ và thịt.
Bên cạnh những thực phẩm thiết yếu, những gia đình Tây Tạng giàu có còn gởi cho con mình nào là kẹo bánh, phô-mai, thịt, trái cây khô v.v… Những vật phẩm này đóng một vai trò rất lớn trong đời sống của những chú tiểu mới bắt đầu tu học. Chúng được dùng để trao đổi, và chỉ cần một nắm đậu cứng như đá hay vài miếng thịt cừu khô dai nhách là đã có thể mua được nhiều sự phục dịch từ những đứa bạn nhỏ nghèo khổ nên háu đói phàm ăn.
Những đứa nhỏ nghèo khổ không có nguồn trợ cấp nào sẽ trở thành những géyog, nghĩa là những đứa nhỏ phải làm tôi tớ cho vị thầy giám hộ để lấy công trả tiền học phí. Thật không cần thiết khi nói thêm rằng, trong trường hợp này, chỉ thỉnh thoảng chúng mới nhận được những bài học rất ngắn. Vị thầy nào kém hiểu biết hoặc gần như ngu dốt thì chỉ có thể dạy cho những đứa nhỏ được giám hộ những bài kinh tụng để chúng học thuộc như vẹt, mà hoàn toàn chẳng hiểu ý nghĩa ra sao.
Nhiều đứa trẻ géyog hầu như chẳng học được một tí gì. Không phải vì công việc của chúng quá nặng nhọc và đòi hỏi chú tâm, mà vì ở lứa tuổi đó tính lơ đễnh tự nhiên đã khiến chúng không quan tâm đến việc xin thầy dạy dỗ, và phần lớn thời gian chúng dùng để chơi đùa với những đứa nhỏ cùng trang lứa.
Ngay khi được chấp nhận vào tự viện thì một vị tân tăng, dù bao nhiêu tuổi đi nữa, vẫn được nhận một phần lợi tức[7] của tự viện cùng những vật phẩm cúng dường của các tín đồ.
Khi lớn tuổi hơn, nếu vị tân tăng này muốn học hỏi thì anh ta có thể xin theo học một trong bốn ngành học mà bất kỳ tự viện lớn nào cũng có.
Đối với những tân tăng ở những tự viện nhỏ không có bốn ngành học này thì họ có thể xin đi học ở một nơi khác.
Chương trình giáo dục trong các tự viện Lạt-ma giáo bao gồm bốn ngành học như sau:
Ngữ pháp, toán học cùng những môn khoa học khác chỉ được giảng dạy bên ngoài tự viện với những vị thầy riêng biệt.
Các tu sĩ theo học triết học thường tổ chức những buổi thảo luận công khai giữa các đồng môn.
Những nghi thức đi kèm theo các cuộc tranh luận này đã thổi vào chúng một luồng sinh khí tươi vui. Những người tham gia tranh luận xoay chuỗi tràng hạt quanh cánh tay, vừa vỗ tay, vừa giậm chân khi đưa ra câu hỏi. Có khi cuộc tranh luận diễn ra theo những quy định chặt chẽ hơn, như buộc phải nhảy cẩng lên khi trả lời hoặc hỏi vặn lại đối phương.
Thế đấy, cho dù hầu hết các câu đối thoại đều được vay mượn, trích dẫn từ kinh sách, chỉ nhằm để tôn vinh người đã đọc chúng, thì điệu bộ múa may của những người trong cuộc cũng tạo ra ảo tưởng về một cuộc thảo luận say sưa.
Tuy nhiên, không nên suy diễn rằng tất cả những tu sĩ theo ngành giáo nghĩa học đều là những con vẹt ngây ngô. Trong số họ cũng có những học giả lỗi lạc và các nhà tư tưởng trác việt. Những người này có thể trích dẫn vô số những trang kinh sách trong suốt nhiều giờ, và có đủ thông tuệ để luận bàn về ý nghĩa, rồi đưa ra những nhận xét riêng.
Một nét đáng chú ý là trong những cuộc tranh luận trang nghiêm đó, tu sĩ nào được tuyên bố thắng cuộc sẽ được những người bên phe thua công kênh trên vai đi diễu quanh hội trường.
Hầu như ở đâu cũng vậy, ngành huyễn thuật luôn giữ vị trí cao nhất trong hệ thống giáo dục mang tính kinh viện của tự viện, và các môn sinh ngành này, gọi là gyud pa, được đánh giá rất cao. Những người này được giao nhiệm vụ đem lại sự thịnh vượng và bảo vệ cho gomma của mình tránh khỏi tai họa.
Môn sinh xuất thân từ ngành huyễn thuật ở Lhassa luôn được giữ những chức vụ giống nhau, do sự ưu ái của chính quyền và của đức Đạt-lai Lạt-ma.
Các gyud pa cũng chịu trách nhiệm thờ cúng những vị thành hoàng cùng những vị thần khác để mua chuộc thiện cảm của họ bằng cách cam kết sẽ thường xuyên thờ phụng chu đáo. Sau cùng, những gyud pa có pháp thuật thần thông này được cho là có quyền năng kiềm chế các hung thần không cho tác oai tác quái.
Vì không thể tìm trong ngôn ngữ Pháp một từ tương đương nào khác nên tôi buộc phải gọi các gompa là “tu viện” theo cách hiểu của phương Tây, nhưng thật khó mà tìm được chút gì tương đồng giữa các gompa với các tu viện Thiên chúa giáo, ngoài sự kiện các tu sĩ thì sống độc thân và các gompa thì sở hữu tài sản chung.
Về đời sống độc thân, cần nói ngay rằng chỉ có phái Mũ Vàng (geloug pa) là bắt buộc tất cả các tu sĩ đều phải sống độc thân. Đối với phái khác như phái Mũ Đỏ thì đời sống độc thân chỉ mang tính bắt buộc đối với các gelong, nghĩa là các tu sĩ đã được thụ pháp. Ở bên ngoài tự viện, các lạt-ma đã lập gia đình – tức là các trapa– vẫn có nhà cửa để sống với vợ con, hoặc có chỗ ở riêng trong tự viện mà họ đang tu học. Họ sống ở đây vào các dịp lễ hội tôn giáo hoặc muốn dành thời gian để thiền định hay tu tập. Vợ không được vào sống chung với chồng trong khuôn viên gompa.
Các tự viện Lạt-ma giáo được dành cho những người theo đuổi mục tiêu tâm linh. Mục tiêu này không được xác định chặt chẽ, cũng không mang tính chất áp đặt hay mang tính chất chung cho tất cả thành viên trong gompa. Cho dù mục tiêu đó là bình phàm hay cao siêu thì khát vọng của mỗi tu sĩ luôn được giữ kín, và họ được tự do tìm mọi phương tiện phù hợp để thực hiện cho được mục tiêu đó.
Nội quy duy nhất có hiệu lực trong gompa là nội quy liên quan đến hàng giáo phẩm, đến những nghi thức mà các tu sĩ phải chấp hành ở bên trong cũng như bên ngoài khuôn viên tự viện và liên quan đến sự hiện diện đều đặn của họ trong những buổi hội họp. Các buổi hội họp này không hề tạo nên một nghi thức cúng bái chung để cho mỗi người tham dự có thể hy vọng rút ra được một chút lợi lạc tinh thần hay vật chất. Mỗi khi các thành viên trong gompa tề tựu đông đủ tại giảng đường thì chủ yếu là để nghe các bài thuyết pháp của những tu sĩ có chức sắc, để rồi đọc lại hoặc học thuộc lòng những đoạn kinh văn, bằng cách lâm râm tụng niệm. Việc trì tụng này được xem là đem lại nhiều công đức như: tránh được tại ương bệnh tật, thu hoạch tiền bạc của cải. Đó là những thứ mà người ta công khai theo đuổi.
Về phần những nghi thức cúng tế, chúng được tiến hành vì những mục đích xa lạ với người chủ lễ. Chính người Tây Tạng cũng tin rằng ngay cả những người tham gia hành lễ vẫn không thể tìm được lợi lạc gì cho bản thân từ những nghi thức này, và ngay cả các gyud pa tài giỏi nhất cũng buộc phải nhờ đến người đồng đạo khi họ muốn được đảm bảo sẽ hưởng lợi lạc từ điều này.
Việc triển khai pháp thuật nhằm mục đích cá nhân, việc thiền định cùng sự tu tập thần bí đều được tựu thành theo những cách thức riêng lẻ của từng cá nhân. Ngoài các vị bổn sư, không một ai có quyền can thiệp vào chuyện này. Cũng không một ai có quyền hỏi ý kiến một tu sĩ Lạt-ma giáo về những vấn đề tôn giáo hay triết học. Vị tu sĩ đó có thể gắn bó với bất kỳ pháp môn nào, hay thậm chí tỏ ra không tin tuyệt đối, thì điều đó cũng chỉ liên quan đến ông ta mà thôi.
Trong các tự viện Tây Tạng, không có tổ chức giáo hội theo cách hiểu của tôn giáo phương Tây, cũng không hề có nhà nguyện. Trong các tự viện đó chỉ có các lha klang, tức “ngôi nhà của chư thần”, dùng để thờ tự các vị thần hay những vị anh hùng có gắn bó ít nhiều với lịch sử. Người nào muốn lễ bái các pho tượng đó thì thắp hương hoặc nến và vái lạy ba lần để tỏ lòng tôn kính. Đôi khi tín đồ cũng đến cầu xin phước lộc. Tuy nhiên, một số người chỉ giới hạn trong việc tỏ lòng tôn kính thuần thành, chứ không hề cầu mong điều gì.
Bởi vì chư Phật đã vượt trên Dục giới, và trên thực tế đã vượt ra ngoài tất cả các quốc độ, nên những tín đồ không cầu mong ân huệ lợi lộc trước tượng Phật, nhưng vẫn có thể phát các đại nguyện, ví dụ như: “Nguyện trong kiếp này hoặc trong các kiếp sau, tôi có đủ tài lực để bố thí và đem lại an lạc cho vô lượng chúng sinh.” Hoặc “Phật pháp vô biên thệ nguyện học.”
Còn một số lớn các tín đồ – số tín đồ này đông hơn người ta tưởng- khi dâng một ngọn đèn nhỏ lễ Phật, chỉ cầu xin được khai sáng tâm linh. Dù phần lớn những người này không cố gắng đạt đến điều đó, song người Tây Tạng vẫn tin rằng trí tuệ sẽ đưa đến giải thoát.
Tương ứng với sự tự do tinh thần toàn vẹn mà các tu sĩ Lạt-ma giáo hưởng thụ là sự tự do không kém về thể xác.
Các thành viên của tự viện không sống trong cộng đồng, mà sống ở nhà riêng hoặc nhà thuê, và sống theo phương tiện sẵn có. Sự thanh bần tự nguyện không có tính bắt buộc như trong Phật giáo ngyên thủy. Tôi cũng muốn nói thêm rằng các tu sĩ lạt-ma sống thanh bần cũng chẳng được xã hội coi trọng gì hơn, có khi còn trái lại là khác. Chỉ có các vị ẩn tu mới cho phép mình làm những điều mang tính “kỳ quặc” này.
Tuy nhiên, sự xả ly tuyệt đối như ta gặp ở Ấn Độ – và có lẽ chỉ ở Ấn Độ thôi – cũng không phải là điều hoàn toàn xa lạ đối với người Tây Tạng.[8] Người ta thấu hiểu được sự vĩ đại đó, và luôn luôn tỏ lòng tôn kính. Câu chuyện về những “người con thuộc gia đình quyền quý” rời bỏ cảnh lầu son gác tía để dấn thân vào cuộc đời khất thực cam khổ, và đặc biệt là câu chuyện đức Phật Thích-ca rời bỏ cung vàng điện ngọc để cầu đạo, luôn được người ta kể lại với sự tôn kính sâu xa và lòng ngưỡng mộ chân thành. Nhưng đối với người nghe thì các câu chuyện đó tựa hồ như diễn ra ở một cõi khác, chẳng có liên quan gì với cái thế giới của các vị lạt-ma giàu có đầy quyền lực mà họ rất tôn kính.
Một người có thể được thụ phong các chức sắc tôn giáo mà không cần phải trở thành thành viên thực sự của tự viện, nhưng điều này hiếm khi xảy ra, và chỉ xảy ra nếu người được thụ phong đã đến tuổi tự chọn cho mình cuộc sống ẩn tu.
Được chấp nhận vào một tự viện không có nghĩa là được cấp nơi ăn chốn ở miễn phí. Mỗi tu sĩ đều phải, hoặc xây cho mình một chỗ ở riêng, hoặc mua lại một chỗ ở có sẵn, hoặc ít nhất là phải thừa hưởng từ cha mẹ hay một vị thầy.
Những tu sĩ nào không thể mua nổi chỗ ở thì thuê lại một hoặc hai căn phòng trong căn nhà của người đồng tu lớn tuổi hơn. Các sinh viên tu học, những học giả hoặc các tu sĩ lớn tuổi thường được cho ở miễn phí trong những cơ ngơi đồ sộ của những lạt-ma giàu có.
Những tu sĩ nghèo khổ nhất, bên cạnh chỗ ở, muốn có được miếng ăn hằng ngày thì phải phục vụ cho các lạt-ma giàu có, hoặc xin một công việc trong công sở. Công việc này có thể là làm biên tập, thư ký, trợ lý kế toán, nấu ăn hoặc coi ngựa. Kẻ nào được hầu hạ các vị Hoạt Phật (tulkou) thì xem như gặp may.
Những tu sĩ có học thức xuất thân từ các gia đình nghèo khó thì kiếm sống bằng nghề giảng dạy. Người nào có năng khiếu hội họa thì vẽ các bức tranh về các đề tài tôn giáo. Nghề thủ công cũng không bị coi rẻ, vì trong nhiều tự viện vẫn có trường nghệ thuật thu hút được một số lượng đông đảo sinh viên. Làm thầy cúng tế tại nhà các lạt-ma hoặc các nhà thế tục giàu có cũng là công việc được người ta tìm kiếm. Cuối cùng, các nghề bói toán, chiêm tinh, xem số tử vi cũng đem lại một khoản thu nhập kha khá cho những tu sĩ.
Các thầy thuốc lạt-ma tự tạo cho mình một địa vị đáng để người ta thèm muốn, nếu như họ chữa được những căn bệnh hiểm nghèo hoặc chữa bệnh cho những nhân vật nổi tiếng. Chỉ cần thành công chút đỉnh thôi cũng đủ để nghề y đem lại nhiều lợi nhuận.
Thế nhưng nghề có sức hấp dẫn nhất đối với các tu sĩ lại là nghề kinh doanh buôn bán. Phần lớn các chú tiểu, cho đến khi trưởng thành, nếu chưa cảm nhận được giáo lý hoặc không thích nghiên cứu tu học thì đều dấn thân vào con đường kinh doanh buôn bán. Nếu không có đủ tiền bạc để tự mình kinh doanh thì họ làm thư ký, thủ quỹ, đại diện, thậm chí làm người giúp việc cho các nhà buôn.
Các tự viện cho phép thực hiện một số giao dịch mua bán. Các trapa có chức sắc được tùy ý vắng mặt ở tự viện trong một thời gian dài – thậm chí một vài năm- để đi theo các thương đoàn buôn bán, hoặc mở quầy kinh doanh ở những nơi mà họ thấy thuận lợi.
Tất cả các tự viện đều hoạt động kinh doanh sôi nổi, mua bán trao đổi những thổ sản địa phương, thỉnh thoảng lại có thêm những đại lễ hóa duyên diễn ra đều đặn theo định kỳ, gọi là kartkik.
Những tự viện nhỏ thường chỉ đưa vài tu sĩ đi khất thực loanh quanh ở những vùng lân cận, song đối với các tự viện lớn thì đại lễ kartkik là một cuộc viễn du thực sự. Từng đoàn tu sĩ, do một vị có chức sắc dẫn đầu, lên đường đi từ Tây Tạng đến Mông Cổ, băng qua nhiều xứ sở trong nhiều tháng và quay về như những chiến binh thắng trận mang theo chiến lợi phẩm ca khúc khải hoàn. Phía trước đoàn là hàng trăm con ngựa và con vật thồ, trên lưng trĩu nặng vô số những phẩm vật cúng dường của tín đồ.
Người dân có một tập quán đặc biệt là ký gởi tiền bạc hoặc hàng hóa cho một vị có chức sắc trong tự viện trong một thời gian – thường là ba năm. Vị tu sĩ này dùng số tiền ký gởi đó để kinh doanh và đem tiền lãi chi dùng cho nhiều việc khác, như mua bơ để thắp đèn cho tự viện, mua thực phẩm, sửa sang tự viện hoặc tiếp khách, nuôi ngựa… Đến lúc đáo hạn thì số tiền ký gởi phải còn đầy đủ, nếu công việc kinh doanh thua lỗ khiến số tiền bị thâm hụt thì ông ta phải tìm cách bù vào. Nếu công việc kinh doanh sinh lãi thì người tín đồ kia sẽ trích ra một phần để cúng dường. Nhưng cho dù tình huống xấu có xảy ra đi chăng nữa thì số tiền đó phải luôn được đảm bảo nguyên vẹn khi hoàn trả cho người ký gởi.
Việc điều hành một tự viện lớn cũng phức tạp không kém việc điều hành một thành phố. Bên cạnh vấn đề quản lý hàng ngàn tu sĩ sống chung trong một khuôn viên, tự viện còn có trách nhiệm bảo vệ cho rất nhiều người quản lý những cơ ngơi của tự viện, cùng những nông dân canh tác trên đất nhà chùa. Những tu sĩ có chức sắc trong Hội đồng trị sự sẽ đứng ra đảm trách mọi công việc tạm thời này, nhờ sự giúp đỡ của một nhân vật trong chính quyền và một nhóm cảnh vệ.
Nhóm cảnh vệ này, gọi là dobdob, rất đáng để ta đặc biệt lưu tâm. Họ được tuyển chọn từ những kẻ mạnh khỏe thất học, tính tình thô lỗ võ biền, khi còn là những chú nhóc đã được cha mẹ gởi vào tự viện để làm công. Họ can đảm, liều lĩnh và cục súc, luôn sẵn sàng gây gổ và thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Những kẻ hung hăng dị hợm này trông giống như lũ lưu manh vô lại thời Trung cổ.
Đồng phục của họ thường rách bươm bẩn thỉu. Hẳn họ cho rằng những lỗ thủng rách trên quần áo càng làm tăng thêm vẻ oai phong của đàn ông. Có những người cảnh vệ không bao giờ tắm. Hơn thế nữa, họ còn dùng bồ hóng, nhọ nồi bôi lên để làm đen thêm làn da, cho đến khi biến một thành một gã mọi đen hoàn toàn.
Những dobdob này thường ăn mặc rách rưới, nhưng đôi khi chính bọn họ lại xé rách bộ đồng phục trên người, vì tin rằng điều đó sẽ khiến họ tăng thêm phần dữ tợn. Mỗi khi mặc một bộ đồng phục mới, thì mối bận tâm hàng đầu của họ là thế nào cho nó bẩn đi: truyền thống yêu cầu điều đó. Cho dù vải may đồng phục có đắt tiền bao nhiêu đi nữa, thì những gã dobdob này vẫn dùng các bàn tay bẩn thỉu nhồi nặn bơ, rồi bôi lên khắp bộ quần áo mới mặc lần đầu. Đối với các quý ông này thì vẻ duyên dáng lịch sự nhất trần đời nằm ở chỗ: bộ đồng phục của họ, với những lỗ thủng rách nham nhở, nhờ lớp bơ bôi bóng nhẫy trên đó nên trông giống như một cái giáp sắt.
Tự viện Koum-Boum nổi tiếng là nhờ vào một cây cổ thụ huyền bí. Tôi đã tìm tòi tư liệu trong biên niên sử về Koum-Boum để hiểu thêm chi tiết.
Vào năm 1555, nhà cải cách tôn giáo Tsong Khapa, vị khai tổ của phái Mũ Vàng (geloup pa), ra đời tại Amdo, thuộc miền đông bắc Tây Tạng, tại địa điểm là tự viện Koum-Boum bây giờ.
Ngay sau khi Tsong Khapa ra đời, vị lạt-ma Doubtchén Karma Dordji tiên tri rằng đứa bé sẽ có một số phận dị thường, và dặn dò phải giữ gìn thật sạch sẽ nơi ông chào đời. Một lúc sau, từ nơi đó mọc lên một cái cây.
Nên nhớ rằng, ngay cả ngày nay, phần lớn sàn nhà ở Amdo đều là nền đất nện và người dân địa phương trải mền chiếu trên nền đất để ngủ. Điều này giải thích được truyền thống cho rằng cây linh được sinh ra từ máu của sản phụ khi lâm bồn, và khi cắt rốn đứa bé.
Thoạt tiên, trên lá cây này chẳng có một dấu hiệu lạ lùng nào, nhưng nguồn gốc thần bí của nó khiến mọi người sùng bái. Một tu sĩ dựng thảo am bên cạnh cây này, và đây là địa điểm khởi đầu cho tự viện Koum-Boum to lớn, giàu có hiện giờ.
Nhiều năm sau, khi Tsong Khapa bắt đầu sự nghiệp cải cách tôn giáo của mình thì bà mẹ, do xa cách quá lâu nay mong muốn được gặp con mình, nên viết cho ông một lá thư bảo ông quay về quê hương.
Lúc đó, đại sư Tsong Khapa đang ở miền trung Tây Tạng. Ngài nhập định vào cảnh giới huyền mật và hiểu rằng chuyến hồi hương về Amdo sẽ vô ích, nên viết thư cho mẹ biết. Đồng thời với lá thư, ngài gởi cho người đưa thư hai bức chân dung của mình, một cho mẹ, một cho em gái. Ngoài ra, ngài còn trao thêm một bức chân dung của đức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, tượng trưng cho trí tuệ, biện tài vô ngại và nhiều bức chân dung của Demtchog, một vị thánh của Mật tông Tây Tạng.
Khi người đưa thư trao những thứ đó cho người nhà Tsong Khapa, thì vị đạo sư này, muốn thi triển pháp thuật từ xa, liền khiến cho linh ảnh của chư thần hiện lên trên lá cây linh. Theo tài liệu mà tôi được đọc thì những hình ảnh này được thể hiện rõ nét hơn bất kỳ một tay họa sĩ tài ba nào.
Cùng với những linh ảnh đó là sáu chữ “Aum Mani Padme Hum” hiện lên trên từng chiếc lá và vỏ cây.
Chính do hiện tượng dị thường này mà tự viện nơi đây được đặt tên là Koum-Boum, có nghĩa là “trăm ngàn linh ảnh”.
Trong cuốn du ký của mình, các linh mục PP. Huc và Gabet khẳng định đã nhìn thấy sáu chữ “Aum Mani Padme Hum” đó được ghi trên lá và thân cây. Họ khăng khăng quả quyết rằng các chữ đó đang hình thành một cách lờ mờ trên những chiếc lá non, và dưới vỏ cây mỗi khi người ta bóc ra một mảng.
Một câu hỏi được đặt ra: cái cây linh mà hai vị linh mục đó đã thấy là cây nào?
Biên niên sử của tự viện ghi lại rằng, sau khi phép lạ xuất hiện, cây linh liền được phủ bằng một tấm lụa, sau đó người ta xây dựng một bảo tháp bao quanh.
Bảo tháp làm điện thờ đó có lộ thiên hay không? Từ chörten (bảo tháp) được dùng trong văn bản cũng không hỗ trợ cho cách diễn đạt này, bởi vì chörten là một công trình xây dựng có tháp chuông nhọn và sau đó sẽ được đóng kín.
Cây linh mà không có không khí và ánh nắng mặt trời như thế ắt phải chết khô. Theo biên niên sử thì bảo tháp được xây dựng vào thế kỷ 16, do đó hai vị linh mục PP. Huc và Gabet hẳn chỉ có thể nhìn thấy hình dáng chết khô của cây linh ban đầu mà thôi.
Thế nhưng họ lại mô tả là đã nhìn thấy một cây linh sống đang phát triển tốt tươi.
Biên niên sử cũng ghi rằng cây linh đó vào mùa đông cũng như mùa hè đều xanh tươi như nhau, và số lá cây luôn không đổi.
Tại một phần khác, chúng ta đọc thấy rằng vào một thời kỳ nào đó lại rộ lên tin đồn khác thường về chörten chứa cây linh. Vị sư trụ trì đi vào trong bảo tháp để lau chùi chung quanh cây linh thì thấy có một ít nước gần bên cây, và ông đã uống nước đó.
Những chi tiết này cho thấy đó là một căn phòng đóng kín ít có ai ra vào, trong khi phép lạ của cây linh là giữ được nguyên vẹn số lá cây vào mùa đông (cây này thuộc loại cây có lá rụng vào mùa đông) dường như được gắn liền với cây còn đang sống.
Thật khó lòng mà xác định giữa những chi tiết mâu thuẫn với nhau.
Cuối cùng, một ngôi bảo tháp xá lợi (chörten– réliquaire) cao khoảng mười hai đến mười lăm mét được dựng lên tại vị trí của ngôi điện thờ mái vàng và người ta bảo rằng cây linh đã được chôn kín trong đó. Khi tôi sống tại Koum-Boum, người ta lại khẳng định với tôi rằng ngôi bảo tháp xá lợi đó chỉ mới được xây dựng cách đó không lâu.
Đối diện với ngôi tháp là chồi non của cây linh được bao quanh bởi một rào chắn bảo vệ, nó trở thành đối tượng để tín đồ sùng bái. Một cây khác sum suê tốt tươi, được chiết ra từ cây linh, nằm trong khu vườn trước điện thờ Phật.
Lá hai cây này, mỗi khi rụng xuống đều được cất giữ để phân phát cho tín đồ.
Có thể đó là một trong hai cây mà hai vị linh mục PP. Huc và Gabet đã nói đến. Nhìn chung thì các tín đồ, khi đi qua Koum-Boum, đều không biết về câu chuyện cây linh, thậm chí cũng chẳng biết đến sự hiện hữu của cây linh trong ngôi bảo tháp.
Một vài khách ngoại quốc sống tại Cam Túc (một tỉnh Trung Quốc giáp gới Koum-Boum) khẳng định với tôi là đã tận mắt nhìn thấy sáu chữ Aum Mani Padme Hum trên lá của hai cây còn sống kia.
Tuy nhiên, các tín đồ hành hương và những tu sĩ lạt-ma của tự viện (khoảng 3.000 người) đều không phát hiện ra điều gì đặc biệt, nhưng lại tỏ vẻ nghi ngờ một cách tinh quái mỗi khi du khách nhìn vào chiếc lá.
Song ngày nay thì không còn ai tin vào những gì được ghi chép trong biên niên sử, cho rằng cách đây mấy thế kỷ tất cả mọi người ở Amdo đều nhìn thấy linh ảnh in hằn trên lá mỗi khi chúng hiện ra.
Ngoài các tu sĩ có địa vị cao giữ vai trò quản lý tự viện và điều phối các khoản phúc lợi, giới tăng lữ Tây Tạng còn có một tầng lớp tu sĩ quý tộc mà các thành viên trong đó được gọi là tulkou, người nước ngoài hay gọi một cách sai lầm là Phật sống hay Hoạt Phật.
Tulkou là một nét đặc thù của Lạt-ma giáo, điều này khiến nó khác hẳn với mọi tông phái Phật giáo khác. Mặt khác, trong xã hội Tây Tạng, sự hiện hữu của một tầng lớp quý tộc tôn giáo đối kháng với tầng lớp quý tộc thế tục, và còn lấn át cả tầng lớp này, quả là một sự kiện vô cùng đặc biệt.
Thực chất của từ tulkou chưa bao giờ được các nhà văn phương Tây định nghĩa một cách chính xác, và ta có thể tin rằng họ chưa bao giờ nghi ngờ gì về điều đó.
Mặc dù sự hiện hữu của chư thần qua các hóa thân đã được chấp nhận từ rất lâu ở Tây Tạng, nhưng tầng lớp quý tộc tulkou chỉ mới thực sự phát triển, dưới hình thức hiện nay, kể từ năm 1605.
Vào thời kỳ đó, vị lạt-ma đời thứ năm của phái Mũ Vàng, tên là Lobsang Gyatso, được vua Mông Cổ phong làm người cai trị Tây Tạng, và được hoàng đế Trung Quốc công nhận. Tuy nhiên, các vinh dự đó không làm cho vị lạt-ma đầy tham vọng kia thỏa mãn. Ông tự xem mình có ngôi vị tối cao, và là hóa thân hay tulkou của Bồ Tát Quán Âm (Tchénrézig), một trong những Bồ Tát tối cao của Phật giáo Đại thừa. Đồng thời, ông phong cho vị sư phụ, mà ông xem như cha, làm Đại lạt-ma trụ trì tự viện Trachilhumpo, rồi tuyên bố rằng vị sư phụ kia là tulkou của Eupaméd (Phật A-di-đà), vị thầy tâm linh của Bồ Tát Quán Âm.
Mô hình do ông vua lạt-ma này đưa ra đã tạo nên sự cổ vũ lớn lao cho việc sáng tạo thêm nhiều tulkou khác. Chẳng bao lâu, trong tất cả mọi tự viện, dù lớn hay nhỏ, người ta đều tôn vinh vị trụ trì của mình là hóa thân của một nhân vật nổi tiếng nào đó.
Cần nói đôi lời về nguồn gốc của hai dòng dõi tulkou nổi tiếng nhất: dòng dõi Đạt-lai Lạt-ma – hóa thân của Bồ Tát Quán Âm, và dòng dõi của Ban-thiền Lạt-ma – hóa thân của đức Phật A-di-đà, để giúp bạn đọc hiểu rằng hai vị này đều không phải là hóa thân của đức Phật Thích-ca có thật trong lịch sử, như nhiều độc giả phương Tây lầm tưởng.
Bây giờ, chúng ta hãy xem các tín đồ Lạt-ma giáo hiểu ý nghĩa của hóa thân (tulkou) như thế nào.
Thông thường, người ta hiểu tulkou là hóa thân của của một vị thánh, một nhà thông thái quá cố, hoặc là hóa thân của chư thiên.
Tulkou theo cách hiểu thứ nhất được phổ biến rộng rãi nhất. Tulkou theo cách hiểu thứ hai hơi hiếm hoi, và chỉ xảy ra đối với các nhân vật huyền thoại như Đạt-lai Lạt-ma, Ban-thiền Lạt-ma, hoặc thấp hơn nữa là hóa thân của các vị thành hoàng bổn xứ như thần Pékar, thường xuất hiện trong các lần cầu đảo.
Hóa thân của chư thiên, của ma quỷ, của tiên nữ thường xuất hiện như là những vị anh hùng trong truyền thuyết. Tuy nhiên, lại có những người, nam lẫn nữ, thích làm hóa thân của những hung thần, ác quỷ. Phần lớn những kẻ này là các thầy phù thủy (ngagspa) tồn tại song song với giới tăng lữ.
Thỉnh thoảng ở đây đó ta lại gặp các tulkou thế tục, như trường hợp vua Ling được xem là hóa thân của con nuôi vị vua anh hùng Guézar de Ling.
Về hóa thân của các nữ thần (kandhoma), xem ra chẳng có sự khác biệt nào giữa các nữ tu và phụ nữ đã lập gia đình.
Hóa thân của tầng lớp sau cùng này không thể đặt bên cạnh hai loại hóa thân của tầng lớp tu sĩ quý tộc được. Ta có thể tin rằng nguồn gốc của nó nằm bên ngoài Lạt-ma giáo, mà xuất phát từ tôn giáo cổ của Tây Tạng.
Mặc dù Phật giáo nguyên thủy phủ nhận sự kiện có một linh hồn trường cửu đi đầu thai, và cho đó là một tà kiến nguy hiểm, nhưng phần đông Phật tử lại rơi vào tín ngưỡng cổ xưa của Ấn Độ giáo, cho rằng có một jiva (tự ngã) thường xuyên “thay đổi thân xác già cỗi để lấy một thân xác mới, giống như chúng ta vất bộ quần áo cũ để mặc bộ quần áo mới”.[9]
Khi tulkou được xem như là hóa thân của một vị thần hay một nhân vật thần thoại cùng tồn tại với vị thần đó, thì khái niệm về “tự ngã thay đổi thân xác” không giúp ta giải thích được gì về bản chất. Nhưng dân chúng Tây Tạng cũng chẳng quan tâm tìm hiểu gì đến điều đó, và trên thực tế, mọi tulkou, kể cả những đấng siêu phàm, đều được xem là hóa thân của tổ tiên.
Tỵ tổ của dòng dõi các tulkou thế tục có tên là Kou Kong ma. Thông thường thì ông ta là một tu sĩ lạt-ma, dù điều này không hoàn toàn bắt buộc.
Trong số những điều ngoại lệ như vậy, ta có thể viện dẫn trường hợp song thân của nhà cải cách Tsong Khapa. Cả hai người này đều có hóa thân trong tự viện Koum-Boum. Vị tu sĩ được xem là hóa thân của phụ thân Tsong Khapa có tên là Aghia Tsang. Ông là tự viện trưởng và người chủ sở hữu tự viện trên danh nghĩa. Khi tôi còn ở Koum-Boum thì ông ta mới chỉ là cậu nhỏ độ mười tuổi.
Mẫu thân của Tsong Khapa lại hóa thân thành một cậu con trai, mà sau này trở thành lạt-ma Tchangsa- Tsang.
Trong những trường hợp tương tự, các tulkou thế tục phải kết hợp với tầng lớp tăng lữ, trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi.
Có những trường hợp tulkou của các tiên nữ. Ở đây, cần nhấn mạnh một điểm đặc thù, đó là hiếm khi họ sống ẩn tu, mà thường là nữ tự viện trưởng của tự viện các chư tăng chứ không phải ni cô. Điều đó không bắt buộc họ phải điều hành tự viện. Họ sống trong các biệt điện, có các ni cô và tín nữ hầu hạ. Công việc điều hành tự viện, dù là trên danh nghĩa, được giao cho hội đồng trị sự gồm các vị tăng được tuyển chọn.
Người nào quan sát điều này đôi khi sẽ thấy buồn cười khi mà trí tuệ và sự linh thánh lại bị mất đi một cách lạ kỳ trong quá trình hóa thân. Không khó tìm thấy một kẻ hoàn toàn ngu dốt lại được xem là hóa thân của một nhà tư tưởng lỗi lạc, hoặc một kẻ phàm ăn tục uống lại là hóa thân của một vị ẩn tu khổ hạnh.
Sự tái sinh của các tulkou dường như không gây ngạc nhiên cho những ai tin rằng có một linh hồn đi đầu thai. Theo tín ngưỡng này, thì mỗi người trong chúng ta đều là một tulkou. “Tự ngã” đang hiện hữu trong thân xác này của chúng ta vốn đã từng hiện hữu trong quá khứ dưới một hình tướng khác. Điểm đặc biệt duy nhất mà các tulkou đem lại cho chúng ta, đó là họ đều được xem là sự tái sinh của những nhân vật lỗi lạc, họ nhớ lại tiền kiếp và, trong một số trường hợp, có khả năng chọn cha mẹ cùng địa điểm ra đời trong kiếp sau.
Các lạt-ma lại hoàn toàn không thấy có sự khác biệt giữa hóa thân của một người thế tục bình thường với một đạo sư xuất chúng. Họ cho rằng những ai không tu luyện tâm linh mà cứ sống một đời sống như loài vật, cứ để cuốn theo bản năng, thì cũng giống như một người lạc đường, không biết đi về phương nào.
Ví dụ, một người nhìn thấy thấp thoáng có một hồ nước ở phía đông và cơn khát thôi thúc anh ta đi về hướng đó để uống. Khi đến gần, anh ta lại lại ngửi thấy mùi khói[10] lan tỏa, khiến anh ta tưởng có một ngôi nhà hoặc căn lều nào gần đó. Nghĩ rằng được uống trà nóng và nghỉ qua đêm ở nơi đó là điều thoải mái hơn là uống nước trong hồ, thế là anh ta bỏ mặc cái hồ trước mặt để xoay lưng lại đi về hướng bắc có mùi thơm. Trong khi đi đường, trước mặt anh ta không hề có một ngôi nhà hay căn lều nào mà chỉ thấy xuất hiện toàn ma quỷ đe dọa khủng bố. Anh ta kinh hãi, liền quay lưng để chạy thật xa về hướng nam, đến khi cảm thấy an toàn mới dừng lại. Lúc đó anh ta thấy rất nhiều kẻ lang thang như mình. Tất cả mọi người ai nấy đều ca ngợi về sự trù phú và cảnh vật xinh đẹp của vùng đất mà họ đang trên đường đi tới. Anh ta liền hân hoan gia nhập đám người đó và đi về hướng tây. Trên đường đi, lại có nhiều biến cố khác xảy ra khiến cả đoàn người lạc hướng trước khi thấy được vùng đất hứa.
Cứ thay đổi phương hướng suốt đời như thế, kẻ diên rồ kia sẽ không bao giờ đến được một đích nào.
Cái chết đưa anh ta vào một cuộc viễn du miên tục và những thế lực đối kháng, phát sinh từ những hành động rối loạn của anh ta, sẽ bị phân tán hết. Số năng lượng[11] cần thiết để xác định sự liên tục của sinh mệnh không còn được tạo ra nữa, và do đó sẽ không hề có hóa thân.
Trái lại, người thông tuệ được ví với một du khách biết rõ mình muốn đến nơi nào và được thông báo rõ ràng về địa hình của nơi mà anh ta đã chọn làm đích đến, cũng như những con đường anh sẽ đi qua. Khi tinh thần tập trung vào lộ trình, hoàn toàn câm điếc trước mọi ảo ảnh xuất hiện trên đường đi, thì sẽ không có gì khiến người đó lìa bỏ con đường của mình được. Người đó kiểm soát được những sức mạnh phát sinh từ sự tập trung tư tưởng và hoạt động của bản thân. Trên đường đi, cái chết có thể làm phân rã thân xác anh ta, nhưng năng lượng tinh thần vẫn kiên cố bất hoại. Thân xác vừa là người sáng tạo, vừa là công cụ của nguồn năng lượng tinh thần này. Do kiên trì hướng tới một mục tiêu không đổi, nguồn năng lượng tinh thần này có thể tìm thấy một công cụ thể chất khác, nghĩa là một hình tướng khác, do đó mà có sự hóa thân (tulkou).
Ở đây, chúng ta sẽ gặp nhiều quan điểm trái ngược nhau. Một số lạt-ma tin rằng sau khi chết, nguồn năng lượng vi tế của những người đã sản sinh ra nó, hoặc đã nuôi dưỡng nó – nếu người đó thuộc về dòng dõi các tulkou – sẽ hút các tố chất tinh thần về phía nó và kết tụ lại để tạo nên một sinh thể mới. Một số khác lại cho rằng nguồn năng lượng thoát ra khỏi thể xác đó sẽ kết tụ lại trong một sinh thể đã tồn tại, mà thiên hướng thể xác lẫn tâm linh của sinh thể đó – vốn đã tích tụ từ nhiều tiền kiếp – cho phép tạo nên sự kết hợp hài hòa.
Thật là vô ích khi nhắc nhở rằng bạn đọc có thể phản bác những học thuyết đó, song mục đích duy nhất của cuốn sách này là trình bày quan điểm của các nhà thần bí chứ không phải để tranh luận với họ.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, cho dù tôi có nhắc đến học thuyết nào đi nữa thì nó vẫn trùng khớp với nhiều truyền thuyết của Tây Tạng thời cổ đại, trong đó các nhân vật anh hùng có thể xác định được, bằng ý chí, bản chất của sự tái sinh và sự nghiệp của họ trong các hóa thân ở kiếp sau.
Mặc những điều ta vừa nói về vai trò mà ý thức nắm giữ một cách kiên trì trong việc tạo nên sự tương tục của dòng dõi tulkou, ta cần phải nhớ rằng một nhân cách mới được hình thành hoàn toàn ngẫu nhiên. Niềm tin vào tất định thuyết[12] đã ăn sâu thâm căn cố đế trong não tủy người Tây Tạng, ngay cả với những người chăn nuôi sống hoang dã trên thảo nguyên, nên họ khó lòng chấp nhận một ý tưởng như thế.
Theo nguyên nghĩa, thì thuật ngữ tulkou có nghĩa là “một hình thể được tạo ra bởi một tiến trình huyền bí”. Theo các học giả và các nhà huyền học Tây Tạng, ta phải hiểu tulkou như là những hình nhân ảo, những âm binh do phù thủy tạo ra để phục vụ cho ý đồ của họ.
Dựa vào quan điểm này, tôi xin trích dẫn lời của đức Đạt-lai Lạt-ma đã giải thích cho tôi nghe.
Như tôi đã kể trong chương đầu, vào năm 1912, khi đức Đạt-lai Lạt-ma lưu trú tại dãy Hy Mã Lạp sơn, tôi đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến giáo lý Lạt-ma giáo. Thoạt đầu, ngài trả lời rất hùng hồn. Cuối cùng, để tránh hiểu lầm, ngài yêu cầu tôi viết ra các câu hỏi mới, nhắm vào những chỗ tôi còn lờ mờ, và ngài trả lời những câu hỏi đó bằng bút mực. Sau đây là những điều được trích dẫn từ các trang văn bản đó.
Đức Đạt-lai Lạt-ma nói:
“Bồ Tát là nền tảng để phát khởi vô lượng hình tướng thắng diệu. Sức mạnh, được tạo ra nhờ vào sự tập trung tư tưởng toàn triệt, có thể giúp cho Bồ Tát đó hóa thân thành nhiều hình tướng giống nhau tại vô số quốc độ khác nhau trong cùng một thời điểm. Ngài không chỉ mang hình tướng con người, mà còn bất kỳ hình tướng nào khác, kể cả các hình thể bất động như nhà cửa, tường rào, rừng cây, đường đi, cây cầu v.v… Ngài có thể tạo ra những hiện tượng trong không khí cũng như tạo ra nước cam lồ bất tử làm dịu các cơn khát. (Câu này, ngài giải thích cho tôi biết là phải hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).
Ngài kết luận:
“Trên thực tế, năng lực tạo ra các hình tướng thắng diệu của Bồ Tát là vô tận.”
Giáo lý được thừa nhận bởi các học giả có thẩm quyền tối cao trong Lạt-ma giáo cũng tương tự như giáo lý trong kinh điển Đại thừa. Có mười hình tướng thù thắng của Bồ Tát được liệt kê trong kinh điển. (Các hình tướng này có trình độ giác ngộ kém hơn đức Phật.)[13]
Những điều nói về hóa thân thù thắng của đức Phật cũng đều có thể áp dụng cho bất kỳ người nào, cho bất kỳ thiên thần hay ác quỷ nào. Chỉ có sự khác biệt duy nhất là về năng lực thần thông, và năng lực này chỉ tùy thuộc vào sức mạnh tập trung tinh thần cùng “phẩm chất” của tinh thần, tức công phu đạo hạnh.
Hóa thân (tulkou) của những nhân vật huyền thoại được sùng bái riêng biệt với người sáng tạo ra họ, dù cả hai cùng tồn tại song song. Do đó, trong khi đức Đạt-lai Lạt-ma – hóa thân của Bồ Tát Quán Âm – sống ở Lhassa, còn Bồ Tát Quán Âm thì vẫn an trú ngoài biển Nam Hải. Đức Phật Di-đà dù hóa thân thành Ban-thiền Lạt-ma nhưng vẫn an trú tại Tây phương Cực Lạc.
Nhiều người cũng có thể tồn tại song song với con cháu thần bí của họ. Điển hình là truyền thuyết của người Tây Tạng về vua Srong-bstan Gampo, về chiến binh vĩ đại Guézar de Ling và các nhân vật khác.
Trong thời đại chúng ta, người ta kể rằng khi Ban-thiền Lạt-ma đào thoát khỏi Jigatzé, ngài đã để lại nơi đó một hình nhân ảo giống hệt như ngài, nói năng hành động hoàn toàn như ngài để đánh lừa những người tham kiến. Khi đức Lạt-ma đã bình yên ở bên kia biên giới thì hình nhân ảo kia biến mất.
Những nhân vật được nhắc trên đây cũng đều là những tulkou, nhưng theo tín đồ Lạt-ma giáo thì điều đó không ngăn cản việc tạo ra những hình thức thần bí. Các hình thức này xuất hiện kế tiếp nhau, và tạo thành các cấp bậc hóa thân đều có tên gọi đặc biệt.[14]
Có nhiều trường hợp sau khi qua đời, người chết lại tự phân thân thành nhiều tulkou nổi tiếng và xuất hiện vào cùng một thời điểm. Mặt khác, một số lạt-ma phải hóa thân thành nhiều tulkou khác nhau. Chẳng hạn, đức Ban-thiền Lạt-ma không chỉ là hóa thân của đức Phật Di-đà mà còn là hóa thân của trưởng lão Tu-bồ-đề, một cao đồ của đức Phật có thật trong lịch sử. Cũng vậy, đức Đạt-lai Lạt-ma không chỉ là hóa thân của Bồ Tát Quán Âm, mà đồng thời còn là hóa thân của Gedundop – môn đồ và là người kế thừa của nhà cải cách tôn giáo Tsong Khapa.
Trước khi đi xa hơn, hẳn sẽ rất lý thú khi ta nhớ rằng giáo phái Thiên Chúa giáo nguyên thủy xem đức Jesus như là một tulkou. Môn đồ giáo phái này cho rằng đức Jesus bị đóng đinh không phải là người thật mà chỉ là một hình nhân ảo được tạo ra để thực hiện vai trò đó.
Một số Phật tử cũng chia sẻ ý tưởng này khi nói về đức Phật. Theo họ thì đức Phật vẫn ngự tại cung trời Đâu Suất, Ngài chưa hề rời khỏi nơi đó mà Ngài chỉ tạo ra một hình nhân ảo xuất hiện tại Ấn Độ và trở thành đức Phật Thích-ca trong lịch sử mà thôi.
Mặc dù các thuyết liên quan đến tulkou khá tinh tế và mâu thuẫn, trái ngược nhau này vẫn được lưu hành trong giới trí thức, song vì những mục đích thực tế, các tulkou vẫn được xem như là hóa thân thực sự từ các tiền thân trước đó, và mọi thủ tục để mọi người công nhận vẫn được tiến hành phù hợp.
Khi một lạt-ma đã là tulkou thì lúc lâm chung thường báo trước địa điểm ông ta sẽ tái sinh. Đôi khi ông ta còn thông báo thêm chi tiết về cha mẹ, điều kiện sống… trong tương lai.
Thông thường thì sau khi vị lạt-ma tulkou viên tịch được hai năm, vị tăng trụ trì cùng hội đồng trị sự trong tự viện mới lên đường đi tìm hóa thân của ông ta.
Nếu vị lạt-ma đã mất kia để lại những lời chỉ dẫn trước khi viên tịch thì người ta cứ theo đó mà thi hành. Nếu không, người ta phải nhờ đến các chiêm tinh gia hoặc thầy bói. Những người này thường phán những câu rất mơ hồ tối nghĩa về địa điểm ra đời của đứa bé cùng những dấu hiệu để nhận biết nó. Nếu đó là hóa thân của một vị lạt-ma cao cấp thì người ta phải tham khảo sấm ngôn của Hội đồng quốc gia, và lời phán quyết của hội đồng mang tính bắt buộc đối với trường hợp của Đạt-lai Lạt-ma hay Ban-thiền Lạt-ma.
Đôi khi, đứa bé đáp ứng đúng lời tiên tri được tìm thấy rất nhanh. Nhưng có khi phải trải qua nhiều năm tháng mà vẫn không sao tìm được. Đối với các môn đồ của vị lạt-ma thì đó là buồn thê thảm. Các vị tu sĩ trong tự viện lại càng đau khổ hơn nữa, bởi vì nếu không có hóa thân của vị bổn sư thì sẽ không còn mấy ai quan tâm đến họ nữa và do đó, họ sẽ mất đi rất nhiều vật phẩm cúng dường. Tuy nhiên, trong khi các môn đồ và các trapa đang khóc than đau khổ, thì người quản lý láu cá trong tự viện lại có thể ngấm ngầm hoan hỷ, vì trong thời gian chưa có vị tăng trụ trì hợp pháp, ông ta sẽ là người toàn quyền quản lý tài sản của vị lạt-ma quá cố, và đây là cơ hội để ông ta vớ bở.
Ngay cả khi đã tìm được đứa bé đáp ứng tương đối đầy đủ với lời tiên đoán, thì người ta vẫn phải thẩm vấn lại lạt-ma hóa thân này. Nếu đứa bé tuyên bố nó là hóa thân, thì người ta dùng hình thức kiểm tra như sau: người ta bày ra trước mắt đứa nhỏ một đống đồ vật, gồm những đồ dùng cũ của vị lạt-ma quá cố để lẫn lộn với những đồ dùng mới, và nó phải chỉ ra đúng những đồ dùng ngày trước của mình.
Có trường hợp nhiều đứa nhỏ được đề cử vào vị trí hóa thân sau khi một vị lạt-ma qua đời. Đứa nào cũng đưa ra được những bằng chứng thuyết phục, và cùng chỉ đúng những đồ dùng ngày trước của vị lạt-ma quá cố. Cũng có trường hợp các nhà chiêm tinh và thầy bói không thống nhất ý kiến trong việc chọn lựa, và không thể chỉ ra đâu là hóa thân thực sự giữa các ứng viên khác nhau.
Những trường hợp như trên thường chỉ xảy ra đối với các tulkou vĩ đại chấp chưởng những tự viện lớn. Rất nhiều gia đình mơ ước đặt được đứa con của mình lên vị trí của vị lạt-ma trụ trì quá cố.
Cha mẹ của vị tulkou trẻ được phép sống chung trong tự viện cho đến khi đứa bé không còn cần đến sự chăm sóc của người mẹ nữa. Sau đó, một cơ ngơi cho họ được dựng lên trên đất tự viện; ngoài ra, ở bên ngoài khuôn viên tự viện, họ vẫn được cung cấp đầy đủ những vật phẩm cần dùng để có một đời sống thoải mái. Nếu tự viện không có chỗ ở cho cha mẹ vị tulkou, hoặc vị tulkou đó không phải là tu sĩ trụ trì, thì họ vẫn được cung phụng đầy đủ tại quê nhà cho đến trọn đời.
Tại các tự viện lớn, đối với chức vụ trụ trì thì số lượng các tulkou có khi lên đến hàng trăm người. Những người này, ngoài những dinh thự xa hoa lộng lẫy, còn sở hữu nhiều tự viện khác tại các khu vực khác nhau, ở Tây Tạng hoặc Mông Cổ.
Trên thực tế, chỉ cần được là người họ hàng bà con xa với vị tulkou thì điều đó đã đủ là mối quan hệ khiến cho bất kỳ người Tây Tạng nào cũng phải ghen tỵ rồi. Do đó, đã có biết bao câu chuyện thêu dệt chung quanh người kế vị của tulkou, và giữa bộ tộc Kham hiếu chiến hoặc các bộ tộc tại biên giới phương bắc, những cuộc tranh giành sôi nổi như thế dẫn đến những xung đột đẫm máu.
Vô số câu chuyện được đồn đãi khắp đất nước Tây Tạng liên quan đến các tulkou trẻ em, để chứng minh rằng các hóa thân chỉ là một, thông qua các hoạt động trong tiền kiếp. Trong các câu chuyện được đồn đãi đó, ta thấy có sự pha trộn giữa lòng mê tín, sự tinh quái, tính hài hước và những sự kiện kỳ quặc khó tin. Đây là điều phổ biến ở Tây Tạng.
Tôi có thể kể lại hàng chục câu chuyện như vậy, song tôi chỉ xin kể hai câu chuyện có liên quan với tôi đôi chút.
Bên cạnh cung điện của lạt-ma tulkou Pagyai tại Koum-Boum là cơ ngơi của một tulkou khác tên là Agnai-Tsang.[15] Đã bảy năm trôi qua, kể từ khi lạt-ma Agnai-Tsang cuối cùng viên tịch và “hóa thân” của ông ta vẫn chưa được tìm ra. Tôi không tin rằng sự vắng mặt của ông ta gây đau khổ cho vị tăng trị sự trong nhà ông. Ông này quản lý tài sản của vị lạt-ma quá cố, và của nả của bản thân ông tăng lên đáng kể.
Một ngày kia, khi quay về sau một chuyến đi buôn đường dài, vị tăng trị sự này ghé vào một trang trại để xin nước uống và nghỉ ngơi. Trong khi bà chủ trang trại chuẩn bị trà, ông lôi từ trong tay nãi ra một ống điếu cẩn ngọc thạch để hút thuốc thì cậu bé con chủ nhà, lúc này đang chơi đùa ở góc bếp, đưa tay ngăn lại và cất giọng trách móc:
– Sao ông lại dùng cái tẩu thuốc của ta?
Vị tăng trị sự chết sửng như bị sét đánh. Quả thực, cái tẩu thuốc quý báu kia không phải của ông, mà của sư phụ ông là vị lạt-ma Agnai-Tsang quá cố. Thực ra, ông cũng không hề có ý định lấy cắp, mà vì nó có sẵn đó nên ông cứ lấy mà dùng hết ngày này qua ngày khác.
Vị tăng trị sự đứng sửng đó, bụng dạ rối bời, trong khi đó cậu bé nghiêm nghị nhìn ông với vẻ hăm dọa, không còn gì là nét mặt trẻ con nữa. Nó nói như ra lệnh:
– Hãy trả ngay cái tẩu thuốc cho ta.
Lòng tràn ngập ăn năn và hoang mang tột độ, vị tăng trị sự mê tín kia liền quỳ mọp trước mặt vị sư phụ hóa thân của mình.
Vài ngày sau, tôi thấy cậu bé được đám đông rước về tự viện. Cậu ta mặc chiếc áo brocart màu vàng và cưỡi con ngựa ô nhỏ rất đẹp, vị tăng trị sự nắm cương dắt ngựa đi.
Khi đám rước về đến cổng nhà, cậu bé lên tiếng hỏi:
– Sao chúng ta lại đi bên trái để vào sân giữa? Cánh của ở bên phải cơ mà!
Sau khi vị lạt-ma viên tịch, vì một vài lý do nào đó, người ta bít cánh cửa cũ ở bên phải, và trổ một cánh cửa khác.
Các tu sĩ hân hoan vì bằng chứng mới này, vì điều đó càng xác nhận cậu bé đúng là vị sư phụ cũ của họ. Cậu bé được đưa vào phòng riêng để dùng trà.
Cậu bé ngồi tựa vào đống gối chăn cao nghệu, đưa mắt nhìn cái bát ngọc thạch trên cái đĩa hồng ngọc với nắp đậy bằng ngọc lam được bày ra trước mặt cậu.
– Hãy đưa cho ta cái bát sứ. – Cậu ta ra lệnh, rồi mô tả tỉ mỉ cái bát sứ Trung Quốc với những hoa văn trên đó.
Không một ai thấy cái bát đó bao giờ. Vị tăng trị sự và các tu sĩ khác trịnh trọng thuyết phục vị lạt-ma trẻ kia là không hề có cái bát như thế trong ngôi nhà này.
Đúng vào lúc đó, tôi được vị tăng trị sự cho phép bước vào phòng. Tôi biết câu chuyện cái tẩu thuốc và tò mò muốn nhìn kỹ cậu bé hàng xóm của mình.
Theo tục lệ Tây Tạng, tôi tặng cậu ta một tấm lụa và một vài món quà. Cậu ta tươi cười đón nhận rất lịch sự, nhưng vẻ mặt vẫn đăm chiêu, vì còn mãi nghĩ đến cái bát sứ kia.
– Các ông tìm kỹ lại đi, thế nào cũng tìm thấy mà. – Cậu bé khẳng định.
Thình lình, như có một tia chớp lóe qua trí nhớ, cậu ta mô tả cụ thể cái tủ màu gì, đặt ở góc nào trong một căn phòng chỉ chứa những đồ vật rất khi dùng tới.
Các tu sĩ nói qua loa cho tôi nghe mọi việc vừa diễn ra, và tôi có mặt ở phòng vị tulkou vì muốn biết câu chuyện sẽ đi đến đâu.
Không đầy ba mươi phút sau, cái bát sứ với đĩa và nắp đậy đã được tìm thấy trong cái hộp nằm ở đáy rương, giống như cái bát mà cậu bé mô tả.
Sau này, vị tăng trị sự khẳng định với tôi:
– Tôi đã quên bẵng cái bát đó. Vị bổn sư tulkou của tôi có lẽ đã đặt nó trong cái rương không chứa đồ dùng quý giá, và nhiều năm rồi chẳng ai mở cái rương đó ra.
***
Tôi cũng chứng kiến cảnh tìm được tulkou trong một trường hợp còn hấp dẫn hơn câu chuyện trên đây nhiều. Sự việc xảy ra trong một quán trọ nghèo ở một ngôi làng nhỏ không xa vùng Ansi (trong sa mạc Gobi).
Ở vùng này, những con đường mòn dẫn từ Mông Cổ đến Tây Tạng, băng qua một con đường rất dài từ Bắc Kinh đến Nga, gần như xuyên suốt cả lục địa. Do vậy, tôi chẳng ngạc nhiên gì khi đến một quán trọ vào lúc hoàng hôn lại thấy quán đông nghịt những người của một đoàn lữ hành Mông Cổ.
Các du khách đều lộ vẻ rất kích động, tựa hồ như có một điều kỳ lạ gì đấy vừa mới xảy ra. Lúc nào cũng vậy, với tính lịch sự quen thuộc, một phần cũng nhờ bộ pháp phục mà tôi và Yongden đang mặc trên người, đám người Mông Cổ nhường cho đoàn chúng tôi một phòng và cho ngựa của chúng tôi vào chuồng.
Trong khi tôi và con trai đang thong thả ngắm những con lạc đà ngủ ngoài sân, thì một cánh cửa phòng hé mở và một thanh niên to lớn dáng vẻ khả ái, ăn mặc tuềnh toàng bước vào. Anh ta đứng nơi bậc cửa, hỏi chúng tôi có phải là người Tây Tạng không. Chúng tôi khẳng định là đúng, với giọng quả quyết.
Một vị lạt-ma già, mà chúng tôi đoán là trưởng đoàn, lập tức xuất hiện sau lưng anh ta và nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Tây Tạng.
Như thường lệ, trong những buổi gặp gỡ như thế này, chúng tôi trao đổi với nhau những câu nói mang tính xã giao, cho biết mình từ đâu tới và định đi đâu.
Vị lạt-ma cho chúng tôi biết ông định đi Lhassa qua lối Soutchou, nhưng chuyến đi đã trở nên vô ích nên ông ta sẽ quay về Mông Cổ. Những người tùy tùng ngồi ngoài sân tán đồng lời này bằng cách gục đầu với vẻ chăm chú lắng nghe.
Tôi tự hỏi điều gì có thể khiến cho vị lạt-ma thay đổi ý định, song ông ta đã lui về phòng. Tôi thấy năn nỉ ông ta giải thích là điều mất lịch sự nên thôi.
Tuy nhiên, đến chiều tối, khi những người Mông Cổ tìm hiểu chúng tôi qua những người trong đoàn, thì họ mời đến chúng tôi uống trà và tôi được nghe đầu đuôi câu chuyện.
Chàng trai trẻ kia quê ở Ngari, một tỉnh cách đây rất xa, ở mạn đông nam Tây Tạng. Anh ta dường như có khả năng ngoại cảm. Nếu ở phương Tây thì ít nhất người ta cũng cho là thế, nhưng chúng tôi đang ở châu Á.
Ngay từ thời thơ ấu, Migyur – tên chàng trai nọ – luôn bị ám ảnh bởi ý tưởng kỳ quặc rằng quê anh ta không phải ở nơi mà lẽ ra anh ta phải ở. Anh ta cảm thấy mình là kẻ xa lạ ngay trong quê hương làng mạc của mình, trong gia đình mình. Trong giấc mơ, anh thấy những xứ sở không có ở Ngari: những vùng hoang mạc, những túp lều tròn bằng dạ, ngôi chùa nhỏ trên đồi. Ngay cả khi tỉnh giấc, những hình ảnh đó vẫn xuất hiện trong anh, tạo ấn tượng lên những sự vật chung quanh, che phủ lên chúng và thường xuyên tạo ra chung quanh anh ta một ảo ảnh.
Khi chưa đầy mười bốn tuổi, anh ta bỏ nhà trốn đi, vì không thể cưỡng lại niềm khao khát muốn tìm đến được vùng đất xuất hiện trong mơ. Kể từ đó, anh ta đi lông bông khắp đó đây, làm việc buổi đực buổi cái để sống qua ngày, chủ yếu là ăn xin, không ở nơi nào cố định. Lúc này, anh ta lang thang đến đây từ vùng Aric, ở phương bắc với những thảo nguyên bao la.
Theo thói quen, anh ta cứ bước đi không mục đích, cho đến khi anh ta tới trước quán trọ nơi đoàn người Mông Cổ cắm trại, trước khi chúng tôi đến độ vài giờ. Thoạt trông thấy những con lạc đà ngoài sân, không hiểu sao anh ta liền lao qua cổng, đến đứng trước mặt vị lạt-ma. Rồi như một tia chớp, những sự kiện trong quá khứ lóe lên trong trí nhớ anh.
Anh ta nhớ lại đã sống với vị lạt-ma kia khi còn trai trẻ, là môn đồ của anh ta, còn bản thân anh ta là một lạt-ma già nua. Cả hai đều rong ruổi trên cùng một con đường, trở về từ một chuyến hành hương dài giữa miền đất Tây Tạng linh thánh, và quay về lại ngôi chùa trên ngọn đồi ở chốn quê nhà.
Anh ta nhắc lại cho vị lạt-ma trưởng đoàn nhớ tất cả những điều này với những chi tiết rất nhỏ về đời sống của họ trong một ngôi chùa xa xôi, và thêm biết bao điều riêng tư khác.
Chắc chắn mục đích của những người Mông Cổ trong chuyến đi này là đến Lhassa để cầu xin đức Đạt-lai Lạt-ma chỉ vẻ cho họ cách tìm lại tulkou của vị lạt-ma trụ trì ngôi chùa, mà vị trí vẫn còn để trống gần hai mươi năm, vì bao năm qua họ đã nỗ lực tìm kiếm hóa thân của ông nhưng vẫn hoài công vô ích.
Những con người mê tín này gần như tin rằng, bằng quyền lực toàn năng, đức Đạt-lai Lạt-ma đã biết được ý định của họ, và bằng tấm lòng đại bi, ngài đã khiến cho họ gặp được hóa thân của vị thầy quá cố.
Kẻ lang thang xứ Nagri ngay lập tức phải trải qua cuộc thử nghiệm như thường lệ, và từ cái tay nải, trong đó để lẫn lộn nhiều thứ, anh ta không ngần ngại rút ra ngay những đồ dùng của vị lạt-ma quá cố một cách chính xác.
Đoàn người Mông Cổ không còn nghi ngờ gì nữa về tính xác thực của vị tulkou mà họ vừa tìm thấy.
Sáng
hôm sau, tôi nhìn theo đoàn lữ hành đi xa dần với những bước chân lạc đà chậm chạp,
và khuất dạng cuối chân trời giữa sa mạc Gobi. Vị tulkou mới đã đi theo số phận kỳ lạ của mình.
[1] Tát gia phái (薩 加 派), một trong bốn tông phái chính ở Tây Tạng, do Khön Köntchok Gyalpo 1034- 1102) sáng lập năm 1073.
[2] Thuộc phía đông Tây Tạng.
[3] Tưc là vào năm tác giả viết sách, bản Anh ngữ dịch là 6 bảng Anh.
[4] Loại bánh làm bằng bột đại mạch, được xem là thức ăn chính ở Tây Tạng, giống như bánh mì ở Pháp (T.g)
[5] Vào thời đó, đồng tiền Trung Quốc có giá trị tương đương với đồng đô la Mỹ. (T.g)
[6] Bên ngoài đất nước Tây Tạng, Lạt-ma giáo được truyền bá khắp Mông Cổ, Syberia, Mãn Châu, và rất nhiều vùng trong khu vực Nga Âu. (T.g)
[7] Nguồn lợi tức này có được từ đất canh tác và gia súc của tự viện, do những tín đồ lĩnh canh đem lại. Ba tự viện ở Lhassa: Séra, Galden và Despung đều được nhận sự tài trợ hằng năm của chính phủ. Sau đó những tự viện này tiến hành giao dịch qua trung gian những thương lái mà họ trực tiếp hùn vốn hoặc qua trung gian những vị có chức sắc trong giáo hội cùng những nhân vật cao cấp của tự viện chịu trách nhiệm quản lý những công việc tạm thời. (T.g)
[8] Nhà thơ – tu sĩ khổ hạnh Milarespa của thế kỷ 11 là một ví dụ. Ông là vị thánh nổi tiếng nhất ở Tây Tạng (T.g).
[9] Baghavad Gita (T.g)
[10] Tu sĩ lạt-ma đưa ra so sánh này đã giải thích đó là “mùi lửa”. Những du khách Tây Tạng khi băng ngang qua những ngọn núi cao hoặc thảo nguyên ở phương Bắc thường hay thấy thấp thoáng có mùi lửa lan tỏa trong không khí, dù nó không được tạo ra từ lửa thật (T.g).
[11] Người Tây Tạng thường nhắc đến dạng năng lượng này và gọi tên là Chougs hoặc Tsal. (T.g).
[12] Déterminisme.
[13] Về sức oai thần diệu dụng của Bồ Tát Quan Âm thì kinh Pháp Hoa liệt kê đến 33 hiện thân như sau: 1. Thân Phật 2. Thân Độc Giác 3. Thân Duyên Giác 4. Thân Thanh Văn 5. Thân Phạm Vương 6. Thân Đế- Thích 7. Thân Tự Tại Thiên 8. Thân Đại Tự Tại Thiên 9. Thân Thiên Đại Tướng quân 10. Thân Tứ Thiên Vương 11. Thân Thái tử của Tứ Thiên Vương 12. Thân Nhân Vương 13. Thân Trưởng giả 14. Thân Cư sĩ 15. Thân Tể quan 16. Thân Bà- la- môn 17. Thân Tỷ- kheo 18. Thân Tỷ- kheo- ni 19. Thân Ưu- bà- tắc 20. Thân Ưu- bà- di 21. Thân Nữ chúa 22. Thân Đồng nam 23. Thân Đồng nữ 24. Thân trời 25. Thân Rồng 26. Thân Dược- xoa 27. Thân Càn- thát- bà 28. Thân A- tu- la 29. Thân Khẩn- na- la 30. Thân Ma- hầu- la- già 31. Thân Người 32. Thân Phi nhân 33. Thân Thần Cầm Kim Cương.
[14] Yang tulkou xuất phát từ tulkou và gsam tulkou xuất phát từ tulkou của tulkou. (T.g).
[15] Bạn đọc đừng lẫn lộn với Aghia- Tsang, vị đại lạt-ma tulkou đã được nhắc tới trong các trang trước (T.g).
Thảo luận