Tại Gangtok, tôi đã gặp lại lạt-ma Bermiak Kouchog. Vị tu sĩ trụ trì tự viện Enché đã đi Jigatzé và chỉ quay về sau nhiều sau tháng nữa. Ông đại diện cho chính quyền Anh quốc đi dự hội nghị chính trị Hoa- Tạng được tổ chức tại Ấn Độ, và Dawasandup đã đi theo ông làm người thông dịch. Vị đại vương xứ Sikkim đã băng hà, và con trai ông là ông hoàng Hoạt Phật Sidkéonglên kế vị, nên ít có thời gian dành cho việc nghiên cứu tôn giáo nữa. Kế hoạch cho cuộc hành trình của tôi xem như không còn thực hiện được nữa. Mọi thứ đều tỏ ra bất lợi.
Dần dần mọi thứ quanh tôi đều hiện rõ chân dung của những thế lực thù hận. Dường như có những vị thần vô hình nhập vào tôi, buộc tôi phải rời bỏ xứ sở này, nói đúng hơn là muốn đẩy tôi lùi lại, gợi ý cho tôi biết rằng họ không cho phép tôi đi xa hơn nữa trong việc nghiên cứu Lạt-ma giáo và vùng đất Tây Tạng. Đồng thời, nhờ vào trực giác sâu sắc, tôi cảm nhận rằng sau khi tôi đi thì những kẻ thù xa lạ này sẽ vui mừng trong chiến thắng, vì đã xua đuổi được tôi.
Tôi cảm nhận được những hiện tượng này biểu hiện qua các cơn sốt và trạng thái suy nhược thần kinh do phải làm việc quá sức. Có lẽ một đôi người cũng đã từng cảm nhận được sức tác động của những lực lượng thần bí trong những hiện tượng này. Cho dù đây có là hiện tượng gì đi nữa, thì tôi cũng không sao vượt qua được sự đau đớn kèm theo ảo giác. Các loại thuốc an thần và giảm đau đều không có hiệu quả. Tôi nghĩ thầm, mình ngã bệnh có lẽ do không hợp thủy thổ.
Trong khi tôi muốn tìm một chỗ ở để khỏi phải rời Hy Mã Lạp sơn thì ông hoàng Sikkim, dường như đã tiên đoán được ước nguyện của tôi, đã cho tôi lưu trú tại một căn hộ thuộc tự viện Podang cách Gangtok khoảng mười lăm cây số, giữa khu rừng gần như bị chìm khuất trong những đám mây mù dày đặc.
Căn hộ này gồm có một phòng lớn ở tầng trệt của tự viện, và một cái bếp thật lớn rộng. Những người phụ việc cho tôi có thể ngủ tại gian bếp này, theo tập quán của người Tây Tạng.
Hai cửa sổ lớn giúp cho căn phòng ngập tràn ánh sáng mặt trời. Nhưng đồng thời, cũng với một thái độ thân thiện không kém, chúng đón nhận cả gió mưa và những cơn mưa đá, qua hai khung cửa trống hoác ở hai bên.
Tôi sắp xếp những cuốn sách của mình trên các miếng ván ốp tường ở góc phòng. Tôi bày thêm một cái bàn và một cái ghế xếp, đó là “phòng làm việc” của tôi. Ở một góc khác, tôi treo cái lều trên xà nhà và đặt cái giường dã chiến của mình ở đó, đó là “phòng ngủ” của tôi. Giữa căn phòng hãy còn rất rộng, tôi dùng làm chỗ tiếp khách trong những ngày nắng đẹp.
Điều hấp dẫn tôi tại Podang là loại âm nhạc tôn giáo mà tôi nghe mỗi ngày hai lần, vào lúc sáng tinh mơ và khi chiều xuống. Dàn nhạc rất đơn giản, chỉ gồm hai cái kèn gyaling nho nhỏ, hai cái kèn ragdong dài từ ba đến bốn mét và hai cái trống định âm.
Tiếng chuông trầm lắng ngân lên như đoạn nhạc dạo cho tiết tấu đặc biệt ở các đền thờ phương Đông. Sau một lúc yên lặng, tiếng kèn ragdong bắt đầu vang rền. Tiếp theo đó, chỉ có tiếng kèn gyaling ngân lên một hồi dài với những âm thanh mộc mạc đầy cảm xúc. Dàn nhạc lặp lại như cũ, chỉ có một chút biến tấu bằng những nốt trầm của tiếng kèn ragdong hòa theo tiếng trống định âm để mô phỏng tiếng sấm rền từ xa vọng lại.
Giai điệu cứ như một dòng sông sâu thăm thẳm trôi chảy nhẹ nhàng, vô cùng thanh thản, không một chút sóng gợn lao xao. Nó gỡ bỏ tất cả những cảm giác khốn khổ lụy phiền, tựa hồ như bao thống khổ của những kẻ lữ hành đang hành hương từ thế giới này sang thế giới khác, từ vô lượng kiếp, đều lan tỏa ra trong tiếc thương mênh mông đầy tuyệt vọng.
Người nhạc sĩ nào có thể khéo léo dùng thứ âm thanh xa lạ này để tìm ra được một “leit motiv”[1] cho thống khổ của trần gian? Và làm thế nào, với một dàn nhạc rời rạc như thế, mà những con người không chút thiên bẩm nghệ thuật kia lại có thể tạo ra được những âm thanh làm tan nát lòng người đến vậy?
Đó là một điều huyền mật mà tôi không sao hiểu nổi. Tôi chỉ biết yên lặng lắng nghe khi mặt trời bắt đầu hửng sáng sau chân núi và khi bầu trời tối dần trong bóng hoàng hôn.
Bên cạnh những công việc hằng ngày, tôi còn có dịp tham dự những lễ hội cúng tế quỷ thần hằng năm ở Podang. Mãi về sau này, tôi mới gặp lại các lễ hội này được tổ chức huyên náo ầm ĩ ở Tây Tạng. Nhưng theo tôi, sự huyên náo đó lại làm giảm mất đi nét tinh tế của lễ hội được tổ chức trong bóng mát của những khu rừng trong Hy Mã Lạp sơn. Các màn pháp thuật đều mất đi ý nghĩa khi phải diễn xuất giữa thanh thiên bạch nhật, giữa chốn đông người.
Trước tiên, các trapa kéo thần Mahâkala ra khỏi cái tủ, nơi ông ta bị giam giữ suốt năm với những phẩm vật cúng dường cùng bùa phép.
Trong số các điện thờ tự viện thì chỉ có các tự viện Lạt-ma giáo mới dành chỗ cho những vị thần bản địa, vốn được du nhập từ Ấn Độ từ thuở xa xưa. Khi vào Xứ Tuyết thì các vị thần này chỉ được xếp là hàng thứ yếu. Do thiếu hiểu biết, người Tây Tạng biến các vị thần này thành ma quỷ và đối xử với họ rất thô bạo.
Trong số tất cả những vị thần Ấn Độ bị lưu đày sang Tây Tạng, thì Mahâkala là vị thần nổi tiếng nhất. Tính cách nguyên thủy của ông chính là thần Çiva, giữ vai trò hủy diệt thế giới.
Khi bị biến thành một ác thần chuyên gây tai họa, thần Mahâkala bị các pháp sư lạt-ma dùng pháp thuật bắt làm nô lệ, buộc phải làm việc cật lực để phục vụ loài người, và bị trừng phạt không nương tay nếu tỏ ra lười biếng.
Truyền thống phổ biến kể rằng giáo chủ tông phái Karmapa đã bắt Mahâkala về làm tôi tớ. Khi yết kiến hoàng đế Trung Quốc, do vị lạt-ma làm phật lòng hoàng đế, nên ông vua này hạ lệnh buộc râu của Karmapa vào sau đuôi ngựa.
Khi bị kéo lê sau đuôi con vật, có nguy cơ bị chết, vị đại lạt-ma Karmapa liền gọi Mahâkala đến giúp. Vì thần Mahâkala không đến kịp, lạt-ma Karmapa liền thi thố pháp thuật khiến cho bộ râu ông rời ra khỏi cằm. Khi đứng dậy và thấy Mahâkala tới trễ, Karmapa liền nổi cơn thịnh nộ, đấm cho vị thần kia một cái như trời giáng, đến dù bao thế kỷ đã trôi qua, má của vị thần đáng thương kia vẫn còn sưng húp.
Hiển nhiên, các trapa ở Podang không thể đạt nổi trình độ này. Thần Mahâkala chỉ gợi nơi họ kinh hoàng thực sự.
Ở đây, cũng như tại các tự viện khác, người ta thường kể cho nhau nghe về những phép lạ xảy ra. Lúc thì kể chuyện máu chảy ra qua vách tủ nhốt vị hung thần Mahâkala, lúc thì kể chuyện khi mở tủ ra, người ta thấy phần thi thể còn sót lại: nào óc não, nào tim gan nguời… trông rất hãi hùng. Điều này chỉ có thể được giải thích bằng sự can thiệp thần bí nào đó mà thôi.
Khi được đem ra khỏi chốn ngục tù thì cái mặt nạ tượng trưng cho Mahâkala (người ta tin ông ta sống trong đó) được đặt trong một cái hang tối om bên cạnh miếu thờ. Hai chú tiểu đứng canh giữ, luân phiên tụng niệm mật chú không dứt để ngăn không cho Mahâkala trốn thoát. Thường thường khi đêm về, giai điệu tụng kinh đều đều dễ khiến cho các chú tiểu buồn ngủ; các chú sẽ cố gắng chống lại cơn buồn ngủ trong run sợ, bằng cách tự nhắc nhở mình rằng chỉ một chút lơ đễnh quên tụng kinh cũng đủ để vị ác thần kia sổng mất, và biến họ thành những nạn nhân đầu tiên.
Trong những ngôi làng gần đó, những người dân quê lại tỏ ra lo lắng về chuyện thần Mahâkala được đem ra khỏi chốn ngục tù. Nhà nào cũng cửa đóng then cài, còn những bà mẹ thì dặn dò con cái không được ra ngoài khi chiều xuống.
Người dân cho rằng những vị thần có tầm quan trọng ít hơn thì đi lang thang khắp đất nước để tác oai tác quái. Họ sẽ bị các câu mật chú của những vị lạt-ma lôi cuốn mà tự chui vào một cái lồng xinh xắn làm bằng gỗ kết những sợi chỉ màu. Sau đó, căn nhà nhỏ nhắn xinh xinh kia, cùng với tên tù nhân trong đó, sẽ được mang ra khỏi tự viện một cách trịnh trọng, rồi bị ném vào lò lửa đang rực cháy.
Nhưng tất cả loài quỷ đều bất tử, nên các thầy phù thủy thật hạnh phúc được sống nhờ vào chúng, để rồi năm sau, mọi chuyện lại bắt đầu.
Trong thời điểm đó, có một vị lạt-ma uyên bác, thuộc dòng dõi quý tộc ở Sikkim, từ Tây Tạng quay về cố hương. Ông kế tục người anh vừa qua đời để trụ trì tự viện Rhumteck. Theo tập quán thì ông phải tiến hành tang lễ tại ngôi chùa khác thuộc tông phái của mình, theo đúng các nghi thức cần thiết, để an ủi linh hồn người quá cố.
Tôi biết vị lạt-ma mới này. Đó là một người tuyệt vời, có hai vợ, tính tình vui vẻ, chẳng hề quan tâm đến triết học và đánh giá ý nghĩa cuộc đời theo loại rượu cô- nhắc của Pháp mà hằng ngày ông uống hết mấy chai.
Vì rất giàu có nên ông thường nổi hứng mua những thứ mà ông không biết dùng để làm gì. Có lần tôi thấy ông khoác trên thân hình vạm vỡ to lớn của mình cái áo choàng dành cho em bé ba tuổi có đính một dải tua màu hồng!
Vị tự viện trưởng mới này, mà người ta quen gọi là Peu Kouchog (Ngài Tây Tạng) bởi vì ông ta sống chủ yếu ở Tây Tạng, rất khác với người anh trai của mình. Ông nổi tiếng ở Lhassa, và được mọi người công nhận là một nhà ngữ học tài ba. Ông đã nhận lễ thụ pháp và sống độc thân, một điều hiếm thấy đối với giới tăng lữ vùng Hy Mã Lạp sơn.
Tang lễ do ông đứng chủ trì kéo dài suốt một tuần. Các trapa xứ Podang thấy hạnh phúc tràn trề vì được say sưa chè chén và công nhận sự vĩ đại của người kế nghiệp.
Sau tang lễ, Peu Kouchog tiến hành lễ ban phép lành cho tự viện. Giữa dàn đồng ca các trapa tung hô chúc tụng, ông chạy dọc theo hành lang và ném những hạt lúa vào từng phòng để ban phép lành. Từng nắm đại mạch được ném ra kèm với nụ cười khả ái và lời chúc: “Trachi chog” (Chúc thịnh vượng!). Lúa đại mạch rơi vãi đầy trong “phòng ngủ” của tôi, trên bàn và trên sách vở.
Thịnh vượng! Thịnh vượng! Đuổi quỷ trừ tà, được nhiều nay mắn, tự viện này hẳn là một chi nhánh của chốn Thiên đàng Cực Lạc!
Tuy nhiên các tu sĩ lại không cảm thấy hoàn toàn yên tâm. Dù không nói ra nhưng họ đều ngờ vực các năng lực thần bí của mình, thậm chí còn ngờ vực cả năng lực của nhà ngữ học uyên bác kia nữa. Một vài con quỷ có khả năng trốn thoát khỏi cuộc hủy diệt này để chuẩn bị tác oai tác quái.
Một buổi tối kia, tôi thấy vị gomtchén làng Latchén xuất hiện trong trang phục của màu đen, trông giống như một vị pháp sư: đầu đội mũ năm góc, trên cổ đeo chuỗi tràng hạt làm bằng sọ người, trên thắt lưng đeo con dao phurba thần bí.
Đứng sừng sững bên bếp lửa, ông vung cây gậy dordji lên cao, đâm vào không khí, miệng thì lâm râm đọc mật chú.
Tôi không biết ông ta đang đánh nhau với loài quỷ nào, nhưng đứng bên ánh lửa bập bùng, trông ông ta giống hệt một con quỷ.
***
Thuốc chữa bệnh cho tôi đã có tác dụng. Không biết có phải sự thay đổi chỗ ở đã tiêu diệt những con vi trùng gây sốt, hay do phong cảnh mới làm dịu những cơn suy nhược thần kinh, hay những lực lượng thần bí vô hình đã bị ý chí kiên cường của tôi đánh bại. Nhưng dù vì bất kỳ nguyên nhân nào đi nữa thì tôi cũng thấy trong người khỏe khoắn, đầu óc nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, một điều kỳ lạ đã xảy ra trong thời gian tôi lưu trú ở Podang.
Sidkéong tulkou, sau khi kế vị, muốn thần dân của mình từ bỏ những tập quán mê tín dị đoan để theo Phật giáo chính thống. Để đạt mục đích này, ông đã mời một tu sĩ thuộc trường phái Bắc tông đến thuyết giảng về “sứ mệnh” đấu tranh chống những tập quán phản Phật giáo như: phù thủy, đồng cốt, và thói quen uống rượu. Vị tu sĩ này, tên là Kali Kouma, liền bắt tay hành động.
Với tư cách là tự viện trưởng ở Podang, vị đại vương lạt-ma (mahârajah- lama) này có một căn hộ trong tự viện. Họa hoằn ông mới đến nơi đó vào những dịp làm chủ lễ. Trong thời gian tôi lưu lại tự viện, ông có đến hai ngày.
Khoảng buổi chiều, chúng tôi cùng uống trà với nhau và đàm đạo về sứ mệnh của Kali Kouma và những biện pháp khác nhằm giúp người dân miền núi thoát khỏi nạn mê tín dị đoan.
“Thật khó lòng mà biết được đích xác – ông bảo – đức Padmasambhâva đã dạy giáo lý gì ở Tây Tạng, nhưng có một điều chắc chắn là những tu sĩ Tây Tạng phái Mũ Đỏ đã biến ngài thành một vị anh hùng trong việc cổ vũ chuyện rượu chè cùng những nghi thức vô lý và tai hại. Nhân danh ngài, họ đã tạo ra một loại ác thần để đặt lên bàn thờ mà thờ phụng…”
“Xem nào! Thì cũng giống như các ông đã làm vậy mà”, tôi vừa cười vừa nói, đưa tay chỉ pho tượng của vị đại pháp sư đặt trên bàn thờ ở góc phòng, dưới chân là ngọn đèn dầu leo lét.
“Cần phải…” tôi toan nói tiếp thì cổ họng ngẹn lại, không sao nói được nên lời. Có ai đó đang ngắt lời tôi. Tuy nhiên, vẫn không có một ai nói cả. Căn phòng im lặng như tờ, nhưng tôi vẫn cảm nhận rất rõ ràng được sự hiện diện của một thế lực thù địch. Một người thứ ba vô hình đang chen vào cuộc thảo luận của chúng tôi.
– Ngươi không thể thành công được điều gì đâu – người kia nói – Người dân xứ sở này thuộc về ta… Ta hùng mạnh hơn ngươi.
Tôi sửng sốt lắng nghe giọng nói vô thanh đó, khi Sidkéong trả lời. Tôi tự hỏi có phải chăng đó là những tiếng vọng của nghi ngờ trong tôi về công cuộc cải cách của vị đại vương này, vì tôi nghĩ rằng nó sẽ không thành công.
Ông ta trả lời những điều mà tôi không hỏi. Ông đang tranh luận với kẻ thù vô hình về kế hoạch của mình.
– “Vì sao ta lại không thành công cơ chứ?”, Sidkéong hỏi lại, “Cần nhiều thời gian để chuyển đổi tư tưởng của dân làng cùng giới tu sĩ bình dân. Loài ma quỷ mà họ đang cúng dường đó không dễ gì chết đói đâu, nhưng dù sao ta cũng sẽ quan tâm đến chúng.”
Ông chế nhạo, khi ám chỉ đến những con vật hiến tế mà đám phù thủy dâng lên cho các ác thần.
– Nhưng tôi có nói gì đâu? – tôi toan lên tiếng cải chính, nhưng không sao nói tiếp được.
Tôi nghĩ, dù ông hoàng đã can đảm tuyên chiến với ma quỷ, thế nhưng chính bản thân ông không hoàn toàn thoát khỏi mê tín, cho nên tốt nhất là không nên nói cho ông biết những gì vừa xảy ra.
***
Tôi không muốn dừng lại ở đây với ấn tượng về một ông hoàng Sidkéong mê tín. Ông ta tỏ ra phóng khoáng hơn tôi tưởng. Câu chuyện sau đây minh chứng cho điều đó:
Theo tử vi – người Tây Tạng tin tưởng hoàn toàn vào tử vi – , thì năm ông mất là một năm cực xấu đối với ông. Để giải hạn cho ông, rất nhiều các lạt-ma, có cả vị gomtchén tự viện Latchén, đã lập nhiều đàn tràng cúng tế. Ông cảm tạ họ và thẳng thừng từ chối, bảo rằng nếu phải chết thì ông muốn được đi về thế giới bên kia một cách đơn giản, không cần đến các nghi thức tụng niệm.
Tôi nghĩ rằng ông đã nổi tiếng là một kẻ vô tín ngưỡng. Ngay sau khi Sidkéong mất, mọi công trình canh tân và cải cách tôn giáo mà ông khỏi xướng đều bị hủy bỏ. Công việc thuyết pháp chấm dứt và bia rượu lại tiếp tục tràn lan ở chùa chiền, tự viện. Một lạt-ma thông báo với giới tăng lữ trong vùng rằng mọi việc đều trở lại như cũ.
Kẻ thù vô hình đã thắng, đúng như lời tiên báo.
Mặc dù “tổng hành dinh” của tôi đóng ở Podang, nhưng tôi vẫn không bỏ qua cơ hội đi tham quan toàn thể xứ sở này. Nhờ thế mà tôi gặp được hai vị gomtchén của miền đông Tây Tạng vừa mới đến cư ngụ tại Hy Mã Lạp sơn.
Một trong hai vị sống ở Sakyong, cho nên có biệt danh là “gomtchén xứ Sakyong”. Ở Tây Tạng, gọi tên một người là bất lịch sự. Những người không thuộc hàng thấp kém đều được xưng hô theo tước hiệu.
Vị gomtchén này vóc người nhỏ nhắn và rất cởi mở. Trong suốt mấy tháng lưu trú tại đây, ông thường xuyên lui tới các nghĩa trang để thi triển pháp thuật.
Giống như vị đồng tu Latchén của mình, ông ăn mặc không giống như các tu sĩ thông thường, và thay vì cắt tóc, ông cuốn tóc lại búi lên đỉnh đầu, trông giống như các nhà yogin Ấn Độ.
Ở Tây Tạng, nếu không phải là lạt-ma mà để tóc dài thì đó là dấu hiệu của những nhà ẩn tu khổ hạnh, hoặc những pháp sư thần bí gọi là naldjorpa.
Cho đến thời điểm này, những cuộc trao đổi của tôi với các vị lạt-ma chỉ tập trung chủ yếu về giáo lý của Phật giáo Đại thừa, vốn là cội nguồn phát sinh ra Lạt-ma giáo. Gomtchén Sakyong tỏ ra không coi trọng về giáo lý này. Ông rất thích thú những điều nghịch lý. “Học hỏi, nghiên cứu kinh sách” – ông bảo – “đều không thể giúp ta đạt đến chân trí, mà thậm chí còn gây thêm chướng ngại nữa. Những cái ta tưởng là tri thức đều trống rỗng, vô giá trị. Thật ra, con người chỉ biết được những ý tưởng riêng biệt của chính mình mà thôi, thế nhưng đâu là nguyên do làm nảy sinh các ý tưởng, thì điều đó vẫn bất khả tư nghì. Khi ta tìm cách nắm bắt chúng thì ta chỉ nắm bắt được những ý tưởng của ta về các nguyên do đó mà thôi.”
Liệu ông ta có hiểu những gì mình đang nói, hay ông ta chỉ lặp lại những lời của người khác mà ông ta đã từng đọc hay đã từng nghe?
Theo lời thỉnh cầu của ông hoàng Sidkéong, vị gomtchén Sakyong đến đây để thuyết pháp trong một ngày. Tôi đã có dịp nghe ông thuyết pháp. Thực ra thì tôi thấy thuyết pháp nhiều hơn là nghe thuyết pháp, bởi vì tôi không hiểu hết được những gì ông diễn đạt bằng tiếng Tây Tạng. Trong vai trò của một nhà truyền giáo, ông thật sự tỏ ra oai phong đường bệ. Giọng nói sang sảng, điệu bộ uy nghiêm cùng những biểu hiện trên khuôn mặt cho thấy ông là một nhà hùng biện bẩm sinh. Những khuôn mặt đầy sợ hãi và đầm đìa nước mắt của thính chúng là bằng chứng giúp tôi khẳng định được ấn tượng mà ông đã tạo ra trong buổi thuyết pháp.
Gomtchén Sakyong là Phật tử duy nhất thuyết pháp hùng hồn đầy cảm xúc mà tôi từng được thấy. Phong cách của Phật giáo chính thống không cần đến những dáng điệu hay giọng nói hùng hồn khi thuyết pháp, vì giáo lý đó chỉ muốn hướng con người tìm về sự bình yên trong tâm thức.
Một hôm tôi hỏi ông:
– Thế nào là giải thoát tối thượng (tharpa), thế nào là Niết- bàn?
Ông đáp:
– Đó là trạng thái vắng bóng hoàn toàn mọi kiến giải, tâm thức không còn tạo tác, và toàn bộ mọi hoạt động làm phát sinh vọng tưởng đều dứt bặt.
Một hôm, ông bảo tôi:
– Bà nên đến Tây Tạng để nhờ một chân sư Đốn giáo điểm đạo cho. Bà đã gắn bó với nien teus (các tông phái Phật giáo Nam tông, ở Ceylan v.v.. ) quá lâu. Tôi có linh cảm bà đã sẵn sàng để đón nhận mật giáo rồi.
Tôi bèn hỏi lại:
– Nhưng làm sao tôi có thể đến Tây Tạng được? Người ngoại quốc có được phép đến đó đâu?
Ông nhẹ nhàng đáp:
– Ồ! Có nhiều con đường để đến Tây Tạng. Có phải vị lạt-ma nào cũng sống ở U và Tsang cả đâu?[2] Ở những nơi khác, người ta vẫn có thể tìm thấy nhiều bậc chân sư hơn xứ sở chúng tôi.
Đến lúc đó thì ý tưởng đi đến Tây Tạng qua đường Trung Quốc vẫn chưa nảy sinh trong đầu tôi. Lời nói bóng gió của vị gomtchén này vẫn chưa đánh thức được những suy tưởng của tôi. Rõ ràng, thời khắc của tôi vẫn chưa được điểm.
***
Vị lạt-ma thứ hai mà tôi làm quen là một người kín đáo, không thích giao tiếp, và vẻ lạnh lùng đã tạo cho ông một phong thái cao ngạo, ngay cả trong trong những câu mà ông buộc phải nói vì phép lịch sự.
Cũng giống như vị lạt-ma kia, người ta gọi ông là “gomtchén xứ Daling”. Daling là sinh quán của ông.
Ông luôn mặc bộ pháp phục thông thường của các tu sĩ, có đính thêm những khoen tai bằng ngà. Cây gậy nhỏ dordji cẩn vỏ rùa cài xuyên qua búi tóc.
Vị lạt-ma này ẩn dật sống trọn mùa hè trên đỉnh núi rậm rạp cây rừng. Trên đó có một ngôi nhà nhỏ dành riêng cho ông.
Vài ngày trước khi ông đến, môn đồ ông và những người dân quê quanh đó đã mang đến chỗ ẩn cư lượng thực phẩm đủ để ông sống trong vài tháng. Sau đó, họ bị cấm không được bén mảng đến nữa. Tôi tin rằng vị gomtchén này không khó để khiến mọi người phải tôn trọng cảnh tu cô tịch của ông. Người dân vùng này không chút nghi ngờ gì việc ông ta thi triển những pháp thuật kinh hồn để tập trung ma quỷ đến một đỉnh núi cao ngất, rồi bắt chúng phải từ bỏ những mưu toan hãm hại người dân lương thiện cùng những người thờ cúng chúng. Sự bảo vệ này làm họ yên tâm, nhưng một phần họ không dám bén mảng đến chỗ ở của ông là vì sợ bắt gặp ma quỷ ở đấy theo lệnh của vị gomtchén. Mặt khác không khí huyền bí bao trùm mọi hành vi và phong cách của vị naldjorpa đó đã khiến mọi người đâm ra dè dặt.
Một số ít người cho rằng vị lạt-ma này có thể trả lời các câu hỏi của tôi về ước vọng của ông hoàng, người đã đưa ông vào cương vị tự viện trưởng một tự viện nhỏ ở Daling, và để ông bỏ bớt vẻ kín đáo xa lánh mọi người.
Trong số những đề tài đàm đạo giữa tôi và ông, có đề tài về những thực phẩm mà một Phật tử được phép dùng.
Tôi đặt câu hỏi:
– Có hợp lý không, khi dùng lý lẽ ngụy biện để cấm sát sinh, trong khi một Phật tử vẫn có quyền ăn thịt cá?
Vị lạt-ma này, cũng như phần lớn người Tây Tạng khác, không hề ăn chay. Ông ta đưa ra những lý thuyết độc đáo mà về sau tôi lại được nghe ở Tây Tạng.
Ông ta bảo:
– Phần lớn mọi người ăn uống như loài vật, chỉ nhằm thỏa mãn sự đói khát, chứ không hề suy ngẫm về hành động của mình và hậu quả về sau. Những người ngu mê u tối đó nếu có thể không ăn thịt cá thì đó là điều rất tốt. Những người khác, trái lại, quan tâm xem xét một điều, đó là khi họ ăn thịt con vật thì những tố chất bên trong sẽ trở thành cái gì. Họ biết rằng khi tiêu hóa thịt thú vật thì đồng thời họ cũng tiêu hóa những tố chất tâm linh khác được kết hợp trong đó. Chỉ những ai đạt đến trình độ này thì mới có thể ăn thịt cá mà không bị hiểm nguy, và có thể biến điều này thành những kết quả hữu ích cho những con vật bị hiến tế. Vấn đề nằm ở chỗ cần phải biết liệu những tố chất thú vật mà anh ta hấp thu vào cơ thể có làm tăng thêm thú tính trong anh ta chăng, hay anh ta có thể chuyển hóa thực phẩm đó – phần thực phẩm chuyển từ con vật sang anh ta- trở thành nguồn năng lực tinh thần và tâm linh để con vật được tái sinh trong cõi người ta hay không.
Tôi lại hỏi những điều ông ta giải thích có phải là mật nghĩa của niềm tin phổ biến tại Tây Tạng hay không, và liệu các vị lạt-ma có thể tiếp dẫn tất cả những con vật trong lò mổ đi về cõi Tây Phương Cực Lạc hay không.
Ông ta đáp:
– Đừng nghĩ rằng tôi có thể trả lời cho bà bằng một vài lời. Đây là một vấn đề phức tạp. Cũng giống như chúng ta, loài vật là loài hàm thức, nên sau khi chết không phải tất cả đều đi chung một con đường. Sinh vật là một tập hợp của nhiều yếu tố nhưng không phải là nhất thể… Thế nhưng, bà cần phải nhờ một vị đạo sư tài giỏi điểm đạo cho, rồi sau đó mới có thể hiểu được pháp môn này.
Thường thì vị lạt-ma dùng những lời đó để không giải thích gì thêm nữa.
Một buổi tối nọ, ông hoàng Sidkéong, lạt-ma Daling cùng tôi đàm đạo trong một căn bugalow ở Kewzing. Câu chuyện dẫn đến những nhà khổ tu thần bí. Với sự nhiệt tình đầy ấn tượng, vị gomtchén say sưa kể về sư phụ mình, về sự minh triết cùng những quyền năng siêu phàm của vị sư phụ đó. Ông hoàng Sidkéong biểu lộ sự tôn kính sâu xa đối với những điều vị lạt-ma kia nói.
Vào giai đoạn đó, ông hoàng đang lo lắng về một vấn đề tương đối riêng tư: đó là dự định kết hôn với một công chúa xứ Miến Điện.
“Tôi lấy làm tiếc” ông nói bằng tiếng Anh với tôi – “là đã không tham khảo được ý kiến của vị đại lạt-ma đó. Nếu có, hẳn ngài đã cho tôi những lời khuyên tốt đẹp.”
Rồi ông quay sang nói với vị gomtchén bằng tiếng Tây Tạng: “Đáng tiếc là sư phụ của ngài lại không có mặt ở đây. Tôi cần lời khuyên của một bậc thánh minh triết như người.” Lúc nào cũng vậy, ông không hề nhắc đến vấn đề mà ông muốn nêu ra, cũng không nhắc đến bản chất của điều mà ông quan tâm lo lắng.
Vị lạt-ma, với phong thái lạnh lùng quen thuộc, hỏi lại:
– Liệu vấn đề có nghiêm trọng không?
– Cực kỳ nghiêm trọng. – Ông hoàng đáp.
– Có thể ông sẽ nhận được lời khuyên như mong ước – Vị lạt-ma lên tiếng.
Tôi cứ nghĩ rằng ông ta sẽ cho người mang thư đi, và toan bảo ông nên lưu tâm đến con đường xa xôi diệu vợi, thì đột nhiên gương mặt ông ta làm tôi sửng sốt.
Vị lạt-ma nhắm nghiền mắt lại, và gương mặt lập tức trở nên xanh xao nhợt nhạt, cả người ông ta như khô cứng lại. Tôi nhớm chân định bước tới vì nghĩ ông ta bị bệnh, nhưng ông hoàng Sidkéong đang đưa mắt chăm chăm theo dõi vị lạt-ma, liền đưa tay giữ tôi lại và thì thầm:
– Đừng nhúc nhích! Vị gomtchén này đôi khi rơi vào trạng thái nhập định một cách bất ngờ như vậy đó. Không được lôi ông ta ra khỏi trạng thái này, làm thế sẽ khiến ông ta bệnh nặng hoặc chết không chừng.
Tôi bèn ngồi yên, chăm chú theo dõi người đàn ông đang ngồi im lìm bất động. Dáng vẻ ông ta bắt đầu thay đổi từ từ, gương mặt giãn dần ra thành một bộ mặt mà tôi chưa bao giờ trông thấy. Ông ta mở mắt ra và ông hoàng lộ vẻ kinh hãi.
Người mà chúng tôi đang nhìn không còn là vị lạt-ma Daling nữa, mà là một người hoàn toàn xa lạ. Người đó cố gắng mở môi để nói, bằng một giọng khác hẳn giọng của vị gomtchén:
– Ngài không cần phải lo lắng gì cả. Vấn đề này sẽ không bao giờ được đặt ra cho ngài.
Nói xong, ông ta từ từ nhắm mắt lại, gương mặt tiếp tục thay đổi lần nữa và trở thành gương mặt quen thuộc của vị lạt-ma Daling. Ông ta đang dần hồi tỉnh.
Ông ta né tránh câu hỏi của chúng tôi và quay về trong cõi yên lặng, gần như kiệt sức.
– Câu trả lời của ông ta chẳng có ý nghĩa gì. – Ông hoàng kết luận.
Nhưng thật không may là tương lai lại chứng minh câu trả lời đó có ý nghĩa. Vấn đề làm vị vua trẻ phải băn khoăn trăn trở có liên quan đến vị hôn thê, mặt khác lại liên quan đến quan hệ giữa ông với một cô gái trẻ đã có chung với ông một đứa con trai. Ông muốn cắt đứt mối quan hệ này khi kết hôn với công chúa Miến Điện. Thực tế cho thấy ông không cần phải lo lắng xử trí ra sao giữa hai người đàn bà, bởi vì ông đã mất trước khi tiến hành hôn lễ như dự định.
***
Trong một dịp tình cờ, tôi thấy được hai vị ẩn tu trong phong cách khác hẳn với những gì tôi từng thấy ở Tây Tạng, nơi mà người dân địa phương tỏ ra văn minh lịch sự hơn người dân Hy Mã Lạp sơn, dù điều này có vẻ lạ lùng.
Tôi và ông hoàng Sidkéong cùng du lãm miền biên giới Népal, chúng tôi vừa quay về thì các người hầu, vốn biết rõ ông hoàng thích phô bày cho tôi thấy những điều kỳ lạ trong tôn giáo của xứ sở ông, liền thông báo cho ông biết là có hai nhà ẩn tu sống trong ngọn núi gần với ngôi làng mà chúng tôi vừa ngủ đêm qua. Dân làng cho biết, hai người này giấu mình rất kỹ, đến gần mấy năm trời mà dân làng vẫn không hề gặp mặt. Người ta cứ đặt vật phẩm cúng dường dưới một tảng đá ở một chỗ thích hợp, rồi hai người đến đó lấy khi đêm xuống. Còn căn lều mà họ dựng lên để ở thì không một ai biết đích xác chỗ nào, cũng không một ai bỏ công tìm kiếm làm gì. Bởi vì nếu như các vị ẩn tu đó muốn lánh mặt thì dân làng lại càng tìm cách tránh gặp họ. Do mê tín, họ cảm thấy sợ hãi khi phải đi ngang qua khu rừng, nơi hai người đang sống.
Ông hoàng tulkou không hề sợ hãi pháp thuật bùa chú. Ông bèn hạ lệnh cho thuộc hạ lùng sục khắp ngọn núi để mang cho bằng được hai vị ẩn tu kia đến trình diện ông, mà không dùng đến vũ lực. Ông hứa sẽ ban thưởng và căn dặn không được để hai người trốn thoát.
Cuộc truy tìm diễn ra sôi nổi. Hai người kia sửng sốt vì bị quấy phá cảnh thanh tu, bèn tìm cách bỏ trốn. Nhưng cuối cùng họ vẫn bị hai mươi thuộc hạ của ông hoàng vây bắt.
Phải dùng đến vũ lực mới đưa được họ vào trong ngôi chùa nhỏ, nơi mà chúng tôi đang ngồi cùng mấy vị lạt-ma, trong số đó có cả vị gomtchén vùng Sakyong. Không một ai có thể khiến cho hai vị ẩn tu kia mở miệng
Tôi thấy hiếm ai có bộ dạng kỳ dị như hai người này. Họ bẩn thỉu đến phát khiếp, áo quần rách bươm như tổ đỉa, mái tóc dài bù xù che cả gương mặt, nhưng cặp mắt lại sáng quắc, lấp loáng thần quang.
Trong khi họ đảo mắt nhìn quanh với dáng vẻ của hai con dã thú bị nhốt trong lồng thì ông hoàng Sidkéong cho người bưng tới hai mâm lễ vật gồm: bơ, trà, thịt, bột đại mạch, gạo và ngỏ ý muốn tặng họ. Nhưng mặc dù được đối xử tử tế, hai người kia vẫn giữ nguyên vẻ câm lặng dữ tợn.
Một người dân làng cho biết, có lẽ hai người này phát nguyện tịnh khẩu, ngay khi họ mới đến ẩn tu nơi đây.
Ông hoàng Sidkéong, quen với thói độc tài ở phương Đông, trả lời rằng ít nhất họ cũng phải chào hỏi ông theo đúng phong tục vì được ông đối xử tôn trọng. Tôi thấy cơn thịnh nộ đang dâng cao trong ông, nên để tránh phiền toái cho hai người tu sĩ khổ hạnh kia, tôi liền xin ông tha cho họ. Ông hoàng tỏ ra ngần ngừ, nhưng tôi cứ năn nỉ mãi.
Trong lúc đó, tôi bảo người phụ tá lấy hai gói đường trong túi xách của tôi đặt trên hai mâm lễ vật. Đường là thứ rất được người Tây Tạng ưa chuộng.
Cuối cùng, ông hoàng hạ lệnh:
– Mở cửa và tống hai tên súc sinh này ra ngoài!
Ngay khi vừa được trả tự do, hai người kia nhảy xổ lại hai mâm lễ vật và vét sạch mọi thứ trên đó. Một người thò tay thật nhanh vào trong cái áo rách nát, rút ra một cái gì đó rồi ấn những ngón tay đầy móng vào mái tóc tôi. Xong rồi, họ thoát ra ngoài lẹ như hai con thỏ.
Tôi thò tay vào mái tóc, rút cái đó ra đưa cho mọi người cùng xem. Thì ra đó là một cái bùa nho nhỏ. Về sau tôi có đưa miếng bùa cho những vị lạt-ma chuyên về bùa chú xem. Tất cả mọi người đều cho rằng không phải tôi bị yểm bùa, mà đây là lá bùa hộ mệnh, khiến có quỷ thần theo hộ vệ che chở cho tôi trước tai họa.
Tôi chỉ còn biết sửng sốt ngạc nhiên. Có lẽ vị ẩn tu kia hiểu rằng tôi đã năn nỉ cầu xin cho ông ta và người bạn khỏi bị cầm giữ lâu hơn, nên đã tặng tôi món quà kì dị này để bày tỏ lòng biết ơn.
***
Chuyến du lãm cuối cùng của tôi với ông hoàng Sidkéong, một lần nữa, đã đưa tôi quay về lại phương bắc xứ này. Tôi về thăm lại Latchén và vị gomtchén. Lần này, tôi trò chuyện với ông, nhưng cũng không được lâu, vì chúng tôi chỉ lưu lại Latchén có một ngày, vì mục đích của chúng tôi là đến được chân núi Kintchindjinga.[3]
Trên đường đi, chúng tôi đóng trại bên một bờ hồ tuyệt đẹp, trong thung lũng Lonak hoang vắng, không xa ngọn đèo cao nhất thế giới, đó là đèo Jongson cao 7.300 mét, nơi giáp giới giữa Tây Tạng, Népal và Sikkim. Chúng tôi ở lại mấy ngày bên cạnh lớp băng tích khổng lồ, nơi những ngọn núi đầy tuyết của Kintchindjinga nhô vút lên trời cao. Thế rồi Sidkéong từ biệt tôi để quay về Gangtok.
Ông ta chế nhạo tình yêu của tôi dành cho những vùng núi cao, mà sự cô liêu hoang tịch đã khiến tôi quyết định tiếp tục cuộc hành trình trong cô độc. Lần đó, tôi thấy ông không mặc cái áo choàng như một vị thần trong truyện Ngàn lẻ một đêm, mà mặc một bộ Âu phục. Trước khi khuất dạng sau một mỏm núi nhỏ, ông quay về phía tôi và vẫy mũ chào.
“Hẹn sớm gặp lại bà.” – ông ta gọi to từ xa- “Đừng để chúng tôi phải chờ lâu quá đấy.”
Tôi không bao giờ còn được gặp ông ta nữa. Vài tháng sau đó ông qua đời một cách bí ẩn, trong khi tôi đang ở Latchén.
***
Ngọn đèo Lonak gần Tây Tạng đến tôi không sao cưỡng lại được mong ước vượt qua đèo để đến đó. Chỗ dễ vượt qua nhất là đèo Nago với độ cao 4.500 mét. Trừ một ít tuyết rơi khi chúng tôi khởi hành thì trời vẫn đẹp, dù có nhiều mây. Phong cảnh mà tôi ngỡ là ngọn đèo cao nhất hóa ra chẳng giống với những gì tôi đã chiêm ngưỡng hai năm trước đó, với vẻ đẹp lộng lẫy của nó.
Giống như ngày trước, sự tịch lặng mênh mông trải dài từ chân núi đến tận những ngọn núi sừng sững xa xa. Hoàng hôn phủ xuống núi rừng một tấm khăn choàng mỏng màu tím khiến cảnh vật càng thêm huyền ảo và mang vẻ quyến rũ không sao cưỡng nổi.
Tôi thích đi lang thang trên vùng đất lạ thường này, nhưng tôi lại có một mục đích. Trước khi tôi rời Gangtok, một phụ nữ thân cận của ông hoàng đã nhắc tôi về tự viện Chörten Nyima. “Những ngôi chùa mà bà tham quan ở Sikkim” – bà ta bảo – “chẳng giống những ngôi chùa ở Tây Tạng chút nào. Vì bà không được phép đi lại nhiều ở miền này, nên ít nhất hãy đến tham quan tự viện Chörten Nyima. Nó sẽ cho bà cảm giác tương tự như một ngôi chùa Tây Tạng”. Vì thế, tôi tìm đến tự viện Chörten Nyima.
Tự viện (gompa) này đúng nghĩa với tên gọi, vì chữ gompa, trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “ở trong cô tịch”. Khó mà tưởng tượng có gì thật sự “cô tịch” hơn vẻ ẩn dật của ngôi chùa Lạt-ma giáo này. Không chỉ vì nó tọa lạc ở một vùng hẻo lánh không một bóng người, mà độ cao của nó cùng đem lại cho ta cảm giác trơ trọi hoang liêu. Mưa gió bào mòn sườn núi tạo nên những vách đá cao ngất, những đỉnh núi tuyết trắng xóa, một thung lũng rộng lớn hướng ra hồ nước, một con suối trong vắt chảy trên những nền đá xám vàng, xanh sẫm hoặc phớt hồng, tất cả những thứ đó đã tạo cho cảnh ẩn dật nơi đây vẻ hùng vĩ và thanh bình khôn tả.
Như để tô điểm cho cân đối với cảnh vật nơi đây, chung quanh tự viện Chörten Nyima không hề thiếu các truyền thuyết và những câu chuyện lạ thường. Trước tiên là cái tên “Xá Lợi Mặt Trời” của nó xuất phát từ việc xá lợi quý báu được đưa từ Ấn Độ về nơi đây qua không trung một cách kỳ diệu.
Truyền thuyết cho rằng đấng đạo sư Padmasambhâva đã chôn giấu những kinh điển Mật tông ở quanh Chörten Nyima, bởi vì vào thời đó (thế kỷ thứ 8), ngài thấy căn cơ người Tây Tạng hãy còn chậm lụt chưa thể lĩnh hội được huyền nghĩa của giáo lý này. Trước khi viên tịch, ngài có dự báo là sẽ có những lạt-ma nhờ nhân duyên tiền định mà tìm ra những kinh điển này để hoằng dương Chánh pháp. Nhiều kinh điển đã được tìm thấy ở nơi đây, và các lạt-ma vẫn còn tiếp tục tìm kiếm.
Theo người Tây Tạng thì có một trăm linh tám nguồn nước, nóng có, lạnh có, chảy quanh Chörten Nyima. Không phải tất cả các ngọn suối đó đều hiện ra cho ta thấy. Một số lớn những nguồn suối đó chỉ hiện ra với “những ai có tâm thuần nhiên thanh tĩnh”. Mọi người cho rằng, cứ tìm đến chỗ nào nước suối trào lên khỏi mặt đất, sau khi đặt lễ vật vào dòng nước và uống một ngụm nước thì cầu gì được nấy.
Nơi nào cũng có tcheudo, nghĩa là những phẩm vật cúng dường bằng đá, hoặc dựng đứng lên cao hoặc dồn thành đống. Được khách hành hương dâng cúng để tỏ lòng thành kính đối với đấng đạo sư Padmasambhâva. Các công trình nguyên thủy này, dù đã trải qua bao năm tháng vẫn mãi trơ gan cùng tuế nguyệt.
Tự viện, mà ngày xưa hẳn là có tầm quan trọng lớn lao, giờ đã trở thành phế tích. Có thể tìm thấy ở đây, cũng như ở nhiều miền khác tại Tây Tạng, những dấu tích suy tàn của những giáo phái cổ đứng bên ngoài sự cải cách của Tsong Khapa, mà ngày nay các môn đồ giáo phái đó đã hình thành nên tầng lớp tăng lữ nhà nước. Ở đây, tôi chỉ thấy có bốn ni cô thuộc “Cổ phái” (gningma)[4] sống đời độc thân, nhưng không được thụ giới mà cũng chẳng mặc pháp phục.
Giữa vô số các điều nghịch lý kỳ cục diễn ra ở Tây Tạng, thì sự can đảm bình thản của phái nữ lại làm cho tôi rất đỗi ngạc nhiên. Hiếm có phụ nữ châu Âu hay châu Mỹ nào dám sống giữa sa mạc bao la cùng đàn gia súc, với một nhóm gồm bốn năm người, thậm chí có khi chỉ có một mình. Càng hiếm có phụ nữ nào dám, trong tình cảnh như thế, sống đời du mục hằng tháng thậm chí hằng năm, băng qua những vùng núi non hẻo lánh đầy bọn cướp và dã thú.
Chính điều đó mới thể hiện rõ cá tính đặc biệt của người phụ nữ Tây Tạng. Không những họ không quên những hiểm họa thực sự đang rình rập, mà để gia tăng thêm sợ hãi, họ còn hình dung ra những đoàn binh ma quỷ đội lốt dưới hình dáng cây cối ma quái mọc bên vực thẳm chỉ chực tóm lấy khách lữ hành bằng những nhánh cây đầy gai nhọn, và đẩy họ xuống vực sâu.
Mặc dù có nhiều lý do hợp lý để sống bình yên trong thôn xóm, nhưng người ta vẫn thấy ở nhiều nơi, những nữ tu tập trung thành nhóm độ mười hai người để sống với nhau trong những tự viện hẻo lánh trên những ngọn núi cao, nơi mà lớp tuyết dày có khi làm cản trở sự đi lại trong hàng tám tháng trời.
Những phụ nữ khác sống ẩn dật trong hang động, và rất nhiều nữ khách đi hành hương một mình xuyên suốt đất nước Tây Tạng mênh mông, chỉ với một cái túi nhỏ trên vai.
***
Khi đến tham quan những Lhakhang (ngôi nhà của chư thiên, nơi đặt tượng của họ) còn sót lại giữa những phế tích tự viện ngổn ngang, tôi phát hiện một Lhakhang còn giữ được nhiều pho tượng sặc sỡ bằng đất mô tả cảnh linh hồn người chết đi qua cõi Bardo. Bên trên những pho tượng đó là tượng đức Phật Dordji Chang (Kim Cương Trí)[5] lõa thể, sừng sững trong tư thế tọa thiền, thân hình xanh biếc tượng trưng cho không gian, có nghĩa là Tính Không, theo cách nói của Mật tông.
Một ni cô làm tôi ngạc nhiên khi đưa tay chỉ vào những pho tượng kỳ dị trong cõi Bardo và giải thích ý nghĩa của chúng:
– Tất cả những thứ đó đều không thực hữu. Tâm thức đã khiến chúng được nảy sinh ra từ Tính Không, nên cũng có thể bắt chúng phải quay về Tính Không và tan biến trong đó.
“Làm sao sư cô có thể biết được điều này?” – tôi hỏi lại, vì không tin rằng một ni cô trẻ tuổi lại có thể hiểu được giáo lý này.
– Vị thầy lạt-ma của tôi đã dạy tôi như thế.
– Ai là vị thầy lạt-ma của sư cô?
– Một gomtchén sống gần hồ Mo-te-tong.
– Ngài có thường đến đây không?
– Không bao giờ. Lạt-ma Chörten Nyima sống ở Trangloung.
– Đó có phải là một gomtchén?
– Không! Ngài là một pháp sư thần bí. Ông ta sống với gia đình. Ông ta rất giàu có và biết làm đủ loại phép lạ.
– Phép lạ như thế nào?
– Ông ta có thể hô phong hoán vũ, khiến mưa đá đổ xuống hay cho ngưng tùy thích. Hơn thế nữa, ông còn có tài chữa lành bệnh hay gieo bệnh cho người lẫn thú vật. Tôi xin kể bà nghe câu chuyện xảy ra cách đây mấy năm:
“Năm đó vào vụ gặt, vị lạt-ma yêu cầu dân làng đến gặt lúa cho ông ta (một nhiệm vụ gần như bắt buộc). Vì vào mùa đó, trời hay có mưa đá, nhiều người dân quê lo ngại mưa đá phá hoại mùa màng, nên trả lời họ sẽ đến giúp sau khi gặt cho xong phần lúa của mình. Thay vì cầu xin vị lạt-ma bảo vệ mùa màng của mình trong thời gian sang gặt lúa cho ông ta, nhiều người ngoan cố lo gặt lúa của mình trước.
Bởi vậy, vị lạt-ma liền thi triển pháp thuật. Ông lập đàn cầu đảo để kêu gọi những thần hộ vệ và niệm chú thổi sinh khí vào những cái bánh torma.[6] Ngay lập tức các torma đó bay lên không như những con chim. Chúng lượn tròn trên không và bay vào nhà những người không đi gặt cho ông để đập phá tan tành. Còn đối với những ai đi gặt cho ông thì các torma chỉ bay lượn lờ trước cửa chứ không vào nhà. Từ đó, không ai dám trái lời vị lạt-ma đó nữa.”
Ô! Tôi mong ước biết bao được trò chuyện với vị pháp sư có tài ném những cái bánh bột lên không như chim đó! Tôi sẽ chết vì khao khát mất. Trangloung cách Chörten Nyima không xa. Các ni cô cho biết đi khoảng một ngày sẽ đến nơi. Nhưng lộ trình hôm đó phải đi qua một vùng đất cấm. Tôi đã nổi máu phiêu lưu băng qua biên giới để đến được nơi đây, thì tại sao lại không tiếp tục đi sâu thêm vào làng cơ chứ? Nếu bị phát hiện, liệu tôi có bị trục xuất về lại Sikkim hay không?
Điều đó không thành vấn đề, nếu tôi thực sự muốn du hành qua khắp đất nước Tây Tạng theo cách thông thường. Tôi chưa chuẩn bị gì cả cho việc này, nhưng nếu chỉ đến viếng thăm một vị pháp sư theo phép xã giao thì tôi thấy cũng chẳng bõ công làm việc đó, vì nó sẽ làm gián đoạn công việc nghiên cứu Tây Tạng của tôi tại Hy Mã Lạp sơn.
Tô quyết định quay về, sau khi gởi lại quà tặng nhờ các ni cô chuyển đến vị pháp sư ở Trangloung.
Tương lai hẳn phải xóa đi niềm hối tiếc của tôi. Vì hai năm sau, tôi đã quen biết với vị pháp sư đó và nhiều lần làm khách tại nhà ông.
Mùa thu đến, tuyết rơi ngập các ngọn đèo, đêm về phải sống trong lều trại thật là khổ sở. Tôi vượt qua biên giới và thật là thoải mái khi thấy mình ở trong một căn nhà, đối diện với ánh lửa bập bùng.
Căn nhà này là một trong các bugalow mà nhà cầm quyền Anh quốc dựng lên để khách nước ngoài trú chân, nằm trên mọi nẻo đường ở khắp Ấn Độ và trong những lãnh thổ thuộc quyền cai trị của họ. Nhờ chúng mà những cuộc hành trình trở nên dễ chịu, nếu không thì dễ biến thành cuộc thám hiểm phiêu lưu.
Bugalow tại Thangou nằm ở độ cao 3.600 mét và cách biên giới phía bắc Tây Tạng chừng ba mươi cây số. Nó tọa lạc giữa một vùng đất xinh đẹp quạnh hiu, chung quanh là rừng bao phủ.
Ở đây, tôi cảm thấy dễ chịu và ngần ngừ chưa muốn quay về Gangtok hay Podang. Tôi cũng không học hỏi được gì nhiều với những vị lạt-ma mà tôi đã gặp. Lúc này, có lẽ tôi nên quay về Trung Quốc hoặc Nhật Bản, nhưng đúng vào lúc tôi khởi hành đi Chörten Nyima thì chiến tranh bùng nổ ở châu Âu, khiến cho việc vượt biển bằng tàu ngầm trở nên khá nguy hiểm. Tôi băn khoăn chưa biết sẽ ở đâu vào mùa đông, thì sau khi đến Thangou được vài ngày, tôi được biết vị gomtchén Latchén đã quay về chốn ẩn cư, chỉ cách bugalow nửa ngày đường.
Tôi liền quyết định đến thăm ông ta. Cuộc du lãm hẳn không kém phần thú vị. Hang “Ánh Sáng”, như vị gomtchén kia thường gọi, là cái gì vậy, và ông ta sao sống ở đó ra sao? Đó là những điều tôi tò mò muốn biết.
Khi đi Chörten Nyima tôi đã gởi lại con ngựa, nên lúc này tôi phải nhờ đến con bò yak là loại bò lông dày ở Tây Tạng. Tôi định mướn một con vật cưỡi ở Latchén để đến Gangtok. Thấy tôi không có ngựa, người quản lý bugalow đề nghị cho tôi mượn con ngựa của ông. Con ngựa này, theo ông ta, rất khỏe và quen đi trên con đường gập ghềnh đầy dốc dẫn đến hang động ẩn cư của vị gomtchén Latchén.
Tôi đồng ý, và sáng hôm sau, tôi đã chễm chệ trên lưng con ngựa nhỏ màu hung không đến xấu lắm.
Ngựa thì có yên cương, nhưng bò yak thì không. Khi cưỡi bò thì hai tay đều để không. Tôi vẫn giữ thói quen cưỡi bò, nên khi đang lan man nghĩ đến chuyện khác, tôi mang bao tay vào mà quên nắm dây cương, lại chưa quen với tính nết của con ngựa mà mình đang cưỡi. Tính nết con ngựa rất đỗi đồng bóng, bởi vì khi tôi còn đang mơ mộng lan man thì con ngựa đã lồng lên và lao đi vun vút. Hậu quả xảy ra ngay tức khắc. Tôi bị ném tung lên không rồi rơi xuống một bãi cỏ giữa đường. Cú ngã đau điếng người làm tôi ngất đi.
Khi tỉnh lại, tôi nghe lưng đau như dần, không sao ngồi dậy nổi. Về phần con ngựa màu hung, sau cú lồng đó, nó lại ngoan ngoãn như một con cừu, quay đầu về phía tôi, chăm chú nhìn mọi người đang tíu tít mang tôi vào phòng.
Người quản lý bugalow tỏ ra ân hận trước những lời trách móc của tôi. Anh ta nói:
– Có bao giờ nó lại trở chứng thế này đâu. Tôi xin cam đoan với bà rằng tính nết nó rất thuần. Nếu không dám chắc điều đó thì đời nào tôi giao nó cho bà. Tôi đã cưỡi nó bao năm nay rồi. Tôi sẽ cho nó chạy nước kiệu để bà xem.
Tôi nhìn qua cửa sổ, thấy con vật vẫn đứng yên bất động, hình ảnh trông thật dịu dàng.
Người chủ đến gần con ngựa, nói gì đó, đưa tay nắm lấy dây cương rồi nhảy phóc lên yên. Không dè con vật lại lồng lên, hất người chủ ngã lăn xuống. Anh ta kém may mắn hơn tôi, rơi ngay vào tảng đá.
Mọi người vội chạy cả lại. Anh ta bị thương trầm trọng ở đầu, máu chảy dầm dề, nhưng may là không bị vỡ xương.
Anh ta rên rỉ, khi người ta dắt con ngựa lại:
– Có bao giờ nó lại trở chứng thế này đâu.
Tôi nằm trên giường, người đau như dần, thầm nhủ: “Chuyện này thật lạ lùng!”
Trong khi tôi đang miên man suy nghĩ về phản ứng lạ lùng của con vật mà ai nấy đều khẳng định là tính nết rất thuần, thì người đầu bếp của tôi bước vào. Anh ta vội nói:
– Ôi! Thưa bà, chuyện này thật bất thường. Người nhà của viên quản lý cho tôi biết rằng con ngựa của anh ta rất hiền lành. Chắc chắn vị gomtchén đã gây ra những vụ vừa rồi. Ngài có lắm ma quỷ ở chung quanh… Thôi, xin bà chớ có đi đến hang động ẩn cư đó nữa… Bà sẽ gặp toàn chuyện nguy hiểm thôi. Xin bà hãy quay về lại Gangtok. Nếu bà không ngồi ngựa được thì tôi sẽ tìm cho bà một cái kiệu.
Một người hầu khác của tôi đến trước bàn thờ thắp hương khấn vái. Yongden, lúc đó mới mười lăm tuổi, ngồi khóc rưng rức ở một góc phòng.
Cảnh tượng này làm tôi có cảm tưởng như mình đang hấp hối. Tôi liền phì cười, bảo họ:
– Ô kìa, tôi đã chết đâu nào! Ma quỷ chẳng có liên quan gì đến chuyện này. Vị gomtchén kia không phải là người ác thì việc gì mọi người phải sợ chứ? Mọi người hãy dùng bữa tối sớm rồi đi ngủ cả đi. Sáng mai, chúng ta sẽ suy nghĩ xem phải làm gì.
Hai ngày sau, vị gomtchén nghe kể về tai nạn của tôi, liền gởi cho tôi một con ngựa đen để đưa tôi đến chỗ ngài.
Chuyến đi diễn ra suôn sẻ. Theo con đường ngoằn ngoèo ruột dê uốn lượn trên những sườn núi rậm rạp, chúng tôi đến một khoảng rừng thưa xinh đẹp nằm dưới một dốc núi trơ trụi, bao quanh là những dãy đá đen lởm chởm.
Dưới đó một chút, ngọn lá phướn bay phất phơ cho biết chỗ ẩn tu.
Vị lạt-ma xuống nửa đường để đón tôi và không đưa tôi về chỗ ở của ông, mà đưa đến một chỗ ẩn tu khác, cách đó khoảng một cây số theo con đường vòng.
Ông cho mang đến một bình trà pha bơ, và thắp một ngọn đèn đặt trên mặt đất, ở giữa phòng. Gọi là “phòng” có lẽ dễ gây ra ngộ nhận về những gì hiện ra trước mắt tôi, nên tôi thấy cần phải giải thích đôi chút.
Đó không phải là cái nhà hay cái phòng, mà là một cái động nhỏ được khép kín bằng một bức tường đá khô, trên đó có hai ô vuông khoảng hai tấc dùng làm cửa sổ. Vài tấm ván được đẽo gọt qua loa bằng rìu và ghép lại với nhau để làm thành cửa lớn. Hai “cửa sổ” vẫn để trống hoác.
Ở Thangou, tôi lên đường hơi trễ, nên khi đến nơi thì trời đã chiều tối. Những cậu trai giúp việc trải chăn trên đá cho tôi ngủ, và vị gomtchén đưa họ ngủ tại một căn lều mà ông bảo là ở gần bên cái động của ông.
Còn lại một mình, tôi bước ra khỏi động. Đêm tối không trăng. Tôi chỉ phân biệt được cảnh vật qua lớp băng trắng lờ mờ trải dài dưới chân thung lũng, cùng những đỉnh núi nhô khỏi đầu tôi, hướng lên bầu trời lấp lánh sao. Dưới chân tôi là một hang tối đen ngòm, vọng lên tiếng suối róc rách từ xa. Tôi không dám mạo hiểm bước ra ngoài trong đêm tối, con đường có nhiều chỗ chỉ đặt vừa bàn chân, hai bên là hố sâu. Phải đợi đến sáng mai mới đi tham quan cảnh vật chung quanh được.
Tôi quay vào động và đi ngủ. Tôi đang trằn trọc không ngủ được, thì ngọn đèn chập chờn rồi tắt phụt. Những người giúp việc đã quên châm thêm bơ. Tôi không có một cây diêm quẹt nào, và cũng không quen với tình trạng giống thời tiền sử như thế này. Tôi nằm im không dám nhúc nhích vì sợ chạm vào những cục đá nhọn.
Một cơn gió đêm lạnh buốt thổi qua “cửa sổ”. Một vì sao nhìn tôi qua lỗ trống và cất tiếng hỏi:
– Ngươi vẫn khỏe chứ? Ngươi nghĩ sao về cuộc sống ẩn tu?
Nó nhấp nháy như bỡn cợt với tôi.
– Vâng, tôi vẫn khỏe, rất khỏe là đằng khác. – Tôi đáp. – Tôi thấy cuộc sống ẩn tu lìa bỏ tất cả những lạc thú trần gian quả là cuộc sống vô cùng tuyệt diệu.
Vì sao không chế nhạo nữa. Nó lớn dần lên và chiếu sáng cả gian động.
“Nếu được chết trong cảnh ẩn tu,
tôi sẽ vui lòng biết mấy.”[7]
Vì sao kia đọc những vần thơ của thánh tăng Milarespa. Một nghi ngờ đè nặng làm cho giọng đọc trở nên nặng nề.
Sáng hôm sau, tôi đến chỗ ẩn tu của vị gomtchén.
Đó cũng là một cái động, nhưng rộng hơn và đầy đủ tiện nghi hơn cái động của tôi. Một khối đá tạo nên hình vòm cửa, khoảng không gian bên dưới được khép kín bằng một phiến đá khô tạo thành một cánh cửa lớn chắc chắn. Căn phòng đầu tiên dùng làm nhà bếp. Ở cuối phòng, một khoảng trống tự nhiên tạo nên lối vào một cái hang nhỏ mà vị gomtchén dùng làm phòng ngủ, có độ cao bằng với nhà bếp. Một cái thang gỗ dẫn lên đấy, – và một cái rèm cửa nặng nề che khuất lối vào. Trong phòng sau, không có khoảng trống nào để dùng làm lỗ thông gió. Một vệt đá nứt, qua đó ánh sáng chiếu rọi vào phòng, được che kín bằng một tấm kiếng.
Đồ đạc trong gian động gồm những rương gỗ chất phía sau tấm rèm tạo thành cái nền cho giường ngủ. Một vài cái gối lớn và cứng đặt trên mặt đất, phía trước là hai cái bàn thấp kê sát nhau. Mấy tấm ván dựng trên mặt đất được chạm trổ và sơn đủ màu.
Ở cuối gian động, trên một cái bàn thờ nhỏ là những pho tượng với những vật phẩm cúng tế quen thuộc. Những tấm bảng không khung, giống như những bức tranh liễn Nhật Bản, che kín hoàn toàn các bức vách đá. Phía dưới một tấm bảng trong số đó có giấu một cái tủ nhỏ, trong đó có một con quỷ bị một vị lạt-ma Mật tông giam giữ. Tuy nhiên, trong lần đầu này tôi chưa thấy cái tủ đó.
Ở bên ngoài là hai cái lều dựa vào vách đá dùng làm chỗ chứa lương thực.
Như ta đã thấy, chỗ ở của một vị ẩn tu vẫn không thiếu một số tiện nghi.
Một tổ chim ưng nằm ở một vị trí thơ mộng và rất đỗi quạnh hiu. Có nhiều giai thoại về tổ chim này. Người dân địa phương cho rằng đó là chỗ trú ẩn của ma quỷ. Người ta kể rằng có một vài người bạo gan dẫn đàn gia sức từ bên này sang bên kia, hoặc những tiều phu sang bên đó đốn củi, luôn gặp những chuyện quái dị mà kết quả thường là cái chết.
Những tu sĩ khổ hạnh thường chọn những nơi như thế này để làm chốn ẩn tu. Một mặt, họ tin rằng đó là những nơi đặc biệt thích hợp cho việc tu tập tâm linh, mặt khác họ cho rằng (hoặc ít nhất là mọi người nghĩ thế) ở đó họ có thể thi thố những quyền năng siêu nhiên để đem lại ơn ích cho con người lẫn thú vật bằng cách cải hóa những loài ma quỷ, hoặc ngăn không cho chúng tác oai tác quái.
Mười bảy năm về trước, một vị lạt-ma mà cư dân địa phương gọi là Djoo gomtchén (Đức ngài ẩn tu) đã đến đây để tu tập trong cái động, nơi tôi đã thấy ông. Sau đó, những tu sĩ ở Latchén sửa sang dần dần cho đến khi nó thành nơi ở như tôi vừa mô tả.
Thoạt đầu, nhà ẩn tu giam mình hoàn toàn trong thạch động. Dân làng hoặc những người du mục muốn cúng dường đều đặt vật phẩm trước cửa động, rồi rút lui chứ không hề thấy được ông. Hơn thế nữa, không ai có thể đến được nơi này trong vòng ba đến bốn tháng mỗi năm, do tuyết phủ làm tắc nghẽn con đường dẫn đến thạch động.
Về sau, do tuổi già, ông có giữ một đứa bé trai bên mình làm thị giả. Khi tôi đến sống trong thạch động nằm bên dưới thạch động của vị gomtchén thì ông cho gọi người vợ đến, vì là tu sĩ phái Mũ Đỏ, ông không nhất thiết phải độc thân.
Tôi sống một tuần trong thạch động, và hằng ngày đều đến thăm vị gomtchén. Dù câu chuyện của ông không kém phần lý thú, nhưng điều tôi quan tâm hơn cả, đó là quan sát đời sống thường ngày của một vị ẩn tu Tây Tạng.
Một vài học giả châu Âu hiếm hoi như Csöma và Köros hay Huc, Gabet đã từng sống trong các tự viện Lạt-ma giáo, nhưng chưa được sống gần những vị ẩn tu, mà quanh họ có biết bao nhiêu điều kỳ lạ. Riêng một lý do này thôi cùng đủ để bắt tôi phải sống gần một vị ẩn tu, huống gì tôi lại đang khao khát thể nghiệm được đời sống thiền quán trong pháp môn Lạt-ma giáo.
Tuy nhiên, ước vọng của tôi không thôi vẫn chưa đủ, còn cần đến sự đồng ý của vị lạt-ma. Nếu ông không đồng ý thì dù tôi có sống trong thạch động gần ông cùng chẳng ích gì. Ông ta sẽ tự khép kín mình và tôi chỉ có thể chiêm ngưỡng một bức tường mà đằng sau nó “có cái đó đang diễn ra”, đó không phải là điều tôi mong đợi.
Tôi trình bày điều thỉnh cầu với vị lạt-ma, theo cách thức hợp với người phương Đông. Tôi cầu xin ông dạy cho tôi giáo lý mà ông đã liễu ngộ. Ông từ chối với lý do sự hiểu biết của ông còn ít ỏi, và thật vô ích cho tôi khi cứ phải nấn ná mãi ở một vùng đất không mấy thân thiện để học hỏi với một kẻ ngu dốt như ông, trong khi tôi có điều kiện tiếp xúc lâu dài với những lạt-ma thông thái khác.
Tôi nằn nì mãi và cuối cùng được ông chấp nhận, không phải như một đệ tử thực thụ, mà phải thử thách tôi trong một thời gian.
Tôi vừa ngỏ lời cảm tạ thì ông ngắt lời:
– Khoan đã, cần có một điều kiện. Bà phải hứa với ta là không được quay về Gangtok, cũng không được đi về miền nam xứ Sikkim[8] nếu không được phép của ta.
Cuộc phiêu lưu càng trở nên lôi cuốn. Thái độ lạ lùng của ông làm tôi tăng thêm nhiệt tình.
– Tôi xin hứa. – Tôi đáp không chút ngần ngừ.
Tôi cho dùng những ván thô để sửa sang lại thạch động của tôi cho giống với thạch động của vị gomtchén. Những tấm ván này chỉ được gọt qua loa bằng rìu, vì vào thời điểm đó người dân miền núi ở đây không hề biết dùng cưa, mà cũng không muốn học làm gì. Cách đó vài mét, một căn lều khác được dựng lên, có một phòng riêng cho Yongden và chỗ ở cho những người giúp việc.
Để tăng thêm sắc thái ẩn tu, tôi không sử dụng những đồ vật xa hoa nữa.
Thật là khó khăn khi tôi phải tự đi lấy nước và kiếm củi, rồi chuyển chúng về nơi ở. Yongden, vừa mới rời bỏ trường nội trú, có vẻ cũng không có kinh nghiệm hơn tôi là bao trong những công việc này. Tôi không thể sống ở nơi đây mà thiếu sự giúp đỡ của người khác, cho nên cần thiết phải có nguồn lương thực và chỗ ở, nhất khi mùa đông đang đến.
Ngày nay, những khó khăn đó đối với tôi đã giảm đi nhiều, không còn nặng nề như trước, nhưng mục đích của tôi là trở thành một người ẩn tu, và lúc đó con trai nuôi tôi cũng chưa bắt đầu học tập làm nhà phiêu lưu mạo hiểm.
Ngày tháng trôi đi. Mùa đông đã đến. Khắp nơi tuyết phủ trắng xóa, làm tắc nghẽn con đường dẫn từ thung lũng đến chân núi chúng tôi.
Vị gomtchén nhập thất trong một thời gian dài. Tôi cũng thế. Bữa ăn duy nhất hằng ngày cho tôi được đặt sau tấm rèm, ngay lối vào căn lều. Mỗi ngày, cậu nhỏ lo việc cơm nước cứ lặng lẽ mang thức ăn đến rồi về, mà không hề gặp mặt tôi. Tôi sống như những người thuộc dòng tu kín, không hề có những người đồng tu để tìm đôi chút giải khuây.
Một con gấu xuất hiện nơi chỗ tôi ở để đi tìm thức ăn. Ban đầu nó lộ vẻ ngạc nhiên và thách thức, nhưng về sau nó đâm ra quen dần với việc chờ người ta ném thức ăn cho mình.
Cuối cùng, vào đầu tháng tư, một cậu nhỏ phát hiện một chấm đen đang di chuyển về phía chúng tôi, cậu ta bèn la lên: “Có người!” bằng cái giọng mà những thủy thủ lạc trên biển ngày trước từng la lên “Đất liền!” Chúng tôi đã bị cô lập hoàn toàn, và những lá thư đến nơi đây đều được viết ở Âu châu từ hơn năm tháng trước.
Dưới thạch động của tôi chừng ba trăm mét, những rừng đỗ quyên rực rỡ hoa tươi trông như cảnh thần tiên. Mùa xuân đầy sương mù ở Hy Mã Lạp sơn đã lan dần lên những đỉnh núi trọc rộng mênh mông, cùng các con đường dài chạy qua những thung lũng hoang vu, nơi có bao nhiêu là hồ nước nhỏ trong vắt.
Tuy vậy, lúc nào cũng là sự cô tịch. Tinh thần và giác quan trở nên tinh tế nhờ cuộc sống luôn trong trạng thái thiền định, quan sát và trầm tư. Chúng ta trở nên thấu suốt hơn, hay là đến thời điểm đó vẫn còn mù quáng?
Cách một vài cây số về phương bắc, sau những đỉnh núi Hy Mã Lạp sơn cao ngất mà những đám mây theo gió mùa Ấn Độ không sao vượt qua nổi, mặt trời tỏa sáng và bầu trời xanh lơ trải dài trên cao nguyên Tây Tạng. Nhưng ở đây, mùa hè lại có mưa dầm, lạnh lẽo và rất ngắn. Từ tháng chín, tuyết bắt đầu phủ đầy quanh chúng tôi, và cuộc sống tù hãm hằng năm lại bắt đầu.
Tôi đã học hỏi được gì từ những tháng năm ẩn dật? Thật khó lòng mà nói cho chính xác, nhưng tôi biết được thêm rất nhiều điều.
Ngoài việc học Tạng ngữ theo những cuốn tự điển và sách ngữ pháp, ngoài những buổi đàm đạo với vị gomtchén, tôi còn đọc chung với ông những tài liệu nói về cuộc sống của những đạo sư thần bí Tây Tạng. Trong khi đang đọc, ông thường ngắt nửa chừng, để kể cho tôi nghe những sự kiện giống như trong sách, mà ông là chứng nhân.
Ông mô tả cho tôi nghe những người ông đã biết, kể lại những lời nói và hành động của họ. Cùng với ông, tôi đi sâu vào trong cảnh ẩn tu của những tu sĩ khổ hạnh, vào trong cung điện của những tu sĩ lạt-ma giàu có. Tôi du hành trên những con đường đó và gặp biết bao nhiêu là câu chuyện lạ lùng.
Nhờ thế mà tôi học hỏi thêm được về chính xứ Tây Tạng, phong tục tập quán, tư tưởng của người dân. Về sau tôi lại học hỏi về nền khoa học Tây Tạng, nền khoa học quý báu đã đem lại cho tôi rất nhiều ơn ích.
Không bao giờ tôi mắc vào hoang tưởng rằng cảnh ẩn tu này là bến dừng cuối cùng của mình. Quá nhiều nguyên nhân bên ngoài đã chống lại mong ước được dừng chân nơi đây, và cởi bỏ mãi mãi những gánh nặng vô lý của tư tưởng cùng những lo toan và trách nhiệm hằng ngày, mà tôi vẫn còn ràng buộc. Tôi biết rằng tư cách ẩn tu mà tôi đã đem lại cho mình chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời phiêu lãng của mình, mà tốt hơn hết là xem như bước chuẩn bị cho sự tự tại an nhiên trong tương lai. Tôi thường nhìn con đường ngoằn ngoèo dẫn xuống thung lũng, rồi biến mất giữa hai sườn núi mà thấy lòng ngao ngán, thậm chí kinh hãi. Con đường đó dẫn dến một thế giới nằm ẩn khuất sau những đỉnh núi xa xăm, nơi đó là cảnh ồn ào huyên náo và khổ lụy đau thương. Một đau khôn tả chợt dâng lên trong lòng khiến tim tôi như thắt lại, khi nghĩ đến một ngày kia tôi phải quay về lại sống trong cái địa ngục đó.
Bên cạnh những lý do khác còn quan trọng hơn nữa, tôi buộc lòng phải nghĩ đến chuyện khởi hành vì thấy không thể giữ những người giúp việc của mình ở mãi nơi hoang vắng này suốt một thời gian dài được. Tuy nhiên, trước khi lại phải chia tay Tây Tạng, tôi tranh thủ đến thăm hai trung tâm tôn giáo lớn gần nơi ẩn tu của tôi: đó là Jigatzé.
Tự viện Trachilhumpo nổi tiếng tọa lạc rất gần thành phố, đó là nơi trú ngụ của một vị đại lạt-ma mà người nước ngoài gọi là Ban-thiền Lạt-ma. Người Tây Tạng gọi ngài là Tsang Pentchén rimpotché, có nghĩa là “nhà thông thái trân quý của thành phố Tsang”. Ngài được xem là hóa thân của đức Phật A-di-đà, tức đức Phật Vô Lượng Quang, đồng thời cũng được xem là hóa thân của trưởng lão Tu-bồ-đề, một trong những đại đệ tử của đức Phật Thích-ca có thật trong lịch sử. Xét về góc độ tâm linh thì ngài được xem ngang với đức Đạt-lai Lạt-ma. Thế nhưng, trong thế giới này thì tâm linh phải nhường bước cho quyền lực phù du, cho nên đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn là người cai trị tuyệt đối của Tây Tạng.
Tôi trì hoãn chuyến đi Jigatzé mãi cho đến khi tôi quyết định rời Hy Mã Lạp sơn, bởi vì tôi tiên đoán được hậu quả của chuyến đi.
Từ chỗ ẩn tu, đầu tiên tôi đến tự viện Chörten Nyima, nơi tôi đã sống trước đó. Từ nơi đó, tôi khởi hành đi Jigatzé, chỉ có Yongden và một tu sĩ đi theo phụ giúp. Cả ba đều đi ngựa, với hành lý bỏ vào túi da treo hai bên yên, theo cách thức quen thuộc của người Tây Tạng. Còn có một con lừa mang theo hai tấm lều và lương thực.
Cuộc hành trình không kéo dài lắm, trong vòng bốn ngày là ta có thể dễ dàng đến nơi. Nhưng tôi cố tình đi chậm để có thời gian thưởng thức cảnh vật xinh đẹp trên đường đi, nhất là để cho xứ sở Tây Tạng “thấm dần” qua giác quan và tinh thần tôi càng nhiều càng tốt, một xứ sở mà tôi đang đi dần vào trung tâm nhưng chắc chắn không bao giờ thấy lại.
Kể từ khi thăm Chörten Nyima, tôi làm quen với người con trai của vị pháp sư Trangloung, người đã dùng bánh bột torma để phá hoại nhà cửa của những người láng giềng không nghe lệnh ông. Người con trai này đã mời tôi đến thăm nhà khi có điều kiện.
Bây giờ đã có dịp thuận tiện. Dù Trangloung không nằm trên đường đi từ chỗ ẩn tu của tôi đến Jigatzé như Chörten Nyima, nhưng như tôi đã nói, tôi cố dềnh dàng trên đường đi là vì muốn nhân chuyến phiêu lưu này – mà tôi tin là duy nhất – để thưởng ngoạn cảnh vật của vùng đất cấm.
Chúng tôi đến Trangloung vào lúc chiều tối. Ngôi làng không giống với bất kỳ ngôi làng nào trong dãy Hy Mã Lạp sơn. Khi gần đến làng, thật kinh ngạc khi ta thấy được sự tương phản hoàn toàn. Không phải chỉ có những căn nhà đá xây cao là khác biệt với những căn nhà gỗ lợp tranh ở những ngôi làng Sikkim, mà cho đến khí hậu, địa thế, diện mạo của cư dân ở đây cũng hoàn toàn khác hẳn. Tôi đã thật sự đặt chân vào Tây Tạng.
Tôi gặp vị pháp sư trong một phòng khách rộng không cửa sổ, sáng lờ mờ nhờ ánh sáng chiếu vào từ mái ngói. Có mấy người dân quê đứng gần ông ta để nhận những miếng bùa hình đầu heo bằng đất sơn màu hồng, có vài sợi len quấn chung quanh. Họ chăm chú lắng nghe vị pháp sư đang thao thao bất tuyệt về cách sử dụng những miếng bùa kia.
Khi những người dân quê đã ra về, vị chủ nhà, với nụ cười khả ái, mời tôi dùng trà, và bắt đầu đàm đạo. Tôi nôn nóng muốn hỏi về vụ “cái bánh bay”, nhưng lại e hỏi đường đột như vậy hơi sỗ sàng. Cần phải chờ đợi cơ hội, mà cơ hội đâu phải có ngay trong một sớm một chiều.
Trái lại, tôi được chứng kiến một tấn kịch gia đình, và thật là vinh dự khi được gia đình vị pháp sư nhờ tư vấn về phương án giải quyết vấn đề.
Cũng như nhiều gia đình khác ở tỉnh U và Tsang, gia đình của vị chủ nhà tôi đang đến thăm cũng theo chế độ đa phu. Trong ngày đám cưới cậu con trai trưởng, tên các cậu con trai thứ đều được xướng lên khi hành lễ, cô dâu trẻ chấp nhận tất cả làm chồng.
Hầu như bao giờ cũng vậy, một vài “đức ông chồng” vào thời điểm đó vẫn còn là những chú nhóc, và cũng chẳng ai thèm hỏi đến ý kiến chúng. Tuy nhiên, chúng vẫn được xem là đã kết hôn hợp pháp.
Vị pháp sư có bốn người con trai. Người ta không cho tôi biết làm thế nào mà người con thứ hai có thể hợp tác được với người anh cả, vì vào lúc đó, cậu ta đang đi du lịch, giống như cậu thứ ba mà tôi được làm quen.
Chính cậu con trai thứ ba mới là người gây ra phiền hà rắc rối. Cậu trẻ hơn ông anh cả mình rất nhiều – cậu mới hai mươi lăm tuổi. Cậu ta từ chối mọi nghĩa vụ làm chồng liên quan đến cái vụ hôn nhân tập thể này. Thật là bất hạnh cho cô dâu, vì ông chồng thứ ba này hấp dẫn hơn hơn hai người anh trai rất nhiều. Hấp dẫn không chỉ vì cậu ta đẹp trai, mà còn vượt trội vì vai trò xã hội, tài hùng biện, phong cách xử thế và chắc hẳn còn vì nhiều phẩm chất khác mà tôi không khám phá được.
Trong khi hai người con đầu chỉ là hạng thường dân, nghĩa là hạng điền chủ giàu có, nhưng không có được những quyền lợi của hàng tăng lữ như người con thứ ba, vì cậu này là một lạt-ma. Hơn thế nữa, cậu ta còn được coi là một naldjorpa đã được điểm đạo về những giáo lý bí truyền, được đội mũ năm mặt của các pháp sư Mật giáo (tantra), và mang váy trắng của các réspas, là những người đã luyện được môn Tumo (tức nhiệt công hay viêm công), là công phu tu luyện tự giữ ấm cơ thể mà không cần đến lửa, ngay trong điều kiện giá lạnh khủng khiếp nhất.
Một đức ông chồng tài ba như vậy lại ngoảnh mặt với cô dâu. Người vợ chung này nhất định không chịu để bị khinh thường như vậy, nhất là khi anh ta lại đi tán tỉnh một cô gái trẻ ở làng bên, và định cưới cô ta làm vợ.
Anh ta được phép làm thế, nhưng theo luật lệ ở xứ này hễ cuộc hôn nhân nào phá vỡ sự thống nhất trong gia đình, thì người tạo ra điều đó sẽ mất quyền thừa kế. Anh ta phải tự tạo cho mình một mái ấm riêng và tự lo cho người vợ. Tựa hồ như người con trai thứ ba này tỏ ra phấn khởi khi được hành nghề pháp sư.
Nhưng nếu anh ta hành nghề pháp sư thì chẳng hóa ra lại gây mâu thuẫn với ông bố của mình? Dù vị chủ nhà chẳng thú nhận với tôi điều đó, nhưng tôi hiểu được lo của ông ta khi nghĩ đến những tai hại do đứa con ương bướng gây nên, nếu anh ta không chấp nhận lấy một vợ bốn mươi tuổi, mạnh khỏe và dung nhan cũng không đến nào. Tôi không thể đoán được diện mạo của người đàn bà này, vì lúc nào người chị cũng bị phủ dưới một lớp bơ và bồ hóng dày mo, khiến chị trông giống như một người da đen thật sự.
“Làm sao đây? Làm sao đây?”, bà mẹ trong nhà cứ rền rĩ mãi điệp khúc đó.
Tôi thiếu kinh nghiệm để có thể đưa ra được một lời khuyên hữu ích trong trường hợp này. Không phải vì ở châu Âu người ta không hề gặp cảnh phụ nữ lấy nhiều chồng cùng những hệ lụy rối rắm kéo theo, mà vì nhìn chung thì những trường hợp này chỉ có thể là chuyện tham khảo ý kiến trong nội bộ gia đình; và trong cuộc viễn du của mình, tôi chỉ mới được góp ý cho những đức ông chồng có nhiều vợ, khiến cho hòa khí gia đình xáo trộn.
Tôi chỉ gợi ý rằng chế độ đa thê được xem là hợp pháp ở Tây Tạng, cho nên vị lạt-ma trẻ tuổi này có quyền ở nhà mình mà vẫn có thể cưới thêm một cô vợ trẻ khác.
Thật may mắn cho tôi khi bộ pháp phục của nhà ẩn tu mà tôi đang mặc đã ngăn không cho người vợ kia nhảy xổ vào tôi!
– Ôi! Quý bà tôn kính! – người mẹ già khóc nức nở – Bà đâu biết con dâu tôi định sai lũ gia đinh đến tận nhà để đánh ghen và rạch mặt cô gái trẻ kia! Chúng tôi đã khốn khổ can ngăn rồi. Làm sao mà tưởng tượng nổi chuyện như vậy chứ! Thân phận danh giá như chúng tôi mà làm những trò bỉ ổi thế sao? Thật là nhục nhã chưa từng thấy…
Tôi không còn biết nói gì nữa. Tôi bảo rằng đã đến giờ tọa thiền buổi chiều, và xin phép lui về Lha kang, phòng thờ của vị lạt-ma, nơi ông lấy làm vinh dự để tôi trú qua đêm.
Khi thức dậy, tôi bắt gặp người con trai út mười tám tuổi, là người chồng thư tư. Cậu ta ngồi trong góc tối, đưa mắt nhìn bà vợ với nụ cười giễu cợt.
Nụ cười đó như muốn nói:
– Hãy đợi đấy, mụ vợ già! Mụ đã tính lầm rồi, ta còn khối chuyện cho mụ đấy!
Chúng tôi đi lang thang từ làng này sang làng khác, ngủ qua đêm trong nhà dân thay vì cắm trại. Trong suốt cuộc hành trình đến Lhassa, tôi không tìm cách che giấu tư cách ẩn tu của mình, như tôi vẫn thường làm nữa. Nhưng không một ai nghi ngờ gì về quốc tịch nước ngoài của tôi, hoặc ít ra cũng chẳng hề quan tâm gì đến chi tiết đó.
Tôi đi ngang qua tự viện Patour. So với các tự viện ở Sikkim thì tự viện này trông thật khổng lồ. Các vị chức sắc trong tự viện mời chúng tôi dùng một bữa cơm thật tuyệt trong căn phòng tối, cùng với các tu sĩ.
Ngoài cấu trúc hoành tráng nhiều tầng, tôi thấy cũng không có gì mới lạ. Nhưng tôi hiểu rằng Lạt-ma giáo ở Sikkim chỉ là sự phản ánh nhợt nhạt, so với những gì mình được chứng kiến ở đây. Trước kia, tôi cứ mơ hồ hình dung rằng xứ sở ở bên kia dãy Hy Mã Lạp sơn hẳn phải rất hoang vu man rợ, thì ngược lại, giờ đây tôi đang tiếp xúc với một dân tộc rất đỗi văn minh.
Những cơn mưa và các đợt tuyết tan làm con sông Tchi Tchou thêm rộng mênh mông, rất khó vượt qua, dù đã có ba người thổ dân giúp chuyển các con ngựa của tôi qua từng con một.
Ở bên kia Kouma, mà người phụ việc cho tôi đã mô tả rất ư hấp dẫn, tôi đang mong tìm được một chỗ tắm nước nóng và chỗ cắm trại thuận tiện gần những suối nước khoáng trên vùng đất khô cằn này, thì một một cơn bão bất ngờ ập đến, khiến chúng tôi phải hối hả dựng ngay lều trại trước khi tìm tới được thiên đàng đó. Thoạt tiên là mưa đá đổ xuống ào ạt, tiếp theo là tuyết rơi dày đến chẳng mất chốc đã ngập tới bắp chân. Con suối gần đó chảy tràn bờ, nước lan đến chỗ lều trại của chúng tôi, khiến suốt một đêm, mà tôi ngỡ rằng sẽ yên tĩnh, tôi hầu như phải đứng trên một hòn đảo nhỏ – vị trí duy nhất còn khô ráo trong căn lều ngập đầy nước và bùn.
Vài ngày sau, tại một ngã rẽ trên đường đi, khi đảo mắt nhìn một người say đang nằm lăn trong đám bụi, tôi chợt thấy một cảnh tượng bất ngờ. Trong bóng hoàng hôn bảng lảng, tự viện Trachihumpo khổng lồ màu trắng với mái ngói thiếp vàng chợt hiện ra sừng sững trong ánh nắng chiều hôm.
Tôi đã đi đến đích.
Một ý tưởng lạ lùng chợt nảy trong đầu tôi. Thay vì đi tìm một chỗ nghỉ trong những quán trọ của thành phố, tôi lại bảo người hầu đến gặp vị tri khách tăng chuyên lo tiếp đón du khách thập phương, hoặc những sinh viên từ tỉnh Kham đến. Làm thế nào để một nữ du khách nước ngoài hoàn toàn xa lạ với ông lại khiến ông phải quan tâm, và bà ta lấy lý do gì để đòi hỏi những căn phòng tốt? Tôi không hề đặt ra câu hỏi này cho mình, mà chỉ để mình đi theo một sức đẩy, mà lý trí hẳn phải cho là ngu xuẩn, nhưng lại đạt những kết quả tuyệt vời.
Vị chức sắc cao cấp bảo một vị trapa thu xếp cho chúng tôi hai căn phòng trong cùng một căn nhà nằm sát bên tự viện.
Ngay sáng hôm sau, các lạt-ma sửa soạn nghi thức để tôi hội kiến vị Ban-thiền Lạt-ma. Tôi cần phải cho họ biết tường tận về bản thân mình, và tôi làm ai nấy đều thỏa mãn khi nói rằng quê hương tôi là Paris.
Paris nào? Có một ngôi làng tên là Phagri (phát âm giống như Paris) ở miền nam Lhassa. Tôi phải giải thích rằng Paris ở phương Tây, rất xa nơi đây, người ta có thể đến đó mà không cần vượt biển, cho nên tôi không phải là một philing (người lạ). Tôi đã chơi chữ, vì philling có nghĩa là một người đến từ nơi khác, từ một hải đảo hay một nơi nào đó tách biệt với Tây Tạng bởi một đại dương.
Tôi đã sống quá lâu ở khu vực gần Jigatzé nên người ta cũng biết tôi, và sự kiện được công nhận là gomtchénma (nữ tu sĩ lạt-ma) đã đem lại cho tôi ít nhiều danh tiếng. Mọi người chấp nhận tôi ngay lập tức, và thân mẫu vị Ban-thiền Lạt-ma mời tôi ở lại làm khách.
Tôi tham quan tự viện cặn kẽ từng ly từng tí, và để đáp lễ lại sự tiếp đón, tôi đã tặng trà cho mấy ngàn tu sĩ ở đó.
Những năm tháng trôi qua, và những cuộc viếng thăm thường xuyên các cơ sở Lạt-ma giáo đã làm giảm ấn tượng của tôi, nhưng khi tham quan Trachihumpo, tôi lại bị chấn động mạnh mẽ. Ngự trị trong các điện thờ, trong phòng của các vị chức sắc là sự tráng lệ hoang dã không bút nào tả xiết. Vàng, bạc, vỏ rùa, ngọc thạch được bày biện đầy dẫy khắp mọi nơi, nhất là trên điện thờ, trên nấm mộ, trong phần trang trí cổng, trên các pháp cụ như chuông trống…, thậm chí trên cả những vật dụng hằng ngày của các vị lạt-ma giàu có.
Tôi có thể nói được gì về về sự xa hoa hoang phí này? Không. Trong công trình của những người khổng lồ đầy quyền năng lại mang tâm hồn trẻ con này, tôi chỉ thấy có vẻ man dã và ấu trĩ. Buổi tiếp xúc đầu tiên đã khiến tôi có ác cảm, nếu như tôi không thấy trước mặt mình cảnh tượng cô liêu tịch lặng, và nếu như tôi không biết rằng trong sự cô liêu tịch lặng đó ẩn tàng những nhà tư tưởng khổ tu sẵn sàng đạp xuống dưới chân những thứ mà quần chúng cho là vĩ đại.
Vị Ban-thiền Lạt-ma tỏ ra rất tốt bụng, mỗi lần gặp tôi là ngài lại biểu hiện sự chăm sóc ân cần mới mẻ. Ngài biết Paris của tôi ở đâu, và phát âm chữ đó bằng giọng Pháp thuần túy.
Sự quan tâm nghiên cứu Lạt-ma giáo và những gì liên quan đến Tây Tạng của tôi đã khiến ngài hài lòng, và ngài vui vẻ tạo điều kiện thuận lợi cho tôi. Ngài hỏi tôi vì sao không ở lại Jigatzé.
À! Vì sao ư? Lòng khát khao thì tôi không thiếu, nhưng tôi biết vị Ban-thiền Lạt-ma này vẫn chưa đủ thẩm quyền để có thể đảm bảo cho tôi vấn đề cư trú. Tuy nhiên, ngài cho tôi được quyền chọn một chỗ trú. Tùy theo sở thích, tôi có thể ở với mẹ ngài trong nhà tu, hoặc trong một cái cốc mà ngài sẽ làm cho tôi. Tôi được tùy ý học hỏi với các nhà ngữ pháp lỗi lạc, với các học giả danh tiếng lẫy lừng và đi tham vấn các nhà ẩn tu trên núi.
Thuở đó, giá như tôi thoát khỏi những ràng buộc như tôi đã làm trong cuộc hành trình đi Lhassa, thì rất có thể tôi đã tìm được sự bảo hộ mà người ta ban cho tôi, nếu không tại Jigatzé thì cũng tại những vùng xa xôi hẻo lánh. Thế nhưng tôi lại không thấy trước được điều đó. Hành lý, sổ ghi chép, các bức ảnh (Tại sao tôi lại cho chúng là quan trọng nhỉ?) một phần thì ở nhà bạn tôi tại Calcutta, một phần thì ở nơi tôi ẩn tu. Tôi vẫn chưa thể từ bỏ chúng một cách ung dung tự tại. Tiếp theo đó là vấn đề tiền bạc. Tôi chỉ mang theo một số lượng tiền cần thiết cho cuộc viễn du của mình, mà ở Tây Tạng thì tôi không thể nhận được sự trợ giúp như ở Ấn Độ được.
A! Còn biết bao nhiêu điều tôi cần phải học hỏi, biết bao nhiêu sự chuyển hóa tinh thần mà tôi cần phải trải qua, để một vài năm sau trở về với con người thực của mình trong niềm hân hoan khôn xiết: một kẻ đói rách, lang thang khắp đất nước Tây Tạng.
Tôi đã gặp những vị thầy từng dạy dỗ cho Ban-thiền Lạt-ma: vị thầy dạy văn chương, và vị giáo sư đã giảng dạy cho ngài về mật giáo, sau đó là vị đại pháp sư huyễn thuật chuyên tu tập thiền định – một nhân vật đức cao vọng trọng, được xem là đạo sư tinh thần của Ban-thiền Lạt-ma và là người đã kết thúc sinh mệnh một cách kỳ diệu, nếu như có thể tin được những giai thoại người ta kể về ngài.[9]
Trong thời gian tôi tham quan Jigatzé, người ta đã dựng xong một ngôi chùa mà vị Ban-thiền Lạt-ma muốn dâng lên cho đức Phật Di Lặc trong tương lai – vị Phật tượng trưng cho Từ Bi Hỷ Xả. Tôi thấy pho tượng khổng lồ đó được đặt trong một tòa đại sảnh với những hành lang cho phép tín đồ đi quanh pho tượng từ tầng trệt, dần đến tầng ba ở ngang thắt lưng rồi đến phần vai và đầu. Vào thời điểm đó, hai mươi thợ kim hoàn đã dùng những đồ nữ trang cúng dường của các mệnh phụ quý tộc ở Tsang và của thân mẫu vị Ban-thiền Lạt-ma để tạo ra những vật trang sức tinh xảo, điểm tô cho pho tượng Di Lặc khổng lồ này.
Tôi sống mấy ngày lý thú trong nhiều cung điện khác nhau của vị Ban-thiền Lạt-ma. Tôi cũng có dịp đàm đạo với những người có tính cách hoàn toàn khác nhau. Nhưng trên hết, tôi được sống trong niềm hạnh phúc thần tiên rất đỗi êm đềm, mà chỉ có ý tưởng ra đi mới làm xao động.
Cuố cùng thì cái ngày tai ác đó cũng đã đến. Mang theo kinh sách, sổ ghi chép, quà tặng và cái áo choàng tốt nghiệp lạt-ma – dành cho loại tiến sĩ danh dự tại tự viện đại học Trachilhumpo – mà vị Ban-thiền Lạt-ma đã trao tặng, tôi ngoái nhìn tự viện khổng lồ đang khuất dần, ngay tại ngã rẽ mà tôi đã thấy nó xuất hiện trong những hôm trước.
Sau đó, tôi tiếp tục đi đến Nartan và tham quan xưởng in kinh sách lớn nhất của Lạt-ma giáo. Số lượng những bản gỗ dùng để in gây cho tôi một ấn tượng thật kinh hãi. Những bản gỗ này được chất thứ tự trên những căn gác, đủ sức chứa đầy một dinh thự khổng lồ. Những người thợ in lấm lem vết mực đáng ngồi bệt dưới đất; trong những gian phòng khác, các tu sĩ đang cắt giấy theo định dạng của từng tác phẩm cần in. Tất cả công việc được tiến hành thong thả, mọi người vừa làm việc, vừa trò chuyện và uống trà bơ. Thật khác xa với sự nhộn nhịp trong những xưởng in ở phương Tây!
Tuy nhiên, dù là tự viện, xưởng in vẫn là một công trình “của thế tục”, và đó là điều lạ lùng mà tôi thấy ở Tây Tạng.
Tôi đến nơi ẩn tu của một gomtchén, người đã có lòng tốt mời tôi đến thăm. Tại một địa điểm khô cằn hẻo lánh, trên một sườn núi chênh vênh gần hồ Mo-te-tong, thạch động rộng lớn của vị ẩn tu gồm nhiều căn phòng nối tiếp nhau, trông giống như một tòa lâu đài nhỏ mà kiên cố. Vị gomtchén này nối pháp sư phụ để an trú tại đây, và vị sư phụ đã viên tịch cũng nối pháp bậc đạo sư tinh thần trước đó của mình. Sự kế thừa ba thế hệ pháp sư lạt-ma tại thạch động này đã tạo nên những tiện nghi sinh hoạt – nhờ vào vật phẩm cúng dường của dân chúng trong vùng- cho nên cuộc sống ở đây khá dễ chịu. Nên nhớ rằng, tôi nói “dễ chịu” là theo quan điểm của một người Tây Tạng từ thuở nhỏ đã quen sống bên cạnh một vị ẩn tu khổ hạnh.
Vị chủ nhân của tôi không hề biết gì về thế giới bên ngoài thạch động. Sư phụ của ông đã sống trong thạch động suốt ba mươi năm, và bản thân ông cũng giam mình trong thạch động sau khi sư phụ viên tịch.
Nên hiểu “giam mình trong thạch động” có nghĩa là có một cánh cửa duy nhất dẫn vào thạch động, nhưng nhà ẩn tu không hề đặt chân đến đó. Hai căn phòng thấp dưới mô đá dẫn đến cái sân nhỏ khép kín bên trong nằm cạnh một hang sâu, bằng một bức tường đá khô ngăn khuất tầm nhìn. Ở dưới là phòng riêng của vị lạt-ma, có cầu thang và các bậc đá dẫn lên. Căn phòng này trông ra hàng hiên nhỏ có tường bao quanh để cho vị ẩn tu có thể vận động cơ thể hoặc ngồi thiền trong ánh nắng mặt trời mà không hề bị người bên ngoài dòm ngó, mà bản thân ông cũng không thể thấy được gì ngoài vầng dương tỏa sáng trên đầu.
Ông đã sống theo cách này suốt mười lăm năm nay.
Trong cảnh ẩn tu thanh tĩnh này, vì phải tiếp khách nên vị lạt-ma này phải luyện tập không nằm ngủ, xem như một phần công phu. Suốt đêm, ngồi trên bồ đoàn gamti,[10] ông ngủ ngồi với hai chân bắt chéo theo kiểu kiết già.
Tôi đã có nhiều cuộc đàm đạo lý thú với vị lạt-ma này rồi, giờ đây tôi phải chia tay.
Thông qua những người dân quê Sikkim, chính quyền Anh tống đạt cho tôi một bức thư yêu cầu tôi phải rời Tây Tạng. Đó là điều tôi không thích chút nào, vì muốn hoàn tất cuộc viễn du như dự định, nhưng bây giờ cuộc viễn du của tôi xem như chấm dứt. Trước khi lên đường, tôi đã tiên đoán được những hậu quả của việc lưu trú dài ngày trên miền đất cấm, nên tôi rất vui vẻ rời dãy Hy Mã Lạp sơn.
Lá
thư thứ hai, mà tôi nhận được trên đường quay về Ấn Độ, ban lệnh trục xuất tôi khỏi
Sikkim.
[1] Tiếng Đức trong nguyên tác, có nghĩa là “mô tip chủ đạo”
[2] U, Tsang cùng với Lhassa và Jigatzé là bốn thành phố chính ở Tây Tạng.
[3] Đây là ngọn núi cao 8.,480 mét trong dãy Hy Mã Lạp sơn. Ngọn cao nhất là 8.,850 mét.
[4] Đây là tông phái cổ nhất của phái Mũ Đỏ.
[5] Là vị Phật tượng trưng cho Thực Tướng tối hậu của vũ trụ.
[6] Bánh làm bằng bột có hình con ốc hoặc kim tự tháp, dùng là làm phẩm vật trong những lễ cúng thần bí.
[7] Những câu thơ này được trích từ một bài thơ của vị tăng khổ hạnh Milarespa (vào thế kỷ thứ 10), người sống trong một hang động để thiền định. Hai câu này rất nổi tiếng ở Tây Tạng và có nghĩa là “Nếu được sống trong cảnh ẩn tu cho đến khi chết mà không phải quay về lại với trần gian, tôi sẽ đạt đến mục tiêu tâm linh mà tôi đã đặt ra” (T.g)
[8] Đi về phương nam có nghĩa là tiếp cận với Gangtok hoặc Kalimpong, là nơi có người nước ngoài sinh sống và đi theo con đường mà du khách thường qua lại (T.g).
[9] Xin xem cuối chương 8 (T.g)
[10] Xem chi tiết ở chương 7.
Thảo luận