“…À! Thế là hiểu rồi. Tôi sẽ để Dawasandup đi theo bà làm người thông dịch.”
Có phải anh thanh niên kia đang nói với tôi chăng – người thanh niên có nước da ngăm đen mặc chiếc áo khoác brocart màu vàng cam, với hạt kim cương hình ngôi sao đính lấp lánh trên mũ? Anh ta có phải là một đấng thần linh giáng xuống nơi này từ một ngọn núi quanh đây?
Mọi người đều bảo rằng anh ta là một lạt-ma hóa thân, và là ông hoàng kế thừa ngai vàng ở Hy Mã Lạp sơn, song trong lúc này tôi lại nghi ngờ điều đó.
Có thể anh ta sẽ tan biến đi như một ảo ảnh, cùng với cái áo hoa hòe sặc sỡ và con ngựa phủ tấm yên màu vàng. Anh ta là một trong những điều lý thú mà tôi được chứng kiến – hoặc ít ra là tin rằng mình đã được chứng kiến – ở nơi đây, trong suốt mười lăm ngày qua. Câu chuyện này thực giống như chiêm bao; trong vài phút nữa tôi sẽ thức dậy, ở một nơi nào đó, trong cái xứ sở không có chàng trai trẻ hay các “đấng lạt-ma hóa thân” với y phục sặc sỡ thường xuyên lui tới, nơi mà đàn ông thì ăn mặc lam lũ lùi xùi, còn những con ngựa to lớn thì không bao giờ được phủ yên màu vàng chói.
Tiếng trống làm tôi giật nẩy người, rồi tiếng kèn ai oán não nùng vang lên. Chàng trai nhảy lên con tuấn mã màu hung, đoàn tùy tùng của anh ta cũng đã lên yên ngựa.
Tôi nghe tôi hứa – tựa hồ như không phải tôi nói, mà tôi đang lắng nghe lời nói của một người nào khác – vào ngày mai sẽ khởi hành đến kinh đô của anh ta; thế rồi đoàn người kỳ lạ đó đi xa dần, với những nhạc công đi trước dẫn đường.
Khi tiếng nhạc ai oán nhỏ dần ở chốn xa, thì trạng thái lý thú hân hoan, giống như bùa chú đã làm tôi sững sờ bất động kia, đột nhiên biến mất. Tôi bước tới một bước. Không! tôi không nằm mơ, tất cả cảnh vật đều là cảnh thực. Tôi đang ở Kalipong, trong dãy Hy Mã Lạp sơn; và bên cạnh tôi là người thông dịch mà người ta đã đưa cho tôi sau khi tôi tới nơi đây.
Làm sao tôi đến được chốn này? Tôi đã kể điều đó trong một tác phẩm khác.[1] Vào lúc này, những lý do chính trị đã khiến đức Đạt-lai Lạt-ma phải tỵ nạn ở vùng thuộc địa nước Anh. Khi ngài dừng chân ở vùng biên giới Ấn Độ, thì đó là cơ hội duy nhất để tôi yết kiến ngài và tìm hiểu thêm về loại hình Phật giáo đang thịnh hành ở Tây Tạng. Hiếm khách nước ngoài nào tiếp cận được với đức Đạt-lai Lạt-ma tại thành phố linh thiêng của ngài, ở “Xứ Tuyết”. Ngay cả khi sống lưu vong, thì ngài vẫn không phải là người dễ tiếp cận. Mãi cho đến khi tiếp tôi, trước đó ngài cũng kiên quyết từ chối, không chịu tiếp bất kỳ một phụ nữ nào, trừ phi đó là người Tây Tạng. Tôi là người đầu tiên hưởng được ân phước của ngoại lệ đó, và tôi tin rằng tôi là người duy nhất.
Rời Darjiling vào một buổi sáng đẹp mùa xuân, nơi mà núi non được bao phủ trong những đám mây hồng rực rỡ, tôi thật không sao tiên đoán nổi những điều kỳ lạ tiếp theo trong cuộc hành trình. Tôi chỉ thấy trước mắt mình là một cuộc du lãm ngắn ngày và một cuộc phỏng vấn lý thú, trong khi trong thực tế, tôi lại dấn thân vào một cuộc viễn du dằng dặc, cuộc viễn du đã giữ chân tôi ở lại châu Á hơn mười mấy năm trời.
Khởi đầu cho cuộc viễn du, tôi còn hình dung trong trí nhớ, đức Đạt-lai Lạt-ma giống như một vị chủ nhân sốt sắng nhiệt tình, khi bắt gặp một kẻ du hành đứng dưới chân bờ tường bao quanh lãnh địa của mình, liền chỉ hướng cho kẻ đó biết đường mà đi vào. Cái hướng đó chính là câu nói: “Hãy học tiếng Tây Tạng!”
Nếu cần tin rằng thần dân của ngài đều gọi ngài là “Đấng Toàn Trí” (thamstched mkyénpa), thì khi đưa ra cho tôi lời khuyên đó, đấng trị vì Tây Tạng đã biết trước được những diễn biến tiếp theo trong cuộc hành trình của tôi, nên ngài không khuyên tôi đến Lhassa – kinh đô đã bị cấm của ngài – mà khuyên đi tìm những bậc đạo sư Mật tông và những pháp sư thần bí, là những người rất khó tiếp cận mà xứ sở của ngài vẫn còn giấu kín.
Tại Kalimpong, đức Đạt-lai Lạt-ma sống trong một cơ ngơi rộng lớn của một thân vương xứ Bhoutan. Để tăng thêm vẻ tôn nghiêm cho nơi ở, hai hàng tre cao được dựng lên để tạo thành một lối đi giả, trên mỗi ngọn tre đều treo một lá phướn có ghi hàng chữ: “Aum mani padme hum” (Úm ma ni bát mê hồng), hoặc vẽ hình con thiên mã[2] cùng những câu mật chú chi chít chung quanh. Vào thời đó, tôi cho rằng lá quốc kỳ Tây Tạng – với hình con sư tử đen trên màu nền đỏ sẫm- vẫn chưa ra đời.
Đoà tùy tùng của vị vua lưu vong này rất đông, đến hàng trăm người. Nhìn chung thì ai nấy đều giữ yên lặng, tạo nên một không khí thanh tĩnh yên bình chung quanh nơi ở của vị đại lạt-ma. Nhưng nếu vào dịp lễ hoặc lúc tiếp khách thì hàng hàng lớp lớp các quan chức và tôi bộc đổ ra từ mọi ngóc ngách, lăng xăng qua lại. Họ chen chúc ở các cửa chính, hiện ra ở mọi cửa sổ, tản ra ở các hành làng, ai nấy đều vội vã tíu tít, gọi nhau í ới. Phần lớn họ đều ăn mặc giống nhau, với những cái áo choàng bẩn thỉu; thật là đáng tiếc, vì điều đó dễ gây cho khách nước ngoài cảm giác khinh thường.
Phong cách trang trí lộng lẫy cùng nghi lễ hoành tráng ở Potala đã quá xa vời rồi! Người nào nhìn thấy lều trại dựng hai bên lối đi này, nơi mà vị vua Tây Tạng đang chờ đợi thần dân của mình khôi phục lại ngai vàng, sẽ khó lòng mà hình dung được hình ảnh vương triều ở Lhassa ra sao.
Đội quân viễn chinh của người Anh thâm nhập vào vùng đất cấm của ngài, rồi cuộc diễu binh diễn ra tại kinh đô Lhassa, bất chấp những bùa chú linh thiêng của những vị pháp sư lỗi lạc nhất, điều đó hẳn khiến đức Đạt-lai Lạt-ma hiểu ra rằng: lũ người man rợ nước ngoài kia đã là chủ nhân xứ sở của ngài nhờ vào sức mạnh. Những phát minh khác, mà hẳn ngài đã có dịp quan sát trên bước đường lưu vong tại Ấn Độ, có thể đã thuyết phục ngài về tài năng của họ trong việc chinh phục thế giới tự nhiên. Thế nhưng, sự quả quyết về đời sống tinh thần thấp kém của những người da trắng vẫn không hề lay chuyển nơi ngài. Về quan điểm này thì ngài chỉ có thể chia sẻ với những người châu Á – từ Ceyland cho đến mạn bắc xứ Mông Cổ.
Đối với ngài, một phụ nữ phương Tây mà thông hiểu Phật pháp thật là điều khó tin. Giả sử khi đang nói chuyện cùng ngài mà tôi tan biến vào không khí thì có lẽ ngài cũng chẳng ngạc nhiên chi cho lắm; trái lại, chính sự hiện hữu của tôi mới khiến cho ngài cảm thấy lạ lùng.
Sau khi đã tin được điều đó rồi, đức Đạt-lai Lạt-ma hỏi tôi về vị bổn sư. Tôi phải có một vị bổn sư, và vị đó phải là một người châu Á. Quả thật vô cùng khó khăn khi tôi quả quyết cùng ngài rằng, trước khi tôi sinh ra, đã có một trong những kinh điển Phật giáo nổi tiếng nhất được dịch từ Tạng ngữ sang Pháp ngữ. Đó là bản dịch cuốn Le Gyatcher rolpa của giáo sư Eduardo Foucaux.
Ngài chấp nhận điều đó một cách khó khăn và tìm cách làm sút giảm giá trị của sự kiện này.
“Nếu quả thực – ngài nói – có người nước ngoài nào học ngôn ngữ của chúng tôi và đọc được các kinh điển, thì họ cũng không thể hiểu huyền nghĩa trong đó nổi.”
Nói như thế là ngài đã cho tôi một cơ hội tuyệt vời để phỏng vấn, và tôi vội bắt lấy dịp may này.
“Ngài nói rất đúng. – tôi đáp – Bởi vì tôi ngờ rằng ý nghĩa kinh điển Tây Tạng đã bị hiểu sai, nên tôi mới mong được ngài chỉ giáo.”
Câu trả lời làm hài lòng đức Đạt-lai Lạt-ma; ngài không chỉ giải đáp những câu hỏi tôi đặt ra, mà sau đó còn trao cho tôi một bản ghi chú viết tay, trong đó những lời giải đáp được giải thích kỹ càng hơn.
***
Ông hoàng Sikkim cùng đoàn tùy tùng đã đi mất dạng. Tôi nhớ lại lời hứa, và sửa soạn lên đường đi Gangtok, thì đột nhiên một ý tưởng khác chợt nảy ra trong đầu.
Đến chiều tối, tôi được chứng kiến cảnh đức Đạt-lai Lạt-ma ban phép lành, một cảnh tượng hoàn toàn khác với cách thức ban phép lành của đức Giáo hoàng ở Rome.
Trong khi đức Giáo hoàng ban phép lành chung cho cả đám đông bằng một nghi thức duy nhất, thì đối với người Tây Tạng, phép lành phải được ban cho từng người một. Đối với các lạt-ma, có ba cấp nghi thức tùy thuộc vào sự đánh giá của vị lạt-ma đó đối với đối tượng được ban phép lành. Đặt hai bàn tay lên đầu người được ban phép là nghi thức nhã nhặn nhất; kém lịch sự hơn thì chỉ đặt một bàn tay, đôi khi với một hoặc hai ngón tay. Cuối cùng là nghi thức ban phép lành bằng cây nghi trượng giống như một cây phất trần, có gắn những tua vải lụa sắc màu sặc sỡ.
Người ta nhận thấy rằng, trong tất cả các nghi thức ban phép lành đó luôn có sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp giữa vị lạt-ma với tín đồ. Vì sao sự tiếp xúc này lại cần thiết? Bởi vì, theo một số tín đồ Lạt-ma giáo thì nghi thức ban phép lành cho một đối tượng không phải để kêu gọi ân sủng của Thượng Đế, mà là để truyền nguồn năng lượng quý báu từ vị lạt-ma sang đối tượng đó.
Cảnh tượng đám đông người tụ tập tại Kalimpong để được đức Đạt-lai Lạt-ma ban phép lành bằng thanh nghi trượng gắn các tua lụa khiến tôi liên tưởng đến uy tín cao vời của ngài. Đoàn người đó nối đuôi nhau kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ, và tôi để ý thấy đám đông tín đồ đó không phải chỉ gồm những tín đồ Lạt-ma giáo tại địa phương. Rất đông những tín đồ Ấn giáo ở Bengal và Népal cũng có mặt ở đây. Tôi thấy rất nhiều người khi chứng kiến cảnh tượng này, như bị một sức hút huyền bí nào đó lôi kéo, đã vội vã chạy đến nối đuôi vào đoàn người như một con chiên ngoan đạo.
Trong khi chứng kiến cảnh tượng này, tôi quan sát thấy một người ngồi bệt dưới đất thu mình trong một xó, có vẻ tách biệt đám đông. Đầu tóc bù xù của ông ta được quấn quanh bằng một cái khăn vành, theo cách của những ẩn sĩ khổ tu ở Ấn Độ. Tuy nhiên, người này không hề có vẻ gì là tín đồ Ấn giáo, mà ăn mặc bẩn thỉu giống như một tu sĩ Lạt-ma giáo.
Gã hành khất đặt cái bị nhỏ bên cạnh mình và nhìn đám đông kia với vẻ nhạo báng.
Tôi chỉ gã cho Dawasandup thấy, và hỏi ông ta nghĩ gì về gã hành khất giống như vị triết gia khắc kỷ Diogène[3] vùng Hy Mã Lạp sơn kia.
Dawasandup đáp:
Chắc vì thấy tôi tò mò muốn biết, nên để chìu lòng tôi, người thông dịch viên liền bước đến bắt chuyện với người kia. Khi quay lại, vẻ mặt ông ta lộ vẻ nghiêm trọng.
Sau khi ông hoàng cùng đoàn tùy tùng đi mất thì kẻ lang thang này lại khiến tôi bận tâm nghĩ đến. Tôi còn nhiều thời gian lắm, thế thì tại sao không thử đến cái tự viện – gompa – nơi ông ta đang lưu trú? Biết đâu tôi lại được ông ta tiếp ở đó? Vì sao ông ta lại có thái độ khinh khỉnh đối với vị đại lạt-ma cùng những tín đồ của ngài? Tìm hiểu được chuyện này hẳn thú vị lắm.
Tôi ngỏ ý với Dawasandup thì ông ta vui vẻ tán đồng.
Chúng tôi đi ngựa đến gompa đó. Gọi là tự viện, nhưng thực ra nó cũng chẳng khác gì một ngôi nhà rộng lớn ở thôn quê.
Tại Lha kang (chánh điện – nơi đặt các tượng thờ), vị naldjorpa đó đang ngồi trên một cái bồ đoàn, trước một cái bàn thấp và đã dùng cơm xong. Người phục vụ mang thêm những tấm bồ đoàn đến và mời chúng tôi dùng trà.
Đã đến lúc bắt chuyện với vị du tăng khổ hạnh. Ông ta có vẻ không mấy thích điều này, và vì miệng đang đầy cơm nên chỉ lúng búng trả lời câu chào hỏi lịch sự của chúng tôi.
Tôi đang cố tìm cách mở đầu câu chuyện thì con người kỳ lạ kia đột nhiên nở nụ cười và nói mấy câu.
Thấy gương mặt Dawasandup lộ vẻ khó chịu, tôi liền hỏi:
Câu nói bất lịch sự như thế không làm tôi quá ngạc nhiên. Ở Ấn Độ, các vị khổ tu (sannyâsins) vẫn thường mắng chửi những ai đến gần mình.
Tôi bảo Dawasandup:
– Nói cho ông ta biết rằng tôi đến đây để hỏi vì sao ông ta lại chế nhạo những người đến nhận lễ ban phép lành của đức Đạt-lai Lạt-ma.
Vị naldjorpa kia lẩm bẩm qua hai kẻ răng:
– Vênh vênh váo váo làm ra vẻ quan trọng lắm. Toàn là một lũ giòi bọ đang loay hoay lúc nhúc trong đống phân.
Thấy cuộc phỏng vấn có chiều tiến triển tốt đẹp, tôi liền hỏi tiếp:
– Vậy thì chỉ có ông mới thoát ra khỏi cái đống phân đó?
Ông ta phá lên cười:
– Càng tìm cách lảng tránh thì càng bị lún sâu vào. Ta lăn lóc trong vũng bùn nhơ như một con heo, ta tiêu hóa nó rồi chuyển hóa nó thành bãi cát vàng óng ánh, thành dòng suối trong vắt tuôn chảy. Biến cứt chó thành những vì sao, đó mới là công phu đạo hạnh!
Rõ ràng người đối thoại với tôi rất sung sướng khi đưa ra một sự so sánh thật thô tục. Song có thể đó là cách thức để ông ta tự xem mình là một bậc siêu nhân.
Tôi bảo:
– Rốt cuộc thì đám người sùng đạo nhờ đức Đạt-lai Lạt-ma ban phép lành kia lại không đúng hay sao chớ? Họ chỉ là những người dân chất phác hiền lành không am hiểu nổi những giáo lý cao siêu…
Vị naldjorpa ngắt lời:
– Muốn việc ban phép lành đạt hiệu quả thì bản thân kẻ ban phép lành phải có quyền năng đó đã, đó là năng lực tạo nên sự hội thông. Quyền năng này có thể được biểu hiện theo nhiều cách lắm. Nếu vị Đại Hộ Pháp kia (tức Đạt-lai Lạt-ma) thực sự có được quyền năng này thì ông ta há lại không cần đến quân đội để chống lại quân Trung Quốc cùng bao kẻ thù khác hay sao? Thử hỏi ông ta có thể đẩy lùi được những kẻ ông ta chán ghét ra bên ngoài xứ Tây Tạng hay không? Có thể bao bọc đất nước này bằng một bức tường vô hình không thể vượt qua hay không?
“Đấng đạo sư Padmasambhâva (Liên Hoa Sinh) [5] có được quyền năng đó, và Ngài có thể ban phép lành đến tất cả những ai tôn thờ Ngài, cho dù kẻ đó có ở tận vùng Rakchassas xa lắc xa lơ.
“Còn ta, ta chỉ là một môn đồ khiêm tốn, thế nhưng…”
Tôi thấy “vị môn đồ khiêm tốn” kia có vẻ gàn gàn, dở hơi, nhất là có vẻ kiêu căng tự mãn, bởi vì cái lối nói “thế nhưng…” của ông ta kèm theo ánh mắt đầy ngụ ý.
Người thông dịch của tôi lộ vẻ khó chịu ra mặt. Ông ta tôn kính đức Đạt-lai Lạt-ma và không muốn nghe ai phê bình ngài. Hơn thế nữa, do mê tín, nên cái vị biết “biến cứt chó thành những vì sao” kia khiến ông ta đâm ra sợ hãi.
Tôi ngỏ ý từ giã, nhưng người phục vụ trong gomma cho biết vị naldjorpa kia phải chuẩn bị để lên đường vào ngày mai, nên tôi bèn đưa mấy đồng rupi cho Dawasandup và bảo trao số tiền đó cho ông ta làm lộ phí đi đường.
Món quà này đã làm phật lòng vị naldjorpa kia. Ông ta từ chối và bảo rằng đã nhận quá nhiều đồ cúng dường nên không thể nào mang thêm nổi.
Dawasandup nghĩ rằng cần phải nài nỉ, nên ông ta bước tới với ý định đặt mấy đồng rupi lên trên bàn gần vị lạt-ma. Ông ta vừa mới bước được mấy bước thì tôi thấy ông ta đột nhiên lảo đảo, bước giật lùi lại rồi cả người bắn tung vào bức tường, tựa hồ như bị sức mạnh mãnh liệt đẩy lùi lại. Đồng thời, ông ta rú lên rồi hai tay ôm lấy bụng.
Vị naldjorpa đứng lên, nhếch mép cười khinh bỉ rồi bỏ đi.
– Tôi bị một cú đánh khủng khiếp kéo giật lùi tôi ra đàng sau. – Dawasandup nhăn nhó bảo tôi – Vị lạt-ma kia đã nổi giận rồi, làm sao để ông ta nguôi giận đây?
Tôi đáp:
– Chúng ta đi thôi. Vị lạt-ma kia chắc chẳng liên quan gì với việc này. Tim ông có vấn đề rồi, cần phải tìm một bác sĩ khám bệnh mới được.
Mặt mày nhợt nhạt, và đầy vẻ lo âu, người thông dịch của tôi im lặng không nói được lời nào. Chúng tôi quay về, mà tôi cũng không có cách nào làm cho ông ta bớt hoảng sợ.
***
Ngày hôm sau, khi trời vừa rạng sáng, tôi và Dawasandup đã lên đường đi Gangtok.
Con đường ngoằn ngoèo ruột dê đưa chúng tôi vào tận dãy Hy Mã Lạp sơn, vùng đất thiêng của những truyền thống Ấn Độ đã tụ tập biết bao vị thánh, ẩn sĩ khổ tu cùng các thần linh. Khu nghỉ mát mùa hè do người nước ngoài xây dựng nơi vùng biên giới này vẫn không sao làm thay đổi được bộ mặt nơi đây. Chỉ một vài cây số tính từ những khách sạn lớn – nơi người ta đang nhảy nhót theo nhịp trống của âm nhạc phương Tây – , là những khu rừng nguyên sơ phủ xanh trùng điệp. Chìm giữa đám sương mù trôi lãng đãng, lớp lớp những hàng cây phủ trong lớp rêu xanh nhạt, ẩn hiện mơ hồ, như phác họa nên những dáng vẻ băn khoăn xao xuyến trước bước chân của khách lãng du. Từ thung lũng đến khu rừng xanh ngát, cho đến tận những đỉnh non quanh năm tuyết phủ, đâu đâu cũng đều đắm chìm trong bầu không khí ảo huyền.
Tương xứng với bầu không khí ảo huyền này là sự ngự trị của pháp thuật trong cộng đồng dân cư tạm gọi là Phật giáo. Những cộng đồng chuyên hành nghề phù thủy, đồng cốt như Bönpo, Pao, Bouting và Yabha sống trong những căn lều nhỏ xíu tồi tàn và truyền đạt các thông điệp của chư thần cùng người quá cố.
Trên đường đến Pakyong, tôi ngủ suốt, và hôm sau chúng tôi đến Gangtok. Cách ngôi làng- thủ đô[6] chừng vài cây số, một trận mưa đá khủng khiếp đã bất ngờ chào đón chúng tôi.
Theo người Tây Tạng, thì mọi hiện tượng tự nhiên đều do quỷ thần hoặc những pháp sư gây ra. Mưa đá là một trong những thứ vũ khí được quỷ thần và pháp sư ưa thích. Quỷ thần thường dùng mưa đá để ngăn cản không cho những khách hành hương đến vùng đất thánh, còn các pháp sư lạt-ma giáo thì dùng mưa đá để bảo vệ nơi ẩn cư của họ khỏi những kẻ quấy rầy, cũng như để xua đuổi những yếu bóng vía muốn tầm sư học đạo.
Sau khi tôi đến được vài tuần, người thông dịch mê tín Dawasandup tâm sự với tôi rằng ông ta đã hỏi ý kiến một mopa (thầy bói) về trận mưa đá bất thường sau một ngày nắng đẹp này, khi chúng tôi đến nơi đây.
Lời quẻ bảo rằng chư thần ở địa phương cũng như các vị thánh lạt-ma không ghét bỏ gì tôi cả, tuy nhiên tôi sẽ gặp vô vàn gian khổ nếu muốn ở lại “Xứ Sở của Tôn Giáo” (theo cách người Tây Tạng gọi xứ sở mình).
Dù ngẫu nhiên hay có tài tiên tri thì vị mopa kia cũng tiên đoán chính xác. Mọi điều sẽ sáng tỏ trong ngày sau.
***
Ông hoàng xứ Sikkim – S. A. Sidkéong Namgyal – đã từng là một lạt-ma thực sự, tự viện trưởng một tự viện thuộc phái Khadyud- Karma, và hơn thế nữa, được xem như một vị Hoạt Phật (tulkou) hóa thân của ông chú- một vị thánh lạt-ma đáng kính.
Theo phong tục, ông đã trải suốt thời thơ ấu và một phần thời trai trẻ để tu học tại một tự viện mà sau này ông là tự viện trưởng.
Khi chính quyền Anh chọn ông, thay vì chọn người anh trai, làm người kế thừa cho vị đại vương (mahârajah) là cha ông, thì viên công sứ người Anh đã đưa ông ra khỏi tự viện, rồi giao ông cho một người Ấn đã bị Ăng- lê hóa làm người giám hộ và thông dịch. Cuộc lưu trú ngắn ngủi tại đại học Oxford và cuộc du hành vòng quanh thế giới, dưới sự hướng dẫn của quý ông về nghi thức ngoại giao đã giúp ông hoàn tất một nền học vấn khá tạp nham.
Vị Hoạt Phật Sidkéong hiểu tiếng Anh còn thấu đáo hơn cả tiếng mẹ đẻ là tiếng Tây Tạng nữa. Ông cũng nói lưu loát tiếng Ấn Hindoustani và biết đôi chút tiếng Trung Quốc. Ngôi biệt thự được xây cho ông trong khu vườn của cung điện vua cha trông giống như một ngôi nhà xinh xắn ở nông thôn Anh đặt giữa lòng một tự viện Tây Tạng. Nội thất bên trong rất tương xứng với sự tương phản bên ngoài: ở tầng dưới và phòng riêng thì vật dụng được trang trí theo kiểu Anh, còn ở tầng một thì phòng khách lại được bày biện theo kiểu Tây Tạng.
Ông hoàng trẻ này rất cởi mở. Ông quan tâm ngay đến công trình nghiên cứu của tôi, và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi bằng tất cả nhiệt tình.
Giai đoạn đầu ở Sikkim, tôi dành thời gian cho việc đi tham quan các tự viện nằm rải rác trong rừng. Những tự viện này gây cho tôi ấn tượng sâu sắc bởi chúng tọa lạc trên những triền núi, lúc nào trông cũng đẹp rực rỡ. Tôi cứ hình dung những tự viện quê mùa này là nơi an trú của những nhà tư tưởng khinh thường mọi tham dục và đấu tranh của thế nhân, để dành thời gian cho việc trầm tư quán tưởng.
Thế nhưng vẻ bề ngoài lại chẳng ăn nhập gì với thực tế. Các tu sĩ xứ Sikkim này phần lớn là những người quê mùa thất học; họ không có hoài bão khát khao giác ngộ, thậm chí cũng không hiểu biết gì về đạo Phật. Ngoài ra, họ cũng chẳng có những lúc thư nhàn. Các tự viện của họ thường rất nghèo, không có vật phẩm nào để chia nhau và không có những thí chủ giàu có. Cho nên các trapa, do không thể dựa vào những vật phẩm cúng dường, buộc phải làm việc để kiếm sống.
Tôi thấy cần phải giải thích đôi lời về từ trapa mà tôi vừa sử dụng, và sẽ còn được tiếp tục sử dụng ở phần sau.
Các tác giả nước ngoài dùng từ lạt-ma (lama) để gọi chung các tu sĩ Lạt-ma giáo mà không có phân biệt gì cả. Ở Tây Tạng thì lại khác. Chỉ những vị có chức sắc trong giáo hội mới được gọi là lạt-ma, như các vị Hoạt Phật, những vị trụ trì các tự viện lớn, hoặc những tu sĩ đã tốt nghiệp đại học. Còn những tu sĩ khác, dù đã được thụ pháp (gọi là gelong) cũng chỉ là những trapa, nghĩa là các sa- di. Theo phong tục thì người ta luôn luôn dùng từ lạt-ma để xưng hô với các tu sĩ cao niên hoặc uyên bác.
Một số trapa ở Sikkim được những người đồng tu cho thông thái, thật ra chỉ là những tu sĩ biết tiến hành một số nghi thức tôn giáo nào đó. Họ dạy cho các tu sĩ đã nhận lễ thụ pháp hay các chú tiểu những nghi thức để cúng bái cho tín đồ, và nhận thù lao hoặc là phẩm vật cúng dường, hoặc là một ít tiền, song thường thì xem việc đó như là công phu hằng ngày. Tuy nhiên, tiền thù lao nhờ cúng bái đó là nguồn thu nhập chính của họ.
Chúng ta đều biết, Phật giáo chính thống nghiêm cấm mọi nghi thức tôn giáo. Các vị lạt-ma uyên bác tự xem mình là những kẻ vô tích sự trong việc khai ngộ chúng sinh, một điều chỉ có thể đạt đến bằng nỗ lực tâm linh của mỗi người. Tuy nhiên, phần đông các vị lạt-ma đó lại khuyên tín đồ tiến hành một số nghi thức để đạt đến những mục đích khác, như chữa bệnh, cầu tài lộc, trừ tà ma và cầu siêu cho những người đã khuất.
Cúng ma chay là công việc chính của những tu sĩ trong vùng Hy Mã Lạp sơn. Tôi phải nói rằng họ làm điều này rất mực nhiệt tình, thậm chí còn thích thú nữa. Đó là vì trong nghi thức tang lễ luôn có một hoặc hai bữa cơm của hiếu chủ cúng dường cho tất cả chư tăng trong tự viện mà họ là thành phần trong đó. Vật phẩm cúng dường, bằng tiền và hiện vật, được xem như là tiền thù lao cho các trapa đã tiến hành nghi lễ ma chay. Như tôi đã nói, các tu sĩ tại các tự viện trong khu rừng này rất nghèo và thường gầy gò ốm yếu; và thật khó mà khiến những con người chất phác ngây ngô này che giấu được niềm hân hoan khi nghe tin trong vùng có một người nhà giàu chết, vì điều đó hứa hẹn sẽ có nhiều bữa chè chén no nê.
Những tu sĩ cao niên thường biết che giấu cảm xúc của mình, còn các chú tiểu chăn dê trong rừng thì lộ vẻ hớn hở ra mặt.
Một ngày nọ, khi tôi đang ngồi thư giãn gần một số tu sĩ trẻ chăn dê thì nghe có tiếng tù và văng vẳng theo gió vọng lại từ xa. Các tu sĩ trẻ đang chơi đùa đều xúm lại, đứng im lắng nghe, rồi đưa mắt nhìn nhau. Âm thanh lúc nãy lại vẳng lên một lần nữa. Các chú tiểu hiểu ra ngay:
– Tiếng tù và! – một chú lên tiếng.
Một chú khác nói tiếp:
– Có người chết.
Thế rồi cả đám lại đứng yên lặng, đưa mắt nhìn nhau, miệng mỉm cười vì đã ngầm hiểu với nhau.
Một chú thì thầm:
– Bọn mình sắp được ăn thịt rồi!
Tuy vậy, trong nhiều ngôi làng, các lạt-ma phải cạnh tranh với các thầy pháp. Thông thường thì điều này cũng chẳng đưa đến xung đột thù hằn. Nhìn chung thì mỗi phe đều ít nhiều cũng tin tưởng vào nghi thức của phe kia. Mặc dù các lạt-ma được coi trọng hơn các thầy pháp đạo Bön – vốn là những tín đồ của tôn giáo truyền thống cổ sơ ở Tây Tạng -, hoặc các thầy phù thủy (ngagpa) vốn đã được đồng hóa với giới tu sĩ chính thống-, nhưng dân chúng lại tin rằng các thầy phù thủy trừ tà, bắt quỷ giỏi hơn.
***
Nhân một dịp tình cờ, tôi mới khám phá được cách thức mà những vị lạt-ma chính thống giúp cho linh hồn thoát ra khỏi một xác chết, và hướng dẫn linh hồn đó đi theo con đường tốt đẹp để đầu thai trong thế giới khác.
Một hôm, khi lang thang qua một khu rừng, thì tôi chợt nghe một âm thanh sắc nhọn, chẳng hề giống với bất kỳ tiếng kêu của con thú nào mà tôi được biết. Một lúc sau, âm thanh đó lặp lại hai lần. Tôi nhẹ nhàng lần tới, theo hướng phát ra âm thanh đó.
Một túp lều, bị che khuất sau mô đất, hiện ngay ra trước mắt tôi. Tôi nằm rạp xuống sau bụi cây để không bị ai phát giác, rồi đưa mắt theo dõi mọi chuyện diễn ra.
Ở gốc cây, có hai tu sĩ đang ngồi dưới đất, cặp mắt rũ xuống trong tư thế tọa thiền.
Hik! Một người kêu lên bằng âm thanh lanh lảnh dị thường. Hik! Vài phút sau, người kia lặp lại. Và họ cứ tiếp tục như thế, ngồi yên không nhúc nhích và không nói với nhau lời nào, cứ lặp lại âm thanh đó sau một khoảng im lặng khá lâu. Tôi để ý thấy hình như họ cố gắng lắm mới phát ra được âm thanh đó, như thể họ đẩy nó lên từ huyệt đan điền. Quan sát được một lúc, tôi thấy một trong hai người đưa tay bóp cổ, gương mặt lộ vẻ đau đớn. Anh ta quay tròn cái đầu và phun ra một tia máu.
Người kia nói với anh ta điều gì đó mà tôi không hiểu. Vị tu sĩ không đáp lại, mà đứng lên đi về phía túp lều. Tôi phát hiện trên giữa mái tóc anh ta nhô lên một cọng rơm dài, ngay trên đỉnh đầu. Vật trang sức đó có nghĩa gì vậy?
Lợi dụng lúc một trong hai trapa đi vào căn lều và người kia đang quay lưng lại, tôi liền lẻn đi.
Tôi hỏi Dawasandup về những điều đã trông thấy. Các trapa đã làm gì vậy? Vì sao họ phải phát ra âm thanh lạ lùng đó?
Dawasandup giải thích cho tôi:
– Đó là nghi thức tôn giáo mà các vị lạt-ma tiến hành bên cạnh người đang hấp hối để giúp linh hồn ra khỏi thân xác, thông qua một cái lỗ nhỏ trên đỉnh sọ, do vậy mà làm phát ra âm thanh đó. Chỉ những vị lạt-ma nào tiếp nhận được khả năng phát âm chuẩn xác âm hik! mang sức mạnh tâm linh này từ một bậc thầy có quyền năng thì mới có thể thực hiện thành công điều đó. Khi thực hành nghi thức này bên một xác chết, sau khi họ phát ra âm phet! tiếp theo âm hik!; song phát âm phet! này cần phải rất thận trọng, như bà đã tình cờ thấy đó. Sự phối hợp hai âm này sẽ giúp linh hồn thoát ra khỏi thể xác, còn vị lạt-ma phát ra hai âm đó sẽ chết ngay lập tức. Vị lạt-ma sẽ tránh được mối nguy hiểm này khi làm lễ, bởi vì khi chỉ định nơi chốn cho người chết, thì ông ta sẽ có một giọng nói khiến cho hiệu ứng của các âm thanh kỳ diệu đó chỉ được cảm nhận bởi người chết, chứ không phải bản thân vị lạt-ma.
Sau khi một vị thầy quyền năng dùng năng lực tâm linh đưa linh hồn ra khỏi vỏ bọc thể xác, thì đến lượt người môn đồ phát ra âm hik! thật chuẩn xác. Người ta biết rằng họ chỉ đạt được mục đích nếu như sợi rơm cắm trên đỉnh sọ vẫn đứng thẳng không ngã trong một khoảng thời gian tùy ý. Thực ra, khi đọc âm hik! thật chuẩn xác thì đỉnh sọ sẽ nứt ra một lỗ nhỏ và một cọng rơm được cắm vào đấy. Đối với người chết thì lỗ nứt sẽ rộng hơn, có thể đút lọt cả ngón tay.”
***
Dawasandup rất quan tâm nghiên cứu cái chết và cuộc sống ở thế giới bên kia. Năm sáu năm sau, sau khi giải thích cho tôi điều này, ông ta đã dịch một cổ thư Tây Tạng là “Tử thư” (Bardo Töd tol) bàn về sự tái sinh của người chết.
Nhiều người nước ngoài, gồm các viên chức Anh cũng như các viên chức phương Đông khác, đã sử dụng công trình của Dawasandup và đều công nhận tài năng của ông ta. Tôi luôn luôn có những lý do tuyệt vời để tin rằng những người đó đều không biết đến tính cách chân thành và tế nhị của ông.
Dawasandup là người tin vào sự thần bí, và theo một nghĩa nào đó, tin vào điều huyền nhiệm. Ông đã bí mật tìm cách tiếp xúc với các nữ thần Dâkini cùng các hung thần khác. Tất cả những gì liên quan đến thế giới thần bí của những kẻ vô hình đều lôi cuốn Dawasandup mạnh mẽ. Ông có thiên hướng về đồng cốt, nhưng những ràng buộc của cuộc sống áo cơm đã khiến ông ta không thể toại nguyện trong nghiên cứu.
Sinh ra tại Kalimpong, dòng dõi ông ta thuộc gốc người Bhoutan và Sikkim, là những dân tộc vùng rừng núi. Ông được cấp học bổng để theo học trường cao cấp ở Darjiling, dành cho những học sinh gốc Tây Tạng. Sau đó, khi phục vụ cho chính quyền Anh quốc ở Ấn Độ, ông được chỉ định làm thông dịch viên tại Baxa Duar, một địa phương giáp giới với bắc Bhoutan.
Chính ở đó, ông đã gặp được một lạt-ma mà ông chọn làm đạo sư tinh thần. Tôi chỉ biết vị đạo sư mà Dawasandup rất mực tôn kính này qua những gì ông ta kể. Vị đạo sư đó cũng na ná như phần lớn những người mà tôi có dịp tiếp cận: khá uyên bác, hơi mê tín, nhưng trên hết là tốt bụng và nhân hậu.
Cái làm cho Dawasandup khác với những người đồng nghiệp, đó là ông ta có một bậc gourou (đạo sư tinh thần) mà câu chuyện về cái chết của vị này rất đáng kể lại đây.
Vị đạo sư này là một ẩn sĩ khổ tu, dành trọn thời gian cho việc thiền định trong một hang động hẻo lánh ở xứ Bhoutan. Có một môn đồ sống bên cạnh ông để hầu hạ.
Một ngày kia, có một vị thí chủ đến thăm ông và cúng dường một ít tiền để vị ẩn sĩ này mua lương thực cho mùa đông. Tên môn đồ nổi lòng tham, liền đâm vị thầy già một dao và ôm tiền chuồn mất.
Vị lạt-ma nằm chết giấc kia dần tỉnh lại. Vết thương của ông trộn lẫn với cát nên trở nên vô cùng trầm trọng, và vị ẩn sĩ già nua phải trải qua những cơn đau khủng khiếp. Để làm dịu bớt cơn đau, ông bắt đầu thiền định.
Sự tập trung tư tưởng, nếu đạt đến cấp độ như các pháp sư Tây Tạng, sẽ làm giảm cơn đau một cách đáng kể.
Ngày hôm sau, một môn đồ khác đến thăm ông và thấy vị thầy của mình nằm bất động trong một tấm chăn. Mùi hôi bốc lên từ vết thương bị nhiễm trùng, và tấm chăn đẫm máu khiến anh ta chú ý, liền hỏi cớ sự. Vị ẩn sĩ kể lại câu chuyện. Khi nghe chuyện, người môn đồ hối hả muốn đi mời thầy thuốc ở tự viện đến chữa trị, thì vị ẩn sĩ liền ngăn lại và bảo:
– Nếu biết chuyện này thì thế nào người ta cũng truy tìm kẻ phạm tội. Y chưa thể chạy trốn xa được, nên thế nào cũng bị bắt và xử tội chết. Ta không cho phép con làm điều đó. Cứ giấu chuyện này đi, để y có đủ thời gian trốn thoát. Một ngày nào đó, có thể y sẽ quay về với những tình cảm tốt đẹp hơn, và dù sao thì ta cũng không phải là nguyên nhân khiến y phải chết. Giờ đây, con đừng nói gì với ta cả, hãy để ta yên. Trong khi thiền định, ta không cảm thấy đau đớn, nhưng khi ta ý thức về thân xác mình thì cơn đau không sao chịu nổi.
Một môn đồ phương Đông không khi nào tranh cãi về một mệnh lệnh kiểu đó. Anh ta thấu hiểu cái tinh thần đang ban lệnh cho mình. Người môn đồ quỳ rạp xuống dưới chân của bậc đạo sư, đảnh lễ và rút lui. Vài hôm sau, vị ẩn sĩ nằm chết cô đơn trong hang động.
Mặc dù Dawasandup cực kỳ tôn kính hành động của vị lạt-ma thánh thiện đó, song ông ta lại thấy đức hạnh đó là những đỉnh cao quá đỗi xa vời, không sao đạt đến nổi. Ông ta khiêm tốn thú nhận điều đó. Như tôi đã nói, điều quyến rũ ông ta là sự giao tiếp đi lại với những nhân vật trong thế giới thần bí để đạt được những năng lực siêu nhiên. Thấy được những nhân vật kỳ dị, và biến mình thành những nhân vật trong thế giới ấy, đó là ước mơ của ông. Ông ta có tất cả những khát vọng của một pháp sư, song lại không có nền tảng khoa học và đạo lý cần thiết để thực hiện điều này.
Thói quen uống rượu, giống như những người dân quê ông, là điều đáng nguyền rủa trong đời Dawasandup. Nó khiến tính nóng nảy trong ông lớn dần, và một ngày kia ông suýt phạm tội giết người.
Tôi có gây được ít nhiều ảnh hưởng với ông khi tôi ở Gangtok. Tôi đã thành công khi bắt ông hứa phải bỏ rượu hoàn toàn, vì đó là một trong những giới cấm của Phật tử. Thế nhưng cần phải có một nghị lực mạnh mẽ hơn nữa để người thông dịch tuyệt vời của tôi kiên trì theo con đường này. Ông thấy khó mà cưỡng lại mọi người chung quanh, khi họ cho rằng uống rượu và ném lý trí chìm vào trong chén rượu là điều mà một tín đồ cần làm đối với đấng đạo sư Padmasambhâva (Liên Hoa Sinh).
Khi tôi biết ông thì Dawasandup đã thôi làm viên chức chính phủ để làm hiệu trưởng một ngôi trường Tây Tạng ở Gangtok. Trong vai trò một giáo sư, ông đã làm nhiều điều quái dị.
Công việc dịch thuật đặc biệt hoặc những công việc khác, như những cuộc thăm viếng và trò chuyện kéo dài với các lạt-ma, những buổi tiến hành các nghi thức thần bí, nhất là thói đam mê đọc sách đã ngăn cản không cho ông làm tròn vai trò quản lý nhà trường, thậm chí có lúc ông còn quên bẵng nó đi.
Đến bất cứ nơi nào, ông cùng đều cắp lè kè theo một cuốn sách. Và khi đọc thì ông hoàn toàn bị đắm chìm một cách say sưa vào các trang sách, đến quên hết ngoại cảnh chung quanh, không biết mình đang ở đâu nữa.
Đôi khi suốt cả một tháng trời, ông không hề đặt chân đến lớp, phó mặc học sinh cho thầy trợ giảng. Ông này cũng bắt chước sếp trong việc bỏ bê học sinh, song ở mức độ mà ông ta ước chừng thấy không đến bị đuổi việc.
Bọn trẻ vì thế mà mặc sức đùa chơi và lang thang trong những khu rừng quanh trường, chẳng còn nhớ gì đến những vốn kiến thức nhỏ nhoi mà chúng đã học.
Tuy thế, bỗng một ngày kia, Dawasandup đột nhiên xuất hiện trước mặt bọn trẻ với vẻ mặt hằm hằm đằng đằng sát khí, khiến chúng rụng rời cả chân tay, không hiểu chuyện gì sắp xảy đến.
Trước tiên, chúng sắp hàng để kiểm tra. Dawasandup nêu câu hỏi cho những đứa đứng ở đầu hàng. Nếu đứa học trò đó không trả lời được hoặc trả lời sai, thì đứa bạn đứng đàng sau có thể trả lời thế, nếu câu trả lời đó làm hài lòng Dawasandup thì ông ta bắt đứa vừa trả lời phải tát đứa bạn đứng đầu hàng kia một cái nảy đom đóm, và đứng thay vào chỗ đó. Đứa nhỏ khốn khổ lại bị hỏi tiếp, nếu nó lại đứng câm như hến hoặc trả lời sai nữa thì đứa thứ ba trong hàng phải trả lời thay, và tiếp tục tát nó một cái nữa, rồi đứng thay vào chỗ nó.
Đứa học trò nào xui xẻo bị cả chục đứa bạn tát liên tục đến choáng váng, tối tăm mặt mày, sẽ bị đẩy dần xuống cuối hàng.
Lại thường xảy chuyện có nhiều cậu học trò đứng cạnh nhau đều không trả bài được. Trong trường hợp đó, đứa giỏi nhất trong lớp sẽ lần lượt bợp tai cả nhóm. Còn nếu như cả lớp đều không biết thì chính Dawasandup sẽ tiến hành hình phạt.
Cậu học trò nào mà ngần ngại không muốn tát tai mạnh bạn mình, hoặc giả bộ tát mạnh thì Dawasandup phát hiện ngay. “Ê! Em kia,” – ông nói với nụ cười dữ tợn- “em chẳng hiểu thế nào là bợp tai cả. Bước lại đây, thầy sẽ dạy cho.” Thế là “bốp”, ông xáng cho cậu học trò một cái tát tai nảy đom đóm, và buộc nó phải chứng minh bài học vừa tiếp thu bằng cách tát cật lực vào mặt người bạn, để làm vừa lòng ông thầy đáng khiếp đó.
Đôi khi, lỗi để phạt học trò lại chẳng dính dáng gì đến bài học. Trong ngôi trường hiền lành chưa hề biết đến kỷ luật này, tinh thần sáng tạo và hơi khác thường của Dawasandup thỉnh thoảng lại khám phá ra nhiều cách vi phạm các luật lệ bất thành văn.
Bởi vậy, ông trang bị cho mình một cây roi ad hoc,[7] bắt những tội nhân chìa tay ra rồi quất túi bụi vào những bàn tay đó. Đứa nào không chìa tay ra thì bị quất vào đầu.
Khi quất roi học trò, Dawasandup lại nhảy loi choi, và cứ mỗi cú quất thì Dawasandup lại kèm theo một tiếng quát “hự!” lanh lảnh, như những tay đồ tể thường làm khi mổ thú vật. Đôi khi học trò co rúm cả người lại vì đau đớn, khiến sự trừng phạt của ông thầy mang dáng dấp như điệu múa của loài ma quỷ.
Tôi bắt gặp những cảnh tượng khác thường này khi bất ngờ đến trường mà không báo trước, và những cậu học trò, vốn đã quen với tôi, đã kể lại cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện.
Sau một vài ngày hoặc một vài tuần dạy dỗ theo kiểu đó, Dawasandup lại tiếp tục bỏ mặc học trò.
Tôi có thể kể thêm nhiều câu chuyện liên quan đến người thông dịch tài giỏi của tôi, thậm chí những mẩu chuyện vui theo kiểu Boccace.[8] Khác với vai trò kỳ quái của một người thầy, Dawasandup lại giữ vai trò nhà thần bí và học giả một cách xuất sắc. Song để tưởng nhớ Dawasandup, tôi không hề có ý muốn bôi nhọ ông. Theo tôi thấy, với kiến thức uyên bác nhờ đọc sách một cách bền bỉ kiên trì, Dawasandup là một trong những nhân cách lý thú và đáng cảm thông. Tôi rất mừng cho mình là đã gặp được ông, và chân thành cảm tạ về những gì tôi còn mang nợ nơi ông.
Tôi muốn nói thêm rằng Dawasandup là tác giả của cuốn tự điển Anh-Tạng đầu tiên và cho đến bây giờ[9] vẫn là cuốn tự điển duy nhất, mà ông đã hoàn tất khi làm giáo sư giảng dạy Tạng ngữ tại đại học Cacutta.
***
Tôi vui mừng khôn xiết khi ông hoàng Hoạt Phật cho hay là có một học giả Tây Tạng, tốt nghiệp tiến sĩ triết tại một đại học nổi danh thuộc tự viện vùng Trachilhumpo,[10] đến ở lại trong tự viện Enché, gần Gangtok; đồng thời cũng có một vị lạt-ma khác, xuất thân từ Sikkim, đã từng du học tại Tây Tạng cũng sắp quay về lại cố hương.
Tôi đã nhanh chóng làm quen với hai nhân vật này và thấy họ là đều là những học giả uyên bác.
Người đầu tiên là Kouchog[11] Chös- dzed, thuộc dòng dõi hoàng tộc ở Tây Tạng. Ông đã từng bị ở tù một thời gian dài vì những lý do chính trị. Ông cho rằng sức khỏe yếu ớt của mình hiện nay là do phải ăn những thức ăn có tẩm độc trong thời gian ở tù.
***
Ông hoàng Sikkim rất tôn trọng các học giả, nên ân cần chào đón Chös- dzed. Để giúp vị học giả này phương tiện mưu sinh, đồng thời cũng để bổ sung cho vốn kiến thức ít ỏi của mình, ông hoàng phong cho Kouchog Chös- dzed làm tự viện trưởng tự viện Enché, chịu trách nhiệm dạy ngữ pháp cho khoảng 20 tăng sinh.
Kouchog Chös- dzed là một geloup- pa, tức là một tu sĩ thuộc phái Mũ Vàng do Tsong Khappa (Tông Khách Ba, sinh khoảng năm 1400) sáng lập.
Các tác gia nước ngoài nào mô tả sự đối lập giữa giáo lý và nghi lễ tôn giáo của phái Mũ Đỏ với phái Mũ Vàng hẳn sẽ phải thú nhận sai lầm của mình, nếu như họ thấy một tu sĩ phái Mũ Vàng lại chủ trì một buổi tế lễ chung với những tu sĩ phái Mũ Đỏ.[12]
Tôi không rõ Kouchog Chös- dzed có kiên trì thiền định hay không, và có nên sắp vị lạt-ma tự viện Enché này vào hàng ngũ những pháp sư hay không, nhưng chắc chắn ông là một học giả uyên bác. Trí nhớ của ông giống như một thư viện kỳ diệu mà cuốn sách nào cũng sẵn sàng mở ra đến trang cần thiết, mỗi khi có yêu cầu. Ông có thể dễ dàng trích dẫn cả hàng chục trang kinh sách một lúc. Điều này không phải là chuyện lạ lùng ở Tây Tạng, mà điều kỳ diệu ở Kouchog Chös- dzed là sự thông hiểu thấu đáo mọi sắc thái tinh vi của kinh điển.
Hoặc là do tính cẩn trọng, hoặc là do lòng kiêu hãnh bẩm sinh, vì cho rằng dòng dõi xuất thân của bản thân còn cao quý hơn người đang bảo hộ mình, mà vị lạt-ma tự viện Enché này ít khi đến trong cung điện của ông hoàng, chỉ trừ khi đến tham vấn ý kiến của ông ta về những việc có liên quan đến tự viện mà ông đang trụ trì. Thỉnh thoảng Kouchog Chös- dzed cũng đến chỗ tôi, nhưng thường là tôi phải leo lên đến gompa (tự viện) tọa lạc trên một sườn núi hùng vĩ án ngữ cả vùng Gangtok, để thăm ông.
Sau một vài lần đàm đạo cùng tôi, vị lạt-ma này – vốn cũng mang đầu óc nghi ngờ như bao vị đạo sư phương Đông khác – đã khéo léo tìm những cách truy vấn tôi về kiến thức Phật học, để xem tôi hiểu được đến mức độ nào.
Một hôm, tôi đến thăm ông, Kouchog Chös- dzed lấy ra một tờ giấy trong đó ghi một loạt các câu hỏi; rồi với thái độ rất lịch sự, ông yêu cầu tôi trả lời ngay tại chỗ.
Các chủ đề được xử lý trong đó rất tối nghĩa và chắn chắn nhằm mục đích làm cho tôi bối rối.
Tôi vượt qua sự khảo hạch một cách xuất sắc, và vị giám khảo của tôi tỏ vẻ hài lòng. Ông thú nhận với tôi rằng cho đến lúc này, ông vẫn không tin tôi là một Phật tử như tôi từng khẳng định với ông, và vì không xác định được lý do vì sao tôi muốn phỏng vấn các vị lạt-ma về tôn giáo, nên ông ngờ tôi có ý đồ xấu xa.
Sau vụ này, ông có vẻ hoàn toàn yên tâm về tôi, và bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn.
***
Vị lạt-ma thứ hai đến Gangtok một thời gian ngắn sau đó. Vị này xuất thân từ tự viện Touloung Tserpoug ở Lhassa. Suốt thời thanh niên, ông đã nghiên cứu ở đó, và mãi về sau ông lại quay về làm thư ký cho vị lãnh đạo phái Karmapas (một trong các chi phái quan trọng của phái Mũ Đỏ).
Người ta gọi ông ta là Bermiak Kouchog,[13] vì ông là con trai của vị lãnh chúa trong vùng, một trong những hậu duệ hiếm hoi của dòng dõi quý tộc ở Sikkim, vốn là thổ dân Lepchas.
Cũng giống như Kouchog Chös- dzed, ông là tu sĩ được thụ pháp (gelong) và sống độc thân. Do được phong tước đại vương (mahârajah), nên ông chiếm một tòa nhà trong toàn cung điện.
Gần như vào mỗi trưa, ông lại băng qua khu vườn để đến cung điện ông hoàng Sikkim, và ở nơi đó, trong phòng khách được bày biện theo kiểu Anh, chúng tôi trao đổi rất lâu về những chuyện vô cùng kỳ lạ ở phương Tây.
Tôi muốn hồi tưởng lại những cuộc đàm đạo đã giúp tôi bắt đầu vén mở được tấm màn bí ẩn che giấu chân diện mục của Tây Tạng cùng thế giới tôn giáo ở xứ này.
Vị Hoạt Phật Sidkéong luôn luôn mặc chiếc áo choàng sặc sỡ, ngồi trên chiếc trường kỷ, cái bàn ở trước mặt, còn tôi ngồi đối diện trong chiếc ghế bành. Trước mặt mỗi người là một cái bát sứ Trung Quốc nhỏ đặt trên đế bạc mang hình một nóc chùa, có khảm san hô hoặc vỏ rùa.
Gần kề với ông hoàng là Bermiad Kouchog, uy nghi đường bệ trong bộ pháp phục màu sẫm có đính những hạt hồng ngọc, ngồi trong chiếc ghế bành, cái bàn trước mặt với bát sứ Trung Quốc đặt trên đế bạc, nhưng không có hình nóc chùa. Về phần Dawasandup, ông ngồi kiết già (ở phương Đông gọi là tư thế “hoa sen”) dưới chân chúng tôi, cũng có cái bát sứ đặt trên tấm thảm, nhưng không chạm trổ và không có hình nóc chùa. Nghi thức tiếp khách cầu kỳ và nghiêm túc kiểu Tây Tạng tùy theo thân phận của khách mà có sự khác nhau.
Trong khi vị học giả uyên bác Bermiad Kouchog đang hùng biện, thì các người hầu mang đến loại trà Tây Tạng màu đỏ sẫm có thêm bơ và muối. Những người Tây Tạng giàu có luôn có một cái chén trà đầy trong tầm tay. “Môi luôn ướt trà và bia”, đó là câu ngạn ngữ phổ biến ở Tây Tạng nói về cuộc sống của người giàu. Do sự tôn trọng đối với Phật giáo chính thống của tôi, nên trong các buổi họp mặt này chỉ có trà mà thôi.
Một người hầu trẻ mang đến một bình trà lớn bằng bạc. Anh ta đưa bình trà ngang vai, xoay quanh một vòng rồi nghiêng xuống rót vào các các tách trà, đúng theo cung cách bài bản của một trà đồng phục vụ trong các nghi lễ trang trọng. Nhưng cây hương thắp ở góc phòng tỏa mùi thơm ngào ngạt, khác hẳn với mùi thơm của hương Ấn Độ hoặc Trung Quốc mà tôi từng được biết trong suốt chuyến du hành. Thỉnh thoảng, từ một điện thờ cách xa cung điện lại vẳng đến một giai điệu trầm buồn man mác. Lạt-ma Bermiak lại tiếp tục nói, mô tả cuộc sống và tư tưởng của những bậc thánh hoặc những bậc đạo sư siêu phàm đã và đang sống trong những vùng đất cấm, mà biên giới lại rất đỗi cận kề.
Chính nhờ Kouchog Chös- dzed và Bermiad Kouchog mà tôi đã phát khởi niềm tin mãnh liệt vào những vị lạt-ma trong mối liên quan đến cái chết và thế giới bên kia – những điều còn quá ít người biết đến.
Vị lạt-ma thứ nhất thuộc phái Mũ Vàng, còn vị thứ hai thuộc phái Mũ Đỏ, nên khi lắng nghe họ thuyết giảng, tôi tin chắc rằng mình đã tiếp thu được những giáo lý đại cương chung cho cả hai phái, cùng những giáo lý thù thắng vốn luôn phản bác lẫn nhau của mỗi phái.
Hơn thế nữa, trong những năm sau đó, tôi còn có nhiều dịp phỏng vấn các vị lạt-ma ở những vùng khác tại Tây Tạng. Để tiện cho độc giả, tôi xin tóm tắt các bài phỏng vấn đó thành nhiều chủ đề dưới đây.
Thông thường, người ta cho rằng các Phật tử tin vào sự đầu thai của linh hồn, thậm chí cả thuyết luân hồi. Đó là một quan điểm sai lầm. Phật giáo dạy rằng những hoạt động tinh thần và thể xác của mỗi người sẽ tạo ra một năng lượng, và năng lượng này sẽ tạo nên những hiện tượng tinh thần và thể xác mới sau khi người đó chết.
Về chủ đề này, có nhiều học thuyết tinh tế, và những đạo sư Tây Tạng dường như có kiến giải thâm huyền hơn phần lớn các Phật tử.
Chúng ta đều biết rằng tư tưởng của các triết gia chỉ được lĩnh hội bởi một số người thượng căn ưu tú, điều này thiết tưởng không cần phải nhấn mạnh. Còn về phần quần chúng, cho dù họ luôn lặp lại giáo lý “Ngũ uẩn vô thường, chư pháp vô ngã”, song họ lại tin rằng có một thực thể bất định mang nhiều hình tướng khác nhau, di chuyển từ thế giới này sang thế giới khác.
Tuy vậy, các vị lạt-ma lại quan niệm tình trạng di chuyển này theo cách hoàn toàn khác với những Phật tử ở Ceylan, Miến Điện v.v… Theo họ, có một khoảng thời gian, ngắn hoặc dài, trôi đi giữa cái chết và sự tái sinh vào trong lục đạo:
1. Thiên (cõi trời)
2. A- Tu- La (cõi bán thần)
3. Nhân (cõi người)
4. Địa ngục (cảnh giới địa ngục)
5. Ngạ quỷ (cảnh giới quỷ đói)
6. Súc sinh (cảnh giới thú vật)
Những tình trạng này đều không vĩnh viễn. Cái chết xảy đến cho tất cả chúng ta, cho chư thiên cõi trời lẫn loài ngạ quỷ, và cái chết lại được kế tục bởi sự tái sinh, trong cùng một hình tướng hay mang hình tướng khác. Những lạt-ma thông tuệ hơn dạy rằng, do tạo tác của thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp mà con người, hoặc mọi loài sinh linh, sẽ tái sinh trong những hình tướng tương ứng. Những lạt-ma khác còn cho rằng, tùy theo tạo tác của thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp mà mọi loài hàm thức có thể chuyển hóa bản thể để tái sinh thành chư thiên hay súc sinh…
Cho đến nay thì các giáo lý đó đều được phần lớn Phật tử chấp nhận. Nhưng trong giáo lý sau đây thì các lạt-ma tỏ ra nguyên thủy hơn.
Trước hết, cần lưu ý rằng tầm quan trọng mà một số tông phái Đại thừa gán cho tuệ giác vẫn được các lạt-ma chấp nhận.
“Ai biết giữ tâm an nhiên thì có thể sống yên lành ngay cả trong địa ngục”, đó là câu châm ngôn rất phổ biến ở Tây Tạng. Dù có giải thích bằng cách nào đi nữa, thì câu đó vẫn giúp ta nắm bắt được ý kiến của những lạt-ma về chủ đề mà họ gọi là thab, có nghĩa là “pháp môn”.
Như vậy, trong khi phần lớn những người đồng đạo của họ tin rằng số phận của người chết được chi phối tương ứng với giá trị đạo đức theo dạng toán học, thì các lạt-ma cho rằng những ai “biết giữ tâm an nhiên” vẫn có thể sửa đổi, chuyển hóa được số phận trong kiếp sau, và tái sinh vào cảnh giới khả thi nhất.
Tôi nói “cảnh giới khả thi nhất”, bởi vì dù có đặt niềm tin nơi tuệ giác đi nữa thì nghiệp lực do những hành động trong quá khứ tạo ra (nieun las) vẫn luôn là sức nặng đáng kể, nặng nề đến mọi nỗ lực của người chết, hoặc thậm chí của những kẻ có phép thần thông, cũng đều trở nên bất lực, không thể giữ cho “linh hồn” khỏi sa vào một cõi tái sinh đầy bất hạnh.
Ở phần sau tôi sẽ đưa ra một ví dụ về điều này.
Bắt đầu từ ý tưởng rằng “pháp môn”, tức tuệ giác, luôn mang một tầm quan trọng thiết yếu, các lạt-ma cho rằng cùng với nghệ thuật sống thì con người cần phải học nghệ thuật chết, và học cách hành xử khéo léo trong thế giới bên kia.
Những tu sĩ có công phu đạo hạnh được xem như biết trước những gì sẽ chờ đợi mình khi chết, còn những lạt-ma có công phu thiền quán đã thấy và thể nghiệm trước được những cảm giác kèm theo cái chết. Họ không hề kinh hãi hay hoang mang khi con người hiện tại của mình tan rã. Và cái gì phải tiếp tục cuộc hành trình một cách có ý thức trong thế giới bên kia, cái đó sẽ thong dong lịch hành trong thế giới đó, vì đã hiểu thấu đáo mọi đường đi ngóc ngách, cũng như những cảnh giới mà họ sẽ đến.
Sau khi xác thân này biến thành một thây ma, có một cái gì đó phải tiếp tục cuộc hành trình trong thế giới bên kia, cái gì đó thật sự là gì? Các lạt-ma xem đây là một dạng “ý thức đa thù”: ý thức về “tự ngã”, hoặc diễn tả theo một cách khác thì đó là khát ái, hay khát vọng sống, khát vọng sinh tồn.
Tôi xin dùng từ “linh hồn”[14] để chỉ kẻ du hành mà chúng ta đang theo dõi trong thế giới bên kia. Dù từ này diễn tả không đúng lắm với từ Tây Tạng yid ky rnampar chéspa, nhưng nó khá quen thuộc với hầu hết độc giả phương Tây; ngoài ra, cũng không thể nào tìm được từ tương đương trong các ngôn ngữ Âu châu.
Như tôi đã trình bày, các tu sĩ có công phu đạo hạnh có thể giữ linh hồn được minh mẫn khi xác thân tan rã để đi vào thế giới bên kia, và hoàn toàn ý thức được những gì sẽ xảy ra đến cho mình. Do đó, họ không cần đến sự trợ giúp của bất kỳ ai trong phút lâm chung, và mọi nghi thức tôn giáo sau khi chết đối với họ đều hoàn toàn vô nghĩa.
Nhưng đối với người bình thường thì không phải vậy. Khái niệm “người bình thường” ở đây dùng để chỉ bất kỳ ai không nắm được khoa học về cái chết, dù đó là người có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng. Đó là phần đông.
Tuy vậy, các lạt-ma không bỏ mặc những người bình dân kém hiểu biết. Khi những người này đang hấp hối hoặc từ trần, thì một vị lạt-ma sẽ dạy cho họ những gì họ đã từng học hỏi trong đời, và giảng cho họ hiểu bản chất của những đối tượng mà họ sẽ gặp, để trấn an họ, và nhất là để chỉ cho họ một hướng đi tốt đẹp.
Sự chăm sóc ban đầu mà một vị lạt-ma dành cho người chết là nỗ lực ngăn cản không cho người đó say ngủ, choáng ngất hay đắm chìm trong trạng thái hôn mê. Vị lạt-ma chỉ ra đường đi kế tiếp của những trạng thái ý thức khác nhau đã từng kích hoạt giác quan: nhãn thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức, nhĩ thức, có nghĩa là chỉ ra sự tắt dần của mắt, của mũi, của lưỡi, của thân, của tai. Giờ đây, trong thân xác, tâm thức vẫn còn hoạt động tích cực một cách vô hình và chú tâm đến những hiện tượng đang kết thúc. Lúc này, cần làm cho linh hồn thoát ra khỏi thân xác bao bọc thông qua đỉnh sọ, vì nếu thoát qua đường khác thì tình trạng an toàn trong tương lai của linh hồn đó sẽ bị hủy hoại.
Như tôi đã nói, linh hồn này thoát ra ngoài theo nghi thức phát hai âm hik! và phet! Trước khi phát hai âm này, vị lạt-ma phải trầm tư quán tưởng, tự hợp nhất mình với người vừa tắt thở, và nỗ lực tối đa để giúp người chết đưa được linh hồn lên đỉnh đầu, sao cho tạo được vết nứt cần thiết để nó thoát ra.
Những tu sĩ có công phu đạo hạnh tự thực hành điều này. Họ đưa được linh hồn lên đỉnh đầu, đến khi cảm nhận được nó sắp thoát ra thì họ phát hai âm hik! và phet! một cách thoải mái. Do đó, họ có thể tự tử theo cách đó, và người ta kể rằng có một vài pháp sư làm được điều này.
Sau khi thoát ra khỏi thể xác, linh hồn lại tiếp tục cuộc hành trình kỳ lạ. Mặc dù phần đông tin rằng đó là cuộc hành trình có thực, nó đưa qua nhiều cõi lạ và tiếp xúc cùng vô vàn sinh thể lạ, nhưng các vị lạt-ma uyên bác lại cho rằng đó chỉ là những cảnh tượng hư ảo, một giấc mơ mà linh hồn bị tác động bởi nghiệp lực đã tạo ra trong quá khứ.
Một vài người khẳng định rằng ngay sau khi thoát khỏi thể xác, linh hồn đã trực ngộ được Thực Tại Tối Hậu, trực giác này lóe lên như một tia chớp. Nếu linh hồn biết nắm giữ làn ánh sáng đó, chắc chắn nó sẽ thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, và đạt đến trạng thái Niết- bàn (nirvâna).
Điều này rất hiếm khi xảy ra. Thường thì linh hồn bị luồng ánh sáng này làm cho lóa mắt, khiến nó lẫn tránh và bị kéo lùi lại phía sau bởi những vọng chấp vào cuộc sống, vào “tự ngã” và khoái lạc nhục thể. Do đó, linh hồn đánh mất hoàn toàn cơ hội nắm bắt được ý nghĩa của những điều trông thấy, giống như một người đắm chìm trong công việc không biết đến những sự kiện chung quanh.
Một người bình thường, lúc chết ngất sẽ tan rã vào thế giới bên kia, khi tỉnh lại hoàn toàn không biết gì về những gì vừa xảy ra. Trong nhiều ngày sau, anh ta còn nói chuyện với những người đã sống trong chỗ cũ của mình, và ngạc nhiên vì sao không có ai trả lời hoặc không biết gì về sự hiện diện của mình.
Vị lạt-ma của tự viện Litang (ở phía đông Tây Tạng) kể cho tôi nghe rằng có những người chết, thông qua trung gian các đồng cốt (paos), còn báo cho biết họ cố sử dụng lại những dụng cụ của mình, như dùng cái cày để cày trên cánh đồng của mình, hoặc lấy cái áo treo trên móc để mặc vào. Họ tỏ ra giận dữ vì không thực hiện được những công việc quen thuộc đó.
Trong trường hợp này thì linh hồn của người chết bị lệch hướng. Điều gì xảy ra cho họ? Họ để ý thấy một cái xác giống như mình đang nằm bất động, có các lạt-ma vây quanh tụng kinh. Có thể nào họ cho rằng mình đã chết chăng?
Những người bình dân lương thiện, để tự trấn an mình, thì cho rằng kẻ đã thoát xác sẽ đi đến một vùng đầy cát, ở đó họ sẽ thấy dấu chân mình trên cát. Nếu họ thấy dấu chân quay ngược, nghĩa là gót chân ở trước còn ngón chân ở sau, thì họ mới tin chắc rằng mình đã chết.
Thế nhưng người ta có thể đặt câu hỏi: “Linh hồn” lưu dấu chân trên cát đó là cái gì? Đó hoàn toàn không phải là linh hồn gắn vào tứ chi, mà là thể vía[15] vốn còn gắn liền với họ.
Giống như người Ai Cập cổ đại, người Tây Tạng tin vào con người lưỡng phân.[16] Khi còn sống và ở trong trạng thái bình thường, con người lưỡng phân này gắn liền với thể xác. Tuy nhiên, cũng có vài trường hợp chúng có thể tách lìa nhau. Con người lưỡng phân có thể hiện ra ở những nơi không có thể xác, hoặc viễn du đây đó trong cõi vô hình.
Đối với một số người thì sự tách lìa giữa thể xác và con người lưỡng phân xảy ra một cách vô thức, nhưng theo các lạt-ma thì những ai đã học tập đúng cách đều có thể chủ động làm được điều này theo ý muốn. Tuy nhiên, không hề có sự tách lìa hoàn toàn, vì có một sợi dây nối hai hình thái này lại, trong một khoảng thời gian khá lâu sau khi chết. Sự phân hủy xác chết thường kéo theo, song không phải thiết yếu, sự phân hủy của “con người lưỡng phân” này. Trong một số trường hợp, con người lưỡng phân có thể sống lâu hơn thể xác.
Ở Tây Tạng, người ta thường gặp những người bị hôn mê suốt một thời gian dài, rồi khi tỉnh lại, kể về những xứ sở mà họ đã đi qua. Một số người thì giới hạn câu chuyện của mình trong việc đi thăm những xứ sở có người ở, còn một số khác lại kể về những cuộc viễn du qua thiên đàng, địa ngục hoặc qua cõi Bardo – vùng cấm địa, nơi mà linh hồn lang thang cùng người chết để chờ tái sinh.
Những “lữ khách” đặc biệt này được gọi là delog, có nghĩa là “người về từ thế giới bên kia”. Các mẩu chuyện về các delog dù có khác nhau về những xứ sở mà họ đã đi qua trong cuộc viễn trình, nhưng chúng lại giống nhau ở một điểm là mô tả khá đầy đủ và lý thú về cảnh giới sau khi chết.
Tôi có gặp một phụ nữ ở làng Tsawarong. Mấy năm về trước, bà nằm hôn mê bất động suốt cả tuần. Khi tỉnh dậy, bà kể lại rằng bà rất ngạc nhiên không hiểu sao thân xác mình mình lại nhẹ nhàng linh hoạt đến mức bà có thể di chuyển mau lẹ phi thường. Chỉ cần muốn là bà có thể di chuyển đến một nơi chốn bất kỳ ngay lập tức; bà có thể vượt qua sông, băng núi, đi xuyên tường v.v… Chỉ một điều bà không thể làm được: đó là bứt đứt sợi dây vô hình nối bà với cái thân xác, mà bà thấy rõ ràng là đang nằm dài trên giường. Sợi dây này kéo dài ra hầu như vô tận, nhưng nó lại gây trở ngại cho bà. Bà bảo: “Nó làm chân tay tôi vướng víu.”
Một delog nam mà con trai tôi[17] có dịp thấy hồi còn trẻ cũng thuật lại tình trạng tương tự.
Hiển nhiên, một delog không phải là người chết; không một ai biết được liệu những gì họ cảm nhận trong suốt thời gian hôn mê có giống với một người chết thật hay không, song các lạt-ma lại không bận tâm phân biệt điều này.
***
Ngay khi một người hấp hối trút hơi thở cuối cùng, người ta lấy quần áo, lộn ngược ra và quấn xác chết trong tư thế ngồi kiết già như các tượng Phật, hoặc gấp chân cho chạm ngực. Tại các ngôi làng, người ta quấn chặt xác chết như thế rồi đặt vào trong một cái chảo lớn. Ngay sau khi xác chết được mang ra thì cái chảo, đã bị nhiễm bẩn bởi những chất dịch tiết ra từ xác chết, chỉ được chùi rửa qua loa rồi dùng để nấu xúp hay trà để phục vụ khách đến điếu tang.
Ở Tây Tạng, tang lễ thường kéo dài nhiều ngày. Độ cao của những thị trấn ở miền trung và phương bắc làm chậm quá trình phân hủy xác chết, nhưng ở các thung lũng nóng bức với khí hậu luôn ẩm ướt thì xác chết thường bốc mùi hôi thối, sau khi được giữ lại đến tám ngày hoặc hơn thế nữa.
Điều này không làm ảnh hưởng gì đến thú chè chén no say của các trapa hành lễ. Họ vẫn tiếp tục ân cần dặn dò xác chết, chỉ ra đường nào phải đi, lối nào phải tránh trong cái thế giới bên kia. Họ ăn uống trước xác chết và cùng ăn uống với xác chết, bởi vì vị tu sĩ chủ tế mời người đã khuất về cùng dự tiệc bằng câu nói:
“Hồn hỡi hồn, xin về đây thượng hưởng!”
Ở những địa phương nào có nhiều rừng cây thì xác chết được hỏa táng. Tại những vùng đất rộng lớn khô cằn ở miền trung và miền bắc, nơi mà phân vật nuôi là chất đốt duy nhất, thì người dân lại bỏ xác chết cho các loài thú ăn thịt trong bãi tha ma gần làng, hoặc ở bất kỳ chỗ nào trên núi, nếu đó là dân du mục sống tại những vùng cao hẻo lánh. Nếu người quá cố là nhân vật có chức sắc tôn giáo quan trọng thì xác chết được xử lý hai lần: một lần rửa bằng muối và một lần ướp bằng bơ. Xác ướp kiểu này được gọi là mardong. Họ mặc quần áo chỉnh tề cho xác ướp và trang điểm lại dung mạo, sau đó an táng trong một lăng mộ bằng bạc có cẩn đá quý. Nhiều ngôi mộ còn đặt một tấm kiếng trên mặt xác chết để người ta có thể thấy được gương mặt được trang điểm của người đã khuất. Một vài vị đại lạt-ma khác chỉ được hỏa táng bằng bơ, và sau lễ trà tỳ thì xá lợi được lưu giữ trong những ngôi mộ lộng lẫy. Tất cả các lăng mộ ở Tây Tạng đều ở dạng tháp (chörten) mô phỏng theo kiểu bảo tháp của Phật giáo.
Do ảnh hưởng hạnh bố thí của Phật giáo, các lạt-ma xem tang lễ là dịp để tổ chức lễ phát chẩn vô thượng. Người chết mong muốn, hoặc ít nhất được cho là mong muốn, đem thân xác tứ đại làm món quà tặng cuối cùng để cúng dường cho mọi loài đói khát.
Tác phẩm “Tse hdas kyi rnamches thog grang” (Kim chỉ nam cho linh hồn ở thế giới bên kia) đã diễn tả nghi thức này như sau:
1. Xác người chết được đặt trên một đỉnh núi. Người ta dùng dao xẻ tứ chi ra, nội tạng được bày ra trên đất. Các loài chim, chó sói hay chồn cáo sẽ đến ăn thịt.
2. Xác người chết được thả xuống một dòng sông linh thiêng. Máu và các thể dịch sẽ tan dần trong làn nước xanh. Các loài cá tôm hay rái cá sẽ đến ăn phần thịt, mỡ.
3. Xác người chết được đặt hỏa thiêu. Hài cốt biến thành những cục than. Loài bán thần Tisas[18] nhờ đó sẽ được hưởng mùi.
4. Xác người chết được chôn trần dưới đất. Thịt xương dùng để nuôi giòi bọ.
Những gia đình nào có điều kiện cúng dường chư vị lạt-ma tế lễ thường cho tiến hành nghi thức tụng niệm cứ khoảng sáu giờ một lần, trong suốt thời gian lễ tang. Kế đó, người ta dùng các thanh gỗ để dựng một hình nhân, mặc quần áo của người đã khuất. Cái đầu được làm bằng một tờ giấy, trên đó vẽ khuôn mặt người chết, nhưng thường thì người ta dùng tấm giấy in sẵn mua tại các tự viện. Có hai mẫu: một mẫu vẽ khuôn mặt nam, một mẫu vẽ khuôn mặt nữ. Dưới hình vẽ là dòng chữ ghi tên người đã khuất.
Sau khi tiến hành nghi thức một lần nữa, một vị lạt-ma đem tờ giấy đó đốt đi. Còn quần áo thì giao cho các lạt-ma khác, xem như là một phần tiền thù lao.
Sau lễ hỏa thiêu mang tính tượng trưng đó thì sợi dây liên kết giữa người chết với người sống xem như đã bị cắt đứt hoàn toàn.
Các lạt-ma tỏ ra không muốn dây dưa với người đã khuất. Các người dân quê lại dùng một thứ ngôn ngữ rất rõ ràng để xua đuổi linh hồn người chết.
Ngay trước lễ di quan, trong lúc mời người chết ăn bữa cơm cuối cùng, thì một người lớn tuổi trong gia đình sẽ đọc những lời sau:
– Ới anh X chị Y! Ngươi nay đã chết rồi. Hãy biết điều đó. Ngươi không còn liên quan gì ở đây nữa. Hãy ăn uống cho thỏa thuê bữa cơm cuối cùng này. Ngươi còn một quãng đường dài phải đi, còn nhiều núi đèo phải vượt, hãy giữ gìn sức khỏe và đừng bao giờ quay về đây nữa.
Tôi còn nghe được những lời lẽ nghiêm trang hơn nữa.
Sau nhiều lần lặp đi lặp lại cho người chết biết rằng họ không còn thuộc về thế giới này nữa, và xin họ đừng có quay về lại, nhà hùng biện đó lại tiếp tục nói thêm:
– Này Pagdzin, ta báo cho ngươi biết, căn nhà ngươi đã bị lửa đốt sạch rồi. Tất cả tài sản của người cũng bị cháy theo luôn rồi. Hồi trước, ngươi có mắc nợ mà quên mất, nên chủ nợ đã bắt hai con trai ngươi về làm nô lệ, còn vợ ngươi cũng đã lấy chồng khác rồi. Ngươi hãy thấy cảnh đau lòng này mà đừng bao giờ quay về nữa nhé!
Tôi đã sửng sốt khi nghe người ta liệt kê ra một đống những tai họa lạ kỳ như thế.
Tôi hỏi người phụ tá của mình:
– Làm sao mà những tai họa này lại diễn ra như vậy được chứ?
Ông ta mỉm cười tinh quái, đáp:
– Chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Căn nhà và mọi tài sản vẫn con nguyên đấy. Người vợ vẫn ở yên ổn trong căn nhà đó với các đứa con. Người ta nói thế cốt để người chết thấy chán ghét mà không muốn quay về nhà mình nữa.
Điều này có vẻ như là một mẹo lừa ngây ngô, đối với những ai cho rằng “con người lưỡng phân” có khả năng biết rõ những gì xảy ra trong thế giới chúng ta.
Khác với những lời lẽ chất phác bình dị của dân làng, các vị lạt-ma lại dùng những lời kinh hoa mỹ để dặn dò người đã khuất hãy đi theo con đường của mình, đừng quay đầu nhìn lại. Những lời nhắc nhở này được xem là tốt đẹp cho người đã khuất, trong khi người bình dân chỉ nghĩ đến việc tránh gặp lại một vị khách mà họ xem là nguy hiểm.
Trong khi những nghi thức được tiến hành thì linh hồn người chết đi qua cõi Bardo. Trước mặt họ hiện ra những sinh thể sáng lòa với vẻ đẹp tôn nghiêm rực rỡ, hoặc những sinh thể mang hình hài xấu xí gớm guốc, những con đường sắc màu sặc sỡ, cùng những cảnh tượng lạ lùng. Linh hồn phải lang thang qua những cảnh tượng kinh hãi này, với tâm trạng hoảng loạn. Nếu linh hồn lắng nghe được những lời dặn dò của vị lạt-ma và làm theo lời đó thì nó có thể, như những tu sĩ lão luyện, tỉnh táo bước vào thế giới bên kia và đi theo con đường dẫn đến sự tái sinh trong cảnh giới của chư thiên. Còn những kẻ nào không hiểu được Bardo là gì, và đi vào cõi đó mà còn nặng lòng thương tiếc cuộc đời thì khó lòng nhận được những ơn ích từ các lời nhắc nhở, dặn dò. Thậm chí họ cũng không nghe được những lời khuyên này.
Do đó, họ đánh mất cơ hội dùng tuệ giác để giảm trừ nghiệp lực. Những con đường hạnh phúc đã nằm sau lưng họ. Tử cung của con người hay loài vật mở rộng ra trước mặt họ, và bị ảo giác này đánh lừa, họ ngỡ đó là những hang động hay những cung điện mà họ có thể đi vào để nghỉ ngơi thoải mái, rồi tái sinh theo bản chất của nơi chốn họ đi vào. Bởi vậy, có người đầu thai thành súc vật, hoặc thành những nhân vật tài ba lỗi lạc.
Một số khác lại tin rằng những kẻ nào không được khai ngộ tâm linh sau khi chết để có thể hiểu được ý nghĩa của cảnh tượng bày ra trước mắt, đều phải đi qua cõi Bardo huyền bí như một con cừu sợ hãi để đến tòa án của Diêm Vương (Chindjé). Diêm Vương sẽ xem xét những hành động quá khứ của họ hiện ra trong một tấm gương, hoặc cân nhắc công tội của họ bằng những hòn sỏi màu trắng và màu đen, rồi tùy theo mức độ mà sẽ cho đầu thai thành người đẹp hay xấu, thông minh hay ngu dốt, nghèo hèn hay quý phái v.v…
Trước sự phán xét công minh rạch ròi, không thể nào dùng “sự khôn ngoan khéo léo” được. Ngoài ra, “tuệ giác” chỉ có tác dụng trong chừng mực mà nghiệp lực cho phép. Tôi đã chỉ ra điều này, và bây giờ xin kể lại câu chuyện minh họa không kém phần khôi hài sau đây:
Có một vị đại lạt-ma, được xem là Hoạt Phật, cả đời chỉ chây lười biếng nhác. Mặc dù hồi còn trẻ, người ta đã đưa những giáo sư xuất chúng đến dạy cho ông, dù tủ sách của ông rất là đáng kể, nhờ thừa hưởng từ những người đi trước, dù quanh ông toàn là những người tài ba lỗi lạc nhưng ông lại gần như không biết đọc. Thế rồi vị lạt-ma đó chết.
Vào thời đó, có một người lạ tên là Dougpa Kunlégs sống ở nơi đó. Vị này là một cao thủ huyễn thuật, có lối cư xử khá thô lỗ, mà sự lập dị đôi khi bị những người ghi chép tiểu sử cường điệu thành nhiều giai thoại ly kỳ kiểu Rabelais[19] rất được ưa chuộng tại Tây Tạng.
Một hôm, trên đường hành cước, Dougpa Kunlégs đi đến một con suối, ở đó ông gặp một cô gái đang lấy nước. Không nói không rằng, ông nhảy xổ tới ôm cô gái toan cưỡng hiếp. Cô gái còn khỏe mạnh mà Dougpa Kunlégs thì đã già, cô vùng vẫy thoát ra được và hoảng hốt té chạy về làng để kể đầu đuôi câu chuyện cho mẹ nghe.
Người mẹ tốt bụng tỏ ra sửng sốt vì đàn ông vùng này rất hiền lành, không một ai đáng để nghi ngờ, kẻ thô bạo kia hẳn phải là một người lạ. Bà yêu cầu con gái mô tả tỉ mỉ hình dáng tên vô lại kia.
Sau khi nghe con gái mô tả, bà càng thấy lạ lùng. Bà nhớ lại ngày trước, trên bước đường hành hương, bà đã gặp một vị doubtob tên là Dougpa Kunlégs, và những điều con gái mô tả lại phù hợp với hành vi của vị thánh tăng cổ quái kia.
Không còn nghi nghờ gì nữa, người muốn cưỡng hiếp con gái bà chính là pháp sư Dougpa Kunlégs.
Người mẹ suy nghĩ một hồi lâu. Bà thấy những nguyên tắc đạo lý hướng dẫn cách hành xử của con người không thể áp dụng cho các vị pháp sư có trí tuệ siêu phàm được. Một vị doubtob đâu cần phải tuân theo luật lệ nào. Hành động của ông ta thường vượt quá sự hiểu biết của người phàm.
Bả bảo con gái:
– Con gái ạ, vị đó chính là thánh tăng Dougpa Kunlégs. Tất cả điều gì ngài làm đều đúng cả. Con hãy quay trở lại con suối, quỳ dưới chân ngài và để ngài làm những gì ngài muốn.
Cô gái vội vã quay trở lại con suối, và thấy vị doubtob kia ngồi đang trầm tư trên tảng đá. Cô quỳ xuống và xin lỗi đã chống đối vì không biết ông là ai. Giờ đây, cô xem mình như một nô tỳ sẵn sàng dâng hiến
Vi lạt-ma thông thái kia nhún vai, bảo:
– Con ơi, đàn bà nào có ý nghĩa gì đối với ta đâu. Vấn đề là vầy: Có một vị lạt-ma sống trong tự viện gần đây đã qua đời như một kẻ ngu dốt, sau khi sống một đời lười biếng vô tích sự, bỏ qua mọi cơ hội tu học. Ta thấy linh hồn của ông ta đang lang thang trong cõi Bardo để đi tái sinh vào chỗ tối tăm tồi tệ, nên vì lòng nhân từ, ta muốn cho ông ấy được tái sinh làm người. Nhưng nghiệp của ông ta nặng quá, khiến con đã chạy thoát. Trong khi con chạy về làng thì có hai con lừa, mà con thấy ở cánh đồng đằng kia, đang giao phối với nhau. Vị lạt-ma kia đã đầu thai thành một con lừa con mất rồi.
***
Phần lớn người chết đều quan tâm đến những nguyện vọng mà người thân trình bày trong lễ tang, và không còn nhớ gì đến người sống nữa. Người sống kết luận rằng số phận người đã khuất đã được định đoạt một cách thỏa đáng trong thế giới bên kia.
Tuy vậy, vẫn có một vài người chết ít thận trọng hơn. Họ thường hiện về trong giấc mơ của người thân hoặc bè bạn. Trong nhà cũ của họ xảy ra nhiều vụ rắc rối lạ lùng. Theo người Tây Tạng thì điều đó cho thấy người chết đang khổ sở và cần sự giúp đỡ.
Khi gặp điều đó, người ta tìm đến những vị lạt-ma bói toán để hỏi ý kiến. Những người này sẽ tổ chức các lễ cúng, lễ phát chẩn và bắt đọc các thánh điển để an ủi những linh hồn bất hạnh.
Trong trường hợp đó, thường thì mọi người, nhất là người dân ở vùng biên giới, quay về với các lễ cúng theo tôn giáo cổ xưa.
Họ cho rằng cần phải lắng nghe người chết nói gì. Người ta phải nhờ đến một cốt nam gọi là pao, hoặc một cốt nữ gọi là pamo để người chết nhập vào xác đó mà lên đồng. Người làm cốt sẽ nói thay cho người chết.
Các buổi lên đồng ở Tây Tạng hoàn toàn khác với phương Tây, không có bóng tối, cũng không có sự yên lặng, đôi khi lại diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật. Người ngồi đồng không mơ ngủ hay bất động, mà trái lại còn tỏ ra giận dữ.
Buổi lên đồng bắt đầu bằng những lời tụng kinh kèm theo tiếng trống tiếng chuông, người cốt nhảy múa chầm chậm, mỗi lúc một nhanh dần rồi sau cùng thì gần như cuồng loạn. Một sinh thể trong thế giới khác đã nhập vào xác y: đó có thể là một vị thần, một con quỷ hay một vong linh nào đó. Người cốt trở nên điên loạn và ca hát bằng giọng nhát gừng để truyền đạt những gì mà kẻ vô hình kia muốn nói. Những lời của người cốt thường rất khó nghe, cho nên phải cần đến những người thông thái nhất làng mới có thể hiểu được ý nghĩa của thông điệp đó.
Trong suốt buổi lên đồng, có nhiều vị thần và nhiều vong linh thay nhau nhập vào xác người cốt. Đôi khi người cốt, dưới tác động của vong nhập, đột nhiên rùng mình một cái rồi lao vào tấn công người đứng xem, và vung tay chân đấm đá. Người bị trận đòn bất ngờ này chỉ đứng yên mà chịu đau chứ không chống trả. Người Tây Tạng hình dung trận đòn đó có tác dụng xua đuổi con quỷ đang ẩn nấp trong thân xác người bị đánh, mà chỉ có người lên đồng kia nhận ra.
Những vong linh bất hạnh trong thế giới bên kia thường tập trung lại để kể lể niềm.
Một người trong số họ đã kể:
– Tôi đang đi trên đường thì gặp một con quỷ kéo tôi về động. Nó bắt tôi làm nô lệ, đánh đập hành hạ tôi và bắt tôi làm việc không ngừng. Hãy thương tôi! Hãy giải thoát cho tôi để tôi đi đến được miền Cực Lạc.
Người mẹ của vong linh kia, cùng vợ con anh ta đều giàn giụa nước mắt. Gia đình của những vong linh than thở van xin như thế đều nghĩ đến cách giải thoát cho linh hồn bất hạnh.
Vấn đề rất phức tạp. Trước tiên là phải tiếp xúc cho được với con quỷ, và thương lượng về phẩm vật để chuộc kẻ bị cầm tù kia ra. Người được chọn làm môi giới trung gian thường là một phù thủy đạo Bön. Ông ta sẽ thông báo cho cha mẹ của vong linh cầm tù kia biết rằng vị sư phụ quỷ của mình đòi phẩm vật chuộc là một con heo, hoặc một con bò cái…
Sau khi đã hiến tế phẩm vật, vị phù thủy đạo Bön như rơi vào trạng thái xuất thần. Phần hồn hoặc “phần lưỡng phân” của ông ta sẽ đi đến chỗ ở của con quỷ.
Ông ta trải qua một cuộc hành trình dài dằng dặc đầy gian khó. Điều đó được ông ta biểu lộ qua những tư thế vặn vẹo, nhưng khác với người ngồi cốt là ông ta vẫn ngồi yên một chỗ, và chỉ xoay đầu vặn lưng mà thôi. Môi ông ta tuôn ra một tràng dài những lời kể về chuyến hành trình gian khổ.
Giống như người cốt nam pao, ông ta nói toàn những lời bí hiểm mà ngay những khán giả tinh quái nhất cũng không sao hiểu nổi.
Như vậy là ông ta đã đạt được mục đích: bắt được vong linh người chết và dẫn nó đi. Con quỷ đã nhận được tiền chuộc thích đáng, nhưng thường thì nó chống cự để giữ tên tù nhân lại. Vị phù thủy chống trả mãnh liệt, người ta thấy ông ta vặn vẹo đau khổ, thở hổn hển, và cất tiếng rên la.
Gia đình và bè bạn của người đã khuất theo dõi tấn tuồng này với đầy vẻ lo âu, và mặt họ rạng ngời niềm vui khi vị phù thủy mệt lả kia tuyên bố ông ta đã thành công, và đưa linh hồn người chết đến một nơi yên ổn hơn.
Nhưng nỗ lực giải cứu đầu tiên thường không phải lúc nào cũng thành công. Tôi đã tham gia nhiều buổi lễ giải cứu mà thầy phù thủy, sau khi giả bộ đã cố gắng phi thường, tuyên bố vong linh kia đã bị con quỷ bắt lại mất rồi.
Trong trường hợp đó, mọi việc lại bắt đầu.
Khi việc giải cứu “vong linh nô lệ” được ủy thác cho một vị lạt-ma thì hoàn toàn không có nghi thức cúng bái hay thương lượng gì cả. Vị lạt-ma, với pháp thuật cao cường, tự tin sẽ đủ sức để bắt buộc con quỷ phải thả nạn nhân ra.
Do ảnh hưởng của Phật giáo, các cư dân Tây Tạng chính gốc đã từ bỏ việc tế sinh. Nhưng điều này không đúng đối với cư dân miền núi Hy Mã Lạp sơn, vốn chịu ảnh hưởng chút ít của Lạt-ma giáo và cơ bản vẫn là những tín đồ Saman.[20]
***
Tín ngưỡng của những lạt-ma uyên bác, và hơn thế nữa, của những pháp sư thâm sâu thiền quán, về số phận của vong linh trong thế giới bên kia rất là khác nhau. Trước hết, họ quan niệm những cảnh tượng trong cuộc hành trình băng qua trong cõi Bardo đều là ảo ảnh do tâm tạo. Họ tin rằng những cảnh tượng đó đều tùy thuộc vào những gì chúng ta hình dung khi còn sống. thiên đàng, địa ngục, phán quan, diêm vương… chỉ xuất hiện với những ai tin vào điều đó.
Một gomchént Tây Tạng kể cho tôi nghe câu chuyện sau:
Có một họa sĩ chuyên vẽ những cảnh tượng để trang trí nội thất cho chùa chiền tự viện. Ông ta vẽ thuộc hạ của Diêm Vương, gồm lũ quỷ sứ mình người đầu trâu mặt ngựa trông vô cùng kinh dị. Trong khi ông làm việc thì cậu con trai thường quanh quẩn bên cạnh, và nó rất thích thú với những bức bích họa này. Một ngày kia đứa bé chết, nó đi vào cõi Bardo và gặp những quỷ sứ giống với những hình ảnh mà nó thường thấy khi còn sống. Đứa bé không hề sợ hãi gì cả, mà lại reo lên cười:
– Ồ! Tôi biết các vị rồi. Bố tôi thường vẽ các vị ở trên tường.
Và nó chơi đùa với đám quỷ sứ đó.
Một hôm, tôi hỏi vị lạt-ma trụ trì tự viện Enché, đối với một người theo chủ nghĩa duy vật xem cái chết như là sự hủy diệt tuyệt đối, thì cảnh tượng trong cõi Bardo sau khi chết sẽ ra sao?
Ngài trả lời:
– Có thể là anh ta sẽ gặp những cảnh tượng tương ứng với niềm tin của anh ta lúc còn thơ ấu, hoặc niềm tin mà anh ta cảm nhận được từ những người chung quanh. Tùy thuộc vào sự thông tuệ và sáng suốt vào thời điểm đó, anh ta sẽ quan sát và phân tích cảnh tượng hiện ra trước mắt, rồi viện dẫn đến những lý luận thường dùng khi còn sống để phủ nhận thực tại tính của cảnh tượng này. Rốt cuộc, có thể anh ta xem đó chỉ là ảo ảnh.
Một người kém linh lợi hơn, quan niệm rằng niềm tin vào sự hủy diệt cuối cùng chỉ là hậu quả của sự thờ ơ lãnh đạm, của sự lười biếng tinh thần hơn là kết quả của luận lý, thì có thể kẻ đó lại không thấy gì hết. Thế nhưng điều này vẫn không ngăn cản được tác động của nghiệp lực mà anh ta huân tập trong quá khứ sẽ dẫn dắt anh ta đến một cảnh giới mới. Nói cách khác, người theo chủ nghĩa duy vật vẫn không tránh được chuyện tái sinh.”
***
Từ khi đến Sikkim, tôi đã làm việc cật lực, với những cuốn sổ ghi chép chi chít. Tôi tin mình có thể hài lòng về chuyến đi này. Mùa hè đã đến, khí hậu mát mẻ gợi cho tôi ý tưởng đi về phương bắc.
Tôi chọn một lộ trình tuyệt hảo đi từ Gangtok đến Kampa Dzong và Jigatzé ở Tây Tạng. Từ vùng Dikchou bị bao phủ bởi những khu rừng nhiệt đới, ở bờ sông Tista, con đường cứ lên cao dần, dẫn đến một nhánh của con sông này ở tận thượng nguồn. Cách Gangtok khoảng 80 cây số và ở độ cao 2400 mét, con đường băng qua làng Latchén, một ngôi làng đóng vai trò quan trọng trong quá trình thể nghiệm của tôi, khi tiếp xúc với các pháp môn huyền bí của Lạt-ma giáo.
Các thôn bản nho nhỏ của những người sinh sống theo lối nửa trồng trọt, nửa chăn nuôi, là cảnh tượng cuối cùng ở phương bắc xứ Sikkim mà một du khách bắt gặp trên con đường dẫn đến biên giới Tây Tạng.
Một ngôi chùa nho nhỏ nằm chênh vênh trên sườn núi nổi bật lên giữa các ngôi nhà trong thôn bản.
Vừa đến nơi đây thì sáng hôm sau tôi vội đến ngôi chùa đó ngay. Sau khi tham quan qua loa, tôi định quay về vì cho rằng nó chẳng có gì đáng để quan tâm, thì một chiếc bóng chợt in hình lên khung cửa rộng, rồi một vị lạt-ma xuất hiện nơi bục cửa.
Tôi gọi đó là một vị lạt-ma, nhưng người này ăn mặc không giống các tu sĩ, mà cũng chẳng ra vẻ người thế tục. Ông ta quấn một áo choàng trắng phủ đến chân, và một áo khoác đính hồng ngọc theo kiểu Tàu, chỗ khoét ở nách để lộ ra tay áo rộng màu vàng. Trên cổ ông là một xâu chuỗi gồm những hạt màu xám (mà sau này tôi mới biết là làm bằng sọ người) xen lẫn với những viên san hô, rũ dài đến ngực. Trên tai ông treo lủng lẳng một cái vòng vàng thật lớn, có cẩn vỏ rùa, còn mái tóc rậm kết dài đến gáy.
Con người kỳ dị này thong thả nhìn tôi mà không nói một lời nào, còn tôi cũng không dám bắt chuyện với cái vốn Tạng ngữ còn kém cỏi của mình. Tôi chỉ cúi chào và đi ra.
Ở ngoài sân chùa trải dài theo chánh điện, một thanh niên đang đứng chờ tôi. Cậu này vừa là người phụ tá vừa là người thông dịch, giải thích cho tôi những vấn đề liên quan đến cuộc hành trình và những người giúp việc cho tôi. Vừa trông thấy vị lạt-ma kia bước xuống bậc tam cấp, cậu ta vội cung kính quỳ xuống đảnh lễ ba lần và xin ban phúc.
Thái độ của cậu ta khiến tôi tò mò, vì cậu ta hiếm khi tỏ ra cung kính trước bất kỳ ai, ngoại trừ ông hoàng Hoạt Phật và lạt-ma Bermiak Kouchog.
Khi quay về bugalow, gian nhà trọ bằng gỗ dành cho du khách, tôi hỏi cậu ta:
– Vị lạt-ma kia là ai vậy?
Cậu ta đáp:
– Đó là gomtchén, một vị lạt-ma ẩn tu vĩ đại. Trong khi bà còn trong chánh điện, nhờ trò chuyện với một vị tăng trong chùa mà cháu được biết ngài đã sống nhiều năm ẩn tu trong hang động trên đỉnh núi cao chót vót. Ngài có phép thần thông và hàng phục được cả ma quỷ. Người ta kể rằng ngài có thể giết người từ xa, còn biết bay trên không nữa….
Tôi nghĩ bụng: “Đây quả là một một nhân vật kỳ dị.”
Tiểu sử của nhà khổ tu vĩ đại Milarespa mà tôi cùng đọc với Dawasandup, cùng tất cả những gì tôi nghe kể về đời sống của những vị ẩn sĩ, về giáo lý thù thắng của họ, về những phép lạ mà họ thi thố đã khiến tôi tò mò muốn biết. Bây giờ là dịp may hiếm có để tôi gặp được một người trong số họ. Nhưng làm thế nào để trò chuyện đây? Cậu thanh niên thông dịch của tôi chỉ biết nói thổ ngữ địa phương vùng Sikkim, và chắc chắn là không biết gì về các thuật ngữ triết học Tây Tạng. Chưa bao giờ cậu ta có thể dịch được các câu hỏi của tôi cả.
Tình trạng này càng khiến tôi bồn chồn bứt rứt. Tôi cứ trằn trọc suốt đêm với những giấc ngủ chập chờn. Tôi thấy mình bị một đàn voi vây quanh, chúng đưa những cái vòi cứng quay về phía tôi và phát ra những âm thanh như tiếng kèn Ai Cập. Bản hợp tấu kỳ dị đó làm tôi tỉnh giấc. Căn phòng tôi chìm sâu trong bóng đêm thăm thẳm. Tôi không còn thấy đàn voi nữa, mà lại nghe ra tiếng nhạc. Sau một lúc chăm chú lắng nghe, tôi nhận ra đó là các giai điệu dùng trong nghi lễ tôn giáo. Các vị lạt-ma đang tấu nhạc trước sân chùa.Thế nhưng bản dạ khúc này dành tặng cho ai vậy?…
Dù có điều gì xảy đến đi nữa, tôi cũng muốn phỏng vấn cho bằng được vị gomtchén này. Tôi nhờ người nhắn tin rằng tôi xin phép được gặp ông, và sáng hôm sau tôi cùng cậu tùy đồng quay trở lại ngôi chùa đó.
Chúng tôi đến phòng của vị lạt-ma bằng một cái cầu thang gỗ dẫn đến tận bao lơn được trang trí bằng những bức bích họa. Trong khi chờ người ta mời vào, tôi thoải mái quan sát các bức bích họa đó.
Trên một trong các tranh này, một họa sĩ ngây thơ nào đó chịu sự chi phối của trí tưởng tượng hơn là tài năng, đã vẽ cảnh khổ não nơi địa ngục, gộp một lô nào quỷ dữ, nào kẻ đang van xin lại với nhau, với những vẻ mặt trông rất buồn cười.
Ở giữa bức tường vẽ cảnh trừng phạt sự dâm dục. Một người đàn ông trần truồng, thân hình gầy rốc, đứng đối diện với một người bà khỏa thân. Người đàn bà với cái bụng to tướng trông giống như quả trứng được gắn đầu búp bê và hai chân, thường thấy trong lễ Phục sinh. Kẻ phóng đãng và vị nữ thủy thần quỷ quái đang chịu cảnh tra tấn đọa đày kia đều cho thấy những bằng chứng về sinh hoạt tình dục quá độ. Kẻ dâm dãng bất trị, quên mất mình đang ở đâu, ra sức ôm chặt người đàn bà kia, và người này cũng đưa tay ôm ghì lấy anh ta, trong khi khi đó lửa từ miệng bà ta và từ một miệng hang bí mật nào đó cứ tỏa ra thiêu cháy đôi tình nhân khốn khổ.
Người đàn bà phóng đãng bị nhét trong một khung hình tam giác quay lộn ngược đầu xuống dưới. Một con quỷ màu xanh dùng cái đuôi đầy những răng cưa nhọn hoắt để vuốt ve bà ta, trong khi những con quỷ khác chạy tới với ý đồ tiếp sức cho đồng bọn trong trò tra tấn.
Vị gomtchén ở trong một gian phòng thờ nhỏ, sàn nhà được lót gỗ đỏ. Ánh sáng tràn vào phòng qua một cửa sổ duy nhất. Ở cuối phòng là tủ sách được dùng làm bàn thờ, theo tập quán của người Tây Tạng. Trên một hốc tường là tượng đức Padmasambhâva đặt giữa các cuốn sách, trước bức tượng là những phẩm vật cúng tế: bảy lọ đựng nước và gạo, cùng một ngọn đèn.
Trên bàn, vài nén hương đang cháy, tỏa mùi thơm quyện với mùi trà và mùi bơ. Những cái gối tựa và tấm thảm dùng làm chỗ ngồi cho chủ nhân có vẻ đã cũ mòn, và ánh đèn vàng vọt leo lắt trên bàn thờ tỏa ra soi căn phòng trống trải đầy bụi bặm.
Thông qua cậu nhỏ phiên dịch, tôi cố gắng đặt vài câu hỏi về những chủ đề mà những vị lạt-ma ở Gangtok đã dạy cho tôi, nhưng chỉ hoài công vô ích. Đúng ra tôi phải nhờ đến Dawasandup. Cậu nhỏ này chẳng biết gì về triết học. Cậu nghe tôi nói cũng như vịt nghe sấm, mặt cứ ngây ra vì không sao tìm được những từ thích đáng để diễn đạt những ý nghĩa mà cậu chẳng hiểu tí gì.
Tôi đành bỏ mất cơ hội, và tôi cùng vị lạt-ma đành phải ngồi đối diện nhau suốt một khoảng thời gian dài trong yên lặng.
***
Sáng hôm sau, tôi rời làng Latchén để tiếp tục cuộc hành trình về phương bắc.
Đường đi mỗi lúc càng trở nên xinh đẹp diệu kỳ. Những hàng cây lệ quyên và đỗ quyên vẫn còn mang hương sắc tươi ngát của mùa xuân. Con suối lấp lánh sắc màu như chảy tràn khắp thung lũng, tung những đợt sóng màu đỏ, màu cẩm quỳ, màu vàng hoặc trắng xóa xô vào những sườn đồi gần đó, và đầu của những người phu khuân vác hành lý cho tôi cứ nhấp nhô trong những bụi cây, trông họ như đang bơi trong biển đầy hoa.
Xa xa, cách đó vài cây số, những khu vườn thần tiên thơ mộng dần dần thưa thớt. Chẳng bao lâu nữa, những cánh hoa sẽ héo tàn rơi rụng, chỉ còn lại vài cành hồng hiếm hoi để ghi dấu ấn một vùng đất, nơi mà chỉ những cây đỗ quyên mới có thể chống chọi nổi với khí hậu ở độ cao chót vót này.
Con đường dẫn vào một quang cảnh ảo huyền trước khi đến đèo Kourou và Sépo ở độ cao năm ngàn mét. Trong cảnh yên lặng mênh mông như sa mạc, những con suối trong vắt và lạnh buốt tuôn chảy róc rách, nghe như tiếng pha lê. Thỉnh thoảng, bên bờ hồ tĩnh lặng, một con chim có mào chăm chú nhìn đoàn người chúng tôi đi qua. Chúng tôi cứ leo lên mãi, khi đi men theo những khối băng khổng lồ, lối vào thung lũng huyền bí phủ đầy mây đang hiện ra thấp thoáng ở xa xa. Và thình lình, giống như đột ngột nhô ra khỏi đám sương mù, cao nguyên Tây Tạng chợt hiện ra trước mắt tôi, trần trụi và lấp lánh dưới bầu trời rực rỡ miền Trung Á.
Kể từ đó, tôi đi qua nhiều xứ sở trải dài sau những rặng núi xa xa mà ngày đó đã giới hạn chân trời của tôi. Tôi đã thấy Lhassa, Jigatzé, thấy thảo nguyên với những hồ nước mênh mông như biển cả; thấy Kham – xứ sở của những kẻ cướp nghĩa hiệp và những pháp sư, thấy những khu rừng nguyên sơ xứ Po, cùng những thung lũng Tsarong quyến rũ mê hồn với những cây sơn lựu chín. Thế nhưng, trong ký ức tôi, không gì có thể làm phai mờ kỷ niệm khi nhìn Tây Tạng bằng ánh mắt đầu tiên.
Sau một vài tuần trời nắng đẹp thì tuyết bắt đầu rơi. Lương thực của tôi cạn dần. Những phu khuân vác và người phục vụ bắt đầu mất kiên nhẫn và cãi nhau ỏm tỏi. Một hôm, tôi phải dùng đến roi ngựa để tách đôi hai người đánh nhau bằng dao chỉ vì muốn tranh nhau một chỗ ngồi gần bên bếp lửa.
Sau một vài cuộc du lãm vội vàng ở Tây Tạng, tôi phải rời vùng biên giới. Bởi vì tôi không chuẩn bị cho một cuộc viễn trình, và hơn thế nữa, miền đất đang trải dài trước mặt tôi là miền đất cấm.
Tôi lại đi qua Latchén, đến thăm lại vị gomtchén và trò chuyện với ông về cuộc sống ẩn tu của ông tại thạch động, mà người ta nói rằng phải đi cả ngày mới đến, và là nơi mà ông đã sống suốt mười bảy năm. Lần này, cậu trai phiên dịch có thể diễn đạt dễ dàng những chi tiết mà vị gomtchén nói với cậu ta bằng thổ ngữ địa phương. Tôi không dám hỏi đến loài ma quỷ mà thiên hạ đồn là những kẻ tôi tớ hầu hạ cho ông. Tôi biết cậu nhỏ phiên dịch của mình quá mê tín, sẽ không dám dịch những câu hỏi tương tự, và có lẽ nếu đặt câu hỏi thì chưa chắc vị lạt-ma kia đã chịu trả lời.
Tôi quay về lại Gangtok mà lòng vô cùng tiếc rẻ vì bỏ lỡ dịp học hỏi những điều lý thú, lại buồn phiền vì phải xa Tây Tạng. Tôi không chút nghi ngờ gì về cái thế giới của bao điều kỳ lạ tiếp theo mà sau này cuộc viễn du của tôi phải trải qua.
Sau đó không lâu, đức Đạt-lai Lạt-ma rời Kalimpong. Lực lượng của ngài đã đánh bại đội quân Trung Quốc, ngài quay về Lhassa trong niềm vui chiến thắng. Tôi đến từ biệt ngài tại một ngôi làng nằm dưới chân đèo Jelep.
Tại ngôi nhà ngài ở, tôi gặp những nhân vật quyền quý của triều đình Sikkim đã đến trước đó rất lâu. Họ tỏ ra vô cùng xúc động. Họ đảm trách việc xây dựng một hành cung tạm thời cho vị quốc vương – lạt-ma, nhưng cũng như tập quán ở phương Đông, mọi thứ cần thiết đều được đem đến quá trễ tràng. Đồ đạc, thảm, màn trướng đều chưa được chuẩn bị để bố trí, và mọi người đang chờ đợi vị khách đặc biệt.
Trong gian phòng huyên náo lạ thường vì cả chủ lẫn người hầu đều lăng xăng tíu tít, tôi vui sướng được phụ một tay dọn dẹp giường cho đức Đạt-lai Lạt-ma. Một số người khẳng định với tôi rằng điều này sẽ đem lại phước lành cho đời này và cả đời sau nữa.
Có phải nhờ điều này mà về sau này tôi đến được Lhassa chăng?
Tôi được dịp trò chuyện với với vị quốc vương Tây Tạng. Tư tưởng ngài hầu như chỉ xoay quanh những vấn đề chính trị. Ngài vẫn dùng dải lụa để ban phúc cho những người sắp hàng trước mặt ngài, nhưng người ta có cảm giác như tâm trí ngài đã vượt qua biên giới và đang tìm cách sắp đặt mọi thứ sau chiến thắng.
Mùa thu năm sau, tôi rời Sikkim để đi Népal, rồi lại mất gần một năm ở Bènarés. Thời con gái, tôi đã sống ở đây, nên tôi quay về lại Bènarés với niềm hân hoan khôn tả. Những thành viên trong hội Thông thiên học niềm nở chào đón tôi và sắp xếp cho tôi trú tại căn hộ nhỏ trong công viên xinh đẹp của họ. Căn phòng đơn giản như chỗ ở của một vị ẩn tu nên rất hài hòa với không khí thần bí của thành phố Çiva linh thiêng, và rất hợp ý tôi.
Tôi
miệt mài nghiên cứu lại kinh điển Veda, có phần nào lơ đễnh đối với Lạt-ma giáo
mà tôi thấy không có một phương tiện nào để đào sâu thêm, ngoại trừ những gì tôi
đã làm cho nó. Trong khi
tôi hoàn toàn
không nghĩ đến chuyện rời Bènarés thì một loạt các tình huống khó hiểu đã bắt tôi
phải đáp tàu lửa, vào một buổi sáng, đi về hướng Hy Mã Lạp sơn.
[1] Voyage d’une Parisienne à Lhassa (Hành trình đến Lhassa của một người Paris) (T.g).
[2] le cheval de l’air
[3] Diogène (- 413; – 323) là nhà hiền triết Hy Lạp, thuộc phái Khuyển Nho do Antisthène sáng lập. Ông sống rất đơn giản, đi chân không, che thân bằng một tấm vải, và sống trong một cái thùng gỗ ngay trước cổng đền thờ. Diogène xem triết học chỉ là thứ lý thuyết rườm rà, vô bổ, xa rời thực tế. Ông coi thường học vấn, danh vọng, tiền tài, chủ trương giải thoát mọi dục vọng, sống theo tự nhiên và hạn chế tối thiểu nhu cầu vật chất.
[4] Theo nghĩa đen là “người đã đạt đến trạng thái thanh tĩnh tuyệt đối”, nhưng đám đông quần chúng lại cho rằng đó là những bậc khổ tu có nhiều pháp thuật (T.g).
[5] Nhà truyền giáo Phật giáo của thế kỷ thứ 8. Padmasambhâva là một pháp sư vĩ đại của Phật giáo Mật tông. Nhưng không có gì chứng minh được ông là thích uống rượu như người số người Tây Tạng dùng để biện minh cho thói say sưa rượu chè của họ (T.g)
[6] village- capitale
[7] Nguyên tác trong Pháp ngữ, có nghĩa là “thích hợp; tương xứng”.
[8] Tức Boccaccio (1313- 1375) nhà văn nổi tiếng của Ý, nổi tiếng với tác phẩm châm biếm Giáo hội La Mã.
[9] Tức là vào thời điểm tác giả viết cuốn này.
[10] Ở tại Jigatzé, tỉnh lỵ của tỉnh Tsang (T.g).
[11] Từ dùng để tôn xưng, giống như chữ “Sir” trong tiếng Anh.
[12] Phái Mũ Đỏ chỉ những tông phái cũ theo truyền thống như Nyingma, Kagyu , Sakya , còn phái Mũ Vàng chỉ tông phái cách tân do đạo sư Tsong Khappa đề xướng, giữ giới luật thanh quy rất nghiêm cẩn.
[13] Có nghĩa là đức Ngài Bermiak.
[14] Esprit – Theo thuật ngữ Phật giáo thì ở đây phải được hiểu chuẩn xác là tâm thức hay dòng tâm thức, nhưng các ngôn ngữ phương Tây nói chung đều không có từ tương đương để diễn đạt khái niệm này nên tác giả đã dùng từ “linh hồn”. Đây hoàn toàn khác với cách hiểu về “linh hồn” trong các tôn giáo phương Tây. Từ đây về sau, độc giả nên hiểu từ “linh hồn” theo nghĩa này. – (Người Việt dịch)
[15] corps éthéré.
[16] double.
[17] Đây là nhà sư trẻ người Sikkim là Aphur Yongden, người trở thành người bạn đồng hành suốt đời của bà, và được tác giả nhận làm con nuôi.
[18] Tisas, loài nửa thần nửa người, sống nhờ mùi hương. Một số sống nhờ mùi thơm, một số khác lại sống bằng những mùi hôi thối (T.g).
[19] Rabelais (1494?- 1553) là nhà văn châm biếm người Pháp chuyên đã kích chủ nghĩa kinh viện và thói mê tín thời trung cổ; tác phẩm nổi tiếng của ông là Pantagruel (1532) và Gargantua (1534).
[20] Tôn giáo duy linh của những bộ tộc vùng bắc Á, cho rằng các tu sĩ có thể dùng thiền định để giao tiếp với thế giới của quỷ thần.
Thảo luận