Bất kỳ ai có đọc sơ qua văn học phương Tây, hẳn đều nghe nói đến câu “To be, or not to be, that is the question.” (Tồn tại hay không tồn tại, đó là vấn đề). Đây là câu mở đầu cho một đoạn độc thoại của nhân vật Hamlet trong vở kịch cùng tên của Shakesspeare, thuộc màn 3, cảnh 1.
Trong lời phát biểu của mình, Hamlet suy nghĩ đến cái chết và sự tự tử, than thở về nỗi khổ đau và những bất công của cuộc sống nhưng thừa nhận rằng sự thay thế lại có thể càng tồi tệ hơn. Dòng mở đầu này là một trong những dòng được biết đến và trích dẫn rộng rãi nhất trong tiếng Anh hiện đại, và đoạn độc thoại đã được tham chiếu trong vô số tác phẩm của nhà hát, văn học và âm nhạc; tính chất còn dẫn đến nhiều cuộc tranh cãi mang tính triết học. Chúng ta hãy bỏ qua cái sự vụ hàn lâm đó mà chỉ nên quan tâm đến việc nó được sử dụng như một trò chơi chữ tài tình trong ăn nhậu, theo kiểu tiếng “Việt – Anh ba rọi”.
Đại khái trong tiếng Anh, “to be” có nghĩa là “tồn tại, hiện hữu”. Một quán nhậu ở đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3, Sài Gòn, ghi lại thành “To beer, or not to beer, that is the question”. Đây không phải là một sáng kiến mới mẻ của chủ quán mà cái trò chơi chữ này đã được các hãng sản xuất tận dụng để tiếp thị theo kiểu hài hước. Hiểu một cách nôm na theo tiếng Anh… bồi thì ta có thể dịch câu đó thành “Đến với bia, hay không đến với bia, đó là vấn đề”. Nhưng hiểu theo nghĩa khôi hài trong tiếng Việt thì lại có nhiều điều lý thú. “To” trong tiếng Anh đọc là “tu”, mà “tu” trong tiếng Việt có nghĩa là “uống một hơi dài”, nghĩa là uống thẳng một hơi từ chai bia hay lon bia chứ không cần đến ly, cốc, nên “To beer, or not to beer, that is the question” lại có nghĩa là “uống cạn một hơi bia hay không uống cạn một hơi bia, đó mới là vấn đề”.
Một người quen của tôi cho biết tại một quán nhậu ở đường Tô Hiến Thành, thành phố Nha Trang, có ghi hai chữ “Never say”. Hiểu theo tiếng Anh là “không bao giờ nói”. Quả là ý tưởng hay. Rượu vào thì lời ra. Tửu nhập thì ngôn xuất. Hiếm có, mà có lẽ không có, một ai khi ngấm rượu, trong trạng thái lâng lâng với hơi men, mà lại có thể ngồi yên lặng để uống tiếp. Không ba hoa kiểu tràng giang đại hải thì ít nhất cũng phải hát hò. Cho nên người Trung Quốc xưa có một câu rất hay “Tửu trung bất ngữ chân quân tử, tài thượng phân minh đại trượng phu” (Uống rượu say mà không nói, ấy là người quân tử chân chính; tiền bạc phân minh rạch ròi, ấy là bậc đại trượng phu). “Never say” là “bất ngữ”, quả là sự trùng hợp lý thú. Nhưng hiểu theo kiểu “Việt – Anh ba rọi” thì “never say” lại có nghĩa là “không bao giờ say”. Nhậu mà không bao giờ say thì cứ mặc sức mà “tu bia”.
Có người hóm hỉnh còn muốn đổi “Never say” thành “No say”. Lúc đó, ta có hiểu “No say” theo nhiều cách “không nói”, “không say” hoặc “ăn uống no say”. Hiểu theo cách nào cũng đều… mỹ mãn đối với một cuộc nhậu.
Rượu bia chỉ có tác dụng quý báu khi ta sử dụng nó như “tiên tửu”, có nghĩa là chất men trợ hứng để sáng tạo thi ca nghệ thuật. Và nó sẽ có tác hại ghê gớm khi ta sử dụng như “tục tửu”, đến mức không còn kiềm chế được bản thân. Biết bao thảm cảnh xảy ra cũng chỉ do cái “tục tửu” này. Lỗi không phải là ở rượu mà ở người dùng. Không thể vì con dao có thể dùng để đâm người chết mà ta lại cấm sử dụng dao, hay vì lửa gây hỏa hoạn mà ta lại cấm sử dụng lửa. Tôi tình cờ đọc được trên mạng một câu chuyện thú vị về tác dụng của bia rượu, không rõ tác giả là ai. Nội dung đại khái như sau, xin ghi lại cho bạn đọc thưởng ngoạn.
Có một anh chàng nọ mê rượu hơn cả tính mạng. Dù anh ta chỉ dùng rượu như “tiên tửu” để hát hò, ngâm vịnh, nhưng cô vợ sợ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe nên tìm cách cai nghiện cho chồng. Nghe đồn ở ngôi chùa nọ có một vị cao tăng đại đức có pháp lực giải trừ được mọi thứ tà ma ám chướng, kể cả rượu, cô ta liền dẫn chồng đến tìm thầy để tu học kết hợp cai rượu. Sau khi nghe cô vợ trình bày “tiền sử” rượu bia của chồng, nhà sư hiền hậu hỏi anh chồng:
– Ngươi uống rượu thấy có thích không?
– Thưa thầy, thích, rất thích nữa là khác.
– Ngươi uống rượu có thấy ngon không?
– Thưa thầy, ngon, rất chi là ngon.
– Rượu chỉ mang đến cho ngươi những cảm xúc vậy thôi sao?
– Thưa còn nữa, mỗi lần uống rượu, con thấy trong lòng bỗng nhiên vui tươi, hoan lạc, yêu đời, yêu người; tâm hồn trở nên độ lượng, bao dung, sẵn sàng tha thứ cho mọi người và hào hiệp sẻ chia. Hễ có chai rượu ngon là con mời bạn bè đến, có món ăn ngon con mời bạn bè đến để cùng nhau uống rượu, nhắm mồi; khi đã lâng lâng thì tụi con cùng nhau đọc thơ, đánh đàn, hát hò và hàn huyên tâm sự, nhờ đó mà tình bạn càng ngày càng trở nên thắm thiết.
Nhà sư nghe xong, bèn ngậm ngùi thở dài:
– Ta ẩn tu nơi đây, nghiên cứu kinh kệ, quán tưởng lẽ sắc không đã hơn 50 năm cũng cốt chỉ để được sống vui tươi, hoan lạc, yêu đời, yêu người, độ lượng, tha thứ, hào hiệp như ngươi mà thôi, vậy mà vẫn chưa đạt đến cảnh giới đó. Còn ngươi chỉ nhờ uống rượu mà đạt đến cảnh giới cao nhất của đạo rồi thì việc chi mà phải bỏ rượu. Nghe ngươi nói, tự nhiên ta thấy cũng thèm uống rượu như ngươi.
Cô vợ bèn lạy chào nhà sư rồi dắt chồng ra về, bảo từ nay sẽ cho chồng thêm tiền để mua rượu!
(Báo Quảng Nam online ngày 12/02/2020)
Thảo luận