Văn chương là cái lụy, đối với những kẻ cầm bút có thực tài. Nó vận vào người như một nghiệp chướng nghiệt oan. Số phận một nhà văn hay một nhà thơ đúng nghĩa thường gắn liền với dòng chảy của lịch sử. Dòng chảy đó càng nhiều biến động, càng qua nhiều thác ghềnh thì số phận nhà văn càng lao đao, khốn đốn. Họ có thể gục ngã, hoặc có thể, theo cách nói của Phùng Quán, “vịn câu thơ đứng dậy”. Thực tế nghiệt ngã có thể buộc họ bẻ gãy ngòi bút, có thể buộc họ câm lặng hoặc có thể giúp cho họ có được bút lực sắc bén hơn, thâm trầm hơn, thậm chí đau đớn hơn. Nhà văn Cung Tích Biền thuộc loại sau.
Tôi đọc nhà văn Cung Tích Biền rất sớm, song lại biết anh rất trễ. Anh thuộc về thế hệ đàn anh. Khi anh đã nổi tiếng trên văn đàn miền Nam thời trước 1975, thì tôi hãy còn đi học. Tôi chỉ quen với anh khi tôi ra cuốn sách đầu tay “Lý Hạ: Quỷ tài quỷ thi”, là lúc anh đã muốn gác bút, sau mấy chục năm đeo đuổi nghiệp văn chương.
Thú thực, tôi chỉ bắt đầu nhìn anh bằng một cặp mắt khác khi đọc tập truyện ngắn “Thằng bắt quỷ”. Nhưng chỉ một thời gian sau, khi đọc lại nhiều lần một số truyện ngắn anh tiếp tục viết trong những năm gần đây, thì tôi lại càng thêm ngạc nhiên. Ở cái tuổi bước vào cõi “Tòng tâm sở dục nhi bất du củ”, song ngọn lửa sáng tạo trong anh dường như vẫn còn bừng cháy, dù trong một thời gian dài, bão giông đời tưởng chừng đã làm nó lịm tắt trong anh.
Bình sinh, tôi chỉ đánh giá cao và trân trọng những nhà văn, nhà thơ khẳng định mình bằng sự lao động đầy miệt mài, bằng sự sáng tạo đầy đam mê với những khát vọng tìm tòi đến những chân trời mới, thay cho những lời ba hoa bốc phét trên bàn nhậu, mà bất kỳ một gã say rượu hạng bét nào cũng nói được, khắp đầu đường xó chợ.
Chính sự lao động thầm lặng và những suy tư sâu sắc của nhà văn Cung Tích Biền về lịch sử, về thời đại đã khiến tôi thêm ngạc nhiên và trân trọng. Các truyện ngắn của anh như gắn liền với cuộc sống nổi chìm cùng bao nỗi nhục vinh của cái xã hội mà anh đã sinh ra, lớn lên, rồi trôi nổi theo vận mệnh của lịch sử đầy biến động.
Tôi vẫn thích lối văn kể chuyện kiệm lời, pha lẫn chút bình thản đến lạnh lùng, hài hước mà cay đắng, hờ hững mà quặn đau, trong các truyện ngắn của anh. Từ ”Dĩ An, ngoại ô và linh hồn tôi” cho đến tập truyện “Xứ động vật” gần đây.
Tôi muốn đọc các truyện ngắn của anh, từ tác phẩm đầu tay cho đến hôm nay, như một dấu ấn để tôi nhìn lại dòng chảy của một thời đại, mà trong đó tôi cũng đã sống, đã trăn trở. Đọc lại truyện ngắn của Cung Tích Biền, tôi thêm hiểu rằng truyện ngắn của anh không phải loại truyện chỉ đọc một lần. Nó mang tham vọng muốn chuyển tải những suy tư thầm lặng, những trăn trở của anh về lịch sử, về đất nước, về văn hóa qua những lớp vỏ ngôn ngữ đa tầng đa nghĩa mang tính dụ ngôn, như “Thừa Dư”, Qua Sông”, Dị Mộng”. Và còn bao nhiêu vấn đề khác nữa, mà những bạn đọc vội vã hôm nay có thể dễ dàng bỏ qua?
Tôi muốn viết về anh một cách ngẫu nhĩ lai rai, theo những gì mà tôi cảm nhận được sau nhiều lần đọc lại những truyện ngắn của anh, trên một vùng cao nguyên yên tĩnh.
*
* *
Khi đất nước thống nhất, thì tôi vừa tròn 20 tuổi. Đủ để cảm nhận được gần như trọn vẹn, một Sài Gòn ngày xưa đắm trong bầu không khí văn hóa phương Tây, một Sài Gòn lãng mạn và vỡ vụn, một Sài Gòn đầy khao khát luôn đi tìm trong nỗi bất lực hoang mang. Tôi cũng đã có một tuổi trẻ hoang mang đầy khắc khoải ngày xưa. Hiện sinh. Thiền Tông. Hippy. Phản chiến. Một tuổi trẻ hoang mang và lạc lõng. Khi tìm lại mình giữa Sài Gòn ngày trước, khi đi tìm lại cái “Tuổi trẻ cô đơn” và “Tuổi trẻ băn khoăn”[1], tôi đã cảm động bao xiết khi đọc lại:
“Sài Gòn ồn ào nhưng hoang vu, nồng nhiệt nhưng đau đớn. Sài Gòn hít thở không khí của những cơn bụi bốc lên từ phương Tây, nói chẳng nói tiếng nói chính, cười chẳng tiếng cười phát khởi từ một con tim bình an. Sài Gòn có đến hai thứ đêm tối, đêm tối của trời và đêm tối của Người, chúng ta chẳng phải lớn lên để tìm một dấn thân vô trách nhiệm, chẳng phải tự đâm thủng mặt mày của mình để làm dịu bớt cơn đau nhức trong tâm can. Sài Gòn là một bàn tay chẳng bao giờ được rửa ráy, với bao cái tay phủ lên kín mít mà người ta lầm tưởng cái bàn tay ấy là bàn tay con thú nào đó. Ôi Sài Gòn bạn bè ta đã đi đã về, buồn tủi và bất lực như những chuyến xe vô tri khập khễnh trên con đường hoạn nạn quê hương. (Trên ngọn lửa, 1967).
Đã ba mươi mấy năm trôi qua, nhiều hơn hai lần khoảng thời gian lênh đênh trôi dạt của Thúy Kiều, “cõi người ta” đã trải qua quá nhiều dâu bể. Dâu bể trong cuộc đời. Dâu bể trong hồn người. Cuộc sống hôm nay có quá nhiều biến động. Lịch sử đã trôi theo chiều nghịch lưu với đà gia tốc, nên khoảng cách giữa các thế hệ càng giăng thêm rộng ra, theo dòng chảy thời gian. Những giá trị văn hóa và xã hội hiện nay thay đổi quá nhanh khiến chúng ta hôm nay dễ có cảm giác bị lạc loài trong lịch sử.
Cuộc sống vẫn tiếp tục đồng bộ đi tới bằng mỗi bước chân ác quỉ trá hình; và trong hiện thực màu xám hãy có nhiều đầu lâu khoác mặt nạ (Qua sông, 1991).
Xã hội chúng ta đang diễn ra một sự “hoán chuyển giá trị” lạ lùng, không phải theo kiểu Nietszche mà theo một chiều hướng nghịch lưu quái dị. Sự đảo lộn mọi giá trị đã bị lịch sử đẩy đi quá xa, và quá nhanh, đến nỗi người ta không còn nhớ lại cái hình ảnh ban sơ nữa. Cái thanh cao được thay bởi cái dung tục, cái trường cửu được thay bởi cái tạm bợ, sau sự chuyển mình của lịch sử. Con người như bừng tỉnh sau một giấc mơ khác. Như nhân vật Trần Khương Bật, trong truyện ngắn Dị Mộng, tỉnh dậy, ngẩn ngẩn ngơ ngơ sau một cơn chết giả. Im lặng để sống. Và để chết.
Thời đại chúng ta chứng kiến buổi ”Hoàng hôn của những thần tượng”, nghĩa là “Buổi bình minh của những quái thai”. Tất cả đều khập khiểng, đi cà nhắc trên cái chân què. Như hai nhân vật Thừa và Dư trong truyện ngắn “Thừa Dư”.
“Gần sáng, trời trở lạnh. Thừa quơ mền đắp cho Dư và đắp quàng qua cho tôi. Chân chạm vào nhau mới sực tỉnh: hóa ra trong bao năm dài chúng tôi ba người chỉ có, và chỉ sống trên bốn cái chân. Lịch sử từ lâu đã nhường bước cho một đám sinh vật bốn chân thủng thỉnh đi qua.” (Thừa Dư)
Đó là một loại “obscurcissement du monde” theo cách nói của M.Heidegger:
“La décadance spirituelle de la terre est déjà si avancé que les peuples sont menacés de perdre la dernière force spirituelle,…. car l’obscurcissement du monde, la fuite des dieux, la destruction du monde, la grégarisation de l’homme, la suspicion haineuse envers tout ce qui est createur et libre, tout cela a déjà atteint, sur toute la terre, de telles proportions que, des catégories aussi enfantines que pessimisme et optimisme sont depuis longtemps dévenues ridicules (M.Heidegger, Introduction à la Métaphysique, Epiméthé, traduit par G.Kahn 1958, p.47)
(Sự suy đồi tinh thần trên quả đất này đã tiến xa đến mức các dân tộc bị đe doạ đánh mất luôn cả sức mạnh tinh thần cuối cùng… bởi vì sự tăm tối âm u của cõi thế, chư thần đã bỏ đi, quả đất bị tàn phá, con người kết bè nhóm, mọi thứ sáng tạo phiêu bồng đều bị ngờ vực hận thù, tất cả những điều ấy, trên trái đất này, đã đạt mức tương xứng đến nỗi các phạm trù ấu trĩ như bi quan hoặc lạc quan đều trở nên lố bịch từ lâu)
Còn CungTích Biền lại cảm nhận cái “obscurcissement ” của thời đại qua sự phân hóa về về văn hóa, về lịch sử theo một cách khác. Và nói theo cách của anh:
“Họ xa cách với nỗi đau của thời đại anh, xa lạ với người sinh thành ra anh. Họ đứng bên kia nỗi xót xa. Sự phân ly ấy – riêng rẽ và toàn thể- không chắc đã do tuổi tác mà do anh sống trong một thế giới trôi nhanh. Chúng ta trú ẩn trong những xóm chài tịch mịch khi con sông đang ào ạt tiến nhanh về biển. Chúng ta cô đơn, thèm khát tâm sự, ưa hoài niệm, khi đồng loại đồng loạt tiến vào thế kỷ mới; chúng ta lùi về dĩ vãng khi cần thiết phải bước về phía trước, dù một bước, dù muộn màng. Bọn trẻ đang mơ ước thao túng dòng thác ấy, mong được hiến dâng hành động, tình yêu cùng nỗi chết cho tiến hóa. Chúng đã xa lạ với lớp cha ông, ngơ ngác trước những hoài niệm lẽ ra nên chôn chặt, để cõi lòng mở rộng cho tương lai, thực tiễn và tiến bộ. (Dị Mộng, 1987).
*
* *
Nhiều nhận định của anh, trong truyện ngắn nổi tiếng “Ngoại ô, Dĩ An, và linh hồn tôi”, được viết vào năm 1965, tôi thấy vẫn còn nguyên nét hiện thực, dù đã trải qua khoảng thời gian của bao nhiêu năm trời dâu bể. Hình ảnh những đoàn convoy xe GMC chở lính Mỹ chạy qua thị trấn để lại những cơn bụi mịt mù. Hình ảnh những cô gái khóac tay người Mỹ với khuôn mặt cúi gằm, trên đường phố. Họ thấy xấu hổ, một cách đáng thương. Ngay cả trong sự trơ tráo của họ, ta cũng nghe mang nặng một nỗi đau.
Bối cảnh câu chuyện xảy ra ở vùng Sơn Chà, Đà Nẵng, nhưng nhân vật chính lại mang tên của một địa phương ở Bình Dương. Dĩ An! Một cô gái xinh đẹp phải làm đĩ, lấy một người lính Mỹ để nuôi sống cả gia đình. Nó không còn là câu chuyện của một gia đình ở một địa phương cụ thể nào, mà đã mang tính khái quát với những nỗi buồn trĩu nặng.
Thân phận những cô gái nghèo nước Việt, trải qua mấy mươi năm, vẫn có gì thay đổi? Lìa bỏ những bụi chuối vườn cau, những bờ tre bến nước để đi tìm “tương lai” nơi những đất nước xa xôi, hoặc trong những quán nước đèn mờ trong thành phố! Muốn có tương lai phải có tiền, nhất là trong một xã hội mà sự phân hóa giàu nghèo ngày càng trầm trọng. Mà tiền thì nằm ngay trong thân xác! Biết bao bi kịch xảy ra từ sự hy sinh thầm lặng của những cô gái sống sau lũy tre làng?
“Họ đều âm thầm tôn thờ một thứ triết lý sống thật là đặc biệt: đi đến thành phố xa làm ăn, khi có tiền trở về quê hương lấy chồng (Ngoại ô, Dĩ An, và linh hồn tôi, 1965).
“Một nước có thể có hai anh hùng nhưng trong nhà, hai chị em không nên làm đĩ cả hai, mày hiểu chưa? (Sđd).
Những câu văn nghe chừng bình dị đó, đọc lên lại mênh mang một nỗi đau đời. Lần đầu tiên đọc truyện ngắn đó cách đây mấy mươi năm, tôi lặng cả người. Giờ đây đọc lại, tôi vẫn thấy ngậm ngùi. Còn có biết bao nhiêu cô Dĩ An trong cuộc sống hôm nay?
Trong các truyện ngắn sau này, ngọn bút của anh dường như không còn sự bình thản lạnh lùng ngày trước, mà đã có đôi chút tàn nhẫn đắng cay. Sự tàn nhẫn mà ta vẫn gặp trong truyện của Mạc Ngôn. Nó khiến người đọc đau lòng, lẫn kinh hãi, ví dụ như khi đọc đến đoạn người đàn ông ăn tô cháo huyết, dù biết rằng trong đó có cả máu kinh nguyệt của đàn bà!
“-Tớ biết trong cái tô cháo loãng này có máu kinh nguyệt của đàn bà. Ta đang nhâm nhi kinh nguyệt.
– Nói kỳ.
– Không kỳ quái chút nào. Tớ đã từng quần thảo trên cái nền máu cùng đám con trẻ thời thế và lũ đàn bà có máu, bất cứ ngày hay đêm. Con mụ đàn bà khi có kinh nguyệt, dù tắm rửa sạch sẽ cách nào, tớ cũng nhận ra. Đó là cái mùi thần thánh. Nó ngai ngái, lung lung.”
…..
“Trong đêm thâu, Ông nhớ con bò gầy guộc bị thằng người gầy gò không kém, chặn hai cái sừng tội nghiệp cho người ta thọc dao vào cổ. Nó rung chuyển thảm thương rồi ngã ụych. Đầu óc ông sau cuộc vật lộn với bò cũng đuối sức, tứ bề bỗng vàng tanh xây xẩm. Ông nhớ màu máu nhờn nhạt, pha lẫn đờm giải,nước kinh ngyệt từ những cái háng ốm o, loang trên nền nhà, bọn trẻ nít dành nhau hốt vào cái thau nhôm méo mó.”
(Xứ động vật)
Sự nhầy nhụa và khốn cùng của cuộc sống đã được ngọn bút anh đẩy đến chỗ tận cùng. Tôi cho rằng và tin rằng khi viết những dòng chữ đó, tác giả có lẽ cũng rất đau lòng và thấy vô cùng chua xót. Như khi tôi đọc. Tôi đọc lại những truyện ngắn của anh trong những ngày sống trên Tây Nguyên, với bao nỗi muộn phiền. Sự tĩnh lặng êm đềm của một thành phố vùng cao, khiến lòng tôi như dịu đi những nỗi buồn. Và tôi muốn văn anh cũng hãy dịu bớt đi những lời cay đắng, dù ta có giận dỗi đời đến đâu chăng nữa.
Tôi trân trọng những suy tư của anh, nhưng lòng tôi vẫn không thỏa mãn, vì cảm thấy có một điều gì không nỡ. Một nhà văn có thể rơi nước mắt khi viết những dòng chữ tàn nhẫn hoặc khinh bạc, vì giận dỗi đời. Nhưng bản thân tôi, mỗi khi viết về những điều vô cùng nghiệt ngã, đều cố gắng làm sao cho dịu bớt nỗi đau đời. Chúng ta hãy ráng tìm một chút gì đó còn nguyên vẹn giữa những vụn nát gây ra bởi cơn địa chấn thời đại. Để cố tạo dựng một niềm tin, dù hư ảo, giữa những đỗ vỡ tan hoang. Không phải cho chúng ta, mà cho những người khác.
*
* *
Đọc truyện “Qua sông”, tôi xem đó là một chuyện ngụ ngôn đa nghĩa. Con sông Thu Bồn, mà gia đình Trần Liêu đã vượt qua để trốn cảnh quan lại áp bức và tìm đến một vùng đất hứa, chỉ còn mang ý nghĩa của một biểu tượng.
Đối với gia đình Trần Liêu, con sông Thu giờ đây là một cõi lưỡng nghi hỗn độn: bờ Bắc thì mịt mờ, bờ Nam thì xa ngàn dặm. Dứt bỏ dĩ vãng mà không có tương lai. Rời một đám khói mịt mù để mơ tới một bờ sương vô vọng. Cuộc trùng phùng chừng như dấu mặt bôi vôi. “Trần Liêu? Ngươi có đau lòng chăng khi từ bỏ một quá khứ dị dạng buồn nôn, để hòa mình cùng một thực tại rách nát bão giông?” (Qua sông)
Con sông kia là khoảng cách về địa lý hay lịch sử? Để cho “cuộc trùng phùng chừng như dấu mặt bôi vôi”? Bên kia sông là bờ bến nơi đâu? Là “đáo bỉ ngạn”? Là bến bờ ảo vọng đầy giông bão cho khát vọng tự do? Là nỗi quằn quại trong những cơn đau mới? Là sự thất bại nối tiếp những cay đắng hôm nay?
Đâu là đất hứa? Bên kia sông có thể còn đầy gai góc và bóng tối, nhưng:
“Chúng ta sẽ bắt đầu làm lại tất cả. Dẫu rằng trong bóng tối mịt mùng, nhưng trên quê nhà, hôm nay chúng ta đốt ngọn lửa hồng.”(Sđd)
Tôi cũng muốn góp thêm một thanh củi nhỏ vào đống lửa đó. Chúng ta hy vọng rằng ngọn lửa đó sẽ mãi thắp sáng trên quê hương trong chuyến qua sông của lịch sử.
*
* *
Đôi khi ngồi nói chuyện với anh, tôi có cảm tưởng chúng tôi đang cùng nhau ngồi trong “phòng chờ của lịch sử”[2] của anh, để nhìn ra cái Thực Tại Nham Nhở hôm nay, trong đó quá nhiều những lớp son phù hoa đang phủ lên những thực thể vô hồn, đang tô vẻ lên những giá trị mang dáng dấp của những “hành thi tẩu nhục”!
Trong những cuộc nói chuyện tiếu lâm của anh, hay trong bài phỏng vấn anh gần đây trên báo Talawas, trong cái giọng văn hóm hỉnh đầy sự cay đắng mang đặc chất Quảng Nam, tôi vẫn nghe ra một nỗi buồn. Nỗi buồn của một người đã từng thiết tha với văn chương, khi nhìn lại phải cất tiếng thở dài bởi những dấu hiệu suy tàn của một nền văn hóa.
Buôn
Ma Thuột 10.2007
[1] Tên hai tác phẩm của Hesse được dịch và xuất bản ở Sài Gòn trước 1975
[2] Chữ của nhà văn Cung Tích Biền
Thảo luận