Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Cảm Nhận Nhỏ Về Nhan Đề Kinh Lăng Già

Kinh Lăng Già từ xưa đến nay vẫn thuộc loại kinh văn khó đọc. Khó đọc không chỉ vì tư tưởng thâm áo vi diệu mà còn vì phần rào chắn văn tự. Bản dịch khó đọc nhất, tức bản dịch của pháp sư Cầu Na Bạt Đà La, lại được xem là bản dịch giá trị nhất để dùng làm cơ sở chú giải kinh Nhập Lăng Già. Chỉ cần đọc lời tựa của một bậc túc học uyên bác là Tô Đông Pha cũng đủ để hiểu kinh này khó đọc như thế nào. Ngay các các bản dịch tiếng Việt cũng không phải là dễ hiểu. Bất kỳ những ai quan tâm đến diệu nghĩa kinh Lăng Già , nghĩa là tất cả những ai đã từng vất vả với nội dung kinh này qua các bản dịch Hán ngữ và Việt ngữ, hẳn đều phải mang ơn đại sư Suzuki đã cho ra đời bản dịch bằng Anh ngữ trực tiếp từ Phạn ngữ, giúp chúng ta có điều kiện vén dọn lần lần những gai góc trong rào chắn Hán ngữ, để dần tìm ra ý nghĩa kinh Lăng Già.

Do vì kinh văn quá khó hiểu, nên tôi đã cố tìm những bản dịch kinh Lăng Già trực tiếp từ Phạn ngữ để tìm hiểu thêm. Chính nhờ qua quá trình đọc chậm rãi từng câu kinh, từng đoạn nhỏ, tôi đã nghiệm ra nhiều điều lý thú, hoàn toàn khác với trải nghiệm khi đọc trọn từng chương như trước đây.

Trong bài viết này, tôi xin nêu một nhận xét nho nhỏ về nhan đề trong bản dịch Hán ngữ của Cầu Na Bạt Đà La, dựa vào 6 bản dịch trực tiếp từ Phạn ngữ hiện có như sau :

1. The Lankavatara Sutra, do Daisetz Teitaro Suzuki dịch, The Prajñā Press, 1978; viết tắt là bản (S).

2. Lăng Già A Bạt Đa La Bảo kinh 楞 伽 阿 跋 多 羅 寶 經, Cầu Na Bạt Đà La 求 那 跋 陀 羅, CBETA, 大 正 新 脩 大 正 藏 經, Vol. 16, No. 670; viết tắt là bản (C)..

3. Đại thừa nhập Lăng Già kinh 大 乘 入 楞 伽 經,Thực Xoa Nan Đà 實 叉 難 陀 , CBETA, 大 正 新 脩 大 正 藏 經, Vol. 16, No. 672; viết tắt là bản (T).

4. Nhập Lăng Già kinh 入 楞 伽 經,Bồ Đề Lưu Chi 菩 提 留 支, CBETA, 大 正 新 脩 大 正 藏 經, Vol. 16, No. 672; viết tắt là bản (B).

5. Nhập Lăng Già kinh 入 楞 伽 經 (Phạn Hán đối chiếu), Hoàng Bảo Sinh 黃 寶 生 dịch, Trung Quốc Xã hội Khoa học xuất bản xã 中 國 社 會 科 學 出 版 社, 2018; viết tắt là bản (H).

6.  Nhập Lăng Già kinh, Phạn bản tân dịch 入 楞 伽 經 梵 本 新 譯, Đàm Tích Vĩnh 談 錫 永 dịch, Toàn thư văn hoá hữu hạn công ty 全書文化有限公司, 2005; viết tắt là bản (Đ).

(Ở Việt Nam có cũng một bản dịch của dịch giả P.N, ghi là dịch trực tiếp từ Phạn ngữ, nhưng thực ra chỉ là bản dịch từ bản (Đ) này, trung thành đến từng thuật ngữ, từng ghi chú, thậm chí đến từng dấu chấm câu; nên không được dùng để tham khảo khi đối chiếu.)

Riêng phần Phạn ngữ dùng để tham khảo thuật ngữ, được lấy từ website này:

http://gretil.sub.uni-goettingen.de/gretil/1_sanskr/4_rellit/buddh/bsu021_u.htm

Chúng ta ai cũng biết kinh Nhập Lăng Già có ba bản dịch Hán ngữ là bản (C),bản (B),và bản (T). Bản (T) dù dịch sát với nguyên văn Phạn ngữ hiện còn, nhưng vẫn không được chuộng bằng bản (C) vốn rất cao sâu, và theo truyền thuyết là do chính tay Sơ tổ Đạt trao cho môn đồ Huệ Khả. Cho nên từ xưa đến nay, hầu hết những công trình nghiên cứu đều dựa vào bản (C). Nội dung bản (C) không phân chia thành các phẩm như hai bản kia mà chỉ một duy nhất với tên Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm.

Có hai thuật ngữ trong Phạn ngữ được dịch chung là “tâm 心” trong Hán ngữ.

1. citta, âm dịch Hán ngữ là “chất đa 質 多”, là thuật ngữ trọng yếu trong tư tưởng Phật học, với nghĩa là tư tưởng, tâm linh, lý tính, bản tâm, tâm hồn, v.v…,.

2. hṛdaya, âm dịch là “can-lật-đại 肝 慄 大”, hãn lật đà 汗 慄 馱” v.v…, dùng để chỉ tâm tạng, tức một trong ngũ tạng, Từ căn của hṛdaya là hṛd có liên quan với heart trong Anh ngữ. Dù đôi khi được hiểu như citta, nhưng nghĩa chính của “tâm hṛdaya” này vẫn là “tâm yếu”, “tinh túy”, “cốt tủy”, v.v…

Đọc kinh Phật, khi nói đến “Tâm” là ta luôn nghĩ đến nghĩa thứ nhất, tức “tâm citta.” Các thuật ngữ quen thuộc như “vạn pháp duy tâm”, “tướng tự tâm sinh”, “tâm, ý, ý thức”, “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật,” v.v… đều nói đến cái “tâm” này. Còn chữ “tâm” trong tiêu đề Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm dường như đã bị hiểu nhầm, nên do đó diễn giải nhầm, trong một vài bài nghiên cứu và bản dịch Việt ngữ.

Cụm từ “Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm” này xuất hiện trong phần chính kinh Lăng Già . Và pháp sư Cầu Na Bạt Đà La đã rất tinh tế khi dùng nó để đặt cho cả dịch phẩm của mình. Nguyên câu kinh này trong bản Phạn ngữ là sarvabuddha-pravacana-hṛdaya, và được dịch là Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm”. Tâm này là “tâm hṛdaya” và cụm từ “Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm” này phải hiểu là “giáo pháp cốt tủy trong tất cả lời dạy của chư Phật”.

Thử xem “Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm” trong các bản dịch khác :

  • Bản (S) : “the essence of the teachings of all the Buddhas.” phần tinh yếu trong giáo pháp của tất cả chư Phật.
  • Bản (Đ)佛 教 法 心 要 : phần tâm yếu trong giáo pháp của Phật.
  • Bản (T) 諸 佛 教 心 : phần tâm yếu trong lời dạy của chư Phật.
  • Bản (B) 一 切 諸 佛 所 說 法 心 : phần tâm yếu trong những lời thuyết pháp của tất cả chư Phật.

Qua các bản dịch trên, ta thấy “tâm” trong tiêu đề được hiểu là “tâm yếu”, “cốt tủy”, “tinh túy”, v.v… chứ không phải là “tâm” của  “bản tâm”. Tác phẩm Lăng Già tâm huyền nghĩa của pháp sư Cát Tạng còn cho ta biết thêm một chi tiết lý thú để ta có thể khẳng định điều này. Bản kinh Lăng Già cổ gồm 1,000 bài tụng (sloka) có tên là Lăng Già tâm (Laṅkāhṛdaya). Bản bốn cuốn của Cầu Na Bạt Đà La được xem là bản tóm tắt bản này. Đại sư Suzuki dịch “Laṅkāhṛdaya” là “’the substance of the Lanka” (bản chất/ phần tinh túy của Lăng Già).(1)Như vậy “tâm” trong tiêu đề Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm không phải là “tâm citta”. Nhưng tiêu đề Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm dường như lại bị hiểu thành ra nghĩa “Tất cả chư Phật nói về tâm” theo cú pháp Hán ngữ, theo kiểu word by word, để rồi từ đó được bình giảng theo nghĩa “tâm” đó, như “Phật tâm”, “bản tâm”, tâm ấn”, v.v…

Thử xem qua một vài kiến giải :

Câu Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm đã nói lên chẳng những đức Phật Thích-ca nói kinh Lăng-già này chỉ thẳng Bản tâm, ngoài tâm không có một pháp, mà tất cả chư Phật có nói ra cũng đều chỉ Bản tâm. Như thế, để thấy Phật Phật giáo hóa không khác, pháp pháp đều hiện bày Bản tâm.” (2)

“Nhất thiết Phật ngữ tâm” có nghĩa hết thảy kinh điển và giáo pháp, Phật đều nói đến tâm, chứ không nói việc khác. Vì thế đối với kinh điển hay giáo pháp, người Giác Ngộ đều dùng Bổn Tâm Bổn Tánh để hiểu, để biết, để thấy, không phải thông qua suy lường hay suy luận. Vì rằng, chỉ cần khởi một niệm suy lường, một thoáng suy luận, thì tâm và tánh liền bị chướng bởi sở tri, không thấy được ý nghĩa đích thực của đoạn kinh hay lời pháp.(3)

Thiền tông dùng Phật ngữ tâm làm tông, lấy vô môn làm pháp môn …(4) 

Vì cũng hiểu như vậy nên tác giả Lưu Quý Kiệt giải thích :

Chư Phật thuyết pháp không có gì là không vì việc làm sáng tỏ đệ nhất nghĩa tâm, cho nên mới nói “nhất thiết Phật ngữ tâm”, ý nói rằng vạn vật trong vũ trụ này đều do “tâm” mà hiển thị, chủ trương tất cả sự vật chẳng qua cũng chỉ là sự phản ánh của “Như Lai tạng tâm”.(4)

Từ “tâm hṛdaya” còn xuất hiện thêm vài lần nữa trong nguyên bản Phạn ngữ kinh Lăng Già , và cũng đều có nghĩa là “cốt tủy”, tinh yếu”. Chẳng hạn như :

  • tathāgatagarbhahṛdaya (Như Lai tạng tâm 如 來 藏 心). Bản (S) dịch “the essence of the Tathagata-garbha.” (Phần tinh yếu của Như Lai tạng).
  •  bhāvasvabhāvaparamārthahṛdaya (tính tự tính, đệ nhất nghiã, tâm : 性 自 性 第 一 義 心). Bản (S) dịch sát nghĩa : “the self-nature, the first principle, the essence” (tự tính, đệ nhất nghĩa, tinh túy).
  • Bản (Đ) dịch hṛdaya có vẻ mới mẻ hơn bằng từ “thể tính 體 性 ”. Từ “thể tính” này khiến chúng ta dễ nhớ lại các công trình biên khảo tài hoa của cố thi sĩ Phạm Công Thiện khi bàn về Sein của Heidegger.

Trong cụm từ bhāvasvabhāvaparamārthahṛdaya, nếu hiểu “tâm hṛdaya” trong “tính tự tính, đệ nhất nghiã, tâm” của bản Hán ngữ theo nghĩa “tâm citta” thì rõ ràng là không thỏa đáng, mà phải hiểu theo nghĩa “essence” trong Anh ngữ hoặc “Wesen” trong Đức ngữ.

Nội dung chủ yếu của kinh Lăng Già là nói về cảnh giới thánh trí tự chứng, bàn về giác ngộ. Theo thiển ý, kinh có đề cập đến tâm, thậm chí cả đến bát thức, ngũ pháp, nhị vô ngã, tam tự tính, v.v… thì đó là cũng chỉ là chuyện tùy duyên và ứng cơ trong thuyết pháp thôi. Tâm chỉ là một trong số các chủ đề đó thôi, thì làm sao ta có thể xem từ “Nhất thiết” này là dùng để chỉ “Tâm”?

Chữ Tâm trong Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm dễ khiến chúng ta liên tưởng đến Tâm trong Bát nhã Tâm kinhPrajñāpāramitāhṛdaya Sūtra ). Cuốn kinh vô cùng ngắn này được xem là bản tóm lược cô đọng của toàn hộ hệ thống tư tưởng Bát-nhã, với 600 cuốn kinh. Tâm đó cũng là hṛdaya thì có nên hiểu “Tâm Kinh” theo nghĩa là “Kinh Lòng”, mặc dù chúng ta cũng có thể cho rằng tiếng nói của “tâm”, của “lòng”, mới là sâu sắc? Trong phần dịch kinh này sang Anh ngữ cho độc giả phương Tây, đại sư Suzuki vẫn để nguyên tiêu đề Prajñā-pāramitā-hṛdaya Sūtra, và suốt trong phần chú giải, đại sư vẫn để nguyên từ “Hṛdaya Sūtra” chứ không dịch thành “The Heart Sutra” như một số bản dịch khác; điều đó cho thấy đại sư rất chú trọng đến tầm quan trọng của “Tâm” theo nghĩa của “Tâm hṛdaya(6). Có lẽ ta nên đọc nhan đề kinh Prajñāpāramitāhṛdaya Sūtra là “Bát-Nhã-Ba-La-Mật-Tâm Kinh”, và hiểu “Bát-Nhã-Ba-La-Mật-Tâm” theo cách hiểu “Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm”, trong “Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm Phẩm”. Như vậy, “Bát-Nhã-Ba-La-Mật-Tâm Kinh”, hay “Tuệ-độ-tâm Kinh”, nên hiểu theo nghĩa là “Cuốn kinh nói về phần cốt tủy/ tinh túy của Bát-Nhã-Ba-La-Mật.”

Về mặt hành trì thì những vị thiền sư có thể đạt đến một cảnh giới tâm chứng nào đó, để rồi từ cảnh giới đó mà bình giải về kinh, cái thấy biết của các vị đó có thể vượt lên văn tự, điều đó chúng ta phải hoàn toàn tôn trọng, nhưng trên bình diện “tục đế” thuộc văn tự thì có lẽ chúng ta nên trả chúng về nguyên nghĩa, phải để chúng “Châu hoàn Hiệp phố” trước khi đặt vấn đề hiểu được “Như Lai chân thực nghĩa”.

Tư tưởng Phật giáo giống như một đại yến tiệc để chiêu đãi hết các cõi nhân thiên, khiến ngay cả các vị cao tăng có túc duyên với Phật pháp cũng không khỏi choáng ngợp, chứ đừng nói chi đến những kẻ sơ cơ như chúng ta. Bởi vậy, đọc kinh Phật chậm rãi theo từng câu, giống như nhâm nhi từng cộng rau trong bữa tiệc thịnh soạn, ta sẽ nhận ra nhiều ý vị. Đó là chỗ mà nhà thơ Bùi Giáng gọi là đi nhặt “hạt cơm thừa trên bàn tiệc bát ngát của Như Lai.” Chúng ta hãy thử cùng nhau đi nhặt vài hạt cơm thừa của Như Lai. Nếu nhặt được một hạt cơm thừa thì cũng xem như là túc duyên hãn hữu !

Ghi chú :

(1) Cf. Studies in Laṅkāvatāra Sutra, Suzuki, Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd., New Delhi, 1998, p.42.

(2) http://www.tuvienquangduc.com.au/kinhdien-2/326langgiataman.html

(3) http://lytu.vn/vo-doi-mon-phan-47-vi-sao-noi-rang-bat-thuc-bon-tam-hoc-phap-vo-ich/

(4) https://giacngo.vn/phathoc/thientong/2008/03/19/724410/

(5) 諸 佛 說 法 , 無 非 為 了 究 明 第 一 義 心 , 故 日 「 一 切 佛 語 心 」 ) , 宣 說 宇 宙 萬 物 皆 由 「 心 」 顯 , 主 張 一 切 事 物 只 不 過 是 「 如 來 藏 心 」 的 映 現 。(Thiền tông Triết học 禪 宗 哲 學, Lưu Quý Kiệt,劉 貴 傑 Đài Loan Thương vụ ấn thư quán, 2013, tr.8)

 (6) C.f. Suzuki, Essays In Zen Buddhism, Third series, Rider &Company, pp.202-204. Cuốn này đã có bản dịch tuyệt vời của H.T Tuệ Sỹ với nhan đề “Thiền Luận, tập hạ”, nhưng vì bản dịch vẫn để là “Tâm Kinh” nên ta khó biết đó là “Tâm citta” hay “Tâm hṛdaya”.

Thảo luận