Tại Bách Việt có núi Kim Âu, ở về phía Nam bờ biển, sừng sững nguy nga. Vào những ngày trời quang mây tạnh, giữa màu xanh biếc nơi chân núi, thấp thoáng mái ngói hồng sắp lớp như vảy cá. Đó là ngôi cổ tự Hải Vân. Tương truyền, khi nhà Tống sụp đổ, Lục Tú Phù đã cõng vị ấu chúa tuẫn quốc tại Nhai Sơn[1]. Các vị lão thần cũng mai danh ẩn tích nơi đây, xuống tóc đi tu, ngày đêm hướng lên trời xanh mà kêu gào vong linh của đại hành hoàng đế[2]. Cho tới ngày nay, nhìn chóp núi ở nơi xa thấy hơi mây mờ mịt, có khi nghe tiếng sóng vang vọng bi thương, khiến lữ khách phải ngậm ngùi sa lệ, chẳng nỡ quay đầu nhìn lại.
Ngày nay, tôi ghi chép lại những lọng báu phướng vàng của ngôi cổ tự này, đủ để xem là cổ vật của một thời xưa cũ. Nước trong ao trong vắt, trôi chảy êm đềm bên những hàng tùng bách xanh um. Mấy chục nhà sư trụ trì tại đó đều uy nghi, nghiêm túc, lặng lẽ không lời. Hằng năm, đến dịp truyền giới vào mùa đông, khách thập phương về núi cầu giới cũng thưa thớt lắm, vì đường núi ngoằn ngoèo hiểm trở, rất khó leo trèo.
Một hôm, trời vừa rạng sáng, tiếng chuông chùa ngân vang chậm rãi, tôi tựa lưng bên góc lầu cao, nhìn những đàn hải âu bay lượn thấp thoáng ở cuối chân trời. Lúc bấy giờ, trời đã vào tiết đông lạnh giá, những ngọn gió từ bên ngoài ngàn dặm xa xôi thổi đến như bức bách con người. Xin bạn đọc hiểu cho rằng: đó là ngày tam giới cụ túc của tôi. Tính ra, tôi ở tại ngôi cổ tự này đã ba tuần. Hôm nay, tôi có thể xuống núi để gặp mặt vị bổn sư. Sau đó thì quét lá, đốt hương, cho qua ngày tháng phôi pha, đâu có gì mà ân hận!
Đang suy nghĩ như thế, bỗng nhiên tôi rơi nước mắt, thầm nhủ :
− Ai cũng bảo ta là đứa bé không có mẹ? Có quả thật ta là đứa bé không mẹ chăng? Không! Nhất định không thể nào như vậy được. Kể từ ngày dưỡng phụ khuất núi, ta tuy một mình lủi thủi, cô độc lẻ loi. Nhưng mỗi lần gió thổi làm xao động đầu cây ngọn cỏ, trong những đêm mưa dầm rả rích, giữa cảnh vạn vật im lìm, ta vẫn nghe vẳng vẳng bên tai tiếng của từ mẫu gọi ta. Nhưng âm thanh đó từ đâu mà đến? Ấy là điều ta không rõ, nhưng trong lòng ta vẫn hằng ôm ấp niềm suy tưởng ấy.
Rồi tôi lại thở dài, tự nhủ :
− Mẹ ta sinh con ra đời, sao chẳng cho ta được một lần gặp mặt? Mẹ có biết đứa con mình thân thế phiêu linh, lâm vào cảnh cùng khốn thế này chăng?
Lúc này, ngoài khơi xa sóng biển nhấp nhô lấp lánh, quang cảnh xinh đẹp dị thường. Tôi khoác áo cà sa, cùng ba mươi sáu vị đồng giới, hai tay cầm nén hương, lũ lượt nối gót nhau bước đi, như những con cá được xâu vào một chuỗi.
Lên tới đại điện xong, chúng tôi sắp hàng ngay ngắn hai bên. Các vị trưởng lão ở bốn phía núi non lân cận, cũng vân tập về đây. Vừa bắt đầu nghi thức đốt hương tụng niệm, bốn bề im lặng như tờ.
Lát sau, có một vị xà lê đức cao vọng trọng cất giọng bi khẩn mà xướng rằng:
Cầu giới hành nhân
Hướng thiên tam bái,
Dĩ báo phụ mẫu dưỡng dục chi ân.
求 戒 行 人 ,
向 天 三 拜 ,
以 報 父 母 養 育 之 恩 。
(Những người cầu giới,
hãy ngước lên trời lạy ba lạy,
để báo đáp công ơn dưỡng dục của mẹ cha.)
Lúc bấy giờ, hai mắt tôi lệ đổ ròng ròng, không làm sao ngước lên nhìn được. Các vị đồng giới cũng thổn thức, không sao kiềm nén nỗi niềm.
Nghi thức lễ xong, các vị trưởng lão lần lượt tới bên chúng tôi, mở lời khuyên nhủ mà rằng:
Thiện tai đại đức!
Tuệ căn thâm hậu,
Nguyện lực trang nghiêm
Thử khứ cẩn thị thân sư,
Dị nhựt Linh Sơn hội thượng,
Niêm hoa tương tiếu.
善 哉 大 德 ,
慧 根 深 厚 ,
願 力 壯 嚴 。
此 去 謹 侍 親 師 ,
異 日 靈 山 會 上 ,
拈 花 相 笑 。
(Lành thay, đức lớn!
gốc tuệ sâu dày,
Nguyện ra sức trang nghiêm.
Kể từ đây, hầu hạ bậc tôn trưởng
Tới ngày sau tụ hội tại Linh Sơn
Sẽ cầm nhánh hoa
Cùng nhìn nhau mỉm cười.)
Tôi
lặng nghe âm thanh ấy chan chứa lòng từ bi ai mẫn, tôi cúi đầu đảnh lễ, đón nhận
điệp văn, gạt lệ mà bái biệt các vị trưởng lão, rồi từ từ xuống núi. Hai bên
con đường nhỏ, cây cối tiêu điều, lá cành trơ trụi, cảnh vật thật buồn thê thiết.
Chỉ thấy thấp thoáng vài bác tiều phu thoắt hiện, thoắt mất. Nào ai biết cho rằng
kẻ phương ngoại xa lánh thế gian vẫn còn mang trong lòng những nỗi niềm đau xót
không sao nói được nên lời! Những trang sách này của tôi đều ghi lại những điều
có thực.
Tôi đã từ giã chùa Hải Vân, rồi đến ngụ lại tại một gian tĩnh thất ở chốn hoang thôn cô tịch. Hàng ngày, ngoài việc chăm lo hầu hạ bổn sư, tôi lại để lệ tràn trên má vì tâm sự bi thương. Bổn sư của tôi thấy tôi còn nhỏ tuổi nên rủ lòng thương xót. Những lời của thầy nghe chứa chan từ ái, nhưng cũng không sao khiến nỗi sầu bi của tôi được đôi chút nguôi ngoai. Các bạn đọc ơi, tôi đúng là đứa trẻ khốn khổ nhất thế gian này.
Một ngày nọ, tôi tuân mệnh bổn sư, đi xuống thôn làng để xin gạo. Được hơn mười cân, liền quảy trên vai mà đi. Trong lúc đang suy nghĩ tìm chỗ để trú lại qua đêm, chợt có một kẻ khỏe mạnh từ xa chạy tới, cướp lấy túi gạo của tôi mà chạy mất, Tôi chỉ còn biết cất tiếng thở dài.
Lúc bấy giờ trời nhá nhem, tôi một mình thẫn thờ cất bước, đi thế nào lại ra tận bãi biển, và không tìm được đường về. Đi quanh quẩn một hồi lâu thì tới một cồn cát, nhưng sóng biển nổi dậy ì ầm trông thật đáng sợ, mà bốn bề lại tối đen như mực.
Giữa lúc đang hoang mang bất định, tôi chợt thấy ở ngoài khơi có một đốm lửa tù mù, lập lòe như hạt đậu. Tôi biết là có một chiếc ghe đánh cá đi qua đây, bèn cất tiếng gọi lớn :
− Xin ông chài ghé vào đây, cho tôi sang bờ bên kia với.
Được một lúc, thấy đốm lửa dần lớn ra, tôi biết rằng chiếc ghe đang tiến lại gần, nên trong lòng thấy vô cùng an ủi. Chẳng bao lâu, chiếc ghe đã cập bến. Ông chài cất tiếng hỏi tôi muốn đi đâu?
Tôi đáp:
− Tôi là một nhà sư tại thôn Ba La, hôm nay lạc lối tới đây, thật may mắn là có ông giúp đỡ.
Ông chài khoác tay mà bảo :
− Úi chào! Ăn nói nghe hay gớm! Ghe của người ta là cốt đi đánh cá đổi tiền, làm chi có chuyện đi chở giùm nhà sư nghèo đói chớ?
Nói xong, ông ta trèo lên ghe, chèo đi một mạch. Tôi chẳng còn biết xoay xở cách nào, trong lòng buồn thương mà chảy nước mắt. Chợt bên tai nghe văng vẳng tiếng chó sủa, tôi nghĩ quanh quất vùng này thế nào cũng thôn làng, bèn lần theo lối cỏ mà đi. Dần dần thấy trước mắt hiện ra một ngôi cổ miếu. Tôi liền đi đến, thấy ở giữa ngôi miếu có treo một ngọn ngư đăng leo lét. Tôi bước vào, khoanh mình nằm co ro trên phiến đá. Chợt nghe bên ngoài cửa miếu có tiếng chân đi, tôi liền ngồi dậy sửa lại áo quần cho ngay ngắn rồi đứng lên, thì thấy một đứa bé lon ton chạy vào.
Tôi hỏi :
− Chú nhỏ đi đâu đó?
Đứa bé tay cầm mấy cái giỏ tre đưa ra cho tôi thấy mà nói :
− Nghề của em nhọc nhằn lắm. Đêm hôm khuya khoắc thế này, em vẫn phải ẩn nấp bên những bức tường xiêu vách đổ, hoặc giữa những hang đá âm u, cây cối um tùm, chẳng khác nào những tên ăn trộm, cốt bắt lấy những con dế kêu ri rỉ này đây nè. Chẳng phải là quá sức khổ nhọc sao chứ?
Tôi hỏi :
− Trông em tuổi nhỏ nhưng mặt mày sáng sủa, sao phải đi làm cái việc hèn mọn này?
Đứa bé than một tiếng thật dài, rồi đáp:
− Gia đình em vốn có một vườn hoa. Ban ngày em gánh hoa đem bán cho các nhà giàu. Người giàu keo kiệt quá, nên thu nhập chẳng được bao nhiêu; chẳng đủ để nuôi dưỡng mẹ hiền. Mẹ em cũng đã già nua lắm rồi, thử nghĩ em là phận làm con, có lẽ nào lại không tận tâm kiệt sức để giúp mẹ được vui lúc tuổi già? Bởi vậy, em chẳng từ chuyện khó nào, nên làm thêm công việc này để kiếm thêm ít tiền. Nhưng mẹ em vẫn chưa hay biết, nếu không thì bà đã không cho em làm rồi. Hôm trước, em có thấy bên góc miếu này một con dế cỡi trên lưng một con rết. Em tới đây rình đã hai đêm rồi mà vẫn chưa chộp được. Úi Trời! Nếu con dế đó mà lọt vào được tay em thì chờ tới ngày chợ phiên của thôn bên cạnh, em đem bán, chắc được giá lắm đó. Em sẽ mua cho mẹ một tấm áo da cừu, để mùa đông mẹ mặc vào sẽ thấy cũng ấm áp như giữa mùa xuân vậy. Trẻ con mà, còn chi thích cho bằng. Em có phải như những kẻ tầm phào lăn lộn ngoài chợ búa, ham mê kiếm tiền đến nỗi đêm hôm phải lặn lối bất kể tính mạng như thế này đâu!
Nghe đứa bé nói thế, tôi không sao ngăn được nỗi bồi hồi xúc động, nước mắt lại đầm đìa. Đứa bé thấy đầu tôi cạo trọc, bèn thong thả hỏi tiếp:
− Dạ dám xin hỏi thầy vì cớ chi mà giữa đêm sương lại phải ngủ tại ngôi miếu này?
Nhìn thấy đứa bé mặt mày rất mực trang nghiêm, tôi bèn đem hết đầu đuôi ngọn ngành kể cho nó nghe. Đứa bé cảm động mà nói:
− Thầy khổ quá! Nhà em vẫn còn phòng bỏ không, cách đây cũng không xa. Xin mời thầy theo em về nhà. Nếu không, ngộ nhỡ bọn người hung ác trong thôn vu cho thầy cái tội trộm cắp, thì thầy chịu đựng sao nổi!
Thấy đứa bé thành thật như vậy, tôi gật đầu đồng ý và đi theo nó. Vào làng, đi tới một căn nhà tranh. Đứa bé đẩy cửa bước vào, rồi khép lại ngay, dẫn tôi đi theo một hành làng quanh co. Ngàn hoa trong vườn bốn bề tỏa hương sực nức. Chợt nghe tiếng một bà lão nói khẽ:
− Triều nhi! Hôm nay sao con về muộn thế?
Tôi chăm chú lắng nghe giọng nói của bà lão, thấy thật lạ kỳ, quá đỗi lạ kỳ.
Lúc
tôi bước vào nhà trong, thì rõ ràng trước mặt mình là người vú nuôi tôi ngày
trước.
Tôi chào hỏi người vú nuôi xong, thấy trong lòng buồn vui lẫn lộn. Bà vú bảo tôi ngồi xuống, rồi bắt tôi kể hết đầu đuôi mọi sự. Tôi đã làm gì, tôi đã trải qua những gì, nhất nhất đều đem ra thuật lại. Bà đăm đăm nhìn vào mặt tôi, tay chống vào gò má, suy nghĩ một hồi lâu, rồi ngậm ngùi mà nói:
− Tội quá! Tam Lang! Nếu ngày nay tôi còn ở với gia đình cậu thì đâu đến nỗi cậu phải trầm luân chốn Không môn? Tôi đã hầu hạ phu nhân nhà ta không quá ba năm. Thời gian ấy tuy ngắn ngủi, nhưng phu nhân lòng dạ hiền lành, đã đối đãi tôi thật hết lòng thân ái. Kể từ khi từ biệt phu nhân, thời gian mờ mịt trôi đi, đến nay đã mười năm trời, vậy mà cứ mỗi lần bưng chén cơm ăn, tôi chẳng thể nào quên được tấm lòng thương yêu của phu nhân đối với tôi. Sau khi phu nhân rời đi, tôi tuy bị người trong gia đình cậu bạc đãi rất chi là ác độc, nhưng vẫn cúi đầu cam chịu. Ấy là do tôi cảm ân đức của phu nhân, nên chẳng nỡ bỏ Tam Lang mà đi. Cho tới lúc nghĩa phụ của cậu lìa đời, trong lòng tôi đau xót khôn cùng, thầm nghĩ trong lòng thế là Tam Lang từ nay phải chịu cảnh hàn vi, không nơi nương tựa. Tôi muốn viết thư cho phu nhân báo rõ mọi sự, để phu nhân tìm cách đưa cậu về lại chốn Đông Doanh (Nhật Bản), xa hẳn người đàn bà hung ác quỷ quái kia đi! Dè đâu bà ta lại đoán được, bèn nổi cơn thịnh nộ, lấy roi mây đánh cho tôi một trận. Lúc đó, tôi cũng chẳng thiết chi cái chuyện phân giải đạo lý làm người với bà ta nữa! Bà ta đánh tôi một trận sướng tay, rồi lập tức đuổi tôi về quê.
Bà vú kể tới đó thì nước mắt giàn giụa, nghẹn ngào không thốt nên lời. Lúc ấy, lòng tôi đã cảm thấy bi thảm đến cùng cực, chẳng còn biết lựa lời nào để an ủi bà. Chỉ còn biết để nước mắt trào ra như suối. Vú nuôi và tôi lặng lẽ nhìn nhau, không sao nói được một lời. Rồi lòng tôi chợt nghĩ vú nuôi đã ngoài bốn mươi tuổi, làm sao có thể chịu đựng nỗi cảnh căm hận bi thương này, liền gượng sửa đổi nét mặt, rồi lựa lời an ủi:
− Vú đừng đau xót nữa! Vú đã nuôi nấng con, ngày nay con đã trưởng thành rồi. Ơn ấy, đức ấy, diễn tả bằng lời làm sao cho xiết? Con nay nương chốn Không môn, lòng đà nguội lạnh. Hôm nay dun dủi được gặp lại vú ở đây, xin vú hãy cho con biết tin tức mẫu thân. Nếu không thì dù có đi khắp bích lạc hoàng tuyền cũng không mong có ngày tương ngộ. Lấy đó mà suy, Trời xanh kia há chẳng cũng linh thiêng lắm sao? Từ thuở còn thơ ấu, con luôn nghĩ rằng mẹ con vẫn còn sống. Nhưng suy đi ngẫm lại cả trăm lần, vẫn không biết thân mẫu sống tại đâu, mà cũng chẳng biết tên họ của mẹ là gì. Bữa nay, nghe vú nuôi nói về một vị phu nhân, đó có phải là bà mẹ đã sinh ra con hay chăng? Vì lẽ gì thân mẫu lại bỏ con bơ vơ cơ khổ, trôi dạt lênh đênh mà chẳng bao giờ có lấy một lời thăm hỏi? Xin vú nuôi hãy cho con biết thân thế con rốt cuộc là thế nào?
Bà vú nuôi gạt lệ, nhìn tôi mà rằng:
− Tam Lang hãy yên tâm mà nghe tôi kể. Tôi vốn là con gái của một thôn dân đã ở đây nhiều đời rồi, sinh sống bằng nghề chăn nuôi gia súc. Sau khi lấy chồng, tôi chỉ biết theo chồng, ban ngày ra làm ngoài đồng, tối đến thì về nhà nghỉ ngơi. Cuộc sống vợ chồng vô cùng hạnh phúc. Tôi nào biết rằng trong nhân gian còn có đủ thứ ân oán thị phi, ưu sầu, hoạn nạn. Vợ chồng nông dân chân chất, sống hồn nhiên như dòng nước chảy êm đềm trôi theo năm tháng. Đến năm tôi ba mươi tuổi, chồng tôi chẳng may đoản mệnh, chẳng để lại một thứ gì, ngoài đứa bé là Triều Nhi đó. Từ đó về sau, sinh hoạt trong nhà ngày càng quẩn bách. Những bạn bè thân thích thuở bình sinh đều hờ hững thờ ơ, coi hai mẹ con tôi như khách qua đường. Lúc đó, tôi mới bắt đầu hiểu ra cái thế sự éo le, thói đời tráo trở nên trong lòng khôn xiết buồn đau. Nhìn bốn bề đều như mây trời mờ mịt, tứ cố vô thân, tình cảnh khốn cùng biết tỏ cùng ai?
Một ngày kia, tôi đi mót lúa rơi ở cánh đồng ven thôn, bỗng thấy một vị phu nhân ăn mặc theo lối cổ trang, nhẹ nhàng bước tới trước mặt tôi, rồi dịu dàng hỏi:
− Trông thím hình như có nỗi ưu sầu nặng nề lắm, có phải không?
Rồi nhân đó, bà hỏi thăm gia cảnh của tôi. Tôi nhất nhất đều thuật đầu đuôi ngọn ngành. Sau đó, tôi đội ơn phu nhân, được phu nhân đem về làm vú nuôi săn sóc Tam Lang đó. Vị phu nhân ăn mặc theo lối cổ trang đó chính là sinh mẫu của Tam Lang. Vì phu nhân sinh ở nước Nhật nên ăn mặc theo lối Trung Hoa thời cổ. Kể từ lúc về ở với phu nhân, những sự việc này tôi mới được nghe.
“Tam Lang” là tên của cậu, do phu nhân đặt cho đấy. Tôi từng nghe nói rằng lúc sinh cậu chưa được mấy tháng thì thân phụ cậu qua đời. Thân phụ cậu là Tông Lang, vốn thuộc loại danh gia vọng tộc ở Giang Hộ (Edo, nước Nhật N.D). Thân phụ cậu bình sinh can đảm hơn người, nên được mọi người quý trọng lắm. Sau khi chồng mất, phu nhân nhận thấy phong hóa Nhật Bản đã đến thời mạt thế, phong tục ngày càng suy đồi, bà suy nghĩ muốn đưa cậu về cội gốc thượng quốc là nước Trung Hoa. Bởi vậy, phu nhân mới gởi gắm cậu cho một người bạn thân của cha cậu để người đó nhận cậu làm nghĩa tử. Ý của phu nhân là muốn cậu dứt tuyệt hết mọi gốc rễ với cư dân hải đảo (tức người Nhật. N.D), mong mỏi rằng nền văn học nơi thượng quốc sẽ giúp cậu trở thành một con rồng ở trong chốn nhân gian. Phu nhân vốn biết rằng hành động như thế là đắc tội với quốc pháp Nhật Bản, nhưng tấm lòng của từ mẫu thương con, chẳng có việc gì là không làm được. Thế là phu nhân đích thân ẵm cậu, âm thầm trốn sang Trung Hoa chúng ta, cư ngụ ba năm trời. Chợt một hôm phu nhân gọi tôi lại và bảo :
− Tôi sắp quay trở về Nhật Bản! Vú ở lại hãy bảo trọng!
Rồi phu nhân đưa tay chỉ Tam Lang, nuốt lệ, nghẹn ngào bảo :
− Đứa con tôi sinh ra đời thật không may mắn! Vú hãy chịu khó trông nom nó, tôi sẽ chẳng bao giờ quên công lao của vú đâu.
Nói xong, phu nhân ấy một mảnh giấy, ghi lại địa chỉ mình rồi giao cho tôi, dặn dò tôi đừng có để thất lạc. Tới ngày nay, tôi vẫn giữ gìn như báu vật trong cái hộp tre cũ kỹ kia.
Lúc bây giờ, tôi xúc động quá nên khóc nức nở. Phu nhân còn tặng cho tôi một trăm đồng vàng. Ngày nay, dù số bạc ấy đã hết sạch, không còn đồng nào, nhưng lòng tôi cảm kích phu nhân thật không sao bao hết được. Nhất là tôi nhớ lại cái đêm phu nhân gói ghém hành trang một ngày trước khi ra đi, phu nhân gài một tấm ảnh nho nhỏ của mình vào cái hộp nhỏ, rồi đặt vào trong cái rương áo quần của cậu. Bà mong rằng ngày sau khi lớn lên, cậu sẽ không quên được nghi dung của từ mẫu. Dụng ý của phu nhân thật là đáng thương. Đâu hay sau khi phu nhân ra đi thì người trong gia đình phá hủy tan tành mọi thứ đó và hủy bỏ đi mất hết.
Kể từ khi ra đi, phu nhân có viết cho tôi ba lá thư, lần nào cũng gửi kèm vàng bạc, nhưng lần nào cũng bị con yêu phụ kia cướp sạch. Hơn thế nữa, do tôi hiểu rõ thân thế phu nhân, lại thâm ái Tam Lang nên bà ta càng thêm căm hận, vì bà nghĩ rằng tôi cố ý tỏ thái độ đó là để cái thói độc ác hung ác của bà ta càng lộ rõ ra. Lòng oán độc của bà ta nhân đó mà càng thêm cay nghiệt. Thật là quá mức! Con người và mãnh thú cũng chỉ cách nhau có một đường tơ kẻ tóc mà thôi!
Sau khi tôi đã bị đuổi đi rồi, bà ta lại phao tin lên rằng phu nhân gặp nạn ngoài khơi, đã chôn thây trong bụng cá. Cho nên bà con thân thích, thân hữu láng giềng, người nào cũng coi cậu là một đứa trẻ mồ côi không cha không mẹ, chẳng còn ai thèm hỏi han chi tới nữa. Xét ra thì trong gan ruột bà ta quả có ý muốn đề phòng sau này, khi cậu lớn lên sẽ không còn ý nghĩ tìm về nương náu với mẹ ruột nữa. Than ôi! Đã giữ lấy con của người ta, lại còn đối xử tàn bạo như vậy; tôi suy gẫm cả trăm đường vạn nẻo mà cũng không sao hiểu được trong kiếp trước bà ta là cái giống độc vật gì? Trời đất ôi! Tôi há có phải là người độc ác vì oán hận kẻ khác mà thốt ra cái lời cay đắng ấy đâu. Bữa nay tôi sở dĩ nói ra, chẳng qua là để cho cậu thấy rõ lòng dạ của người đàn bà hung ác kia thôi.
Nghĩa phụ của cậu vốn là người thành thực. Ông ta thường vẫn nhớ đến cái ơn ngày trước của thân phụ cậu, nên đối xử với cậu như con ruột. Ai ngờ được ông ta vừa qua đời thì con mẹ kia đã lập tức trở mặt như thế. Một đứa bé vô tri mà đã phải chịu sự đối đãi hà khắc như vậy, thiệt là chẳng có chi sánh nỗi. Nhưng ngày nay cậu đã đình đình ngọc lập, phong tư tiêu sái, vậy có nghĩa là từ khi chia tay đến nay, cậu vẫn được bình yên vô sự. Tôi cùng đã già nua rồi, đáng lẽ không nên đem những chuyện rắc rối phiền não trong quá khứ kể ra làm chi, cứ âm thầm cưu mang trong lòng để còn giữ được chút lòng trung hậu. Tuy nhiên trong thời buổi thị phi điên đảo này, dẫu ta có nhất mực giữ lòng trung hậu đi chăng nữa thì người ta vẫn cứ khẳng khăng tìm cách hãm hại ta. Cái lý lẽ đó cứ hỗ tương tiêu trưởng, cứ vần xoay vun đắp cho nhau theo lẽ đầy vơi. Nhân tình thế thái đã ra nông nỗi ấy, thật khôn xiết ngậm ngùi!
Bà vú nói xong, cúi đầu thở dài. Một lát sau, bà định nói tiếp nữa. Lúc bấy giờ lòng tôi đã ngập tràn những nỗi sầu bi, lớp lớp đòi hồi như gợn sóng, bóng mây. Nhưng vì tôi đã dò ra được tin tức mẫu thân, nên cũng chẳng còn muốn hỏi thêm chi về những sự việc đã qua nữa, và cũng chẳng còn thì giờ đâu để tự bi thương cho thân thế, nên tôi bèn chậm rãi trình bày với bà vú nuôi:
− Đêm đã khuya rồi, vú hãy đi nghỉ đi. Con sẽ một mình ra đi tìm mẹ, mong rằng vú đừng bi thương quá độ. Sự đời có ai biết được gì đâu mà liệu tính? Vú hãy nhìn con và Triều Nhi đi, chẳng lẽ cứ sống mòn mỏi cả đời mà không có được chút danh phận gì sao?
Bà vú bỗng ngẩng đầu lên, vỗ vai tôi mà nói:
− Tội nghiệp quá! Vú thật chẳng thể ngờ rằng Tam Lang lớn lên lại mảnh khảnh thế này! Giờ đã đến lúc đi ngủ rồi, từ đây về sau cứ ở lại đây, rồi từ từ mà liệu tính chuyện đi sang Nhật tìm lại thân mẫu. Tôi nhiều lần nằm mộng thấy phu nhân ăn vận cổ trang đi quanh quẩn trên bờ biển Đông, đôi mắt cứ dõi trông, ngóng đợi Tam Lang về. Tam Lang à, cậu còn có một người chị và một người em gái nuôi, hai chị em vẫn sớm hôm cận kề bên bên phu nhân để chăm săn sóc mẹ. Cậu rồi cũng sẽ được nghe lời mẹ gọi. Còn tôi đã già nua, chỉ còn chờ ngày vào quan tài, chẳng còn mong ngày gặp lại phu nhân. Chỉ còn biết cầu nguyện trời xanh phù hộ cho phu nhân mà thôi!
Sáng hôm sau, ánh dương quang rực rỡ. Tôi hồi tưởng lại những sự việc đã qua, tất cả như hãy còn hiện rõ rành rành trong tâm khảm. Bạn đọc thử nghĩ xem, đêm qua làm sao tôi ngủ được? Lúc bấy giờ, nỗi lòng rối tợ tơ vò, tôi ngồi dậy khoác áo vào mình, bước ra ngoài nhìn quanh bốn phía. Dương liễu xác xơ, trơ trụi cả thân gầy, cảnh tượng núi non trông thật tiêu điều hoang vắng.
Từ
đó về sau, tôi lưu trú tại nhà vú nuôi. Mỗi ngày, tôi cùng Triều Nhi chèo ghe
thả câu trên dòng sông vắng vẻ hoang liêu, tại một vùng khói mưa mờ tỏa; hoặc có
lúc cưỡi trâu ra bên ngoài thôn. Muôn vàn nỗi hận chẳng hiểu sao cứ tiêu tán dần
theo những tiếng địch vèo von trong những trận gió chiều hôm.
Một ngày kia, vào lúc trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn, giữa cảnh gió thổi tuyết bay mịt mù trong thôn vắng, tôi cùng Triều Nhi từ phía sau núi đang trên đường gánh củi về nhà. Vừa bước vào cửa, nhìn thấy vú nuôi đang ngồi im lìm tựa lưng bên lò bếp. tay bà đang khâu vá lại một chiếc áo cũ. Nghe tiếng chúng tôi, bà ngẩng đầu lên nhìn tôi nói:
− Thật nhọc nhằn cho cậu quá! Tôi gặp được cậu mà thấy trong lòng cũng an ủi được đôi phần. Cậu và Triều Nhi hãy ngồi nghỉ ngơi một chút, để tôi thắp đèn và mang cơm nóng, cá tươi ra dùng bữa tối. Nhà chúng ta cách hồ nước không xa, tôm cá rất chi là tươi ngon, mà giá cả cũng chẳng cao chi mấy. Sống ở thôn quê tiện lợi hơn ở thành thị nhiều.
Tôi và Triều Nhi liền cởi tơi nón ra, cùng vú nuôi dùng bữa tối, thật là vui vẻ khôn xiết. Dùng cơm xong, vú nuôi quay nhìn tôi bảo:
− Hôm nay nhìn Tam Lang gánh củi, tôi thấy lòng xốn xang không sao chịu được. Thân thể cậu mảnh khảnh quá, bữa sau đừng có làm như vậy nữa. Công việc vất vả nặng nhọc kia, Triều Nhi đủ sức giúp tôi rồi. Bữa nay, tôi đã nghĩ ra một cách cho cậu. Cậu hãy yên lặng nghe lời tôi bảo. Vườn hoa chúng ta, trong ba tháng xuân ấm áp, trăm loài hoa đua nở tốt tươi. Bữa nay, mình đang ở giữa mùa đông, đợi đến mùa xuân năm tới, cứ sáng sớm là cậu mang hoa ra chợ bán. Ban ngày, cậu cũng có thể coi sóc nhà cửa, vườn tược giúp tôi. Tiền bán hoa tuy chẳng là bao, nhưng tôi vẫn có thể chắt chiu dành dụm cho cậu. Sau hai năm hoặc ba năm, nhất định sẽ có đủ tiền lộ phí cho cậu sang Nhật Bản. Ngoài cách ấy ra, thật chẳng còn cách nào khác. Tam Lang, ý cậu thế nào?
Tôi đáp:
− Hay lắm! Mọi chuyện xin cứ làm theo lời vú.
Vú nuôi nói tiếp :
− Tam Lang! Tổ tiên của Tam Lang tại Giang Hộ vốn xưa kia là những vị công tử, ra ngoài thì cưỡi ngựa béo tốt phương phi, khoác áo khinh cừu phong nhã. Mà ngày nay cậu phải làm một kẻ bán hoa, thật là chuyện lạ lùng. Tuy nhiên, ngày sau khi cậu về lại Nhật, cậu vẫn là một vị thiên kim công tử, thì còn ai dám kêu cậu là kẻ bán hoa?
Tôi lắng nghe đến đó, đưa mắt nhìn vú nuôi, thấy gương mặt hiền từ của bà rạng rỡ như mùa xuân ấm áp.
Tháng ngày thấm thoát, bỗng nhiên đã thấy xuân về. Từ đó, tôi làm theo lời dặn của vú nuôi, cứ mỗi sáng sớm, tôi ăn mặc tuềnh toàng như đứa chăn trâu, mang hoa đi bán. Mỗi buổi sáng, tôi đi qua ba bốn thôn xóm, tay trái xách giỏ trúc đựng hoa, tay phải cầm cây gậy trúc, đầu đội nón của người chài cá − cốt che cái đầu trọc để không ai nhận ra tôi là một tỳ kheo. Tôi quanh quẩn qua lại trên đường, trong lòng vô cùng xấu hổ. Thấy những người mua hoa phần đông đều là những thiếu nữ. Rồi đến những đàn bà trong thôn. Mỗi ngày tính ra tôi kiếm được hai ba trăm đồng. Suốt một tháng trời như thế.
Một hôm, tôi đang một mình rảo bước sang cái thôn phía trước, trời bỗng nhiên u ám, mưa rơi lắc rắc mờ mịt khắp nơi, thấm ướt hết áo quần tôi. Hôm đó là hai ngày trước tiết Thanh Minh, nhà nào cũng lo sửa soạn lễ Tảo Mộ, nên trên đường đi rất vắng vẻ, không một bóng người. Chỉ có tiếng mưa rơi tí tách khiến lòng người thêm sầu não mà thôi. Tôi đi loanh quanh, chậm chậm, lần mò một lúc thì đến một góc nhà nọ. Tôi đứng dưới cây liễu nhỏ để nghỉ ngơi một lúc.
Chợt thấy phía sau tấm lụa trên cửa sổ nơi bờ tường trước mặt, có một cô gái ăn vận đồ mới đang đưa mắt nhìn nơi xa, ra chiều nghĩ ngợi. Cô gái dung hoa tuyệt đại, nhưng mặt ngọc lại đăm chiêu, lộ vẻ ưu sầu khôn tả. Đến lúc tôi nhìn kỹ, chỉ trong chớp mắt, bóng hồng đột nhiên lẩn khuất, mờ mịt vô tung.
Cơn mưa đột nhiên tạnh hẳn, bầu trời sáng ra, không khí thêm phần mát mẻ. Cây cối như thay áo mới, lộ màu xanh biếc ra trước mắt. Tôi vừa dợm chân cất bước, chợt thấy cánh cửa bên căn nhà đối diện bỗng mở ra. Lại thấy một cô gái vội vã bước ra ngoài, chào tôi một cái, rồi thẹn thùng cất tiếng :
− Xin tha cho nô tỳ cái tội thất lễ. Dám xin hỏi công tử từ nơi nào tới đây? Là con cái nhà ai? Tuổi niên hoa như công tử, sao lại đến nỗi phải làm cái nghề này? Công tử há chẳng biết rằng thiều quang thấp thoáng, năm tháng trôi qua, hối hận còn kịp nữa chăng ru? Thỉnh cầu công tử giải đáp cho cặn kẽ tỏ tường.
Nghe những lời đó, trong lòng tôi nghĩ cô ta là người vô cùng thông tuệ, chẳng có chi giống như người lam lũ chốn hương thôn. Nhưng vì lẽ gì mà đột nhiên cô tra hỏi quanh co như thế? Chẳng lẽ đây lại là một thầy tướng số chuyên đoán vận mệnh hay sao? Cô chỉ có ý thăm dò nơi ăn chốn ở của tôi thôi, hay còn có nguyên do gì khác nữa? Tôi chỉ còn biết đứng trơ ra đó như tượng gỗ, trong lòng lúng túng, không biết phải đối đáp thế nào.
Im lặng một lúc, cô gái lại nói tiếp:
− Em sở dĩ đường đột hỏi như thế, ấy chẳng qua là tuân theo lệnh tiểu thư trong nhà bảo em ra hỏi công tử những lời đó. Tiểu thư nhà em vốn tính tình u nhã, lặng lẽ vô song, chưa hề trò chuyện với người ngoài. Nhưng hôm nay lại sai em làm vậy, bởi vì tiểu thư em nghe trong tiếng rao bán hoa của công tử có mang dư âm cay đắng, nghẹn ngào. Hôm nay tiểu thư em nhìn thấy công tử bên ngoài song cửa thì suy ngẫm rằng thân thế công tử chắc chắn không phải tầm thường. Xin công tử đừng lấy làm lạ về những câu hỏi lộn xộn chẳng đúng lớp lang của em. Có phải công tử họ là Hà Hợp, tên là Tam Lang đó chăng?
Đột nhiên nghe câu nói đó, tôi sững sốt đến cực độ, chỉ muốn co giò chạy trốn. Nhưng tôi lại nghĩ tiếp cô ta chẳng hề có ý làm hại chi mình cả, bèn chậm rãi mà đáp rằng:
− Đúng vậy. Tôi đang cần kiếm tiền thật gấp để sang Nhật Bản tìm mẹ, nên bất đắc dĩ phải làm công việc này. Những mong cô nương đừng tiết lộ chuyện này với ai thì tôi mang ơn cô nhiều lắm.
Cô gái cúi chào tôi, rồi nói tiếp:
− Xin kính cẩn nghe lời dạy bảo! Xin công tử hãy tự bảo trọng! Sáng mai, mời công tử quay lại chỗ này. Bây giờ em xin về báo lại với tiểu thư nhà em.
Từ
lúc đó, lòng tôi ngổn ngang trăm mối, như sóng nước dâng trào, bèn rầu rĩ rảo
bước về nhà.
Hôm sau, khí trời u ám nặng nề, so ra còn hơn cả ngày hôm trước. Lúc tôi thức giấc, cảm thấy thẩn thờ như kẻ mất hồn. Vì chỉ một lúc nữa thôi, tôi phải đến hội ước với cô gái danh giá kia rồi. Hỡi các bạn đọc, đến chỗ này ắt các bạn nghĩ rằng tôi đang rơi vào trong tấm lưới tình, gây trở ngại cho cõi thanh tĩnh pháp lưu. Tuy nhiên, vào ngày hôm đó, tôi vẫn chính tâm tư niệm :
− Mình là sa môn sống trong cõi tục, cần phải giữ đạo hạnh như hoa sen mọc từ bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, vậy thì có chi đâu mà lo chứ?
Khi hồi tưởng lại những chuyện đã qua, lòng tôi thấy ray rức, bi thương khôn tả. Tôi sẽ lần lượt thuật lại để các bạn đọc hiểu rõ đầu đuôi.
Tôi bước ra khỏi nhà, ngay thời điểm đó, lòng tôi tự dưng trào dậy những cảm xúc ray rức, bi thương. Thôn làng ven sông đang cúng lễ Hàn Thực, gió cuốn mưa bay lất phất. Tôi đưa mắt nhìn bốn phía, tim đập như trống làng. Trong lòng thầm đoán rằng cảnh vật đã u sầu hoang lương như thế hẳn chẳng phải là điềm lành. Nhưng rồi lại nghĩ cô tiểu thư kia đã ước hẹn hội ngộ, nhất định phải có duyên cớ xa xôi. Nếu không có mối liên quan nào cả thì sao cô lại biết rõ danh tính của mình?
Hơn nữa, hôm qua tôi có nhìn thấy loáng thoáng phương dung điềm đạm nhu mì, đơn sơ nhã đạm, đâu có giống vẻ diễm lệ lòe loẹt của kẻ phàm phu. Làm sao cô có thể cá mè một lứa với những kẻ hạ lưu dung tục được?
Tôi vừa đi vừa suy nghĩ, bất giác lại đến chỗ cũ, nơi khung cửa sổ hôm qua với màn lụa biếc. Tôi đứng trơ như phỗng một hồi lâu, mà chẳng thấy có động tĩnh chi hết.
Tôi trầm ngâm suy nghĩ, tự nhủ liệu có phải cô gái đó muốn bỡn cợt mình chăng. Rồi nghĩ lại câu chuyện hôm qua, mỗi lời mỗi tiếng đều trang trọng chí tình, sao còn hồ nghi gì nữa?
Không bao lâu thì mưa gió ngớt dần, cô gái hôm nọ mở cửa bước ra. Cô ta chẳng nói, chẳng cười, cứ đi tới trước mặt tôi, và đưa hai tay ra trao cho tôi một phong thư. Tôi vừa cầm phong thư, thấy khá nặng, toan cất tiếng hỏi, thì cô gái đã vội vã trở gót quay vào. Tôi vội vã bóc phong thư ra xem thì thấy rất nhiều vàng. Lòng tôi hoang mang nghi hoặc, nhìn kỹ thì thấy còn có cả xuyến bạc cùng đồ trang sức của phụ nữ và một tờ thư viết cho tôi.
Than ôi! Các bạn đọc ơi, xem xong lá thư, tâm hồn tôi dao động với nỗi đau thương cùng cực, cả cõi lòng như bị xé nát tan tành. Thư viết :
Thiếp là Tuyết Mai, đem nước mắt hòa mực mà trân trọng trình lá thư này cho Tam Lang túc hạ.
Trước đây, thiếp nghe người ta ai cũng bảo rằng chàng đã thế phát quy y, gởi mình nơi cửa Phật. Thiếp vốn cho rằng bản tính chàng vốn kiên trì với cõi tĩnh lặng cô đơn, gắn bó với cảnh quạnh hiu cô tịch, cho nên thiếp tin ngay những lời đồn đó. Thiếp đau đớn khóc than, đã mấy phen muốn kết liễu đời mình. Canh khuya tịch mịch nhớ chàng, mà con đường dẫn đôi ta tìm đến nhau trong cõi mộng cũng chẳng biết nơi đâu. Số mệnh đã thế, còn biết nói sao!
Gần đây, liên tục mấy buổi sớm mai, nghe giọng rao bán hoa, thiếp kinh hoàng nhận ra âm thanh đó sao mà giống hệt như phát ra tự đáy lòng của Tam Lang. Thuở thiếp còn bé, đã từng được hai bên gia đình hứa gả cho nhau, thiếp từ một lần được gặp chàng, thấy được phong thái anh hoa, cảnh tượng đó cho tới tận bây giờ thiếp vẫn còn khắc ghi trong tâm khảm. Mãi tới sáng hôm qua, khi đứng sau song cửa nhìn thấy chàng, thiếp biết rõ đó đúng là chàng Tam Lang của mình rồi. Lúc bấy giờ, thiếp cảm thấy hồn điên đảo, như bay bổng đi đâu mất. Người thiếp như trôi bồng bềnh trong cõi hư không, mà lòng thì rộn ràng xao xuyến, không sao kiềm chế được. Thiếp những muốn tự mình đi đến gặp chang để trình bày nỗi niềm tâm sự trước mặt người quân tử, nhưng danh nghĩa không cho phép. Nên đã sai tỳ nữ mạo muội bước ra thăm hỏi, khiến chàng phải một phen thảng thốt hoang mang, xin Tam Lang hãy thương thiếp mà thứ lỗi cho.
Kể từ ngày thân mẫu qua đời cho đến nay, thiếp sống linh đinh sầu khổ, chẳng còn thiết chi tới sinh thú ở đời. Kế mẫu là người ít ân đức, thấy lợi quên nghĩa, xúi giục thân phụ già nua của thiếp hủy bỏ hôn ước ngày trước đi, mà hãy tính chuyện đem gả thiếp cho kẻ khác. Hỡi ôi, Tam Lang! Lòng thiếp đã thề sắt son chung thủy, kiên trinh chẳng chịu đổi dời. Nếu một ngày kia, thiếp bị cha mẹ áp bức quá thì thiếp chỉ còn cách quyên sinh để bày tỏ lòng mình. Thiếp dẫu có thịt nát xương tan, hình hài hủy diệt đến ngàn vạn kiếp, thì thiếp cũng chỉ nguyện cùng Tam Lang kết mối đồng tâm.
Đấng cao xanh có thương xót mà giúp cho ta thành toàn sở nguyện, hay ghét bỏ để mọi sự dở dang, thôi cũng đừng hỏi làm chi nữa! Đâu ngờ hôm nay ngẫu nhiên gặp lại tôn nhan, thấy Tam Lang của thiếp vẫn được bình yên, thiếp mới cảm nhận được lòng trời từ ái bao dong, mà lòng thiếp thì vui mừng khôn xiết. Than ôi! Vũ trụ bao la man mác, nếu thiếp mà bỏ chàng thì còn biết gá nghĩa cùng ai!
Dẫu cho biển xanh khô cạn, núi đá bào mòn, dẫu cái sinh mạng bé bỏng này chỉ như một sợi tơ mong manh dễ đứt, nhưng ước nguyện của thiếp vẫn không bao giờ thay đổi. Nay thiếp xin biếu chàng trăm đồng vàng xem như chút lòng phụng hiến, mong chàng sớm mua vé lên đường, để cùng thái phu nhân sắp xếp cho chuyện đôi ta. Thiếp đã đắn đo suy nghĩ việc này hàng trăm phen ngàn bận, chỉ xin chàng rủ lòng thương xót.
Thiếp đang chịu cảnh cư tang thân phụ, không thể giãi bày cặn kẽ, chỉ mong chàng trên dặm đường dài xin hãy bảo trọng tấm thân.
Tuyết Mai là vị hôn thê, là người vợ chưa cưới của tôi. Vậy thì làm sao tôi có thể nhẫn tâm bỏ rơi nàng để một mình đi vào trong núi hoang cô tịch? Bạn đọc hẳn cho rằng tôi là đứa bất cận nhân tình, thật ra tôi sở dĩ xuất gia chỉ là để bảo tồn được cho cái sinh mệnh của Tuyết Mai.
Nên biết rằng Tuyết Mai vốn là kỳ nữ cổ đức u quang, sống theo đạo đức của người xưa, phẩm hạnh thanh cao luôn ẩn tàng chứ không hiển lộ. Tôi xin nói cho bạn đọc hay rằng thân phụ của Tuyết Mai vốn là bạn thân của nghĩa phụ tôi. Khi nghĩa phụ tôi còn sống, hai vị đã hứa hôn với nhau, muốn đem Tuyết Mai gả cho tôi rồi.
Nhưng rồi về sau, cha của nàng thấy gia đình nghĩa phụ tôi càng ngày sa sút, còn thân mẫu tôi thì biền biệt sơn khê, bặt vô âm tín, nên ông ta đâm ra hối hận, muốn hủy bỏ lời hứa ngày trước. Nhưng Tuyết Mai là hạng người thanh cao vô tỷ, phẩm hạnh tuyệt trần, làm sao có thể cam tâm phụ ước? Thân phụ nàng cùng kế mẫu đều chẳng ai đoái hoài thương xót chi tới nàng, họ xem con gái chỉ là món hàng hóa để mua bán mà thôi. Họ chỉ cần làm sao bán được món hàng với giá cao. Huống hồ quyền hành đều nằm cả nơi tay cha mẹ thì liệu thân phận bé bỏng của con ong, cái kiến có thể cất lên một tiếng nhỏ để kêu than?
Từ đó về sau, Tuyết Mai chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay, không biết bày tỏ tâm sự cùng ai. Nỗi lòng ai oán của người con gái dân dã kia chỉ còn cách là mang xuống đài để nương tựa vào thân mẫu chốn địa phủ âm cung. So với cuộc sống bi thương nơi thế gian hung ác này, điều đó ngẫm ra còn yên vui, sung sướng hơn. Cảnh ngộ đó, nếu không phải tự thân mình trãi nghiệm thì chẳng thể nào hiểu được.
Tôi ngày càng lớn lên, đã lâu ngày chẳng được cùng Tuyết Mai tương kiến, nên chẳng có cơ hội nào để chứng minh tình yêu của lòng mình. Nhưng khi nhìn ra được cái tình huống kia thì lòng tôi thấy bi thương, phiền muộn khôn nguôi. Âm thầm suy gẫm, xét ra chỉ còn cách xuất gia, quy y cửa Phật, theo chân Bồ Đề Đạt Ma, sống giữa Tăng già mới có thể dập tắt được tiếng lòng thương yêu của người con gái xinh đẹp đó, để cho nàng có thể yên tâm sống trong hạnh phúc gia đình cùng kẻ khác. Nếu không làm thế, ắt người em gái danh giá với dung nhan tuyệt diễm kia phải vì tôi mà ôm nỗi sầu ủ ê cho đến ngày xa lìa cõi thế. Sao có thể như vậy được? Há chẳng thấy rằng phụ mẫu của nàng vì tham lợi mà đầu óc u mê, thà để cho cốt nhục thân yêu của mình tan rã theo bụi cỏ bờ cây, còn hơn là đem gả cho kẻ mồ côi cô độc, con của một người vợ lẻ, lại bần hàn đói rét như tôi?
Lúc bấy giờ, tôi còn trẻ tuổi, thịnh khí tràn trề, trí đương no và khí xuân đương khỏe, nên cất bước ra đi, không thèm quay đầu ngoảnh lại, phiêu nhiên mà tìm tới chùa Thường Tú tại Quang Châu, khẩn cầu Tán Sơ trưởng lão cho phép tôi được xuất gia. Vị trưởng lão nhận tôi làm Khu ô Sa di, tức hạng sa di từ bảy đến mười ba tuổi. Tôi chỉ biết cầu mong Phạm Thiên Đế Thích ban phát hồng ân cho nữ lang mệnh bạc đó
Những
chương sách trước đây thuật lại nỗi niềm thương nhớ mẫu thân khi tôi còn ở
trong ngôi cổ tự, tức những sự tình diễn ra mấy tháng sau ngày tôi vào chùa.
Từ ngày nhận được lá thư của Tuyết Mai, tôi mới hiểu nàng yêu tôi tha thiết, và tin tưởng vô bờ. Lúc ấy, cả linh hồn thể phách tôi đều chao đảo, không còn biết xoay xở đường nào. Tôi chẳng biết đâu là cõi vòi vọi bích lạc, đâu là chốn thăm thẳm hoàng tuyền. Trừ em Tuyết Mai ra thì, đối với tôi, cả vũ trụ bao la này đâu còn sự vật nào hiện hữu? Bà vú nuôi tôi, tuổi tác đã ngoại năm mươi, mới một phen nhìn thấy lá thư em Tuyết Mai, đã nghe lòng cảm nỗi bi thương như thể chính bà là người trong cuộc, nên lệ đổ dầm dề. Trong cảnh huống đó, bạn đọc cũng có thể hình dung được thần kinh tôi ở trong tình trạng như thế nào rồi.
Nên biết rằng mọi sự trong thiên hạ đều do một chữ ái mà sinh ra, nên chẳng sự nào mà lại không khó khăn gay cấn. Vô luận là do thấp sinh, hóa sinh, noãn sinh, hay thai sinh, nói chung hễ đã vì duyên do kia mà nhập vào cõi sinh tử thì đó là điều đáng phải bi ai!
Bốn ngày sau lễ Thanh Minh, khi trời vừa rạng sáng, những tia nắng sớm mai chiếu vào cây cối, mùi hương hoa lá ngào ngạt khắp nơi, đó là lúc tôi từ biệt Triều Nhi và vú nuôi. Vú cũng hối thúc tôi lên đường gấp gáp để tìm lại thân mẫu. Còn về phía Tuyết Mai, tất nhiên bà sẽ vì tôi mà hết lòng giúp đỡ.
Tôi chẳng biết phải dùng lời nào để báo đền ân đức vú nuôi, chỉ để nước mắt dầm dề. Rồi tôi lấy ra hai chục đồng vàng, trong số bạc Tuyết Mai tặng tôi, trao cho Triều Nhi để nó mua áo lông cừu cho mẹ. Lại nghĩ Triều Nhi tuy còn nhỏ tuổi, mà đối với mẹ thật là chí hiếu, bất giác tôi thấy xúc động trong lòng. Đứng nhìn nhau thật lâu, lòng tôi cứ dùng dằng lưu luyến, chẳng nỡ làm cảnh chim yến, chim oanh rẽ cánh phân ly để bay về hai phương trời cách biệt. Chợt quay đầu nhìn lại khu vườn, thấy tất cả hoa cỏ đều mang vẻ sầu não đáng thương thì lại thấy trong lòng dâng trào muôn nỗi bi ai, tôi bồi hồi chực khóc. Bà vú nuôi đến bên tôi mà nói:
− Tam Lang à, cậu phải lo mà lên đường! Cứ lưu luyến mãi, tàu mà nhổ neo thì khổ.
Đến lúc đó, tôi mới nghẹn ngào từ biệt vú nuôi và Triều Nhi mà đi.
Hai ngày sau tới Quảng Châu. Tôi lên bờ, đi bộ, định tìm thăm vị thầy cũ và từ biệt ông. Đâu hay chùa Thường Tú đã bị bọn người tân học hung bạo phá hủy để làm khu chợ, pháp khí thảy không còn. Tôi nghĩ rằng thầy bổn sư của tôi lúc bấy giờ đã quay về tĩnh thất, nên ngay trong ngày hôm đó, tôi đáp tàu đi Hương Giang.
Sáng hôm sau, tôi ăn mặc chỉnh tề, đi đến nhà mục sư Robert (羅 弼 La Bật). Vị mục sư ấy nguyên là người Tây Ban Nha. Cách đây mấy năm, ông đưa vợ và cô con gái tới lưu trú nơi đây, và xây một căn nhà tại Thái Bình sơn. Ông luôn ở trong nhà, ít ra ngoài giao thiệp; chỉ thích sưu tầm những cổ vật cùng kỳ hoa dị thảo mà thôi. Tôi vốn đặc biệt hâm mộ vị mục sư vì bản chất thanh u tuyệt tục. Ông thực sự là một giáo sĩ cương trực của Cảnh giáo[3], chẳng hề có tâm làm hại ai, cũng không nghĩ tới chuyện chinh phục nước khác. Tôi theo ông học tập Âu văn được hai năm, nên ông đối với tôi có nhiều tình cảm thiết thân.
Vưa
đến nhà mục sư, Doanh Doanh − cô gái ông Robert − đã niềm nở chào đón tôi. Vợ
chồng ông mục sư cũng tỏ vẻ mừng rỡ, hân hoan khôn xiết. Khi nghe tôi kể lại sự
tình từ chuyện tin tức của mẫu thân đến chuyện của Tuyết Mai, ai nấy đều rưng
rưng nước mắt. Trong lòng tôi lúc đó ngập tràn muôn vàn cảm xúc nên bất giác bật
òa lên khóc.
Bốn ngày sau, vợ chồng ông mục sư sắm sửa cho tôi bốn bộ âu phục. Khi mọi chuyện đã xong xuôi đâu đó, ông mục sư nắm lấy tay tôi mà nói :
− Tàu nhổ neo vào lúc chính ngọ, cháu hãy bảo trọng. Thượng Đế ắt sẽ ban cho cháu đầy đủ phúc tuệ. Cháu đi chuyến này, nhớ thỉnh thoảng viết thư nhắn tin về cho ta biết.
Ông mục sư vừa nói xong thì cô con gái ông cũng dịu dàng bước tới, thướt tha trong bộ váy xanh lam. Trông gương mặt nàng có vẻ ưu sầu. Khi đến trước mặt tôi, nàng ân cần bắt tay tôi một cách thân thiết, rồi tặng tôi một bó hoa tử la lan cùng hàm tu thảo, và thêm một bộ sách Anh văn đủ loại. Tôi cảm tạ, đón nhận tặng vật của nàng. Chẳng mấy chốc, biển trời hiện ra trước mắt, tôi đã lên đường đi Nhật.
Thuyền đi được năm ngày năm đêm, xuyên qua Thái Bình Dương. Lúc bấy giờ, gió lồng lộng giữa triều ngày cùng cảnh vật đẹp xinh. Tôi lẩn quẩn trên boong tàu, quẩn quanh lui tới phòng thủy thủ. Man man thiên hải, diểu diểu dư hoài. Biển trời lồng lộng bao la, lòng tôi thương nhớ phương xa, chốn nào …
Mở mấy cuốn sách của tiểu thư nhà Roberrt trao tặng ra xem. Trong đó có đầy đủ toàn tập của Shakespeare, Byron và Thất Lê 室 梨[4]. Tôi từng nói rằng Byron không khác gì Lý Bạch của Trung Hoa, đó là những thiên tài. Shakespeare cũng giống như Đỗ Phủ, đó là những tiên tài. Thất Lê thì cùng một nòi với Lý Hạ, đó là những quỷ tài.
Tôi khởi sự đọc thơ của Byron, bài “Childe Harold’s Pilgrimage” (Cuộc hành hương của Childe Harold). Tới đoạn cuối, có sáu chương đoạn vịnh trùng khơi đại hải, bèn than dài một tiếng:
− Hùng hồn kỳ vĩ, thi nhân xưa nay, thật không một ai sánh kịp!
Tôi cầm bút chấm mực, dịch bài thơ ra Hán ngữ như sau:
Hoàng đào lan hãn | 皇 濤 瀾 汗 |
Linh hải ửu minh | 靈 海 黝 冥 |
Vạn sưu cổ tiếp | 萬 艘 鼓 楫 |
Phiếm nhược khinh bình | 泛 若 輕 萍 |
Mang mang cửu vi | 芒 芒 九 圍 |
Mỗi hữu di hư | 每 有 遺 虛 |
Khoáng tai thiên chiểu | 曠 哉 天 沼 |
Phỉ nhân du cư | 匪 人 攸 居 |
Đại khí tự vận | 大 器 自 運 |
Chấn đãng nghệ phong | 振 盪 帠 夆 |
Khởi y nhân lực | 豈 伊 人 力 |
Hách bỉ thần công | 赫 彼 神 工 |
Võng tượng sạ kiến | 罔 象 乍 見 |
Quyết chu một nhân | 決 舟 沒 人 |
Cuồng bạc vị kỷ | 狂 謈 未 幾 |
Toại vi ba thần | 遂 為 波 臣 |
Yểm thể vô quan | 掩 體 無 棺 |
Quy cốt vô phần | 歸 骨 無 墳 |
Táng chung thanh tê | 喪 鍾 聲 嘶 |
Địch hỹ thùy văn | 逷 矣 誰 聞 |
Thùy năng thừa kiễu | 誰 能 乘 蹻 |
Lý thiệp cuồng ba | 履 涉 狂 波 |
Miễu chư thương sinh | 藐 諸 蒼 生 |
Kỳ nại công hà | 其 奈 公 何 |
Ương ương đại phong | 泱 泱 大 風 |
Lập nhụ khởi bãi | 立 懦 起 罷 |
Tư duy công công | 茲 維 公 功 |
Nhân lực hà suy | 人 力 何 衰 |
Diệc hữu hùng hào | 亦 有 雄 豪 |
Trung nguyên lăng lệ | 中 原 陵 厲 |
Tự công hung trung | 自 公 匈 中 |
Trích bỉ không tế | 擿 彼 空 際 |
Kinh lãng đình bôn | 驚 浪 霆 奔 |
Nhiếp hồn tủng thần | 懾 魂 愯 神 |
Chuyển trắc trương hoàng | 轉 側 張 皇 |
Ký vi công lân | 冀 為 公 憐 |
Đằng lan phó nhai | 騰 瀾 赴 厓 |
Tải bỉ vi thể | 載 彼 微 體 |
Thăng nịch hàm hoằng | 抍 溺 含 弘 |
Công hà khởi đệ | 公 何 豈 弟 |
Dao sơn hám thành | 搖 山 憾 城 |
Thanh nhược lôi đình | 聲 若 雷 霆 |
Vương công kiềm thủ | 王 公 黔 首 |
Mạc bất chấn kinh | 莫 不 震 驚 |
Hách hách quân sưu | 赫 赫 軍 艘 |
Diệc hữu phù danh | 亦 有 浮 名 |
Hùng thị hải thượng | 雄 視 海 上 |
Đại mạc dữ kinh | 大 莫 與 京 |
Tự công thị chi | 自 公 視 之 |
Miễu hỹ kỳ hình | 藐 矣 其 形 |
Phân phân dung dung | 紛 紛 溶 溶 |
Toàn nhập thương minh | 旋 入 滄 溟 |
Bỉ a ma đà | 彼 阿 摩 陀 |
Thất kỳ uy linh | 失 其 威 靈 |
Đa la phược ca | 多 羅 縛 迦 |
Tráng khí diệc khuynh | 壯 氣 亦 傾 |
Bàng công nhi cư | 傍 公 而 居 |
Hùng quốc kỷ hứa | 雄 國 幾 許 |
Tây lợi khư duy | 西 利 佉 維 |
Hy Lạp La Mã | 希 臘 羅 馬 |
Vĩ tai tự do | 偉 哉 自 由 |
Công sở tích dữ | 公 所 錫 予 |
Quân đức ký suy | 君 德 既 衰 |
Hao tai tư thổ | 耗 哉 斯 土 |
Toại thành di hư | 遂 成 遺 虛 |
Công mục sở đỗ | 公 目 所 睹 |
Dĩ ngạo dĩ ngu | 以 敖 以 娛 |
Phan hồi đào vũ | 旛 回 濤 舞 |
Thương nhan bất quân | 蒼 顏 不 皸 |
Trường thọ tự cổ | 長 壽 自 古 |
Diểu di thiền man | 渺 瀰 澶 漫 |
Thao thao bất xả | 滔 滔 不 捨 |
Hách như dương toại | 赫 如 陽 燧 |
Thần linh thị giám | 神 靈 是 鑒 |
Biệt phong hoài vũ | 別 風 淮 雨 |
Thượng lâm hạ giám | 上 臨 下 監 |
Phù dao dương giác | 扶 搖 羊 角 |
Dung dung đạm đạm | 溶 溶 澹 澹 |
Bắc cực ngưng băng | 北 極 凝 冰 |
Xích đạo dâm diễm | 赤 道 淫 灩 |
Hạo thử địa kính | 浩 此 地 鏡 |
Vô duệ vô xiêm | 無 裔 無 襜 |
Viên hình tại tiền | 圓 形 在 前 |
Thần quang đạp thiểm | 神 光 耷 閃 |
Tinh mị biến quái | 精 鬽 變 怪 |
Xuất nhĩ nệ niêm | 出 爾 泥 淰 |
Hồi lưu vân chuyển | 回 流 雲 轉 |
Khí dịch thư thảm | 氣 易 舒 慘 |
Công chi dâm uy | 公 之 淫 威 |
Hốt bất khả nghiệm | 忽 不 可 驗 |
Thương hải thương hải | 蒼 海 蒼 海 |
Dư niệm cựu ân | 餘 念 舊 恩 |
Nghê thời thủy hy | 兒 時 水 嬉 |
Tại công ưng tiền | 在 公 膺 前 |
Phí ba khích ngạn | 沸 波 激 岸 |
Tùy công chuyển toàn | 隨 公 轉 旋 |
Lâm lâm tường triều | 淋 淋 翔 潮 |
Dựng dư vãng hoàn | 媵 餘 往 還 |
Địch ngã hung ức | 滌 我 匈 臆 |
Nhiếp ngã tinh hồn | 懾 我 精 魂 |
Duy dư dữ nữ | 惟 餘 與 女 |
Phụ tử chi thân | 父 子 之 親 |
Hoặc cận hoặc viễn | 或 近 或 遠 |
Thác ngã nguyên thân | 托 我 元 身 |
Kim ngã lai tư | 今 我 來 斯 |
Ác công chi thuấn. | 握 公 之 鬊 |
Dịch xong bài thơ Byron, tôi lần lượt ngâm vang. Lúc bấy giờ, mảnh trăng non xuất hiện trên nền trời, năm ba ngọn đèn thuyền cá lấp lánh, gió mát thổi hiu hiu, cảnh tượng thật bao la man mác
Sáng
hôm sau, con tàu cập bến Yokohama. Tôi lên bờ tìm một khách sạn. Sau đây, xin
thuật lại những việc xảy ra trên đất nước Nhật Bản.
Sau khi thu xếp hành trang, tôi liền rút tờ giấy ghi địa chỉ do vú nuôi trao để nhờ ông chủ khách sạn chỉ đường giúp. Ông ta bảo:
− Chỗ này rất gần đây. Nơi đó cực kỳ yên tĩnh. Nếu đi tàu hỏa thì chỉ qua năm trạm là đến. Quý khách hãy thư thả dùng một chung trà đã, cứ để tôi mua giúp vé tàu cho. Tôi đã gặp nhiều người, mà chưa từng thấy người nào có phong thái siêu dật như quý khách, cho nên quý khách đến tham quan nơi đó là đúng rồi. Bây giờ quý khách nóng lòng đi ngay, phải chăng là có công việc cần kíp?
Tôi đáp:
− Tôi đi thăm thân mẫu.
Ăn trưa xong, chủ khách sạn tiễn chân tôi tới nhà ga. Tôi vô cùng cảm kích tấm lòng ân cần chu đáo của ông ta. Tàu lăn bánh. Qua hai trạm tới một nhà ga tên là Đại Thuyền. Người trưởng tàu bảo tôi:
− Đến chỗ này là cậu phải đổi tàu. Cậu xuống đây, đi tiếp đến trạm thứ nhất là trạm Kim Thương, đến trạm thứ nhì là tới nơi.
Tôi đổi tàu, vào toa tàu ngồi ngay ngắn. Lòng tôi lúc bấy giờ cứ bồn chồn xao xuyến không sao tả xiết. Tôi tự nhủ :
− Chỉ một lát nữa thôi thì cốt nhục trùng phùng, được gặp lại mẹ hiền bao dung từ ái, há chẳng phải là chuyện vui sướng nhất nhất đời ta sao?
Rồi lại chuyển niệm, suy nghĩ :
− Từ nhỏ đến giờ ta chẳng có tin tức gì của mẹ, mà sự đời thì biến đổi đa đoan, biết đâu thân mẫu lại chẳng dời nhà sang nơi khác? Nếu hôm nay không gặp được mẹ thì chịu đựng sao nỗi cảnh phiêu bạc lạc loài?
Tim tôi đập rộn ràng không thôi, nhưng rồi con tàu chợt dừng bánh. Tôi đưa mắt nhìn ra ngoài cửa, thấy bảng đề ba chữ Đậu Tử dịch (Trạm Zushi), liền xuống xe.
Tôi ra khỏi sân ga, nhìn bốn bề chẳng thấy người đi đường. Vùng này thật quá đỗi tiêu điều, hoang vắng. Tôi thuê một chiếc xe tay. Người phu xe nhắm hướng đồng ruộng mà chạy bon bon. Lúc bấy giờ thời tiết cực kỳ lạnh lẽo. Nhìn ra xa chỉ thấy băng giá tích tụ lớp lớp hàng hàng. Xe cứ chạy như thế suốt mấy dặm đường, đến một chân núi thì rẽ trái, rồi tiếp tục chạy dọc theo bờ biển. Chỉ thấy lơ thơ mấy xóm chài. Lũ trẻ con đi đi lại lại tìm chỗ thả cần câu cá. Cảnh vật thật là hoang liêu u tịch, chẳng có một tiếng ồn nào.
Người phu xe chợt dừng chân, bảo:
− Nơi này là vùng Anh Sơn. Quý khách muốn đến chỗ nào?
Tôi hỏi lại:
− Nơi đây là Anh Sơn ư?
Bèn xuống xe, mang va ly đi bộ. Đi được một hồi lâu thì đến một nơi toàn thông xanh, cát trắng. Vừa mới dừng chân trông ngóng một lúc, chợt thấy ở xa xa có một con đường nhỏ, hai bên trồng tùng bách xanh um. Giữa con đường đó có một cây cầu nho nhỏ dẫn tới một căn nhà gỗ. Ngôi nhà hiện ra thấp thoáng, lưng tựa vào sườn núi, mặt hướng ra biển. Phía dưới cây cầu, nước chảy chạm vào đá nghe róc rách. Tôi vội vã tiến về căn nhà đó. Ngẩng đầu nhìn lên thấy bên tấm cửa sài có tấm bảng đề:
Tương Châu Đậu Tử
Anh Sơn thôn − số 8
Tôi vô cùng mừng rỡ, vì các hàng chữ đó chính là địa chỉ mà vú nuôi đã ghi lại cho tôi. Bèn đưa tay gõ nhẹ lên cánh cửa sài. Đợi một hồi lâu, vẫn thấy lặng lẽ như nhà vắng người. Tôi bèn gõ cửa lần nữa. Một người phụ nữ mở cửa bước ra. Nhìn người đó có tấm vải trắng buộc ở phía trước bụng, tôi đoán đó là thím đầu bếp.
Tôi liền hỏi:
− Xin thứ lỗi cho tội đường đột! Đây có phải là nhà của Hà Hợp phu nhân chăng?
Người phụ nữ đó đáp:
− Phải.
Tôi hỏi.
− Tôi muốn gặp phu nhân. Phiền thím thông báo giùm cho.
Người phụ nữ tỏ vẻ ngần ngừ, nói :
− Chủ nhân tôi bệnh nặng vừa mới thuyên giảm. Thầy thuốc dặn dò bà không được tiếp khách. Khách đến đây có việc gì, xin cho biết để tôi thay mặt báo lại bà chủ.
Tôi nói:
− Chủ nhân ở đây là thân mẫu của tôi. Tôi tên là Tam Lang. Tôi từ Trung Hoa sang đây, hôm nay mới tới Yokohama lần đầu. Nhờ thím thông báo gấp cho.
Người phụ nữ nghe nói thế thì giương mắt nhìn tôi từ đầu tới chân. Bà tập trung suy nghĩ một chặp, rồi kinh hãi kêu lên:
− Quý khách là Tam Lang thật sao? Tôi từng nghe chủ nhân nói đến thiếu chủ, và rất lo buồn vì không biết thiếu chủ sống chết ra sao.
Nói xong, bà liền quay vào trong nhà. Một lúc sau, bà trở ra, trang trọng mời tôi vào, dẫn tôi đến hành lang. Một cô bé tóc xõa lễ phép chào tôi, bảo :
− A huynh về lại, thật may mắn quá chừng! Mẹ bệnh đã một tháng nay. Sáng nay mẹ mới thấy khỏe khoắn đôi chút. Bây giờ mẹ vừa thức giấc. Mời a huynh vào gặp mặt mẹ.
Cô bé nói xong, đưa tôi lên cầu thang. Tôi đẩy tấm bình phong qua một bên thì thấy mẹ tôi tóc bạc lòa xòa, đang ngồi tựa trên giường. Bà chào đón tôi bằng nụ cười mĩm. Trong lòng tôi biết nụ cười đó của từ mẫu còn cay đắng xót xa gấp vạn lần gào khóc. Tôi chạy tới quỳ xuống bên chân mẹ, nghẹn ngào không thốt nên lời[5], chỉ có nước mắt tuôn trào như suối, ướt đẫm cả chiếc gối. Lúc bấy giờ, chợt nghe từ mẫu nghẹn ngào nói :
− Con ta còn sống bình an. Xin cảm tạ Trời Phật thương xót. Tam Lang! Con hãy lau nước mắt nhìn mẹ đây. Mẹ đau lần này mấy phen suýt chết. Tuổi già, sinh mệnh con người như ngọn đèn trước gió. Nay mẹ được gặp lại con, thân thể đột nhiên khỏe khoắn, dường như chẳng còn bệnh tật chi hết. Con đừng đau buồn nữa.
Bà nói xong, ghìm nước mắt lại, đưa tay nâng tôi đứng dậy. Bà từ từ quay nhìn cô bé, bảo :
− Đây là anh của con. Từ nhỏ, anh con sống xứ người, nên con chưa gặp mặt lần nào.
Rồi bà quay mặt lại nhìn tôi, nói tiếp:
− Con gái nuôi của mẹ đó. Năm nay nó mười một tuổi, nhỏ hơn con năm tuổi. Nó là em của con. Nó săn sóc mẹ rất chu đáo, mà mẹ cũng thương yêu nó hết mực. Còn chị của con ngày mai hay tin con đã về, nó sẽ tới gặp mặt. Chị của con đã lấy chồng hai năm nay. Việc nhà chồng bề bộn lắm nên nó không thể thường xuyên về nhà thăm viếng. Từ nay mẹ có được hai anh em con bên cạnh, thật là điều an ủi. Mẹ tạ ơn Trời Phật đã rủ lòng che chở không để cho cốt nhục của mẹ phải phiêu tán điêu linh, đúng là ơn đức sâu dày.
Mẹ tôi nói xong, tôi nhìn đứa em gái đang đứng nép bên mẹ, hai mắt rớm lệ, lộ vẻ buồn đau khôn tả. Lúc bấy giờ, cảnh huống thật là tịch mịch đìu hiu, thê lương cùng cực.
Một lát sau, mẹ tôi xoa đầu chúng tôi mà bảo :
− Các con đừng đau lòng nữa. Ngày mai là mẹ sẽ khỏi bịnh, ngày mốt mẹ sẽ dắt hai con tới viếng phần mộ ông ngoại con và cha con, để cầu nguyện hai vị phù hộ cho các con. Bà con thân thích nhà ta đông đúc lắm. Sau này, mẹ sẽ dẫn hai anh em con đi thăm quan và du ngoạn nhiều chỗ. Mẹ nằm bệnh đã lâu, nên cũng muốn đi xa một chuyến để xem phong quang cảnh vật ở quê người.
Lúc bấy giờ chợt thím đầu bếp trở vào đứng trước mặt mẹ tôi, dường như có ý muốn hỏi điều.
Mẹ tôi đứng lên và dặn em gái tôi :
− Huệ Nhi, con hãy dẫn anh con ra phía trước lầu nhìn xem phong cảnh đi. Anh con vừa mới lặn lội từ xa, chưa sạch bụi đường, thiệt khổ quá!
Xong, bà quay sang phía tôi, chỉ người đầu bếp mà rằng:
− Tam Lang, con hôm nay về ở gia đình, mọi sự cứ để cho A Trúc trông nom. A Trúc giúp việc nhà ta hơn mười năm nay, chị là người thật thà đôn hậu, mẹ rất thương mến chị ta.
Mẹ tôi nói xong thì bước xuống thang lầu, chuẩn bị lo cơm nước buổi tối cho tôi. Tôi trong lòng nghĩ rằng tầm lòng nhân từ trong thiên hạ không chi sánh bằng tình thương của mẹ đối với con.
Tôi bước theo chân em gái ra tới trước lầu. Chính vào lúc trời đã bảng lãng hoàng hôn, mặt trời lặn xuống sau dãy núi[6]. Ngư phủ quay thuyền về bến[7]. Ánh sáng của biển hòa chung vào sắc núi quả nhiên thanh lệ vô ngần.
Hốt nhiên từ sau núi nghe vẳng lại tiếng chuông, âm ba nhẹ nhàng lan tỏa cùng cánh chim hải âu bay lượn theo con sóng.
Em gái bảo:
− Tiếng
chuông chiều của Thần Vũ cổ tự đó anh.
Đêm đến, tôi viết hai bức thư. Một bức gửi cho vú nuôi, một bức gửi cho mục sư Robert. Trong cả hai bức thư, tôi đều cho biết mình đã bình an về tới gia đình, được gặp lại mẫu thân. Và kể rằng mẹ con tôi đều cảm tạ ân đức trước kia, vĩnh viễn ghi nhớ trong lòng, không bao giờ quên được.
Mẹ tôi gởi bà vú nuôi một trăm đồng vàng, dặn dò mẹ con bà hãy giữ gìn thân thể cho khỏe mạnh, tự nhiên ngày sau sẽ có dịp tái hội.
Viết xong hai lá thư, tôi thấy quá mệt mỏi, bèn ngủ một giấc say.
Ngày hôm sau khi tôi thức giấc thì ánh dương hồng đã chiếu qua song cửa. Tôi khoác áo đi vào phòng tắm. Tắm xong, lên lầu, nhìn ngọn Phù Dung phong (Fuyō-hō) nhô vút lên trên mặt biển lấp lánh sóng vàng óng ánh, tôi nghe trong lòng chừng như được gột sạch bao nỗi muộn phiền. Ngày hôm đó, tinh thần mẹ tôi bỗng nhiên hồi phục, bà cứ lăng xăng lo sắp đặt mọi thứ cho tôi, chẳng lúc nào chịu nghỉ tay.
Tôi về nhà đến ngày thứ ba, trời vừa mới tinh sương, mẹ tôi đã dắt tay hai anh em tôi đi vội tới bến xe để đi tảo mộ tại Tiểu Điền Nguyên (Odawara).
Hôm đó trời âm u lạnh giá, và rét mướt. Chuyến xe đi giữa trời tuyết bay mù mịt. Cảnh vật trên đường thật hắt hiu ảm đạm. Tới lúc xe dừng lại trạm Tiểu Điền Nguyên thì tuyết đã lấp kín mọi nẻo đường đi. Làng mạc quạnh hiu lại chìm trong gió tuyết nên không tìm được một bác kéo xe nào. Mẹ tôi bèn mướn một người đàn bà nhà quê cõng em tôi đi. Rồi ghé lại chỗ dịch trạm, mua một bó hoa tươi. Xong xuôi đâu vào đấy, tôi mới dìu mẹ tôi đi bộ hơn ba dặm đường để tới một chân núi. Tôi ngẩng nhìn lên chóp núi phủ đầy tuyết, thấy lộ ra trên đó một góc vách tường hồng. Mẹ tôi đưa tay chỉ cho tôi thấy và bảo rằng:
− Đó là Long Sơn tự. Mộ của ông ngoại con và cha con đều ở trên đó.
Chúng tôi lần theo các bệ đá mà chậm rãi leo lên. Lúc tới gần cửa chùa, thấy có hai câu đối :
Bồ đoàn tọa nại giang đầu lãnh
Hương hỏa trùng sinh kiếp hậu khôi.
蒲 團 坐 耐 江 頭 冷
香 火 重 生 劫 後 灰
(Đầu sông gió lạnh bồ đoàn,
Kiếp sau hương lửa tro tàn trùng sinh.)
Tôi trong lòng thầm nghĩ rằng hai câu đối thật là chỉnh đốn.
Vào tới chánh điện, một vị lão ni già nua lọm khọm bước ra, cùng mẹ tôi hàn huyên một chặp. Xong rồi vị lão ni đi thắp hương, và mang một bình nước trong đưa cho mẹ tôi. Tôi và đứa em gái nhỏ nhắn mảnh mai bước theo chân mẹ ra phía sau ngôi tháp, thấy hai nấm mộ của cha và ông ngoại nằm song song bên nhau. Bốn phía đều có hàng rào, bên ngoài hàng rào còn có các cây trụ gỗ. Bốn mặt trụ gỗ có khắc năm chữ Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không. Đó là nghi thức mà phái Mật Tông dùng để biểu thị oai đức của Đại Nhật Như Lai.
Tôi và em gái chạy nhặt nhánh thông để quét những mảnh tuyết đọng trên hai nấm mộ. Mẹ tôi tay cầm bình nước rưới xuống, từ đầu nấm mộ xuống đến phía dưới. Chẳng mấy chốc, nước chảy xuống, cuốn trôi sạch sẽ lớp tuyết phủ. Chúng tôi bày biện hương hoa ra cúng. Mẹ tôi lại nhặt một nhành lá trường thanh diệp đặt ngay ngắn vào giữa thạch án, bảo hai anh em tôi cùng quỳ lạy. Vái lạy xong, tôi ôm mặt khóc òa.
Mẹ tôi bảo:
− Tam Lang! Tuyết rời nhiều quá, mẹ con ta hãy liệu về ngay thôi.
Tôi mở mắt ra nhìn lại phần mộ thì thấy tuyết đã phủ lại một lớp dày ba đốt tay rồi. Những lễ vật vừa bày biện ra đều bị tuyết phủ kín cả. Mẹ tôi đem một ít tiền bạc gói trong tờ giấy trắng để tặng vị lão ni. Xong rồi, ba mẹ con tôi cáo biệt, đội tuyết mà xuống núi.
Mẹ tôi vừa đi vừa nói:
− Tam
Lang! Dì của con đã dời sang Sương Căn (Hakone) từ năm ngoái. Từ đây đến đó
cũng không xa là bao. Bữa nay mẹ muốn dẫn con tới thăm dì con. Con hãy biết rằng
thuở con còn nhỏ, dì của con yêu quý con như một con phượng non vậy. Ngày nào
mà không được thấy con thì trong lòng dì rất chi là buồn bực. Ngày trước, khi mẹ
dẫn con sang Trung Quốc, dì con đã hết sức ngăn cản. Con đi rồi, dì con đau như
đứt ruột. Tam Lang, con hãy ghi nhớ ân tình của dì, chớ có quên.
[1] Tống Hoài Tông (1271−1279) hay Tống Đế Bính (宋 帝 昺), là vị hoàng đế thứ chín và là hoàng đế cuối cùng của vương triều Nam Tống. Lúc đó, nhà Tống đã quá suy yếu trước sự xâm lược của quân Nguyên. Năm 1279, quân Nguyên, dưới sự chỉ huy của Trương Hoằng Phạm, tấn công vào lãnh địa cuối cùng của Tống là Nhai Sơn. Tả thừa tướng Lục Tú Phù đại bại, bèn ôm ấu chúa là Đế Bính − lúc đó mới 8 tuổi − nhảy xuống biển tự vẫn, triều Nam Tống chấm dứt.
[2] Hành ở đây có nghĩa là ra đi, lìa đời, “đại hành” có nghĩa là ra đi vĩnh viễn. Đại hành hoàng đế là vị hoàng đế đã băng hà, chứ không phải là vương hiệu của hoàng đế nào.
[3] Cảnh giáo (Nestorianism) là một nhánh của Ki tô giáo, bắt nguồn từ Syria, được chính thức du nhập vào Trung Quốc từ thời nhà Đường.
[4] Trong nguyên tác phiên âm là Thất Lê 室 梨. Tôi không tra cứu được đây là cách phiên âm tên của nhà thơ nào. Bản của Bùi Giáng ghi là Surrey, tôi cũng không rõ là ai nốt.
[5] So với cảnh trùng ngộ của Kiều : “Huyên già dưới gối gieo mình, Khóc than mình kể sự mình đầu đuôi” thì Tô Mạn Thù còn đau khổ hơn cả Kiều, vì mang tâm sự nặng nề mà không dám bộc bạch cho mẹ hiểu.
[6] Nguyên văn là “Thời chính Yêm Tư lạc nhật. 時 正 崦 嵫 落 日。”. Yêm Tư là tên một ngọn núi ở huyện Thiên Sơn, tỉnh Cam Túc. Người Trung Quốc thời xưa cho là mặt trời lặn xuồng nới đó. Cho nên thành ngữ “Nhật bạc Yêm Tư 日 薄 崦 嵫” hay “Lạc nhật Yêm Tư 落 日 崦 嵫” dùng để chỉ cảnh mặt trời lặn hay cảnh ngộ con người ở buổi tàn niên. Bùi Giáng dịch là “Mặt trời lặn xuống bên dãy núi Yentfu.” Có lẽ ông tham khảo bản tiếng Anh, nên bỏ qua ý nghĩa của thành ngữ này mà theo cách phiên âm Yêm Tư thành Yentfu?
[7] Đọc hai câu này, ta không khỏi bâng khuâng nhớ đến những câu thơ tuyệt diễm của Bà Huyện Thanh Quan : “Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn; Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn; Gác mái, ngư ông về viễn phố; Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.”
Thảo luận