Đây là hai câu thực của một trong các bài tán của Phật Quốc thiền sư trong “Văn Thù chỉ nam đồ tán” tán thán hình ảnh thượng thừa thù thắng của Bồ Tát Văn Thù trong Hoa Nghiêm kinh. Kinh ghi rằng sau khi đức Phật thuyết xong trong rừng Sa La, thính chúng giải tán, chỉ có Thiện Tài đồng tử đi theo đức Văn Thù Bồ Tát để hỏi đạo. Và đức Văn Thù Bồ Tát, hiện thân của Trí Tuệ, đã ngoảnh lại nhìn “như tượng vương hồi” (như Chúa voi quay đầu) để điểm hóa vị đồng tử này.
“Nhĩ thời, Văn Thù Bồ Tát như tượng vương hồi, quán Thiện Tài đồng từ, tác như thị ngôn : “Thiện tai! Thiện tại! Thiện nam tử, nhữ dĩ phát A nậu đa la tam miễu tam bồ đề tâm : Lúc bấy giờ, Văn Thù Bồ Tát như Chúa voi quay đầu, nhìn Thiện Tài đồng tử và nói như vầy: “Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử, ngươi đã phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ đề”.”(Hoa Nghiêm kinh, Nhập pháp giới phẩm)
Chính cái quay đầu thù thắng như tượng vương đó đã giúp cho vị đồng tử kia mở đầu cuộc lịch hành vào cõi pháp giới bất khả tư nghì. “Sư tử hống thời phương thảo lục, Tượng vương hồi xứ lạc hoa hồng”. Khi Sư tử gầm thét thì cỏ thơm trở nên xanh biếc để mừng đón, nơi tượng vương quay đầu nhìn lại thì những cánh hoa rơi bỗng chuyển sang màu hồng để cung nghinh. Thời gian của sư vương và không gian của tượng vương. Âm điệu và hình ảnh trong hai câu kệ này quả là tuyệt diệu. Đức Phật thuyết pháp là sư tử hống. Văn Thù quay đầu là tượng vương hồi. Sư tử hống là Nhất Thiết Chủng Trí. Tượng vương hồi là Vô Lượng Đại Bi. Trí và Bi là hai pháp lực gia trì để vị đồng tử sơ phát tâm kia đi vào cõi Đạo.
Chắc hẳn từ lâu, hình ảnh chúa sơn lâm đã ghi đậm nét trong hồn chúng ta như một biểu tượng kiêu hùng bất khả xâm phạm. Nhất là khi trong kinh Phật thường dùng ẩn dụ so sánh tiếng đức Phật thuyết pháp như tiếng gầm của loài sư tử, không những không sợ hãi bất cứ loài thú nào, mà còn làm cho các loài khác phải khiếp sợ và bị nhiếp phục. Có những chú sớ của các bậc tôn túc còn cho rằng khi sư tử hống thì nhiều loài thú sợ quá nên vỡ cả óc mà chết!
Chứng đạo ca của thiền sư Huyền Giác còn ghi :
Sư tử hống, vô úy thuyết,
Bách thú văn chi giai não liệt.
Hương tượng bôn ba thất khước uy,
Thiên long tịch thính sinh hân duyệt.
(Sư tử hống, thuyết không sợ,
Trăm thú nghe xong óc não vỡ.
Voi lớn chạy dài mất cả uy,
Rồng, Trời lặng ngóng lòng hớn hở)
Sư tử là chúa tể sơn lâm, thống trị muôn loài thú, điều này dường như đã trở thành một sự thật hiển nhiên. Nhưng nếu thử xem chương trình “Thế giới động vật”, chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên, vì cảnh thực trong thiên nhiên rất khác so với những điều chúng ta đã hình dung trong kinh sách. Nhưng cũng từ đó, chúng ta sẽ nghiệm ra được rất nhiều điều, khi quán sát vấn đề trên một bình diện khác.
Trong rừng xanh, dầu sư tử vẫn là loài thú oai hùng kiêu dũng bậc nhất, song bên cạnh đó còn có những bầy linh cẩu xấu xí, chuyên ăn thịt xác chết mà các loài thú khác để lại. Hình ảnh sư tử tung hoành trong rừng xanh quả là cảnh tượng mạnh mẽ, tưởng chừng như chúng là loài thú vô địch. Thế mà nhiều khi con sư tử vừa săn mồi xong đã bị đàn linh cẩu đông đảo xông vào cướp mất. Con sư tử kiêu hùng lắm phen đành phải nhường bước trước bầy linh cẩu. Bài học thực tế từ thiên nhiên đó có ý nghĩa vô cùng sâu sắc : dù là vua các loài thú, song không phải lúc nào con hùng sư cũng có thể dễ dàng chiến thắng và chế ngự được bầy linh cẩu. Từ một góc rừng của thiên nhiên, chân lý đó lại soi sáng được những điều khác trong cuộc sống, lẫn trong thế giới tư tưởng.
Trong thực tế, đôi khi loài Sư vương phải đành nhường bước cho bầy linh cẩu bởi chúng quá đông, và sức mạnh của chúng càng tăng lên gấp bội theo tính bầy đàn. Trong cuộc sống, đàn linh cẩu có thể là hạng người mà đức Khổng Tử gọi là “vô sở bất chí”, nghĩa là không có chuyện gì mà không làm được. Trong thế giới tư tưởng cũng vậy, kể từ sau khi đức Phật nhập diệt, trong vài giai đoạn lịch sử, Phật pháp tuy thậm thâm vi diệu nhưng đôi khi cũng đành phải chịu thoái trào trước làn sóng của các tà thuyết. Tà thuyết ở đây, không chỉ là những chủ thuyết sai lệch với Chánh pháp do kiến chấp và vọng tưởng, hay cái thấy biết một chiều mà kinh Phật gọi là “thiên ngộ”, còn phải kể thêm đến những hoạt động hoằng pháp thô thiển làm sai lệch hẳn chân tướng Phật giáo, biến diệu nghĩa trong giáo lý của đức Phật thành những điều mê tín dị đoan nhảm nhí đang lan tràn trong đồ chúng. Chính những hoạt động hoằng pháp – tạm gọi thế- của những người hành đạo mà không hiểu gì về Phật pháp, hoặc hiểu một cách cực kỳ thô thiển, đã làm vẩn đục cả thế giới tư tưởng siêu việt của đức Phật.
Do đó, chúng ta dễ hiểu vì sao đôi khi tiếng gầm “Sư tử hống” của Phật pháp vẫn chưa thể nhiếp phục được hoàn toàn, thậm chí còn bị chìm lẫn trong tiếng gầm gào của những bầy linh cẩu, và cái hồi đầu của Tượng vương vẫn chưa thể điểm hóa được cho hạng người căn cơ hạ liệt. Và điều đó được âm thầm chấp nhận như một tiếng thở dài trong thời mạt pháp!
Không ít người hiện nay thấy sự suy thoái của đạo Phật trên một vài bình diện đã vội đâm ra nghi ngờ tính khế cơ, khế lý của Phật pháp. Kinh Pháp Hoa chép rằng khi đức Phật thuyết pháp, có hơn 5,000 kẻ tăng thượng mạn đứng lên rời bỏ hội trường, mà đức Phật chỉ im lặng không ngăn cản. Về điểm này, nhiều nhà nghiên cứu không tán đồng thái độ của đức Phật. Ngay cả nhà Phật học lỗi lạc Kimura Taiken trong “Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận”, khi nghiên cứu kinh Pháp Hoa cũng cảm thấy “bất mãn” và “hoang mang” (X.bản dịch của H.T. Thích Quảng Độ, 1969, tr, 291-292). Song chư pháp vốn không có hình tướng nhất định, chư Phật lại có vô lượng phương tiện lực nên sẽ tùy duyên mà hóa độ chúng sinh, kể cả những kẻ tăng thượng mạn kia, để từng bước dùng phương tiện thiện xảo đưa họ về bến giác. Sự im lặng của đức Phật trước sự từ bỏ của những kẻ tăng thượng mạn, cũng là một trong hằng sa diệu dụng trong thể cách lập ngôn và thuyết pháp của chư Phật.
Chúng ta cần phải hiểu rằng loài sư tử khi vừa sinh ra đời đã là sư tử, đã cưu mang sẵn hạt giống của Chúa Tể Rừng Xanh để chế phục muôn loài thú. Cũng thế, Chánh pháp của chư Phật, dù đôi khi phải đắm chìm trong những cơn pháp nạn, vẫn hàm chứa diệu lực thù thắng thượng thừa của sự Toàn Giác để nhiếp phục được tất cả các tà thuyết. Tăng Triệu, trong lời tựa cho tác phẩm Trung Luận của Bồ Tát Long Thọ, nói : “Phù bách lương chi cấu hưng, tắc bỉ mao tỳ chi trắc lậu; đỗ tư luận chi hoằng khoáng, tắc tri thiên ngộ chi bỉ bội. (Kìa lúc trăm cột được dựng lên, ắt thấy nhà cỏ nhà tranh là quê mùa; khi thấy sự bao la hoằng viễn của luận này, ắt rõ sự chứng ngộ một chiều là thấp kém).
Mà nói về Trung đạo tức là nói về Chánh pháp. Và chân lý sau đây sẽ mãi mãi ngời sáng :
Sư tử hống thời phương thảo lục
Tượng vương hồi xứ lạc hoa hồng!
Thảo luận