Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Cõi đạo phương Đông trước tinh thần duy lý phương Tây

Đất nước Trung Quốc, với nền văn hóa vĩ đại tồn tại liên tục suốt mất ngàn năm, vẫn luôn là một trong những cái nôi minh triết của nhân loại, dù trên thế giới hiện nay, hai chữ Trung Quốc thường bị đồng hóa với những hình ảnh không được mấy tốt đẹp, như tham vọng trong chính trị, lừa đảo trong sản xuất, dối trá trong kinh doanh, dung tục trong ứng xử. Những điển tích thơ mộng trong thi ca, triết học ngày xưa như Lý Trích Tiên ôm trăng chết theo dòng nước, Bá Nha đập đàn bên mộ Chung Tử Kỳ, v.v… chỉ còn là hình ảnh nhạt phai của một thời vang bóng.

Thời Tiên Tần là giai đoạn cực thịnh của triết học Trung Quốc với cuộc đại biến động đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Cục diện “bách gia tranh minh” thời bấy giờ đã mở ra những chân trời tư tưởng vô cùng phong phú và đa dạng, không chỉ cho lịch sử triết học Trung Quốc về sau, mà còn cho cả nền triết học nhân loại. Nếu triết gia Mỹ Alfred North Whitehead đánh giá truyền thống triết học châu Âu chỉ là “một loạt các chú thích cho triết học Plato.”[1], thì ta cũng có thể nói triết học Trung Quốc sau thời Tiên Tần là “một loạt các chú thích” cho kho tàng tư tưởng vô cùng phong phú được khai nguồn từ thời Xuân Thu − Chiến Quốc.

Có lẽ đây là bộ triết học sử phong phú và công phu nhất về triết học Trung Quốc. Bản thân tác giả là một học giả uyên bác người Trung Quốc, được thế giới công nhận là triết gia về triết học Trung Quốc, nên ông mới có điều kiện và khả năng đọc được trọn vẹn rừng thư tịch khổng lồ trong kho tàng văn họcTrung Quốc cổ đại. Với kiến thức uyên bác, tư duy độc sáng và với cách biên khảo khoa học, ông đã đem lại những cái nhìn mới lạ về những tác phẩm kinh điển cổ đại vốn ít nhiều đã quen thuộc với đa số bạn đọc, và điều quan trọng là ông đã chỉ ra được mối quan hệ giữa những tác phẩm triết học đó, cũng như mối quan hệ giữa các hệ thống tư tưởng với những phong trào đấu tranh giai cấp trong xã hội bằng cái nhìn duy vật lịch sử khá lạ, mà đôi khi ta tưởng chừng như chúng chẳng có quan hệ gì với nhau.

Gần như ông đã dành toàn bộ thời gian cuối đời để hoàn thành bộ sách đồ sộ này trên tinh thần:

  • Chỉ viết theo những gì mình tiếp thu được từ chủ nghĩa Marx đến thời điểm hiện nay, chỉ diễn tả trực tiếp những gì mình lý giải và thể hội được từ chủ nghĩa Marx, chứ hoàn toàn không dựa theo ý kiến người khác.(*)[2] (tr.2)
  • Vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Marx, nhưng hoàn toàn không dựa vào chủ nghĩa Marx, cũng không sao chép chủ nghĩa Marx. (*) (như trên).

Cách nhìn này dù chưa hẳn đã hoàn toàn chính xác, nhưng nó đem đến cho người đọc những kiến giải và nhận xét vô cùng độc đáo, mà chúng ta không thể tìm trong bất kỳ cuốn sách nào về lịch sử triết học Trung Quốc, kể cả trong những bộ sách về triết học Trung Quốc của ông trước đó. Nhưng cũng chính vì thế mà chúng ta có dịp để nhìn lại cuộc giao thoa lịch sử mà tiêu đề bài viết này muốn nói đến : cõi đạo phương đông trước tinh thần duy lý phương tây. Chúng ta thử cùng nhìn tác phẩm này từ góc độ của những người sống trong truyền thống triết học phương đông.

Bộ triết học sử này ra đời vào giai đoạn mà phương đông phải đối mặt với sự tàn phá khốc liệt của những thế lực quân sự phương tây trong công cuộc thực dân bành trướng, trong thời gian kéo dài hàng thế kỷ. Theo bàn chân của những đoàn quân viễn chinh xâm lược, nền văn hóa phương tây lan dần đến phương đông, hình thành nên sự giao thoa văn hóa vĩ đại có thể nói là vô tiền tuyệt hậu trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Cuộc giao thoa này mang ý nghĩa khác hẳn cuộc giao thoa giữa hai nền văn hóa Ấn − Trung, khi Phật giáo từ Ấn Độ được truyền vào Trung Thổ. Vì cuộc giao thoa Ấn − Trung đó đã giúp Trung Quốc khai mở thêm những phần ẩn tàng trong cõi tư tưởng ban sơ để làm nảy sinh nào là Hoa Nghiêm tông, Thiền tông, v.v…, nào là tinh thần đạo học của Tống Nho, với những nhà tư tưởng lớn trùng điệp nảy sinh như Trí Khải, Cát Tạng, Chu Đôn Di, Lục Tượng Sơn, Vương Dương Minh, v.v…. Cuộc giao thoa đó giống như cuộc hội ngộ giữa Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, để Tố Như có cơ duyên phát tiết anh hoa mà tựu thành tuyệt tác Truyện Kiều.

Còn cuộc giao thoa văn hóa giữa phương đông với phương tây từ khoảng đầu thế kỷ 19 lại hoàn toàn khác hẳn. Toàn thể cõi đạo vô ngôn phương đông − ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến nền văn hóa Trung Quốc, vốn luôn lãng đãng cùng “cánh bướm Trang Châu” với những phương trời tư tưởng “huyền chi hựu huyền”, “sắc tức thị không, không tức thị sắc” − tựa hồ đã chịu một cơn chấn động dị thường, khi đối mặt trước cung điện duy lý đồ sộ của phương tây với những hệ thống khái niệm cực kỳ phong phú. Sự ưu việt không thể chối cãi của nền khoa học kỹ nghệ Âu Châu trên phạm vi toàn cầu đã tạo ra một thông lộ thênh thang để cho cơn hồng thủy tư tưởng phương tây tràn vào và nhấn chìm hầu như toàn bộ não trạng của chúng ta vào đại dương duy lý. Các bậc thức giả phương đông dường như thấy choáng ngợp khi phải đối mặt với những hệ thống tư tưởng mới mẻ đó, nên họ lúng túng trong quá trình tiếp cận, xem chúng như là cái gì quá đỗi ưu việt, tân kỳ.

Đặc trưng của văn hóa Trung Quốc là nó có sức đồng hóa rất mạnh. Bất kỳ dân tộc ngoại lai nào dùng vũ lực xâm lược Trung Nguyên, không chóng thì chầy đều bị nền văn hóa phong kiến đó đồng hóa. Những vó ngựa của đoàn quân thiện chiến Mông Cổ từng dẫm nát cả một phần bản đồ thế giới để kiến tạo nên một đế quốc mênh mông, nhưng sau khi chinh phục Trung Quốc để lập ra triều Nguyên thì những vó sắt kiêu hãnh đó dễ dàng bị khuất phục bởi những ngọn bút lông mềm mại, để cả một đế chế hùng cường với những thảo nguyên bát ngát nhanh chóng tan biến đi trong nghiên mực của nền văn minh Hoa Hạ. Mấy trăm năm sau, người Mãn khi chiếm xong Trung Quốc để lập nên đế chế Đại Thanh thì cũng bị đồng hóa dần với nền văn hóa bản địa để cho ra đời bộ bách khoa khổng lồ trong lịch sử phong kiến Trung Quốc là Tứ khố toàn thư dưới đời Càn Long, với hơn 800 triệu chữ. Sức thâu hóa mãnh liệt đó giống như “Hấp tinh đại pháp” của Nhâm Ngã Hành, luôn có khả năng hấp thu nội lực của kẻ địch để biến thành nội lực của bản thân mình. Nhưng khi đối đấu với tinh thần duy lý phương tây thì nền văn hóa Trung Quốc gần như tan hoang tinh thể, nó không những mất đi khả năng đồng hóa vốn có, mà bản thân còn bị tê liệt và biến tướng, môn “Hấp tinh đại pháp” tựa hồ như bị trúng phải “Hàn băng chân khí” cực kỳ bá đạo của Tả Lãnh Thiền!

Người ta nôn nóng muốn phá hủy hết những giá trị cũ để mở rộng cửa và mở rộng lòng đón nhận những làn gió phương tây thổi đến như một làn sinh khí mới, nhằm mong muốn vươn lên tầm cao của thời đại từ phương đông già cỗi! Những giá trị cũ bị phá bỏ không thương tiếc. Vị vạn thế sư biểu là Khổng Tử bị hạ bệ, nho giáo bị lên án như một vật chướng ngại, ngăn cản con đường tiến hóa của lịch sử. Những hệ thống tư tưởng sáng sủa của phương tây với những khái niệm rõ ràng, minh bạch hấp dẫn những não trạng phương đông vốn chỉ quen với lối suy diễn ỡm ờ “vô khả, vô bất khả”, “ngã thuyết… tức phi… thị danh…”. Ngay cả bậc thiên tài thượng trí như đại sư Vivekananda mà ban đầu còn choáng ngợp trước phương tây, huống gì người khác. Chỉ sau khi qua Âu Mỹ diễn thuyết một thời gian, ông mới quay về Ấn Độ, kêu gọi người dân quay về lại với truyền thống tâm linh của dân tộc.

Trong khi hầu hết các thức giả phương đông đều quay lưng với những giá trị phương đông để vội vã suy tôn những hệ tư tưởng phương tây thì chính một triết gia lỗi lạc phương tây là Heidegger lại chỉ ra hiểm họa của “Hàn băng chân khí” đó. Ta thử đọc một đoạn đối thoại giữa một thức giả Nhật Bản với triết gia Heidegger về ảnh hưởng của văn hóa phương tây.

Người Nhật : Người ta đã thấy sự thống trị không thể phủ nhận của lý trí Âu châu các ông được khẳng định qua sự thành công của tính duy lý, mà sự tiến bộ kỹ thuật đang phơi bày ra trước mắt từng phút, từng giờ.

Heiddeger :Sự mù quáng đó lớn mạnh đến mức người ta không còn khả năng thấy được tiến trình Âu hóa con người và trái đất đã gây tổn hại đến những điều tinh yếu ở tận cội nguồn. Dường như tiến trình đó khiến cho mọi cội nguồn đều trở nên khô cạn.

(− The incontestable dominance of your European reason is thought to be confirmed by the successes of that rationality which technical advances set before us at every turn.

− This delusion is growing, so that we are no longer able to see how the Europeanization of man and of the earth attacks at the source everything that is of an essential nature. It seems that these sources are to dry up.) (Martin Heidegger, On the way to language, p.16, translated by Peter D.Hertz, Harper & Row, 1971).

Tôi muốn dùng lời đối thoại này làm điểm quy chiếu nhỏ khi đọc cuốn sách này, để cùng bạn đọc có dịp suy ngẫm thêm về “tiến trình Âu hóa con người và trái đất đã gây tổn hại đến những điều tinh yếu ở tận cội nguồn” đang diễn ra trên toàn cõi địa cầu trong lĩnh vực tư tưởng, mà Trung Quốc chính là nơi chúng ta có thể cảm nhận rõ nhất, khi nó là quốc gia đầu tiên của châu Á biến thành vùng đất cho sự hoàn tất của tư tưởng phương Tây[3].

Được du nhập vào từ phương tây, hết triết thuyết này đến triết thuyết nọ thay nhau chế ngự cõi tư tưởng phương đông. Rồi đến lượt phép biện chứng đăng quang như một đỉnh cao trong triết học. Nó mê hoặc giới trí thức ở thời kỳ đầu thế kỷ 20, được xem như là câu thần chú “Vừng ơi, mở cửa ra” để giải quyết mọi bế tắc trong triết học, và mở ra những chân trời bao la cho tư tưởng. Nhưng thực tế lịch sử chứng minh rốt cuộc phép biện chứng, dù là duy tâm hay duy vật, cũng chỉ là một hệ thống lý luận như mọi hệ thống phương tây khác. Chúng hoàn toàn không thể giải quyết rốt ráo những vấn đề của tư tưởng và xã hội. Trong quá trình phát triển của lịch sử triết học, không bao giờ có một hệ thống triết học nào phát sinh từ lý tính mà có thể mang giá trị bền vững, dù nó được chống đỡ bởi bất kỳ một thế lực nào. Bởi bản chất của lý tính là mâu thuẫn và xung đột, nên cái trò triết học sau phủ định triết học trước vẫn mãi mãi diễn ra trong quá trình phát triển lịch sử đúng theo quy luật “Trường giang hậu lãng thôi tiền lãng”. Trên dòng sông luôn trôi chảy, con sóng sau sẽ xô ngã con sóng trước. Điều đó hoàn toàn thuận với tự nhiên. Phép biện chứng, dù là duy tâm hay duy vật, cũng chỉ là một sản phẩm của ngôn ngữ và lý trí, do nhân duyên hòa hợp mà thành, nên cũng như mọi loại triết học duy lý khác, nó cũng chỉ là một con sóng nối tiếp bao con sóng trên dòng sông lịch sử, dù ta có cố công thổi phồng giá trị của nó bằng bao nhiêu ngôn từ đẹp đẽ. Nếu có hệ thống triết học nào đó được loài người xem là chân lý thì hẳn đã không còn những cuộc tranh luận về triết học kéo dài hơn mấy ngàn năm, và có lẽ còn kéo dài cho đến ngày tận cùng của loài người.

Phùng Hữu Lan cho rằng tác dụng của triết học có hai mặt :

Một mặt thì rèn luyện và phát triển năng lực tư duy lý luận của con người, mặt khác thì nâng cao và giúp cảnh giới tinh thần con người thêm phong phú. (*) (tr.24)

Nhưng tôi cho rằng một triết học là sản phẩm của lý trí thì dù sâu sắc hay có tính thuyết phục đến đâu cũng khó lòng nâng cao được cảnh giới tinh thần, nghĩa là đem lại cho con người một “vùng đất an thân lập mệnh”, theo cách nói trong truyền thống văn hóa Trung Quốc, để con người có thể sống an nhiên tự tại trong đó. Mà giúp con người tìm ra một “vùng đất an thân lập mệnh” cũng có nghĩa là giúp con người có đủ tâm lực để bình yên đối mặt với cái chết, như một con người bình thường với thân phận sinh tử phù du theo nghĩa “Être-pour-la-mort” của Heidegger, chứ không cần phải là một anh hùng hy sinh cho lý tưởng cao siêu. Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi ta có cơ duyên vượt qua được lý tính để vươn đến cảnh giới tâm linh. Đó là bước đầu để ta đi vào cõi đạo phương đông. Chỉ khi nào tiếp xúc được với mạch nguồn tâm linh đó thì tâm thức ta mới được mở khai, cảnh giới tinh thần ta mới thực sự được nâng cao để ta để nhận ra những giá trị chân chính của cuộc sống, và cả của cái chết. Ngay cả những kẻ thời trai trẻ xông xáo trong đấu trường của l‎ý trí, chỉ tin duy nhất vào khoa học, hăm hở dùng lý trí để xoay chuyển càn khôn, đem lý luận để vạch nên lịch sử thì cũng khó lòng thoát được cảm thức hoang mang khi đối mặt với những vấn đề phi lý trong cuộc sống, mà ta không sao lý giải nổi, hoặc đến lúc cuối đời khi đối mặt trước hư vô.

Nhà nghiên cứu T.V. Murti liễu tri được sự bế tắc của nền văn minh duy lý châu Âu đang làm khốn quẫn toàn thế giới trong mạng lưới tư duy, nên đã theo chân đại luận sư Nāgārjuna dùng Thiên kiếm PrajñāpāramitāTuyệt đao Śūnyatā để luận phá mọi hệ thống lý luận phương tây, rồi khẳng định :

Đặc điểm của các hệ thống triết học phương tây là mang tính tư biện, với rất ít ngoại lệ. Là một món đồ chơi thuần túy của trí tưởng tượng, chúng không dẫn đến sự tu tập tâm linh, và cũng không thể song hành với bất kỳ một phương thức sống nào. (T.V. Murti, Tánh Không : Cốt tủy triết học Phật giáo, trang 57, Huỳnh Ngọc Chiến dịch, NXB Hồng Đức, 213,).

Biện chứng pháp của Hegel là một sản phẩm xa hoa phù phiếm, chứ hoàn toàn vô giá trị về phương diện tâm linh. (như trên, tr.399).

Những thứ “chủ nghĩa”, những thứ “ism” trong hệ thống khái niệm của phương tây, những phép biện chứng, hiện tượng luận, thông diễn học, hậu hiện đại, v.v… vẫn có những giá trị riêng của nó đối với não trạng phương tây. Nhưng dùng chúng làm hệ quy chiếu để nhìn vào cổ lục phương đông thì ta khó lòng lắng nghe ra được “huyền ngoại chi âm”, hay tư tưởng “đắc ngư vong thuyên” để cảm nhận được phần vô ngôn trong ngôn ngữ.

Điều nghịch lý là trong khi ở phương tây, nhiều triết gia muốn quay về phương đông để tìm cầu chân lý giữa sự bế tắc của tư tưởng, thì ở phương đông lại lịch kịch nảy sinh ra các loại triết gia nỗ lực tôn vinh những giá trị phương tây − những giá trị mà chính các bậc thức giả phương tây cũng nghi ngờ. Một người Đức − bạn của triết gia người Mỹ là William Barrett − kể lại rằng một hôm ông ta đến thăm Heidegger và thấy triết gia này đang đọc tác phẩm của Suzuki, ông ta hỏi thì Heidegger trả lời :

Nếu tôi hiểu đúng được tác giả này thì đó là những gì tôi đang cố gắng trình bày trong tất cả các tác phẩm của mình từ trước đến giờ. (If I understand this man correctly, this is what I have been trying to say in all my writings.) (Zen Buddhism: Selected Writings of D.T. Suzuki, ed. William Barrett. New York, Anchor, 1956. p.xii).

Thiệt là “Tạo vật hà như đồng tử hý. 造 物 何 如 童 子 戲 。” (Thơ Tô Đông Pha). Cuộc đời sao mà giống như trò đùa của trẻ con!

Đọc qua tác phẩm Trung Quốc Triết Học Sử Tân Biên một lượt, ta dễ dàng nhận thấy tính duy lý của triết học phương tây đã ảnh hưởng vô cùng quá đỗi nặng nề đến nhà nghiên cứu triết học sử phương đông Phùng Hữu Lan. Do nhìn toàn bộ lịch sử triết học Trung Quốc qua cái khung duy vật biện chứng và duy vật lịch sử nên nhiều nhận định của ông giống như cái giường của Procuste. Procuste là biệt danh của một tên cướp trong thần thoại Hy Lạp. Y làm khổ nạn nhân bằng cách trói họ vào chiếc giường với kích cỡ có sẵn. Ai dài hơn, y sẽ chặt chân; ngắn hơn, y sẽ kéo dài họ ra cho bằng với chiều dài của chiếc giường. Tác giả Phùng Hữu Lan có vẻ như cũng đang sử dụng chiếc giường Procuste khi nghiên cứu triết học Trung Quốc, dù ông khẳng định muốn tìm hiểu một triết gia thì cần phải :

có sự liễu giải và thể hội nhất định đối với nghĩa lý trong những trước tác của triết gia trước đó. Gọi là liễu giải có nghĩa là nắm bắt được kết cấu lô-gic trong hệ thống triết học của mỗi nhà, mỗi học phái. Gọi là thể hội có nghĩa là phải, trong một trình độ nhất, trải nghiệm được cảnh giới tinh thần của triết học đó, rồi mới có thể dùng sự thể nghiệm của bản thân để ấn chứng tư tưởng triết học đó. Có như thể mới có thể gọi là hiểu được triết học của một nhà.(*) (tr.7)

Nói một cách đơn giản, người nghiên cứu triết học sử đối với một triết gia, trước tiên cần phải hiểu thấu triết gia đó suy tưởng điều gì, thấy được cái gì, thuyết giảng những điều gì, phải hiểu thấu ông ta suy tưởng thế nào, thuyết giảng thế nào, vì đâu mà lại ông ta suy tưởng như thế, thuyết giảng như thế, rồi sau đó mới có thể trình bày tư tưởng của ông ta phù hợp theo thực tế. (*) (tr.36)

Phương pháp khảo cứu của ông thì rất khoa học và mới lạ, kiến thức của ông thì quá uyên bác, nhưng cách đánh giá thì cứ luôn nằm theo khuôn khổ: triết học hễ mang tư tưởng duy vật là ưu việt, là tiến bộ; hễ duy tâm là lạc hậu. Nhưng điều nghịch lý là những hệ thống triết học duy vật được ông ca ngợi, trong sách này, như là sự cống hiến to lớn trong lịch sử triết học cổ đại Trung Quốc thì trên thực tế, chúng chẳng đóng góp được gì nhiều cho sự phát triển của lịch sử triết học Trung Quốc về sau. Chúng hầu như đã bị lịch sử lãng quên vì tính thực dụng thô thiển và suy tư hời hợt. Những triết gia duy vật được Phùng Hữu Lan ca ngợi như những nhà tư tưởng lớn, chẳng hạn như Mặc Địch, Tuân Huống v.v… cũng chỉ được lịch sử xếp vào loại triết gia “thường thường bậc trung” và tư tưởng họ không tạo được ảnh hưởng gì nhiều trong lịch sử triết học Trung Quốc nói riêng, và của nhân loại nói chung. Có những người khi còn sống được môn đồ ca ngợi và dùng mọi cách để tôn vinh như một thiên tài vĩ đại, để rồi dần chôn vùi tên tuổi trong đám bụi thời gian, như những gì bình thường nhất trong cõi đời này. Điều này chẳng có gì lạ, bởi vì thời gian luôn trả mọi sự về đúng với giá trị thực của nó. Một người có thể sai lầm, thậm chí một thế hệ có thể sai lầm, nhưng cả nhân loại qua nhiều thế kỷ chắc chắn không bao giờ sai lầm.

Phùng Hữu Lan xem triết học duy vật biện chứng như cái đũa thần kỳ dùng để giải quyết mọi vấn đề, xem nó là tiêu chuẩn tham chiếu để đánh giá mọi hệ thống triết học khác. Bằng chủ nghĩa duy vật lịch sử, ông đã rọi vào lịch sử triết học trong quá khứ một làn ánh sáng cực kỳ mới lạ khiến người đọc không khỏi thấy thú vị và thậm chí ngỡ ngàng. Các cổ thư thuộc loại kinh điển như Đạo Đức Kinh hay Nam Hoa Kinh, v.v… bên cạnh những tư tưởng thâm huyền, đều bị biến thành bãi chiến trường để diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp! Nên ta có cảm giác như phần vô ngôn thâm diệu và những điểm cốt yếu trong tư tưởng Khổng Tử, Trang Tử hoàn toàn nằm ngoài sự thể hội của tác giả. Dù ông khẳng định muốn hiểu tư tưởng một triết gia thì phải “trải nghiệm được cảnh giới tinh thần của triết học đó, rồi mới có thể dùng sự thể nghiệm của bản thân để ấn chứng tư tưởng triết học đó.”, nhưng ở phần hình nhi thượng, ta thấy những nhận định của Phùng Hữu Lan vẫn không theo kịp Trần Trọng Kim, Nhượng Tống hay Kim Định. Phần thâm viễn trong tư tưởng của Khổng Tử đâu phải nằm trong những lời lý luận với Tử Cống, Tử Trương, v.v… mà ở trong những giọt nước mắt khóc Nhan Hồi hay trong lời than “Ngô dữ Điểm dã!”.

Nếu đọc cổ lục phương đông với tinh thần duy lý nặng nề, muốn cái gì cũng rạnh ròi, rõ ràng, có hệ thống thì chúng ta sẽ không bao giờ đạt đến cảnh giới nhập thất mà chỉ mãi mãi đăng đường, thậm chí chỉ đứng ngoài ngõ. Trong cõi tư tưởng, nếu cứ khư khư cho rằng lý trí là tiêu chuẩn tối thượng và duy nhất để xác địng chân lý thì liệu cái chân lý cuối cùng mà ta đạt được bằng suy luận đó có thực là chân lý? Chúng ta thử nghe triết gia Heidegger lên tiếng :

Tư Tưởng chỉ có thể bắt đầu khi chúng ta trải nghiệm được rằng Lý Trí, vốn từng được ca ngợi tôn vinh qua bao thế kỷ, chính là đối thủ ngoan cố nhất của Tư Tưởng. (La pensée ne commence que lorsque nous avons éprouvé que la Raison, tant magnifiée depuis des siècles, est l’adversaire la plus opiniâtre de la pensée.) (Heidegger, Chemin qui ne mènent nulle part, p.322, traduit par Wolfgang Brokmeier, Gallimard, 2006).

Lý trí là “phương tiện thiện xảo” trên bình diện Tục Đế , nhưng trên bình diện Chân Đế thì Im lặng trước các câu hỏi về Thực Tại Tối Hậu hay Chân Lý là cách trả lời thường được Đức Phật và các thiền sư Trung Hoa sử dụng. Chân lý có khi càng nói nhiều thì nó càng trở nên mờ tối. Con người hễ càng bám vào thế giới khái niệm theo kiểu phương tây thì càng ham mê biện luận, và không bao giờ hiểu được cõi tư tưởng mênh mông “thuật nhi bất tác” hay “hữu dư, bất cảm tận” của Khổng Tử, càng không thể cảm nhận được cảnh giới im lặng “niêm hoa vi tiếu” của Phật môn. Leo lên đỉnh núi cao, con rùa cần mẫn phải ì ạch vất vả cả nhiều năm trời, nhưng con chim ưng có thể đến đỉnh được ngay, chỉ bằng một vài lần vỗ cánh.

Đến một người uyên bác như Phùng Hữu Lan mà cũng bảo :

Có nói gì đi nữa thì trong thực tế, triết học Trung Quốc trước đây thuật ngữ thì ít ỏi, luận chứng thì không tường tận, hệ thống hình thức thì không cụ thể. (*) (tr.33)

Cho nên ta không ngạc nhiên chi khi Phùng Hữu Lan, cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác ở phương đông, phê phán kinh Dịch mang những tư tưởng biện chứng còn “sơ khai non nớt” hoặc “thô sơ tự phát”, nói chung là suy tư chưa được bài bản, chưa có “hệ thống hợp lô-gic”, nên chưa đủ trình độ để so sánh với nhiều nguồn tư tưởng phương tây khác! Đây cũng chính là căn bệnh của những đầu óc quá đỗi duy lý khi đi vào cõi đạo, luôn thấy mọi điều đều “vẫn còn thiếu sót, chưa được đầy đủ”, giống như cách Hegel đánh giá triết học cổ đại Hy Lạp, và được Heidegger nêu ra:

Hegel nói về triết học của người Hy Lạp: Người ta chỉ có thể tìm thấy trong triết học đó một sự thỏa mãn đến một mức độ nào đấy mà thôi., đó là sự thỏa mãn của khuynh hướng thiết thân của Tinh Thần hướng đến sự chính xác tuyệt đối. Phán xét của Hegel về đặc tính không làm thỏa mãn của triết học Hy Lạp dựa trên quan điểm cho rằng triết học phải tiến đến sự hoàn thành. Trong chân trời của chủ nghĩa duy tâm tư biện, triết học Hy Lạp vẫn còn nằm ở giai đoạn “vẫn còn chưa trọn khi đối chiếu với sự hoàn thành đó.

(Hegel dit de la philosophie des Grecs : « On ne peut y trouver satisfaction que jusqu’à un certain degré » : il s’agit de la satisfaction de l’intime tendance de l’Esprit à la certitude absolue. Ce jugement de Hegel sur le caractère non satisfaisant de la philosophie grecque est porté du point de vue de la philosophie venue à son accomplissement. Dans l’horizon de l’idéalisme spéculatif, la philosophie des Grecs reste au stade du « pas encore » par rapport à l’accomplissement. − Heidegger, Question I et II, Hegel et les Grecs, p.374, traduit par Jean Beaufret et Dominique Janicaud, NXB Gallimard, 1968).

Đối với triết học cổ đại Trung Quốc, tác giả Phùng Hữu Lan có lẽ cũng “chỉ có thể tìm thấy trong triết học đó một sự thỏa mãn đến một mức độ nào đấy mà thôi.” vì ông luôn muốn xác định cho được cái chính xác tuyệt đối, cái “la certitude absolue” trong cõi tư tưởng. Những điểm mà ông chưa thấy thỏa mãn trong triết học Trung Quốc cũng chính là cái “pas encorre”, cái “vẫn còn chưa trọn” đó, vốn là những thứ mà các bậc chân nhân ngày xưa bỏ lửng lơ trong những câu nói như : “ngã thuyết… tức phi… thị danh….”, “chung thân ngôn, vị thường ngôn, chung thân bất ngôn vị thường bất ngôn”, v.v…. Đó là “pas encore”. Kinh Dịch không chấm dứt bằng quẻ Ký Tế mà bằng quẻ Vị Tế, cũng là cách thể hiện cái “pas encorre” trong cõi tư tưởng.

Ta thử nghe một nhận định thâm trầm của Heidegeer về cõi tư tưởng Hy Lap ban sơ :

Bất kỳ ai đã tập lắng nghe những nhà tư tưởng lớn, dẫu chút ít thôi, chắc chắn cũng đôi phen thấy ngạc nhiên bởi điều này : những gì cần phải suy tư cho thích đáng thì họ chỉ nói đến trong một mệnh đề phụ được thêm vào một cách lặng lẽ, và bỏ lửng lơ ở đấy.

(Quiconque est exercé, si peu que ce soit, à écouter les grands penseurs sera, sans doute, parfois déconcerté par ce fait étrange que ce qu’il faut proprement penser, ils le disent dans une proposition subordonnée ajoutée sans bruit et qu’ils s’en tiennent là. − Heidegger, Essais et Conférences, p.304, traduit par André Préau, NXB Gallimard, 2006).

Ta tưởng chừng như ông Heidegger đang dùng những lời trên để nói về cõi đạo phương đông. Một nhà tư tưởng càng thâm trầm thì những “mệnh đề phụ” trong tác phẩm của ông ta càng lơ lửng. Một vài câu thơ đạm nhiên của Nguyễn Du được Bùi Giáng chú giải qua hàng trăm trang sách, một đôi câu nói đơn sơ của Khổng Tử được Mạnh Tử, Vương Dương Minh triển khai thành những hệ thống triết học cao viễn v.v… cũng chính là những “mệnh đề phụ”, những “pas encore” trong cõi tư tưởng. Với tinh thần “khoa học” yêu cầu mọi thứ đều phải rõ ràng, phải tuyệt đối chính xác, phải có “la certitude absolue”, phải hợp đúng với quy trình lô-gic thì có đọc cổ lục phương đông một ngàn năm, ta vẫn không hiểu được đâu là chỗ áo diệu, thâm huyền, và vẫn cứ “mang nhiên vô sở đắc”.

Có thể nói bộ Trung Quốc Triết Học Sử Tân Biên này là tác phẩm vĩ đại nhất của triết gia Phùng Hữu Lan, nhưng trong đó ông trình bày lại lịch sử triết học Trung Quốc theo một quan điểm hoàn toàn khác với những gì ông đã thường trình bày trước kia. Có thể vì ông buộc phải diễn đạt tư tưởng giữa một bối cảnh xã hội khắc nghiệt, trong đó mọi tư tưởng đều phải nằm trong kích cỡ của “cái giường Procuste”; hoặc có thể là vào cuối đời, ông có sự chuyển biến triệt để trong tư tưởng, nhận thấy chỉ có những hệ tư tưởng cụ thể như chủ nghĩa duy vật biện chứng mới thay đổi được đất nước. Nhưng biết đâu cũng có thể là tác giả muốn diễn đạt triết học Trung Quốc theo lối nghịch hành để phát lộ thêm nhiều ý tưởng mới?

Trên thực tiễn, lịch sử tư tưởng nhân loại đã minh chứng cho chúng ta thấy trong triết học không hề có một hệ tư tưởng nào mang giá trị vĩnh cửu, trong cõi tư tưởng không thể có duy nhất một con đường. Cho rằng chỉ có mình mới nắm được chân lý, chỉ có tư tưởng của mình mới là duy nhất đúng, đồng với ta thì cho là phải, nghịch với ta thì cho là trái, điều đó cũng ấu trĩ như một đứa trẻ vốc một ngụm nước biển trong tay và bi bô đó là nước của cả đại dương. Nhiều con đường khác nhau vẫn dẫn về cùng một chốn duy nhất. Nếu tác phẩm này của Phùng Hữu Lan giúp bạn đọc mở thêm ra một con đường mới trong cõi tư tưởng thì các bạn càng thể hội thêm lời của đức Khổng : “Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự.”


[1]    The safest general characterization of the European philosophical tradition is that it consists of a series of footnotes to Plato. (Nét đặc trưng phổ biến mang tính an toàn nhất của truyền thống triết học châu Âu nằm ở chỗ : nó bao gồm một loạt các chú thích cho triết học Plato. − Alfred North Whitehead, Process and Reality, p. 39, NXB Free Press, 1979).

[2]    Những câu trích dẫn in nghiêng và dánh dấu (*) đều được trích trong nguyên tác Trung Quốc triết học sử Tân Biên, Nhân Dân Xuất Bản Xã, 2007. Số trang được ghi ở đây là số trang trong phần tựa của tác phẩm. Do nội dung của các câu trích dẫn của tác phẩm này có khi hơi dài, nên tôi không tiện ghi lại nguyên văn. 

[3]    Siêu hình học chính là triết học Platon. Nietzsche xem điểm đặc thù trong triết học mình là triết học Platon đảo ngược. Cùng với sự đảo ngược của siêu hình học, vốn đã được hoàn tất bởi Karl Marx, triết học đã đạt đến khả năng tối hậu. Triết học đã đi đến giai đoạn cuối cùng. (Metaphysics is Platonism. Nietszche characterizes his philosophy as reversed Platonism. With the reversal of metaphysics which was already accomplished by Karl Marx, the most extreme possibility of philosophy is attained. It has entered its final stage.) (Heidegger, On Time and Being, tr.57, translated by Joan Stambaugh, NXB Harper & Row, 1972).

Thảo luận