Theo truyền thống phương Đông, triết học hay đạo học đều có mục đích chung là đưa con người đến giải thoát, trong đó cầm kỳ thi họa, y đạo hay võ đạo đều có thể là những phương tiện. Nhưng khi con người đã chấp vào các phương tiện như là cứu cánh thì hiểm họa sẽ bắt đầu. Con người sẽ trở thành nô lệ cho chính cái mà mình muốn làm chủ. Đó là trường hợp điển hình của Đại luân Minh vương Cưu Ma Trí.
Trong quá trình tầm đạo hay học hỏi, con người hơn thua nhau ở chỗ đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là phương tiện và đâu là cứu cánh. Đánh giá cứu cánh như phương tiện là rơi vào hoang tưởng, còn chấp phương tiện làm cứu cánh là đưa tới trầm vong. Kinh điển Đông phương luôn nhắc nhở đến điều này. “Đắc ngư vong thuyên”. Nơm là phương tiện dùng để bắt cá, nhưng khi được cá phải quên nơm. Ngón tay là phương tiện dùng để chỉ mặt trăng, nếu cứ chấp ngón tay làm mặt trăng, ắt sẽ rơi vào chỗ vô minh. Kinh Phật minh họa ý tưởng này bằng một hình ảnh rất sinh động : ”dùng bè là để qua sông, khi đã đến bờ bên kia rồi thì nên ung dung bỏ bè để lên bờ đi tiếp, hay là phải cứ hì hục mang cái bè trên lưng?” Câu trả lời tưởng chừng như rất dễ, nhưng để bỏ được cái bè phương tiện thì cần phải là bậc đại trí huệ, và cần phải có cơ duyên.
Cùng với Cưu Ma Trí có thể kể thêm hai nhân vật kiêu hùng nữa là Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn. Nhưng Mộ Dung Bác khổ luyện võ công là để phục quốc, Tiêu Viễn Sơn khổ luyện võ công là để báo thù. Riêng Cưu Ma Trí là người suốt đời cứ rong ruỗi để tìm tòi học hỏi võ thuật, mà người đọc cũng không biết để làm gì, ngoài việc để thỏa mãn tính sính cường háo thắng. Và do đó, ông đã tự mình trở thành nô lệ cho võ học, cũng như nhiều học giả đã tự làm nô lệ cho kiến thức. Bản thân võ học là phương tiện, mà đã là phương tiện thì luôn mang trong tự thân nó những yếu tố bất toàn, thậm chí nguy hiểm vì đó chỉ cái tạm thời để giúp ta tìm đến cái vĩnh cửu. Vị Vô danh tăng trong Tàng kinh các hiện thân như một Bồ Tát dùng Phật pháp vô biên để khai ngộ cho quần hùng, khiến Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn đều tỉnh ngộ mà quy y cửa Phật; nhưng riêng Cưu Ma Trí vẫn u mê cố chấp. Nghĩ cũng lạ. Bản thân ông là quốc sư tinh thông Phật pháp, hằng năm vào Tuyết sơn để đăng đàn giảng kinh, khai ngộ cho dân chúng Thổ Phồn, nhưng chính bản thân ông lại không thấu hiểu được diệu lý của Phật pháp. Ngày xưa, Đạt Ma tổ sư muốn dùng võ thuật như phương tiện thì hậu duệ của ngài lại chấp làm cứu cánh, nên bị mê hoặc bởi cái mị lực của võ học mà không hề hay biết. Cái lẽ ra phải đóng vai “khách” lại trở thành “chủ”, và sẽ tiếp tục dẫn dắt con người đi sâu vào con đường lầm lạc.
Lần đầu tiên xuất hiện ở chùa Thiên Long nước Đại Lý, vị quốc sư Thổ Phồn quả đã gây cho người đọc một ấn tượng sâu sắc về đảm lược và bản lĩnh, khi một mình dám ngang nhiên đến chùa Thiên Long xin “mượn” kiếm phổ Lục mạch thần kiếm là bảo vật tổ truyền. Cưu Ma Trí từng giao du với Mộ Dung Bác, cả hai đều là những đại hành gia võ học nên cùng trao đổi võ công với nhau rất ý hợp tâm đầu. Thuở sinh tiền, Mộ Dung Bác chỉ ước ao được xem kiếm phổ Lục mạch thần kiếm của chùa Thiên Long. Cưu Ma Trí hứa với bạn sẽ tìm giúp. Khi quay về lại Trung Nguyên thì Cưu Ma Trí nghe tin Mộ Dung Bác đã qua đời, nên ông liền đến chùa Thiên Long xin “mượn” pho kiếm phổ kia đem về đốt trước mộ bạn, để tạ lòng tri kỷ. Nhưng bù lại ông cũng xin tặng cho chùa Thiên Long các bí cấp võ học cực quý của Phật môn. Như một sự trao đổi sòng phẳng. Ngày xưa có người mang kiếm báu, một người bạn muốn mượn nhưng người ấy có việc phải đi, nên hẹn xong việc sẽ đem về cho bạn mượn. Ngày quay về thì bạn đã mất, người đó bèn cổi kiếm treo trên nấm mộ bạn mình. Như một biểu tượng đã hoàn thành lời hứa. Và của một tấm lòng trao tặng một tấm lòng. Thi Phật Vương Duy diễn tả lại ý này trong bài thơ Tống Chu đại nhân nhập Tần (Tiễn Chu đại nhân vào đất Tần) rất gợi cảm :
Du nhân Ngũ Lăng khứ,
Bảo kiếm trị thiên kim.
Phân thủ thoát tương tặng,
Bình sinh nhất phiến tâm.
游 人 五 淩 去
寶 劍 值 千 金
分 手 脫 相 贈
平 生 一 片 心
Tiễn người đi Ngũ Lăng,
Gươm báu giá ngàn vàng.
Chia tay xin trao tặng,
Bình sinh một tấc lòng.
Kể ra vị quốc sư xứ Thổ Phồn kia cũng muốn học theo phong cách của người xưa. Người xưa treo bảo kiếm trước mộ, thì nay ta đốt kiếm phổ trước mộ, đều là cách gởi gắm “bình sinh nhất phiến tâm”. Đó cũng là tấm lòng đáng quý trọng của kẻ sĩ trong thiên hạ.
Ý đồ kia có thể chỉ là cái cớ, nhưng việc ông dám “đơn thân độc mã” đến chùa Thiên Long, dầu biết rõ vị phương trượng Khô Vinh đại sư đã luyện thần công đến mức “bán khô bán vinh” thì quả là hùng tâm vạn trượng. Như Quan Công “đơn đao phó hội”, ngang nhiên một mình khuấy động cả vùng sông nước Giang Đông. Trước khi xuất hiện, danh tiếng của Cưu Ma Trí đã tạo ra áp lực lớn đến nỗi vị đệ nhất cao thủ trong Hoàng tộc nước Đại Lý là hoàng đế Bảo Định đế phải xuống tóc lấy pháp danh là Vô Trần để tăng cường sức chiến đấu cho các cao tăng chùa Thiên Long. Tất cả sáu vị cao tăng, mỗi người học một loại kiếm trong Lục mạch thần kiếm, cùng hợp công để đối phó với Cưu Ma Trí. Khô Vinh đại sư vừa lo bảo vệ Đoàn Dự vừa bắt anh chàng công tử đồ gàn này học thuộc lòng kiếm phổ, và cuối cùng liệu thế không thể vệ được kiếm phổ, Khô Vinh đại sư đành phải thiêu hủy. Một môn võ công tuyệt học trong thiên hạ đành chịu thất truyền trước áp lực của Hỏa diệm đao!
Lần thứ hai, Cưu Ma Trí xuất hiện ở chùaThiếu Lâm, phô triển tuyệt học khiến quần hùng đều kinh hãi. Nguyên trong chùa Thiếu Lâm có quản thúc một vị sư Ấn Độ là Ba La Tinh. Vị sư này từ Ấn Độ đến chùa Thiếu Lâm lấy cớ là để nghiên cứu Phật học, vì tại Ấn Độ “ngoại đạo thịnh hành, Phật giáo suy vi”. Nhưng mục đích chính của Ba La Tinh là học lén các tuyệt kỹ của môn phái Thiếu Lâm, là những môn chỉ truyền thụ cho đại sư cấp cao trong bản phái. Khi phát hiện ra điều này, chư tăng chùa Thiếu Lâm buộc Ba La Tinh phải vĩnh viễn ở lại chùa, không cho quay về Ấn Độ, vì e ngại các tuyệt kỹ Thiếu Lâm sẽ bị tiết lộ ra ngoài. Phương trượng chùa Thanh Lương ở Ngũ Đài sơn là Phật sơn thượng nhân từ lâu muốn tranh chức phương trượng Thiếu Lâm nên nhân dịp này dẫn sư huynh của Ba La Tinh là Triết La Tinh cùng nhiều cao thủ khác đến gây hấn, đề nghị dùng võ công để xác định ngôi vị. Ngay lúc cục diện đang hồi căng thẳng khi hai bên tranh luận về xuất xứ của võ học, thì bất ngờ Cưu Ma Trí lại xuất hiện, dùng chính tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm để áp đảo quần hùng, khiến cho tất cả các cao tăng Thiếu Lâm đều “tâm táng nhược tử” (chết điếng trong lòng), niềm tự hào về võ học bí truyền đều nguội lạnh. Huyền Từ phương trượng thực sự chán nãn khi thấy Cưu Ma Trí thông thuộc toàn bộ bảy mươi hai tuyệt kỹ bí truyền của bản môn, một kỳ tích mà chư tăng chùa Thiếu Lâm từ cổ chí không ai làm được. Đại sư thấy việc giam giữ Ba La Tinh quả là điều vô lý khi mà tất cả tuyệt học của bản môn không còn gì là “tuyệt” nữa. Ai cũng biết, và ai cũng luyện được, thậm chí còn thành tựu cao hơn cả những người trong bản môn.
Không ai ngờ nỗi rằng tất cả tuyệt kỹ Thiếu Lâm mà Cưu Ma Trí biểu diễn tại chùa Thiếu Lâm chỉ là cái vỏ, một cách “dĩ ngụy loạn chân” (dùng cái giả dối để làm loạn cái chân thực). Những “Niêm hoa chỉ”, những ”Cà sa phục ma công” hay “Đại Kim cương quyền” … đều là cái vỏ Thiếu Lâm nấp dưới công phu Tiểu vô tướng công của phái Tiêu Dao. Nhưng Tiểu vô tướng công của Cưu Ma Trí cũng chỉ lớp vỏ hời hợt của công phu này. Trong các tác phẩm của Kim Dung, phái Thiếu Lâm luôn được xem là Thái sơn Bắc đẩu trong võ lâm, võ công đứng đầu thiên hạ. Riêng trong Thiên Long Bát Bộ, võ công phái Tiêu Dao của Đạo gia có vẽ lấn át hẵn võ công của Phật môn, khi Cưu Ma Trí chiếm thượng phong ngay tại cái nôi của võ học Trung Nguyên. Song điều đó, Kim Dung lại lý giải, thông qua vị Vô danh tăng trong Tàng kinh các, là do các cao tăng Thiếu Lâm chưa thấu hiểu cái diệu lý của võ học, nên sự thành tựu cũng chỉ ở mức trung bình, không thể đạt đến cảnh giới “lô hỏa thuần thanh”. Trong khi tất cả cao tăng chùa Thiêu Lâm đều tiêu táng hùng tâm trước võ công của Cưu Ma Trí, thì chỉ có Hư Trúc nhận thấy rõ điều trá ngụy, vì y là người có cơ duyên lĩnh hội được toàn bộ chân truyền của phái Tiêu Dao. Trận kịch đấu giữa một chú tiểu vô danh và một vị quốc sư uy trấn quần hùng tại chùa Thiếu Lâm quả là trận đấu hi hữu của võ lâm, mà ưu thế lại nghiêng về Hư Trúc. Như trận đấu giữa tay đệ nhất kiếm pháp đương thời là Côn luân Tam thánh Hà Túc Đạo với chú tiểu Tương Quân Bảo trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký. “Vàng giả” của Cưu Ma Trí gặp “lửa thiệt” của Hư Trúc tất nhiên sẽ bị lộ tẩy. “Ngụy” gặp “chân” sẽ bị phá vỡ, dù sớm dù muộn. Đó là quy luật ngàn đời.
Phê bình nền học vấn đời Tống, Âu Dương Tu bảo : “Dĩ Phật Lão chi tợ loạn Chu Khổng chi thực “ (Đem cái tư tưởng từa tựa giống với Phật Lão để làm loạn cái tư tưởng chân thực của Chu Công và Khổng Tử). Đấy là tình hình các học giả đương thời. Cái học chưa đến nơi đến chốn, chuyên nghề vơ đó chộp đây theo kiểu “đạo thính đồ thuyết” (nghe được ngoài đường rồi kể lại trong ngõ)[1] để lòe thiên hạ. Những kẻ sơ cơ dễ bị choáng ngợp khi mới tiếp xúc. Nhưng một khi gặp cái học chân truyền thì những thứ vặt vãnh phù phiếm đó sẽ nhanh chóng tan như bọt nước. Đó cũng chính là trường hợp của Cưu Ma Trí, khi vị quốc sư này “dĩ Tiêu Dao chi tợ loạn Thiếu Lâm chi thực” (đem loại võ công từa tựa giống với phái Tiêu Dao để làm rối loạn võ công chân thực của phái Thiếu Lâm) nhằm lòe bịp quần hùng.
Thay vì luyện tập võ công như một phương tiện để đưa tới giác ngộ, thì oái ăm thay, vị quốc sư kia lại chỉ đam mê tích lũy võ công. Cái lệ khí tích tụ trong người do luyện tập võ học sai đường đã là mầm họa sát thân, lại thêm tính sính cường hiếu thắng do võ học tạo nên thì mối hiểm nguy lại tăng lên gấp bội. Cưu Ma Trí cứ u mê “dĩ ngụy loạn chân”, lại còn nuôi tham vọng luyện thêm Dịch cân kinh thì quả là vô minh quá lắm. Càng ngày lại càng lún sâu vào con đường nô lệ cho võ học. Cũng như Cưu Ma Trí, Chu Bá Thông là người đam mê võ học đến cuồng điên, nhưng Lão Ngoan đồng nhờ có tâm hài nhi nên bị không sa vào con đường của Cưu Ma Trí, và tự nhiên hóa giải được mọi nguy cơ tiềm ẩn. Những thành tựu trong võ học dễ dàng làm mê muội những người tập luyện cũng như kiến thức dễ làm mê muội những học giả hàn lâm.
Cơ duyên dun
dủi cho Cưu Ma Trí bị (hay được?) Chu cáp thần công của Đoàn Dự hút toàn bộ nội
lực, để trở lại con người bình thường. Cái hư ngụy tích tụ trong tâm và thân bị
phá bỏ hoàn toàn khiến Cưu Ma Trí hoát nhiên đại ngộ và mới thực sự trở thành
cao tăng nước Thổ Phồn. Võ học cũng như kiến thức, khi phá bỏ được lớp vỏ hư
ngụy để trở lại với cái “chân” thì vạn sự sẽ toàn
nhiên hiển lộ. Đó phải chăng cũng là chỗ mà thiền sư Bách Trượng bảo : “Tâm
địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu” 心 地 若 空, 慧 日 自 照 (nếu
vùng đất tâm trống như hư không, thì mặt trời trí huệ sẽ tự nhiên chiếu sáng)?
[1] Đạo thính nhi đồ thuyết, đức chi khí dã (Luận ngữ, Dương hóa, XIV) (Nghe ngoài đường rồi đi kể lại trong ngõ, đó là cái đức bỏ đi)
Thảo luận