Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Từ ánh Bồ Đề

Hãy thử tưởng tượng một đoàn người đang ngồi trên một chiếc thuyền trôi giữa biển, trong đêm tối. Sự nhỏ nhoi của con thuyền trong bóng đêm bao la mù mịt khiến họ cảm thấy kinh hãi trước sự vĩ đại của cái bao la huyền mật. Toàn thế giới như luôn bị điều động và chi phối bởi những thế lực siêu nhiên. Một vì sao đổi ngôi cũng có thể là cỗ xe của đấng Tối Cao đang di chuyển, một tia chớp cũng trở thành cơn thịnh nộ của thần linh, một tiếng sóng vỗ cũng là âm thanh của yêu ma quỷ quái. Con người dễ hoang mang vì cảm thấy mình quá nhỏ nhoi trước vũ trụ mịt mùng. Họ đốt lửa và hiến dâng lễ vật lên cõi thiên thượng để cầu xin ân huệ, và hy vọng ngọn lửa đó sẽ soi sáng được đường đi. Thế rồi, ánh dương xuất hiện, chiếu ánh sáng lan tỏa dần trên khắp mặt biển, xua tan đi bóng đêm để cho thế giới được toàn nhiên hiển lộ. Đoàn người giờ đây đã nhìn thấy rõ được cảnh vật, nên không còn lo sợ trước biển cả bao la, vì họ xác định được hướng đi, nên vững tay chèo để đến được bờ.

Đó là cảnh tượng mà ta có thể hình dung khi đọc lịch sử cổ đại của đất nước Ấn Độ cùng vùng Cận Đông và Trung Đông thời kỳ tiền Phật giáo. Suốt mấy ngàn năm dài trong lịch sử loài người, ngọn lửa tế thần đã bập bùng trong bóng tối vô minh của con người; nó được thắp sáng từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng mạng sống của không biết bao nhiều loài sinh vật vô tội, trong đó có cả con người. Máu của loài vật và máu của con người liên tục đổ xuống để làm chất đốt cho ngọn lửa hiến sinh quái dị. Giữa bóng tối của lòng kính tín mê muội trước các thần thánh siêu nhiên – vốn chỉ tồn tại trong trí tưởng; giữa tiếng kêu gào đau thương của muôn loài sinh vật bị tàn sát, cùng những đứa trẻ bị thiêu sống để hiến tế thần linh; giữa bóng đêm của đời sống tâm linh u tối đang tràn ngập trên cõi thế đó, đột nhiên, từ dưới gốc Bồ Đề ở một nơi hẻo lánh của đất nước Ấn Độ, bừng tỏa lên nguồn ánh sáng cùng với ánh sao Mai. Đó là ánh sáng giác ngộ của đức Phật Thích Ca!

Luồng ánh sáng đó dần dần lan tỏa ra khắp đất nước Ấn Độ rồi toàn thế giới, xua tan hết bóng đêm của huyền thoại đã bủa vây tâm trí con người hơn mấy ngàn năm, và quét sạch tất cả thần linh về cõi không hư của trí tưởng tượng. Lần đầu tiên, bản chất cùng căn nguyên của khổ đau và con đường giải thoát cho con người được chỉ ra một cách rõ ràng bằng thuyết Tứ diệu đế; lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng nhân loại, toàn bộ vũ trụ được trình bày theo một cấu trúc toàn bích theo tương quan duyên khởi; để rồi về sau phát triển thành kiến trúc vũ trụ vĩ đại trong tư tưởng Hoa Nghiêm, thành Tánh Không trong hệ thống tư tưởng Trung quán tông, hay thế giới siêu việt nhị biên trong tư tưởng kinh Bát Nhã. Nhưng trên tất cả, Phật pháp đem đến cho nhân loại một cái nhìn như thực về bản chất vô thường của cuộc sống để con người có thể từ bỏ tham dục và phát tâm cầu Đạo Vô Thượng bằng Trí và Bi. Đó là con đường duy nhất đưa đến giải thoát.

Không như học thuyết của Darwin, sau khi gạt bỏ vai trò của đấng Sáng Tạo ra khỏi sự vận động của vũ trụ bằng thuyết tiến hóa và chọn lọc tự nhiên, thì xã hội phương Tây lại đối diện với bờ vực thảm họa về đạo đức, khi mà những giá trị tối thượng của cuộc sống được đánh giá theo các tiêu chuẩn lạnh lùng của sinh học; cũng không như những nền triết học duy vật chủ trương phá hủy thần thoại, và đóng khung thế giới trong những giá trị vật chất cùng tầm nhận thức của giác quan, kết quả là đã đẩy thế giới tâm linh con người vào cõi sa mạc khô cằn, khiến con người dần trở nên lạnh lùng vô cảm như chính lý trí; ánh sáng giác ngộ của đức Phật lại khác hẳn, nó xua tan bóng đêm và quét sạch sương mù huyền thoại là để cho toàn bộ vũ trụ hiện tiền trong sự hòa điệu vĩ đại, và quy kết mọi diễn biến trong hiện tượng giới vào thế giới tâm linh. Điều đó sẽ khai phóng tâm thức con người trước những phương trời lồng lộng của tâm linh và tư tưởng. Đó là điểm khác biệt giữa Phật giáo với những nền triết học phương Tây. Hầu hết những hệ thống triết học phương Tây đều mang tính tư biện, với rất ít ngoại lệ. Không một nền triết học phương Tây nào đi đôi với phương thức sống, và không bao giờ hướng đến sự tu tập tâm linh, vì chúng chỉ là món đồ chơi thuần túy trong trí tưởng tượng và lý luận, đúng như T.R.V. Murti nhận xét[1]. Viễn tượng về một thiên đường trần thế hay “Thế giới Đại Đồng” cho toàn thể nhân loại đâu phải là cái gì mới mẻ, mà đã được Phật giáo vạch ra từ rất lâu, trong những đại nguyện của chư Bồ Tát trong nhiều kinh điển đại thừa. Cho rằng có thể đạt đến thế giới đó bằng bạo lực và lý luận thì đó chỉ là quan niệm hoang đường của những người thô thiển về tâm lý, ngây thơ về đạo đức và nông cạn trong tư duy. Các Bồ Tát hẳn đã quán tưởng về cái thế giới lý tưởng đó, và liễu tri một cách sâu xa rằng con người chỉ có thể đạt đến nó sau khi đã gột sạch Tham-Sân-Si bằng Trí và Bi. Đó là con đường duy nhất; ngoài ra, không thể có bất kỳ một con đường nào khác.

Một điều thường thấy với những tôn giáo hữu thần là sự kết hợp giữa truyền bá giáo lý với đe dọa. Hỏa ngục luôn là nơi đày đọa đời đời cho những ai không tin vào chân lý được rao giảng trên những thanh gươm. Phật giáo, trái lại, đã chinh phục được hơn một nửa thế giới không phải bằng lửa và thanh gươm, mà chỉ bằng những chân lý thực tiễn, và để những chân lý đó tự chinh phục loài người bằng sự trải nghiệm trong thế giới tâm linh. Từ phương Đông của thế giới tâm linh, Phật giáo đã hội nhập vào thế giới duy lý phương Tây không phải bằng chủ nghĩa thần bí mơ hồ hay chủ nghĩa phiếm thần thô thiển, mà bằng ánh sáng giác ngộ và bằng nụ cười an nhiên thuần tịnh của Đức Phật. Đẹp biết mấy khi Đức Phật thanh thản mĩm cười trước những lời lăng mạ, vu khống và dạy môn đồ cũng thực hành như thế. Đây là hình ảnh dường như chỉ có trong Phật giáo. Như cánh sen nở trong bùn, hay con ngỗng bơi trong hồ nước, không có gì làm cho ô nhiễm được. Bởi vậy, những người nào tự cho rằng mình “hộ pháp” bằng cách lăng mạ những tôn giáo khác- chỉ vì tôn giáo đó đả kích Phật giáo- là đã hoàn toàn đi sai tông chỉ của Đức Phật.

Nhà nghiên cứu Havell cho rằng các đoàn truyền giáo mà vua Ashoka phái đi hoằng pháp ở khắp Ấn Độ, Tích Lan, thậm chí tới cả Syria, Ai Cập, và Hy Lạp khoảng cuối thế kỷ thứ 3 trước C.N có lẽ đã dọn đường cho những nơi này đón nhận Phúc Âm của Chúa Jesus[2]. Trên thế giới luôn có sức mạnh của lưỡi gươm và sức mạnh của chân lý. Sức mạnh của tư tưởng Phật giáo là sức mạnh trầm lặng của chân lý, không phải là sức mạnh thô bạo của lưỡi gươm. Khẩu hiệu “chân lý thuộc về kẻ mạnh” chỉ là “chân lý” của những tay đồ tể. Đó là “chân lý” của lũ sói trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Người Phật tử chân chính không thể sống theo chân lý đó, mà sống theo chân lý khác : đó là chân lý tỏa ra từ ánh sáng giác ngộ của Đức Thế Tôn, dưới gốc Bồ Đề.


[1] T.V.MurtiTánh Không – Cốt tuỷ triết học Phật giáo , Huỳnh Ngọc Chiến dịch, NXB Hồng Đức 2013, trang 57.

[2]He [Ashoka] sent Buddhist missionaries to all parts of India and Ceylon, even to Syria, Egypt and Greece,  where, perhaps, they helped to prepare for the ethics of Christ” – W. Durant, Our Oriental Heritage, NXB Simon & Schuster, 1954, p.449

Thảo luận