Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Từ Tiếng Ðàn Tranh Chiều Phố Cổ

Một lần, tôi được mời dự buổi giao lưu với giáo sư Trần Văn Khê về chủ đề “Vị trí của âm nhạc Việt Nam trên thế giới” tại Hội An. Chúng ta chắc hẳn đã đọc nhiều bài của ông và đã nghe nhiều bài diễn thuyết của ông trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Dường như lâu nay, vô hình trung, ông đã trở thành người đại diện cho nền âm nhạc truyền thống Việt Nam trên thế giới. Chúng ta đã nhiều lần khâm phục cái thông minh quảng bác mang tính u mặc của ông. Dường như tất cả những điều kiện cần thiết để cảm nhận và phát huy nền âm nhạc truyền thống dân tộc đều tập trung vào cả nơi ông: kiến thức uyên bác, giọng hát ngâm tốt, kỹ năng chơi đàn điêu luyện và nghệ thuật diễn thuyết lôi cuốn. Một điều mà lịch sử khó có thể lặp lại chỉ nơi một con người. Thiếu một trong bốn thứ đó, ắt hẳn không thể nào ông có thể đi vòng quanh thế giới, để đem cái tinh hoa của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam đến với bè bạn năm châu. Những hạt mầm, mà ông kiên trì gieo xuống trong suốt hơn nửa thế kỉ qua, đã bắt đầu kết trái trên cánh đồng âm nhạc thế giới: đó là những trang ông viết về âm nhạc truyền thống Việt Nam trong các cuốn tự điển Bách khoa. Âm nhạc Việt Nam đã được công nhận ở vị trí ngang hàng với bất kỳ nền âm nhạc của một quốc gia nào khác. Công ông lớn lắm, nhưng có lẽ tấm lòng ông đối với nền âm nhạc truyền thống còn lớn hơn nhiều.

Ðó là lần đầu tiên, tôi được trực tiếp nghe ông nói chuyện, và chơi đàn tranh để minh hoạ. Dường như qua đôi tai ông, đôi tai được phú bẩm một khả năng thẩm âm kì lạ, ngay cả mọi thanh âm trong cuộc sống đời thường đều trở thành âm nhạc. Từ tiếng tụng kinh, gõ mõ cho đến những lời rao, tiếng kĩu kịt của gánh nước nặng trên vai… cũng đều trở thành giai điệu. Tôi là người rất mê dân ca. Bao  năm qua, dân ca vẫn luôn là dòng suối ngọt ngào, nơi tôi quay về để tránh đi cái xô bồ đầy dung tục của cái thị trường âm nhạc ồn ào hôm nay. Thế nhưng sau khi nghe ông phân tích cái đẹp, cái tinh tế trong dân ca Việt Nam, tôi mới thấm thía ra một điều: Tôi hiểu về âm nhạc truyền thống quá hời hợt, mà có lẽ đúng hơn là tôi chẳng hiểu gì về nó cả!

Ông minh họa bằng bài “Bước tới đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan, bài thơ nổi tiếng mà thế hệ chúng tôi đã thuộc làu từ thuở nhỏ. Tiềng đàn tranh réo rắt đưa chúng tôi về một buổi chiều của một triều đại xa lăng lắc, thuở mà nữ sĩ Thanh Quan đài các lặn lội qua đèo Ngang để ra đất Trường An, theo chiếu của vua Lê. Và bà đã dùng cái tài hoa của mình để biến ngọn đèo bình dị ở miền Trung thành toà lâu đài cổ kính trong văn học. Bóng chiều đã buông trên phố cổ, những mảng chiều xám đã chen với bóng nắng tà, lấp loáng trên các khung cửa của hội trường, và trong tiếng đàn tranh dường như cũng lắng đọng rất nhiều dư hưởng của bóng chiều yên tĩnh. Nhớ nước đau lòng con quốc quốc. Thương nhà mỏi miệng cái gia gia. Có lẽ chính cái yên tĩnh ngưng đọng của phố cổ mới giúp người nghe cảm thấy thấm thía hơn cái tình trong tiếng đàn tranh. Một mảnh tình riêng ta với ta. Tiếng đàn tranh đã giúp chúng tôi tìm về với nét đẹp của những giai điệu xa xưa, như Gérard de Nerval từng đưa chúng tôi về với những bài dân ca cổ xứ Pháp trong tác phẩm Sylvie, nơi châu quận Valoir sương khói.

Ðẹp biết bao là những giai điệu, những nét luyến láy tinh tế trong từng làn điệu dân ca. Tiếng trống vỗ, tưởng như bình thường, lại hàm ẩn trong nó biết bao là sự sống tinh thần. Theo ông, sống mãi trong khu rừng thì không thể thấy khu rừng đẹp. Ông là người may mắn, đi xa và nhìn lại khu rừng mới phát hiện ra nhiều kỳ hoa dị thảo. Khu rừng ấy là nền âm nhạc truyền thống của dân tộc. Chúng tôi rất tin điều đó. Nhà thơ Tô Ðông Pha đã từng bảo “Bất thức Lô sơn chân diện mục, chỉ duyên thân tại thử sơn trung”. (Ta không thể nhận ra được khuôn mặt thực của Lô sơn, chỉ vì thân ta còn ở trong núi này). Xa quê hương, một ngày nhìn lại mới thấy cái đẹp của bụi chuối bờ ao. Dòng sông tuổi thơ bình dị là thế, nhưng chỉ khi đi xa, ta mới thấm thía nó đẹp đến ngần nào trong hoài niệm.

Song tôi cứ trăn trở và suy nghĩ mãi. Cái sâu lắng, cái tinh hoa của âm nhạc truyền thống vẫn tồn tại đấy, nhưng trong tương lai đâu là những đôi tai, những tâm hồn nhạy cảm để nhận ra nó, trong vẻ đẹp tinh khiết ban sơ, như ông đã cảm nhận để truyền đạt lại với chúng ta? Có nên trách thế hệ bây giờ, dẫu chưa đến mức quay lưng, nhưng đã quá hứng hờ với nền âm nhạc truyền thống của dân tộc? Các làn điệu dân ca nhẹ nhàng, uyển chuyển, những giai điệu mềm mại tinh tế mà ông nói đến có lẽ chỉ thích hợp với cuộc sống nông nghiệp, khi mà nhịp độ cuộc sống còn trôi chậm theo cánh cò bay trên bãi lúa nương dâu. Nhưng giờ đây, thế hệ trẻ, đặc biệt là ở thành phố, khi mới chập chững bước vào đời đã bị xô vào cơn lốc sôi động của cuộc sống, tâm hồn các em tự nhiên phải thích ứng với nhịp điệu đó, nên dễ cảm thụ các nhịp điệu sôi động của Rock, Rap…. hơn, vì đó chính là nhịp điệu của cuộc sống. Bản nhạc hay nhất chưa hẳn là bản nhạc nổi tiếng nhất được mọi người công nhận, mà lắm khi lại là bản nhạc bình thường nhưng trong đó ta có một kỷ niệm đẹp nhất. Âm nhạc truyền thống dân tộc chưa bao giờ để lại trong tâm hồn các em những kỷ niệm sâu lắng, thì làm sao các em có thể nhận ra cái đẹp cái hay của nó? Các em chưa được tiếp xúc với dân ca từ tấm bé, khi mà những bà mẹ bây giờ chỉ biết ru con bằng băng Cassette, thì trách sao các em không cảm nhận được cái đẹp dịu dàng trong làn điệu hát ru?

Tôi cho rằng trong âm nhạc của mỗi thời đại đều có một nhịp điệu chủ đạo, và chính nhịp điệu đó phản ánh nhịp điệu của cuộc sống, mà trong đó nền âm nhạc ấy đang tồn tại. Bởi vậy tôi lo rằng, nền âm nhạc truyền thống dân tộc khó lòng, nếu không muốn nói là đã thất bại, trong việc giữ vai trò chủ đạo trong nền âm nhạc hôm nay. Cái đẹp sâu lắng của âm nhạc truyền thống, cái đẹp cần nhiều thời gian để cảm thụ và thẩm thấu đó, đang phải đối đầu với nét đẹp sôi động, linh hoạt và tươi vui của âm nhạc phương Tây. Sự tiếp xúc giữa cái cái cũ và cái mới, nếu tốt đẹp, sẽ diễn ra một cuộc hôn phối trong nghệ thuật. Nhưng cuộc hôn phối đó có khi diễn ra trong hàng thế kỷ, và chỉ có thể được thực hiện bởi những con người tài hoa và có tài năng lớn. Sau ông, ai sẽ là những con người đó, những con người mà tất cả những ai còn thiết tha với âm nhạc truyền thống, đang mong đợi? Những tâm hồn thiết tha nhưng cạn cợt, những tài năng nhỏ bé nhưng nhiệt tình, muốn tiến hành cuộc hôn phối đó thì chỉ có thể sản sinh ra những đứa con dị dạng của nghệ thuật, dưới hai chữ đẹp đẽ “Cải biên”!

Cuối buổi giao lưu, ông ngâm tặng bài kệ của Mãn Giác thiền sư đời Lý, vẫn cùng tiếng đàn tranh. Tiếng đàn tranh trong bài thơ của bà huyện Thanh Quan nghe man mác bâng khuâng, sao lần này tôi lại nghe tiếng đàn tranh ngậm ngùi khôn tả!

Xuân khứ bách hoa lạc.

Xuân đáo bách hoa khai.

Sự trục nhãn tiền quá.

Lão tòng đầu thượng lai .

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận.

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Xuân về, hoa tươi thắm

Xuân đi, hoa rụng dần

Chuyện đời lướt qua mắt

Tóc bạc theo tháng năm

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Nhành mai đêm trước nở ngoài sân)

Hai câu cuối ông ngâm đến hai lần, sao mà nghe thiết tha đến vậy? “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai “. Vâng, mùa xuân đi qua, nhưng hoa xuân nào đã rơi đi hết, mà đêm qua ngoài sân đã nở một cành mai. Một cành xuân. Một dấu hiệu của chu kỳ sống mới. Ông biết mình đã sắp đi qua. Tấm lòng và hoài bão của ông, biết có ai kế tiếp đựơc hay không, từ thế hệ trẻ hôm nay? Có ai hội đủ điều kiện như ông để tiếp tục con đường mà ông đã lặn lội, lịch hành trên đó suốt cả quãng đời? Và có phải chăng ông muốn dùng lời kệ của Mãn Giác thiền sư như một lời tâm sự gởi lại cho thế hệ đàn em? Ai sẽ là “Nhất chi mai” nơi “Ðình tiền tạc dạ”? Nhất chi mai. Một cành mai có còn thấp thoáng đâu đó, trong nền âm nhạc hiện nay?

Thảo luận