Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Phố Cũ Tam Kỳ

Tôi sinh ra ở Tam Kỳ. Tuổi thơ tôi đã trải qua trong những tháng ngày bình lặng đến thần tiên ở một thị trấn nghèo nàn của miền Trung ngày ấy. Rồi khi lớn lên, nợ áo cơm đã đẩy tôi xuôi ngược khắp nơi. Vô Nam rồi quay về lại Tam Kỳ. Đã bao nhiêu chuyến đi. Đã bao nhiêu lần bạn bè tập trung đưa tiễn. Rồi lại quay về. Và lại ra đi. Quê hương thuở ấu thơ vẫn cứ mãi chập chờn trong trí tưởng, theo những bước chân phiêu bạc ruỗi rong.

Ở nơi đó là hình ảnh những hàng sưa ven con sông Tam Kỳ hiền hòa trong xanh, là những con phố nhỏ bình yên, là những khuôn mặt của bạn bè thân quen. Ở nơi đó là nắng và mưa, là bao nước mắt với nụ cười. Nhưng ở đó, bão giông đời sẽ tắt, trong một ly rượu gạo, trong một tách cà phê giữa những vòng tay bè bạn. Ở nơi đó chỉ có sự bình yên, như nhịp võng đưa theo tiếng ru “à ơi” của mẹ trong thời thơ ấu. Thời gian trôi qua mau quá. Nhiều phen quay về lại quê hương ấu thơ với mái tóc đã nhuốm sương, mà sao tôi vẫn như còn nghe những lời đồng vọng từ cõi nào xa lăng lắc.

Ngày ấy, toàn bộ sinh hoạt thị xã dường như chỉ tập trung dọc theo con phố Phan Chu Trinh, cũng là quốc lộ số 1, trên chiều dài không đầy ba cây số, trải dài theo trục Bắc-Nam. Vậy mà lại có đến hai cái chợ cách nhau chưa quá mấy trăm bước chân. Có lẽ cho đến bây giờ, trên cả nước Việt Nam vẫn chưa có một loại hình chợ lạ lùng như Tam Kỳ thuở đó. Chợ Mai, ở ngay ngã ba Phan Chu Trinh −  Huỳnh Thúc Kháng, chỉ sinh hoạt vào buổi sáng, còn chợ Chiều, sau này được thay bởi khách sạn Tam Kỳ, chỉ hoạt động vào buổi chiều. Buổi sáng người ta tập trung buôn bán ở chợ Mai, đến khoảng trưa khi khách đi chợ đã vãn, những tiểu thương lại vội vã gồng gánh xuống chợ Chiều, để kịp cho phiên chợ sau giờ ngọ. Đến chiều tối lại phải gồng gánh về khu chợ Mai để chuẩn bị cho phiên chợ sáng hôm sau. Hai cái chợ nhỏ đó giờ không còn nữa mà đã được thay bằng một ngôi chợ Tam Kỳ lớn hơn và khang trang hơn rất nhiều ở khu vực ngay giữa hai khu chợ cũ, nhưng hình ảnh những người lao công gồng gánh hoặc những chiếc xe  ba−gác chở hàng hóa lên xuống hai khu chợ mỗi ngày hai lần trên con phố Phan Chu Trinh vẫn không bao giờ phai trong trí nhớ.

Thị xã được chia thành 2 khu phố : khu phố A và khu phố B, mà biên giới là chiếc cầu sạp bằng gỗ tại ngã ba Nam Ngãi, khi tôi còn rất bé đã nghe gọi là ngã ba cầu cống, và bây giờ đã bị lấp bằng thành đường nhựa. Ngay chỗ cột đèn giao thông nơi giao lộ Trần Cao Vân- Phan Chu Trinh là nơi mà lũ nhóc chúng tôi ngày ấy thường tập trung để chơi “bắn bành” và chơi trốn tìm, mà chúng tôi thường gọi là trò chơi “mô tê”. Cái tên “mô tê” mang nặng âm hưởng Tam Kỳ đó, giờ đây ít người biết đến, nhưng nó đã gắn liền với những đứa nhỏ cùng thế hệ tôi ở khu phố ngã ba. Những trận đánh nhau quanh chiếc cầu sạp nhỏ với những cây súng làm bằng ống trúc bắn đạn là hạt “bời lời”, cùng những quả “tạc đạn” bằng hạt thầu đâu, đã khiến cho bao đứa trẻ thuộc thế hệ chúng tôi nuôi ước mơ làm những Đinh Bộ Lĩnh, những Quang Trung qua các bài học lịch sử hào hùng mà không bao giờ chúng tôi quên được.

Thuở ấy, chúng tôi thấy quê hương nào có đâu xa. Đó là hình ảnh của những ngọn cờ lau tưởng tượng bay phất phơ trong tâm trí những cậu nhóc, trên đầu cầu, ở một góc phố nhỏ và rất đỗi bình yên. Hoa Lư cũng đó, Thăng Long cũng đó, mà Bạch Đằng giang cũng đó. Chúng tôi làm những Vạn Thắng Vương dẹp yên thập nhị sứ quân, làm những Quang Trung đại phá quân Thanh, hoặc những Trần Hưng Đạo dìm chết quân Nguyên trong những tiếng reo hò chiến thắng, chung quanh chiếc cầu nhỏ, mà trí tưởng tượng hồn nhiên của tuổi thơ đã biến nó thành vùng ranh giới mênh mông. Và khi mùa mưa tới, chúng tôi lại tập trung chung quanh chiếc cầu để xem những ngư dân thu người trong cái áo tơi chằm bằng lá, cất vó bắt cá theo con nước lũ tràn về.

Con đường Trần Cao Vân ngày đó vẫn chỉ là con đường đất đỏ với những bụi tre nơi giao lộ Phan Chu Trinh và những hàng dừa thấp. Từ trường Trần Cao Vân cũ (nay là trường Trần Quốc Toản) nhìn ra là đã thấy đồng lúa mênh mông, với những gò cây. Đó là nơi mỗi khi hè về, chúng tôi lại rủ nhau đi bắt cá lia thia, và tìm hoa dủ dẻ. Dường như trong tâm trí người dân ngày đó, thị xã được đồng hóa với con phố Phan Chu Trinh. Những người bạn của chúng tôi thời tiểu học ở khu chợ Vườn Lài, mà bây giờ là trường Cao đẳng Nông nghiệp, mỗi khi xuống con phố Phan Chu Trinh là đã có khái niệm “đi xuống phố”! Làm như con phố Phan Chu Trinh là nơi nào đó rất xa. Không gian, dù rất bình yên, nhưng vẫn mênh mông lắm trong tâm hồn tuổi thơ. Khu vực An Thổ hay khu Nam với những hàng dương liễu hay những bụi cây vẫn ít nhiều mang chút sắc màu bí ẩn.

Và có lẽ cũng không có nơi nào mà sinh hoạt tôn giáo lại đa dạng đến vậy trong một phạm vi rất hẹp, với một số dân vô cùng khiêm tốn. Ở khu phố B có chùa Tịnh Độ theo Tịnh Độ tông, gần đó là Thánh đường Tin Lành. Ở khu phố A có chùa Hòa An theo Thiền tông, dường như là dòng thiền Lâm Tế. Trấn ở hai đầu thị xã, nghĩa là hai đầu con phố Phan Chu Trinh, là ngôi chùa Đạo Nguyên ở mạn Bắc và nhà thờ ở mạn Nam, sát sông Tam Kỳ. Về sau ở mạn Bắc lại thêm thánh thất Cao Đài. Bên ngoài chút nữa là Khổng miếu thờ đức Khổng Tử. Tôi thực sự cảm động khi thấy gần đây Khổng miếu đã được trùng tu. Gần đó lại là hai ngôi nhà nhỏ được dùng làm thánh đường, một của đạo Cơ Đốc và một của đạo Ba’hai (?). Người dân Việt chúng ta vốn hiền lành, yêu chuộng hòa bình, luôn chủ trương “Vạn pháp đồng tông”. Với họ, tôn giáo nào cũng tốt đẹp, cũng kêu gọi con người hướng về điều thiện. Tiếng chuông nhà thờ ngân nga ở mạn Nam vẫn như cứ từng chiều hòa quyện với tiếng chuông chùa trầm lặng ở mạn Bắc, dường như để điểm tô thêm cho nét đẹp tâm linh trong đức tính hiền hòa, bình dị của người dân xứ Quảng.

Con đường Huỳnh Thúc Kháng đã thay đổi quá nhiều, khang trang quá và đẹp quá, khiến khách tha phương quay về khó lòng nhận ra chốn cũ, nếu như không có cây đa cổ với những tàn lá vẫn còn rậm rạp. Với chúng tôi, cây đa ngày đó với ngôi “miếu Bà” trông rất âm u và được phủ đầy huyền thoại. Đó là nơi trú ngụ của “”. Trong tâm hồn trẻ thơ, hiện thực dễ dàng được bao quanh bởi những sắc màu linh thiêng huyền ảo. Vào những lúc đứng bóng, chúng tôi không ai dám một mình đi ngang qua đó để đến ngôi trường tiểu học Tam Kỳ. Những đứa bạo gan hơn cũng phải rủ thêm vài người bạn, cùng cầm dép trên tay, khi đến gần cây đa thì cùng nhau cắm đầu mà chạy. Nhưng vào những buổi chiều, khi đi học về, chúng tôi vẫn thơ thẩn dưới gốc cây để xem những người thợ thiếc ngồi gò những cái thùng thiếc nhỏ.

Con đường Hùng Vương xinh đẹp bây giờ là nơi ngày xưa chúng tôi thường rủ nhau đến bắt bọ rầy, bằng phân bò hun khói. Khu vực nơi đây, ngày xưa trồng khá nhiều dương liễu. Ngồi uống cà phê tại một quán vỉa hè trước trường Đại học Sư Phạm, tôi vẫn hình dung ra cảnh một đám nhóc đang hì hục hun phân bò bằng những ngọn dương liễu đã khô.

Tôi về lại và thấy Tam Kỳ đã thay đổi quá nhiều. Nhưng mỗi góc phố, mỗi con đường vẫn như còn ăm ắp vô vàn kỷ niệm. Đi qua nhiều con phố lớn mà lòng vẫn mường tượng ra được những lối cũ đường xưa. Đổi thay là cuộc sống, nhưng lòng người vẫn luôn muốn giữ lại một chút gì thân thương giữa muôn ngàn dâu bể. Để những khi trên lưng đã hằn sâu những vết roi đời, thì người ta vẫn còn một chốn quay về, tìm lại chút bình yên nơi quê hương thời thơ ấu.

Thảo luận