Kính điếu anh hồn hai thi sĩ Tố Như và Bùi Giáng
Xin cho thiển thổ một doi
Gọi là đắp điếm lấy người tử sinh (1)
Khi tiếng tù và báo hiệu đến lúc đổi phiên canh của người lính lệ rúc lên làm rung động bầu trời chiều, thì trời đã vào giờ thân. Gần vọng đài ở góc thành Nam, những ngọn gió biển thổi vào làm các ngọn tinh kì bay phất phới, có hai người đang cùng nhau đối ẩm. Người ngồi hướng mặt về phương nam mặc giáp phục, vẻ mặt thô hào, râu hùm hàm én. Ðối diện là một người ăn mặc theo lối nho sinh, dáng người tao nhã. Cả hai cùng mân mê chén rượu, nhìn nhau rất lâu mà không nói một lời nào. Nho sinh bỗng nhiên như người sực tỉnh mộng, nâng chén rượu nói:
Có phải tướng quân quyết định ngày mai sẽ giải giáp qui hàng? Người mặc giáp phục mĩm cười, trỏ tay xuống duới vọng đài:
-Ý ta đã quyết. Ngày mai. Tiên sinh hãy nhìn kìa. Tinh binh hùng tướng điệp điệp trùng trùng là thế, nhưng chỉ ngày mai thôi, sau khi ta tiếp sứ thì ngọn cờ sẽ ngơ ngác, trống canh sẽ trễ tràng. Hôm nay tiên sinh hãy cùng ta uống chén rượu tiễn biệt cuối cùng.
Nho sinh trầm ngâm một hồi lâu, rồi hỏi:
-Không lẽ tướng quân tin vào cái âm mưu chiêu hàng của Hồ Tôn Hiến ư?
Người mặc giáp phục bỗng nhiên cười rộ, làm cho những con chim đang đậu trên chóp vọng đài cùng kêu lên một tiếng rồi hoảng hốt vỗ cánh bay đi.
-Tiên sinh nghĩ ta là người thế nào? Từ ngày chia tay cùng chuyết kinh (2) , ta đã một mình một ngựa tung hoành khắp thiên hạ, dựng lên cơ đồ để năm năm qua, chốn hải tần hùng cứ một phương, văn võ sơn hà rạch đôi cùng Minh đế. Nếu như cái âm mưu chiêu hàng trẻ con của tên Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến mà qua mắt được ta, thì ta còn gì là Từ Hải của đất Việt Đông nữa?
Nho sinh lại hỏi:
-Nếu như vậy thì tại sao tướng quân lại quyết định qui hàng?
Từ Hải, người mặc gíáp phục, nhìn sâu vào đôi mắt của nho sinh rồi nói:
-Tố Như tiên sinh! Ta với tiên sinh dầu chỉ là bình thuỷ tương phùng nhưng lại là bạn tương tri trong chỗ hình thần, hiểu nhau từ trong phế phủ. Ta có chút tâm nguyện bình sinh, há tiên sinh lại không thấu rõ?
Nho sinh được gọi là Tố Như vội buông chén rượu, hai tay thi lễ, nghiêm trang nói:
-Thưa Từ tướng quân, Nguyễn Du tôi chỉ là văn sinh, bình sinh may mắn được gặp tướng quân và xem nhau như chỗ tri âm. Chút tâm sự của tướng quân, Du tôi có hiểu được một phần. Tướng quân vốn trí dũng hơn người nhưng chưa hiện rõ được cái bi tâm nên ngàn đời sau người ta vẫn còn mơ hồ chưa thấu. Có đúng thế chăng?
Từ Hải gật đầu, nâng cao chung rượu, uống cạn rồi đáp:
-Xin mời cạn chén. Gặp được tiên sinh quả không uổng phí một phen kết mối giao tình. Ta vốn là khách biên đình ngẫu nhiên gặp được chuyết kinh trong chốn bình khang ô trọc. Chữ tương phùng âu cũng không ngoài môt chữ cơ duyên. Ngay từ buổi đầu sơ ngộ, ta và nàng đã xem nhau như là tri kỉ. Trong chốn phong trần, ta đã nhận ra ở nàng thân phận lênh đênh của một bậc tài hoa bạc mệnh. Còn phần ta dầu đang trôi nỗi trong cõi trần ai, nhưng nàng vẫn nhận ra ở ta cái ngạo khí can vân của khách anh hùng. Nàng mong muốn được đem việc chung thân phó thác cùng ta. ”Tấn Dương được thấy mây rồng có phen. Rộng thương nội cỏ hoa hèn. Tấm thân bèo bọt dám phiền mai sau”. Cho nên ta đã rong ruỗi khắp bốn phương, xông pha giữa làn tên mũi đạn để xây dựng cơ đồ, đem đặt dưới chân nàng để tạ lòng tri kỉ. Rồi ta cũng đã vì nàng tổ chức buổi đền ân trả oán giữa chốn quân trung.
Từ Hải bỗng ngừng câu nói, uống cạn tiếp một chung rượu nữa. Nguyễn Du hỏi:
Thưa tướng quân, vì hồng nhan tri kỉ trả oán đền ân thì có gì là ân hận? Từ Hải lắc đầu nói:
-Có gì vì nàng mà ta ân hận? Nguyễn tiên sinh, sống ở cõi đời có được một hồng nhan tri kỉ để làm bạn thì ta thấy có chết đi cũng không uổng phí một đời người. Trong buổi trả oán đền ân, ta đã để mặc nàng tác chủ để nàng trút hết đi được tâm sự trầm oan. Nhưng than ôi, trong buổi đền ân trả oán đó, nàng đã làm điên đảo cả thị phi. Cảnh tượng kinh hoàng ngày báo phục báo hiệu bao giông tố của mai sau, mà có lẽ ngoài ta và sư trưởng Giác Duyên ra, không có ai hiểu thấu. “Việc nàng báo phục vừa rồi, Giác Duyên vội đã gởi lời từ qui”, “Giác Duyên vâng dặn ân cần. Tạ từ thoắt đã dời chân cõi ngoài “ Rồi mai đây nàng sẽ trùng phùng cùng sư trưởng Giác Duyên nơi “cõi ngoài“ ấy để thành tựu cho xong giai điệu cuối cùng của những tiếng tân thanh.
Nguyễn
Du nghiêm
nét
mặt hỏi:
-Thưa tướng quân, Du tôi vẫn canh cánh một điều bên lòng là Vương phu nhân vốn đã nổi tiếng khắp thiên hạ với tiếng đàn cao diệu. Thế mà chẳng nghe thấy tướng quân một lần nhắc đến. Há đó chẳng phải là điều kì lạ đối với kẻ “Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo “ ư?
Từ Hải gật đầu đáp:
-Khắp thiên hạ ai ai cũng được nghe nàng đánh đàn. Từ bọn công tử la cà chốn thanh lâu, cho thậm chí đến kẻ đốn mạt như Mã Giám Sinh đều được nghe nàng đàn. Chỉ trừ có riêng ta. Ðối với bọn họ, ngay cả với Kim Trọng, Thúc Sinh, thì nàng cần phải dùng cung đàn bạc mệnh để biểu đạt tâm can. Còn với ta, nàng hiểu rằng ta đã thấu rõ hết tâm sự của nàng rồi nên tiếng đàn kia không còn cần thiết nữa, vì ta đã hiểu rõ nàng ở chỗ “huyền ngoại chi âm”. Ðã bao năm nay, kể từ khi nàng mãi nhìn “ cánh hồng bay bổng tuyệt vời, đã mòn con mắt phương trời đăm đăm “ cho đến buổi đền ân trả oán “ Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi “, ta vẫn canh cánh bên lòng chút tâm sự “Xót nàng còn chút song thân, Bấy lâu kẻ Việt người Tần cách xa, Sao cho muôn dặm một nhà, Cho người thấy mặt là ta cam lòng”. Cũng bởi chút tâm sự đó mà ta chấp nhận nghe nàng khuyên để qui hàng Hồ Tôn Hiến. Tiên sinh thừa hiểu rằng nghe theo lời khuyên của nàng cũng chỉ là cách để ta thực hiện một chút gì còn lại trong tâm nguyện. Ngày mai ta sẽ qui hàng để cho “muôn dặm được một nhà “, để cho đứa con lưu lạc tha hương được quay về nơi cố quận.
Nho sinh đăm chiêu nhìn những giọt rượu màu hổ phách sánh ra ngoài chung lưu li. Ánh nắng chiều cuối thu chiếu vào làm màu rượu càng thêm óng ánh. Không gian bỗng nhiên như im sững lại trong nỗi trầm tư. Sau nhiều lần rất phân vân, nho sinh ngập ngừng hỏi:
-Nhưng thưa tướng quân, tướng quân đã thể hiện bi tâm theo thể điệu của khách anh hùng, nhưng rồi…
Từ Hải cắt ngang mà đáp:
-Phần ta, ta sẽ chết!
Nho sinh thảng thốt kêu lên:
-Tướng quân sẽ chết! Tướng quân đã biết rõ điều đó ư? Thế thì…
Câu nói giữa chừng bỗng như chùng lại, bị cuốn theo cơn gió từ biển thổi mạnh
Từ Hải uống cạn thêm một chung rượu nữa, rồi đáp:
-Ðúng! Ta sẽ chết! Cái chết của ta cùng những giọt nước mắt ăn năn của nàng trong ngày mai giữa đám loạn quân sẽ làm sáng tỏ biết bao điều mà nàng hãy còn mơ hồ
trong cõi đời dâu bể. Cái chết của ta cũng sẽ làm khai thông bao nhiêu điều bế tắc cho đời nàng, cho nhiều người khác và sẽ khiến nàng được trùng sinh trong giác ngộ, mai sau.
Tố Như vén áo bào, nghiêm trang đứng lên nói:
-Thưa tướng quân, “sĩ vị tri kĩ giả tử, nữ vị duyệt hĩ giả dung”, kẻ sĩ vì người tri kỉ mà chết, khách má hồng vì người mình yêu mà trang điểm dung nhan. Tướng quân là khách anh hùng cái thế, lại lãng mạn đa tình, nay vì đấng hồng nhan tri kỉ mà nguyện làm người tử sinh để thể hiện trọn tấc bi tâm. Vãn sinh xin vì tướng quân và phu nhân mà dựng lên một toà tân thanh lặng lẽ giữa biển dâu. Ðể vạn đại mai sau, nhân gian nhìn lại sẽ hiểu đâu là tinh thể của tình yêu và hai chữ bi tâm.
Từ Hải vội đứng lên, nâng cao chung rượu mà nói:
-Tấm lòng của tiên sinh, ta xin tạc ghi vào phế phủ. Mai đây khi đã lịch hành trọn con đường dâu bể, xin tiên sinh hãy đem chút tài hoa bạt tụy của mình ra gởi tâm sự ta vào thiên cổ. Ta chỉ thương cho tiên sinh đã đem “tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” để cưu mang những phong vận kì oan của thiên hạ, còn tâm sự u uẩn của chính mình lại không biết ngõ cùng ai. Nhưng ta hiểu đó cũng là cách thể hiện bi tâm của những tâm hồn thông tuệ, và cũng là cái thông lụy của bọn tài hoa suốt dưới vòm trời kim cổ. Bây giờ, xin tiên sinh hãy cùng ta cạn chén vĩnh li.
Hai người nhìn nhau thật lâu. Từ Hải bỗng nhiên thấy dường như khuôn mặt Nguyễn Du nhoà dần đi và biến thành khuôn mặt kiều diễm của Thuý Kiều. Một lát sau lại biến thành khuôn mặt nho nhã của Thúc Sinh, rồi thành khuôn mặt trầm tĩnh của Giác Duyên, gian ác của Khuyển Ưng, thông minh mà cay nghiệt của Hoạn Thư, thô bỉ của Bạc Bà, Bạc Hạnh….. Trong dòng biến hoá trong phút giây mà dường như vô tận đó, tất cả các hình ảnh đều trôi chảy, thoát ẩn thoát hiện, đan xen nhau, bùng cháy lên trong ngọn lửa trí tuệ đắm say của nhà thơ. Và cuối cùng tất cả các hình ảnh đó đều tan biến đi, tất cả đều tiêu dung lặng lẽ trong suối nguồn vô lượng của bi tâm, để hiện ra lại khuôn mặt thông tuệ của chính nhà thơ. Chỉ trong một phút giây kì diệu đó thôi, mà Từ Hải thấy như mình đã trãi qua cuộc hành trình dài bằng cả một đời người.
Hai người bỗng nhiên cười rộ lên, cùng cạn hết chung rượu rồi ôm chặt nhau khi nền trời đang mờ dần trong ánh tà huy.
Chiều hôm ấy, người ta thấy một thư sinh áo trắng, lưng đeo trường kiếm, cưỡi ngựa rời cổng thành. Người ấy cười ngựa trên đường cái quan, cất cao giọng ngâm giữa những làn gió thu lạnh buốt:
Cổ kim hận sự thiên nan vấn Phong vận kì oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Gần mấy trăm năm sau, có một gã thi sĩ thiên tài đọc lại Nguyễn Du và viết “Xô ùa Từ Hải ra làm Người Tử Sinh thì đồng thời Nguyễn Du cũng đưa Tại Thể mình xuất võng hoạt tồn, vào cuộc chịu chơi với Triều Nguyễn, mở trở lại buổi Lễ Hội Tháng Ba trên căn cơ bất khả tư nghì“(3).
……………………………………
Thảo luận