Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

Trái Tim Sói

Tại thôn Vân Ngũ, làng Vô Mục, có Trần là người chân chất thô cục, tính tình nóng nảy, nhưng tốt bụng. Chỉ phải tội là tối dạ, học hành chậm chạp. Cha Trần là một hàn nho, do tranh chấp về một khoảnh ruộng nhỏ, nên có xích mích với một tay bá hộ trong làng. Bá hộ vốn là kẻ tàn ác, chuyên cướp đất đai của dân làng. Bá hộ đem tiền của đút lót quan huyện, vu tội cho cha Trần. Quan huyện sai lính lệ đem cha Trần về nha huyện, đánh cho một trận thừa sống thiếu chết để cảnh cáo. Cả làng ai cũng thương ông bị oan, nhưng sợ uy bá hộ nên không ai dám hó hé điều gì.

Cha Trần buồn phiền nên phát bệnh mà mất. Trước khi nhắm mắt, ông trăn trối lại cho con:

– Cha con ta là dân áo vải, thấp cổ bé họng, làm thân phận con ong cái kiến thì kêu oan gì được. Có muốn báo thù rửa hờn thì chỉ có con đường duy nhất là cố gắng làm quan. Song cha biết con vốn tối dạ, nên không hy vọng gì ở con đường khoa mục được. Nếu thấy không thể báo thù được thì cố gắng quên đi, để mà sống.

Ðược ít lâu sau, mẹ cũng mất nốt. Trần ôm mối hận, phát phẫn mà học. Nhưng nỗ lực rất nhiều mà vẫn không tiến bộ bao nhiêu. Học mười thì chỉ hiểu được hai, ba. Gia cảnh ngày càng sa sút. Bá hộ lập mưu chiếm luôn phần ruộng còn lại của nhà Trần, khiến Trần càng khốn khó. Trần phải đi làm thuê, và thỉnh thoảng vào rừng hái củi. Hằng đêm Trần thức rất khuya để đọc sách. Cả những lúc lên rừng cũng mang theo sách để học. Trần phần vì sống thiếu thốn cực nhọc, phần vì cứ mãi nghĩ đến chuyện báo thù nên thân hình ngày càng tiều tuỵ Người trong thôn ai cũng thương cảm, thỉnh thoảng hay giúp đỡ.

Thôn của Trần nằm gần một ngôi rừng. Trước kia, dân trong thôn vào rừng lấy củi hay bị sói ăn thịt. Người ta đồn rằng con sói do ăn thịt người quá nhiều nên đã thành tinh. Dân làng sợ lắm, cùng nhau lập một ngôi míếu có tượng chó sói để thờ ở bìa rừng, gọi là miếu Lang thần. Người trong thôn đi hái củi, trước khi vào rừng, đều ghé vào miếu thắp hương khấn vái. Từ đó, nạn sói ăn thịt có giảm bớt. Nhưng càng về sau, càng ít người vào rừng, nên ngôi miếu gần như bị bỏ hoang. Những ngày đi hái củi, Trần hay ghé vào đó nghỉ ngơi, và cầu Thần sói giúp mình thi đổ để trả thù.

Một buổi chiều, Trần đi hái củi về, đến ngôi miếu thì vừa mệt vừa đói. Trần bèn ghé vào miếu nghỉ. Thân thể thì suy kiệt, mà lòng thì cứ nghĩ đến cảnh nhà tan cửa nát, thù cha chưa báo, thân thế mù mịt, nên càng thêm phẫn hận đau đớn đến mửa cả máu mà ngất đi. Ðến nửa đêm thì chân tay lạnh giá, như người đã chết. Bỗng nhiên trong cơn mê, Trần thấy một người từ ngoài miếu bước vào. Người lạ mặc một lớp áo giáp trắng như tuyết, mặt mày oai nghiêm nhưng hung ác, đôi mắt sáng quắc như điện. Ông ta đưa tay sờ vào ngực Trần, một lúc lâu, gương mặt tươi hẳn lên, lẩm bẩm:

– Ta biết bao năm nay nhà ngươi cứ bo bo chuyện làm quan để rửa hờn, nên mới ra nông nỗi này. May mà còn chút sinh cơ, có thể cứu được. Có điều trái tim ngươi đã hỏng. Ngươi muốn rửa hờn thì cần phải có một trái tim tàn độc mới được. Lúc này muốn cứu ngươi thì chỉ còn cách thay trái tim ngươi bằng trái tim sói mà thôi. Ta sẽ có cách giúp để nhà ngươi thành toàn tâm nguyện.

Ông bỏ ra ngoài miếu, lát sau quay lại với một con dao sáng loáng và một cái bọc nhỏ. Ông bèn mổ ngực Trần, lôi trái tim ra ngoài, rồi cẩn thận mở bọc nhỏ ra. Trong bọc chứa một cục thịt đỏ hỏn, máu tươi chảy ròng ròng. Nhìn kỹ thì thấy là một trái tim, nhưng hình thù hơi kì dị, không giống hẳn trái tim người. Ông từ từ đặt trái tim đó vào lồng ngực Trần, rồi vuốt lại cho liền da. Ðoạn cho Trần uống một viên thuốc màu trắng, rối bước ra ngoài miếu mà đi mất. Trong cơn mê, Trần mơ hồ thấy có người mổ ngực mình, toàn thân đau nhói, mồ hôi toát dầm dề, nhưng không làm sao la lên được. Lúc sau, lại thấy có một luồng hơi nóng từ cổ trôi xuống, người ấm dần lên và dễ chịu đôi chút, nhưng vẫn mê man bất tỉnh.

Sáng hôm sau, mấy người trong thôn đi lấy củi, thấy Trần nằm chết giấc bên vệ miếu, trên ngực còn vết máu tươi thì đều hoảng kinh, cho là Trần bị sói vồ hụt. Sờ người thấy còn ấm, bèn cùng nhau khiêng về nhà. Trần mê man ba hôm thì tỉnh. Hỏi chuyện hôm trước thì không biết gì cả. Nghe người trong thôn kể lại, Trần lại càng ngạc nhiên. Có điều từ đó, Trần đổi tính, trở nên cộc cằn hơn và ít giao du với người trong thôn. Những lúc rỗi, Trần thường ra miếu ôn bài vở. Có đêm Trần ra hẳn ngoài miếu để ngủ. Người làng ai cũng sợ, cho Trần là người cuồng.

Một hôm, Trần tình cờ bắt được ở ngôi miếu một gói bạc, lòng vô cùng mừng rỡ, tin đây là quà tặng của Thần sói. Từ đó, càng dốc sức học hành. Năm sau, nhà vua mở khoa thi, Trần nhờ số tiền đó mà khăn gói lên đường. Tay bá hộ trong làng nghe tin Trần đi thì cười rộ, bảo:

– Ngữ ấy đi thi mà đậu thì cả nước này đều là dân khoa bảng cả!

Vào kỳ thi Hương, thì Trần đỗ ngay. Ai cũng ngạc nhiên. Ðến kỳ thi Hội, gặp đề bài khó quá, Trần đành ngồi cắn bút. Trong lúc tuyệt vọng, bỗng nghe bên tai như có tiếng người nhắc nhở để làm bài. Trần như người chết đuối vớ được phao, không cần suy nghĩ gì cả, cứ theo lời nhắc mà viết. Ðến khi đọc lại, Trần cũng chỉ hiểu được dăm ba câu mà cũng hiểu lờ mờ, nhưng tin chắc đây là Thần sói giúp mình nên yên tâm nộp bài.

Khi quan giám kháo chấm bài, đọc văn Trần thấy quái dị, bất cận nhân tình, toan phê chữ “liệt” để đánh hỏng, bỗng thấy thấp thoáng trong không gian có một con sói nhe răng hầm hừ như muốn ăn thịt, thì kinh hãi. Cất bút sửa thành chữ “ưu” thì hình ảnh con sói biến mất. Quan giám khảo linh cảm biết có điều quái dị, nhưng sợ bị sói trả thù nên không dám nói cho ai biết cả.

Ðến khi xướng danh, Trần đỗ thứ ba, đè bẹp cả những tay văn chương cự phách ở kinh sư, khiến giới sĩ phu đều kinh ngạc. Nhưng ngoài Trần và quan giám khảo ra, không ai hiểu được nguyên nhân vì đâu.

Thời gian sau Trần được bổ về làm Tri huyện ở quê nhà để thay cho Tri huyện cũ bị cách chức vì tội tham ô. Ngày về nhậm chức, Trần bắt hương chức trong làng đem cờ xí nghinh đón cực kì long trọng.

Ðầu tiên, Trần cho sửa lại ngôi miếu Lang thần thật khang trang, và cắt đặt các với bô lão trong làng lo cúng tế quanh năm, vô cùng tốn kém. Trần âm thầm cho người đi điều tra và sưu tập hết chứng cứ về việc chiếm đất của tên bá hộ. Sau đó, Trần tổ chức cho dân làng công khai luận tội tên bá hộ giữa đình làng. Trần buộc mỗi người phải nhổ nước bọt và đạp vào mặt gã. Ðến khi thấy tên bá hộ mặt đẫm máu, chết đi sống lại, nhiều người trong làng không nỡ nặng tay, thì đều bị Trần phạt. Sau đó, Trần cho giam gã vào ngục, rối ra lệnh bắt cả gia đình. Con trai thì Trần bắt làm nô dịch, con gái thì đem bán cho các thanh lâu. Trần đày đoạ bá hộ chết dần mòn, muốn tự tử cũng không được, mà sống cũng không xong. Ở trong ngục, mỗi bữa ăn Trần đều sai người đem vào một mâm cơm tươm tất, nhưng đều có trộn chung với những thứ nhơ bẩn. Rượu thì hoà với nước tiểu, cá thịt thì bôi phân người. Viên cai ngục thấy quá tàn nhẫn, chỉ biết lén thở dài, nói:

– Ðây không phải là việc làm của con người.

Ðược ít lâu, bá hộ chết. Trần cho người ném xác vào rừng. Trần cai trị cực kì hà khắc và tham lam vô độ. Khắp vùng, hễ gia đình nào có con gái đẹp hay mảnh đất tốt đều bị Trần tìm cách chiếm đoạt. Tiếng ta thán đến tận triều đình. Vua nhiều phen cử cả quan Khâm sai đại thần về điều tra. Nhưng không hiểu sao, lần nào Trần cũng thoát nạn, mà lại được thăng quan tiến chức. Trần biết có Thần sói ám trợ nên càng được thể làm càn, thỏa sức vơ vét, xem thường cả vương pháp.

Trần cho xây dinh thự thật nguy nga, ai đi qua cũng phải ngã mũ nón. Một hôm có vị du tăng, đứng trước cửa dinh, nhìn vào, lắc đầu nói:

– Than ôi. loài lang sói nghiệt chướng sâu dày, tà khí quá nặng không biết bao giờ mới dứt được đây.

Lính gác cửa thấy vị du tăng ăn mặc rách rưới lại xúc phạm đến quan, toan bắt, nhưng thấy ông thần sắc oai nghiêm, khí độ trầm hùng, nên không dám ra tay, liền vào báo quan. Trần lấy làm lạ, bèn mặc áo mũ tề chỉnh thăng đường, sai quân lính đứng hầu thật uy nghi rồi cho gọi vào.

Vị du tăng vừa bước vào, Trần đã vỗ án, quát:

– Tên thầy tu dơ dáy kia, thấy bản quan sao chưa chịu quì?

Vị du tăng thản nhiên đứng giữa công đường, từ từ lôi trong tay áo ra một vật nho nhỏ, rồi trầm tĩnh hỏi:

– Nhà ngươi có biết đây là vật gì không?

Trần nhìn kỹ thì thấy đó chỉ là một vật giống như cục đá màu xám đen, liền nổi giận quát:

– Mi dám đùa với bản quan chăng?

Vị du tăng nhìn thẳng vào mặt Trần, thở dài mà nói:

– Quả đúng là nhà ngươi nghiệp chướng đã quá sâu dày, nên không còn nhận ra cả trái tim
của mình bị đổi ở miếu Lang thần nữa. Lâu nay nó đã xa lìa cõi người ta nên đã biến thành vật vô tri giác. Ta muốn hồi sinh cho nó nhưng đành bó tay, cho nên có muốn cứu độ cho ngươi đi nữa, chỉ e không còn kịp nữa rồi. Ngươi vốn đã ngu si mà tâm tham dục và sân hận lại quá lớn, nên bị cái si cứ ngày càng che lấp. Mộng ước làm quan mà chỉ để trả tư thù là đã đi sai nẻo. Tham sân si đến thế là tột cùng, làm gì chẳng lăn lóc trong cõi vô minh? Con đường đạo lý thánh hiền không phải là con đường của nhà ngươi đâu.

Ngươi đã đem tâm đổi cho loài lang sói thì có còn hy vọng gì làm người được nữa? Ngày báo ứng ắt sẽ đến ngay trước mắt, ngươi hãy chờ xem.

Trần nổi cơn thịnh nộ, muốn toan quát lính bắt, nhưng bỗng nhiên thấy toàn thân cứng đờ, không thể nào mở miệng được. Bọn lính hầu cũng đứng như trời trồng, nhìn vị du tăng thong thả ném vật cầm trên tay lên bàn quan, rồi khoan thoai bước ra ngoài đi mất.

Vị du tăng vừa đi khuất, thì Trần đã rũ rượi như người chết, ngã gục ngay trên bàn, mặt mày trắng bệch, hơi thở yếu như tơ. Linh hầu hốt hoảng đưa về tư phòng. Từ đó, Trần ngã bệnh nặng, thuốc thang không hề thuyên giảm. Suốt hai tháng trời cứ nửa mê, nửa tỉnh. Những lúc tỉnh táo, thần trí tương đối khôi phục, thì Trần cứ mân mê trái tim hoá đá mà vị du tăng bỏ lại. Trần mơ hồ thấy bên cạnh trái tim đó có một con sói hung ác đang canh giữ. Nhiều lần nằm mơ, Trần thấy có một cậu bé thôn dân ăn mặc lam lũ nhiều lần xông vào toan cướp lấy trái tim thì bị sói đánh đuổi đi. Nhìn kỹ thì cậu bé đó chính là mình thuở thiếu niên, khiến Trần càng thêm kinh hãi.

Lúc lâm chung, dường như lương tri sống lại, Trần muốn trăn trối đôi lời, nhưng hễ mở miệng thì lại cất thành tiếng tru như chó, khiến những người hầu đều hoảng sợ. Trần cố gắng nằm chết bình thường trên giường như một con người, nhưng có một ma lực nào đó cứ buộc Trần lết vào xó nhà để rên. Tiếng rên nghe như tiếng chó gầm gừ. Lát sau, Trần trút hơi thở cuối cùng, lưỡi thè ra, nước dãi chảy quanh miệng, như loài chó lên cơn dại. Bấy giờ là năm Nguyên Hoà thứ hai.

Thảo luận