Không cần chứng minh thêm, ta cũng thấy rõ rằng giáo lý về Nghiệp của đức Phật đã đem lại chất men cho nền luân lý hiện thực cũng như tôn giáo hiện thực. Luân lý và tôn giáo mang tính hiện thực khi chúng là chức năng nhận thức.
Mọi nền luân lý đều xây dựng trên lòng vị tha. Nếu lòng vị tha không phải là sự khổ hạnh hay tu tập mù quáng, thì nó phải có một động cơ.
Điều này được cung cấp bởi giáo lý về Nghiệp.
Bởi vì, ở đâu tôi hiểu bản thân tôi như một tiến trình tự duy trì qua chính nó, nghĩa là thông qua ý chí, thì ở đó trong mỗi sát na tôi tự định hình mình cho sát-na tiếp theo, và trong kiếp này tôi tự định hình mình cho kiếp sau. Với kiến giải chân chính đó, tôi trở thành người kiến tạo định mệnh mình, theo nghĩa đen.
Từ đó, lòng vị tha được kéo theo như là điều tất yếu hiển nhiên.
Mọi tôn giáo đều nằm trong nhu cầu muốn tìm về kiếp sau, muốn liên kết kiếp này với một kiếp sau cao hơn. Giáo lý về Nghiệp khai mở cho tôi thấy rằng chính kiếp sau là cái mà kiếp này “liên kết vào”.
Từ đây, kéo theo luân lý và tôn giáo như là chức năng nhận thức.
Người ta nhận thấy rằng một giáo lý như vậy tất yếu phải tạo ra được những thay đổi sâu xa trong việc đánh giá những giá trị của cuộc sống, và cùng với nó là những thay đổi trong mối tương quan của cá nhân đối với hoàn cảnh chung quanh, bao hàm cả những mối quan hệ xã hội.
Sự thô bạo hung ác được ướp hương hoa của nền văn minh chúng ta đặt nền tảng trên những nhận thức sai lầm về ý nghĩa cuộc sống, từ đó đã kéo theo sự đánh giá sai lầm về những giá trị của cuộc sống. Chúng ta xem những triệu chứng như là bản thân của sự vật, rồi đắm chìm trong cõi vô tận của chúng mà không sao thoát ra được. Tất cả chúng ta đang lái con tàu đi lệch hướng và mọi nhà tư tưởng đều phải thấy rõ được điều đó. Nhưng vì không một ai tìm ra được phương thuốc nào, nên điều này về mặt thực tế được tìm trong cuộc chiến với các triệu chứng, nghĩa là chúng ta cứ lo tát nước ra khỏi con tàu đang chìm mà quên bịt kín các lỗ rò,: và về mặt lý thuyết thì nó được tìm trong việc tạo ra mọi kiếu lý tưởng giả tạo, nghĩa là trong những giá trị cảm xúc.
Không có thứ gì có thể thay thế tạm thời. Sự giúp đỡ chỉ có thể đến từ tư duy, thông qua việc đạt được chánh kiến về cái gọi là giá trị cuộc sống của chúng ta..
Chính ở điểm này giáo lý đức Phật đã đến như một bậc đạo sư, một nhà giáo dục, một nhà cách mạng thay đổi các giá trị, tóm lại là như phúc âm cho tư tưởng và tạo ra một bước ngoặt mới cho “cuộc đấu tranh sinh tồn” mù quáng, mà tất cả chúng ta đều lệ thuộc vào như những kẻ điên cuồng.
Phật pháp là giáo lý về hiện thực, giáo lý về Nghiệp, là kết quả của tư duy chân chánh về hiện thực. Để Phật pháp có thể tiếp cận được với nếp tư duy của con người hiện đại, để con người hiện đại có được tầm nhìn bao quát tự do từ sự tồn tại tủn mủn của những mục đích mà chính họ đã lật lên, có thể phóng được tầm mắt nhìn ra xa qua những bức rào tường rào ngu muội đã ngã đổ, thì cần phải quét sạch những thế giới quan phi hiện thực hay tái tạo hiện thực, hoặc quét trả chúng về đúng lĩnh vực hạn hẹp của chúng. Cần phải nhường chỗ cho hiện thực và tư duy về hiện thực.
Đó là nhiệm vụ chính của cuốn sách này.
Nhưng chân lý không chấp nhận việc con đường dành cho nó được tạo ra bằng bất kỳ biện pháp cưỡng bức nào. Ở đây chỉ có cho phép một điều : chỉ rõ ra, kiên trì và thường xuyên chỉ rõ ra. Nó sẽ tự vạch ra con đường đi cho chính nó.
“Trên tất cả, quà tặng vinh quang là quà tặng của chân lý”
Thảo luận