Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

12. Phật giáo và vấn đề vũ trụ

Vấn đề này nghiên cứu những câu hỏi liên quan đến sự phát khởi của thế giới nói chung và sự sống nói riêng, do đó đặt nền tảng trong trò chơi có phương pháp về hai điều phi lý đối chọi lẫn nhau. Nếu như nhà duy vật hỏi : “Sự sống đã đi vào thế giới như thế nào?” thì nhà duy tâm lại thắc mắc : “Thế giới đã đi vào sự sống, nghĩa là đi vào trong tôi, đi vào trong ý thức tôi như thế nào? ”. Ngay từ đầu, rõ ràng cả hai đều mang nội dung vô hạn về sự thực hiện những kỳ công tinh thần xứng đáng ngang tầm với những hành động gan dạ của một “Roland nổi giận” [1]. Giống như công tước xứ Florence từng hỏi Ariosto[2] đáng kính: “Này Messer Ludovico, anh học những trò lừa đảo đó ở đâu vậy?”, thì ở đây cũng vậy, người ta có thể hỏi : “Này vị thầy của giảng đường, vị thầy của những điều thử thách và bắt bẻ, ông học những trò lừa đảo đó ở đâu vậy?”.

Đối với nhà sinh học và nhà vật lý thì cách lập luận như sau : —

“ Sự sống đang hiện hữu! Bằng chứng : Tôi, nhà tư tưởng!”. Luật đầu tiên của trò chơi vũ trụ, theo những nguyên tắc khoa học, là : ”Chúa“ không so đo tính toán, cũng như trong thi môn nhảy sào thì cây sào không so đo tính toán. Điều này chấp nhận sự kiện toàn bộ vấn đề tự hiển thị qua hai khả năng : —

(a) Liệu có phải sự sống phát sinh một cách tự phát hay không?

(b) Hay là nó được phát sinh từ vô thủy?

Nếu sự sống sinh khởi tự phát thì nó phải chịu vô số chu kỳ tuần hoàn. Aristotle đã vận dụng sự sinh khởi tự nhiên một cách tài tình, nếu không muốn nói là lạm dụng một cách triệt để. Tuy nhiên, càng thực hiện các cuộc thí nghiệm ta càng biết rằng hễ nơi nào con người tưởng tượng là nơi sinh khởi sự sống mới, thì họ càng phạm những sai lầm nghiêm trọng, — rằng hạt giống sự sống đã tìm đường đi vào với những cái trung bình, và tất cả mọi người càng đi xa khỏi cái generatio spontanea.[3] Thí nghiệm của Pasteur dường như đã tung ra một đòn quyết định. Bất cứ nơi nào sự sống hiện hữu, thì ở đó sự sống chỉ được giả định.

Ngày nay, con người đưa ra ý kiến về khả năng của thuyết sinh khởi tự phát bằng sự cẩn trọng học được từ môn xác suất thống kê. Một nhà sinh học hiện đại biện bạch như vầy : —

“Câu hỏi liệu một tế bào sống có thể được sinh ra từ một vật thể chết hay không, hoặc liệu cái gọi là sinh khởi tự phát có phải là một khả năng hay không, câu hỏi đó không cho phép trả lời theo cách quả quyết phủ định, theo sự hiểu biết hiện nay. Chúng ta buộc phải chấp nhận khả năng đó, mặc dù tất cả các cuộc thí nghiệm đều đưa đến kết quả phủ định”[4]. Bất chấp những kết quả phủ định, sự cần thiết thúc đẩy con người bám vào khả năng của thuyết sinh khởi tự phát vẫn là sự cưỡng bức thực sự quả cảm, mà ngành sinh học gọi là “sự sống” và “tế bào”.

Toàn bộ sự khôn ngoan của ngành sinh học tiến đến câu cách ngôn: Omnis celhila e cellula[5]. Có một vài sự phản bác câu nói này, cũng như phản bác cách phát biểu cho rằng mọi sinh vật đều sinh ra từ một sinh vật khác.

 Tuy nhiên, tại điểm này, ngành địa chất học đã tham dự vào và làm người phá bĩnh bằng cách trưng ra những chứng cứ không thể phản bác về thời kỳ băng hà của địa cầu chúng ta, và thông qua đó, đã dựng lên một giới hạn cho “sự sống”, một giới hạn không thể vượt qua theo quan điểm sinh học về thế giới.

Sự kiện đó, như cái đòn bẩy, đã kích hoạt mọi nỗ lực truyền bá đặc điểm mang tính khoa học hơn cho niềm tin vào thuyết sinh khởi tự phát.

Trong những nỗ lực này, sự trợ giúp chính yếu đã đến từ ngành hóa hữu cơ.

Thành tựu đầu tiên trên con đường “tổng hợp” hóa học về sự sống là chứng minh của Wohler về chất u-rê nhân tạo. Nhưng biến cố này đã bị vượt qua xa đến mức ngày nay người ta chỉ có thể ngoái nhìn lại nó để cho thấy rõ ràng sự tiến bộ đã được thực hiện trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Ngày nay người ta đã bắt đầu nói về khả năng tổng hợp albumin sống.

Đoạn văn sau đây trích từ tác phẩm “On our knowledge of the causes of the phenomena of organic nature“ (Luận về sự hiểu biết của chúng ta đối với những nguyên nhân của hiện tượng trong thế giới hữu cơ) của Huxley có thể được xem như là một ví dụ mẫu về “sự cẩn trọng khoa học” thường có khi người ta làm việc với công việc cực kỳ khó khăn này :

 Sau khi đã chấp nhận rằng có hai bằng chứng có thể chấp nhận được về nguồn gốc sự sống : thứ nhất, nguồn gốc lịch sử như được tìm thấy trong ngành địa chất học; thứ hai, nguồn gốc được suy diễn từ thí nghiệm — trong đó nguồn gốc thứ nhất không làm người ta thỏa mãn, còn nguồn gốc thứ hai thì không được tiến hành, nhà văn viết tiếp : —

 “Để chúng ta có thể tuyên bố rằng chúng ta bất kỳ điều gì về nguồn gốc của tổ chức cơ thể và sự sống bằng thí nghiệm, nhà nghiên cứu cần phải xét đến những chất vô cơ, chẳng hạn như acid carbon, amoniac, nước và muối trong mọi hỗn hợp vô cơ, và có thể tạo chúng thành chất protein, rồi chất protein đó bắt đầu sống trong dạng hữu cơ. Điều đó chưa có ai làm và tôi ngờ rằng còn lâu lắm nơi có người làm. Nhưng sự việc hoàn toàn không giống như ta tưởng; bởi vì những cuộc tìm kiếm của hóa học hiện đại đã cho ta thấy rằng — tôi không muốn nói đến con đường dẫn về nó mà, nếu tôi được quyền nói vậy, chúng đã chỉ ra bảng chỉ đường chỉ đến con đường đưa đến nó.”

Ô agnus dei [6]! Hãy cho mượn một chút sự kiên nhẫn của con cừu của bạn để tôi có thể tủm tĩm cười trước những điều vô lý quá ư rối rắm này, một cái docta ignorantia[7]. Và điều này họ cân nhắc kỹ lưỡng để gọi là vấn đề nan giải bằng “sự cẩn trọng khoa học”! Chẳng khó gì để tỏ ra thận trọng khi mà vấn đề đặt ra chỉ toàn là tưởng tượng. Bởi vì một quý ngài “sự sống” nổi tiếng, mà cơ cấu và tổ chức đã được nhắc đến ở trên, cũng mang tính hiện thực nhiều như quý ngài Table d’Hôte[8] mà nhà nông yêu cầu. Một sinh vật như vậy là hữu hiệu nhất đối với các đề tài khoa học, bởi vì nó chấp nhận được giải quyết mà không cần đến học thức uyên bác. Quousque tandem professores![9]

Không một ai lại phi lý cho bằng nhà vật lý khi nói : “Tôi thấy gió — trong cảnh lá đong đưa vân vân …. Tôi nghe được, ngửi được, cảm nhận được, đo được tốc độ của nó, nhưng lúc này ông ta đang ở đâu, quý ngài Gió nọ?”. Còn nhà sinh học lại tìm cách nói : “Tôi thấy được, nghe được, ngửi được, nếm được, sờ chạm được sự sống, suy nghĩ được về sự sống, nhưng lúc này ông ta đang ở đâu, vị thần xa lạ được gọi là Sự Sống kia?”. Con người hẳn biết rằng các việc thấy, nghe, nếm, sờ chạm, suy tư của bạn là chính bản thân của sự sống — cho dẫu chúng là các trò bịp sinh học. Tìm cách có được nó, như có một người lùn từ các ống nghiệm cổ cong hoặc lồng ấp trẻ sinh non, cũng còn hơn là giao hẳn việc này cho các nhà thơ!

Tôi hoàn toàn không hề có ý định đưa ra một cuộc luận chiến, nhưng hầu như không thể nào đi lọt được qua được bất kỳ nơi đâu bên cạnh sự điên rồ, khi mà nó hóa trang trong vẻ cực kỳ nghiêm trọng và chống lại sự cám dỗ — sự cám dỗ tạo cho nó một lực đẩy thích hợp — để cho đám đông có thể nhận ra gã bù nhìn rỗng tuếch, bằng cách phất cao các mảnh giẻ rách tả tơi. Song rốt cuộc thì vẫn có một ý nghĩa nào đó trong vạn sự, cho dẫu “ý nghĩa” đó đôi khi lại “vô nghĩa”.

Đây là một trong những nỗ lực tạo nên sự hòa hài giữa sự sống — như là “tế bào” với những dữ kiện của địa chất học.

Lực và vật chất không bị hủy diệt, mà chỉ có hình thức là thay đổi. Thế giới thiên văn học phô bày tính vô thủy này dưới dạng biến chuyển vô tận của các thiên thể. Do đó, sự sống hữu cơ cũng phải là vô thủy, không phải như một chất keo đặc nguyên sơ, mà như một cái gì đó được cấu tạo như là tế bào hay một nhóm tế bào. Bởi vậy, vấn đề chỉ còn là giải thích làm sao sự sống tìm được con đường từ cái thế giới già nua mòn mõi để đến được với cái thế giới trẻ trung vừa mới rắn lại từ trạng thái đóng băng.

Lý thuyết này đưa ra một ví dụ điển hình cho thấy tính tương đồng của âm thanh có thể thể che dấu đi sự khác biệt về ý nghĩa như thế nào. Lý thuyết này, giống như đức Phật, cũng dạy về tính vô thủy của sự sống hữu cơ. Nhưng trong khi với đức Phật thì có một hiện thực mới mẻ sinh khởi, như ngọn lửa mới bùng cháy, do sự kiện năng lượng bắt gặp được chất liệu, “kích hoạt” nó bùng lên; thì ở đây chỉ có sự đẩy ngược những dữ kiện một cách lạc điệu để chúng trở nên khả tri với giác quan; mà trong đó, các thiên thạch được dùng như một lọ mứt vũ trụ, và “sự sống” quý giá — ở dạng đã chế biến thành mứt — được chuyển từ thế giới này sang thế giới khác

Một dạng khác của vấn đề này là câu hỏi liệu “sự sống” phát sinh trên trái đất này tại một nơi duy nhất hay phát sinh đồng thời tại nhiều nơi.

Trong tư tưởng đức Phật thì những câu hỏi như thế được xem là hý luận.

 Đức Phật dạy : —

Có vô số thế giới; và giống như khi tại thế giới chúng ta, vạn sự có thể bị hủy hoại bởi hỏa tai hoặc thủy tai, thì các thế giới khác trong không gian cũng thế. Nhưng sự tan rã một sự vật trên trái đất có nghĩa là sự tái tích hợp của một sự vật mới ở một nơi khác; đối với các cõi thế khác cũng vậy. Không có gì bị hủy diệt, không có gì tan biến; mà chỉ có sự thay đổi tại những trung tâm trương độ — chứ không là gì khác. Trái đất, mặt trời, sao Mộc, sao Thiên Lang vân vân … cũng tồn tại như bao thiên thể hoặc các chỉnh thể khác. Giống như ở đây, trong cõi không gian bao la vô tận, có những khối cô đặc dựa trên những trương độ năng lượng nhất định; để cho dễ hiểu và do vì tiến trình vận hành với tốc độ đủ chậm, nên chúng ta gọi chúng bằng các tên như trái đất, mặt trời, sao Mộc, sao thiên Lang vân vân …. Giống như mọi tiến-trình-Tự-ngã tự thân hiện thị trước giác quan tôi, các thiên thể đó chỉ mang một ý nghĩa như là triệu chứng; chúng chỉ là những hình thức biểu thị của những nguồn năng lượng cụ thể.

Trong hệ thống của đức Phật thì không hề có những thứ như là thế giới trong chính nó. Mỗi thế giới chỉ là tổng số những tiến trình tạo ra thế giới đó; giống như một bữa tiệc chỉ là tổng số những thực khách và những thành phần trong bữa tiệc. Các con chim tụ tập thành bầy chỉ vì có một cái gì đó hấp dẫn chúng tụ lại với số lượng lớn; giống như các con quạ tập trung vào các cây xoài hay giống như dung dịch muối kết tinh lại; thì cũng thế, kinh nghiệm đơn nhất này, dù hiển thị dưới dạng hữu cơ hay vô cơ, cũng đều tụ lại thành các nhóm trong vũ trụ theo dạng hình cầu, rồi bùng nổ thành hệ thống các thế giới. Tại đây, ta cần hiểu rõ rằng “vô cơ” không hề có nghĩa trái ngược với “hữu cơ” mà chỉ đơn giản là “phi hữu cơ”, và chỉ ra rằng các nguồn năng lượng tập trung ở đây mà bản thân chúng ta chẳng thể nói được gì về chúng cho dầu bằng phép loại suy[10]. Tuy nhiên, đối với phần còn lại thì tất cả đều tương tự; tất cả đều là sự kết dệt vào nhau giữa năng lượng và chất liệu — tất cả đều là Hành (Sankhāra). Cho dù những tiến trình đó, do bản chất của chúng, trong quá trình phát triển có biến thành ý thức hoặc là không — thì điều đó cũng không tạo nên sự khác biệt tinh yếu nào. Khi đức Phật dạy : “Ta sẽ dạy cho các người về sự sinh khởi của thế giới”, và Ngài tiếp tục như vầy : “nơi nào có con mắt và sắc thì nhãn thức sinh khởi; cả ba kết hợp lại sinh ra xúc; xúc sinh ra thọ”, vân vân …. hoặc khi Ngài dạy : “Nơi đâu có lục thức thì ở đó có thế giới” thì điều này không nên hiểu theo nghĩa triết học duy tâm. Không có thế giới nào sinh khởi ngoài cái thế giới được kinh nghiệm ngay tại sát-na, khi năng lượng và chất liệu đan kết lại trong tôi. Tổng số những kinh nghiệm riêng lẻ này — đó là thế giới. Không hề có thế giới nào khác. Cái sát-na mà hiện tại lên tiếng “Tôi” — thì thế giới sinh khởi, chứ nó không hề sinh khởi ở bất kỳ không gian và thời gian nào trong toàn cõi vũ trụ này. Hiểu theo nghĩa là người ăn, là người tự nuôi dưỡng, tôi là người-tạo-ra-thế-giới theo nghĩa chặt chẽ nhất của từ này. Trong cái thế giới hiện thực này không có sự sinh khởi của cái gì mới lạ. Các trung tâm của trương độ, của xu hướng trôi dạt qua lại, nhô lên chìm xuống giống như những làn sương mù bên trên một hố thẳm sâu thẳm mịt mù — cõi vô thủy hội tụ rồi tán, trong đó không có gì có thể kiên trì tồn tại, ngoại trừ cơn đói khát triền miên. Chính “quy luật” của cuộc chơi khủng khiếp đó diễn ra ở đây. Cõi thế là vận động trường, định mệnh là người chơi, và giải thưởng : không có gì cả!

Trong mối tương quan với sự tụ tán của cõi vô thủy mà nói về tình trạng phát triển lớn hơn hoặc nhỏ hơn thì chỉ là khái niệm của trẻ con. Giống như bàn tay nắm không mở rộng hơn năm ngòn tay xòe, thì cũng vậy, một thế giới trong không gian quy tụ những sinh thể tư duy không mở rộng hơn một thế giới trải rộng trong các đám tinh vân. Vạn hữu chỉ là những giai đoạn diễn tiến trong cõi vô thủy, giờ đây hiện diện trước tôi như những dấu hiệu, nhưng tôi lại ý thức được nó một cách trực tiếp. Thật vô nghĩa khi hỏi rằng có phải các mặt trời và các dải Ngân Hà không có khởi thủy hay không; bởi vì thực ra chúng chỉ là sự biểu hiện những chuyển động qua lại của những nguồn năng lượng. Nhưng cái mà giờ đây tôi đang kinh nghiệm trong ý thức, đó là tự thân cõi vô thủy; và sự tự tụ cùng tự tán của các thế giới chỉ là hiện tượng chức năng diễn ra đồng thời của tính vô thủy của cái Tôi.

Nếu giờ đây cái Lokadhātu — hay hệ thống thế giới — như thế bị hủy biết, thì đây chỉ là, theo bản chất của nó, tổng số những sự hủy diệt đơn lẻ. Nghiệp của từng pháp diễn ra trong vũ trụ tại nơi nó có thể diễn ra, và do đó phải diễn ra. Những nguồn năng lượng hiện thực diễn ra trực tiếp, không phụ thuộc vào không gian và thời gian. Không cần phải theo dõi đường đi của chúng từ các thiên thạch và những đám tinh vân trong vũ trụ, từ thiên thể này sang thiên thể khác; điều đó giống như việc theo dõi một lá thư từ nơi gới đến nơi đến; nhưng giống như tư tưởng chúng ta mang tính trực tiếp, không phụ thuộc vào không gian và thời gian, như tình yêu của chúng ta có thể “nắm bắt” được những điểm xa xôi ở tận cùng trái đất, thì cũng vậy, Nghiệp trực tiếp nắm bắt, không phụ thuộc vào không gian và thời gian, trong những hố thẳm xa xăm viễn tuyệt trong cõi vô tận vô biên, thậm chí đến những nơi xa hơn cả ngàn năm ánh sáng, để rồi từ đó vươn ra xa theo xu hướng của chúng.

Từ một vị trí tót vời của một quan niệm như thế, ta thấy ngay rằng vũ trụ luận của đức Phật không phù hợp với những tư tưởng thô thiển của chúng ta về thiên văn học. Không phải lúc nào cũng “loài lông vũ luôn tụ tập thành đàn”, mà trên không vẫn có những kiều dân cô độc, những sinh vật quý phái rẽ cảnh bay một mình qua khoảng trời xanh; cũng vậy, vũ trụ luận của đức Phật đề cập đến những sự vật cô độc muốn sống biệt lập cách ly ngay từ lúc khởi thủy của một thế giới mới. Sau khi hệ thống các thế giới bị phá vỡ, các thế giới lại bắt đầu hình thành, bằt đầu lộ diện ở đó đây; khi các nguồn năng lượng xảy ra ở đó đây vì chúng có thể xảy ra, thì các sinh thể xuất hiện như là những tạo vật của ánh sáng thuần túy, tự chiếu sáng, tràn đầy lạc phúc, giống như chúng ta thuộc về thế giới này, chỉ khác nhau về hoàn cảnh và điều kiện ban đầu của năng lượng.

 Người ta có thể đọc điều này trong bản giao hưởng tư tưởng hoành tráng của Dgha Nikāya (Trường bộ kinh). Chính vì thế mà tinh thần lên tiếng, cái tinh thần phá vỡ những rào chắn của những khái niệm bị áp đặt và tự do bay vào những cõi bao la vô tận, nơi mà tư tưởng không hề thấy đâu là biên giới, ngoài những biên giới mà nó tự đặt ra cho chính mình.

 Để kết luận, tôi xin tóm tắt như sau : —

Giống như mọi vấn đề khoa học khác, vấn đề này cũng mang tính biện chứng. Người ta đang vận hành với một thực thể là “thế giới” và một thực thể là “sự sống”, rồi sau đó cố gắng nối kết một cách tuyệt vọng chúng lại với nhau sao cho dễ hiểu. Trong cách xử lý đơn giản những ý tưởng như thế, chúng ta tự cắt đứt mình ra khỏi mọi giải pháp khả thi. Không hề có thực thể nào là “thế giới”, cũng không hề có thực thể nào là “sự sống” cả. Chỉ có những tiến trình tự duy trì, nghĩa là những tiến trình vô thủy tụ hội đó đây thành những hệ thống thế giới mà thôi. Nếu chúng ta nắm bắt toàn thể thế giới này như là Hành (Sankhāra) thì không có vấn đề vũ trụ luận nữa. Thế giới và sự sống tồn tại như là sự hợp nhất từ vô thủy của “tiến trình hóa”.

 Với tư cách là một giả thuyết hữu hiệu, tư tưởng đức Phật đem lại được gì cho chúng ta?

Tư tưởng đức Phật giải thích căn nguyên vì sao sự sống dường như có một điểm khởi thủy trong thế giới. Bởi vì thực sự có một khởi thủy như thế, và điều này đã được chứng minh bằng lịch sử lẫn địa chất học. Tất cả điều này quá hiển nhiên không có gì để tranh cãi : chỉ có cách giải thích là sai lầm mà thôi. Sự khởi thủy đó giống như cách xem ngọn suối tuôn trào từ một tảng đá là khởi nguồn của một con sông. Chỉ có điểm khởi nguồn tại nơi nào chúng ta vật thể hóa con sông như là một thực thể. Nếu khoa học tìm cách giải thích khởi thủy của sự sống theo quan điểm sinh khởi tự nhiên, thì nó chẳng khác nào một kẻ xem con suối bắt nguồn từ chính tảng đá. Nếu khoa học cứ xem sự sống khởi đầu từ những thế giới khác thì nó cũng chẳng khác gì người đành lòng chấp nhận con suối, như một đối tượng trừu tượng đã được vật thể hóa, bắt nguồn từ những nơi nào khác. Chỉ trong tư tưởng đức Phật thì khởi thủy của sự sống mới được lĩnh hội theo một vũ trụ luận chân thực, như là một vở kịch của những tấn tuồng thế giới. Nó không phải là sự di trú của “con suối” được hình thành đầy đủ, tức là những nguyên tố tạo thành con suối từ hơi khí quyển và nước đại dương, mà là sự tự chuyển dịch của những trung tâm năng lượng. Tương tự như vậy, nó không phải là sự di trú của những nguyên-tố-của-sự-sống từ nơi này đến những thế giới khác mà là sự tự chuyển dịch của những trung tâm năng lượng, điều đó khiến cho sự sống tái sinh khởi trên thế giới. Ở đây, nói về sự khởi thủy như thế, và do đó dẫn đến hiện trạng lớn nhỏ khác nhau, cách nói đó mang giá trị như cách nói về hiện trạng lớn nhỏ khác nhau của các đại dương, của hơi khí quyển, hoặc của ngọn suối trên đồi.

Những cái được coi là chân lý đối với vấn đề di truyền trong khoa học còn đúng hơn nữa đối với vấn đề vũ trụ : nó nhoàn toàn mang tính chất Hebrew.


[1] Roland là vị anh hùng người Pháp, rất  được ca ngợi trong các bài hát thời Trung cổ . Ông được xem là người bảo vệ đạo Cơ Đốc. Ông tử trận tại  Roncesvalles năm778, trong trận đánh với dân du mục Saracen. 

[2] Ariosto (1474-1533) là thì sĩ Ý, nổi tíếng về bộ sử thi  Orlando Furioso (Orlando nổi giận) (1516) mô tả lại những cuộc phiêu lưu của Charlemagne và  Orlando.

[3] Thuyết sinh khởi tự phát  hay tạo sinh tự phát,  bắt nguồn từ thời cổ đại, chủ trương sự vật vốn đã tự hiện hữu ở khắp mọi nơi, như chúng đang hiện hữu .

[4] G.v. Bunge, Physiologie, i. p. 361. [P.D]

[5] Tiếng La tinhh trong nguyên tác có nghĩa là: “Mọi tế bào đều sinh ra từ một tế bào đầu tiên.”

[6] Tiếng La tinhh trong nguyên tác, có nghĩa là “Con cừu của Chúa”,   một trong những danh hiệu được gán cho Chúa Jesus. Thành ngữ này ám chỉ vai trò của Chúa Jesus như là con cừu bị hiến tế để cứu chuộc mọi tội lỗi của trần gian, theo thần học Thiên chúa giáo.

[7] Tiếng La tinhh trong nguyên tác, có nghĩa là “sự ngu xuẩn bác học”.

[8] Tỉềng Pháp trong nguyên tác có nghĩa là “cơm phần”, “một suất cơm”.

[9] Tỉềng La tinhh trong nguyên tác có nghĩa là “Cho tôi hỏi : còn bao lâu nữa, thưa các ngài giáo sư!”

[10] Xem lại luận IX [P.D].

Thảo luận