Trong tiếng Việt ta, đôi khi chỉ cần dịch chuyển vị trí dấu “,” hoặc dấu “.” thôi là nội dung câu văn đã khác hẳn, thậm chí ý nghĩa còn bị đảo ngược hoàn toàn.
1. Chắc hẳn ai cũng biết câu khẩu hiệu dùng để vận động phong trào sinh đẻ có kế hoạch “Mỗi nhà có hai con, vợ chồng hạnh phúc.” Cánh đàn ông tinh nghịch lại đổi thành “Mỗi nhà có hai con vợ, chồng hạnh phúc.” Câu nguyên bản chưa biết có thể thực sự đem lại hạnh phúc hay không, nhưng câu “hiệu đính” chắc chắn sẽ dẫn đến cảnh nhà cửa tan hoang! Một câu nữa thường được hai phe nam, nữ sử dụng để “phản pháo” nhau. Cánh nam giới hùng hồn tuyên bố : “Đàn bà không có đàn ông, họ sẽ chẳng là gì cả.” muốn ca ngợi vị trí “duy ngã độc tôn” của phe mày râu. Nhưng cánh phụ nữ cũng chẳng vừa, chỉ cần chuyển vị trí dấu phẩy là họ đã tung ra một cú “hồi mã thương” còn ác liệt hơn cả đòn “đà đao”của Quan Công trong Tam Quốc Chí : “Đàn bà không có, đàn ông họ sẽ chẳng là gì cả.” Từ vị trí đỉnh cao, cánh đàn ông bị rơi tỏm xuống đáy theo dấu phẩy, bị xếp vào hạng “ăn theo”!
Trong văn chương Việt Nam cũng có một giai thoại tương tự bằng tiếng Hán. Nguyễn Hữu Cầu (1712–1751), tức quận He, là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài vào giữa thế kỷ 18. Triều đình sai Phạm Đình Trọng đem quân đánh dẹp. Tương truyền có lần hai bên đối trận, Trọng ra vế đối sai người đưa cho Cầu như sau: “Thổ triệt bán hoành, thuận giả thượng, nghịch giả hạ. 土 徹 半 橫,順 者 上, 逆 者 下。” (nghĩa : Chữ thổ cắt một nửa nét ngang, thuận thì ở trên, nghịch thì ở dưới.) Nguyên chữ “thổ 土” nếu bỏ đi một nửa nét ngang, để xuôi thì thành chữ “thượng 上” (ở trên), để ngược lại thì thành chữ “hạ 下” (ở dưới). Chữ “thổ” ở đây cũng hàm ý là lãnh thổ, đất nước. Câu này có ý doạ Cầu nếu thuận theo triều đình thì sẽ được cất nhắc làm quan, còn chống lại thì sẽ bị tiêu diệt. Hữu Cầu viết thư đối lại rằng : “Ngọc tàng nhất điểm, xuất vi chúa, nhập vi vương. 玉 藏 一 點, 出 為主, 入 為 王。” (nghĩa : Chữ ngọc chứa một điểm, đem ra thì làm chúa, đưa vào thì làm vua.) Nguyên chữ “ngọc 玉” có một dấu chấm (điểm) bên trong, đem dấu chấm để lên đầu thì thành chữ “chúa 主” (chúa tể), còn bỏ đi thì thành chữ “vương 王” (vua). Ý nói mình mang chí lớn nên quý như viên ngọc, chẳng làm chúa thì cũng làm vua chứ không chịu hàng.
Đúng là những giai thoại “chỉ xê dịch một dấu phẩy” vô cùng lý thú trong văn chương.
2. Hơn thế nữa, do tiếng Việt còn các thanh nên đôi khi không cần phải thêm hay xóa ký tự, mà chỉ cần thêm vô một dấu nặng, dầu huyền hoặc một dấu gạch ngang là cũng đủ để chữ nghĩa đảo lộn oái ăm. Cho nên có biết bao giai thoại lý thú do chuyện đọc nhầm những tin nhắn tiếng Việt không dấu.
Hẳn ai cũng biết hai câu thơ chơi chữ nổi tiếng của Hồ Xuân Hương : “Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc, Phận liễu sao đà nảy nét ngang?” nói về người phụ nữ chưa có chồng sao lại mang thai. Chữ “thiên 天” là trời, nhô đầu lên thì thành chữ “phu 夫” là “chồng”; chữ “liễu 了” nếu thêm một nét ngang thì thành chữ “tử 子” là “con”. Thực ra chữ “liễu 了” này chỉ có nghĩa là “kết thúc, kết liễu”, chứ không dính dáng gì đến “liễu” dùng để chỉ phụ nữ trong “liễu yếu đào tơ”, “tấm thân bồ liễu” v.v… cả. Chữ “liễu” dùng để chỉ đến hình tượng phụ nữ đẹp (thường là ca kỹ, gái thanh lâu) là chữ “liễu 柳,” tức cây liễu. Ở đây “Bà Chúa thơ Nôm” đã chơi chữ bằng cách sử dụng hiện tượng đồng âm dị nghĩa trong tiếng Hán, và chỉ bằng một nét chữ.
3. Trường hợp thêm một nét vào để đổi hẳn ý nghĩa, như trong tiếng Việt, thì trong tiếng Hán cũng có nhiều giai thoại. Ở đây người viết xin kể hai giai thoại liên quan đến một nét đứng trên đầu chữ.
Có anh chàng học trò đến tìm gặp ông nhà giàu họ Ngưu . Ông này không chịu tiếp mà cho người nhà ra nói rằng ông không có nhà. Anh chàng này bèn viết chữ ngọ 午 thật lớn trên cổng rồi bỏ đi. Có người thắc mắc hỏi anh chữ đó có ý nghĩa gì. Anh ta cười bảo : “Có gì đâu, đó chỉ là con trâu không chịu ló đầu ra ấy mà!” Nguyên chữ “ngọ 午” (giữa trưa) mà kéo dài thêm nét đứng thì thành ra chữ “ngưu 牛” (con trâu). Con trâu mà không ló đầu thì thành ra “ngọ”, đúng quá còn gì!
Một giai thoại khác, có anh chàng nọ đến chơi nhà bạn. Anh bạn chủ nhà không muốn tiếp, nên nấp trong buồng và sai con ra bảo rằng mình vắng nhà. Anh khách biết tỏng là chủ nhà trốn trong buồng nhưng muốn chọc chơi, nên lấy sách ra ngồi đọc để chờ. Trong cuốn sách anh ta đọc có câu : “Tử trung bất ngữ chân quân tử, Tài thượng phân minh đại trượng phu.” (Uống rượu vào mà không nói là bậc quân tử chân chính, chuyện tiền bạc mà phân minh, rạch ròi mới đáng mặt đại trượng phu.) Anh chàng đọc đến câu này, đến ba chữ “đại trượng phu” bèn vờ đọc thành “đại trượng thiên” và cứ ngâm nga lớn lên nhiều lần. Anh chủ nhà nằm trong buồng nghe anh kia đọc sai mãi, mới bực mình, bèn chồm đầu ra nói :
– Ông dốt vừa vừa chứ, chữ đó mà đọc là “thiên” à? “Trượng phu” chứ “trượng thiên” gì!
Anh chàng kia lúc đó mới vờ nhìn chăm chú vào cuốn sách, và cười bảo:
-À ! Thì tại mãi đến bây giờ tui mới thấy nó chịu ló cái đầu ra !
4. Nhà vật lý nổi tiếng William Thomson (sau này là Lord Kelvin) là giáo sư môn triết học tự nhiên tại Đại học Glasgow trong khoảng năm mươi năm. Có lần, ông không thể lên lớp nên lấy phấn ghi thông báo trên cánh cửa phòng với nội dung đơn giản như sau: “Professor Thomson will not meet his classes today.” (Giáo sư Thomson sẽ không gặp các lớp của mình hôm nay.” Các sinh viên đọc xong thông báo, liền tinh nghịch xóa chữ “c” của “classes” thành “lasses” (những tình nhân), nên câu đó có nghĩa là “Giáo sư Thomson sẽ không gặp những cô bồ của mình ngày hôm nay.”
Ngày hôm sau, khi những kẻ chơi khăm tập hợp lại để dự đoán về hiệu quả trong trò đùa của họ, nhưng tất cả đều bật ngữa khi thấy giáo sư còn cao tay hơn họ nữa. Hóa ra ông đã tương kế tựu kế, xóa tiếp chữ “l” trong chữ “lasses” thành “asses” (những con lừa.) Thông báo bây giờ có nghĩa là : “Giáo sư Thomson sẽ không gặp các con lừa của mình ngày hôm nay.” Đúng là vỏ quít dày thì có móng tay nhọn.
Thảo luận