Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

09.Phật giáo và vấn đề vật lý

Dù có đem giáo lý về Nghiệp của đức Phật đặt trước mặt một nhà vật lý thì ông ta cũng gạt bỏ nó đi với những lời phản bác :

– Sự chuyển tiếp tức thời mà không được chứng minh trong không gian và thời gian đều là khả năng di chuyển siêu nhiên. Khả năng di chuyển siêu nhiên chỉ là sự kiện của đức tin. Do đó, đạo Phật cũng chỉ là một tôn giáo của đức tin như bao tôn giáo khác vậy thôi. ”

Những người mang đầu óc khoa học có lẽ sẽ đồng tình với cách suy nghĩ này. Từ đó mà suy, nếu Phật giáo muốn đóng một vai trò trong đời sống trí thức thì nó phải giải đáp được các câu hỏi sau.

Lời giải đáp đại khái có thể như sau :

Hiện thực hiển lộ tự thân lúc nào, tại đâu và theo cách nào, thì điều đó cũng không có nghĩa gì khác hơn điều này : sự hoạt động đang hiện hữu. Bởi vì hiện thực là sự hoạt động, là cái đang tác động, là chính năng lực thực hiện. Tuy nhiên, hiện thực lại cho chúng ta thấy rằng hoàn toàn không có gì ràng buộc nó phải diễn ra như thế này thế khác. Như vậy thì do đâu mà khoa học lại cao ngạo buộc hoạt động của hiện thực phải diễn ra theo một thể cách nào đấy trong một quỹ đạo cố định?

 Đòi hỏi một chiều của khoa học, buộc mọi hoạt động phải mang tính hòa giải và có thể chứng minh được trong không gian và thời gian, điều đó có lẽ phát xuất từ thái độ của khoa học đối với giới tự nhiên.

 Khoa học chỉ có thể tồn tại ở nơi nào có sự nhận thức của giác quan, nghĩa là ở nơi nào có cái để đối chiếu so sánh.

Sự đối chiếu so sánh chỉ có thể thực hiện ở nơi nào mà sự vật được sắp xếp sao cho vấn đề năng lượng hiện thực có thể bị bỏ qua. Bởi vì mọi năng lượng đều là cái đặc thù duy nhất, không thể so sánh đối chiếu, như ý thức của tôi đã chứng minh điều đó cho tôi.

Việc bỏ qua vấn đề năng lượng hiện thực chỉ có thể thực hiện trong một thế giới các phản ứng. Ở đây, có thể, và do đó là hợp lệ, xem mọi tiến trình như một cái gì đó hoàn chỉnh và bất biến, như một sản phẩm và xử lý nó một cách tương thích. Mọi nhà vật lý đều biết rằng cái cân của một người bán thực phẩm, cho dù hôm nay được kiểm tra độ chính xác đến từng miligam, thì ngày mai nó sẽ không giống như hôm nay được nữa. Tuy nhiên, chúng ta phải thỏa hiệp với hiện thực và xem như chúng là như nhau. Đối với tất cả mọi mục đích thực tiễn thì như vậy là đủ, và được phép. Ở đây, người ta hoàn toàn không nhắm đến một thế giới luận, mà chỉ tìm cách cân đo đong đếm để thỏa mãn các nhu cầu cụ thể.

 Sự thỏa hiệp với hiện thực – xem sự vật như một cái gì đó hoàn chỉnh và bất biến – đã cưỡng ép chúng ta phải chấp nhận sự đồng nhất, và cùng với sự đồng nhất đó là sự vận hành của mọi hoạt động tinh thần. Nhà vật lý tự điều chỉnh thích nghi với ý tưởng về “cố thể” của mình.

 Cố thể, trong sự nhận thức thế giới dưới quan điểm vật lý, không thể được tìm thấy ở nơi nào ngoài hiện thực. Nhà vật lý được biện minh trong việc sử dụng ý tưởng này, chừng nào ông ta còn lợi dụng được nó để theo đuổi các mục tiêu của mình, nghĩa là trong việc tiên lượng và tiên đoán.

Quan điểm tái tạo hiện thực của khoa học tập trung vào việc nhập chung sự “chuyển động” như giác quan cảm nhận và “năng lượng” lại thành một, xem như là các yếu tô tương quan về luận lý. Những gì đáp ứng lại năng lượng bên cạnh sự chuyển động sẽ không tìm thấy được trong thế giới tái tạo hiện thực của các nhà vật lý. Ở đây chuyển động chính là năng lượng.

Dưới hai điều kiện tiên khởi – xem sự vật như là những “cố thể” và xem sự chuyển động như là chính năng lượng — toàn thể tấn tuồng thế giới tự thân phơi bày ra trước giác quan; và mọi tác động đều là cái gì đó mang tính hòa giải, có thể theo dõi được trong không gian và thời gian.

Song những sự chuyển động được giác quan cảm nhận lại không phải là chính năng lượng hay các “cố thể”, trong sự nhận thức thế giới dưới quan điểm vật lý, mà là hiện thực.

Sự chuyển động được giác quan cảm nhận không phải là năng lượng, mà nó chỉ là bằng chứng cho thấy năng lượng đang hiện hữu.

Khi hai khối điện từ, được đặt trong hai vị trí tương quan với nhau, chuyển động theo đường tròn thì điều đó không có nghĩa những chuyển động vòng tròn đó là chính năng lượng, mà nó chỉ có nghĩa rằng năng lượng đang hiện hữu, và năng lượng đang tự chứng minh sự hiện hữu của mình bằng cách tạo ra một hiệu quả như thế.

Khi một suối phun tung nước lên từng giờ thì không có nghĩa rằng hoạt động đó là năng lượng, mà điều đó chỉ có nghĩa rằng năng lượng đang hiện hữu trong hoạt động như thế.

Sự kiện trái đất chuyển động quanh mặt trời không biểu hiện bản thân năng lượng, mà nó chỉ có nghĩa rằng năng lượng đang hiện hữu trong sự chuyển động đó.

 Chuyển động không phải là chính năng lượng, mà chỉ là sản phẩm phụ được sinh ra bởi hai hệ thống năng lượng tác động vào nhau. Sản phẩm phụ này sẽ hiển lộ tự thân tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện đi trước đó, lúc thì theo đường tròn, khi theo theo đường ellipse, lúc khác thì lại chuyển động đều v.v…

Trong bản chất tinh yếu của nó, sản phẩm phụ này — tức là sự chuyển động được giác quan cảm nhận — đáp ứng một cách hoàn toàn và trọn vẹn với bóng tối. Giống như bóng tối không mang một ý nghĩa gì ngoài việc chứng minh ánh sáng hiện hữu — nó chỉ là một sản phẩm phụ của hai hệ thống năng lượng, một cái cho và một cái nhận — thì cũng thế, “chuyển động” chỉ chứng minh rằng năng lượng đang hiện hữu. Nó chỉ là sản phẩm phụ của hai hệ thống năng lượng mà thôi.

Điều tuyệt đối cần thiết cho một nhà tư tưởng là cần gán ý tưởng này vào bản chất nội tại của mọi chuyển động. Giống như hiếm khi ta có thể rút ra kết luận về ánh sáng từ bóng tối, ngoài sự kiện rằng ánh sáng hiện hữu — thì cùng thế hiếm khi ta có thể rút ra được kết luận gì về năng lượng từ các chuyển động, ngoài sự kiện chúng đang hiện hữu. Bản thân năng lượng hoàn toàn không thể tiếp cận. Cho dù được truyền đi một cách trực tiếp hay gián tiếp thì sự kiện “chuyển động” đó vẫn không cung cấp cho chúng ta bất kỳ một thông tin nào.

Tại đây, các nhà vật lý sẽ bảo : “Thí nghiệm cho tôi thấy chuyển động được truyền gián tiếp, cho nên tôi có thể chặn đứng được năng lượng trên đường vận hành của nó tại bất kỳ điểm dừng trung gian nào do tôi chọn; và do đó có thể vạch ra đường đi của nó trong từng bước trung gian”

Song đây là một kết luận sai lầm thô thiển.

 Đúng hơn, giả sử tôi có một thỏi nam châm và một cây kim thì tôi có chặn đứng được từ lực tại bất kỳ điểm dừng trung gian nào do tôi chọn; và do đó có thể xây dựng một “quỹ đạo” cho năng lượng, cho bản thân tôi. Song một “quỹ đạo” như thế không là gì khác, mà chỉ là một giới tuyến giả tạo được tạo nên từ những phản ứng tức thời tại mỗi thời điểm, mà sự tương tục của nó không mang tính hiện thực hay có sức sống, mà chỉ được thiết lập trên vô số những thời điểm manh mún và vụn vặt.

 Nhà vật lý lại có thể phản bác :

“Chúng ta có thể đo lường tốc độ một cách chính xác, trong đó năng lượng tự truyền đi, chẳng hạn như khoảng thời gian cần thiết để ánh sáng truyền đến chúng ta từ sao Mộc”.

Song đây cũng lại là một kết luận sai lầm thô thiển.

 Dĩ nhiên bàn thân của sự kiện thì không có gì để bàn cãi. Nhưng khoảng thời gian được nhắc đến ở đây không đại diện cho tốc độ truyền của bản thân năng lượng, mà nó chỉ cho chúng ta biết năng lượng đã bị trì hoãn bao lâu trên đường đi; không kể có nhiều các điểm dừng hay không và thời gian tại mỗi điểm dừng là bao lâu. Khoảng thời gian mà nhà vật lý đo được không cho tốc độ truyền của năng lượng, mà chỉ cho khoảng thời gian mà năng lượng không truyền đi.

Tương thích với điều này là sự sai lệch của những thuật ngữ vật lý thông dụng. Các nhà vật lý gọi bản thân năng lượng bằng các tên ánh sáng, nhiệt v.v… Nhưng ánh sáng không phải là chính năng lượng mà chỉ là sự chỉ định cho những năng lượng mãi mãi nằm ngoài tầm lĩnh hội của chúng ta.

 Nhưng một lân nữa, tôi muốn lưu ý đến sự kiện rằng: thể cách quan niệm sự vật như là các “cố thể”, chuyển động như là chính năng lượng đều hoàn toàn hợp lệ đối với các nhà vật lý chừng nào họ còn là các nhà vật lý. Nó chỉ trở nên bất hợp lệ khi nó tìm cách được công nhận như là một thế giới luận ở bên ngoài lĩnh vực của các phản ứng, nghĩa là khi nó muốn “đọc” những tiến trình hiện thực bằng những lược đồ tương tự. Bởi vì lúc này sẽ nảy sinh yêu cầu về bản chất của khoa học rằng mọi hoạt động của nó phải hiển lộ được tính hòa giải và có thể theo dõi được trong không gian lẫn thời gian.

 Điểm bất hợp lệ trong khái niệm này phát khởi từ sự kiện khoa học tự truy vấn mình bằng một vấn đề nan giải — đó là khả năng di chuyển siêu nhiên.

 Nếu ta quan niệm sự vật như là những “cố thể” theo nghĩa vật lý, và nếu trên quan niệm đó, người ta lại khăng khăng muôn dựng lên một thế giới luận, thì người ta phai giải quyết bài toán : “Làm thế nào một tác động có thể diễn ra được giữa hai cố thể tách biệt? “.— một câu hỏi liên quan với ý tưởng cho rằng mọi tác động do va chạm tạo ra, cho dù đó là va chạm cực nhỏ, đều hiện ra trước tư tưởng dưới hình thức chuyển động siêu nhiên. Nói khác đi, các hiệu quả được tạo ra ở bất cứ nơi nào, song ta không thể giải thích được chúng được sinh ra như thế nào.

Tính nan giải của vấn đề này không phải do ở sự vật mà do ở suy tư, điều đó có nghĩa đây là vấn đề mang tính biện chứng thuần túy.

Khi bắt đầu từ quan niệm xem “cố thể” như là một chỉnh thể tự đồng nhất với chính nó, người ta tự cắt đứt mất khả năng giải thích thể cách tương tác giữa các sự vật. Trong tư tưởng, người ta cắt lìa sự vật ra khỏi mối liên kết tự nhiên của chúng, và dùng ý niệm để khăng khăng giữ chặt lấy chúng trong sự cô lập giả tạo. Khi tôi biến sự vật thành một “cố thể” thì không có một lực nào trong thế giới có thể di chuyển nó đến tiếp xúc với một sự vật khác, cũng không có một lực nào trong thế giới có thể truyền được chuyển động đến một hình ảnh phản chiếu của chính mình. Giống như một chuyển động như thế chỉ có thể được sinh ra thông qua sự chuyển động của một đối tượng được phản chiếu; thì cũng thế, sự tiếp xúc giữa các sự vật, phát khởi từ người quan sát, chỉ xảy ra khi anh ta từ bỏ những quan niệm sai lệch và lĩnh hội hiện thực trong nguyên tánh của nó, nghĩa là sự hội tụ vĩnh viễn để tiếp xúc lẫn nhau. Thực ra, hiện thực chỉ là sự truyền đi từ sự vật này sang sự vật khác, nghĩa là tiến trình. Hiện thực không chỉ thuần túy là khả năng tính, như khoa học đang cố công thuyết phục chúng ta – vì nếu thế thì trước hết cần phải giải thích làm thế nào mà những khả năng tính này lại có thể biến thành hiện thực— mà hiện thực là tiềm năng, và do đó, tại mọi điểm, nó chính là sự tự hiện thực.

 Nếu như hiện thực được hiểu đúng, thì câu hỏi về hoạt động giữa các sự vật diễn ra thế nào tự nó mất hết ý nghĩa. Hiện thực được xem là chính hoạt động này chứ không là gì khác. Ta không thể đi đến nơi ta đang có mặt, và không có gì có thể trở thành cái mà ta đang là.

Khi khoa vật lý, và cùng với nó là toàn bộ nên khoa học, nêu ra yêu cầu rằng mọi hoạt động đều phải có khả năng được theo dõi một cách gián tiếp trong không gian và thời gian, thì nó đã tự loại trừ bản thân ra khỏi yêu cầu này. Bởi vì, trong mọi trường hợp và trong lĩnh vực riêng biệt của nó, tất cả các hoạt động đều phải được đọc như là khía cạnh đặc biệt của khả năng di chuyển siêu nhiên. Song cần lưu ý rằng các khái niệm đó, nghĩa là hoạt động và năng lực di chuyển siêu nhiên, không phải là cái gì tự thân tồn tại mà chúng chỉ sự hình dung bằng tinh thần những chức năng của khái niệm giả tạo về “cố thể”. Nơi nào vắng mặt khái niệm này, nơi nào không có hoạt động tiếp xúc cũng không có năng lực di chuyển siêu nhiên, thì ở nơi đó toàn thể vũ trụ — được xét như là tổng thể của mọi tiến trình đốt cháy — chính là hoạt động, song nó lại không nói cho chúng ta biết hoạt động xảy ra như thế nào, và hoạt động này là gián tiếp hay trực tiếp.

Hoạt động diễn ra như thế nào, điều đó bao giờ có thể được lĩnh hội bằng cách quan sát các phản ứng, cho dù người ta có kiên trì theo dõi với sự chính xác cao đến đâu đi nữa; mà nó chỉ có thể được xác định khi nào người ta đã quen thuộc với bản thân năng lượng.

 Trong mọi thế giới chỉ có một nguồn năng lượng duy nhất luôn mở ra cho chúng ta tiếp cận, đó là nội lực cố hữu của riêng tôi mà ý thức tôi nhận thức được. Như vậy, câu hỏi bản thân hoạt động diễn ra thế nào có thể không bao giờ được giải đáp bằng phương pháp quy nạp : mà nó chỉ có được thể ngthiệm mà thôi.

 Khi người ta yêu cầu một học giả ở Ceylon minh họa cách thức Nghiệp chuyển từ kiếp này sang kiếp khác, thì ví dụ về thầy và trò được sử dụng nhiều nhất. Giống như trong việc giảng dạy, xung lực kích thích được truyền từ thầy sang trò với những hiệu quả còn lưu lại nơi người học trò suốt cả đời, thì sự chuyển tiếp của Nghiệp cũng thế.

Và ngay ở đây chúng ta bắt gặp một điều nằm ngay sát bên mình, do nằm quá cận kề nên một người bình thường không để ý chi nhiều. Không có gì lạ lùng đối với chúng ta hơn là hiện thực – nghĩa là không có gì lạ lùng đối với chúng ta hơn chính chúng ta!

Thật vậy, cuộc sống trong toàn thể, như đã diễn ra trong suốt dòng chảy của nhân loại, luôn là trường hợp của sự thực thi (effectuation) trực tiếp như thế. Tất cả hiện thực tính đều có tính chất trực tiếp : chỉ có sự tái tạo hiện thực mới mang tính gián tiếp. Bất kỳ nơi nào tôi đang sống trong hiện thực, thì tôi đều đứng giữa những sự thực thi trực tiếp như thế, như là lời nhạo báng mọi tính toán của khoa học.

Khi hai đôi mắt gặp nhau và nảy sinh ra cái mà ta gọi là tình yêu hay căm ghét — nếu như điều đó xảy ra — thì đó là trường hợp của sự chuyển giao trực tiếp giữa hai hệ thống năng lượng. Mọi hình thức kích động tinh thần, mọi mối thiện cảm và ác cảm của chúng ta; sự hiểu biết giữa người và người, giữa người và vật; sự mật khải vô ngôn; sự bộc bạch giữa chồng và vợ; sự gắn bó giữa mẹ và con;— tất cả mọi thứ đó đều là những sự thực thi trực tiếp. Mỗi khả năng mà người này ra lệnh cho người khác, hay người này tuân lệnh người khác; mọi khả năng của cuộc sống trong cộng đồng loài người hay quần thể loài vật; mọi khả năng giáo dục đều bắt nguồn từ những sự thực thi trực tiếp như thế. Nhưng chính nỗ lực để liệt kê chúng thường làm phát sinh ý tưởng lầm lẫn rằng chúng là những ngoại lệ. Không phải thế đâu! Tất cả mọi sinh thể đều thông tri cho nhau một cách trực tiếp. Trong những sự thực thi trực tiếp này, chúng ta sống, di chuyển và tồn tại. Nhưng thông qua sự nắm bắt sự vật dưới dạng tái tạo hiện thực, mà khoa học đã khắc sâu trong trí não, thì nhận thức về hiện thực của chúng ta đã trở nên què quặt và cùn nhụt đến mức chúng ta không còn dám nhận thức hiện thực đúng như nó đang hiện hữu; chúng ta thậm chí không biết vì sao lại thế, song lại sẵn sàng nhận ra chúng như là thế, chỉ khi nào chúng ta có thể xử lý chúng trong hệ thống cân đo đong đếm bằng hạt, bằng mét, bằng giây.

Mọi sự suy tư và cảm xúc còn tự nhiên nguyên vẹn đều đi theo con đường của những sự thực thi trực tiếp. Ý tưởng về ma thuật, cái ý tưởng không bao giờ bị triệt hạ hoàn toàn mà một phần nhỏ vẫn còn sống sót đến tận ngày nay trong hình thức của Sympathiekuren [1], chỉ là ý tưởng mang tính bản năng về tính tất yếu của sự thực thi như thế. Nhà quí tộc ở Capernaum[2] hẳn phải cười ầm lên khi một vị giáo sư X. nói với ông ta : “Khi ngài nói với gia nhân ‘Hãy làm cái này!’ và anh ta làm theo lệnh, thì đối với ngài, đó là điều hoàn toàn tự nhiên. Nhưng xét cho nghiêm túc, điều đó chỉ dựng lên những vấn nạn không thể vượt qua, xét từ quan điểm của sự giải thích chính xác theo khoa học.” Đặc quyền lớn trong thời đại của chúng ta là lắng nghe, và dần trở nên sợ hãi, những điều phi lý sâu xa tương tự, chỉ vì chúng ta đã đánh mất khả năng nhận thức hiện thực, chỉ vì do sự cố chấp và uy quyền, mà nhờ đó khoa học đã có thể thống trị bằng quan điểm tái tạo hiện thực, rốt cuộc chúng ta đi đến chỗ tin một cách nghiêm túc rằng trong hiện thực, trong những sự việc như ăn uống thì thủ tục cần thiết để thực hiện chúng cho đúng bài bản là cẩn thận đếm một, hai, ba!

Khoa học bôi trơn mọi sự thực thi trực tiếp, tức “điều huyền mật”, và chối từ nghỉ ngơi cho đến khi nào nó trừ tuyệt được những ý tưởng tương tự. Nhưng điều huyền mật không phải là cái mà khoa học hiểu bằng các thuật ngữ; bởi vì đối với nó thì điều huyền mật chỉ là thứ phi khoa học. Chính hiện thực là điều huyền mật. Tách rời khỏi hiện thực thì không có gì là huyền mật cả, bởi vì chỉ có hiện thực, cho dù người ta có nắm bắt nó tại đâu đi nữa, mới lăn ngược vào ánh hoàng hôn của cõi vô thủy. Cõi vô thủy là điều huyền mật và ý thức của tôi chính là điều huyền mật. Điều huyền mật không có chi là huyền mật cả. Bởi vì nếu nó xảy ra thì nó là quy luật; còn nếu như nó không xảy ta thì chỉ đơn giản là vì nó không phải là quy luật!

Tác động trực tiếp của con người lên con người – điều này cho tôi thấy năng lượng hoạt động như thế nào. Khi ánh mắt của tôi “khêu gợi” được người khác, thì năng lượng kích thích đó tác động trực tiếp chứ không bắt buộc phải thông qua môi trường trung gian. Thật ra, người ta vẫn cố gắng đọc sự kiện này dưới quan điểm cơ học, giải thích nó trong hình thức rung động tâm lý, những sóng ête[3] tinh tế nhất; và tại đây, khoa học cùng các học thuyết thần trí thông linh và đủ các loại huyền học sẽ cùng đề huề nắm tay nhau sánh bước. Song không nhất thiết phải là ánh mắt, giọng cười hay một cái gì mang tính tích cực mới làm cảm động được lòng người. Đôi khi sự yên lặng hay sự thất bại lại gây được những cảm xúc tâm lý cực kỳ ấn tượng. Tuy nhiên, khó lòng giải thích được điều này, hiểu theo nghĩa là sự truyền sóng, ngay cả đối với những nhà xây dựng giả thuyết táo bạo nhất.

Mà nó là vậy đấy! Những gì tự nhiên nhất lại là những gì xa lạ nhất đối với chứng ta. Giống như trường hợp của “ý thức”, đây cũng là trường hợp của sapere aude! Đơn giản là chúng ta chỉ phải học lại cách dám nhận thức hiện thực đúng như nó đang hiện hữu, đúng như những gì diễn ra tại nơi nó có thể diễn ra và phải diễn ra.

Khi tình yêu nảy nở giữa hai người, điều đó có nghĩa là sự hòa điệu độc nhất đã thắng thế. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là năng lượng truyền đi một cách trực tiếp. Trước hết, không cần phải vật lộn với các phân tử không khí hay ête : nó chỉ tồn tại tại vị trí nó tác động và nó chỉ tác động ở nơi nào có sự hòa điệu.

Đây là cách thức vận hành của năng lượng hiện thực. Cách này không thể chứng minh bằng quy nạp : nó chỉ có thể được thể nghiệm bằng trực giác. Chính kinh nghiệm này giúp chúng ta hiểu cách thức hoạt động của Nghiệp. Và chỉ do vì chúng ta trượt ra khỏi cuộc sống hiện thực để sa vào cuộc sống tái tạo hiện thực của khoa học mà giáo lý về Nghiệp mới trở nên xa lạ và không còn tự nhiên đối với chúng ta nữa.

Đối với những người chưa từng trải qua kinh nghiệm này thì giá trị của trực giác chỉ được đánh giá theo mức độ mà nó phục vụ, theo nghĩa là một giả thuyết hữu hiệu.

Ở đây tư tưởng đức Phật phục vụ được gì?

Thứ nhất : —

Nó giúp chúng ta “đọc” được cả hai loại chuyển động, phi hữu cơ lẫn hữu cơ, sự rơi cũng như sự diễn tiến, từ một điểm nhìn chung.

Nơi nào mà toàn bộ tấn tuồng thế giới là tổng số của những tiến trình tự duy trì thì sự tồn tại chính là sự hoạt động; và sự tồn tại đơn giản của hệ thống năng lượng, của hệ thống Nghiệp có vẻ như là nó được cảm nhận bởi những hệ thống khác, và tự duy trì mình để đối kháng lại các hệ thống đó. Hiện thực rất háu ăn : con người tự bản chất là kẻ ham ăn.

Nơi nào có nhiều hệ thống năng lượng thì chúng đối kháng lẫn nhau. Nơi nào có hoạt động thì nơi đó có các phản ứng tương ứng, dưới hình thức của những chuyển động mà giác quan cảm nhận được.

Ở đây, các chuyển động này chỉ có nghĩa là năng lượng đang hiện hữu và hoạt động theo các tình huống và điều kiện có trước.

Khi hai người vật lộn kéo nhau theo đường tròn, điều này hoàn toàn không có nghĩa là ở trong hai người đó năng lượng đang tồn tại dưới một dạng đặc thù; mà nó chỉ có nghĩa là năng lượng đang hiện hữu, giống như chuyển động tròn của hai cực điện từ cho thấy rằng năng lượng đang hiện hữu. Ở đây, chuyển động cũng chỉ là một sản phẩm phụ, giống như trường hợp bóng mờ đối với ngọn đèn và không gì khác. Khi một cánh hoa hé nở dưới ánh nắng mặt trời, khi con rắn bò ra ngoài ánh sáng, khi con sâu bò trên chiếc lá, khi con thiên nga vỗ cánh bay vút ngang trời, khi con chó táp cục thịt, khi tôi nhấc cánh tay lên, nằm xuống, ngồi dậy hay làm việc này việc nọ — thì mọi chuyện cùng đều như thế. Tất cả những điều này chỉ chứng minh một điều rằng các hệ thống năng lượng đang hiện hữu, và trong quá trình hoạt động và phản ứng lại các hệ thống năng lượng khác, chúng sinh ra sản phẩm phụ. Trong cách hiểu “chuyển động” như là bóng mờ của năng lượng thì toàn bộ tấn tuồng thế giới, hữu cơ cũng như vô vơ, chết cũng như sống, tái tạo hiện thực cũng như hiện thực, đều chấp nhận được đọc theo một cách như nhau.

Thứ hai : —

Trong cuộc chiến chống lại “năng lực di chuyển siêu nhiên”, khoa học giống như một người diễn thuyết hùng hồn trước đám đông về sự giác ngộ, nhưng trong ngôi nhà chính mình lại bị ma ám.

“Ông ba bị” của khoa học chính xác là lực hấp dẫn; và nó như muốn ném tung mọi sự chính xác bay theo gió, bởi vì ngay cả nhà vật lý cũng không thể trình bày nó cho chính bản thân mình ngoài cách xem như nó hoạt động độc lập với thời gian.

Trong tư tưởng Phật giáo, sự độc lập với thời gian này cho phép được ”đọc” không một chút khó khăn, bởi vì ở đây nó chỉ là sản phẩm phụ được sinh ra do sự tác động giữa hai hệ thống năng lượng, mà giá trị năng lượng biến thiên theo mỗi bên. Khi tôi dịch chuyển ngọn đèn mà không xét tới những đối tượng được chiếu sáng, thì chuyển động của bóng tối diễn ra như một sản phẩm phụ độc lập với thời gian. Tương tự như vậy, cái mà chúng ta gọi là lực hấp dẫn cũng chỉ là sản phẩm phụ độc lập với thời gian, cho ta biết rằng sự thay đối đang diễn ra trong mối tương quan năng lượng giữa hai hệ thống-thế giới.

Thứ ba :—

Tư tưởng Phật giáo cung cấp cho ta cách đọc khái niệm không gian và thời gian.

 Không gian và thời gian chỉ có thể được xem như là cái gì đó tự tồn tại trong chính nó tại những nơi mà người ta làm việc với các “cố thể” theo nghĩa vật lý, những nơi mà người ta thao tác với các đồng nhất thể. Những “cố thể” như thế cần đến một khoảng không gian để chuyển động, và do đó, khoa vật lý đã khách thể hóa hoàn toàn quan niệm về không gian, đến nỗi nó không ngần ngại khi cố gắng xác định độ cong của không gian. Hơn thế nữa, những “cố thể” như thế đòi hỏi đến thời gian như là cái gì mang tính khách quan để vượt qua không gian. Có thể nói thời gian khách quan và không gian khách quan biểu thị tọa độ trong hệ thống “cố thể” giả tạo, như các nhà vật lý hình dung. Nếu người ta không làm việc với các “cố thể” đó mà, như một triết gia, lại làm việc với các sự vật được xem như là “sự biểu hiện “ thuần túy – chẳng hạn như Kant đã làm— thì thời gian và không gian từ đối tượng thuần túy khách quan phải trở thành đối tượng thuần túy chủ quan— nghĩa là những hình thức tri giác tiên nghiệm (a priori), mà cách nhìn này cũng sai lầm như cách kia!

Xa lìa cả hai cực đoan, đức Phật chỉ ra chân lý bằng con đường giữa”. Câu kinh được trùng tuyên nhiều lần này áp dụng vào sự xung đột giữa các mặt đối lập, ở khắp mọi nơi cũng như ở đây. Hiện thực không có các mặt đối lập. Nó là thể thống nhất của các mặt đối lập. Và ở bất cứ nơi nào sự đấu tranh giữa hai mặt đối lập diễn ra thì nó cho thấy rằng cả hai mặt đối lập đó đã xoắn chặt vào nhau trong những vấn đề giả (pseudo-problems) mang bản chất thuần túy biện chứng. Người nào đi tìm chân lý có thể dựa vào điều này như một quy luật phổ quát không có ngoại lệ : hễ nơi nào các mặt đối lập thì nơi đó có thuyết bất khả tri! Từ đó dẫn đến một điều là không thể có giải pháp từ một khía cạnh của sự vật, mà chỉ từ một khía cạnh của tư duy, trong việc hiệu chỉnh những gì mà tinh thần chúng ta đã giả định.

 Do đó, nó cũng ở đây.

Khi tấn tuồng của thế giới hiện thực được hiểu như là tổng số những tiến trình đốt cháy, thì thời gian và không gian là những đối tượng không mang tính thuần túy khách quan và cũng không mang tính thuần túy chủ quan, mà thuộc về cả hai, đó là sự Biến Dịch, như vạn hữu. Chúng phát khởi trong sự thực thi của Tiến-trình-Tự-ngã đối với thế giới ngoại tại, ở bất cứ nơi nào có những điều kiện tiên khởi sao cho chúng có thể và phải hiển lộ tự thân. Cũng vậy, thức phát khởi trong sự thực thi của Tiến-trình-Tự-ngã đối với thế giới ngoại tại ở bất cứ nơi nào mà những điều kiện tiên khởi được điều chỉnh sao cho thức có thể và phải hiển lộ tự thân.

Cũng thế đối với giáo lý về Nghiệp và ý nghĩa của nó đối với các đòi hỏi của nền vật lý hiện đại.

Sự truyền giao trực tiếp không mâu thuẫn với hiện thực, mà chỉ mâu thuẫn với những tiên đề giả tạo của khoa học. Những gì mang tính hiện thực đều mang tính trực tiếp. Vì lý do đó, sự truyền giao của hiện thực trong thời gian và không gian là điều phi lý, bởi vì thời gian và không gian, trước hết và trên hết, là những chức năng của hiện thực, là những hình thức kinh nghiệm, không bao giờ được tạo ra để phục vụ như là mức độ của kinh nghiệm này.


[1] Tiếng Đức trong nguyên tác có nghĩa là “Phương pháp chữa bệnh bằng cảm xúc”.

[2] Thành phố được nhắc tới trong kinh Thánh, ở trên bờ biển Galileo, tồn tại khoảng từ 150 trước C.N đến năm 750 sau C.N, hiện nay chỉ còn là phế tích.

[3] Ête (tiếng Anh: ether hay aether) là một khái niệm trong  vật lý,  từng được xem như là môi trường phi vật chất lấp đầy toàn bộ không gian, giúp lan truyền chuyển động của  sóng điện từ.  Thí nghiệm Michelson-Morley về vận tốc ánh sáng đã bác bỏ giả thuyết về sự tồn tại của môi trường ête này.

Thảo luận