Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về một nhân cách có ý nghĩa vĩ đại nhất trong đời sống tinh thần của nhân loại, sau đây là những ghi chú về cuộc đời của đức Phật và thời đại của Ngài.
Phật pháp là lời dạy của đức Phật, hay người ta thường vẫn nói là chư Phật. Từ “Phật” không phải là tên gọi riêng mà là danh xưng dùng để chỉ những người có những năng lực tinh thần, nó có nghĩa Đấng Giác Ngộ.
Theo kinh điển thì có vô lượng chư Phật. Đức Phật cuối cùng mà chúng ta được biết trong danh sách vô lượng chư Phật là đức Phật Thích Ca. Họ của Ngài là Siddhattha (Tất Đạt Đa). Ngài xuất thân từ bộ tộc Sakyas cổ xưa, là bộ tộc nổi tiếng về sự kiêu dũng, và do đó thuộc về đẳng cấp võ sĩ. Bởi vậy đôi khi Ngài còn được gọi là “Sakyaputta”, có nghĩa là hậu duệ của bộ tộc Sakyas, hay “Samana Gotama”, có nghĩa là sa môn dòng Gotama.
Ngài sinh tại Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ),kinh đô của một tiểu quốc ở miền Bắc Ấn Độ, thuộc biên giới của Nepal ngày nay. Năm 1898, người ta đã tìm ra ngôi mộ của Ngài ở Piprava, tại một chân đồi trong khu rừng rậm ở Hy Lã Lạp sơn được gọi là Terai.
Ngày sinh và ngày mất của Ngài vẫn chưa thể xác định. Song sẽ không quá sai nếu đặt cuộc đời hoạt động của Ngài vào khoảng 500 năm trước Công nguyên. Như vậy, có thể Ngài lớn tuổi hơn người đương thời của mình là Heraclitus ở Ephesus[1] xứ Hy Lạp và trẻ hơn Lão Tử ở Trung Hoa.
Ngài mất vào năm 80 tuổi, sau gần 50 năm vân du khắp nơi để hoằng pháp. Tất cả những lời dạy của Ngài được kết tập trong Tam tạng kinh điển, bằng ngôn ngữ Pali. Đó có phải là tiếng mẹ đẻ của đức Phật hay không vẫn còn là vấn đề tranh cãi giữa các học giả châu Âu và của cả Ấn Độ.
Bầu không khí tinh thần khi đức Phật xuất hiện có thể được tóm tắt như sau :
Một lần nữa, chủ đề chính trong bản giao hưởng định mệnh của người Ấn lại được diễn tấu lại theo vô số các biến khúc khác nhau. Đó là chủ đề “Đời là bể khổ”. Song đối với người Ấn cổ đại thì câu nói “Đời là bể khổ” không phải là câu nói hời hợt như chúng ta hiểu ngày nay; nó cũng không phải là trò chơi lạnh lùng của tư tưởng như ta thấy trong những hệ thống triết học. Đó là một thực tại tàn nhẫn mà con người tìm cách thoát ra khỏi bằng tất cả năng lực của sự hy sinh, bằng quyết tâm sâu sắc, bằng lòng nhiệt tình mà những kẻ hời hợt thờ ơ như chúng ta hiện nay không sao hình dung nỗi.
Ấn Độ vào thời đức Phật có vô số những giáo phái cùng những nhà tu khổ hạnh phải vật vã với những ẩn ngữ của kiếp nhân sinh. Song họ chỉ vật vã với chúng khi họ cảm nhận được nỗi thống khổ của cuộc đời.
Nhiều người con của những gia đình quyền quý lìa bỏ gia đình để đi tìm chân lý, trong những khu rừng Ấn Độ hoang vu đáng sợ hoặc trong các tu viện. Giống như sau này người ta đổ xô đi tìm miền đất hứa thần tiên El Dorado, thì thuở đó người ta đi tìm chân lý cũng vậy. Song việc đi tìm chân lý thuở đó ở Ấn Độ đều quy kết về một điểm chung : đó là tất cả các cuộc tìm cầu chân lý đều dẫn về tự ngã. Song không giống như người Hy Lạp cổ đại tự vắt kiệt sức mình bằng những cuộc tranh luận hoa mỹ mang tính hùng biện và bằng sự rèn luyện về biện chứng pháp trong cuộc đấu tranh đi tìm chân lý, người Ấn Độ lại dùng toàn bộ sinh lực để tìm hiểu tự ngã trong những nơi cô tịch.
Chính giữa đám đông những người tìm cầu chân lý đó, chàng trai trẻ Siddhattha đã xuất hiện. Dù cha mẹ khóc thương, dù con ngoan vợ đẹp, “chàng trai trẻ tóc đen, đẹp như hoa giữa loài người” đó vẫn lìa bỏ cung điện, nơi mà chàng đã sống một cuộc sống phù hoa vương giả, để cạo bỏ râu tóc, khoác y vàng mà bước vào cuộc đời khắc nghiệt của một nhà tu khổ hạnh. Chính sức mạnh của tư tưởng mới đưa được Ngài ra đi. Ngài nhìn thẳng vào những cảnh phù du của cuộc sống, vào những cảnh khổ não gây ra bởi cơn lũ của những hình tướng hư ảo giữa trần gian mà ta không sao nằm bắt được và không sao cưỡng lại nỗi. Ngài xoay con mắt tinh thần nhìn vào bên trong, quyết tâm tìm cho ra, trong tận cùng sâu thẳm của tự ngã, những gì mà thế giới ngoại cảnh đã khước từ Ngài. Sự chân thực đối với bản thân, sự nghiêm trang trong việc tìm cầu không nề hậu quả, kiến giải chân chính về thực tại, đó là nền tảng mà trên đó một câu nói tầm thường vô vị nhất trong mọi câu nói “ Chư pháp vô thường” đối với Ngài đã trở nên lời dạy duy nhất, mà chỉ có Ngài mới có đầy đủ thẩm quyền để tuyên bố : “Đó là chánh pháp”.
Trong các bài kinh tụng của tu sĩ Phật giáo có câu : “Pháp duy nhất mà đức Phật tìm ra”. Chỉ có một vài từ, song đây chính là những gì mà đức Phật đã dạy. Tôi không muốn nói rằng lời dạy của đức Phật là giáo lý hoằng đại nhất và thâm áo nhất trong tất cả các giáo lý. Hoằng đại, như học thuyết của Heraclitus về vạn hữu biến dịch; thâm áo như học thuyết của Vedanta về Tất cả là một trong Brahman; song lời dạy của đức Phật còn hơn thế nữa : nó mang tính thực tiễn. Thông qua điều này, nó cho thấy rằng chỉ có tính thực tiễn mới có được sức hấp dẫn thực sự như vậy mà thôi. Bởi vì chỉ có một điều lôi cuốn thực sự, đó là chân lý; và chỉ có một điều thực hữu duy nhất, đó là tính thực tiễn.
Thông qua những chân lý thực tiễn mà Phật pháp đã chinh phục được một nửa thế giới, không phải dùng lửa và thanh kiếm, mà để chân lý tự chinh phục bằng sự chứng minh và bằng những lời rao giảng. Đến giờ đây, hơn hai ngàn năm trôi qua, Phật giáo đã đứng vững trước những cổng trụ của nền văn hóa phương Tây, và nó đang lên tiếng yêu cầu được hội nhập, không phải hội nhập vào trong một đám mây mù mịt của chủ nghĩa thần bí mơ hồ hay chủ nghĩa phiếm thần thô thiển, mà hội nhập vào một lĩnh vực suy tư thuần tịnh và trong sáng, như là sự hoàn thiện của một thứ mà ta không thể đạt được nếu không có nền khoa học. Sự nhận thức, thế giới quan – mục tiêu của mọi sinh hoạt tinh thần – vốn bị khoa học biến thành không tưởng trong sự ngộ giải về nhiệm vụ của mình, thì giờ đây đã được đức Phật giải quyết trong giới hạn một cách thiên tài.
Bất cứ ai, nếu chỉ có thể nghe thoảng được pháp vị của Phật pháp từ xa, hẳn đều cảm nhận được rằng Ngài đã làm một điều gì đó hoàn toàn độc sáng. Mọi tôn giáo cũng như mọi hệ thống triết học và khoa học đều có thể đặt cái này cạnh cái kia, nhưng đạo Phật sẽ đứng riêng tại một vị trí độc lập. Song không phải như là những phản đề. Phật pháp là những lời dạy về cái hiện thực, mà hiện thực thì không có phản đề, bởi vì nó là sự hợp nhất mọi phản đề. Đức Phật nắm bắt hiện thực ngay tại chỗ mà nó có thể bị nắm bắt : đó là tự ngã. Tại nơi đây, Ngài đã tìm ra được một định luật huyền mật, một ẩn ngữ thiêng liêng.
Tất cả những tôn giáo nào dựa trên sự mặc khải thì dứt khoát đều mang bản chất chuyển đổi mạnh mẽ. Phật giáo là sự tiến hóa thuần túy, một tiến trình của sự phát triển tinh thần, mà trong đó có thể nói rằng tư tưởng đạt đến cực điểm và tiếp tục hoạt động với những tín hiệu đảo ngược. Sự đảo ngược mọi giá trị trong cuộc sống đã đặt ra một quan điểm mới, từ đó kéo theo sự đấu tranh thoát khỏi cảnh luân hồi, vốn mơ hồ đối với chúng ta, như là một điều tất yếu về luận lý. Từ đó, chân lý không còn là nô bộc của cuộc sống nữa mà cuộc sống là nô bộc của chân lý. Giống như ngọn nến tự thân hiển lộ qua chính nó bằng cách tự đốt cháy mình, thì cũng thế, tự ngã tự thân hiển lộ qua chính nó bằng cách tự làm tiêu hao mình trong suy tưởng. Đức Phật không phải là người thương yêu nhiều nhất, mà là người tư duy nhiều nhất.
Nội dung đầy đủ của vấn đề này sau này ta sẽ tìm hiểu, còn giờ đây cần phải chuẩn bị cho độc giả những điều tiếp theo. Hãy để cho độc giả hiểu rằng ngay từ đầu anh ta đã bước vào lĩnh địa của một người không đi tìm cuộc sống mà đi tìm chân lý, một người xem cuộc đời không có một giá trị tự thân nào mà chỉ là công cụ để tìm cầu chân lý. Đối với những người muốn khám phá những ẩn ngữ của cuộc sống, mà trên bước đường tìm cầu lại đặt cuộc đời vào một chỗ an toàn như là giá trị bất khả xâm phạm, tôi cho đó là những kẻ tìm cầu chân lý đáng thương.
Kết hợp với nhau trong đam mê, sắp đặt mọi thứ một cách thông minh để đảm bảo sự thành công trong việc duy trì nòi giống và nuôi dưỡng chăm lo thế hệ trẻ, những điều này các con vật đều có thể làm; sự sắp đặt để sống thành bầy đàn của loài vật còn khéo léo hơn con người nhiều lắm; song về khả năng nghi ngờ, khả năng tra vấn và tìm cầu thì ngay ở loài vật phát triển nhất ta cũng chỉ có thể nhận thấy những dấu hiệu mơ hồ.
Nghi ngờ là nhiệm vụ của con người, và đức Phật là mẫu người tiêu biểu nhất của nhân loại, bởi vì Ngài là kẻ nghi ngờ. Những con người bình thường như chúng ta thực ra cũng có nghi ngờ điều này điều nọ và có không ít tự kiêu về năng lực phán đoán của mình, song không một ai trong chúng ta vượt xa hơn những dấu hiệu nghi ngờ. Đức Phật là người duy nhất nắm chặt được trọn vẹn người chủ ngay tận gốc rễ, người chủ của mọi sự nghi ngờ, của mọi vấn đề và luôn biến đổi vô thường, rồi bằng sự can đảm thiên tài, Ngài tra hỏi cái quyền tồn tại của chính cuộc sống. Độc giả nên ghi nhớ kỹ điều này, nếu không thì đối với họ tư tưởng Phật giáo vẫn là cái gì lạ lẫm và đáng sợ.
Đến đây, tôi xin chuyển sang một câu chuyện ngoài lề, song lại là điểm quan trọng trong việc giới thiệu thế giới tư tưởng của đức Phật.
Phật giáo không chỉ là một trong ba tôn giáo lớn nhất trên toàn cầu, mà còn là một trong ba tôn giáo có nguồn gốc Aryan.
Ý nghĩa của sự kiện này, đối với tôi, không phải là vấn đề chủng tộc mà là vấn đề ngôn ngữ. Dù ngôn ngữ mà đức Phật dùng để thuyết pháp, dạy dỗ và tư duy có phải là ngôn ngữ Pali hay không, hay chỉ là một ngôn ngữ liên quan với nó, thì ngôn ngữ đó vẫn thuộc về ngữ hệ Indo-German. Ngữ căn, cấu trúc văn phạm đều giống với các ngôn ngữ Âu châu. Không cần nói thêm cũng thấy được mối quan hệ ràng buộc giữa chúng ta với đức Phật sâu xa như thế nào. Sinh hoạt tinh thần này chỉ có thể hòa lẫn với sinh hoạt tinh thần khác thông qua trung gian của ngôn ngữ. Nếu không có sự hòa hợp giữa hai ngôn ngữ thì sẽ không hòa hợp trong tư tưởng. Chúng ta biết các học giả châu Âu đã gặp vô vàn khó khăn ra sao mới có thể hội nhập được vào thế giới tư tưởng Trung Hoa. Ngay cả về sau này vẫn còn có thể tranh luận về chủ đề liệu người Trung Hoa có khái niệm về thần tính hay không. Chẳng hạn đến hôm nay, mọi dịch giả đều có thể công khai giải thích Lão Tử như là “người được thần hứng” (god-inspired man) – trích theo một dịch giả Ki tô giáo – hoặc như là một người tự do trong lĩnh vực tư tưởng.
Có thể nêu thêm một điều tương tự, song ít chắc chắn hơn, có liên quan với ngữ hệ Semitic. Ai có thể nói được liệu một người gốc Indo-German có thể hiểu được ngôn ngữ Semitic đúng như những sa mạc vùng Judea hay Ả-Rập đã khai sinh ra nó hay không. Những điểm nghịch lý và những điều rối rắm trong tư tưởng, mà người Indo-German thường gặp phải khi họ cố gắng tìm cách hiểu được ngôn ngữ này, đã cho thấy điều đó. Có thể nói rằng một ngôn ngữ Semitic thuần túy chỉ có thể được tiêu hóa trọn vẹn nhờ vào sự trợ giúp của một ngôn ngữ gốc Semitic mà thôi. Cách tư duy của người Indo-German, hay đúng hơn là của ngôn ngữ Indo-German, đã chỏi với sự thô thiển trần trụi này ngay từ đầu. Đối với chúng ta, cách nói và cách suy tư của người Aryan, một tôn giáo mà hậu quả luận lý tự nhiên của nó là đưa đến một thuyết tiền định lạ lẫm thì rốt cuộc chỉ là một điều gớm giếc về đạo lý, do đó không thể trở thành tôn giáo hoặc chỉ là một điều gì đó bị hiểu lầm.
Mặt khác, tôi cũng muốn đề cập đến sự khập khiểng trong lĩnh vực tri thức mà tư tưởng Phật giáo phải chịu tại Tây Tạng, Trung Quốc và Nhật Bản, không kém gì sự khập khiểng giữa ngôn ngữ Indo-German với ngôn ngữ Mông Cổ. Ngôn ngữ Mông Cổ không thể nào phát âm chuẩn xác các âm tiết trong ngôn ngữ Pali được.
Phật pháp là giáo lý về hiện thực, do đó ngôn ngữ của nó – tức ngôn ngữ Pali – xét về nội dung thực tiễn, là ngôn ngữ đứng đầu trong mọi ngôn ngữ.
Tương tự như việc một mặt ta nhìn vào các hiện tượng trong cuộc sống chẳng hạn các tiến trình, những điều thực tế, những sự vật sống động; và mặt khác lại nhìn chúng như là những sự vật tự thu gọn trong chính nó, rồi tùy theo tâm trạng mà nhận ra các đặc tính chiếm ưu thế trong từng trường hợp, thì cũng thế, ngôn ngữ này nhấn mạnh về tính thực tiễn, ngôn ngữ kia lại nhấn mạnh đến cái thực hữu, hay mục tiêu. Ngôn ngữ này chủ động, ngôn ngữ kia chủ tĩnh.
Một ngôn ngữ có đặc điểm chủ tĩnh nổi bật là ngôn ngữ La tinh; do đó điều được xét đến hàng đầu là không thể tìm được một ngôn ngữ nào có thể thay thế nó trong corpus juris [2] trong các định nghĩa. Trái ngược hoàn toàn với tiếng La tinh, Pali là một ngôn ngữ có đặc điểm nổi bật là tính thực tiễn. Những điểm có vẻ như là sự vi phạm về luận lý, mà các học giả phương Tây thường dùng để gán cho đức Phật với ít nhiều thiện ý, xuất phát từ nội dung thực tiễn này. Nội dung này một mặt phân biệt được ngôn ngữ, và mặt khác phân biệt được sự tư duy. Trong hiện thực không có gì được định nghĩa và không có gì có thể định nghĩa được. Mọi định nghĩa đều là sự dung hòa với thực tiễn và được nắm bắt như thế bởi những người tư duy thực sự.
Chính việc y cứ vào nội dung hiện thực trong đạo Phật và ngôn ngữ của nó, mà trong đó có rất nhiều cách diễn tả rất khó lòng hoặc không thể nào dịch cho chính xác được. Trong ngôn ngữ cũng vậy, một tiến trình xơ cứng diễn ra từ từ khiến chúng ta ngày càng có thêm nhiều khả năng về định nghĩa, song lại kém đi khả năng lĩnh hội được hiện thực. Ở đây, rõ ràng chúng ta hoàn toàn vướng vào một cái vòng lẫn quẩn tồi tệ. Chúng ta tự hào về khả năng định nghĩa của mình, và hình ảnh của tự thân sự vật mà chúng ta nắm bắt qua sự trau chuốc định nghĩa đó. Song trong những trường hợp như thế, chúng ta đã tung ra một cái cầu vồng tư tưởng cao vòi vọi bên trên sự vật, cho phép chúng ta nhảy từ điểm này đến điểm khác mà không một lần chạm được đầu ngón chân vào hiện thực. Không hiếm những người trong giảng đường và phòng thí nghiệm “tự cho mình là Caesar khi áp đặt các định nghĩa lên trên sự vật, lên trên hiện thực”. Theo cách này thì những ẩn ngữ của cuộc sống được giải quyết một cách gọn ghẽ và hoàn hảo bằng các định nghĩa, nên rốt cuộc ta cũng không phải ngạc nhiên chi lắm trước những ẩn ngữ của cuộc sống mà phần lớn chỉ nằm trong các định nghĩa.
Vạn sự trong thế giới được
cấu tạo theo thể cách khái niệm và đối tượng tách biệt nhau : khái niệm chấp
nhận được “xử lý” tách rời khỏi đối tượng. Và theo một nghĩa nào đó, mọi sinh
hoạt tinh thần đều vươn đến mức độ cố gắng ép khái niệm và đối tượng ăn khớp
vào nhau, một sự cố gắng vĩnh viễn thất bại, bới vì tự đánh mất mình trong
những chuỗi dài vô tận. Chỉ có một thứ được cấu tạo theo thể cách khái niệm và
đối tượng không tách biệt nhau : đó là cái
Tôi hay Tự Ngã! Đối với cái mà Tự
ngã ngỡ nó là, hoặc thậm chí nó thực sự là, thì mọi nỗi lực muốn khái niệm hóa
đó cũng chính là tự ngã. Tự thân Tôi là cái độc nhất, chỉ riêng tôi mới có thể
với đến được, đó là cái hiện thực thuần túy trong cõi thế. Phật pháp là giáo lý về cái hiện thực. Nó khởi đầu bằng cái hiện
thực thuần túy của cõi thế, và từ điểm xuất phát đó bắt đầu đưa toàn bộ tấn
tuồng thế giới, không có ngoại lệ, vào trong cơn xoáy tư duy của nó. Và với
điều này, ta bắt gặp chính tư tưởng Phật giáo.
[1] Triết gia Hy Lạp cổ đại, chủ trương vạn hữu luôn biến dịch.
[2] Tiếng La tinh trong nguyên tác, chỉ tập hợp các chế định về luật. Ở đây tác giả nói đến nói Tập hợp các chế định luật dân sự Corpus Juris Civilis, một trong 100 công trình có ảnh hưởng sâu rộng nhất thế giới. Corpus Juris Civilis là nguồn vô cùng quý giá để từ đó có thể hiểu được lịch sử và nội dung của Luật La Mã.
Thảo luận